Sep 11, 2017

Canetti project (1)

Tại sao người đọc nói chung và người đọc ở Việt Nam cứ suy tôn những thứ văn chương nhàng nhàng, nếu không nói là dở và kém như văn chương của Hemingway, Remarque hay Zweig, chưa nói đến một dây Sartre, Camus etc? Tất nhiên, dễ thấy ngay là vì con người chỉ chăm chăm chạy theo mốt (các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp còn chạy theo mốt suốt, nói gì, xem thêm ở kia); họ hay đọc báo, mà những người hay viết trên báo, từ nhà báo cho đến các nhà phê bình, thuộc loại không biết đọc hiển nhiên nhất. Tất nhiên là như vậy, nhưng cũng vì vẫn quá ít các quy chiếu. Tôi không tin một ai thực sự đọc Kafka mà lại có thể coi những thứ Paulo Coelho sản xuất ra là văn chương được.

Thế cho nên, cần phải đọc. Có lẽ cần phải nói rõ hơn, cần phải đọc theo cách khác, hoặc, mặc dù nghe có thể phi lý đến đâu, không đọc. Cần phải đọc thực sự. Hoặc là không đọc (cũng thực sự). Người ta chỉ sạch sẽ nếu tắm thực sự, hiển nhiên thế cơ mà. Nếu không tắm cho nó đúng là tắm được, thì tốt nhất đừng tắm. Đọc bao gồm đọc lại, và đọc hết, như đã nói (vài lần). Trông tôi thế thôi :p nhưng cũng có nhiều người hỏi tôi (tôi rất sợ cái dạng bài tập này) về chuyện đọc. Nhìn chung kết quả sẽ rất nghèo nàn, vì về cơ bản chỉ sau vài câu tôi sẽ nói, tại sao lại đọc nhiều thế làm gì?

Không đọc cuốn sách nào là tốt nhất. Đọc một cuốn sách cả đời thì tốt vạn lần hơn mỗi tháng đặt kế hoạch đọc một, năm hay ba mươi cuốn. Đọc cũng giống tình ái, ai mà biết được. Những gì đọc cũng giống tiền mà ta có: ai cũng nghĩ mình sở hữu nếu có tiền, nhưng có phải là như vậy đâu? Về chuyện tiền, ai từng đọc cuốn tiểu thuyết về một "con bạc khát nước" của Dostoievski hẳn đã hiểu rất nhiều điều. Còn nếu như đã đọc cuốn sách ấy mà không hiểu, thì có nghĩa là chưa hề đọc. Đã đọc một cuốn sách nào đó hoàn toàn có thể chỉ là một ảo tưởng, một ẩn dụ. Về cơ bản, tuyệt đại đa số những cuộc nói chuyện liên quan đến sách chỉ là trò name-dropping (các "diễn đàn độc giả" mà dăm lần tôi tình cờ nhìn thấy không nói gì khác ngoài phát biểu cảm tưởng về bìa sách; và điều rất đặc biệt nằm ở chỗ: cứ cái bìa nào xấu nhất thì được khen ngợi ầm ĩ). Biết thì không nói, nói thì không biết.

(lại lảm nhảm rồi)

Nói tóm lại, cần phải đọc một số nhân vật không mốt. Elias Canetti có lẽ là một trong những nhà văn lý tưởng cho điều này. Đây cũng lại là một người thuộc thế hệ sinh năm 1905.

Corpus cho "project" này là như sau:


Quyển sách trên đây gồm năm cuốn sách:


Trong đó, ba cuốn sách là "tự thuật" của Canetti, qua các giai đoạn cuộc đời. Die Provinz des Menschen (tên tiếng Pháp: Le Territoire de l'homme, "Lãnh thổ con người") tập hợp các suy nghĩ rời của Canetti từ 1942 đến 1972, và cuối cùng là thêm một cuốn sách nhỏ gồm các "châm ngôn" giai đoạn cuối đời.

Quyển sách này là "quyển sách cuộc đời" của Canetti, là thứ mà Canetti bắt đầu suy nghĩ từ khi còn rất trẻ, năm 1960 mới viết xong và in:


Tôi từng nhắc đến nó ở kia. Nhan đề tiếng Pháp như trên, cũng như nhan đề tiếng Anh, Crowds and Power, đều không lột tả nổi cái tên gốc, Masse und Macht. Nhìn chung, mọi tên sách của Canetti đều gây vấn đề lớn cho các dịch giả của mọi ngôn ngữ.

Đây là một cuốn sách rất lớn, trong rất nhiều năm, Canetti nghĩ nếu cuộc đời thực sự có một "sứ mệnh" nào đó, thì sứ mệnh ấy chính là hiểu "Masse", hiểu con người ở mức độ của sự tập hợp.

Quyển sách dưới đây:


Canetti dùng để bình luận những bức thư Kafka gửi Felice Bauer. Đó là thời điểm những bức thư này mới được xuất bản, gây xáo động rất lớn. Tên cuốn sách đã cho thấy rất nhiều điều: Một vụ án khác. Canetti cũng là một người bị Kafka ám.

Tất nhiên, ai có biết về Elias Canetti đều chờ đợi Die Blendung, cuốn tiểu thuyết lớn. Tất nhiên, không thể không có nó trong corpus. Nhưng chuyện không tìm được sách đã nói qua ở kia đã trở nên trầm trọng đến mức quyển sách dày như Die Blendung, cùng bản dịch tiếng Pháp, Auto-da-fé, tôi nhét vào đâu còn chưa lục ra được. Chẳng lẽ đi mua hai quyển mới? nhưng tôi không muốn thay Auto-da-fé, vì quyển sách của tôi, tôi đã dùng để đọc lại mấy lần - cuốn tiểu thuyết in năm Canetti chừng ba mươi tuổi này đối với tôi là một trong những gì hay nhất viết về thế giới của những quyển sách.

Yên tâm, sẽ sớm tìm ra thôi.

Tức là, chúng ta sẽ đọc Elias Canetti. Ngoài những gì đã nói trên đây, Canetti còn có vài thứ nữa, nhưng tạm thời chưa cần nói đến. Ai thích đọc thì cứ tự kiếm "tài liệu", bằng thứ tiếng nào cũng được.

Kỳ tới của "project", ta sẽ nói đến tuổi thơ của Canetti tại Bungari, Balkan.




NB. đã viết tiếp về "Thơ Mới" và cũng đã xong đầy đủ Maldoror II, 7, 8


11 comments:

  1. Tôi cũng có quan điểm là để đọc "hết" một cuốn sách có nghĩa là hiểu xem nó nói gì, nó nằm ở đâu giữa những cuốn sách khác. Còn việc nhiều người đang làm trên goodread như đọc nhanh cho hết sách rồi tính là đã đọc thì không phải là đọc.

    Trần Bình

    ReplyDelete
  2. Nếu trong tất cả những gì do NL viết ra quả thật có một ý nghĩa nào đó đối với tôi thì ý nghĩa đó đặc biệt nằm chính ở những đoạn "lảm nhảm" thế này, và nhất là mỗi khi "trông tôi thế thôi" ấy.

    ReplyDelete
  3. Chúa đã tạo ra đám đông bằng cách truyền bảo các tổ phụ Do Thái rằng hãy sinh sôi cho đầy mặt đất. Nhưng họ lại tản ra khắp mặt đất. Trong khi những dân khác quần tụ lại đầy như Ấn Độ Trung Hoa và sau này như Hà Nội Sài Gòn. Nên tất lẽ phải có gì đó paul c. cho những dân hiểu không đúng lời của chúa họ. Rồi thì lời chống lại lời, người chống người, sách chống sách.
    Theo wiki thì cuốn Auto-da-fé viết như thơ.
    Tò mò quá.

    ReplyDelete
  4. trước khi bản dịch tiếng Pháp tên là như thế, nó đã tên là "La Tour de Babel" :p

    Masse und Macht cũng có một phần rất lớn về mass tôn giáo

    ReplyDelete
  5. Hụ hụ, nhưng nếu như không đọc nhiều thì sao lảm nhảm được những thứ kể trên!

    ReplyDelete
  6. nhầm rồi, vấn đề không bao giờ là nhiều hay ít

    chẳng hạn, khi đi hoặc chạy: ta sẽ thực sự đi hoặc chạy khi nào không còn "cảm thấy" mình đang đi hay chạy nữa, và cùng lúc, ta thực sự biết mình đang đi hoặc chạy, trong một trạng thái giải thoát khỏi bản thân đi hoặc chạy

    đọc không phải là để biết, mà là để thoát ra chính khỏi sự đọc; tại sao lại như vậy? đấy là vì nếu không, sự đọc sẽ thiếu mất một khía cạnh của nó, chính là "không đọc", mà nếu thiếu thì ta sẽ vô phương trong việc nắm bắt một điều, có thể gọi đơn giản là "sự thật": cả sự thật của cái ta đang đọc lẫn sự thật về bản thân việc đọc

    ReplyDelete
  7. NL cho tôi hỏi một điều. Trong thời gian ở Pháp cũng như sau này ở VN NL có từng nghĩ đến việc viết bằng tiếng Pháp cũng như tìm kiếm cơ hội xuất bản và đến với một lớp độc giả rộng hơn không? Rất muốn nghe ý kiến của NL về khá thế này đối với NL nói riêng cũng như đối với người viết nonfiction đến từ các nước cựu thuộc địa nói chung.Thành thật thì tôi nghĩ những điều mà NL nghĩ và viết có thể có một số phận khác nếu viết bằng tiếng Pháp

    ReplyDelete
  8. 
    Te propongo una oferta, cierra tu blog y desaparece del mundo virtual.
    He de reconocer que no sabes ni pío de dia de la mujer y la población se deja engañar con contenidos como este.

    ReplyDelete
  9. Me fascinó tu escrito, conoces si puedo hallar más info de
    The fracture buthole?

    ReplyDelete
  10. Spot on with this write-up, I absolutely think this
    amazing site needs a great deal more attention. I'll
    probably be returning to see more, thanks for the information!

    ReplyDelete
  11. đọc để trốn khỏi thực tại được không anh

    ReplyDelete