Aug 19, 2017

Thơ Mới

Một câu hỏi (rất nhỏ): Thơ Mới, cái hay được gọi là "Thơ Mới", có mới không?

Dường như, không khác mấy trong trường hợp của "lãng mạn" (xem ở kia), có một cái gì đó thật hài hước, rất hài hước khi một thực thể được gọi bằng một cái tên không mấy liên quan đến nó. Cũng như "lãng mạn" không hẳn là lãng mạn mà chỉ là người ta gọi một cái gì đó là "lãng mạn" (hơi giống đám nouveaux riches hiện nay, có một cái xuồng máy nhưng gọi nó là "du thuyền", hoặc như nhân vật của Balzac nghĩ dòng dõi gia đình mình ngược lên đến tận Clovis), "Thơ Mới" được gọi là "Thơ Mới" có lẽ vì chuyện nó mới ít hơn nhiều so với bởi vì người ta cứ gọi nó là "mới". Gọi  là như thế nào thì nó cũng cứ kệ thôi chứ.

Trong câu chuyện này, Hoài Thanh lại có một địa vị riêng biệt.

Nhất là bài viết đặt ở đầu Thi nhân Việt Nam, nơi tính chất "mới" của thơ thời ấy (tức là tính đến đầu thập niên 40 của thế kỷ 20) được nhấn đi nhấn lại. "Một thời đại" mới, tức là một sự mới rất lớn, đổ ụp xuống.

Nhưng, thực sự thì thơ của giai đoạn ấy có mới hay không?

Tôi nghĩ, Thi nhân Việt Nam sai lầm từ nhìn nhận Tản Đà (xem thêm ở kia) và ngay tiếp đó rồi, là chuyện khẳng định tính chất mới của một thứ - rất nhiều khả năng - không hề mới.

Vả lại, cứ như thể Hoài Thanh liên tục khẳng định sự mới chính là bởi vì thật ra nó không thực sự mới: nó không mới đến thế. Cứ như thể Hoài Thanh đang cố gắng tự thuyết phục bản thân: bởi vì nó không mới, cho nên cứ phải nói đi nói lại là nó mới.

Và không chỉ có vậy: khẳng định sự mới (không thực sự có) còn là một chiến thuật để che giấu đi một điều thật ra hiển nhiên, vô cùng dễ thấy (nhưng có vẻ như không ai thấy, thêm một lần nữa): trong Thi nhân Việt Nam, về cơ bản rặt là thơ dở. Phần lớn là thơ dở, phần còn lớn hơn: thơ rất dở.

Nguyễn Bính mà là nhà thơ lớn? Không có chuyện ấy. "Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau" của Nguyễn Bính là một cái gì đó vô cùng hài hước và thấp kém nếu so với "Ở trong khuê các đâu mà đến đây".

Hàn Mặc/Mạc Tử cũng là một nhầm lẫn rất lớn. Nhưng trường hợp hay nhất, phức tạp nhất, cũng gây kích thích nhiều nhất, chắc chắn là trường hợp của Xuân Diệu.

Đấy là còn chưa nói đến chuyện: văn chương tiền chiến Việt Nam, nếu có gì thực sự mới thì đó phải là văn xuôi (trong đó việc nhìn nhận Khái Hưng và Nguyễn Tuân là cốt yếu, xem thêm ở kia). Chứ không phải thơ. Thời điểm của thơ vừa muộn hơn vừa sớm hơn rất nhiều.

-----------

Không phải lúc nào tôi cũng bất hòa với Hoài Thanh. Tôi cũng tin rằng một trong những bài thơ lớn nhất, không chỉ của cái hay được gọi là "Thơ Mới", mà của toàn bộ thơ, là bài "Màu thời gian" của Đoàn Phú Tứ.

Một điều hết sức trớ trêu: bài thơ lớn nhất lại được viết ra bởi tay một người gần như không bao giờ làm thơ. Điều này dường như cũng đóng góp không ít vào một cái gì đó hết sức kỳ cục, khi nhìn vào cái vẫn hay được gọi là "Thơ Mới", ngày nay, từ một khoảng cách khác, cũng có thể là một khoảng cách mới.

Chuyện vẫn còn có thể trớ trêu hơn:

Trong bài thơ "Màu thời gian", câu thơ nào hay nhất? Câu thơ hay nhất của bài thơ là câu này: "Tóc mây một món chiếc dao vàng". Nó làm nên hồn cốt cho cả bài thơ, nó khiến nỗi day dứt thoảng qua trở nên dai dẳng không sao chịu nổi. Và nó là thơ.

Nhưng câu ấy là gì? Câu ấy là một dịch chuyển từ câu này của Kiều: "Tóc mây một món dao vàng chia đôi", từ cặp:

Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món dao vàng chia đôi

Tức là: câu thơ đỉnh cao ấy lấy từ Kiều.

Tức là, với tư cách đại diện cho một thời đại thơ, nó hé lộ về mối quan hệ giữa thơ của thời đại ấy và thơ của Nguyễn Du. Sự mới của thơ một thời là sự mới rất nhỏ, nằm trong một biến đổi cực nhỏ, từ "Tóc mây một món dao vàng chia đôi" thành "Tóc mây một món chiếc dao vàng".

Sự mới ấy, có lẽ có đặc tính như vậy.

Bỗng nhiên, tôi nảy ra ý định: phân tích bài thơ "Màu thời gian". Đó là một bài thơ rất lớn.

-----------

Văn chương "tiền chiến" của Việt Nam, cách mạng (nếu như đúng là có "cách mạng") ở văn xuôi, chứ không phải thơ. Nhất là thơ lại chỉ "mới" đúng ở cái tên "Thơ Mới" của nó.

Vào một lúc nào đó, một khoảnh khắc, mọi thứ thay đổi. Mọi thứ đòi được thay đổi. Dường như sau khi Stendhal đặt ra được câu hỏi hiển nhiên (nhìn từ hiện tại, câu hỏi ấy hiển nhiên quá mức), tại sao lại cứ phải là thơ? thì như thể một câu thần chú, một hiệu lệnh đã phát ra. Không còn có thể như trước được nữa. Chuyện là không thể đảo ngược.

Và chuyện là không thể đảo ngược ở phạm vi tổng thể, trong toàn thể của nó. Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ: dường như chuyện đã phải bắt đầu từ đó, thậm chí là trước đó. Nguyễn Du là một romantique, và Phạm Đình Hổ thì viết văn xuôi.

Trong nửa đầu thế kỷ 19, không chỉ là Stendhal: ở Nga, Gogol cho xuất bản Những linh hồn chết, trên bìa sách ghi thể loại "poema", nhưng đó là tiểu thuyết: sự ngập ngừng đã hiện ra, thơ còn lại với tư cách tàn dư, còn trên thực tế, bản thể đã được chuyển cho văn xuôi.

Từ chối thơ là thái độ, là tư thế, là sự bước hẳn sang một cái gì đó khác. Xem thêm ở kia.

Thơ không phải là văn xuôi (không có lập luận bởi vì đều dùng ngôn ngữ cho nên), và khác biệt này nằm ở phương thức nắm bắt thực tại. Thơ và văn xuôi nắm bắt thực tại theo cách khác nhau, và cả ở các chiều khác nhau. Thực tại trình hiện vào thơ khác thực tại trình hiện vào văn xuôi.

Thế cho nên, nhà phê bình lớn của thời tiền chiến là Trương Chính, chứ không phải Hoài Thanh. Dưới mắt tôi: bản thân từ "dưới" rất quan trọng. Nó ngụ ý một khoảng cách (nếu không đủ khoảng cách, thì không có trên hay dưới). Và "dưới" nghĩa là từ trên cao: không thể nhìn thấy thực tại văn xuôi nếu không nhìn từ trên cao, bởi vì văn xuôi, khác với thơ, trình hiện thực tại theo chiều ngang.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ lớn nhất của thời ấy đã, thay vì in thơ và trở thành (lao vào tương lai) nhà thơ, lại nằm im một chỗ, như nằm trong nấm mồ, và như để đợi cho tới đúng lúc. Đó là trường hợp của Đinh Hùng.

Đinh Hùng rốt cuộc cũng chịu in thơ thành sách, đó là Mê hồn ca; thời điểm là 1954. Hết sức chuẩn xác về nhịp: thơ Việt Nam không mới ở thời Thơ Mới, mà nó mới sau cú đứt gãy (và thêm một lần nữa, chuyện xảy ra một cách đồng loạt), cùng một lúc, Thanh Tâm Tuyền và Trần Dần. Thời điểm 1956 mới có thể coi là thời điểm của mới trong thơ Việt Nam. Thơ Mới tiền chiến chỉ đơn thuần là một báo động giả.



(còn nữa)



nhân tiện: đã thêm Aden Arabie của NizanVăn xuôi thế giới của Merleau-Ponty

4 comments:

  1. Dựa trên những gì đã đọc trên blog này và riêng cá nhân tôi đã đọc Hoài Thanh, mong có ngày chủ blog dành hẳn ra một bài để nói về ông ấy, quả thực đọc xong thì không hiểu vị trí của Hoài Thanh hiện nay do đâu mà có, đó là chưa kể nhiều thứ hiện nay có vẻ được xếp theo chuẩn của ông ta và mặc định luôn như vậy.

    Trần Bình

    ReplyDelete
  2. do "cuộc quay trở lại" của văn chương tiền chiến cuối thập niên 80 đầu thập niên 90, cộng với sự tiếp nối của vài thế hệ nhà nghiên cứu văn học, trong đó nổi bật nhất là những người đi dạy học, đặc biệt ở cấp đại học

    ReplyDelete
  3. Sao càng đọc càng thấy mấy giá trị của văn học sử Việt Nam cứ lệch lạc vậy

    ReplyDelete
  4. Howdy! Do you use Twitter? I'd like to follow you if that would
    be ok. I'm absolutely enjoying your blog and look forward to new updates.


    Dapatkan Informasi Seputar Rokok Elektrik dan juga Harga
    serta Spesifikasinya

    ReplyDelete