Feb 6, 2017

Balzac: Mặt bên kia của lịch sử hiện thời

Tôi ngồi đó, đọc Balzac cho đến hết buổi chiều.

Dưới đây là một kiệt tác của Honoré de Balzac trong bộ La Comédie humaine, cuốn tiểu thuyết L'Envers de l'histoire contemporaine, gồm hai phần, được Balzac viết và đăng báo trong nhiều năm hồi thập niên 40 của thế kỷ 19.


Mặt bên kia của lịch sử hiện thời


PHẦN THỨ NHẤT [Bà de La Chanterie]



Năm 1836, một buổi tối đẹp trời tháng Chín, một người đàn ông trạc ba mươi tuổi đứng tựa vào lan can bờ ke từ đó có thể nhìn bao quát cả sông Seine ngả thượng lưu từ Jardin des Plantes xuống tới Notre-Dame[1], lẫn về phía hạ lưu khung cảnh rộng lớn của dòng sông xuôi tới tận Louvre. Không có đến hai điểm quan sát giống như thế tại thủ đô của tư tưởng. Ta như thể đứng ở đuôi cái con thuyền đã trở nên khổng lồ ấy. Ở đó ta mơ về Paris kể từ người La Mã cho đến người Franc, từ người Normand cho đến người Bourgogne, thời Trung cổ, nhà Valois, Henri IV và Louis XIV, Napoléon và Louis-Philippe. Từ đó, tất tật những kỳ thống trị ấy trao tặng vài phế tích hoặc công trình nhắc ký ức nhớ tới chúng. Sainte-Geneviève từ vòm đỉnh của mình trùm lên khu Latin[2]. Phía sau lưng, sừng sững chái ngoài tuyệt đẹp của nhà thờ lớn[3]. Hôtel de Ville nói cho ta hay về mọi cuộc cách mạng, và Hôtel-Dieu[4], về mọi sự khốn quẫn của Paris[5]. Khi đã thoáng nhìn thấy những rực rỡ của cung điện Louvre, chỉ cần đi hai bước chân thôi ta sẽ có thể trông rõ sự tồi tàn của cái dãy nhà nhơ bẩn kia, nằm giữa ke Tournelle và Hôtel-Dieu, mà các quan cai trị thành phố hiện đại vào thời điểm này đang loay hoay tìm cách làm tan biến.

Hồi năm 1835, cảnh tượng tuyệt diệu này còn chỉ dạy thêm một điều nữa: giữa con người Paris đang tựa vào hàng lan can và ngôi nhà thờ, Khu Đất[6], đó là tên cũ của cái chốn hoang vắng này, vẫn còn lổn nhổn những đổ nát của tòa tổng giám mục[7]. Vào lúc tâm hồn phủ lấy quá khứ cũng như hiện tại của thành phố Paris, như thể Tôn Giáo ở đó nhằm vươn hai tay của mình ra để với tới những thống khổ của cả hai bên bờ sông, đi từ faubourg Saint-Antoine tới faubourg Saint-Marceau[8]. Chúng ta hãy hy vọng rằng chừng ấy vẻ hài hòa trác tuyệt sẽ được hoàn thiện nhờ việc xây dựng một cung điện giám mục theo phong cách gôtic để thế chỗ các nhà cửa xập xệ không tính cách nằm giữa Khu Đất, phố Arcole, ngôi nhà thờ và ke Cité.

Cái điểm này, trung tâm của Paris cổ xưa, chính là nơi cô độc nhất, nơi sầu muộn nhất. Nước sông Seine ồn ào vỗ, nhà thờ thì phóng xuống bóng của nó trong buổi chiều tà. Ta thấy dễ hiểu khi những ý nghĩ nghiêm trang cuồn cuộn lên nơi một người đàn ông mắc chứng bệnh tinh thần nào đó. Có lẽ bị quyến rũ bởi một sự hòa hợp giữa các ý tưởng thời điểm của riêng mình và các ý tưởng nảy sinh khi ngắm những cảnh đa dạng đến thế, người đi dạo đứng đó, hai tay đặt lên thành lan can, chìm đắm vào một sự chiêm ngưỡng kép: Paris và chính anh ta! Bóng tối thì phình lên, những ngọn đèn thắp sáng xa xa, nhưng anh không rời bước, bởi đang phấn hứng tới vậy trong một suy tưởng chất chứa tương lai của chúng ta, được quá khứ biến thành uy nghiêm.

Vào lúc đó, anh nghe thấy tiếng hai người bước tới, giọng của họ vang dội vào anh ngay từ cây cầu đá nối đảo Cité với ke Tournelle. Chắc hẳn hai người đó nghĩ chỉ có mình họ, nên nói to hơn mức lẽ ra phải giữ tại những nơi đông người, hoặc giả nếu họ phát hiện có người lạ. Ngay từ cầu, các giọng nói đã thông báo một cuộc tranh luận, mà căn cứ vào vài lời bay được đến tai chứng nhân tình cờ của cảnh này, nó liên quan đến một vụ vay tiền. Tới gần người đi dạo, một trong hai người kia, ăn vận theo kiểu một công nhân, rời khỏi người còn lại với một cử động đầy tuyệt vọng. Người kia ngoái lại, gọi người công nhân và nói: “Anh không có lấy một xu để quay trở lại qua cầu[9]. Này, ông ta nói thêm, đưa cho anh ta một đồng tiền, và hãy nhớ, bạn của tôi ạ, rằng đích thân Chúa nói chuyện với chúng ta những lúc nào các ý nghĩ tốt đẹp xuất hiện ở trong chúng ta!”

Câu cuối cùng làm con người mơ mộng run rẩy. Cái người nói vậy đã không ngờ rằng, khi vận đến một câu thành ngữ, ông ta đã chỉ dùng một viên đá mà giết hai con chim, rằng ông ta đang hướng tới hai nỗi thống khổ cùng một lúc: một công việc cần lao trong cơn tuyệt vọng, và những dằn vặt của một tâm hồn không la bàn hướng lối; một nạn nhân của cái mà lũ cừu của Panurge[10] gọi là Tiến Bộ, và một nạn nhân của cái mà nước Pháp gọi là Bình Đẳng. Lời nói ấy, tự thân nó thì rất giản dị, trở nên lớn lao nhờ âm điệu của người nói nó, giọng của người ấy như thể có ma lực hấp dẫn. Chẳng phải đó là một trong những giọng nói bình thản, êm dịu, hài hòa với các hiệu ứng mà cảnh tượng bên kia biển[11] tạo ra đối với chúng ta đấy ư?

Căn cứ vào trang phục, anh chàng Paridiêng nhận ra đó là một vị linh mục, và nhìn thấy, trong những le lói cuối cùng của hoàng hôn, một khuôn mặt trắng trẻo, uy nghi, nhưng tan nát. Khi nhìn thấy một vị linh mục đi ra từ nhà thờ lớn Saint-Étienne[12] rất đẹp ở Viên để tới xức dầu thánh lần cuối cho một người hấp hối, tác giả bi kịch nổi tiếng Werner[13] đã quyết định cải đạo Thiên chúa. Câu chuyện gần như tương tự đối với chàng Paridiêng đang trông thấy cái con người, dẫu không hề biết về điều đó, vừa an ủi cho chàng; anh thoáng thấy nơi chân trời đầy đe dọa của tương lai mình một đường vạch dài rực sáng ở đó lấp lánh màu xanh lơ của làn khí cao khiết, và anh đi theo ánh sáng ấy, giống như các mục đồng của Phúc Âm tiến bước theo hướng giọng nói cất lên với họ từ trên cao: “Đấng Cứu Rỗi vừa giáng hạ.” Người đàn ông vừa có phát ngôn trĩu nặng ân sủng bước đi dọc theo hông nhà thờ, về phía, theo một hệ quả của sự tình cờ, đôi khi cũng gây tiếp các hệ quả, cái phố từ đó người đi dạo vừa ra và cũng là nơi anh đang quay trở lại, được dẫn dắt bởi những lầm lỗi của cuộc đời mình.

Người đi dạo mang cái tên Godefroid. Đọc câu chuyện này, người ta sẽ hiểu các nguyên nhân khiến ở đây chỉ xuất hiện tên riêng của những người mà nó nhắc tới. Sau đây là lý do khiến Godefroid, vốn dĩ đang sống ở khu Chaussée d’Antin, vào cái giờ ấy lại có mặt ở ngay gần Notre-Dame.

Là con trai một thương gia đã nhờ sự tằn tiện mà gây dựng được một gia tài nhỏ, anh trở nên toàn bộ tham vọng của bố và mẹ, họ mơ thấy anh trở thành chưởng khế[14] ở Paris. Vậy nên, ngay khi mới lên bảy, anh đã được đưa vào một cơ sở học tập, trường của vị trưởng tu[15] Liautard, cùng lũ con của nhiều gia đình danh giá, những người, dưới sự trị vì của Hoàng đế, đã, trong sự gắn kết với tôn giáo là thứ hơi quá bị lơ là tại các trường li xê, chọn nơi này làm chốn giáo dục đám con trai họ. Chênh lệch về thứ hạng xã hội vào lúc đó đã không hề hiện ra giữa các bạn học; nhưng, vào năm 1821, đã học xong, Godefroid, vào làm ở chỗ một chưởng khế, mau chóng nhận ra khoảng cách chia cắt mình với những người cho tới khi đó anh vẫn rất thân mật.

Buộc lòng phải làm nghề luật, anh thấy mình bị hòa lẫn vào đám đông con trai giới tư sản, những kẻ, không có sẵn tài sản và cũng chẳng nổi trội nhờ huyết thống, phải chờ đợi mọi thứ từ giá trị cá nhân hoặc sự làm việc điên cuồng của mình. Những cao vọng mà bố mẹ anh, hồi này đã rút khỏi ngành thương mại, đặt lên anh, kích thích lòng tự ái nơi anh nhưng chẳng khiến anh trở nên kiêu ngạo. Bố mẹ anh sống giản dị, như người Hà Lan, tiêu pha chỉ trong phạm vi một phần tư số tiền lợi tức mười hai nghìn franc; họ dồn những gì tiết kiệm được, cộng thêm vào đó một nửa số tiền gốc, để mua một chỗ làm cho con trai. Khuất phục tuân theo các điều luật của thứ kinh tế học tại gia này, Godefroid thấy tình trạng hiện nay của anh thật là quá chênh so với những giấc mơ của bố mẹ anh và của anh, đến nỗi anh cảm thấy nản chí. Ở những ai có bản chất yếu, sự nản chí trở nên sự đố kỵ. Trong khi những người khác, nơi họ sự thiết yếu, ý chí, suy tư thế chỗ cho tài năng, bước đi thẳng thớm và cả quyết trên con đường đã vạch sẵn cho các tham vọng tư sản, Godefroid phản kháng, muốn tỏa sáng, đi về phía mọi nơi nào có ánh sáng, và cặp mắt anh phát bỏng ở những chỗ ấy. Anh muốn thành công, nhưng mọi nỗ lực chỉ đưa đến nhận thức về sự bất lực của anh. Rốt cuộc cũng thoáng nhìn thấy một sự thiếu cân bằng giữa các ham muốn và thân phận của mình, anh đâm ra căm thù các chóp bu xã hội, trở thành một người theo khuynh hướng tự do và tìm cách đạt tới sự nổi tiếng nhờ một cuốn sách; nhưng rồi anh học được, với nhiều tổn thất, cách nhìn Tài Năng và Cao Quý với cùng một con mắt. Nghiệp Chưởng Khế, Nghề Thầy Cãi, Văn Chương đã lần lượt được thử mà không đem tới thành công, anh muốn trở thành quan tòa.

Vào thời điểm ấy bố anh chết. Mẹ anh, mà tuổi già bằng lòng với hai nghìn franc lợi tức, chuyển lại cho anh gần như toàn bộ gia tài. Ở tuổi hăm lăm, sở hữu mười nghìn franc lợi tức, anh tưởng đâu mình giàu và quả là cũng giàu nếu so với quá khứ của anh. Cho đến lúc đó, cuộc đời anh chỉ gồm toàn những hành động không ý chí, những mong muốn bất lực; và, để bước đi cùng nhịp với thế kỷ của mình, để hành động, để được đóng một vai, anh tìm cách bước chân vào một thế giới nào đó nhờ tài sản của anh. Trước hết anh tìm ra nghề báo, nó luôn luôn chìa cả hai tay về phía nguồn tiền đầu tiên nào xuất hiện. Trở thành chủ một tờ báo cũng là trở nên một nhân vật: người ta khai thác trí tuệ, người ta chia chác các khoái thú của nó mà chẳng phải tự buộc vào mình các công việc của nó. Chẳng gì hấp dẫn hơn đối với các đầu óc hạng thấp vươn lên cao dựa trên tài năng kẻ khác giống như vậy. Paris từng chứng kiến hai hay ba kẻ cập thời thuộc dạng này, những kẻ mà thành công là một nỗi nhục cả với thời kỳ, cả với những ai từng đưa bờ vai của mình cho chúng đứng lên trên[16].

Trong cái giới ấy, Godefroid bị lép vế trước thứ chủ nghĩa Machiavel thô bỉ của một số kẻ, hoặc bởi sự mạnh tay chi tiền của những kẻ khác, bởi tài sản của các nhà tư bản nhiều tham vọng hoặc bởi tinh thần của các bỉnh bút; rồi anh bị lôi kéo về phía các tiêu xài phung phí mà cuộc sống văn chương hay chính trị, các phong thái của phê bình trong hậu trường gây ra, và về phía những giải trí cần thiết cho các đầu óc bị bận rộn quá mức. Hồi ấy anh giao du với nhiều thành phần bất hảo, nhưng người ta cho anh biết anh có một khuôn mặt ngớ ngẩn, rằng hai vai anh một bên rõ ràng mạnh mẽ hơn bên kia, ấy thế mà sự lệch lạc này lại không được bù trừ bằng thói độc ác hay lòng tốt của tâm trí anh. Nói năng khó nghe là món tiền lương mà các nghệ sĩ nhận được khi nói ra sự thật.

Nhỏ bé, nhưng cương nghị, không trí tuệ cũng chẳng một con đường kiên định, dường như nói thế là hoàn toàn đầy đủ về một chàng trai vào một giai đoạn khi, để thành công trong mọi sự nghiệp, sự kết hợp của những phẩm chất cao nhất của tinh thần chẳng có ý nghĩa gì hết nếu không có hạnh phúc, hoặc giả nếu không có lòng kiên trì, nó dẫn lối tới hạnh phúc.

Cuộc cách mạng 1830 băng bó các vết thương của Godefroid, anh đâm ra có lòng can đảm của hy vọng, đối với anh như thế thì cũng tương đương với sự tuyệt vọng; anh được bổ nhiệm, cũng giống rất nhiều nhà báo không nổi tiếng, vào một chức vụ hành chính nơi các tư tưởng tự do của anh, không ăn giơ với những đòi hỏi của một quyền lực mới, biến anh trở thành một phần tử nổi loạn. Lấn cấn trong khuynh hướng tự do, anh đã không biết cách, giống như nhiều con người cao cấp, chọn bên cho mình. Đối với anh, tuân lời các bộ trưởng nghĩa là thay đổi ý kiến. Vả lại anh thấy chính phủ không theo đúng các luật nguồn gốc của nó. Godefroid theo Chuyển Động trong khi lẽ ra phải theo Kháng Cự[17], và anh quay trở về Paris, gần như đã trở nên nghèo, nhưng vẫn trung thành với các học thuyết của Sự Đối Đầu.

Hoảng hốt trước những trò lố của Báo Chí, lại càng hoảng hốt hơn trước các xâm lấn của phe cộng hòa, anh tìm kiếm, trong sự lánh héo, cuộc sống duy nhất phù hợp với một con người có các năng lực không hoàn chỉnh, không có sức mạnh để phản lực lại chuyển động dữ dằn của đời sống chính trị, mà những đau khổ và sự tranh đấu chẳng khiến phát lộ bất kỳ vẻ rạng rỡ nào, mệt mỏi vì các thất bại thảm hại của mình, không bạn bè bởi vì tình bạn muốn có các phẩm chất hoặc khiếm khuyết nổi thật rõ, nhưng lại sở hữu một sự nhạy cảm nhiều tính chất mơ mộng hơn là sâu sắc. Chẳng phải đó là hướng đi duy nhất mà một người đàn ông trẻ tuổi có thể chọn, đối với người ấy khoái lạc đã nhiều lần đánh lừa, và cũng đã già đi trong tiếp xúc với một xã hội cũng gây xáo trộn nhiều ngang với bị xáo trộn?

Mẹ anh, đã sắp chết tại ngôi làng Auteuil yên bình, gọi con trai đến gần mình, cả nhằm mục đích có anh bên cạnh, lẫn bởi vì bà muốn đặt anh vào một con đường nơi anh có thể tìm được niềm hạnh phúc ngang bằng và đơn giản hẳn sẽ gây thỏa mãn cho những tâm hồn giống như vậy. Rốt cuộc bà đánh giá Godefroid, ở tuổi hăm tám chứng kiến tài sản của mình thu nhỏ lại ở mức bốn nghìn franc lợi tức, những ham muốn đã xuội, các khả năng tưởng sở hữu được tắt ngấm, không hoạt động, tham vọng bị sỉ nhục, và niềm căm ghét trước mọi thứ gì vươn cao một cách chính đáng, cộng thêm vào đó mọi đen đủi của anh. Bà tìm cách cưới cho Godefroid một cô thiếu nữ, con gái duy nhất của một gia đình thương gia về vườn, một người có thể trở thành giám hộ cho tâm hồn ốm yếu của con trai bà; nhưng ông bố mang cái tinh thần đầy tính toán chẳng hề rời bỏ một lái buôn già trong các cân nhắc liên quan tới hôn nhân và, sau một năm săn đón và kề cận, Godefroid đã không được chấp nhận. Trước hết, trong mắt các nhà tư sản thuần thành kia, ở anh chàng cầu hôn này hẳn vẫn còn vương, từ sự nghiệp cũ của anh ta, một sự vô luân sâu thẳm; rồi, trong cái năm ấy, anh lại vét thêm vào tiền của mình, vừa để khiến ông bố bà mẹ cảm thấy choáng ngợp vừa nhằm tìm cách làm vừa lòng con gái họ. Sự phù phiếm này, tuy rằng hết sức đáng tha thứ, đã khiến gia đình quyết định, đối với họ phá tán tài sản là một điều ghê rợn, ngay khi họ biết rằng Godefroid đã, trong vòng sáu năm, đánh mất tổng cộng số tiền một trăm năm mươi nghìn franc.

Cú đòn này lại càng thấm thía hơn đối với trái tim vốn đã quá mức tan hoang ấy, vì cô thiếu nữ không hề xinh đẹp. Nhưng, được me dạy cho, Godefroid đã nhận ra ở cô thiếu nữ của anh giá trị một tâm hồn nghiêm túc và những ưu thế khổng lồ của một tinh thần vững chãi; anh đã quen với khuôn mặt, anh đã nghiền ngẫm vẻ ngoài của nó, anh yêu giọng nói, các cung cách, ánh mắt của thiếu nữ ấy. Sau khi đã đặt vào mối gắn bó này món lớn cuối cùng của cuộc đời mình, anh cảm nhận niềm tuyệt vọng chua chát nhất. Mẹ anh qua đời, và anh, mà các nhu cầu đã theo đuổi chuyển động của sự xa xỉ, còn lại năm nghìn franc tiền lợi tức, đó là toàn bộ tài sản của anh, cùng niềm tin chắc chắn là sẽ chẳng bao giờ có thể sửa chữa một tổn thất nào đó, nhận ra mình chẳng hề có khả năng cho những hành động mà mấy cái từ khủng khiếp này: gây dựng cơ nghiệp! đòi hỏi.

Sự yếu đuối đầy sốt ruột và buồn thảm không đột nhiên đồng lòng tự xóa đi. Bởi thế, trong kỳ để tang, Godefroid tìm kiếm những tình cờ tại Paris: anh ăn tối quán xá, anh giao du đầy bất cẩn với nhiều người lạ, anh tìm lại thế giới và chỉ gặp được các dịp để tiêu tiền. Dạo chơi trên các đại lộ, nội tâm anh đau đớn tới mức, nhìn thấy một bà mẹ đi cùng cô con gái đến tuổi lấy chồng cũng khiến anh cảm thấy giằng xé giống như khi dõi theo một trang nam nhi cưỡi ngựa đi vào Rừng, hay một kẻ gặp thời trên cỗ xe sang trọng của hắn, hoặc một viên chức đeo huy chương. Cảm giác bất lực nói với anh rằng anh sẽ không thể mơ tưởng vị trí đáng coi trọng nhất trong số các vị trí hạng hai, cũng như số phận dễ dàng nhất; và anh có đủ tấm lòng để thường trực bị tổn thương vì thế, đủ trí óc để sáng tác bên trong bản thân mình các bi khúc chất chứa những thảm đạm.

Vụng về khi chiến đấu chống lại mọi sự, sở hữu cảm giác về các năng lực cao vời, nhưng không có lòng muốn đưa chúng trở thành hành động, tự cảm thấy mình chưa hoàn chỉnh, không đủ sức mạnh để thực thi một điều gì lớn lao, như thể không có sức kháng cự trước các sở thích mà anh vẫn giữ từ cuộc sống trước kia, từ sự giáo dục mà anh được hưởng hoặc từ sự vô tư lự của anh, anh bị xâu xé bởi ba căn bệnh, trong đó chỉ duy nhất một thôi cũng đã đủ để làm cho một trai trẻ không mang lòng tin tôn giáo thấy ghê tởm sự tồn tại. Thế nên Godefroid trưng ra cái khuôn mặt mà ta bắt gặp ở rất nhiều người, đến mức nó đã trở thành típ Paridiêng: ở đó người ta bắt gặp các tham vọng bị đánh lừa hoặc đã chết, một sự khốn cùng nội tâm, một niềm căm ghét say ngủ trong sự vật vờ của một cuộc sống khá là bị thu hút trước cảnh tượng bên ngoài và hằng ngày ở Paris, một sự thiếu khả năng trong tìm kiếm các bức bối, lời than van không chút tài năng, vẻ nhăn nhó của sức mạnh, nọc độc của các xui xẻo trước đây, nó thôi thúc con người ta mỉm cười nhạo báng, lớn tiếng khinh khi tất tật những gì vươn lớn, chẳng biết đến những quyền lực nhất thiết nhất, thấy khoái cảm trước những bối rối của chúng, và không chịu tuân theo một hình thức xã hội nào. Chứng bệnh Paris đó, đối với sự âm mưu tích cực và thường trực của những người nhiều năng lượng, cũng giống như phần gỗ bên ngoài đối với nhựa cây; cái này lưu giữ, hỗ trợ và che giấu cái kia.

Mệt mỏi với bản thân, một sáng nọ Godefroid những muốn tạo ra ý nghĩa cho đời mình bằng cách gặp một người bạn từng là con rùa trong ngụ ngôn La Fontaine giống như anh từng là con thỏ ở trong đó. Trong một cuộc trò chuyện có được nhờ sự thông hiểu giữa những người bạn học hồi còn nhỏ và diễn ra trong lúc bước đi dưới ánh mặt trời ở đại lộ Italiens, anh sửng sốt khi thấy đã hoàn toàn tới đích cái người, vẻ ngoài thì được hưởng ít phương tiện hơn anh, tài sản cũng kém hơn, người ấy sáng nào cũng ra sức mong muốn cùng cái điều anh ta từng mong muốn vào hôm trước. Người bệnh bèn quyết định là mình sẽ bắt chước sự đơn giản trong hành động này.

“Cuộc sống xã hội cũng giống như đất ấy, người bạn nói với anh, nó mang đến cho chúng ta những gì đều tùy thuộc vào các nỗ lực của chúng ta.”

Godefroid đã mắc nợ. Như đòn trừng phạt đầu tiên, như nghĩa vụ đầu tiên, anh tự buộc mình phải sống tách biệt, dùng tiền thu nhập để trả nợ. Ở một người quen tiêu sáu nghìn franc trong khi chỉ có năm nghìn, thật là một công trình chẳng hề nhỏ khi tự rút xuống sống ở mức hai nghìn franc. Sáng nào anh cũng đọc tờ Les Petites Affiches[18], hy vọng tìm thấy ở đó một xó để ở, nơi chi tiêu của anh sẽ có thể trở nên cố định, nơi anh sẽ có thể được hưởng sự cô đơn thiết yếu cho một con người đang muốn thu mình lại, tự xem xét mình kỹ lưỡng, tự tạo cho mình một thiên hướng. Tập quán các nơi trọ tư sản khu Latin gây choáng váng cho sự tế nhị nơi anh, các dưỡng viện[19] thì anh thấy thiếu lành mạnh, và thiếu điều chuẩn bị rơi vào những bất quyết định mệnh hay thấy ở những người không ý chí thì bắt gặp được thông báo dưới đây:
Chỗ ở nhỏ bảy mươi franc một tháng, có thể thích hợp cho một người tu hành. Muốn tìm một khách thuê yên tĩnh; sẽ ăn cùng chủ nhà, phòng sẽ được trang bị đồ đạc ở mức giá vừa phải theo thỏa thuận giữa hai bên. 

Hãy hỏi ông Millet, chủ hiệu thực phẩm, phố Chanoinesse, gần Notre-Dame, ông Millet sẽ cung cấp mọi thông tin thích hợp.

Bị quyến rũ bởi vẻ tốt lành giấu bên dưới đoạn văn trên và bởi mùi vị của giới tư sản tỏa ra từ đó, Godefroid vào quãng bốn giờ đã đến chỗ ông chủ hiệu thực phẩm, ông ta cho anh biết bà de La Chanterie đang dùng bữa và không tiếp bất kỳ ai trong các bữa ăn. Có thể gặp bà ấy vào buổi tối sau bảy giờ, hoặc buổi sáng từ mười giờ đến trưa. Vừa nói, ông Millet vừa săm soi Godefroid và bắt anh phải chịu, theo ngôn ngữ của các quan tòa, một cuộc kiểm tra cấp độ thứ nhất.

“Ông là người độc thân chứ, thưa ông? Bà ấy muốn một người có sinh hoạt thật điều độ; họ đóng cửa nhà muộn nhất vào mười một giờ tối. Thưa ông, ông ta kết thúc, vả lại tôi thấy ông ở vào độ tuổi phù hợp với bà de La Chanterie đấy.

- Ông nghĩ tôi bao nhiêu tuổi? Godefroid hỏi.

- Chắc khoảng chừng bốn mươi,” ông chủ hiệu thực phẩm đáp.

Câu trả lời ngây thơ kia ném Godefroid vào một cơn căm ghét con người kèm nỗi buồn; anh đi ăn tối trên ke Tournelle, rồi quay trở lại ngắm Notre-Dame vào thời điểm những đốm lửa của mặt trời đang lặn đập vào rồi chảy ròng theo vô số vòm chống uốn cong của chái nhà thờ. Khi ấy bờ ke chui vào trong bóng tối, vào lúc mấy ngọn tháp được những luồng sáng đính viền lấp lánh lên, và sự tương phản này gây sửng sốt cho Godefroid, đang chìm đắm vào tất tật những nỗi chua cay đã bị sự ngây thơ đầy hiểm độc của ông chủ hiệu thực phẩm khuấy sôi lên.

Chàng trai trẻ ấy đang bập bềnh trôi giữa những lời khuyên nhủ của nỗi tuyệt vọng và cái giọng gợi xúc cảm của những hòa âm tôn giáo ngân lên bởi chuông nhà thờ, thì, giữa bóng tối, giữa im lìm, trong ánh trăng, anh nghe thấy câu nói của viên linh mục. Dẫu chẳng mấy mộ đạo, giống phần lớn những đứa con của thế kỷ này, sự nhạy cảm nơi anh cũng thấy xúc động trước câu nói ấy, và anh quay trở lại phố Chanoinesse, nơi anh đã thấy chẳng còn muốn đến làm gì nữa.

Vị linh mục và Godefroid cùng thấy kinh ngạc y như nhau khi bước vào phố Massillon, nằm đối diện với cổng nhỏ phía Bắc của ngôi nhà thờ, rồi cùng nhau rẽ sang phố Chanoinesse, tới đúng cái nơi, ở quãng phố Colombe, nó kết thúc để trở thành phố Marmousets. Lúc Godefroid dừng chân dưới cổng tròn của ngôi nhà nơi bà de La Chanterie sống, vị linh mục quay sang Godefroid, dò xét anh trong ánh sáng ngọn đèn đường, hẳn là một trong những ngọn đèn cuối cùng còn chưa biết mất ở trung tâm Paris cổ.

“Anh đến gặp bà de La Chanterie có phải không, thưa anh? linh mục hỏi.

- Vâng, Godefroid đáp. Cái câu mà tôi vừa nghe thấy ông nói với người công nhân kia đã chứng tỏ cho tôi rằng ngôi nhà này, nếu ông cũng ở đây, hẳn phải chứa đựng đầy sự cứu rỗi cho tâm hồn.

- Vậy ra anh đã làm chứng cho thất bại của tôi? linh mục nói, nhấc cái búa lên, vì tôi đã không thành công.

- Tôi lại có cảm giác đúng hơn thì đó phải là người công nhân, vì anh ta đã hỏi tiền ông khá là găng.

- Hỡi ôi! linh mục đáp, một trong những bất hạnh lớn nhất của các cuộc cách mạng ở Pháp là cuộc cách mạng nào cũng trở thành một sự thúc đẩy đối với tham vọng của các tầng lớp thấp. Để thoát khỏi hoàn cảnh, để tạo lập tài sản, thứ mà ngày nay người ta coi như là sự đảm bảo duy nhất về mặt xã hội, người công nhân kia lao vào những mưu mô ghê rợn, nếu mà không thành công, chắc hẳn chúng sẽ đưa nhà đầu cơ của chúng tới chỗ phải thanh toán với công lý con người. Đó là điều mà đôi khi lòng tốt tạo ra đấy.”

Người gác cửa mở một cánh cửa nặng, và vị linh mục nói với Godefroid: “Có lẽ anh đây đến để xem căn phòng nhỏ?

- Vâng, thưa ông.”

Linh mục và Godefroid băng ngang một cái sân khá rộng, phía cuối lờ mờ trong bóng tối một ngôi nhà cao sát kề một cái tháp hình vuông còn cao hơn mái nhà và xập xệ thảm hại. Bất kỳ ai am hiểu lịch sử Paris đều biết rằng nền đất ở đó đã được tôn lên rất nhiều ở phía trước và xung quanh nhà thờ, đến nỗi chẳng hề còn lại vết tích mười hai bậc cầu thang xưa kia người ta dùng để leo lên. Ngày nay, nền những cây cột chỗ cái cổng ngang bằng với mặt đường. Vậy nên, tầng trệt ban đầu của ngôi nhà này ngày nay hẳn phải được dùng làm hầm. Có một thềm gồm vài bậc tam cấp ở lối vào tòa tháp kia, ở đó có một cầu thang xoáy trôn ốc đi lên cao dọc theo một cái cây được xén tỉa uốn lượn. Phong cách này, gợi nhớ phong cách các cầu thang của vua Louis XII tại lâu đài Blois, bắt nguồn từ thế kỷ mười bốn. Sửng sốt trước cả nghìn triệu chứng của cổ xưa, Godefroid không sao tự ngăn mình vừa mỉm cười vừa nói với linh mục: “Tòa tháp này hẳn không phải của ngày hôm qua.

- Nó đã trải qua, người ta kể như vậy, cuộc tấn công của người Normand và suýt thì đã trở thành một phần của cung điện đầu tiên cho các vua Paris; nhưng, theo truyền thuyết, chắc chắn hơn, hẳn nó từng là chốn trú ngụ cho ông cha Fulbert lừng danh, tức là chú của Héloïse[20].”

Nói đoạn, linh mục mở cửa căn hộ trông cứ như thể ở tầng trệt nhưng thật ra, so với sân thứ nhất cũng như sân thứ hai, bởi vì còn có một sân nhỏ bên trong, nó nằm ở tầng một.

Trong căn phòng đầu tiên này, dưới ánh sáng một ngọn đèn nhỏ, một nữ gia nhân đang đan len, đầu đội một cái mũ bonnê vải phin có họa tiết in nổi; bà cắm một trong những cây kim của mình vào mái tóc, và vẫn giữ đồ đan trên tay, cứ như vậy mà đứng dậy mở cửa một phòng khách rọi ánh sáng ra phía sân sau. Lối ăn vận của người phụ nữ này gợi nhớ trang phục của các Xơ Xám[21].

“Thưa bà, tôi dẫn đến một người thuê nhà đây”, vị linh mục nói, đưa Godefroid vào căn phòng ấy, nơi anh nhìn thấy ba người ngồi trên ghế phô tơi gần bà de La Chanterie.

Ba nhân vật kia đứng dậy, bà chủ nhà đứng dậy; rồi, khi vị linh mục đã đẩy cho Godefroid một cái phô tơi, rồi người thuê nhà tương lai đã ngồi xuống, tuân theo một động tác của bà de La Chanterie, đi kèm với cái câu nói cổ lỗ này: “Mời an tọa, thưa anh!” anh chàng Paridiêng tưởng như mình đang ở tít xa Paris, chẳng hạn vùng Hạ Bretagne, hoặc giả heo hút đâu đó bên Canada.

Dường như sự im lặng có nhiều cấp độ. Dường như Godefroid, đã bị hớp hồn bởi sự im lặng của phố Massillon và phố Chanoinesse nơi mỗi tháng không có đến hai cỗ xe chạy qua, hút hồn bởi sự im lặng của cái sân và tòa tháp, đang ở ngay trung tâm của sự im lặng, trong cái phòng khách được trông giữ bởi chừng ấy phố cũ, sân cũ và tường cũ này.

-----------

[1] Jardin des Plantes: công viên lớn, một dạng vườn bách thảo, ngày nay vẫn tồn tại; Notre-Dame ở đây là Nhà thờ Đức Bà Paris, nằm trên một trong hai hòn đảo giữa sông Seine (đảo Cité), với Hôtel de Ville (Tòa Đô chính, tức Tòa Thị chính) không xa ở hữu ngạn, về phía tả ngạn là khu Latin.

[2] Đỉnh ngọn đồi Sainte-Geneviève là điểm cao nhất của khu Latin; Sainte-Geneviève là nữ thánh bảo trợ của thành phố Paris.

[3] Tức là Nhà thờ Đức Bà.

[4] Hôtel de Ville (cf. chú thích số 1) là Tòa Đô chính, ở đây giữ nguyên không dịch vì trong câu này, Balzac đặt nó vào thế đối sánh với một công trình khác cũng có “Hôtel” trong tên: Hôtel-Dieu là công trình của lòng từ bi tôn giáo, một nơi chăm sóc người bệnh, nhưng ở đây Balzac không nói đến Hôtel-Dieu như ta vẫn biết (nó nằm trên sân lớn trước mặt Nhà thờ Đức Bà), mà là một khu phụ của Hôtel-Dieu nằm sát sông Seine, mà từ nơi Godefroid đang đứng có thể trông thấy.

[5] “Luật tương phản” là trò chơi yêu thích không chỉ của Victor Hugo - ở đây, dĩ nhiên không gì thích hợp hơn là nhắc tới cuốn tiểu thuyết Notre-Dame de Paris của Hugo, mà đó còn là sở trường, một nỗi đam mê không bao giờ tắt của Balzac: nhan đề Splendeurs et Misères des courtisanes (cuốn tiểu thuyết dài, một kiệt tác vĩ đại của Balzac, về những “rực rỡ” và những “khốn cùng” của các nàng kỹ nữ) nói lên rất nhiều về điều này, nhưng không chỉ có vậy, vì ngay “scène” từ lâu nay vẫn được đặt ở mở đầu bộ La Comédie humaine, đã mang một cái nhan đề rất kêu, Gloire et Malheur (Vinh quang và Bất hạnh) trước khi được đổi tên thành La Maison du Chat-qui-pelote.

[6] Terrain.

[7] Công trình được xây dựng vào cuối thế kỷ 17 liền sát Nhà thờ Đức Bà, bị tàn phá ngày 14 tháng Hai năm 1831 trong một cuộc bạo loạn. Đến năm 1845 nơi này mới trở thành một công viên.

[8] “Faubourg” là các “ngoại ô” liền sát nội thành Paris; cần đặc biệt quan tâm đến “faubourg Saint-Marceau”, vì nó liên quan rất nhiều đến câu chuyện; huyết mạch của khu vực này là phố Mouffetard (ngày nay, toàn bộ đều là nội đô thành phố), đặc biệt đây là địa bàn hoạt động tích cực của dòng tu thánh Vincent de Paul.

[9] Ý muốn nói cầu “pont de l’Archevêché” (tức là Cầu Tòa Tổng giám mục), cây cầu trên đảo Cité, nối ke Montebello với ke Tournelle, dựng năm 1828 theo lệnh vua Charles X, tức là rất mới vào thời điểm Balzac viết câu chuyện này; thời kỳ đầu, đó là một cây cầu thu phí.


[10] Cf. Rabelais.


[11] Ở đây, Balzac ám chỉ đặc biệt các lý thuyết của Swedenborg. Sẽ có lúc chúng ta đi sâu vào Swedenborg, tiền thân của William Blake, ở đây chỉ nhấn mạnh một điều: không một cách hiểu văn chương Balzac nào là tương đối đầy đủ nếu không đặt được trọng tâm vào ảnh hưởng của Swedenborg; thêm nữa, vai trò của Swedenborg ngay lập tức biến mọi quy kết văn chương Balzac vào “chủ nghĩa hiện thực” trở thành lố bịch; về thực chất, Balzac ở cách xa “chủ nghĩa hiện thực” cũng giống như Hàn Mặc Tử ở cách xa “chủ nghĩa siêu thực”. Là một nhà lãng mạn chủ nghĩa vĩ đại, nhưng ở Việt Nam, Balzac nhất định bị trói vào danh hiệu “nhà hiện thực chủ nghĩa”, đây là một trong những tội ác lớn nhất của khoa nghiên cứu văn học phương Tây ở Việt Nam.


[12] Tức là Stephansdom.


[13] Zacharias Werner (1768-1823), một nhân vật Phổ, nhà thơ, cũng là một nhà thấu thị giống Swedenborg.


[14] Vô vàn nhân vật của Balzac trong La Comédie humaine liên quan đến cái nghề chưởng khế này, và rộng hơn, liên quan đến các nhánh khác nhau của luật pháp. Bản thân Balzac hồi nhỏ cũng được bố mẹ cho đi học theo hướng trở thành chưởng khế. Những miêu tả hết sức chi tiết về thế giới chưởng khế, nhất là các chưởng khế học việc, nằm ở cuốn tiểu thuyết Một đoạn đầu đời (Un début dans la vie), với nhân vật Oscar Husson. 


[15] Từ xưa đến nay, danh hiệu “abbé” (tiếng Anh: abbot) luôn luôn được dịch sang tiếng Việt là “tu viện trưởng”; thế nhưng, cái từ có nguồn gốc rất phức tạp và lịch sử vô cùng lắt léo này đã mở rộng nghĩa đến mức cả những người không thuần túy tôn giáo và, tất nhiên, không có một “tu viện” nào để quản lý cũng có thể được gọi là “abbé”. Ở đây, “abbé” sẽ được dịch là “trưởng tu”, cũng có lúc vẫn để nguyên là “abbé”. 


[16] Sỉ nhục nghề báo và các nhà báo là một môn thể thao ưa thích, được thực hành lâu dài bởi Balzac, và trong địa hạt này Balzac là một người khổng lồ, một thiên tài trong việc hạ sát báo giới, mà đỉnh cao là cuốn tiểu thuyết Illusions perdues. Truyền thống đầy vinh quang này, sau Balzac, được tiếp nối bởi một số người, trong số đó có thể kể Nhị Linh.    

[17] Chuyển Động (Mouvement) là tên đảng mà La Fayette, Laffitte, Odilon Barrot là yếu nhân (chủ trương nền quân chủ Tháng Bảy tiến về phía chủ nghĩa tự do), còn Kháng Cự (Résidence) là tên đảng của Guizot, Broglie, C. Perier, đối lập với Chuyển Động.

[18] Dạng như báo Mua & Bán.


[19] Maison de santé.

[20] Nàng Héloïse lừng danh, người tình của một nhân vật cũng lừng danh không kém, Abélard, của trường đại học Sorbonne. Cuộc tình giữa thầy giáo và học trò này là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất thời Trung cổ ở Paris. Ta đã biết, Abélard bị gia đình Héloïse quây đánh cho một trận, và còn dã man hơn thế, bọn họ thiến Abélard luôn. Rất có thể ông cha Fulbert được nhắc đến ở đây có tham gia vụ việc hắc ám kia. Câu chuyện, nếu nhất định coi nó có hậu, dẫn tới việc xuất hiện (thêm) một ông thánh (Abélard), và nàng Héloïse đi vào huyền thoại phố phường đến mức Jean-Jacques Rousseau khi viết Julie đẫm lệ đầy đau đớn đã đặt tít phụ là Nàng Héloïse mới.    



(còn nữa)

24 comments:

  1. Năm mới chúc bạn vui khỏe
    Cảm ơn bạn rất nhiều vì blog này :)

    ReplyDelete
  2. không cần chúc tụng

    cũng không cần cảm ơn

    ReplyDelete
    Replies
    1. Như Thánh Gióng: đánh giặc xong là bay về trời, vui thú điền viên...

      Delete
    2. bác nào còm cái trên cười đau cả bụng :))))

      Delete
    3. Anh nỡ lạnh lùng đến thế sao. Tim em tan nát tự hôm nào. Giờ đây đã nát càng thêm nát :p

      Delete
  3. nhưng nghe nói nhân vật í vẫn còn trinh

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chữ trinh kia cũng có dăm bảy đường

      Delete
  4. quá là đáng lo ngại, nhưng hình như "đường" phải là "lần" mới đúng (theo một nghiên cứu từ nguyên học chưa công bố, nếu công bố thì sẽ lật nhào hết toàn bộ lý thuyết của An Chi Huệ Thiên Võ Thiện Hoa)

    ReplyDelete
  5. "Lần" đúng rồi. Nếu không, Madonna hát "like a virgin" để làm gì? Thật, mở miệng là trùng ngôn...

    ReplyDelete
  6. nhịp có vẻ hơi nhanh hay sao í nhỉ

    ReplyDelete
  7. cũng có thể

    nhịp của phơi ơ tông

    ReplyDelete
  8. mấy cái chú thích đọc kĩ cũng nguy hiểm nhỉ, như cái số 11

    ReplyDelete
  9. Kiểu như Oracle Night í nhờ

    ReplyDelete
  10. đang hay ... :) tội cho bọn hanoinian quá

    ReplyDelete
  11. đoạn về hậu quả của cách mạng đúng là tiên tri. ông ấy đơn giản nhìn thấu hết cả. nếu bảo "cuộc đời" nói chung là "đẹp" thì cái "mùi tư sản" ở đây phải là cái mùi dễ chịu nhất "đời"

    ReplyDelete
  12. Balzac đã báo trước không ít Kundera ở cái nhìn đối với "cách mạng", nhưng nói cho đúng, Balzac vẫn là sau Edmund Burke và nhất là Joseph de Maistre

    ReplyDelete
  13. "Không có đến hai điểm quan sát giống như thế tại thủ đô của tư tưởng." - câu này hay. mà khó hiểu. thế nào nhỉ?

    ReplyDelete
  14. "thủ đô của tư tưởng" là ẩn dụ Balzac dùng để chỉ Paris

    vế còn lại chỉ muốn nói, nơi Godefroid đang đứng là độc nhất vô nhị, để có thể nhìn thượng lưu và hạ lưu sông Seine như đã miêu tả

    ReplyDelete
  15. Nhân vật Godefroid sẽ như thế nào trong xã hội nhỉ? Có vẻ tiểu thuyết này ít được anh nhắc tới quá, rất mong anh dịch tiếp. Pha đi lạc của Godefroid thật hứa hẹn.

    ReplyDelete
  16. nếu đã đọc Imitation of Jesus Christ (hay được cho là của Thomas a Kempis) thì sẽ rất dễ hiểu "Mặt bên kia" Balzac

    cũng không ít nhắc đâu, thêm nữa nó có í nghĩa lớn thế còn gì: nhát mở đầu Balzac, đồng thời "không cần chúc tụng không cần cảm ơn"

    ReplyDelete
  17. Trời ơi phải chi em có quyền yêu Nhị Linh

    ReplyDelete