Sep 1, 2014

Những câu chuyện rất là khác


Không chỉ văn chương thường xuyên phải nằm ở những đoạn khác, đến cả lịch sử, cái thứ tưởng chừng đâu "khách quan" và "công bằng", lại cũng như vậy luôn.

Lịch sử nên là một chốn "thanh hoa" (xem thêm ở đây và ở đây :p), nhưng tôi thấy lịch sử giống một cái bể phốt hơn

.

Gần như mọi sự trong quá khứ của Việt Nam sau này lúc đi vào lịch sử đều méo mó xẹo xọ sao đó rất khó tả, nhất là cái đặc điểm này: lịch sử của Việt Nam là lịch sử thiên về tiểu sử, chứ không phải lịch sử ghi nhận các giá trị một cách rạch ròi

.

Gần đây tôi thử lược lại lịch sử phê bình văn học Việt Nam của một giai đoạn quan trọng - giai đoạn "tiên khởi" - để chứng minh rằng Hoài Thanh không phải nhà phê bình duy nhất; tôi vốn nhu mì và hiền hậu chứ thật ra, Hoài Thanh, đặt trong mối quan hệ với các nhà phê bình khác cùng thời, thì bé tí bé tẹo chứ to lớn cái nỗi gì

.

Lịch sử không hề công bằng, ta cứ công nhận sẵn luôn như vậy đi cho tiện sổ sách :p nhưng adua theo sự không công bằng của lịch sử lại là một thái độ không chấp nhận được; từ trường hợp Hoài Thanh có thể thấy rằng: bởi tiến trình của lịch sử làm cho một số người chết sớm (Kiều Thanh Quế, Phan Văn Hùm, Lương Đức Thiệp), một số người bỏ cuộc chơi từ sớm (Trương Tửu), tuyệt đại đa số khác dính rất nhiều "phốt" về lý lịch (đây là điểm quan trọng cho thấy lịch sử Việt Nam và nhất là lịch sử văn chương Việt Nam thiên về hướng tiểu sử) (giờ đây Tô Hoài đã trọn vẹn sự nghiệp, ta cũng cần nhìn nhận vai trò của Tô Hoài & Co. trong vụ "thanh trừng các nhân vật lỡ dính vào Đệ Tứ hay Quốc Dân đảng"), rồi trong số những người còn lại (và cả những người "mới": Như Phong, Vũ Đức Phúc các thứ) thì Hoài Thanh dứt khoát lại nổi trội hơn, thế là đến giờ đương nhiên Hoài Thanh bỗng bị đặt lên một vị thế cao đến chóng mặt, một vị thế rất vô lý nếu có chút hiểu biết về nền phê bình văn học Việt Nam trước 1945.

H
ôm trước, tôi nói chuyện với một người, ông ấy nói đến "tâm lý bù trừ" trong giới nghiên cứu và độc giả: trong vòng nhiều năm Thi nhân Việt Nam được cho là hiếm, rất khó đọc, sự nghiệp phê bình của Hoài Thanh nhiều trắc trở, nên khi đã được "khôi phục" thì đã có hơi quá nhiều vòng hoa choàng lên cho một thứ phê bình văn học rất đỗi bình thường, không có gì đột phá, không có gì là lớn.

Đó là lịch sử của phê bình, trong lịch sử tiểu thuyết cũng diễn ra điều tương tự: 

Vũ Trọng Phụng bỗng có một vị trí độc tôn ở đúng địa hạt kém nhất của Vũ Trọng Phụng là tiểu thuyết; giờ ta hãy thử đọc một cuốn sách có lẽ được Vũ Trọng Phụng tự coi là gần với "tiểu thuyết" nhất, là cuốn Dứt tình: đó là một tác phẩm non yếu, những miêu tả cuộc sống ăn chơi vô cùng gượng gạo, theo đúng kiểu "hóng hớt", không thực sự biết nhưng cố uốn éo cho ra một câu chuyện (khi viết phóng sự, nhiều khi Vũ Trọng Phụng cũng thu thập vài kinh nghiệm người khác kể rồi thêm mắm thêm muối, nhưng lại rất hấp dẫn - trường hợp điển hình là Cạm bẫy người).

Cuốn Dứt tình ấy khác hẳn với một cuốn tiểu thuyết lớn đã bị lãng quên, lúc đầu là do cố ý, sau vì hững hờ của vô thức tập thể: tiểu thuyết Băn khoăn của Khái Hưng (bản in đầu có nhan đề Thanh Đức). Với tôi, đó là Stendhal của tiểu thuyết Việt Nam
.

Cũng giống hệt như ở trường hợp của lịch sử phê bình văn học, lịch sử tiểu thuyết Việt Nam đã tiếp nhận vào "hall of fame" của mình những gì thiên theo tiểu sử chứ không phải theo giá trị; "dòng Vũ Trọng Phụng" đã hoàn toàn thắng thế trong sự ghi nhận của hậu thế, trong khi "dòng Khái Hưng" bị gạt sang lề của những tình cảm ướt át, những miêu tả cuộc sống thượng lưu suốt một thời gian dài bị coi là "rởm đời". (xem thêm ở đây)



Nhưng "dòng Khái Hưng" (Nhất Linh, rồi cả Nhượng Tống của cuốn tiểu thuyết tuyệt vời Lan và Hữu) không đáng bị vứt bỏ như vậy vì vài định kiến dở hơi; tiểu thuyết của Khái Hưng (hay Nhất Linh và Nhượng Tống) lớn hơn người ta tưởng, tinh tế và phong phú của một hư cấu đúng ở trong "tinh thần tiểu thuyết"; chứ không phải Vũ Trọng Phụng.



Việt Nam còn có một câu chuyện khác, câu chuyện của những vùi lấp, mà tại sao lại vùi lấp? có thể vì người Việt Nam hay cười xớn xở nên lại có nhu cầu về bi kịch rất lớn, nhưng lại chỉ chấp nhận và coi trọng được những bi kịch vừa phải, như bi kịch cuộc đời Hoài Thanh hay Vũ Trọng Phụng, trong khi những bi kịch kiểu Khái Hưng, Nhất Linh, Phạm Quỳnh hay Nhượng Tống thì lại quá mức chịu đựng.

Mà cái chính, những câu chuyện rất khác ấy mới đủ sức tạo nên một lịch sử khác: lịch sử của các giá trị, chứ không phải thứ lịch sử dở hơi của các tiểu sử khủng bố hoặc khiến tâm hồn hậu thế phải nhỏ lệ.

3 comments:

  1. Lần đi Hội An vào nhà thờ tổ gia tộc Nguyễn Tường được một người cháu trong dòng họ Họa sĩ gì đó không nhớ tên tặng quyển Băn khoăn hồi đó cứ nghĩ là thường :D

    ReplyDelete
  2. Băn khoăn in năm chín mấy hay Băn khoăn bản Phượng giang 1958?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Để về coi lại. Nhg chắc là sách mới vì nhìn nó không cũ đến mức từ năm 58 được

      Delete