Jan 25, 2010

Mất bóng

Đánh mất đi cái bóng của mình là một việc rất nghiêm trọng. Lịch sử văn chương đã chứng kiến rất nhiều bận các nhà văn nhà thơ miêu tả cái bóng, thậm chí còn đi đến mức bàn luận, chơi đùa, uống rượu với bóng (Lý Bạch); Nhất Linh trong bài thơ mà ông gọi là đầu tay đã viết: “Con thuyền đè sóng tênh tênh vượt/Chiếc bóng sau người lướt thướt theo”. Cũng thỉnh thoảng có người chột dạ: nhỡ ra cái bóng bị mất đi thì sao? Haruki Murakami trong “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới” (Lê Quang dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) là một trong số ấy.

Còn trước Murakami, nếu muốn kể tên tác phẩm kinh điển về chủ đề này thì nhất thiết không thể bỏ qua cái tên Peter Schlemihl. Nhan đề đầy đủ của cuốn sách là “Câu chuyện huyền hoặc của Peter Schlemihl hay Người đã bán đi cái bóng của mình” của nhà văn người Đức gốc Pháp Adelbert von Chamisso. Viết năm 1814, cuốn truyện mỏng manh được coi như là một trong những thành tựu đặc sắc nhất của sơ kỳ chủ nghĩa lãng mạn châu Âu. Ở Việt Nam, tác phẩm này tồn tại dưới dạng một bản dịch ngày nay ít người biết đến, “Người mất bóng” (Cô Lữ dịch, Nguyệt Quế xuất bản, 1973).

Peter Schlemihl, câu chuyện về nhân vật này sau được bạn đọc nhỏ tuổi rất ưa chuộng, là một chàng trai trẻ nghèo khó, vì tham một thứ đồ rất quý mang tên cái túi Fortunatus (bản Việt ngữ dịch thành “chiếc túi của thần tài”) nên đã bằng lòng đổi cái bóng của mình cho một gã đàn ông bí ẩn. Kể từ đó, cơn ác mộng bắt đầu: tuy rất giàu nhưng Peter Schlemihl bị cả thế giới khinh rẻ. Khi gặp lại gã đàn ông kia, bị gạ đổi linh hồn để lấy lại bóng, Peter Schlemihl đã từ chối rồi vứt túi tiền đi, sau đó chu du khắp nơi và tập trung nghiên cứu khoa học, tìm thấy sự thanh thản nội tâm.

Nhân vật chính của Haruki Murakami ở “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo…” cũng rơi vào hoàn cảnh oái oăm ấy, và cũng không sung sướng gì hơn Peter Schlemihl. Đó là chuyện xảy tới với vị “toán sư” ở một nơi chốn mang tên “tận cùng thế giới” do chính tiềm thức của anh ta tạo ra.

Nhưng Murakami đã rất khác với Chamisso: câu chuyện của nhà văn Nhật Bản không hướng tới một mục đích đạo đức, mà lợi dụng hình thức khoa học viễn tưởng để trình bày một cái nhìn có thể gọi tên là kỳ quặc: tiến về phía tận thế nhưng không chút bi quan, đối diện với cái tàn khốc của thiên nhiên và trí tuệ nhưng không mất đi sự tươi tắn trong giọng văn, và nhất là cận kề với cái chết nhưng lại gần như là tận hưởng nó.

Và thêm một lần nữa, ta có thể thấy Murakami thành thạo kỹ thuật phân đôi tiểu thuyết đến thế nào, bởi đây lại là một cuốn sách nữa có hai tuyến truyện riêng biệt (giống như ở “Biên niên ký chim vặn dây cót” hay “Kafka bên bờ biển”). Ở Murakami, người sử dụng ẩn dụ nhiều và với một cách thức thản nhiên tới mức đôi khi ta tự hỏi không biết với ông khái niệm “ẩn dụ” có cùng trị số với định nghĩa tu từ học và với các nhà văn khác hay không, một cấu trúc tiểu thuyết như vậy cũng có thể coi là một gợi ý về ẩn dụ: trong bất kỳ cuốn sách nào dùng dạng cấu trúc này, Murakami cũng triệt để khai thác chủ đề một con người cá nhân đơn độc đối diện với thế giới, tìm cách thoát ra khỏi thế giới để quan sát từ bên ngoài. Cái lạ của tiểu thuyết Murakami là một hành trình như vậy lại không bao giờ có màu sắc của chán chường, bi thảm.

Cuốn tiểu thuyết viết năm 1985 này của Murakami vẫn còn rất nhiều sự duyên dáng, điệu đà của một nhà văn mới cầm bút chưa lâu, nhưng đã có rất rõ tài năng của ông trong việc miêu tả sự kỳ quặc, điên rồ một cách tỉ mỉ và rốt cuộc, đầy bất ngờ, biến những điều kỳ quặc, điên rồ thành một cái gì đó thật nhẹ nhõm, cũng như trong việc để cho nhân vật phát biểu ra những điều lẽ ra phải rất phức tạp bằng một sự phảng phất như những giấc mơ đòi hỏi được siêu thoát nơi thành phố chốn tận cùng thế giới: “Muốn nói gì thì nói, bóng là cái ở gần người ta nhất” (tr. 481, lời viên đại tá nói với nhân vật chính).

Nhị Linh

--------------------------------

Và bây giờ là quảng cáo :)

Quyển sách của anh Nguyễn Chí Hoan, Bút ký một người đọc sách, cuối cùng đã in xong. Được nhờ “viết vài lời”, tôi phải đánh vật suốt mấy tuần. Bài tập viết ngắn này, dù luyện tay bao lâu thì mỗi lần động vào vẫn thấy như mới.

“Đã trở thành một thói quen, khi nói tới phê bình của Nguyễn Chí Hoan, người ta nói rằng phê bình ấy rối rắm và khó hiểu. Điều này theo tôi dường như không công bằng và, dường như, cũng khó hiểu, bởi với tôi phê bình văn học của Nguyễn Chí Hoan là hiện thân của sự giản dị. Giản dị vì tiếp cận tác phẩm với tư cách là chính nó (có những bài viết gần như không nhắc tới cả tên tác giả), và cũng vì cách lấy giọng đồng điệu với tác phẩm (hãy để ý, tùy tác phẩm nào mà có phê bình ấy, trong hệ thống phê bình của Nguyễn Chí Hoan). Giản dị, và không chỉ vậy, phê bình ấy còn khiêm nhường, không bao giờ sỗ sàng cố xen lời, tán rộng, ép uổng tác phẩm đến những chân trời kỳ quặc nào đó (nhưng lại được nhiều nhà phê bình khác say đắm).

Những lời nói thẳng có thể khó hiểu không? Có thể, chắc vậy.”

đây là bài mới nhất của anh Nguyễn Chí Hoan, cũng về Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới.

19 comments:

  1. ra tạp chí xanh đỏ là đây he he

    ReplyDelete
  2. Nhã Nam có dịch Blind Willow, Sleeping Woman không? Còn 1Q84 thì bao giờ xong?

    ReplyDelete
  3. Cái mục truyện ngắn thì ở VN đã có rất nhiều rồi, 5 tập cả thảy. Tập Blind kia đâu như chỉ là tập hợp một số truyện cho độc giả phương Tây.

    1Q84 thì bên Nhật còn chưa in xong cả bộ vì bố ấy viết khỏe quá, ngang cỡ bác, hehe.

    ReplyDelete
  4. Tiểu thuyết thì mình có đủ, còn truyện ngắn thì không; thấy tập này tưởng mới chứ. Murakami có viết được blog tiếng Việt không?:)

    ReplyDelete
  5. Thế cho vừa rối rắm vừa giản dị vừa khó hiểu và không công bằng trong hệ thống phê bình không bao giờ sỗ sàng say đắm vào wish list năm Canh Dần được không? ;)

    ReplyDelete
  6. Cám ơn NL! Post hay. Bài của Nguyễn Chí Hoan cũng hay. Đọc nguyên bản "Hard-Boiled Wonderland and the End of the World" rồi, bây giờ đang đọc bản dịch của Lê Quang.

    Nói đến bóng, lại nhớ đến câu chuyện những cái bóng chập chờn trong hang của Plato.

    ReplyDelete
  7. Nhiệt Đới BuồnJan 26, 2010, 5:10:00 AM

    - NL: Mọi người xài chung một cái bóng cuả Người dưới Mặt trời Chân lý là đủ rồi, phải không? Hồn còn đem đi đổi được, bóng thì nghiã lý chi?

    - Đừng quên rằng Murakami luôn sống ở nước ngoài, chứ không phải Nhật bản. Các nhà văn Nhật sau khi nhận giải Nobel rồi thì chẳng đợi đến "cận kề với cái chết nhưng lại gần như là tận hưởng nó", họ tự tử. Xong việc rồi, sự nghiệp này thôi để lại cho mấy ông, tui biến. Ngon không?

    - Sự giản dị không phải là những gì độc giả trông đợi ở người phê bình, và tác phẩm không nhờ thế mà thấm thiá, toả sáng. Thay vì khắc khoải (uả, nếu không muốn “xen vào” một cách duyên dáng, thì làm phê bình mà chi?) : "Đọc tác phẩm, người ta sẽ không khỏi hoang mang, vì đâu trong một cõi nhân gian ấy lại không có bóng con người ", một nhà phê bình quá “giản dị” và “quá ưa thích khoe kiến thức về nghệ thuật viết văn” chắc sẽ rề rề nói rằng: “Vì là hoang đường nên cõi nhân gian cuả tác phẩm này không có bóng”. Ouch!... Có phải là đã “giết" cái tác phẩm ấy rồi chứ còn gì nưã?

    ReplyDelete
  8. Nguyễn Nam có bài "Cái bóng và những khoảng trống trong văn chương" có nói đến hàng loạt thứ bóng trong văn chương (http://www.vienvanhoc.org.vn/reader/?id=43&menu=75)

    nhưng có một mất bóng ở phương Đông mà không thấy ai nhắc đến: ma thì không có bóng. Người mất bóng là ma, là một ranh giới giữa nhân giới và ma giới.

    ReplyDelete
  9. Nhiệt Đới BuồnJan 26, 2010, 8:39:00 AM

    - Do đó, vì vậy, cho nên, để cho con người được nói, được viết bất kỳ những gì họ muốn nói, muốn viết, muốn bình luận... thì ho sẽ viết và sẽ phê bình tuyệt vời.

    - Lúc đó, họ có thể yêu một trăm mối tình bên ni bên nớ mà chẳng có ai bắt bớ hay chỉ điểm, mà vẫn cứ trinh nguyên, không tuyệt tự, bởi các người tình cuả họ đều có quyền bình đẳng yêu, được yêu, thất tình và được thất tình. Thế có phải thú không, hay vẫn cái cảnh ngồi trong xó nhà ngó ra thế giới làng xem hàng xóm có gì sai, xấu, mới, có gì đáng ngờ hay khác mình không, có bọn phản động nào chà chộn không, có đứa nào không phải phe mình không ... dùng ngòi bút cuả mình đập chúng chơi, mình nổi đình đám mà, nói ai mà không nghe, báo nào không tải, nhuận bút tuy bèo nhưng quá dễ để mần khi viết nhảm nhí, vô giá trị nghệ thuật vẫn được đăng đều đều quanh năm, còn bọn tài hoa hả, cho chúng bán máu, đi tù, bản thảo cho mọt nhấm.

    ReplyDelete
  10. KV: nhất trí. Mà bác còn cả tủ, liệu sức mà khuân nhá :)

    ĐA: cám ơn bác, bài của anh Nguyễn Nam tôi đã đọc từ cách đây vài năm.

    ReplyDelete
  11. @Đông A: Người mất bóng là ma. Như thế có lẽ ở Việt Nam bây giờ rất nhiều ma! :((

    ReplyDelete
  12. Cho đến phút cuối cùng mình vẫn cứ hi vọng vào mấy cái ghim kẹp giấy, với sự trông đợi rằng nó có ý nghĩa nhiều hơn so với việc chỉ là sự đánh dấu đường đến thánh địa của bọn ma đen (Có lẽ ảo tưởng rằng ghim sẽ được dùng để dính bóng với "tôi" lại như cũ) :)) :)) :)). Còn nữa, cái bấm móng tay cuối cùng thì có ý nghĩa gì cơ chứ. Tại sao không mua tặng cô thủ thư một cái dập ghim nhỉ?

    Murakami luôn sống ở nước ngoài, nhưng rốt cuộc ông ấy vẫn là một người "Nhật Bản". Trong cuốn "Ngầm" có một đoạn Murakami nói rằng ông ấy muốn mở rộng trải nghiệm của mình về các nơi chốn khác, tự cấy mình vào đó và viết. Nhưng đến giai đoạn cuối của sự "lưu đày" đó ông ấy lại nhận thấy sự khẩn thiết cần biết về "cái đất nước có tên là Nhật Bản", và đang đi dần vào hàng ngũ của thế hệ mang một "nghĩa vụ bất dịch" với xã hội Nhật Bản...Có lẽ đó là một Murakami đã bắt đầu "già"...

    Tại sao nhiều tiểu thuyết của Murakami lại có cảm hứng khởi đầu từ "thần thoại Hy Lạp"?

    ReplyDelete
  13. Để ý một chút về tiểu sử thì biết ngay: Murakami học bi kịch Hy Lạp ở đại học, còn Cao Hành Kiện thì học kịch Pháp.

    Cũng nhìn vào tiểu sử, thì sẽ biết Murakami đâu có luôn sống ở nước ngoài :)

    ReplyDelete
  14. Nhưng nguồn càm hứng chính của Cao Hành Kiện vẫn là "tinh thần văn hóa Trung Hoa" (kể cả trong tiểu thuyết lẫn kịch,lẫn thư pháp) bất chấp ông ấy học kịch Pháp...

    ReplyDelete
  15. @NL: "... luôn sống ở nước ngoài." Nhân đây, có nhận xét (thân mật) này: bây giờ người ta hay nói "luôn" mà hầu như không còn nói "luôn luôn" nữa. Chỗ này có lẽ là một cái tật mới, vì "luôn" và "luôn luôn" không cùng nghĩa. Bà ấy làm việc luôn tay. Thế là nó nói luôn một mạch. Chẳng nói chẳng rằng, hắn lái xe đi luôn. Họ luôn luôn cầu nguyện trước khi ăn cơm. Dân tộc luôn luôn ở trong tâm tưởng của tôi. Năm mới, chúc bác luôn luôn mạnh khỏe. Vài thí dụ như thế, mong nhận ý kiến.

    ReplyDelete
  16. Bác nói có lý, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chi tiết này, trước nay vẫn chỉ quan niệm "luôn" là nói tắt của "luôn luôn" thôi.

    ReplyDelete
  17. Cái phần viết về Mukarami, theo em, anh nhận xet hoàn toàn chính xác, đây: "khai thác chủ đề một con người cá nhân đơn độc đối diện với thế giới, tìm cách thoát ra khỏi thế giới để quan sát từ bên ngoài. Cái lạ của tiểu thuyết Murakami là một hành trình như vậy lại không bao giờ có màu sắc của chán chường, bi thảm"
    và đây nữa: "miêu tả sự kỳ quặc, điên rồ một cách tỉ mỉ và rốt cuộc, đầy bất ngờ, biến những điều kỳ quặc, điên rồ thành một cái gì đó thật nhẹ nhõm"
    Em cũng có cảm nhận tương tự, tuy nhiên chưa diễn đạt được chính xác như anh.
    Cảm ơn anh.

    ReplyDelete
  18. Bi kịch mất bóng kinh khủng nhất trong văn chương có lẽ là trường hợp nhà bác học trong Cái bóng của Andersen chăng?

    ReplyDelete
    Replies
    1. à, vừa hay, tôi đang định viết một bài về Christian Andersen, nhân dịp đồ đệ của Andersen là Kierkegaard vừa có sách dịch in ở Việt Nam

      Delete