Mar 5, 2017

Khai quật: Người Pháp không xanh-trắng-đỏ

Tôi bỗng nhớ ra, cách đây đúng mười năm, đúng từng ngày (cũng có thể có xê xích, nhưng không hề đáng kể), tôi post bài đầu tiên trên cái blog cũ. Mở lại nó (nó tồn tại trong vòng hai năm, gồm 400 bài, hehe) bỗng tôi thấy hóa ra tôi không nhớ rất nhiều điều đã xảy ra. Những điều đã xảy ra thật ra cũng không mấy quan trọng, nhưng tôi thấy đôi lúc bối rối vì cách đây mười năm tôi từng viết một số điều mà tôi không rõ nếu là bây giờ thì tôi có viết hay không, cũng như một số điều khác thực sự gây bất ngờ cho bản thân tôi. Dưới đây là cái bài đầu tiên tháng Ba năm 2007 ấy.


Người Pháp không xanh-trắng-đỏ


Tôi ở ký túc xá một trường nhỏ trong vài năm. Chúng tôi hầu hết mới bước vào tuổi hai mươi. Nhiều người xuất sắc hơn, mới mười tám tuổi. Paul Auster trong tiểu thuyết Moon Palace viết rằng “mười tám tuổi là một cái tuổi khủng khiếp”, trong khi người ta tìm cách tỏ ra theo một cách nào đó chín chắn hơn các bạn đồng lứa, thì trên thực tế người ta lại chỉ tìm ra một cách khác để tỏ ra mình còn rất trẻ con. Chỉ có những nghiên cứu sinh từ các nước là nhiều tuổi hơn. Sự lạc lõng của họ nhìn thấy rõ, lạc lõng vì tuổi tác, và vì là người nước ngoài. Tôi chỉ có cái lạc lõng là người nước ngoài.

Ban ngày, thư viện luôn chật ních người, phần lớn là các nghiên cứu viên già nhiều tuổi, thậm chí rất nhiều tuổi. Buổi sáng không có nhiều học sinh, họ còn bận ngủ. Buổi tối, sau bữa ăn chung ở căng tin trường, được gọi một cách hoa mỹ trong thứ biệt ngữ đặc biệt của chúng tôi là “tiệc tùng”, từng cá nhân trở về phòng. Đêm đến, một số sẽ tập hợp ở phòng ai đó có tính cách cosmopolite nhất. Phòng của Vanessa cùng hành lang của tôi thường xuyên quảng giao mở rộng cửa. Ở đó, nhiều tối, chúng tôi ngồi nói chuyện về mọi thứ trên đời, và uống rượu. Không bao giờ có rượu vang, mà là rượu mạnh đủ loại. Thường thì sau một lúc, sự ngột ngạt của những căn phòng ký túc nhanh chóng thúc đẩy một ai đó đưa ra đề nghị “đi ra ngoài”. Sau tháng Năm 1968, ký túc xá các trường ở Pháp không còn là những khu ghetto chia rõ ranh giới nam nữ, ngày với đêm. Bốn giờ sáng về đến nơi, người thường trực mặt mũi nhàu nhĩ vẫn cố nở nụ cười khi mở cửa cho kẻ về quá muộn (hoặc là quá sớm). Xung quanh trường là một tập hợp đa dạng những quán rượu mở suốt đêm. Không bao giờ phải lo phố Mouffetard (với chúng tôi là La Mouff’) ở quận 5 này, xưa kia là một ngoại ô xa xôi [cf. chú thích số 8 ở kia], thiếu vắng sức sống, vừa cuồng nhiệt, vừa rời rã, vào ban đêm.

Sự ngột ngạt của những căn phòng ký túc! Trên những bức tường chạy vòng quanh bốn dãy nhà vuông vắn lúc nào cũng dán đầy những tờ thông báo. Tin tiệc tùng và dạ hội lúc nào cũng lấn át thông tin của trường về các sự vụ hành chính và các cours học đặc biệt. Một diện tích lớn dành cho các tranh luận báo tường về chính trị và chủ kiến giới tính. Tôi biết rõ những ai có chính kiến mạnh, nhưng chưa bao giờ phân biệt được trong số những người gặp hằng ngày ai là người thường xuyên dán lên tường vào ban đêm những khiêu khích nhằm tới những người phản đối lối sống đồng tính. Sau Michel Foucault (từng là học sinh ở trường tôi), hai điều đã trở thành mốt (giống như trước đó Jean-Paul Sartre đã gieo trồng mốt tự do hiện sinh): chống tư tưởng của các nhà nhân văn chủ nghĩa và đồng tính.

Mỗi năm qua đi, số lượng những người tôi quen từ khi mới vào trường giảm dần. Nhiều người ra nước ngoài, nhiều người không muốn ra khỏi phòng nữa. Những quen biết mới có tính chất khác hẳn. Không bao giờ người ta quay trở lại được tuổi mười tám, hai mươi. Trong số những người từng qua phòng Vanessa uống rượu buổi tối ngày xưa, tôi biết một người đã tự sát. Ngay trong trường. Tôi không muốn hỏi kỹ hơn. Sự lạc lõng không giảm mức độ theo năm tháng, tôi vẫn không hiểu nhiều điều. Vả lại, người bạn tôi không nhớ rõ mặt đã chọn một phòng tắm trong ký túc. Tôi rất không muốn biết đó chính xác là phòng tắm nào.


Đến London
Ba sai lầm



nhân tiện: mới thêm một đoạn dài Ferragus

7 comments:

  1. Kiên trì mong đợi chủ blog "đào mộ" blog cũ, haha

    ReplyDelete
  2. giống cái phim gì l'avenir phết

    ReplyDelete
  3. bài này thật ra là được đặt cho số tết một tờ báo lớn ở Việt Nam, báo rất là to; sau khi tôi gửi bài (đúng hạn và đúng số chữ được yêu cầu) thì nhận được cú điện thoại, nhân vật của tờ báo kia bảo bài này "thiếu tính nhân đạo" và sau đó không đăng, hehe

    ReplyDelete
  4. "Người đi ừ nhỉ người đi thật"

    ReplyDelete
  5. báo xuân mà bác viết thế này chả ai đăng, tinh thần chung là viết cái gì cũng phải tưng bừng như trẩy hội

    ReplyDelete
  6. đâu có, bài này ngay sau đó chuyển sang đăng một tờ khác, cũng số xuân :p

    ReplyDelete
  7. Hay. Nhớ một quãng đời tuổi trẻ

    ReplyDelete