Sep 14, 2011

Sách (XLIV) Thơm mãi

Hai quyển sách mới, rất là mới.

Thứ nhất là bản in lại cuốn sách rất ông cụ: Sử kí Thanh Hoa (Le Parfum des humanités). Bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, Đông Tây & NXB Lao động. Sách song ngữ, dĩ nhiên.

Nghĩa là in lại quyển này.

Bản 2011 này có "Lời giới thiệu" của GS Chương Thâu, dài hai trang.

Tôi thử giở cái trang mô phỏng bìa sách cũ, thấy ngay tên Xử lý Toàn vụ Toàn quyền Monguillot bị chép lại thành Mongullot. Điềm gở đây, mặc dù ngay trong trang bên cạnh có ghi rất rõ ràng đàng hoàng: "Tái bản theo đúng bản in lần thứ nhất".

Trang tiếp là tiếp tục lỗi: "A monsieur Maurice Monguillot [à chỗ này lại viết đúng tên Xử lý Toàn vụ Toàn quyền] Résident Supérieu [sic] au Tonkin Gouverneur Général P.I. de l'Indochine est dédié cet auvrage [sic] qui n'aurait pas été entrepris sans ses conseils et sans ses encouragements. E. V"

Mấy chữ mà hai lỗi.


Trang đầu tiên (thật ra là nửa trang) của phần "Préface" đã vô thiên lủng lỗi: "ne peul-être que la prélude": viết sai "peut-être" thành peul-être", "Jene l'ai pas assumèe à la légère": cái gì ấy nhỉ, "jai longtemps" hic, "sansse lasser" hì, "ètendue" vân vân và vân vân.

Quay lại "Lời nói đầu" của GS Chương Thâu. Thấy tên ông, độc giả (như tôi) chờ đợi một phân tích về Vayrac, một nhà thực dân nổi tiếng, mối quan hệ rất phức tạp "thực dân" và "khai hóa", bởi đây chính là mảng của ông, người từng thực hiện bộ sách đồ sộ Toàn tập Phan Bội Châu. Nhưng không hề có. Thôi được rồi, không có thì thôi, nhưng ít nhất thì ông cũng đừng nói sai chứ.

Đoạn duy nhất có chút tính chất phân tích, có thể coi là đoạn quan trọng nhất trong hai trang "Lời giới thiệu" của GS Chương Thâu, là đoạn văn thứ hai. Ở đây GS Chương Thâu phân tích tên sách:

"Nguyên tên sách Le parfum des Humanités chỉ nên hiểu là "mùi thơm/ hương vị từ/ của những nhà nhân đạo/ nhân văn chủ nghĩa". Nói rộng ra là những vị hiền triết, bậc anh hùng, đấng minh quân, lương thần trong lịch sử" (tr. 5).

Tất nhiên ông Chương Thâu sai hoàn toàn. "Humanités" (chú ý luôn luôn ở dạng số nhiều) không phải "những nhà nhân đạo/ nhân văn chủ nghĩa". Nhà nhân văn chủ nghĩa là "humaniste". Và trong Le Parfum des Humanités chẳng có bóng dáng nhà nhân văn chủ nghĩa nào hết. Trong đó chỉ có các nhân vật Hy Lạp, La Mã, một dạng rút gọn cuốn sách của Plutarque. "Nhân văn chủ nghĩa" là những người như là Thomas More hay Erasmus, tức là những người ở thời Phục hưng. Những người này có liên quan đến "humanités". Tôi tin là ông Chương Thâu không biết nội dung cuốn sách mà ông viết lời giới thiệu có những gì.

"Humanités" có thể hiểu là gì? Theo tôi đã có một cách dịch khó mà chính xác hơn trong Sách của bạn tôi (bản dịch Hướng Minh, tác phẩm của Anatole France mới hôm trước ở đây chúng ta có nhắc đến :p), và đó là "cổ văn học". Nếu mà muốn dịch thật sát nhan đề sách này thì có thể là "Hương cổ văn". Dĩ nhiên Nguyễn Văn Vĩnh có quan niệm riêng về dịch thuật nên đã để là Sử kí Thanh Hoa; quan niệm ấy ta không bàn ở đây, vì lẽ ra đó cũng phải là công việc của người viết "Lời giới thiệu" (nhưng tất nhiên ông Chương Thâu đã không làm).

Đọc thêm về cả một dòng văn học mùa thu em đến trường Anatole France rồi Thanh Tịnh, có bài này, trong đó cũng nhắc tới "cổ văn học" và "humanités" :p

+ Một quyển nữa vừa kiếm được hôm nay: Những con ngựa thồ (Văn học dịch - Dịch văn học) của Thúy Toàn, NXB Tri Thức. Bên NXB Tri Thức đang có xáo trộn gì hay sao mà để sách lỗi kinh dị thế, tôi giở ra đọc cũng kha khá trang, không trang nào không có lỗi, thậm chí chú thích ảnh còn từ "Cao Xuân Hạo" thành "Cao Xuân Họa". Sợ luôn. Xem ảnh trong sách cũng có thể hình dung được nhiều về quan hệ giữa Hội Nhà văn các nước anh em trước đây, minh họa rất tốt cho bài hôm trước tôi mới dịch :p

Thu hoạch đầu tiên từ quyển này: trong bài về Tuấn Đô Đoàn Phú Tứ, tác giả cho biết Tuấn Đô đã dịch Sáu nhân vật đi tìm tác giả của Pirandello, nhưng chưa in.

16 comments:

  1. Ông Thúy Toàn dịch thơ Nga hay đến đâu thì chỉ có dân tiếng Nga mới nhận định được. Riêng về khoản nghiên cứu hay khảo luận thì cẩu thả vô cùng thả cẩu. Cao Xuân Hạo đúng là Cao Xuân Họa thật, đối với nhiều nhà khoa học! Le parfum des humanités có thể tạm dịch là Cổ học tinh hoa. Và có lẽ ngoài chữ Nguyễn Văn Vĩnh dùng ra thì chỉ còn cụm từ này...(BV).

    ReplyDelete
  2. Thôi bác Chương Thâu bác í không giải thích thì tớ thử suy đoán xem sao. Có 2 chữ "thanh hoa", mà chữ nào cũng đẹp hết.

    Chữ "thanh hoa" thứ nhất là chữ này 聲 華, với nghĩa: danh tiếng vẻ vang, danh tiếng tốt đẹp. "Sử ký Thanh Hoa" nghĩa là cuốn sử ghi chép về những người có danh tiếng vẻ vang.

    Chữ "thanh hoa" thứ hai là chữ này 清华 (chữ trong trường Đại học Thanh Hoa). Chữ này có nhiều nghĩa, nhưng một trong những nghĩa đó là chỉ những người thanh cao hiển quý.

    Như vậy tóm lại, dùng "thanh hoa" nào thì "Sử kí Thanh Hoa", dịch nôm na ra là bộ sử ghi chép về những nhân vật có tiếng tăm. Bác Nguyễn Văn Vĩnh, với quan điểm dịch thuật riêng, dịch thế là quá ổn chứ nhỉ? :)) :)) :))

    ReplyDelete
  3. Nhiều tất nhiên với dĩ nhiên quá:)

    Trong mấy trang giới thiệu Người phàm, có một lỗi đố là lỗi gì?:)

    Đoàn Phú Tứ dịch nhiều khiếp nhỉ?

    ReplyDelete
  4. GM: biết rồi, xử lý rồi

    bạn Quách: tớ đâu có phản đối gì Nguyễn Văn Vĩnh đâu :p

    ReplyDelete
  5. Nói chung, có nhiều cách dịch mà tớ chả hiểu nổi. Ngay ở phương Tây hay ở Mỹ cũng có những kiểu dịch kinh dị lắm. Thí dụ bọn Mỹ nó dịch nhan đề "Kim Bình Mai" sang tiếng Anh thành "The Plum in the Golden Vase", thiên địa hội ơi, vậy mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc trong các công trình nghiên cứu bằng tiếng Anh họ cũng vẫn lấy nguyên cái tên ấy. Thí dụ, một cách dịch khác của Kim Bình Mai là "The Golden Lotus" (Kim Liên truyện), tớ thấy ổn hơn nhiều sao bọn nó không dùng, lại cứ nhất quyết phải là "The Plum in the Golden Vase"? Hồi đầu mình cũng bức xúc lắm, sau đó mình nghĩ kệ xác bọn Trung Quốc, chúng nó còn chưa bức xúc mình bức xúc làm gì :)) :)) :))

    Nhân tiện cuốn "In the country of last things" của Paul Auster đã được dịch ở Việt Nam chưa vậy? Hôm nay tớ vợt được cuốn này của bác í được dịch sang tiếng Trung với nhan đề là "Mạt thế chi thành" :))

    ReplyDelete
  6. Mạt thế chi thành, ak ak nghe gớm nhỉ :p

    chưa dịch đâu, chắc còn lâu hoặc không bao giờ í hí hí

    ReplyDelete
  7. à quên đấy, GS CT cũng có nói về hai chữ "thanh hoa", đại ý thế là hơi quá cái ý của tiếng Pháp, rồi từ đó mới vắt sang ý "nhà nhân đạo chủ nghĩa" kia :p

    ReplyDelete
  8. Dich gia Nguyen Khanh Long vua moi qua doi.

    ReplyDelete
  9. Thật hả bác :( Tôi chưa thấy có thông tin gì. Đợt trước viết mail cho tôi, bác ấy cũng nói là đang rất ốm :((

    ReplyDelete
  10. Tôi vừa nhận được thông tin. Dịch giả Nguyễn Khánh Long (người dịch "Vu khống" và "Lại chơi với lửa" của Linda Lê) đã qua đời tại Montréal.

    ReplyDelete
  11. Vài dòng về anh Nguyễn Khánh Long


    Anh Long sinh ngày 12/4/1942 tại Ninh Bình. Anh theo gia đình vào Nam sinh sống. Những năm 1970, anh dạy Pháp Văn tại trường trung học Thọai Ngọc Hầu ở Long Xuyên. Vào cuối những năm 70, anh chuyển về dạy ở TTH Chu Văn An rồi Lê Hồng Phong (Pétrus Ký) ở Sài Gòn. Đến năm 1981 anh cùng 2 đứa con sang Canađa. Sau đó thì cả gia đình của anh cùng đoàn tụ tại Montréal.

    Năm 1982, anh làm việc ở Tổng Lãnh Sự Pháp tại Montréal, phụ trách kho dữ liệu.

    Năm 2000, cùng với một số bạn, anh tham gia thành lập Quỹ Tương Trợ Việt Nam Canada để thực hiện các công việc từ thiện đối với người dân Việt Nam (giúp xây những trường mẫu giáo, cấp học bổng cho học sinh nghèo, lập quỹ tiết kiệm...). Anh làm việc này cho đến năm 2005. Năm 2006 anh về hưu.

    Ít lâu sau khi về hưu anh phát hiện đã mắc bệnh ung thư. Sau khi được chữa trị, sức khỏe dần dần hồi phục, để rồi gần đây, bệnh lại tái phát, và anh qua đời tại Montréal, thọ 70 tuổi.

    Anh ra đi, để lại 4 đưa con là Nguyên, Vũ, Thụy Anh, Đan Tâm và 4 đứa cháu ngọai.

    Là một người yêu văn học cũng như thích nghiên cứu, khi đọc được những tài liệu hay, những tác phẩm xuất sắc, anh không ngại bỏ công dịch sang tiếng Việt.

    Một số tác phẩm dịch đã được xuất bản:

    - Việt Nam, hành trình một dân tộc (Parcours D’une Nation), của Philippe Papin, nxb Thời Mới, Canada.

    - Phụng hoàng (The Embassy House), của nhà văn Mỹ Nicholas Proffitt


    - Vu khống của Linda Lê, nxb Nhã Nam & Văn Học

    - Lại chơi với lửa của Linda Lê, nxb Nhã Nam & Văn Học

    Anh có hợp tác với một số tạp chí, Website như Hợp Lưu, Talawas, Da Màu và đã có nhiều bài viết...

    Ngoài ra, anh còn để lại một số dịch phẩm khác chưa xuất bản, trong đó có truyện ngắn, biên khảo, phỏng vấn. và 2 tác phẩm nghiên cứu của nxb Oxford (chưa in)

    Các bạn có thể xem những bài phỏng vấn anh NKLong và bài viết về một số dịch phẩm trong file đính kèm, hoặc ở các Website dưới đây:

    - Truyện: Nền Móng
    của Eduardo Galeano do Nguyễn Khánh Long chuyển ngữ
    Xem ở: http://damau.org/archives/12802

    - Báo Tiếng Vọng phỏng vấn NKLong
    http://tiengvong.com/vn-hoa/van-hoa/2130-dch-gi-nguyn-khanh-long-linda-le-luon-am-nh-bi-vit-va-cht.html

    - Đọc Linda Lê quả là niềm hoan lạc (Báo mới):
    http://www.baomoi.com/Doc-Linda-Le-qua-la-niem-hoan-lac/152/5018192.epi


    NGT: Lương Châu Phươc

    ReplyDelete
  12. Thu hoạch đầu tiên từ quyển này: trong bài về Tuấn Đô Đoàn Phú Tứ, tác giả cho biết Tuấn Đô đã dịch Sáu nhân vật đi tìm tác giả của Pirandello, nhưng chưa in. <--- câu này là sao bác ơi?

    ReplyDelete
  13. đơn giản lắm bác ạ: trước đây tôi chưa biết thông tin đó, nhờ đọc lướt qua quyển sách mà biết

    giờ bác lại lấy cái tên này à :p

    ReplyDelete
  14. Uh tôi cũng vừa mới tậu được em ngựa thồ đây và vẫn chưa hết bực mình.

    ReplyDelete
  15. "Xử lý thường vụ Toàn quyền" chứ, phải không ạ?

    ReplyDelete
  16. Sử Ký Thanh Hoa

    bây giờ mới hiểu vì sao bỗng có những con sâu ngọ nguậy đòi đặt tên

    mưa đã rất sát

    ReplyDelete