* Bài này đã post ở blog cũ, nhưng do một trục trặc nên đã xóa đi. Chống chỉ định: những người hay hoang mang. Câu "thời gian như con côn trùng đang bò ngang qua một tảng đá phơi trần" trích từ Xứ Cát, đoạn Muad'Dib chờ đợi ngay trước trận đánh quyết định giải phóng Arrakis.
Truyện “Funes hay ký ức” nằm trong một tập truyện in năm 1944 của Jorge Luis Borges. Nhà văn vĩ đại nhất của Mỹ Latinh thế kỷ hai mươi dùng câu chuyện đặc biệt ám ảnh này (tất cả tác phẩm của Borges đều ám ảnh rất mạnh, nhưng “Funes hay ký ức” còn ám ảnh hơn nhiều so với Borges “thông thường”) để giải quyết vấn đề thời gian, quá khứ và ký ức. Ngay lập tức, dưới ngòi bút mang đầy tính chất giả kim thuật của Borges, thời gian liền biến thành mê cung, thêm một mê cung nữa mà Borges tạo ra trong đời sáng tạo của mình, sau mê cung của ngôn từ (“mở miệng nói nghĩa là rơi vào trùng ngôn”), của những cuốn sách (có lẽ trong lịch sử văn chương chưa có nhà văn nào say mê sách và đọc như Borges, dù cho về cuối đời khi trở thành giám đốc thư viện quốc gia Argentina thì định mệnh trớ trêu đã buộc Borges bị mù), và của những khu vườn (“Khu vườn các lối đi rẽ về hai ngả” – nhan đề một truyện khác).
Truyện “Funes hay ký ức”, cũng như hầu hết các truyện (récit) của Borges, rất ngắn, và khởi đầu đầy hoang mang: “Tôi còn nhớ anh ta (tôi không có quyền thốt lên cái động từ linh thiêng này)”. “Anh ta” ở đây là Funes, “một Zarathustra ở trạng thái hoang dã và bản địa”, một người sống ở thị trấn Fray Bentos nước Uruguay. “Tôi còn nhớ khuôn mặt đầy vẻ rụt rè theo kiểu Da đỏ của anh ta, đặc biệt xa vắng đằng sau điếu thuốc lá.” Funes là một người kỳ quặc của Fray Bentos, nhưng sự kỳ quặc của Funes sẽ còn được nhân lên nhiều lần sau một tai nạn: anh ta trở thành Funes-nhớ-tất-cả, Funes có khả năng ký ức phi thường.
Sau khi bị tai nạn ngã ngựa, Funes không thể nhúc nhích được nữa nhưng như thể để bù lại cho anh ta, “hiện tại cũng như các kỷ niệm xưa cũ nhất và tầm thường nhất đột nhiên trở nên vô cùng phong phú và rõ nét”. Funes trở thành một người liệt bám chặt vào cái giường nhưng đồng thời cũng lại trở thành một “người cường ký” ở mức độ tuyệt đối. Nhân vật người kể chuyện – “tôi” – gặp Funes khi anh ta đang đọc các đoạn bàn về ký ức trong tác phẩm Naturalis Historia của nhà văn La Mã Pline (đây là một cách đẩy vấn đề đi sâu hơn nữa rất thường thấy trong văn chương của Borges, một nhà văn luôn đặc biệt phức tạp: chủ đề ký ức được bàn đến trong một tác phẩm về ký ức): ông vua Cyrus của Ba Tư nhớ được tên toàn bộ lính trong quân đội của mình; Mithridate Eupator xử án bằng hai mươi hai ngôn ngữ; Simonide, người sáng tạo ra thủ thuật giúp ghi nhớ; Métrodore, người dạy nghệ thuật nhắc lại thật chính xác những gì nghe được dù chỉ một lần. Trước đó Funes chưa hề biết tiếng Latinh, nhưng giờ đây với khả năng trí nhớ vừa có được anh ta có thể học bất kỳ ngôn ngữ nào trong nháy mắt.
Một ví dụ: Funes nhớ được tất cả hình dạng các đám mây phía Nam vào bình minh một ngày trước đó mấy năm, tất cả những gì thuộc về một quyển sách mới chỉ xem một lần trước đó rất lâu. “Những kỷ niệm này không đơn lẻ; mỗi hình ảnh thị giác lại liên quan đến các cảm giác […] Anh ta có thể tái tạo tất cả các giấc mơ, tất cả các bán-mộng.” Đã hai hay ba lần anh ta tái tạo cả một ngày hoàn chỉnh (mỗi lần làm vậy anh ta lại mất nguyên một ngày – vì đơn giản là Funes nhớ được đến từng giây cái ngày mà anh ta muốn tái tạo).
Và Funes nói với “tôi”: “Một mình tôi có nhiều kỷ niệm hơn tất cả những người khác kể từ khi thế giới là thế giới cộng lại”. Rồi: “Ký ức của tôi, thưa ông, giống như là một đống rác”. Anh ta nhanh chóng cảm nhận được ở cường độ rất lớn sự không chính xác của con người: chẳng hạn từ “con chó” không những không đủ để chỉ từng cá thể chó, mà còn không đủ sức định danh con chó lúc ba giờ mười bốn phút nhìn nghiêng với con chó lúc ba giờ mười bốn phút nhìn thẳng (với những người bình thường thì chúng là một, nhưng với Funes thì nhất định là không phải như vậy).
Chứng kiến những điều ấy, nhân vật “tôi” nhận xét: “Tôi không biết anh ta nhìn thấy bao nhiêu ngôi sao trên bầu trời”. Với Borges, kinh nghiệm này gần như đồng nghĩa với việc con người trở nên bất tử: “sớm hay muộn, ai ai cũng sẽ làm được tất cả và biết tất cả”. Nghĩ ra điều gì người ta cũng không cần ghi lại nữa bởi vì nó đã nằm im đó trong đầu không thể xóa khỏi.
* * *
Trên đây là một mô tả sơ giản về trường hợp thời gian trong truyện của Borges, ở đó ký ức trở thành một bức tranh muôn vàn chi tiết và mọi thứ như thể ngưng đọng lại trong một ấn tượng rất lớn về sự thừa thãi, thời gian như thể bị tãi ra nhỏ đến tận cùng. Các nhà nghiên cứu văn học thỉnh thoảng lại đưa ra các nhận định đầy rành mạch về văn chương, chẳng hạn như trong thơ có sự vận hành rõ nét của ẩn dụ còn trong văn xuôi hoán dụ lại nổi bật hơn; hoặc thơ lấy đối tượng chính là không gian, còn tiểu thuyết nói riêng và văn xuôi nói chung xử lý về thời gian. Những lời nhận xét này gây choáng váng vì độ đơn giản và tính hiệu quả của chúng, dĩ nhiên, nhưng cũng chính tính chất đơn giản quá đáng của chúng khiến người ta luôn cảm thấy nghi ngờ. Tuy nhiên cũng dễ nhận ra là sẽ không có văn chương nghệ thuật nếu không có ký ức, nếu không có quá trình đi ngược chiều thời gian của tâm trí. Có lẽ chính điều này khiến chúng ta luôn cảm thấy sợ hãi với tình trạng mất ký ức rất hay được các tác phẩm văn học và điện ảnh thuộc dòng khoa học viễn tưởng khai thác. Ví dụ gần đây nhất là hình dáng con người rất gần với sự vô tri trong hưởng thụ tiến bộ khoa học kỹ thuật, xuất hiện thấp thoáng ở bộ phim Wall-E của đạo diễn Andrew Stanton.
Thời gian với tư cách đối tượng hoặc “nhân vật” trong các tác phẩm văn chương không phải là một hiện tượng thường gặp. Những giấc mơ của Einstein của Alan Lightman (Lê Chu Cầu dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, 2006) là một cuốn tiểu thuyết hiếm có chứa đựng các suy tư sâu sắc về thời gian. Einstein ở trong tác phẩm đang là một chàng trai trẻ, một nhà khoa học chưa mấy nổi tiếng làm việc ở Cơ quan cấp bằng phát minh, tức là quãng thời gian ngưỡng cửa của các công trình về vật lý lý thuyết làm đảo lộn tư duy con người hiện đại. Alan Lightman không đặt sự chú ý của mình vào một Einstein vĩ đại trong khoa học hay trong hoạt động chính trị sau này, mà dùng cuốn tiểu thuyết để thuật lại những giấc mơ của ông: “Suốt mấy tháng qua […] anh đã nhiều lần mơ về thời gian” (tr. 14).
Trong những giấc mơ ấy, tất cả các giả thuyết về thời gian trong thế giới của chúng ta đều được tính đến: Einstein tưởng tượng ra thế giới không có tính nhân quả chi phối; thế giới không có thời gian mà chỉ có các hình ảnh; thế giới không có hồi ức mà chỉ có hiện tại; thế giới trong đó người ta nhìn được các viễn cảnh và không thể nhìn được các viễn cảnh; thế giới trong đó mỗi người sẽ chỉ sống một ngày duy nhất; rồi thế giới nơi cuộc sống là bất tận. Tất cả đều liên quan đến vai trò của thời gian, cách thức con người tư duy thời gian: “Trong thế giới này thời gian như một dòng nước, đôi khi bị một mảnh vụn hay một làn gió nhẹ làm cho chuyển dòng” (tr. 19).
Nhuần nhuyễn việc xử lý thời gian không phải là một bản năng sẵn có của văn chương. Trong tác phẩm lớn mang tên Mimesis, Eric Auerbach đã đưa các nghiên cứu của mình quay trở lại đến tận thời của Homer và chứng minh rất thuyết phục về tính chất dàn trải, ngang bằng sổ thẳng của thời gian trong các tác phẩm như Odysseus và Iliad. Cách tái hiện quá khứ đó gần gũi với trí nhớ của Funes người cường ký của Borges đã nói ở trên: sự kiện nào cũng có chung giá trị với các sự kiện khác, giây phút này giống với giây phút khác, không có khoảnh khắc nào đáng nhớ hơn khoảnh khắc nào, vì khoảnh khắc nào cũng đều được ghi nhớ và tái hiện.
Cho đến Voltaire, thời gian (và tâm lý con người) vẫn là một cái gì đó như thể nằm bên ngoài văn chương. Trong khi các nhà văn đương thời (đặc biệt là Rousseau) đã rất quan tâm đến kỹ thuật viết văn, thì với Voltaire văn chương vẫn chỉ là nơi chuyên chở các ý tưởng triết học; nhịp điệu của tác phẩm (gắn bó mật thiết với thời gian tính) gần như không được Voltaire quan tâm, cũng như không mấy có dấu vết của chuyển biến tâm lý tinh tế của các nhân vật, cái sẽ trở thành mỏ vàng vô giá kể từ các nhà văn lãng mạn.
Trong các cách xử lý thời gian của văn chương, chắc hẳn saga là một trong những hình thức phổ biến và có thể coi là “cơ bản” hơn cả. Viết những bộ sách dày kể lại lịch sử của một gia đình một cách tuyến tính luôn là một hấp dẫn không nhỏ, và “saga” trở thành một từ có nguồn gốc Scandinavia vô cùng thành công trên khắp thế giới. Ở Việt Nam chúng ta đã từng được đọc bộ truyện Gia đình Ti-bô (Les Thibault) của Roger Martin du Gard và một số tập trong bộ Gia đình Rougon-Macquart của Émile Zola. Nhưng văn chương thế giới còn vô số những bộ saga nổi tiếng khác, như Hành khúc Radetzky của nhà văn Áo Joseph Roth hay Sự ký gia đình Pasquier của Georges Duhamel. Văn chương hiện đại khiến vị trí của saga sụt giảm mạnh, nhường chỗ cho rất nhiều hình thức phá cách, song thời gian gần đây đã chứng kiến một sự quay trở lại đầy ngoạn mục của thể loại này. Mặt trời nhà Scorta của Laurent Gaudé (đã có bản dịch tiếng Việt) là một ví dụ nhỏ, nhưng ngoài ra còn phải kể đến bộ tác phẩm đồ sộ mang tên Một bản saga Matxcơva của nhà văn lưu vong người Nga Vassili Axionov: một bộ sách lớn gồm đến hai nghìn trang viết lại trở thành một tác phẩm bán rất chạy ở nhiều nước. Cuộc đời một cá nhân cũng có thể được xử lý theo cùng cách thức: các tác phẩm mang một cái tên chung rất nổi tiếng Bildungsroman (từ dùng để chỉ những tiểu thuyết viết về cuộc đời một con người từ khi còn nhỏ và thông qua quá trình hoàn thiện nhân cách).
Văn chương hiện đại khác hẳn, nó thường hướng đến sự phân mảnh (fragment) và xáo trộn trình tự thời gian (anachrony). Cuộc đời chúng ta thì xuôi theo thời gian, còn văn chương, thì đi ngược. Khi các nhà văn hướng đến thời gian tuyến tính, rất có thể nghĩ là họ hình dung ra thời gian giống như là một mô hình đồng dạng của cuộc đời con người, có trước có sau và cái đến trước quyết định hoặc chi phối cái đến sau. Điều này, như chúng ta đã biết, không thể bao trùm được toàn bộ sự phức tạp của thời gian tính (cái lý thuyết về “thời biến” lừng danh của Henri Bergson đã bác bỏ sự quy giản ấy, và trong văn chương Marcel Proust, người bà con của Bergson, đã từ quan điểm này mà viết nên kiệt tác Đi tìm thời gian đã mất). Quả thực, để hiểu thời gian cá nhân phức tạp và “lệch chuẩn” đến thế nào, chỉ cần nhìn vào các trang viết về người điên mà lịch sử văn chương đã cung cấp không ít: Tchékhov hay Lỗ Tấn, Jean-Paul Sartre hay Linda Lê là những ví dụ tuyệt vời.
Tất nhiên đó cũng chỉ là những trường hợp thuộc về các điểm cực, các trường hợp “không điển hình” – giống như trường hợp của nhân vật Funes trong truyện của Borges. Văn chương có một điều đặc biệt là không bao giờ chấp nhận một cái gì đó luôn đúng hoặc một cái gì đó luôn sai; khả năng bao chứa mênh mông của văn chương cũng nằm ở chính nơi đây. Và hiện nay người ta vẫn có thể viết các saga như Một saga Matxcơva mà vẫn không để mất đi tính chất hiện đại và mức độ hấp dẫn. Tuy nhiên, càng ngày ẩn dụ “theo dòng thời gian” càng tỏ vẻ kém hiệu quả hơn so với ẩn dụ “trong dòng xoáy thời gian”.
* * *
Funes trong truyện ngắn của mình có một quyết định quan trọng: giảm mỗi ngày của mình xuống tương đương với khoảng bảy mươi nghìn kỷ niệm. Ngay ở một người như anh ta cũng tồn tại nỗi sợ hãi (hoặc chán chường) trước sự quá nhiều, hay sự trương phồng của cái đơn lẻ.
Đến cuối truyện, Borges đưa ra một nhận xét về chàng thanh niên Funes mười chín tuổi: “Tuy nhiên tôi ngờ là anh ta không có mấy khả năng suy nghĩ. Suy nghĩ nghĩa là quên đi các khác biệt, nghĩa là khái quát hóa, trừu tượng hóa. Trong cái thế giới quá mức ngập ứ của Funes chỉ có các chi tiết, các chi tiết gần như mang tính tức thì.” Và nhân vật “tôi” cũng bắt đầu cảm thấy sợ: “Tôi nghĩ rằng mỗi từ mình nói ra (cũng như mỗi biểu lộ thái độ của tôi) đều sẽ nằm mãi trong ký ức không thể nguôi ngoai của anh ta; tôi nhũn cả người vì nỗi e ngại tạo ra các cử chỉ không cần thiết.”
Funes là một nhân vật văn học, nhưng có lẽ với Borges, một con người đặc biệt sâu sắc, mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Đó còn là một trạng thái, vì từ “funes” trong tiếng Tây Ban Nha đọc hao hao các từ “funest” trong tiếng Anh và “funeste” trong tiếng Pháp, và từ đó mang nghĩa chết chóc và tai họa.
èo, viết cứ như ngộ chữ ấy.
ReplyDeleteSang blog mới này viết kinh thật, cứ bằng bằng chíu chíu thế này à.
ReplyDeletehehe các bác cứ trêu em, đã bảo là đồ cổ rồi mà
ReplyDeleteTác giả đã báo trước "chống chỉ định..." mà mình rót đọc mất rồi, hình như mình cũng hay hoang mang, đọc rồi thấy mình giống như con côn trùng bò ngang qua trang sách chi chít chữ :)
ReplyDeleteThật ra, mình rất thích đoạn này:
ReplyDelete"Tuy nhiên cũng dễ nhận ra là sẽ không có văn chương nghệ thuật nếu không có ký ức, nếu không có quá trình đi ngược chiều thời gian của tâm trí. Có lẽ chính điều này khiến chúng ta luôn cảm thấy sợ hãi với tình trạng mất ký ức rất hay được các tác phẩm văn học và điện ảnh thuộc dòng khoa học viễn tưởng khai thác. Ví dụ gần đây nhất là hình dáng con người rất gần với sự vô tri trong hưởng thụ tiến bộ khoa học kỹ thuật, xuất hiện thấp thoáng ở bộ phim Wall-E của đạo diễn Andrew Stanton."
Cám ơn Nhị Linh đã viết một bài rất công phu, rất bổ ích cho người không có cơ hội đọc nhiều, như tôi. Thú thật tôi nghe danh Borges đã lâu nhưng chưa có dịp đọc. Mới khuân từ thư viện địa phương hai quyển anthology dày cả 2 inches về Borges tôi đọc chắc phải cả năm.
ReplyDeleteNếu chỉ đọc và review The Noodle Maker thì có thể tôi sẽ đọc và viết một bài điểm sách trong hai hay ba tuần. Còn toàn bộ tác phẩm của Ma Jian thì xin chịu thua trước. Tôi mới check thấy quyển The Noodle Maker bán trên Amazon 13 đô la. Mua có lẽ khoảng 1 tuần mới đến. Thư viện địa phương thấy có quyển khác của Ma Jian nhưng không thấy The Noodle Maker. Cuối tuần tôi sẽ ghé tiệm sách Border xem nó có bán không. Các tác giả Trung quốc không mấy được chú ý ở Mỹ. Quyển Wolf Totem của Jiang Rong bị hai ba bài review chê, thế là xong chẳng nghe ai nói đến gì cả. Ma Jian càng ít được nghe nhắc đến hơn là Yu Hua. Tôi đọc Nhị Linh đã từ lâu lắm.
1. Nghe cái đầu đề quen quen, hóa ra truyện này bác Trung Đức dịch là: "Funes, người có trí nhớ siêu việt"...
ReplyDelete2. "Trăm năm cô đơn" có được xếp vào loại "saga" đó không?
em cảm ơn bài viết này :)
ReplyDeleteHi anh, em rất thik câu "Mở miệng nói nghĩa là rơi vào trùng ngôn" anh trích dẫn ở trên. Đó là câu của Borges hay của tác giả khác ạ? Anh có thể cho em biết nguyên tác hoặc bản tiếng Anh của câu đó được không ạ?
ReplyDeleteparler, c'est tomber dans la tautologie
Deleteto speak is to fall into tautology, hình như trong "Thư viện Babel"
Deletehablar es incurrir en tautologías
DeleteTrùng ngôn với cả những huyền thọai à. Roland Barthes nhé ;))
Delete"phép trùng ngôn miễn phải đưa ra những ý kiến, mà đồng thời còn huênh hoang xem sự phóng túng đó như một quy tắc đạo đức cứng rắn; do vậy mà nó được hoang nghênh: sự lười biếng được đôn lên hàng bắt buộc. Racine, đó là Racine: sự an tòan tuyệt vời của cái rỗng không."
Wow, cảm ơn các anh đã rất hào phóng ạ!
Delete