Aug 24, 2016

[tiện bút] mười năm

tôi ngồi cho rữa tôi ra
bên trên là đá, dưới là rỗng không

đi về phía Đông: đối với William Blake, phía Đông là Luvah, phía của cảm xúc, của lửa, của trái tim, tức là rất khác với chẳng hạn phía Bắc, Urthona, phía của trí tưởng tượng, nhưng tồi tệ nhất là phía Nam, Urizen, đi về hướng này là đi về lý trí; dẫu sao, bỏ mọi thứ sang một bên, ngày ấy, dẫu sao, tôi cũng đã đi về phía Đông

cách đây đúng mười năm, đúng từng ngày (có sai lệch cũng chỉ không đáng kể, vài hôm gì đó - không là gì so với khoảng mười năm), chỉ còn một việc để làm là ra đi, vì ở lại không còn ý nghĩa gì nữa; trong quãng giữa, tôi đã làm những điều gì đó, khiến cho sự ra đi mới này đối với tôi không còn thuần túy là một cuộc trở về nữa; có những thứ khiến cho chuyện đã không còn là ra đi rồi trở về, có những điều tôi đã làm mà không thực sự ý thức được (những câu chuyện xảy ra ở chỗ đó, không cách nào biết được, ở cái "chỗ" mà người ta cứ gọi rất sai là "vô thức" ấy, rất nhiều chuyện xảy ra; vô thức không phải là mặt bên kia của ý thức, không phải tầng hầm của một ngôi nhà, mọi miêu tả so sánh kiểu như vậy đều không lại gần chút nào được "chỗ đó")

tôi đã đọc rất kỹ Gaston Bachelard, cuốn sách về không khí và giấc mộng; Bachelard theo tôi là người duy nhất không bao giờ giả dối khi nói về các giấc mơ, và cũng vì như vậy, Bachelard có thể hiểu giấc mộng được miêu tả lại nào là vờ vịt, hiểu ngay những giấc mộng nào mới đúng - không phải mọi sản phẩm của trí tưởng tượng đều đáng tin, đó là một quy tắc lớn; Bachelard là một trong số rất ít người thực sự hiểu về giấc mơ: hiểu được về mơ, mộng và mơ mộng ư, đừng mơ

một thời gian dài, cứ nhắm mắt bắt đầu ngủ là tôi thấy mình bay; những giấc mộng bay được Bachelard phân tích rất kỹ càng, chẳng hạn ở phương diện: khi mơ thấy mình bay, ta có cánh không? không, không giống như người ta vẫn tưởng đâu, vì đám thiên thần mọc cánh ở lưng, có khác gì lũ lợn sữa hồng hào biến thái? Leopardi, Blake hay Shelley cũng là những người bay, điều này không khó hiểu, vì thơ ca chính là một sự bay vọt lên không trung, chống lại mọi quy luật ngớ ngẩn; một nhà thơ từng miêu tả, nhìn từ trạng thái ấy, khoảng cách ấy, tư thế ấy, một cái cây, chẳng hạn, sẽ thấy một cái cây có rễ biến thành ngọn, các tán lá biến thành rễ

có mơ, thì cũng tức là có ngủ; Céline có một quan niệm rất đơn giản về bất hạnh: nhìn chung, ta chẳng bao giờ thực sự biết về bất hạnh của người khác (Proust thì, chẳng bao giờ ta thực sự biết về hạnh phúc của người khác), và chỉ có duy nhất một điều cần biết mà thôi, nếu người đó vẫn ngủ được, thì chẳng có gì là bất hạnh cả, chỉ cần ngủ, mọi thứ còn lại không mấy ý nghĩa

[tiếp]

ngày ấy, cách đây mười năm, những chuyến bay thẳng không còn là điều quá mới nhưng cũng chưa phải là rất phổ biến; những chuyến bay: trước khi có máy bay, con người đặt khả năng hiện thực hóa những giấc mơ bay của mình vào những thứ tròn tròn, những quả bóng khổng lồ, những khinh khí cầu thực chất là trôi chứ không phải bay, sau khi đã nản chí với các thử nghiệm gắn cánh lên người; thật là một sự ngây ngô ngu ngốc, khi cứ tưởng chim bay được nhờ có cánh, và cố tìm cách bắt chước theo, nhưng chim bay đâu phải vì chúng có cánh?

bay thẳng thì tiện, nhưng như vậy thì cũng mất đi những hương vị của sự quá cảnh; năm tiếng, hai tiếng, bảy tiếng, thậm chí có lúc mười mấy tiếng chờ đợi ở một sân bay nào đó, chính là những khoảng thời gian phi lý bất tận, sự kéo dài của cảm giác không còn thuộc về đâu nữa, quá cảnh máy bay là một cơ hội lớn cho các vũng lầy thời gian; bạn tôi từng kể với tôi về một cuộc tình bắt đầu bùng nổ từ một lần quá cảnh sân bay, đâu đó Narita hoặc Osaka, kể từ đó, những lần nào quá cảnh, kể cả khi chỉ còn đủ sức mở ti hí mắt nhìn những sảnh chờ đông ồn lên rồi trở lại vắng, rồi lại đông ồn lên rồi lại vắng, có những lúc chỉ còn lại độc một mình giữa tiếp nối những khoảng chờ đợi mà đương đầu với sáng lên và tối đi của ngoài trời, thì một phần nhỏ nào đó của tôi vẫn không ngừng rình đợi cơ hội cho những khởi đầu bùng nổ của các cuộc tình mới; nhưng về cơ bản, ở sân bay đợi cho đến giờ lên chuyến bay mới, chỉ nhìn thấy độc một sự bạc nhược của con người; dẫu có thế, rình đợi và hy vọng thì cũng có mất gì đâu, lại còn tăng khả năng giết bớt đi thời gian; "Tôi kiểm soát thời gian, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng giết nó đi", một nhân vật của Raymond Queneau từng nói như thế

chuyến bay thẳng năm ấy xảy đến vào quãng thời gian một escalateur của ga tàu điện ngầm Saint-Michel bị hỏng, tôi vẫn còn nhớ; đó là sau một chuyến đi Venise, chuyến đi khiến cho tôi tự xếp tôi ngay sang phía Céline chứ không phải phía Proust: Venise đối với tôi là một nơi ghê rợn, tôi không nghĩ có bao giờ mình còn trở lại cái chốn ấy nữa, để mà nhìn thấy bao nhiêu con người trong quán ăn mồm miệng đen kịt vì ăn món mì mực gì đó, những mồm miệng đen kịt đáng kinh tởm, trên những khuôn mặt thỏa mãn vì no, phía bên dưới đằng sau các lớp áo những dạ dày đã bắt đầu khoan khoái bài tập thể dục; tôi còn nhớ Venise, nhưng tôi cũng nhớ cái escalateur bị hỏng ở ga tàu điện ngầm Saint-Michel, một chi tiết nhỏ bé, không hiểu sao tôi vẫn thấy rõ ràng hình ảnh đó, cuối tháng Tám năm 2006, escalateur ở ga tàu điện ngầm Saint-Michel bị hỏng, nó không chạy nữa, người ta tháo tung nó ra để sửa, mấy người thợ hí hoáy suốt nhiều ngày, muốn đi thì phải đi cầu thang bộ, bên cạnh cái escalateur không hoạt động bị tháo ra thành một hố sâu hoắm đen ngòm; bến tàu điện ngầm Saint-Michel không phải bến lớn nhất ở Paris, nó không lớn bằng Châtelet hay Nation, nhưng đoạn đi lên xuống thực sự dài, một cái escalateur hỏng ngay lập tức trở thành tai họa lớn; nhiều năm về sau, cũng đi qua đó, tôi lại thấy escalateur bị hỏng, lại có mấy người thợ tháo tung nó ra hí hoáy sửa; giống như một déjà-vu đáng sợ, những điều như thế làm ta nhiều khi có cảm giác mình chẳng bao giờ thoát được khỏi một số thứ; tưởng đã đi xa rồi, hóa ra vẫn chỉ đang quanh quẩn mà thôi, quanh quẩn và quanh quẩn

nếu cứ tiếp tục, chắc hẳn tôi sẽ bắt đầu có cái giọng của một người hay than phiền; trên đời, tôi ghê rợn những kẻ than thở; tôi quay lưng ngay đi mỗi khi nào thấy có sự than thở; những kẻ than thở làm cho bầu không khí càng hôi thối hơn; than thở cũng giống như heroin, chỉ cần bập vào một lần, vân vân và vân vân

nhiều lúc, tôi có cảm giác mình chẳng thực sự đi đâu bao giờ (cứ tưởng mình là người ưa phiêu lưu, hóa ra lại chỉ là một kẻ suốt ngày ru rú một chỗ: nói chung, con người toàn hiểu hoàn toàn sai về bản thân mình, chủ yếu là hiểu ngược hẳn lại), nhất là tôi hay cảm thấy tôi chẳng làm gì hết; điều này có lẽ đúng, nhưng tôi cũng không biết phải làm thế nào, khi mà từ bé đến giờ chưa bao giờ tôi tự cắt móng tay (thậm chí móng chân cũng chưa bao giờ tự cắt, nói đúng ra là vậy), khi mà chuyện đã là như vậy, đúng là rất khó mà nghĩ khác

năm ấy, sau chuyến bay thẳng, tôi trở về Hà Nội, tôi rơi tõm vào một mùa thu đặc biệt đẹp và đặc biệt kéo dài, một mùa thu đẹp kéo dài như bất động (tuy rằng có nổ ra một cơn bão lớn, mà tôi vẫn nhớ ngày chính xác: 20 tháng Mười một)

[tiếp]

"khách đa tình sợ nhất mùa thu": cũng như Nguyễn Bắc Sơn không bao giờ nói sai, mùa thu không bao giờ chịu thua; lúc nào nó cũng chiến thắng, cái mùa thu của Hà Nội như có thể lấy đũa nguấy một vòng trong không trung là làm ra được món kẹo kéo mà thuở bé chúng ta hay ăn, một dải kẹo kéo lấy ra từ một cái nồi, cắm vào một cái que, rồi sau đó ta tha hồ mút; ngay cả khi tưởng chừng đã thoát được ra khỏi sự dấp dính đặc trưng của cái mùa thu ấy, thì sau lưng ta, nó vẫn gào to tuyên bố thắng trận: "nghe vàng mùa thu sau lưng ta"; cuộc chiến với mùa thu là một cuộc chiến thua từ trước

quãng 2002-2008, Hà Nội thay đổi rất nhiều; năm ấy, tôi đứng trên một vỉa hè, trời tối, sự tăm tối chưa hoàn toàn thành hình ở một khu mới, mọc lên ở một nơi tôi không tưởng tượng nổi; nơi này, nhiều năm về trước, rất quen thuộc với tôi, đó là quãng thời gian tôi không chịu nổi con người nữa (về sau, tôi cũng có nhiều đợt như thế), tôi đến ở một ngôi nhà giữa đồng không mông quạnh, hoàn toàn không có gì xung quanh ngoài ruộng, tiếng ếch kêu và những mảng trời tối sẫm linh động, thứ bóng tối tự tin nhờ thâm niên lưu cữu, không e ngại điều gì; hồi ấy, có đêm tôi đi về, trời mưa tầm tã của tháng Ba, phải mất rất nhiều thời gian đi cầu may trên những lối đi không thực sự là đường, về đến nơi, suốt cả tiếng đồng hồ tôi không sao mở được cửa, cái ổ khóa nhất định hóc khiến tôi chỉ muốn khóc, cho tới lúc dường như sự giận dữ bất cần của tôi đạt đến một mức độ khiến cái bóng tối cuồng loạn đẫm nước mưa kia cuối cùng cũng nhượng bộ tha không trêu tôi nữa; năm ấy, khung cảnh hoàn toàn thay đổi, tôi không còn thực sự nhận ra phương hướng ở ngay cái nơi trước đó tôi rất thân thuộc, tôi đứng trên một vỉa hè thật rộng, rộng đến phi lý, chẳng hiểu rộng như thế để làm gì; Hà Nội có những khu phố mới đặc biệt phi lý và ngớ ngẩn, càng ngày càng nhiều; cùng đứng với tôi trên vỉa hè ấy, còn phi lý hơn, có một cô gái; và vẫn còn phi lý hơn được nữa: cô gái ấy đòi tôi mang đi theo, đi bất kỳ đâu cũng được

tôi cũng không hoảng sợ lắm khi rơi vào hoàn cảnh ấy, mặc dù vào thời điểm đó, điều duy nhất mà tôi thầm tính toán là làm sao để thoát khỏi cô gái; thật tệ, nhưng về sau, chủ yếu ta sẽ nhớ những thời điểm phải suy nghĩ để thoát thân; rất đáng sợ khi có một cô gái đòi ta đưa đi cùng, đến đâu cũng được, mà ta lại không dám thú nhận, mọi sự chỉ là hiểu nhầm mà thôi, rằng không phải việc đưa cô gái đi đâu (đi bất kỳ đâu) là phi lý, mà toàn bộ câu chuyện chỉ là phi lý, chỉ là hiểu nhầm; lần ấy, tôi đã hiểu nhầm một cách thê thảm, vì thiếu kinh nghiệm, lại vì toàn bộ màn "tìm hiểu" chỉ diễn ra độc trong vòng mười phút ngắn ngủi, tại một nơi tranh tối tranh sáng, mãi cho đến lúc đã cởi hết quần áo của cô gái ấy ra (tại một nơi khác) tôi mới biết mình ngu như thế nào: lại thêm một cô gái hoàn toàn không có ngực; có một điều bí mật mà tôi có thể nói, đó là đàn ông luôn luôn nhầm lẫn về phụ nữ, phải mất rất nhiều thời gian họ mới hiểu được rằng phụ nữ hay dùng nước hoa là vì nếu không thì họ không thơm, và phụ nữ (nhất là hiện nay) thường xuyên đeo kính đen to che hết nửa mặt là vì nếu không làm thế, họ sẽ rất xấu, và đặc biệt kỹ năng biết chính xác một phụ nữ có cỡ ngực như thế nào khi họ vẫn mặc quần áo, thực sự là điều phải mất công học rất lâu; tất nhiên, sự nhầm lẫn hoàn toàn có thể ở chiều ngược lại, có những lúc không hy vọng mấy nhưng rốt cuộc khi đã không còn gì che đậy thì kết quả lại rất đáng phấn khởi, nhưng điều này nhìn chung là hiếm hơn, và không nên trông đợi quá nhiều; không bao giờ nên trông đợi quá nhiều, nhất là từ các mối tình

sau năm 2006, cũng có những mùa thu khác đặc biệt đẹp, đẹp đến thảm khốc, nhất là năm 2010, một năm của mùa thu bất tận, kéo dài mãi không thôi, như thể bắt con người phải có trải nghiệm thực tế về vĩnh cửu

tôi tiếp tục giữ mãi thói quen không bao giờ tự cắt móng tay (và cũng không tự cắt móng chân), nhưng cũng có lúc, nằm đó cho một người phụ nữ cắt móng chân, tôi nghĩ đến một số điều trầm trọng hơn, chẳng hạn như cố nghĩ xem, tôi là ai

[tiếp]

cách đây không lâu, đang ngồi trong một quán cà phê thì tôi cảm nhận được, sau lưng tôi, sự hiện diện của một người tình cũ; những điều như vậy thật ra không khó, cả việc ở cùng quán cà phê vào một thời điểm với một người tình cũ cũng như việc không cần quay đầu lại cũng biết người phụ nữ ấy đang ở đó; trong không khí tỏa ra tràn ngập những rung, giật mà tôi rất biết ở người phụ nữ ấy, những khi nào bị kích động, từ một bộ phận sâu kín trên cơ thể (đó cũng là một người phụ nữ của nước hoa và những cặp kính đen thật lớn, và cũng là một kết quả khám phá đáng phấn khởi mặc dù ban đầu không mấy hứa hẹn); về cô ấy, chẳng hiểu sao tôi nhớ nhất một lần, chúng tôi đang ngồi trên ghế sofa, thì cô ấy, như một con mèo, trườn lại thật sát tôi, bàn tay luồn vào ống quần của tôi, từ mắt cá chân, và tôi hỏi, như người ta vẫn hỏi vào những hoàn cảnh tương tự, là cô ấy đang làm gì, câu trả lời thật cảm động, cô ấy nói là đang đi tìm, đi tìm gì, tôi hỏi, vẫn trong cái tâm trạng lơ lửng đó, "đi tìm ý nghĩa của cuộc đời"; và thế nhưng đó cũng là người phụ nữ sau đó không lâu rất tàn bạo đối với tôi, sự tàn bạo của phụ nữ có thể cực lớn, mức độ lớn chỉ có thể so sánh với sự dịu dàng cũng của chính họ, hoặc là so được với sự ngu ngốc của họ: có những phụ nữ sở hữu biên độ dập dờn của cứng rắn và mềm mại lớn đến đáng kinh ngạc

hình như tôi đang tỏ ra muốn tính sổ với những người tình cũ; nhưng không phải vậy, tôi không thấy tại sao mình phải làm như thế, tôi không nuôi chút hận thù nào, tôi cũng không căm ghét, tất tật những thứ tình cảm đó, tôi nhường lại hết cho người khác; khi mà tham vọng duy nhất của tôi là làm sao không bao giờ phải tự cắt móng tay (và cả móng chân), thì mọi chuyện có gì quan trọng lắm đâu; tôi đặc biệt mang ơn những người phụ nữ từng cắt móng tay và móng chân cho tôi, những chuyện khác, hầu như tôi không còn nhớ

không có thời điểm nào thích hợp hơn để nghĩ xem mình là ai như những khi nằm đó cho một phụ nữ cắt móng tay (và móng chân)

khi rơi vào câu hỏi mệt mỏi này, con người thường nhanh chóng mắc vào cái bẫy của các tính từ, chẳng hạn, người ta rất hay nhìn nhận người khác (và bản thân mình) theo mấy khái niệm như "lạc quan" và "bi quan"; nhưng có một bí mật: trên đời không hề tồn tại sự lạc quan, và cũng không tồn tại sự bi quan, chẳng một ai là người bi quan, cũng chẳng một ai không phải là một người bi quan; một trong vô vàn vành đai thít chặt lấy cuộc đời của con người là vành đai tạo ra từ những tính từ, đó là sợi dây thừng cuộn lại từ những thứ rất vớ vẩn luôn luôn bị tưởng nhầm là quan trọng

tôi là ai? sau rất nhiều kỳ nằm đó để được cắt móng tay và móng chân, bởi cả những phụ nữ của nước hoa và kính đen to tướng lẫn những phụ nữ không hẳn là như thế, những phụ nữ muốn làm tôi hiểu tình cảm của họ bằng cách bắt tôi nghe cái bài hát có câu "em yêu anh bồng bềnh niềm kiêu hãnh", những phụ nữ tỏa ma lực của nữ tính, những phụ nữ rất toàn diện nhưng bỗng nhiên phá lên cười vào một thời điểm không thể chấp nhận được làm tiêu tan mọi gắn kết mong manh, rồi lại có những phụ nữ tuyệt vời đến mức ta phải nghĩ ngay sau đây sẽ phải trốn chạy trong khi còn kịp ("những ai bạc bẽo mình vẫn không đành lòng quên"), tôi đi đến kết luận rằng trên đời có hai loại người, loại cái gì cũng quyết định được và loại không bao giờ quyết định, và tôi thuộc loại thứ hai

nhân vật Bardamu của Céline trong Đi đến cùng đêm, ở đoạn có thằng bé Bébert, tới Paris và, đang ở Tả Ngạn, bên bờ sông Seine, bỗng thấy không thể đi qua sông sang bên kia, Hữu Ngạn, sông Seine (mà trong một tiểu thuyết khác, Céline gọi là "cái cống phơi bày mọi thứ") vốn dĩ chẳng có gì đáng sợ bỗng trở thành đường ranh giới không sao vượt qua nổi, đi qua sông Seine cũng giống như vượt con sông Rubicon; đó là điểm nổi bật của những người trôi dạt vô phương hướng, giá kể sống ở trên đời không bao giờ phải quyết định thì may mắn biết mấy

tôi luôn luôn ngạc nhiên vì thấy xung quanh người ta liên tục bốc phét, rất nhiều người sẽ là đúng bản chất nhất nếu viết vào sau mục "nghề nghiệp" trên dòng kẻ chấm, "bốc phét chuyên nghiệp", nhưng theo tôi, mọi thứ gì tồn tại đều vô cùng đáng kinh ngạc, tại sao lại cứ phải bốc phét, bất kỳ điều gì không bốc phét cũng đáng kinh ngạc và gây hứng khởi hơn nhiều so với những điều bốc phét cơ mà; trong một cuốn tiểu thuyết, Raymond Queneau nói người ta dễ dàng nhận ra là ai vừa làm tình xong (điều này rất đúng, và thật ra rất dễ), và cũng tương tự, quá dễ nhận ra là ai bốc phét, thế thì bốc phét làm gì mới được

tôi chỉ thấy là tôi có độc một điểm tương đối đặc biệt (thật ra cũng không đặc biệt cho lắm), là tôi có mối quan hệ đặc biệt với những quyển sách; thật ra, tôi cũng có thể nói tôi có nhiều quan hệ tương đối đặc biệt với sách và phụ nữ, cả sách và phụ nữ đều hay kể chuyện cho tôi, nhưng vì đối với phụ nữ tôi không có tham vọng gì vượt xa quá nhiều chuyện cắt móng tay và móng chân, nên tôi sẽ chỉ xác nhận là tôi luôn luôn nhận được cảm tình, sự tin cậy của những quyển sách; chúng nhận ra tôi nhiều hơn là tôi nhận ra chúng, cũng có những khi tôi chăm lo cho chúng, nhưng chủ yếu là chúng chăm lo cho tôi, những khi nào ngồi ở một nơi có nhiều sách vây quanh (không phải nơi nào có nhiều sách cũng xảy ra hiện tượng này), tôi thấy lũ sách vui hẳn lên, thậm chí có những khi ồn ào vượt quá mức cho phép, nhất là những quyển sách còn non nớt chưa thực sự biết cách kiềm chế bản thân; những quyển sách tự tìm đến tôi, và nhất là với tôi, chúng hé lộ rất nhiều điều: sách giống phụ nữ ở chỗ một quyển sách không chỉ là những gì mà nó chứa đựng bên trong, một cách vật chất, một người phụ nữ không chỉ là cơ thể, mà còn là những rung, giật mà người ấy tạo ra một cách vô hình, chẳng hạn thế, và một quyển sách không chỉ là những chữ ở bên trong nó; tôi luôn luôn buồn cười khi đọc phải một ai đó không biết gì về sách nhưng lại nói (lăng nhăng) về sách, cũng chỉ buồn cười thôi, vì thế giới bao giờ chẳng thế: con người bị vu cáo bao nhiêu thứ thì những quyển sách cũng bị vu cáo ngần ấy thứ; giữa những quyển sách và tôi, mối quan hệ không phải lúc nào cũng yên ổn, chúng cũng có những lúc dỗi, hoặc cũng có lúc chính tôi dỗi với hạnh kiểm tồi tệ của chúng, chúng hay biến mất, như trẻ con, thỉnh thoảng chúng cứ đòi chơi trò trốn tìm; tôi sẽ không kể những câu chuyện cụ thể liên quan đến mối quan hệ giữa đám sách và tôi, chúng hoàn toàn có thể gây quá nhiều sợ hãi, hoặc giả tôi sẽ bị coi là kể chuyện vớ vẩn; ích gì đâu, có những chuyện quá dễ hiểu với người này nhưng lại cực kỳ khó hiểu với người khác; tôi cũng kinh ngạc vì người ta rất hâm mộ Bao Chửng vì có nửa vầng trăng ở trên trán, nhưng thế thì có là gì: tôi cũng có nửa vầng trăng trên trán, còn rõ hơn trên trán của Bao Chửng nhiều

nhưng tự nói về bản thân như vậy có lẽ là quá nhiều rồi, nói về bản thân là một việc gây rất nhiều khó chịu; "le moi est haïssable": nếu là một người khác nói, điều đó sẽ rất vớ vẩn, không đáng quan tâm, nhưng khi đó là Pascal thì điều đó lại rất đúng

[tiếp]

-----------

intermezzo: chỉ dẫn (rất hữu dụng) cho giấc ngủ

một nguyên tắc nhất thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt trong lúc ngủ: không được để cho tay, chân, hoặc bất kỳ bộ phận cơ thể nào vượt ra khỏi thành giường; nghĩa là tay không được thả thõng thượt ra ngoài khoảng không, chân không được thò ra khỏi thành giường phía dưới; theo quy ước giữa các thế giới (cái giường chính là yếu tố thực thi quy ước này), trọn vẹn diện tích cái giường, toàn bộ bề mặt của nó, là lãnh thổ của người nằm ngủ, nhất là nếu đó là cái giường quen thuộc từ lâu với người đó, thì coi như người nằm ngủ được hoàn toàn an toàn những khi nằm trên đó, kể cả và nhất là trong lúc ngủ; nhưng cũng quy ước này đồng thời hàm ý (mặc dù không nói rõ ra - mọi quy ước đều không nói đầy đủ mọi thứ, vì điều quan trọng của quy ước nằm ở chỗ những gì có thể xảy ra chứ không phải những gì sẽ xảy ra) mọi tư thế không tuân thủ theo đó, chân thò ra ngoài chẳng hạn, đều có thể bị coi là hành động khiêu khích; người nằm ngủ có thể bị coi là vi phạm quy ước, lấn chiếm sang lãnh thổ mà người đó không có quyền bước vào, chạm vào, và người đó có thể bị trừng phạt vì thế (cũng không phải lần nào cũng nhất thiết bị trừng phạt: hoạt động vượt biên trái phép giữa các đất nước cũng có thể trót lọt, nhưng cũng có thể không); mọi thứ đều có lãnh thổ riêng của nó, và mọi dịch chuyển khỏi đó đều là hành động đáng ngại, có thể coi là hành động đe dọa, gây nghi ngờ; mà bóng tối thì vốn dĩ vô cùng đa nghi

(điều đáng sợ hơn cả, liên quan đến quy ước trên đây, nằm ở chỗ: rất có khả năng một người ngủ tỉnh dậy mà không hề biết trong lúc ngủ mình đã bị trừng phạt, điều này dẫn đến những xâm lấn nghiêm trọng - mặc dù vô hình - của bóng tối)

-----------

trong mười năm ấy, tôi chẳng hề làm một việc gì không có liên quan đến những quyển sách; tôi nhận ra rằng, các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, tuyệt đại đa số sau năm năm là thay đổi; phần lớn không còn thực sự làm gì nữa, không đi tìm cái gì nữa, thậm chí không thể đọc nổi một cuốn sách nữa; đối với các biên tập viên (cũng chuyên nghiệp), những người làm ra những quyển sách, thời gian còn ngắn hơn: thường thì sau ba năm, đa số không còn đủ sức dẫu chỉ để nhận ra đâu là cuốn sách hay, đâu là cuốn sách dở giữa những gì mà họ đọc; điều này, tôi nghĩ nên gọi là sự tha hóa ngọt ngào

[tiếp]

những người liên quan nhiều đến chữ nghĩa hoàn toàn có thể tha hóa ngay từ đầu; đây chính là một lợi thế lớn của các công việc liên quan nhiều đến chữ nghĩa: chúng có thể làm người ta tha hóa từ rất sớm; từng nhiều lần, khi nhìn thấy trong email xuất hiện thư một ai đó gửi bản thảo cho tôi, tất nhiên với mong muốn bản thảo của họ được in thành sách, chỉ cần nhìn thấy là tôi đã rùng mình ớn lạnh; tôi rùng mình cho người đó, chứ không phải cho tôi, thật ra tôi chẳng liên quan gì; và quả nhiên, sau khi tôi đọc bản thảo và từ chối, những người đó ngay lập tức căm ghét tôi, và thường là chửi tôi ở khắp mọi nơi; nhưng họ không hiểu một điều rất đơn giản, chuyện họ căm ghét tôi và chửi tôi không liên quan đến tôi, mà liên quan đến chính họ, đó là một cách rất đơn giản để tha hóa; đó cũng chính là khi họ rơi đến mức không thể cứu chữa được nữa

hơn chục năm vừa rồi, đóng góp to lớn vào sự tha hóa khổng lồ là sự tồn tại của các trang web văn chương; các trang web văn chương, tất nhiên đều có những khẩu hiệu rất mỹ miều, phụng sự nghệ thuật rồi trí tuệ các thứ, nhưng chính đó là lãnh thổ bón sẵn loại phân rất tốt cho sự tha hóa; con người tha hóa khi thấy ước mơ của mình được hiện thực hóa dễ quá

trước đây, tôi cứ tưởng tôi ngán ngẩm nhất những ai rồ dại, nhiều định kiến, vân vân, tức là những gì lệch lạc, nhưng dần dà tôi nhận ra, đê tiện nhất phải là những kẻ muốn được lòng cả thế giới, bên trái cũng cười bên phải cũng hát; thế giới trở nên xấu xí hơn nhiều bởi những kẻ nhảy được mọi điệu, mà thế giới đã xấu xí đi rất nhiều vì những tiểu đoàn họa sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ rồi, nhất là lại còn có nhạc sĩ hay họa sĩ ưa viết lách nữa, có những nhạc sĩ thích viết đến điên rồ, làm tôi cứ tự hỏi, họ có thực sự biết nhịp là gì không, vì tất tật những gì họ viết đều sai nhịp một cách thảm hại

và, có một điều rất căn bản, dường như có một nhầm lẫn rất lớn: những mối quan hệ con người thật ra để làm gì? để làm con người xích lại gần nhau ư? tất nhiên rồi, nhưng đó mới chỉ là một mặt, vì dẫu sao, một ý nghĩa lớn của các mối quan hệ con người là làm người ta tách xa khỏi nhau, sự tách ra không phải vì căm ghét, chẳng phải vì bất kỳ lý do gì, nhưng dẫu sao, cũng phải có sự tách xa chứ, không phải những gần gũi thường gây ra cảm giác ngạt thở à? con người không thể thực sự làm được một điều gì đúng nghĩa nếu lúc nào cũng ở trong sự gần gũi với những người khác - tất nhiên, ở khía cạnh này, sự thành thực là đáng kể nhất - điều này có vẻ như ai cũng biết, nhưng làm như thế nào thì lại là chuyện rất đáng ngờ; cá nhân tôi, tôi ngưỡng mộ nhất những sự thành thực được bọc trong ít nhất ba lớp của giả vờ, vô sỉ và tàn nhẫn - nhưng dù gì thì gì, trước hết vẫn phải có khoảng cách, phải tuyệt đối giữ khoảng cách

ở giữa những câu chuyện ấy, tôi chỉ là một người hoàn toàn không có tham vọng; cũng có thể từng có lúc tôi nuôi một số tham vọng nhất định, nhưng rồi, đoàn tàu tham vọng cứ tiếp tục chạy, tôi đã lẩn khỏi đó, xuống ở một ga xép hẻo lánh, hoặc thậm chí sau một cú nhảy liều lĩnh giữa đường, chấp nhận bầm giập, gãy chân vỡ đầu khi rơi xuống ta luy; tôi không đi cùng đoàn tàu nữa; tôi bỏ ra đi, tất tật những cái đó đâu phải là cuộc chiến đấu của tôi

bỏ ra đi, với một chút nuối tiếc, vì dẫu sao tôi vẫn thấy trở thành một Casanova mới là một tham vọng không đến nỗi tệ, sống một cuộc đời Casanova, trốn khỏi nhà tù khủng khiếp ở Venise, rồi viết Đời tôi, kính biếu khắp nơi những cặp sừng, vân vân, nhưng xét cho cùng, tôi chỉ quan tâm đến móng tay móng chân của tôi có người khác cắt cho, chỉ có móng tay và móng chân là thực sự quan trọng - móng tay và móng chân, khác với tình ái, cứ mọc lên mãi không ngừng, cho đến chừng nào không mọc nữa

tôi cũng gần như không có bất kỳ một nhu cầu nào, vậy thì loay hoay trong cuộc đời để làm gì? ngay cả chuyện viết, tất nhiên nó là điều tất yếu đi cùng với đọc, viết và đọc là hai mặt của cùng một thứ, nhưng ngay cả trong chuyện viết, tôi cũng chẳng có nhu cầu lẫn tham vọng; tôi chưa bao giờ tự làm gì, blog 360 do một cô gái làm cho, blog này do một cô gái làm cho, đến cả account facebook cũng do một cô gái làm cho (ba cô gái này không phải là một, cũng không phải là hai); thực sự, tôi chưa từng bao giờ làm gì

giai đoạn facebook (ngắn ngủi) là một kinh nghiệm địa ngục: thời này cũng nghèo nàn như cái thời khuôn mặt trung tâm địa ngục là Adolf Hitler, quá dễ thấy, vì vào thời này, trung tâm địa ngục chính là Mark Zuckerberg; địa ngục nghĩa là chảo lửa và quỷ nhe răng đuôi mũi tên à? ôi trời, đừng bao giờ ngớ ngẩn mà tưởng là thế; một người không tham vọng, chẳng nhu cầu như tôi tất nhiên rất sửng sốt trước sự trưng bày đậm đặc màu sắc giả dối của một môi trường như facebook, trong đó tôi đặc biệt để ý đến một nhân vật (facebook làm người ta hay để ý đến người khác lắm, rất khó tránh), một nhân vật mà không ai biết là ai, có một cô người yêu mang tên một nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết rất thời thượng của Việt Nam; nhưng toàn bộ câu chuyện ấy là bịa ra hết, tức là một ai đó bịa ra chính mình, rồi lại tự bịa tiếp một câu chuyện tình, kiểu như vậy; tôi nín thở xem màn trình diễn ấy cho đến lúc chán; những người như tôi, không tham vọng và chẳng nhu cầu, lại đặc biệt thích các vụ fiasco văn chương (Romain Gary, Raymond Queneau, Flann O'Brien rồi cả một tập đoàn nhà văn nghịch ngợm khác), chỉ cần vài dấu vết từ ngữ là nhận ra cả một đống thứ đằng sau, tôi rất thích những câu chuyện kiểu như thế, cho đến lúc nào hết quan tâm; tôi cũng thấy những người nặc danh, ký tên giả thật là ngu: con người thật đằng sau mấy cái tên giả, nhất là ở những trường hợp nồng nặc sự căm ghét, là dễ nhận ra nhất - đám người này là thêm một tập hợp những kẻ tha hóa ở mức không thể cứu chữa nữa

Raymond Queneau, tôi bỗng nhớ đến một bến tàu điện ngầm Paris mang tên Raymond Queneau, một bến cuối, chỉ có một quai duy nhất

[tiếp]

tôi thích đọc những nhà văn nào thích viết về tàu điện ngầm, chẳng hạn Patrick Modiano, nhưng ở phương diện này, Modiano không là gì so với Raymond Queneau (dường như chính Queneau là người phát hiện tài năng của Modiano), Queneau mới thực sự là nhà văn của tàu điện ngầm; là một người Le Havre, dường như Queneau thấy tàu điện ngầm ở Paris thay thế được cho những tàu thủy ra vào bến cảng ở Le Havre; những đoàn tàu luôn luôn cuốn hút tôi

Raymond Queneau có một văn chương hoàn toàn không tham vọng, nhưng ngược lại, có lẽ chính vì không có tham vọng, văn chương của Queneau có một độ dày vô cùng đặc biệt; nhìn trên bề mặt, không điều gì cho thấy sự thiếu vắng tham vọng ở Queneau: đó là một sinh viên triết học Sorbonne, đặc biệt hâm mộ René Guénon, rất hay có các nhân vật liên quan đến Bergson, và trong số những người liên quan đến việc đưa triết học của Hegel vào Pháp, bên cạnh Alexandre Kojève còn có một số người nữa, trong đó có Queneau; Queneau lại là một ông lớn của nhà xuất bản Gallimard, đầu tiên chuyên về mảng văn chương Anh-Mỹ nhưng càng ngày càng trở thành một dạng đỡ đầu cho vô số nhà văn trẻ của Pháp, Queneau đặc biệt có "mắt xanh", và hẳn là có mối quan hệ rất đặc biệt với những quyển sách (không phải để tự tán dương, nhưng tôi biết rõ, trên đời cực ít người có mối quan hệ đặc biệt với sách); thế nhưng Queneau là một người không tham vọng vĩ đại

những câu chuyện kỳ cục (nói đúng hơn: rất kỳ cục) mà Queneau từng đưa vào những cuốn tiểu thuyết của mình, có âm hưởng mạnh đến nỗi đã xảy ra một câu chuyện thực sự kỳ cục: tên của Queneau được đặt cho một bến tàu điện ngầm ở Paris, bến cuối của ligne 5, nghĩ đến là lại thấy buồn cười

trong một cuốn tiểu thuyết, Queneau từng thể hiện sự kinh tởm đối với trò dựng tượng, tất tật những thứ vinh danh kiểu như vậy, và cuối cùng, tên của Queneau được đặt cho một bến tàu điện ngầm; đây là một điều kỳ cục nhân đôi:

không chỉ kỳ cục ở chỗ một người không tham vọng sau khi chết lại đầy vinh quang, mà điều kỳ cục còn nằm ở chỗ, cú Zazie dans le métro bỗng bốc Queneau lên một vị trí rất kỳ quái

có một điều bí mật: Zazie dans le métro chính là cuốn tiểu thuyết kém nhất của Raymond Queneau; và tàu điện ngầm ở Paris thì Queneau miêu tả trong mọi cuốn tiểu thuyết của mình, thế nhưng, Zazie dans le métro lại gây ra một nhát hiểu nhầm kinh điển; cứ chơi đùa nhiều quá, thế nào cũng xảy ra những chuyện kiểu như vậy

nhưng thật ra, cũng chẳng sao

-----------

thêm một intermezzo: hãy học lũ chim sẻ

con người rất thích bay, nhưng hiểu quá nhầm về chim, trong khi lũ chim có thể dạy được cho con người vô số điều khác - có lẽ là mọi điều, trừ bay; lũ chim sẻ thích tôi, tôi cũng chẳng biết là tại sao, nhưng chúng thích tôi; chim sẻ là loài chim không bay đi tránh rét mùa đông, chúng không nhập vào triệu tỉ con chim nồng nhiệt bay đi bay lại giữa ấm và lạnh, ở đâu thì chim sẻ cứ ở yên đó; chim sẻ là một gợi ý rất lớn: hãy làm như chúng, nếu có thể, hãy không làm gì, ở yên trong một góc, chúng thì đợi cho mưa rét ồn ào bên ngoài hết đi, còn ta, nếu làm được như chúng, ta sẽ thấy ở bên ngoài, cách biệt một khoảng, cuộc đời cứ thế lổn nhổn, náo nhiệt, thõng thượt, bạc nhược đi qua; giữ một khoảng cách, hãy giữ một khoảng cách bằng mọi giá; giữ khoảng cách lẽ ra phải trở thành cuộc chiến cốt yếu nhất của con người

-----------

[tiếp]

không chỉ tàu điện ngầm, rạp chiếu phim là một thứ khác xuất hiện trong mọi tiểu thuyết của Raymond Queneau; dần dà, tôi nghĩ, hay một nhân vật của Queneau đã đúng, khi nói rằng điện ảnh đã chết kể từ khi các bộ phim không còn câm nữa và bắt đầu nói, bởi vì người ta không còn có thể mơ mộng cùng các nhân vật nhìn thấy trên màn ảnh nữa mà bị quấy rối liên tục bởi những tiếng hét của họ; giấc mơ có lẽ còn cốt yếu hơn là trạng thái tỉnh

trong rạp chiếu phim, người ta có thể làm rất nhiều việc, Patrick Modiano từng miêu tả một cuộc làm tình thản nhiên tại một rạp chiếu phim, ngay trong lúc phim đang được chiếu, đó là trong một cuốn tiểu thuyết; tôi thấy hơi xấu hổ khi thú nhận tôi từng hôn nhiều cô gái trong rạp chiếu phim, và tôi còn xấu hổ hơn nữa vì không nhớ chính xác đã hôn bao nhiêu cô gái trong rạp chiếu phim; nóng bỏng hơn là hôn thì sao? à mà thôi

Cecilia, đó là một cô gái tôi gặp trên một chuyến bay; nghe như đoạn đầu một cuốn sách của Alain de Botton, đây không phải cuộc gặp gỡ kỳ lạ nhất mà tôi từng có trên máy bay, từng có lần, trong một chuyến bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, tôi ngồi cạnh một cô gái điếm chuyên nghiệp, đang đi thực hiện một phi vụ, và rất thân ái với tôi (hay là kể đoạn sau của chuyện này nhỉ, à mà thôi); có một quãng thời gian, mốt ở Pháp là đặt tên cho các cô gái giống như người Ý, Cecilia rồi Laetitia, lại có thời gian rất nhiều cô gái Pháp tên là Alex; chúng tôi gặp nhau trên máy bay trở về Paris, đó không hẳn là cuộc gặp đầu tiên, vì trước đó, tại thành phố mà tôi đến (đó chính là thời tôi cứ tưởng mình là người ưa phiêu lưu - chuyện người ta hay hiểu nhầm về chính mình, tôi đã nói rồi cho nên không nói lại nữa, tôi cũng nhầm về tôi nhiều, nhiều lắm) chúng tôi đã gặp nhau và chào hỏi qua loa, tôi thì đi một mình (có vẻ như vậy), Cecilia thì đi cùng ba người bạn, một gái và hai trai, chúng tôi ở cùng khách sạn nên gặp nhau vào lúc ăn sáng; trở về, Cecilia tách ra đi một mình vì bố mẹ Cecilia làm ở Air France nên mua được vé rẻ, đại loại như vậy; Cecilia ngồi hàng trên, tôi ngồi hàng dưới, nhưng Cecilia nịnh nọt đổi chỗ cho một ông béo để xuống ngồi cạnh tôi; một cô gái nhỏ bé, thích nói; sau đó là những cuộc đi chơi với nhau kéo dài bất tận, có lúc cùng cô bạn mà tôi đã gặp ở thành phố lạ, tên là Laetitia (thật ra Laetitia xinh hơn, mũm mĩm hơn, cứ nhìn thấy cầu thang là chạy, bất kể là xuống hay lên, nhưng tôi cũng không cầu kỳ, vả lại tôi cũng không thích chạy cầu thang lắm, chạy trên sân bóng đá là đã đủ mệt rồi); đó là một trong những người hiếm hoi tôi muốn biết về sau cuộc đời sẽ như thế nào, hoặc giả, chỉ cần nhìn thấy thôi cũng được, vì giờ đây tôi không thể mường tượng lại được khuôn mặt của Cecilia, điều mà tôi nhớ nhất là câu nói mà cô ấy thốt lên, "tu me prends?", đâu đó ngay sát quảng trường Saint-Sulpice, một câu hỏi rất lạ lùng và phi lý, vì lúc đó tôi đã ôm cô ấy rồi; sau đó lại là một chuyến đi khác của tôi (chẳng hiểu sao hồi đó tôi đi đâu mà nhiều thế), khi quay về, tôi nhắn tin rủ Cecilia đi xem phim, Big Fish của Tim Burton; chúng tôi đã hẹn nhau giờ giấc, địa điểm chính xác, nhưng ngay trước đó Cecilia nhắn lại nói là mình đang bị sốt; giờ đây, tôi cũng không hiểu tại sao mình đã không đến thăm cô ấy, nhà cô ấy thì tôi biết vì đã tới, sau đó lại là những chuyến đi khác của tôi, và rốt cuộc với Cecilia tôi chưa bao giờ đi xem phim cùng

phần lớn các bộ phim làm tôi buồn ngủ; một bộ phim tức là quá nhiều hình ảnh liên tiếp; điện ảnh theo tôi, xét cho cùng, là một sự mô phỏng giấc mơ, mô phỏng trí tưởng tượng của con người, chỉ có điều sự mô phỏng ấy hỏng, cũng như mọi sự mô phỏng khác; trí tưởng tượng (tức là phía Bắc, Urthona, theo William Blake) dùng để làm gì? câu trả lời của Bachelard: trái với người ta hay nghĩ, trí tưởng tượng không tạo ra các hình ảnh, mà làm biến dạng các hình ảnh; Internet, về phần nó, là sự mô phỏng hoạt động của bộ não con người; nhưng đối với con người, bộ não có quan trọng đến mức ấy không? thậm chí tôi còn nghi ngờ ý nghĩa tối thiểu của bộ não, các nghiên cứu ồ ạt đầy tiềm năng về não dường như cũng gần như vô nghĩa giống như tiền thân trước đây của nó, tâm lý học; chẳng để làm gì cả, chẳng hiểu thêm được mấy

sự tha hóa của con người liên quan rất nhiều đến giấc mơ, đến các mơ ước; những ước mơ được hiện thực hóa quá dễ dàng, như trên đã nói, là nguồn gốc lớn của sự tha hóa (Feuerbach: sự tha hóa bắt đầu xảy ra khi con người ném ý chí của mình lên trời, và tạo ra Chúa), nhưng vẫn còn có thể tệ hại hơn nữa: những mơ ước không được hiện thực hóa lại càng chắc chắn dẫn tới tha hóa; hàng đoàn hàng lũ người chung nhau một ý nghĩ: chừng nào kiếm được đủ sống, tôi sẽ đọc sách, tôi sẽ viết văn, tôi sẽ vẽ tranh, etc. tức là những người nhiều mơ ước nhưng lại không muốn mất gì - thật ra những người muốn có tất cả mọi thứ, họ chỉ giả vờ mơ ước thôi; kinh tởm nhất là cái sự khi nào abc thì sẽ xyz; trong quãng mười năm vừa rồi, thời gian đầu tôi nói chuyện về sách vở trước công chúng, lúc đó có người chế giễu tôi, thì tôi cũng chịu thôi; tôi chấm dứt tất tật những việc ấy năm tôi ba mươi tuổi; người chế giễu tôi hồi đó hiện nay gần năm mươi tuổi, thì túm lấy từng cơ hội để được xuất hiện nói năng trước đông người; cuộc đời chua nhỉ; lại có những bức tường lún hẳn vào vì một kẻ mộng ước lớn không ngừng đập đập đầu vào đêm đêm; mà thôi, đúng thế mà, cuộc đời chua lắm, ủ men từ rất lâu rồi; những cái đó liên quan đến một điều cần gọi đúng tên: sự hèn nhát

mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
(Phạm Công Thiện)

mười năm rụng ước phai thề
ôi hoa đầu tiên mộng đầu tiên
(Vũ Hoàng Chương)

[tiếp]

một lần, trong thang máy, tôi nhận ra mùi nước hoa quen; có một quy tắc đơn giản đến đáng kinh ngạc: phụ nữ, mọi khi nào họ dùng nước hoa, đều quá tay; bị nhốt kín trong thang máy cùng một hoặc hơn một phụ nữ có nước hoa trên người và tất nhiên rất kiêu hãnh vì có nước hoa trên người, là một cực hình càng ngày càng phổ biến; phụ nữ có một cuộc chiến thường trực, cuộc chiến chống các mùi khó chịu và cuộc chiến chống cellulite, lớp mỡ ở dưới da; thang máy rất hay trở nên giống như phòng kín dùng để quàn những nỗ lực tuyệt vọng của các cuộc chiến đấu; tôi nhận ra mùi nước hoa ấy, nó là của một người phụ nữ tôi từng biết, một người phụ nữ có sức tiêu thụ kẹo Menthos thuộc hàng vô địch thế giới; dần dần, về sau, cuộc chiến đấu đã lơi lỏng (cuộc chiến đấu nào cũng có những thời điểm chùng xuống), có những lúc người phụ nữ ấy quên mất kẹo Menthos, chắc hẳn vì tôi làm cô ấy quên mất những cái kẹo, và những lúc ấy, tôi hiểu cô ấy đã chuẩn xác đến mức nào với lượng tiêu thụ Menthos khủng khiếp của mình

Kim Dung có một sáng tạo cần được xếp vào hàng di sản lớn nhất của nhân loại: Kiều Phong, nhưng không hẳn là bản thân Kiều Phong, mà là hận Kiều Phong; "hận Kiều Phong" nói lên rất nhiều về phụ nữ, mối hận ấy tôi trải qua không biết bao nhiêu lần rồi, tôi biết nó khủng khiếp đến mức nào, và thường trực đe dọa đến mức nào, mãi rồi tôi cũng tìm ra cách để chống lại (đọc chưởng thì phải tìm cách phá chiêu, cũng như đọc truyện trinh thám thì phải tìm cách nghĩ hộ thám tử cách tìm ra thủ phạm), thật ra cũng không khó lắm, à mà thôi (mỗi người phải tự tìm ra cách riêng của mình chứ, có ai dạy được ai cái gì đâu); nhưng nỗi hận Kiều Phong của Kim Dung cần được mở rộng nữa, vì nó chưa đầy đủ: phụ nữ hận vì không được nhìn ngó đến, điều đó thì đúng rồi, nhưng còn có những mối hận phái sinh, chẳng hạn một người phụ nữ có thể rất căm hận khi nghĩ lại về chuyện đã xảy ra, rằng tại sao lại để ai đó ngủ với mình nhanh thế, mặc kệ sự thật là họ hấp dẫn chính vì mức độ nhanh nhẹn đó, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nếu chuyện không nhanh đến thế, và cũng có phụ nữ hận suốt đời vì một câu chuyện đã không được kể ra cho bất kỳ ai, như vậy, họ đánh mất cơ hội có thể hận vì ai đó đã kể một câu chuyện; nhưng nói tóm lại, đông nhất vẫn là phụ nữ hận vì mọi chuyện đã xảy ra cũng như mọi chuyện không hề xảy ra, phụ nữ cũng giống như trang giấy trắng, không thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra, sẽ xuất hiện, không làm gì (hoặc viết gì) hoàn toàn có thể cũng dở như có làm gì (hoặc viết gì)

-----------

intermezzo thứ ba và cuối cùng: phải chống lại hiện tại

mọi sự thông thái, cả sự thông thái thật lẫn không thật lắm, sự thông thái cấp độ một cấp độ hai cấp độ hàng nghìn hàng triệu, vì sự thông thái cũng giống như tiểu thuyết, rất nhiều ba xu, mọi sự thông thái đều dạy ta rằng phải sống ở hiện tại, phải thực sự ở trong hiện tại

còn có gì đúng hơn thế nữa không? dở một điều, quá khứ chính là hiện tại ở đằng sau, tương lai chính là hiện tại ở đằng trước, vậy thì làm thế nào đây?

hãy chống lại hiện tại, hãy chống lại lúc này, đừng để nó nuốt mất, nếu nó cắn ta, hãy cắn lại; chính trong sự kháng cự rất có thể sự tồn tại sẽ mọc lên, im lặng, đần độn, thứ duy nhất mà ta có cơ may sở hữu

khi mọi con đường kết thúc, ta mới có thể bắt đầu đi, và ta chỉ có thể thực sự đi trên những con đường không thực sự là con đường, và không dẫn về đâu

[trong tiếng Việt có những từ rất kỳ diệu, chẳng hạn như nhận ra: "nhận ra" chính là biết lại, chỉ có thể thực sự biết khi đã biết nhiều lần, biết đi biết lại, đó là một, nhưng như thể, "nhận ra" còn ngầm chỉ hướng cho ta, trong im lặng, nó cố chỉ cho ta hướng cần phải theo: cần phải đi ra, cần phải ra khỏi, phải thực sự ra khỏi - ra được khỏi thang máy, nơi quàn những linh cữu vô hình, là đến một tầng khác]

-----------

đây là một ý nghĩ xuất hiện trong óc một nhân vật của Raymond Queneau: "ký ức tội nghiệp của tôi không phải một cái máy tính giờ, không phải một cái máy chiếu phim, không phải một máy hát, cũng chẳng phải một loại máy tinh xảo nào. Nó giống tự nhiên hơn, với những lỗ thủng, những khoảng không hoang vắng, những ngóc ngách không thể đi vào, với những dòng sông chảy sao cho ta chẳng có thể bao giờ đi vào nhiều hơn một lần, với những chập chờn ánh sáng và bóng tối"

[tiếp]

Hà Nội, cái thành phố của những vỉa hè, cái thành phố của các khu tập thể, cái thành phố của các ngõ nhỏ này, mười năm vừa rồi, có bao giờ khi đi bộ, ngang qua những đường vạch, tôi được một chiếc xe dừng lại nhường đường không? đừng tưởng là không: có một lần; vì có, nên tôi vẫn có chứng tích về một thành phố đầy thân ái và bao dung, và vì có đúng một lần, nên tôi còn nhớ

các hình ảnh dựng lên trên sa mạc như những ảo ảnh, cũng như không có hiện tại nào là "trung thực", chẳng hình ảnh nào thực sự "trung thành"; có nhiều cát, có quá nhiều cát

đó là Marta, tuy mang tên giống như một người Ý nhưng lại đúng là một người Ý, Marta ngồi đó, không phải trên ghế mà trên thành cái ghế, chúng tôi nói chuyện, khu vườn vắng lặng xung quanh, những từ "que" tất tật đều bị Marta biến thành "kê, kê"; cuộc nói chuyện tương đối chật vật, mặc dù Marta là một người đặc biệt thích nói; rồi chúng tôi đi cùng nhau, theo phố L'Épée de bois, có lẽ thế, Jardin du Luxembourg bắt đầu hiện ra, hàng rào cao vút đầu nhọn hoắt óng ánh vàng, bên kia đại lộ Saint-Michel; chúng tôi đi vào khu vườn lớn, vòng tránh chỗ trũng xuống ở trung tâm, đi sang bên kia, vì nhà Marta ở phố Fleurus; đã được báo trước nên tôi không ngạc nhiên lắm khi gặp ở đó một thanh niên đang ngồi đọc sách; tiền thuê nhà rất tốn kém, nên studio nhỏ xíu và không hề vuông vắn (có thể nói nó có hình chữ nhật thuôn dài, hoặc hình thoi, thậm chí là một hình không thể xác định) của mình, Marta cho một sinh viên thuê lại từ tám giờ sáng đến sáu giờ chiều, cậu ta cứ ngồi đó học bài, không làm gì khác ngoài học bài, cậu ta đang chuẩn bị thi agrégation môn địa lý; nhìn thấy chúng tôi, chàng thanh niên mỉm cười chào, một nỗ lực không thành công lắm, thấy rõ rằng vào cuối buổi chiều, cậu ta đã kiệt sức vì ngồi học cả ngày; giờ đây tôi thấy tiếc vì ngày ấy đã không hỏi tên cậu ta, với dáng vẻ như vậy, học bài cả ngày như vậy, chắc chắn về sau cậu ta sẽ trở thành một học giả lớn, lẽ ra tôi nên biết tên để sau này được dõi theo một con đường sự nghiệp hiển hách và để sung sướng vì tôi đã đoán đúng ngay từ đầu; tôi từng gặp hàng đội quân học sinh, sinh viên kỳ dị, nhưng cậu thanh niên mà tôi gặp hôm ấy ở nhà Marta vẫn làm tôi sửng sốt, vì đó là cả một hiện tượng: dẫu sao thì tôi chưa từng bao giờ gặp tận mặt một ai đó học bài nhiều đến nỗi mắt lác xệch cả đi như thế, vì quả thật khi cậu ta mỉm cười chào chúng tôi đang đi vào, tôi đã quay sang bên cạnh vì căn cứ vào hướng ánh mắt chất chứa đầy khái niệm địa lý, đích ngắm phải là đâu đó chứ không phải chúng tôi; Marta cất gì đó hoặc lấy gì đó, rồi chúng tôi đi ra, tốt nhất là nên để con quỷ địa lý ở lại một mình, quá hãi hùng; chúng tôi đến một buổi gặp gỡ, tại một thư viện nhỏ, với nhà thơ Ý mà Marta nhất định bảo tôi phải đọc, Bompani, hình như đúng thế, nhà thơ ấy tên là Bompani

đó là một bến tàu điện ngầm; người bạn ấy, đúng như lời hứa, đứng đợi tôi ngay chỗ hàng lan can; bến Charles Michels, đúng rồi, đó là bến Charles Michels, đặt tên theo một yếu nhân của Mặt trận Bình dân; chúng tôi ngồi ở quán cà phê, tôi thấy cậu bạn ấy buồn bã nhưng không đoán được nguyên nhân, cho tới lúc, chuẩn bị chia tay, cậu bạn gốc Đông Âu gầy guộc ấy đưa tặng cho tôi La Phénoménologie de d'esprit và L'Être et le néant, chỉnh lại cặp kính và trang trọng nói chúng sẽ có ích hơn cho tôi, rồi mất hút xuống cái miệng bến tàu điện ngầm; ngay lúc ấy tôi đã biết sẽ chẳng bao giờ tôi còn gặp lại người bạn trùng tên với một nhạc sĩ thế kỷ 19 mà tôi rất thích nữa, vực thẳm cuộc đời cứ thế nuốt đi bao nhiêu con người, rất nhiều trong số đó không nổi lên trở lại

một bộ phim musical rất tầm thường có Kevin Spacey đóng vai chính; chúng tôi ngồi trên ghế sofa, một ghế sofa rất lớn, đặc biệt lớn và hữu dụng cho nhiều việc, cả hai chúng tôi đều giả vờ xem phim, ít nhất thì cũng cố cầm cự đến giữa bộ phim cho lịch sự, nhưng dường như là đã không quá được mười lăm phút

một quán ăn gần sông; ngày ấy, vẫn còn một số nơi từ đó có thể thực sự nhìn thấy sông Hồng, từ rất gần; trời nổi gió, nhưng không có nguy cơ sẽ mưa; người phụ nữ đi cùng tôi rời khỏi bàn, đến đứng ở gần hàng rào cây, trên một dạng hàng hiên, ngay bên dưới có con đường nhỏ, vài người đi qua, nói chuyện lao xao, chỉ cần đi quá con đường ấy một đoạn ngắn là đến sông; tôi ngồi lại ở bàn, ngắm người phụ nữ ngắm sông; thật ra tôi muốn đến đây vì một lý do rất vớ vẩn, tôi muốn tưởng niệm một cuộc tình cũ đã bắt đầu từ chính chỗ này, nhưng vì không muốn đi một mình nên tôi rủ người phụ nữ kia đi cùng, người phụ nữ đang rất sung sướng trước phong cảnh trước mặt, và tôi bắt đầu cảm thấy những câu chuyện thật mỉa mai, rất có thể để tưởng niệm một cuộc tình cũ mà chính ở đây tôi sẽ lại khởi đầu một cuộc tình mới; tôi cũng không chắc lắm

một bộ phim khác: lần này là Le dernier métro của François Truffaut, một trong những bộ phim hiếm hoi của Truffaut mà vào thời điểm ấy tôi còn chưa xem; tôi ở một ngõ nhỏ của Hà Nội, một ngõ nhỏ đến hài hước, vì muốn đi vào thì phải chắc chắn từ đầu đằng kia không có ai đang đi tới, nếu có người thì phải đợi người đó ra hẳn ngoài rồi thì mới có thể vào được; lúc đó là một giờ sáng, đúng là giờ của những chuyến tàu điện ngầm cuối cùng của Paris, ý nghĩ ấy khiến tôi dứt được ra khỏi sự trơ ì mà tôi đã rơi vào từ đầu buổi tối, cô gái nằm bên cạnh dường như đã lơi lỏng mọi đề phòng (nếu mà có đề phòng thật), nằm sấp trên giường (thật ra tôi không có giường); đến tận lúc ấy, tôi mới để ý, hai bắp chân của cô gái trắng đến đáng ngạc nhiên

tại một quán cà phê (chuyện này thì mới xảy ra cách đây chưa lâu), từ phía ánh sáng chói mắt (mặt tiền quán gắn những ô kính lớn, và đó là giờ của thứ ánh sáng ngược), bỗng một hình bóng tách ra khỏi cái khối vô định hình toàn người với người, tiến về phía tôi nhưng không đi tiếp mà dừng lại ngay trước mặt tôi, một lời chào và một ý định nói chuyện, nhưng tôi chỉ mong thời khắc ấy không kéo dài, vì nhỡ ra tôi sẽ buộc miệng nói điều mà tôi thực sự nghĩ, là đứng tránh ra, đừng làm tôi bị sấp bóng, đừng che mất ánh sáng của tôi với ngùn ngụt những sự dối trá bốc lên từ từng lỗ chân lông trên một thân hình to béo như thế kia; rất may, nhu cầu nói chuyện của nhân vật ấy không lớn bằng nhu cầu đi nhà vệ sinh, và cũng chỉ tình cờ mà bàn của tôi nằm trên đường dẫn tới phòng vệ sinh

cầu chạy qua phía trên đường vành đai ở cửa ô Auteuil, một buổi sáng Chủ nhật; không còn sớm lắm nhưng rất vắng, tôi bơ phờ đần độn sau một buổi tối quá chén và ngủ lại nhà bạn, và tôi vấp trúng luôn Virginie, váy áo rất diện; nếu đó là một sự tình cờ, thì đúng là một sự tình cờ lớn, vì chúng tôi thường chỉ gặp nhau tại giảng đường trường Paris IV, cách đó rất xa; Virginie từng đến thăm tôi ở ký túc xá, chuyến thăm khiến căn phòng của tôi được hưởng lợi đặc biệt, vì đó là lần đầu tiên tôi dọn phòng; chúng tôi đang bước đến giai đoạn mà báo lá cải hay gọi là "tán tỉnh nhau" thì xảy ra vụ gặp nhau tình cờ kia; chắc Virginie đi lễ nhà thờ, nhà thờ Auteuil ở ngay gần đó, cái nhà thờ mà trong một cuốn tiểu thuyết Patrick Modiano từng miêu tả; thế này thì xong rồi, coi như tôi bị bắt quả tang có một lối sống trác táng, thậm chí bậy bạ, trong bụng tôi thầm kêu khổ như thế, nhưng giải thích thì đúng là một chuyện điên rồ, vả lại tôi đang cần ngủ hơn

như trong phim, cánh cửa sau lưng tôi mở ra, với một tiếng động giống như sự reo lên đắc thắng của quá khứ đã lại bắt kịp được tôi, hay nói một cách khác, tiếng của số phận, và xuất hiện trên ngưỡng cửa một người phụ nữ mà tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ gặp lại nữa, và qua tiếng chào tôi còn thấy là đối với người phụ nữ ấy mọi chuyện từng xảy ra không có gì tệ hại cả, chưa từng có chuyện gì tệ hại xảy ra hết, thật là kỳ diệu

có điện thoại: số của một người tình cũ; tôi đã ngần ngại nhưng rồi vẫn nghe; cô gái ấy vẫn có khả năng gây chuyện cho tôi, sau biết bao nhiêu năm; đi thẳng vào vấn đề, cô ấy nhờ tôi một việc (nói là nhờ thôi, chứ đấy là bắt tôi phải làm, cũng như bao nhiêu lần khác), nếu chồng cô ấy có tìm đến thì cứ nhận hết nhé, tức là nhận hết những gì mới xảy ra mà tôi có thể bị buộc tội mặc dù không làm, thậm chí không biết gì; tất nhiên là tôi đồng ý, đằng nào thì cô ấy cũng luôn luôn biết phải hướng đến ai mỗi khi cần, và đằng nào thì tôi cũng tai tiếng đầm đìa, có thêm một chút vì một việc gì đó mình hoàn toàn không biết thì cũng có sao đâu

đây là một hình ảnh từ rất sâu trong quá khứ: tầng trên cùng một ngôi nhà lớn (về sau thỉnh thoảng tôi vẫn đi qua, nó đã thay đổi chút ít, vẫn được dùng cho cùng một việc nhưng chắc đã đổi chủ nhiều lần), trời nhập nhoạng tối, trên bàn là cái điện thoại màu đen rất đẹp, loại điện thoại giờ đây ta không bao giờ còn thấy nữa, quay số bằng cách chọc ngón tay vào, và phải quay rất lâu, một cái điện thoại bằng bakélite, hình như thế, và người phụ nữ ấy đứng dựa vào bàn nói chuyện điện thoại; một lúc sau, khi tôi ra về, người phụ nữ bắt tôi mặc áo mưa ngay từ trên nhà, vì biết nếu không bắt tôi mặc ngay, kiểu gì tôi cũng sẽ không mặc khi đã ra ngoài; buộc cái dây thắt dưới cằm thật cẩn thận, người phụ nữ nói, như thể toàn bộ chuyện áo mưa chỉ là để chuẩn bị cho câu nói này: "Lần sau nhé, lần sau"; nếu có thể, tôi ước mình ngày ấy đã không chà đạp người phụ nữ ấy như thế, đó chính là người đầu tiên nói cho tôi biết, cuộc đời một người đàn ông chỉ có ý nghĩa khi mà lúc nào cũng được phụ nữ cắt móng tay, móng chân cho; giá mà tôi hiểu, ngày ấy, rằng đó chính là tình yêu, rằng ở phụ nữ, dường như tình yêu không có tên gọi nào khác ngoài chính sự dịu dàng ấy, sự nhẫn nhịn ấy; buổi chập tối mưa phùn Hà Nội rét mướt ấy, căn phòng lờ mờ tối, một người phụ nữ đứng dựa vào bàn nói chuyện điện thoại, một cái máy điện thoại rất đẹp, màu đen, bằng bakélite

mười năm âm hiểm nghìn âm hưởng
gỡ bóng vướng trên mặt nước yên

một nhân vật của Raymond Queneau (từ đây trở lên, mọi nhân vật của Queneau về cơ bản không thuộc cùng một cuốn tiểu thuyết) nói: "tôi tự hỏi không biết mình có khả năng trở nên một sự không gì hết hay không, tôi tuyệt đối không chắc mình có thể làm được điều đó"; tôi đặc biệt nhìn thấy Michel Foucault khi bắt gặp cái câu trong đó Foucault nói rằng, cũng giống một số người khác (không nhiều) mình viết để tự xóa bỏ đi

trên chuyến bay cách đây đúng mười năm, đúng, tôi cũng đã biết, biết nhưng không hiểu là mình đã biết; trong hỗn loạn, như thể có một giọng nói cất lên, nói với tôi rằng phải chia thành bốn, nhất định phải là bốn, có những chuyến đi rất quan trọng, đó chính là những chuyến đi dẫn tới cuộc hẹn với định mệnh; bên ngoài máy bay là ngập tràn cái âm thanh ấy, âm thanh của im lặng

25 comments:

  1. Những khi buồn tôi thường đi ngủ sớm

    ReplyDelete
  2. đọc mà run rẩy. nhất là mấy đoạn về phụ nữ :)

    ReplyDelete
  3. Tóm lại là toàn được gái xinh yêu cắt móng tay móng chân cho, thôi viết tự truyện đi vậy, tha hồ đắt hàng giật, rung tanh tách tôm tươi.

    ReplyDelete
  4. Vụ giấc mộng và "vượt biên" (và bị trừng phạt vì đã vượt biên) trong giấc ngủ hay :P

    ReplyDelete
  5. ấy ấy, thì đã hẳn, mùa thu là tình yêu

    ReplyDelete
  6. "cứ nhìn thấy cầu thang là chạy, bất kể là xuống hay lên", có phải gạt bỏ mọi tính từ, chỉ dùng động từ thì miêu tả được phụ nữ nhiều hơn?

    ReplyDelete
  7. Đúng thật, điện ảnh là sự mô phỏng giấc mơ, mặc dù người ta toàn nói "giấc mơ (đêm qua) như một cuốn phim!" :)

    ReplyDelete
  8. "Mười năm đó anh quên mình sậy yếu,
    Trên vai gầy từ thủa dựng Quê hương;
    Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu,
    Bản tình ca vô tận của Ðông phương..."
    - Tuệ Sỹ.

    ReplyDelete
  9. Nhiều khi tôi thắc mắc khi Kim Dung đặt tên nhân vật "Đông Phương Bất Bại" - về cuối đời úc nào cũng thêu thuà ấy - ông có ngụ ý gì không?

    - "Đông Phương bất bại chỉ là chuyện thiêu dệt, cũng có thể là một chứng bệnh tự tôn hay ứng dụng sai trái?
    - Đông Phương bất bại vì "Một nửa đàn ông là người đàn bà"?
    - Để Đông Phương bất bại, người phải biết thêu cần mẫn giưã những giềng mối cuả tơ sợi, không có giềng mối cuả tơ sợi là không có sự thêu thuà?

    Nhà phê bình có ý kiến gì không nhỉ?

    - GC

    ReplyDelete
  10. không có í kiến gì đâu ạ

    ReplyDelete
  11. Ít ra cũng nói cho người ta nhỡ hỏi mấy lời làm gì mà phũ thế nhà phê bình?

    ReplyDelete
  12. Anh có thể tập trung viết tiện bút nhiều hơn được không? :p

    ReplyDelete
  13. hơi giống bắc kỳ, chính xác hơn là Hà Nội, ngày nào cũng ăn phở

    ReplyDelete
  14. nam mô á di đà, "tôi cũng gần như không có bất kỳ một nhu cầu nào, vậy thì loay hoay trong cuộc đời để làm gì?" mọi bi kịch cuộc đời sẽ diễn ra từ điểm này khi ngôi thứ nhất chĩa câu này vào ngôi thứ hai (đời không như là mơ và thế là buồn làm sao buông;))

    ReplyDelete
  15. tiện bút mười năm, đọc hết 48 phút
    Anh dịch Raymond Queneau đến đâu rồi ạ?

    ReplyDelete
  16. thế thì đã ăn thua gì, còn có câu như này cơ mà: "tình mười năm còn lại mấy tờ thư"

    ReplyDelete
  17. Hàng xóm đang xập xình hát Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ :')

    ReplyDelete
  18. "đoàn tàu tham vọng cứ tiếp tục chạy, tôi đã lẩn khỏi đó, xuống ở một ga xép hẻo lánh, hoặc thậm chí sau một cú nhảy liều lĩnh giữa đường, chấp nhận bầm giập, gãy chân vỡ đầu khi rơi xuống ta luy; tôi không đi cùng đoàn tàu nữa; tôi bỏ ra đi, tất tật những cái đó đâu phải là cuộc chiến đấu của tôi"
    Thỉnh thoảng ngồi một mình cái hình ảnh liều lĩnh nhảy xuống đoàn tàu tham vọng này cứ vọng về

    ReplyDelete
  19. “tiện-bút” này gắn ở labels “giáo dục tình cảm” cho có “hệ thống”

    ReplyDelete
  20. "There's a feeling I get when I look to the west
    And my spirit is crying for leaving"

    ReplyDelete
  21. cái hình ảnh quyển sách cuộc đời và đọc trong lúc mơ rất đúng, nhiều khi đang mơ rất hay có cảm giác đã gặp cái này trong mơ rồi, kiểu như trong cùng một quyển sách, chứ không chỉ trong lúc tỉnh hay déja vu

    ReplyDelete
  22. đúng là mười năm

    typo: "buộc miệng"

    ReplyDelete
  23. “Sao ta bỗng giật mình lo ngại quá
    Hồn ta rên la than khóc hôm nay
    Ta muốn ôm, ôm lấy mặt trời ngày
    Xoay trái đất cho giáp vòng ánh sáng”

    Khôn nguôi, khôn khuây, khôn cùng, khôn tả, khôn xiết, khôn lường,... tóm lại, khôn long lanh😍

    ReplyDelete