Nhiều đến mức mặc dù đã ngừng công cuộc sách mới kể từ kia, tôi lại thấy ngứa ngáy quá mức. Hay là mở lại mục "sách mới" định kỳ nhỉ?
Dưới đây là "mấy sách mới".
Có những thời điểm rất kỳ diệu: đúng vào cái lúc tôi bỗng dưng nghĩ đến chuyện đi tìm trong nhà quyển Chân Lạp phong thổ ký, nhưng còn ngần ngại, thì nhận được chính nó, do cơ sở xuất bản gửi tặng, cũng như ở kia:
Tất nhiên, tôi định đi tìm cùng cuốn sách này, nhưng là trong một bản dịch khác. Cho tới lúc nhận quyển sách, tôi không hề biết là còn có bản dịch của Hà Văn Tấn.
Sở dĩ ở trên tôi nói "kỳ diệu" là bởi vì: ngay lúc nào nghĩ đến chuyện đi tìm một quyển sách mà ta biết là có sẵn ở trong nhà, tức thì nảy ra nỗi ngần ngại to lớn, bởi vì nếu không chắc chắn nó nằm ở đâu ngay lập tức, có nguy cơ ta mất rất nhiều thời gian để tìm nó, mà kết quả không hề chắc chắn một chút nào.
Có thể phải mất vài ngày lục lọi, mà không thể biết trước là có tìm được nó hay không. Nó lẫn vào đâu đó, thậm chí cứ như thể là nó cố tình đi trốn. Nói tóm lại, ham muốn đọc hay đọc lại một cuốn sách (mà lại có sẵn) rất hay bị dập tắt bởi nỗi lo sẽ không tìm thấy nó ngay. Mất một tuần để tìm cho ra một quyển sách mà ta sẽ đọc xong trong vòng chưa đầy hai tiếng đồng hồ: một ý nghĩ nho nhỏ về "chi phí cơ hội" đã khiến sự ngại ngần trở nên lớn đến mức không thể vượt qua.
Thường xuyên, giải pháp của tôi (chắc nhiều người cũng thế), nếu rơi vào tình cảnh ấy, là đi mua béng một quyển sách mới, cho nó nhanh. Nhưng với Chân Lạp phong thổ ký thì lại có một vấn đề nho nhỏ: không hề chắc chắn là có thể mua ngay được nó, tức là bản dịch cũ. Hóa ra là còn có bản dịch của Hà Văn Tấn.
Đọc cuốn sách này, ta còn có thêm một khoái cảm nho nhỏ: ta được thưởng thức tiếng Việt của ông Phan Huy Lê, người viết "lời giới thiệu":
"Chân Lạp phong thổ ký của Chu Đạt Quan là một tác phẩm mà từ khi giới thiệu sang phương Tây vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, hầu như không ai nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Chân Lạp, cũng như về Đông Nam Á lục địa, không sử dụng và đánh giá cao giá trị tư liệu của cuốn sách."
Từ "mà" (trong cụm "mà từ khi") chắc hẳn được ông Phan Huy Lê hình dung giống như một liên từ, một "đại từ thay thế", và đoạn sau cho thấy đó là "đại từ thay thế" thuộc dạng "bổ ngữ trực tiếp": mẫu ở đây là "Abc là một thứ mà xyz sử dụng". Thế nhưng, đã có "đại từ thay thế" rồi, bỗng dưng sau đó lại có "đánh giá cao giá trị tư liệu của cuốn sách", tức là nhắc lại cái bổ ngữ đã được thay thế. Một câu đặc biệt ngớ ngẩn.
Các ông giáo sư kiểu như Phan Huy Lê dường như không bao giờ hình dung được rằng những gì họ viết gây nghi ngờ to lớn không hẳn vì nội dung của chúng, mà còn vì thứ ngôn ngữ mà họ dùng một cách đương nhiên trong suốt bao nhiêu năm ròng. Đó là thứ ngôn ngữ của hành chính, của công chức. Tinh thần của con người nhận ra (mà không tự biết, ít nhất là không nói được một cách hiển ngôn và rõ ràng) thuộc tính nào đó trong những gì mà họ đọc. Điều này cắt nghĩa rất nhiều cho việc tại sao những người như ông Phan Huy Lê không được người Việt Nam (có đọc sách) thực sự coi trọng, mà chỉ hấp dẫn các nhà nghiên cứu "Việt Nam học" nước ngoài, vốn dĩ không có cùng một dạng tinh thần.
Đã lâu lắm rồi, tôi không theo Enrique Vila-Matas nữa, cho tới cuốn tiểu thuyết mới nhất này:
thì tôi mới lại tiếp tục đọc Vila-Matas.
Cách đây năm, bảy năm, tôi đọc mọi thứ gì mà Vila-Matas viết. Nhưng rồi đến lúc, tôi đọc cuốn sách này:
Tôi còn nhớ rất rõ, tôi ngồi đọc nó ở đâu, cách đây tầm bốn hay năm năm. Tôi đọc cuốn sách, và đầy nghi hoặc, tôi lật đi lật lại nó, mãi rồi tôi cũng đành chấp nhận một sự thật hiển nhiên: kể cả Enrique Vila-Matas cũng có lúc viết dở không chịu nổi. Kể từ đó tôi không còn thực sự quan tâm đến Vila-Matas nữa.
Tôi còn nhớ rất rõ, đó là một buổi trời nắng, tôi cầm theo quyển sách màu vàng, tôi đọc nó tại một quán cà phê ở Hà Nội. Đó là quán cà phê ở phố Tông Đản, nó thuộc vào trong khuôn viên một bảo tàng: Bảo tàng Cách mạng. Ở Hà Nội có hai quán cà phê rất gần nhau, và đều thuộc khuôn viên một nhà bảo tàng: quán cà phê còn lại ở đầu phố Phạm Ngũ Lão, thuộc Bảo tàng Lịch sử, đó chính là "nhà Bác cổ", nhưng tên chính thức của nó là "Louis Finot". Finot là một yếu nhân của EFEO, nhưng cái họ "Finot" luôn luôn làm tôi nhớ đến nhân vật Finot của Balzac, trong Hết ảo tưởng. Hiện nay, cả hai quán cà phê này đều đã đóng cửa.
Hôm ấy, trời nắng, nhưng không quá nóng, tôi ngồi ở quán cà phê ngày đó vẫn còn mở cửa, tôi đọc cuốn sách về Chet Baker của Vila-Matas. Tại một cái bàn khác, cách khá xa bàn của tôi, có hai người ngồi nói chuyện với nhau. Từ xa, tôi không nhìn rõ, vả lại tôi cũng chẳng để ý.
Một lúc sau, đúng trong lúc cơn nghi hoặc của tôi đang dấy lên mạnh mẽ, cơn nghi hoặc liên quan đến việc Vila-Matas cũng có thể viết dở, thì hai người ở cái bàn xa xa kia ra về, đi qua bàn tôi, họ chào tôi. Đến lúc ấy tôi mới nhận ra, đó là Phan Thị Vàng Anh và Đặng Hoàng Giang. Họ chào tôi, tôi cũng chào lại. Không có chuyện gì cả, và tôi còn nhớ cảnh ấy, nó được tái tạo trong óc tôi, chỉ bởi vì đúng lúc đó tôi đang đọc cuốn sách của Vila-Matas. Đọc dường như làm ngưng đọng nhiều thứ lại.
Một trong hai người còn nói với tôi một câu gì đó, tôi không nhớ chính xác là ai, nhưng khả năng là một trong hai người, bởi vì cả hai tôi đều không thực sự quen, nhưng có một người tôi ít không quen hơn. Tôi không thực sự nghe thấy câu nói ấy, nhưng dường như cũng chính vì đang mải đọc một cuốn sách, tôi vẫn hiểu được câu nói, tôi vẫn hiểu nó theo một phía khác.
Cũng không có gì đâu. Kể từ bấy tới nay, tôi mới lại đọc Vila-Matas. Sau bốn hay năm năm, tôi mới lại động vào một cuốn sách của Vila-Matas.
Thật ra, cũng chỉ vì tôi biết từ trước rằng trong cuốn tiểu thuyết này, Vila-Matas nhắc đến Jean Rhys. Đúng thật, tôi phải đọc qua mấy trăm trang sách chỉ để tìm đúng một trang mà Vila-Matas dùng để nhắc đến Jean Rhys. Vila-Matas kể lại một câu chuyện mà Jean Rhys viết: một phụ nữ đi trên đường, cứ đi trên đường, mãi rồi cũng đến một ngôi nhà. Có hai đứa trẻ con, một trai một gái, đang chơi bên ngoài nhà. Người phụ nữ chào chúng, nhưng như thể chúng không để ý - có thể chúng đang quá mải chơi. Rồi đến lúc thằng bé, mắt nhìn thẳng về phía người phụ nữ nhưng dường như không nhìn thấy, nói với đứa con gái, trời lạnh rồi, vào nhà thôi. Người phụ nữ chợt hiểu ra điều gì đó; câu cuối cùng của truyện là lời tự nhủ của người phụ nữ ấy, "Tôi từng sống ở ngôi nhà này".
(không có "còn nữa" đâu)
NB. đã tiếp tục "Lý thuyết văn học và triết học"
Sách tháng Giêng 2013
Sách tháng Mười một 2013
Sách tháng Chạp 2013
Sách tháng Giêng và tháng Hai 2014
Sách tháng Ba 2014
Sách tháng Tư 2014
Sách mới (1)Sách tháng Chạp 2013
Sách tháng Giêng và tháng Hai 2014
Sách tháng Ba 2014
Sách tháng Tư 2014
Sách mới (2)
Sách mới (3)
Sách mới (4)
Sách mới (5)
tôi thấy bác nên mở lại mục sách mới, tôi theo dõi mục ấy và tìm được nhiều đầu sách hay mà tôi không thấy được quảng bá ở nơi đâu, rất hoan nghênh và chờ đợi.
ReplyDeleteTrần Bình
Cái đoạn bác không nghe được ấy chắc là bác đang thấu cảm đấy.
ReplyDeleteở Hà Nội rất hay có cảnh đang ngồi một mình quán cà phê, bỗng ngẩng lên và thầm kêu khổ trong lòng, i như Thuỷ hử
ReplyDeleteSài Gòn cũng có mà, ít hơn Hà Nội hay sao đó.
DeleteMục này dạo này đuối nhỉ
ReplyDeleteLâu lắm không thấy bác mở lại mục này. Cảm ơn bác, tôi đã tìm được rất nhiều sách hay từ các chủ đề sách hay hàng tháng mà bác đã chia sẻ
ReplyDeleteĐi qua mấy trăm trang sách để tìm đến một trang không bờ bến, lao đao, đầy sóng ngầm, buồn nao lòng vậy anh ơi
ReplyDelete