Truyện này chứa đựng câu tôi đã trích dẫn vài lần, "mở miệng nói tức là đã rơi vào trùng ngôn" - đố các bác tìm được câu ấy trong bản dịch dưới đây của An Lý :p (mỗi bản dịch là một khả thể văn bản, nằm trên một giá sách ở một căn phòng lục giác nào đó ở tầng nào đó của Thư viện Babel này hehe).
Thư viện Babel
By this art you may contemplate the variation of the 23 letters…
The Anatomy of
Melancholy, part. 2, sect. II, mem. IV.
Vũ trụ (người khác thì gọi là Thư viện) bao gồm một số lượng
không xác định - cũng có thể là vô hạn - những gian phòng hình lục giác, chính
giữa mỗi gian có một giếng thông gió khổng lồ có hàng rào thấp bao quanh. Đứng
từ mỗi phòng lục giác đều thấy được các gian trên và dưới chạy mãi về vô cùng. Mỗi
gian đều bài trí cùng một lối không đổi. Hai mươi giá sách chạy kín các mặt
phòng, mỗi mặt năm ngăn, chừa lại hai mặt; chiều cao của giá sách bằng tường
và cao hơn người thủ thư trung bình chút ít. Một trong hai mặt trống mở ra sảnh hẹp dẫn
sang gian liền kề, cũng giống hệt gian trước và mọi gian khác. Hai bên sảnh là
hai buồng con bé xíu. Một buồng làm chỗ đứng ngủ, buồng kia giải quyết các nhu
cầu thiết yếu. Sảnh còn có cầu thang xoắn, đổ xuống và vươn lên đến tít tắp.
Trong sảnh đặt một tấm gương sao chép trung thực hình ảnh soi vào. Nhiều người lấy
đó suy ra Thư viện chẳng phải vô tận (vì nếu không tạo ra ảo giác nhân đôi mà
làm gì?); tôi lại ưa nghĩ rằng bề mặt sáng bóng ấy vừa biểu hiện, vừa hứa hẹn
cái vô cùng… Nguồn sáng lấy từ một thứ quả hình cầu được gọi là đèn. Mỗi gian lục
giác có hai quả đặt đối nhau. Chúng phát sáng yếu nhưng không bao giờ tắt.
Cũng như tất cả mọi người trong Thư viện, tôi đã chu du rất
nhiều thời trẻ; tôi lên đường kiếm tìm một cuốn sách, có thể là cuốn ca ta lô
tuyệt đối; nay mắt tôi không còn giải mã được chữ tay mình viết ra, tôi sắp chết
chỉ cách gian lục giác nơi mình ra đời vài dặm. Tôi chết rồi, sẽ không thiếu
bàn tay sùng đạo quẳng tôi qua rào; mồ của tôi sẽ là không gian vô đáy, xác tôi
sẽ lao xuống mãi mãi rồi phân hủy và tan rã trong luồng gió sinh ra từ cú rơi,
cú rơi vô hạn. Tôi khẳng định Thư viện lớn vô biên. Các nhà duy tâm cho rằng lục
giác là hình dạng tất yếu của không gian tuyệt đối, hoặc ít nhất là cảm nhận trực
quan của chúng ta về không gian ấy. Họ lập luận với căn phòng hình tam giác hay
ngũ giác thì không thể hình dung được. (Các nhà thần bí thì nói khi xuất thần họ
thấy một căn phòng hình tròn chứa cuốn sách hình tròn khổng lồ, gáy sách tròn
chạy kín một vòng tường; nhưng lời chứng của họ rất khó tin mà ngôn từ thì tối
tăm. Cuốn sách tuần hoàn ấy là Chúa.) Trước mắt hãy chỉ cần dẫn lại phát biểu cổ
điển: Thư viện là một hình cầu mà tâm điểm
chính xác là bất kỳ hình lục giác nào, còn đường kính là không thể đạt đến.
Mỗi mặt tường trừ hai mặt trong gian lục giác có năm ngăn giá sách; mỗi ngăn chứa ba mươi hai cuốn đồng dạng về khuôn khổ; mỗi cuốn có bốn
trăm mười trang; mỗi trang bốn mươi dòng; mỗi dòng tám mươi ký tự màu đen. Gáy
sách cũng có chữ, nhưng những chữ này không miêu tả cũng không báo trước nội
dung viết bên trong. Tôi biết sự không ăn khớp ấy vẫn từng được coi là một bài
toán bí ẩn. Trước khi đi vào tóm tắt đáp án (bất chấp những hệ quả bi thảm kéo
theo, phát hiện ra đáp án ấy vẫn là sự kiện lớn nhất trong lịch sử), tôi xin được
điểm lại vài tiên đề chính.
Tiên đề thứ nhất: Thư viện tồn tại từ nguyên thủy. Từ đó tức
khắc suy ra là thế giới sẽ tồn tại đến vĩnh viễn, một điều không ai có tư duy
lý tính lại ngờ vực được. Con người, kẻ thủ thư bất toàn, còn có thể là sản phẩm
của ngẫu nhiên hay của một thứ hóa công ác ý; vũ trụ, với những dãy giá sách
thanh lịch, những bộ sách mập mờ, những cầu thang không bao giờ dứt cho người
chu du và những cầu tiêu dành cho các thủ thư quen ngồi, chỉ có thể là sản phẩm
của thần thánh. Muốn nhận thức khoảng cách giữa thần thánh và con người chỉ cần
so sánh những ký hiệu nguệch ngoạc run rẩy mà bàn tay phàm tục của tôi đang viết
ra trên bìa sách với những chữ cái hài hòa trong ruột: ngay ngắn, tinh tế, đen
óng và đối xứng tuyệt vời.
Tiên đề thứ hai: Tổng
số các ký hiệu chính tả là hai mươi lăm[1].
Phát hiện này đã giúp người ta, ba trăm năm về trước, hình thành nên một lý
thuyết khái quát về Thư viện, và giải đáp thỏa đáng bài toán cho tới lúc đó
chưa giải mã nổi bằng bất kỳ giả thiết nào: tính chất vô định hình và hỗn độn của
hầu hết các cuốn sách. Có một cuốn cha tôi bắt gặp trong gian lục giác ở vòng một
ngàn năm trăm chín tư, chỉ gồm các chữ M C V lặp lại điên rồ từ trang đầu đến
trang cuối. Một cuốn khác (rất thường được đọc ở miền đó) thì đúng là một mê
cung chữ cái, nhưng ở trang áp chót lại có câu Ôi thời gian kim tự tháp của ngươi. Một điều chúng tôi biết: cứ mỗi
dòng dễ hiểu hay mỗi câu đơn giản, lại có hàng cây số những lảm nhảm vô nghĩa,
những nùi chỉ rối ngôn từ, và những thứ lộn xộn. (Tôi biết ở một vùng hẻo lánh
nọ, các thủ thư coi là mê tín và hão huyền cái tập quán đọc sách để tìm ý
nghĩa, xem đó cũng ngang như giải nghĩa các giấc mơ hay các đường chỉ tay hỗn độn…
Họ thừa nhận kẻ làm ra chữ viết đã bắt chước hai mươi lăm ký hiệu tự nhiên thật,
nhưng cho đấy chỉ là tình cờ, còn bản thân sách thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhận
định ấy, như ta sẽ thấy, cũng không hoàn toàn sai.)
Trong một thời gian dài người ta còn tin những cuốn sách tù
mù kia viết bằng tử ngữ hoặc một thứ tiếng phương xa. Quả là con người khởi thủy,
những thủ thư đầu tiên, có dùng thứ ngôn ngữ khác xa tiếng ta nói bây giờ; quả
là đi vài dặm sang bên phải tiếng dùng đã ít nhiều pha thổ âm và đi lên chín
mươi tầng là không còn hiểu nổi. Quả có vậy, tôi nhắc lại, nhưng bốn trăm mười
trang M C V không đổi thì không thể là một
thứ tiếng gì hết, dù thổ ngữ hay ban sơ cách mấy. Còn có người giả định mỗi chữ
cái sẽ tác động lên chữ cái kế tiếp, khiến cho giá trị của M C V ở dòng thứ ba
trang 71 không tương đương với cùng chuỗi đó ở một vị trí khác thuộc trang
khác, nhưng luận điểm này chẳng ai hưởng ứng. Lại có người khác nghĩ đây có thể
là mã hiệu: giả định này được tất cả tán thành, dù không phải theo ý nghĩa của
những người lập thuyết ban đầu.
Năm trăm năm trước, thủ lĩnh một gian lục giác ở tầng trên[2]
tìm thấy một cuốn sách cũng lộn xộn như mọi cuốn khác, nhưng có gần hai trang
toàn những dòng giống hệt nhau. Đem hỏi một chuyên gia giải mã lưu động, người
này nói đấy là tiếng Bồ Đào Nha; kẻ khác lại bảo là tiếng Yiddish. Trong vòng một
thế kỷ người ta đã xác định được ngôn ngữ ấy: một thổ ngữ Guarani của dân
Samoyed ở Lithuania, vay mượn thêm từ tiếng Ả rập cổ. Cả nội dung cũng được giải
mã: là cơ sở giải tích tổ hợp, có minh họa các ví dụ về chỉnh hợp lặp không hạn
chế. Chính nhờ những ví dụ đó mà một thủ thư thiên tài đã phát hiện ra nguyên
lý cơ bản của Thư viện. Nhà tư tưởng ấy nhận xét rằng mọi cuốn sách, dù khác
nhau đến đâu, cũng vẫn chứa những phần tử giống nhau: dấu cách, dấu chấm, dấu
phẩy, hai mươi hai chữ cái trong bảng chữ. Ông ta phát biểu một điều đã được mọi
nhà thám hiểm về sau khẳng định: Trong
toàn Thư viện mênh mông, không có hai cuốn sách nào là giống hệt nhau. Những
tiền đề không thể phủ nhận này cho phép diễn dịch rằng Thư viện là hoàn chỉnh,
và rằng trên các giá sách đã liệt kê đủ mọi cách tổ hợp có thể có từ hai mươi mấy
ký hiệu chính tả (một con số rất lớn nhưng vẫn không phải là vô hạn), tức là tất
cả mọi điều có thể diễn đạt bằng lời - trong tất cả mọi thứ tiếng. Tất cả: lịch
sử tương lai đến từng phút, tự truyện của mọi tổng thiên thần, tập ca ta lô chính
xác của Thư viện, hàng ngàn tập ca ta lô sai lạc, bản chứng minh tính ngụy tạo
của các ca ta lô đó, bản chứng minh tính ngụy tạo của ca ta lô đúng, cuốn phúc
âm Gnosis theo Basilides, sách bình chú cuốn phúc âm, sách bình chú sách bình
chú cuốn phúc âm, bản kể chân thực về cái chết của anh, bản dịch từng cuốn sách
sang tất cả mọi thứ tiếng, kết quả nội suy từng cuốn sách giữa toàn thể mọi cuốn
sách, tác phẩm Beda lẽ ra đã viết (nhưng không viết) về huyền thoại dân tộc
Saxon, các trứ tác thất truyền của Tacite.
Phản ứng đầu tiên khi người ta nghe tuyên bố Thư viện có chứa
đầy đủ mọi cuốn sách là vui mừng tột bực. Ai ai cũng cảm thấy mình là chủ một
kho tàng bí mật mà nguyên vẹn. Chẳng có vấn đề nào của cá nhân hay thế giới mà
lại không có một giải pháp tuyệt mỹ nằm đâu đây, trong gian lục giác nào đó. Vũ
trụ đã được biện minh, vũ trụ đã đoạt lấy không gian vô hạn chiều hy vọng. Cùng
thời đó nghe bàn tán rất nhiều về bộ Biện hộ: những tập sách thanh minh và tiên
đoán, chứa lời biện hộ một lần cho mãi mãi mọi hành động của từng con người
trong vũ trụ và cất giấu những ẩn ngôn phi thường về tương lai hắn ta. Hàng
ngàn kẻ hau háu, bỏ lại gian lục giác chôn nhau cắt rốn thân thương, xăm xăm chạy
trên các cầu thang mà sốt sắng hoài công đi tìm cuốn Biện hộ của mình. Những kẻ
hành hương này cãi cọ trong các hành lang hẹp, phun ra những lời chửi bới tục tằn,
siết cổ nhau trên các cầu thang thần thánh, quăng những cuốn sách lừa dối xuống
miệng giếng rồi cũng lao theo mà chết dưới tay những kẻ từ nơi xa. Những người
khác thì phát điên… Bộ Biện hộ quả có tồn tại (tôi đã gặp hai quyển nói về những
người tương lai, những người có thể không phải là tưởng tượng), nhưng những kẻ
truy tìm không nhớ rằng xác suất một người nào đó tìm ra cuốn của mình, hoặc một
dị bản sai lạc cuốn của mình, có thể tính bằng không.
Thời đó người ta còn hy vọng sẽ tìm được lời giải những bí ẩn
cơ bản của nhân loại: nguồn gốc Thư viện và thời gian. Rất có khả năng là những
bí ẩn lớn lao đó có thể trình bày được bằng lời lẽ: nếu ngôn từ của các triết
gia hiện tại còn chưa đủ, thì Thư viện đa hình hẳn sẽ đưa ra thứ ngôn ngữ cần
thiết còn chưa ai biết đến, đủ cả tự vị và ngữ pháp. Bốn thế kỷ tiếp đó loài
người đã tìm cạn các gian phòng… Có cả chức vụ chuyên tìm kiếm, quan thanh tra. Tôi đã được thấy họ làm
phận sự: họ chạy vào mệt lử, than thở suýt chết vì một bậc cầu thang hụt, hỏi
chuyện thủ thư về các gian và cầu thang; đôi khi họ cầm quyển sách bên tay, lật
tìm các từ phạm thượng. Thấy rõ họ chẳng hy vọng tìm được gì.
Liền sau thời gian hy vọng quá quắt ấy, tất nhiên, là quãng
thất vọng đến suy sụp. Niềm tin chắc chắn rằng ở giá nào đó trong gian lục
giác nào đó có những quyển sách quý báu tuyệt trần, và rằng những sách quý báu ấy
chẳng bao giờ tìm thấy được, quả là quá sức chịu đựng. Một giáo phái đặc biệt
báng bổ còn cổ động dừng hết tìm kiếm, tất cả mọi người hãy đứng ra xáo trộn
các chữ cái và ký hiệu cho tới khi, nhờ một ngẫu nhiên gần như bất khả, xác lập
được bộ sách kinh điển. Nhà chức trách buộc phải thi hành bổn phận và ban bố
vài luật lệ khắc nghiệt. Giáo phái giải tán, nhưng hồi nhỏ tôi vẫn thấy nhiều
ông già trốn rất lâu trong cầu tiêu, cầm mấy cái xèng kim loại và cốc xúc xắc bị
cấm, lẩy bẩy tìm cách bắt chước sự mất trật tự thánh thần.
Những người khác, ngược lại, cho rằng quan trọng hàng đầu là
phải hủy hết các tác phẩm vô dụng. Tràn qua các gian lục giác, họ chìa những giấy
tờ không hẳn đều là giả, lật nhanh một cuốn vẻ gớm ghiếc rồi kết án cả giá: cơn
cuồng nộ của bọn người khổ hạnh vệ sinh đã làm hàng triệu cuốn sách mất đi rất
vô nghĩa. Tên chúng bị nguyền rủa, nhưng những người thương tiếc “kho tàng” bị
tiêu hủy rồ dại lại quên mất hai điều nổi bật. Một: Thư viện khổng lồ tới mức mọi
tổn thất có nguồn gốc nhân tạo đều chỉ là một đại lượng vô cùng nhỏ. Hai: tuy mỗi
bản sách đều là duy nhất và không thể thay thế, nhưng (vì Thư viện là hoàn chỉnh)
lại có hàng trăm ngàn bản sao không hoàn thiện: những cuốn chỉ khác có một chữ
cái hay dấu phẩy. Trái với cách nghĩ chung, tôi đánh bạo cho rằng thiệt hại do
càn quét của bọn cuồng tín phái Thanh lọc đã bị thổi phồng trong nỗi kinh hoàng
chúng gây nên. Chúng hành động trong cơn thôi thúc điên cuồng tìm bằng được tới
Gian Đỏ: gian chứa những cuốn nhỏ hơn kích thước tự nhiên, toàn năng, có minh họa,
có phép màu.
Lại còn một điều mê tín khác truyền lại từ thời đó: là về
Người Sách. Trên giá nào đó ở gian nào đó (người ta suy luận) có một cuốn sách chứa
khóa mã và trích yếu hoàn chỉnh của tất cả
các quyển khác: một thủ thư nào đó đã đọc quyển đó, trở nên tương đương với
một vị thần. Ngôn ngữ miền đó còn thấy nhiều chứng tích đạo thờ viên quản sách
ngày xưa. Nhiều kẻ hành hương đã lên đường kiếm tìm Người. Suốt một thế kỷ họ hoài
công đi cạn mọi hướng rất khác nhau. Làm sao xác định được gian lục giác tôn
quý, bí mật nơi Người từng ẩn? Có kẻ đề xuất dùng phương pháp hồi quy: Để xác định
quyển A, trước hết hãy đọc quyển B cho biết vị trí của quyển A; để xác định quyển
B, trước hết đọc quyển C, cứ thế đến vô tận… Những cuộc thám hiểm kiểu đó đã
làm tôi tiêu phí nhiều năm trời. Hoàn toàn có thể là giá nào đó trong vũ trụ có
chứa một cuốn sách hoàn chỉnh[3];
tôi cầu với những thánh thần chưa biết đến, rằng có một người - chỉ một thôi, từ hàng nghìn năm trước cũng
được! - một người đã xem xét và đọc nó. Nếu danh dự, tri thức và hạnh phúc chẳng
đến lượt tôi, thì xin hãy dành cho người khác. Hãy để thiên đàng có trên đời,
dù chỗ của tôi là hỏa ngục. Hãy để tôi bị phỉ nhổ và quên lãng, chỉ cần trong một
giây, tại một người, Thư viện khổng lồ của Người được biện minh.
Những kẻ bất tín cho rằng ở Thư viện, vô nghĩa là lẽ thường,
còn hợp lý (kể cả tính mạch lạc đơn thuần, tầm thường) là ngoại lệ gần như màu
nhiệm. Chúng nói về (tôi biết) “cái Thư viện khùng mà mỗi cuốn ngẫu nhiên đều
thường trực nguy cơ hoán đổi thành tập khác hoặc khẳng định, hoặc phủ định, hoặc
làm rối loạn chính nó như một vị thần mê sảng”. Không chỉ bài bác tính mất trật
tự mà tự thân là biểu hiện của sự mất trật tự, những lời này là bằng chứng hiển
nhiên về thẩm mỹ tồi và đầu óc dốt nát hết cách chữa. Thực tế là Thư viện chứa
mọi kết hợp từ ngữ, mọi cách tổ hợp cho phép từ hai mươi lăm ký hiệu chính tả,
nhưng không cái nào trong đó là tuyệt đối vô nghĩa. Chẳng bõ công nêu ra rằng
cuốn hay nhất trong rất nhiều gian lục giác do tôi quản lý có nhan đề Sấm
làm đầu, một cuốn nữa là Chuột rút nhựa, cuốn nữa là Axaxaxas mlö. Những cụm từ này thoạt
nhìn thì tưởng lộn xộn, nhưng chắc chắn là có cách diễn giải ẩn dụ hay mã hóa
nào đó; cách diễn giải này phải bằng lời và, theo giả thiết cho sẵn, phải nằm
trong Thư viện. Không một tập hợp ký tự nào
dhcmrlchtdj
lại chưa được Thư viện thần thánh dự đoán
trước, lại không mang ý nghĩa kinh khủng nào đó trong một ngôn ngữ bí mật nào.
Không một âm tiết nào người ta thốt ra lại không dịu dàng và run sợ, lại không nói
lên trong ngôn ngữ nào đó cái tên hùng mạnh của một vị thần. Mỗi lời nói là một
lời hằng đúng. Lá thư dài lời vô dụng
này đã nằm sẵn đâu đó giữa ba mươi hai cuốn sách trên năm giá thuộc
tập hợp không đếm được các gian lục giác - và cả bài phản bác lại cũng vậy. (Có
một số n các ngôn ngữ khả thể dùng
chung tự vị; với một số trong đó, ký hiệu thư viện được định nghĩa chính xác là hệ thống các gian phòng dạng lục giác toàn hiện vĩnh cửu, một số
khác thư viện lại là bánh mì hay kim tự tháp hay thứ gì khác, và bảy từ trong định nghĩa cũng có giá
trị khác. Anh - người đang đọc thư này - anh có chắc mình hiểu ngôn ngữ của tôi
không?)
Việc viết có phương pháp đã giúp tôi tạm quên hoàn cảnh hiện
tại của con người. Niềm tin chắc chắn rằng tất cả mọi thứ đều đã viết ra cả rồi,
đã triệt tiêu chúng ta, giản lược chúng ta thành những bóng ma. Tôi biết có những
vùng, bọn thanh niên quỳ rạp trước mặt sách và hôn trang sách như dân mọi, nhưng
chẳng giải mã nổi lấy một chữ cái. Bệnh dịch, xung đột tà giáo, các cuộc hành
hương sớm hay muộn cũng biến thành cướp bóc, đã làm dân số sụt giảm hẳn. Hình như
tôi đã nhắc đến tự sát, tần số mỗi năm lại một tăng. Có thể tuổi tác và nỗi sợ
đã lừa dối tôi, nhưng tôi ngờ rằng loài người - loài duy nhất - thì sắp tuyệt
chủng, nhưng Thư viện sẽ còn vĩnh cửu: thắp sáng, đơn côi, vô hạn, bất động tuyệt
đối, chất đầy những bộ sách quý báu, vô dụng, bất biến và bí mật.
Tôi vừa viết vô hạn. Tính từ đó bỏ vào đây không phải
là trò chơi tu từ; tôi không nghĩ coi thế giới là vô hạn là phi logic. Những kẻ
cho thế giới có giới hạn đã mặc định ở góc xa xôi nào đó những hành lang và cầu
thang cùng gian lục giác sẽ chấm dứt - một điều không thể hình dung nổi, và hết
sức phi lý. Những người tưởng tượng thế giới không giới hạn lại quên rằng số lượng
khả thể các cuốn sách là hữu hạn. Tôi đánh bạo đưa ra đáp án sau cho bài toán từ
thượng cổ: Thư viện này vô hạn tuần hoàn.
Một kẻ du hành vĩnh cửu đi theo bất cứ hướng nào qua thư viện sẽ phát hiện sau
nhiều thế kỷ, các tập sách lặp lại theo cùng sự mất trật tự như cũ (và vì lặp lại,
đã trở thành trật tự: cái Trật tự vũ trụ). Nỗi cô độc của tôi được an ủi nhờ hy
vọng đẹp đẽ này[4].
Mar
del Plata, 1941
[1] Bản
thảo gốc không dùng chữ số hay viết hoa. Chấm câu chỉ có dấu phẩy và chấm. Hai
dấu câu này cùng với dấu cách và hai mươi hai ký tự trong bảng chữ cái, là vừa
đủ hai mươi lăm ký hiệu mà tác giả vô danh nói đến. (Ghi chú của người biên tập.)
[2]
Trước đây cứ ba gian lục giác lại có một người. Do tự tử và các chứng bệnh phổi
mà tỷ lệ này đã bị phá vỡ. Một ký ức khiến tôi buồn sầu không tả xiết: bao lần
đi trắng nhiều đêm qua những hành lang và cầu thang mòn vẹt mà chẳng thấy bóng
thủ thư nào.
[3]
Tôi nhắc lại: muốn tồn tại một cuốn sách như thế, chỉ cần điều đó là có thể. Ta
chỉ được loại trừ điều không thể, ví dụ như: không quyển sách nào lại đồng thời
là cái cầu thang, dù có thể rất nhiều quyển sách bàn luận, phản đối, hoặc chứng
minh khả năng đó, và nhiều quyển khác có cấu trúc tương ứng với cầu thang.
[4]
Letizia Álvarez de Toledo đã nhận xét Thư viện rộng lớn này khá vô dụng; chặt
chẽ ra thì chỉ cần một cuốn sách duy nhất,
khổ bình thường, in cỡ chữ 9 hoặc 10, chứa một số lượng vô hạn những trang giấy
mỏng đến vô tận. (Cavalieri đầu thế kỷ 17 có nói mọi khối rắn đều chỉ là một số
lượng vô hạn các mặt phẳng chồng khít lên nhau). Cần cuốn vademecum mỏng
như tơ ấy hẳn không phải chuyện dễ: mỗi trang nhìn thấy sẽ lại mở ra thành nhiều
trang tương đương; trang chính giữa - một điều không hình dung nổi - sẽ không
có mặt sau.
Borges: Thợ nhuộm Hákim
Borges: Thợ nhuộm Hákim
1. Trùng ngôn: "Mỗi lời nói là một lời hằng đúng"
ReplyDelete2. Bài này và "The Immortal" trong tập "The Aleph" hợp lại trọn vẹn việc tìm lối vào Thư viện. Lời đề từ của "The Immortal" diễn tả ý "vô hạn tuần hoàn"
"Solomon saith: There is no new thing upon the earth. So that as Plato had an imagination, that all knowledge was but remembrance; so Solomon giveth his sentence, that all novelty is but oblivion."
Francis Bacon: Essays, LVIII
Nhưng có lối ra không?
Trong Tên của đóa hồng (Lê Chu Cầu dịch, 2013) có đoạn thế này "Thư viện là một mê cung bao la, dấu hiệu của mê cung trên trần thế. Người ta không được vượt quá những cột trụ của Hercules..." (tr.181)
Library is like Universe, it's not a maze, so does it need an exit?
ReplyDelete"Living" in Library and deeply feel it Home, sometimes one need to accept and enjoy the lack of Gravity.
It's also great to meet some small "Library" like NhiLinh and DuMucDaVang in VietNam :-p
CoNhan GioChanChuong