May 25, 2015

Khái Hưng vs Nguyễn Tuân

Năm 1946

Một nhà văn học sử độc đáo cần lấy riêng năm 1946 làm đối tượng khảo sát: không bao giờ văn chương Việt Nam có một năm đặc biệt hơn thế, một năm vô cùng thiếu vắng, nhưng chính là năm đầy tràn nhất. Luôn luôn văn chương có một điểm mốc của đoạn tuyệt, đổi thay hơi lệch so với mốc chính trị-xã hội. Năm lịch sử 1954 tạo ra phản ứng trong văn chương vào năm 1956, cả ở miền Nam lẫn miền Bắc, điều đó đã quá rõ. Đối với năm lịch sử 1945, năm văn chương tương ứng là 1946.

Đây là thời điểm để ta bắt đầu nhận ra một cú khủng khiếp như 1945 có thể tác động như thế nào tới văn chương. 1) Một số nhân vật vì thế mà không thể hồi lại được nữa, mà Xuân Diệu là rõ nhất; nhưng ở mức độ kín đáo hơn, còn phải kể đến những trường hợp như Nguyên Hồng: như thể cuộc đổi thay lớn đã tạo ra cơn gió quá mạnh thổi tắt mất một ngọn đèn (đúng hơn là ngọn nến) rất đẹp bên trong Nguyên Hồng 2) Những nhân vật nếu không có biến cố 1945 thì sẽ chẳng có lấy một vị trí đáng kể: Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, v.v... 3) Nhưng cũng chính năm 1945 lại khiến ta nhìn thấy được vài sự nghiệp văn chương trọn vẹn; không có nhiều những sự nghiệp như thế, và đáng kể là Nguyễn Tuân và Khái Hưng cùng lên đến đỉnh cao vào chính năm 1946, như thể năm 1945 thúc đẩy họ đi nốt chặng đường cuối.

Thơ, văn xuôi và phê bình có những con đường riêng. Văn xuôi cần đến một dung lượng lớn tác phẩm, thơ lại cần tới một cái gì đó bí ẩn không thể giải thích. Nhà thơ lớn của thời tiền chiến là Vũ Hoàng ChươngĐinh Hùng. Còn phê bình: chỉ có nhà phê bình lớn mới nhận ra rằng nửa thế kỷ sau 1945 ở Việt Nam không thể có phê bình văn học. Ở phương diện này, hai nhà phê bình từ bỏ phê bình từ rất sớm là đáng nói nhất: Trương Tửu và Trương Chính.

Quay trở lại năm 1946 và cặp Khái Hưng-Nguyễn Tuân: năm 1946 là năm có đặc biệt ít tác phẩm văn chương. Ta chỉ có thể kể đến Cười của Nam Cao, Khao của Đồ Phồn và Chùa Đàn của Nguyễn Tuân. Trong đó Chùa Đàn dĩ nhiên là tác phẩm quan trọng hơn cả. Chỉ trong vòng 5-6 năm, Nguyễn Tuân hoàn thành một sự nghiệp văn chương khủng khiếp, chưa từng có, mà Chùa Đàn là kết tinh của mọi thứ, nhưng là một sự kết tinh rất không trọn vẹn. Còn Khái Hưng cần nhiều thời gian hơn, ung dung hơn cho sự nghiệp của mình, nhưng cũng đi đến năm 1946 một cách bùng nổ.

Bởi vì, sự kiện văn chương quan trọng nhất của năm 1946 là Chùa Đàn của Nguyễn Tuân, nhưng không chỉ có thế, vì song song với nó còn có một sự kiện nữa: trong năm 1946 này, Khái Hưng là nhà văn duy nhất, ngoài Nguyễn Tuân, có tác phẩm lớn, nhưng đã bị chìm khuất. Những truyện ngắn như "Lời nguyền", "Khói hương" hay "Hổ" của Khái Hưng xuất hiện vào năm 1946 này đã không mấy ai còn nhớ. Tôi tin là cho tới giờ cũng mới chỉ có rất ít người biết đến tập Lời nguyền in những tác phẩm ngắn hồi 1946 này (một cách không đầy đủ) của Khái Hưng (Phượng Hoàng xuất bản, Sài Gòn, 1966), và càng ít người hiểu được tầm vóc của những tác phẩm ấy.

Cả Khái Hưng và Nguyễn Tuân vào năm 1946 đều chung một cảm thức, thế nên cả hai, một cách độc lập, đều quay trở lại quá vãng tù tội trên miền thượng du: trong Chùa Đàn thì ta đã rõ, còn trong các truyện ngắn của Khái Hưng, đó là giai đoạn đi tù ở Vụ Bản, người Mường, thuốc phiện và hổ.

Đặc biệt hơn cả, Khái Hưng hết sức để ý đến Nguyễn Tuân. Dưới đây là một bài điểm sách, có lẽ sớm nhất, về Chùa Đàn, đăng trên một tờ báo ra năm 1946, bài báo không đề tên người viết nhưng theo nhiều tìm hiểu thì đó chính là Khái Hưng. Khái Hưng là người hiểu Nguyễn Tuân nhất, đặc biệt khi cho rằng phần "Dựng" và "Mưỡu cuối" của Chùa Đàn làm hỏng đi cả tác phẩm. Lời nhận xét này tất nhiên dựa rất nhiều trên "lập trường tư tưởng", nhưng cùng lúc, thật ra nó hết sức chính xác, như một lời tiên tri: Nguyễn Tuân đạt tới đỉnh cao của mình ở "Tâm sự của nước độc", ngay sau đó, trong cùng tác phẩm, "Mưỡu cuối" đã là sự suy đồi. Và sau đó chỉ thuần túy là suy đồi, con chim phượng hoàng đã thôi bay, hạ cánh xuống sân chơi với đàn gà, trong đó có những phần tử hết sức tinh quái, như Tô Hoài. Còn Khái Hưng, chim thiêng nói lời mệnh bạc, sẽ bỏ mạng ngay năm sau đó, 1947.



Nguyễn Tuân và Chùa Đàn

Khái Hưng

Không phải ông văn sĩ phóng túng ấy đi từ ở Chùa Đàn đâu. Ông ta chỉ viết một “đoản thiên dài” về “Chùa Đàn”, chuyện ly kỳ như một chuyện Liêu trai vậy. Đó là chuyện một anh chàng điên, cũng điên vừa vừa thôi, hay nói điên ngông thì đúng hơn. Vợ anh ta chết trong một chuyến xe hỏa trượt bánh. Tức thì lòng thương sót [sic] của anh ta hợp với cái điên cuồng có lẽ di truyền hay bẩm sinh mà lý luận rằng: Xe hỏa là máy móc, xe hỏa đã giết vợ anh ta tức là máy móc đã giết vợ anh ta. Từ đó anh ta đâm ra ghét tất cả cái gì là máy móc, từ cái máy tát nước cho chí cái máy bật lửa, nhất định đoạn tuyệt với đời khoa học và chỉ sống âm thầm, theo lối cổ sơ ở trong một cái ấp hẻo lánh cùng với một người quản gia cũng điên ngông không kém. Thế rồi rượu, rượu do người quản gia cất và chôn ở ven chân đồi làm cho anh nghệ sĩ trẻ tuổi ấy dần dần tiến đến cõi chết, để rồi được cứu sống do cái chết của hai nghệ sĩ khác, một tài tử (người quản gia) và một kỹ nữ (đầu Tơ).

Nhân vật trong chuyện rất ngông rất đẹp và hoạt động và sống như những nhân vật của Bồ Tùng Linh.

Đoản thiên ấy, tuy chỉ là một đoản thiên, cũng an ủi làng văn chúng ta được đôi chút trong cái thời sáng tác trụy lạc này.

Nhưng, chừng ông Nguyễn Tuân nhút nhát của chúng ta vẫn còn sợ cái “trụy lạc” ấy nó quật lại, sợ cái phong trào bài phong kiến nó “chà đạp” nên ông ta mới đi thêm vào đoản thiên của ông ta hai đoạn không thể vô vị hơn được: đoạn “dựng” và đoạn “mưỡu cuối”. Đó là hai viên đường trong chén trà “trảm mã” đấy ông Tuân ạ, ông đã nhận rõ chưa?


6 comments:

  1. P là những người cùng tầm mới có thể viết đc cho nhau những dòng như này được. Một điều rất không hay là trong chương trình giáo dục ko có trích đoạn nào của Khái Hưng nên lứa trẻ giờ ít người biết tới một tên tuổi rất đáng được ghi nhận như ông

    ReplyDelete
    Replies
    1. "Anh phải sống" không còn trong sách giáo khoa à? Thời tôi học hình như nó ở phần "đọc thêm"

      Delete
    2. Anh phải sống giờ nó nằm trong các giáo trình đầu tư chứng khoán rồi. Thoại cũng giống. "Thằng ROS, cái HAI, con KFL, không, Anh phải sống!". Trẻ con hàng ngày ở nhà nghe cha mẹ cầu khấn cho số phận các anh trước củi lò nghiệt ngã đã đủ. Nên nhà nước bỏ nó đi trong sách giáo khoa ngữ văn. Quá đen cho nền văn học Hải Phòng.

      Delete
  2. Replies
    1. không, giao tiếp bình thường suy nghĩ bình thường nó thế mà, làm như ai cũng đang gồng

      Delete
  3. thì chính thế: cố mãi mà vẫn không bình thường nổi

    ReplyDelete