Tiếp tục câu chuyện Bernhard ở Việt Nam: một pha xuất hiện như vậy nói lên cơ chế chiêu hồi của xã hội, thông qua một thứ ngày nay được thờ phụng rất ghê, văn hóa. Văn hóa được xã hội nouveau riche sử dụng để chiêu hồi như thế nào?
Thêm nữa, câu chuyện ấy còn cho thấy một nghịch lý: ở dạng xã hội như hiện nay, con đường chắc chắn nhất (và cũng ngắn nhất) dẫn đến sự nouveau riche lại chính là con đường của phản kháng (và bên lề).
Xã hội (con người) đặc biệt tìm cách chiêu hồi (biến thành của nó) một số dạng tinh thần. Kafka, chẳng hạn, luôn luôn trở thành đối tượng (xem thêm ởkia). Céline, rồi marquis de Sade, rồi Breton, rồi Karl Kraus (tôi đặc biệt nhắc tới Kraus, vì sao thì tôi sẽ sớm nói). Hoặc như nhân vật mà chúng ta đã bắt đầu làm quen, Nietzsche: đúng, tất nhiên là Nietzsche, bởi vì đó chính là người đã phát biểu tường minh hơn cả, cho thấy rõ hơn cả, khi nói mình là thuốc nổ.
Các xã hội không muốn thuốc nổ. Chúng sợ sự tàn phá; sau khi sự tàn phá đã xong xuôi (cơn bão đã ngưng), pha dọn dẹp (tức là chiêu hồi) khởi sự. Muốn làm được như vậy, phải có cơ chế riêng cho điều đó, và phải có một số tác nhân.
Khi Thomas Bernhard xuất hiện ở Việt Nam, các tác nhân của sự chiêu hồi xuất hiện. Cơ chế của chiêu hồi nằm chính trong cách các tác nhân đề cập Bernhard và văn chương của Bernhard (phải nhìn nhận cả từ ngữ được sử dụng cho mục đích ấy: ngôn ngữ không vô tội). Lần trước, tôi đã nói đến từ "hay", đây là một từ then chốt - ở dưới tôi sẽ còn trở lại với nó. Nhưng cần phải gọi rõ tên cơ chế ấy hơn nữa: đó là essentialism.
Câu chuyện Thomas Bernhard tại Việt Nam giống hệt câu chuyện ởkia, trên rất nhiều khía cạnh; nền tảng cho cả hai (và rất nhiều câu chuyện khác nữa) là sự không đọc (và không biết đọc, cộng thêm giả vờ đọc) - trên mọi bình diện. Philippe Muray hoàn toàn đúng khi nói điều sau đây: xã hội con người không biết đọc, nhưng lại biết rất rõ, văn chương là kẻ thù của nó. Chính vì vậy, xã hội tìm cách chiêu hồi.
Đối với Marcel Proust, sự chiêu hồi nằm chính ở cuộc vinh danh, một vinh danh chủ yếu nhằm tới tình cảm (lúc nào cũng vậy, hiệu quả lớn nhất và rộng khắp hơn cả nằm ở khu vực của pathos). Proust sẽ mang hình ảnh một con người giàu tình cảm, mơ mộng (và do đó, vô hại), ở những quãng thời gian sự đồng tính bị lên án, phong hóa đồng tính của Proust sẽ được "xí xóa", được lờ đi; rồi khi đồng tính được nhìn nhận khác đi, nó lại trở thành ưu thế (ít nhất, theo một nghĩa nào đó) của văn chương Proust. Đây là căn bản cái nhìn bourgeois, mà một biểu hiện lớn - rất nghịch lý - ta có thể tìm được khi Jean-Paul Sartre bình luận Baudelaire, chẳng hạn. Các cột trụ của xã hội (vì Ibsen đã quá phổ biến ở Việt Nam nên chuỗi văn chương Bắc của tôi sẽ không có, nhưng nhan đề một vở kịch của Ibsen nói lên rất rõ điều này) nhào nặn và vuốt cho tròn, nhẵn những gì có tiềm năng gây nguy hiểm, biến những gì quá nhọn (gây sát thương) thành vật trưng bày bảo tàng (có lớp kính ngăn cách), chuyển hóa những thứ gây thương tích cho ý thức (đây là hình ảnh của mặc cảm) thành ra êm ái; nói tóm lại, tìm cách tháo ngòi nổ.
Các yếu tố nouveau riche của xã hội Việt Nam (bởi vì đây là tinh thần lớn nhất của thời chúng ta), trước văn chương Thomas Bernhard, đã tháo ngòi nổ bằng cách như sau: thông báo văn chương của Bernhard rất hay chửi, thậm chí gọi Bernhard là "thánh chửi" (ngôn từ tha hóa do tác động của facebook, như tôi đã có lần nói). Đấy là cách để biến những gì nguy hiểm của văn chương Bernhard trở nên hết nguy hiểm (hay ít nhất, bớt nguy hiểm); cụ thể hơn, các nouveau riche Việt Nam, chính bằng cách nhấn mạnh (vừa nói vừa bụm miệng cười: đây là hình ảnh đặc trưng của xã hội thượng lưu Vienna một thời trước sức công phá của Sigmund Freud) vào vẻ nguy hiểm, tìm cách xây dựng một hình ảnh Thomas Bernhard gàn dở, có tính khí hơi khó chịu, nhiều bực bội etc. nhưng giống như một đứa trẻ con thích chửi bởi cho sướng miệng. Chỉ vậy thôi.
Irony ở đây nằm đúng cái chỗ: không một ai trong số nouveau riche kia có thể nói Thomas Bernhard chửi ai. Bởi vì Bernhard chưa bao giờ chửi ai. Và Bernhard hoàn toàn không phải một dạng "enfant terrible". Rất đơn giản, đó là một tinh thần đặc biệt sáng suốt, sáng suốt ở mức độ vô cùng hiếm, tuyệt đối hiếm. Sự sáng suốt gây sợ hãi cho con người. Nhất là con người bourgeois, con người nouveau riche - đó là dạng con người tự xây dựng toàn ảo tưởng (ảo tưởng về công bằng, về nhân ái, về tử tế, và về văn minh).
Thêm irony nữa: cuốn tiểu thuyết của Bernhard được cơ sở xuất bản ra sức quảng cáo ở đúng khía cạnh gây hấn. Nhưng điều đó sai: Bernhard không gây hấn theo đường lối như vậy. Hệ quả của sự quảng cáo lừa dối ấy như thế nào dường như (tôi không biết rõ lắm) đi ngược lại mọi trông đợi. Và sự quảng cáo đó là một biểu hiện rất rõ cho tinh thần nouveau riche ngả sang màu giả dối sáng suốt. Bởi vì có sáng suốt và có giả vờ sáng suốt, cũng như có đọc và giả vờ đọc.
Nào, giờ đã thêm thời gian, các nouveau riche từng khoe khoang về sự đọc Bernhard đã nói được Bernhard chửi ai chưa?
Tiếp tục irony (nhưng tại sao nhiều irony thế? đấy là vì, Thomas Bernhard chính là hiện thân lớn của irony - rất đơn giản: Bernhard là irony): cần phải lý giải tại sao các nouveau riche Việt Nam nhất định cho rằng Bernhard nghĩa là chửi. Rất đơn giản, vì chính họ chửi; các nouveau riche Việt Nam ngày ngày chửi bới, không chối bất kỳ cơ hội nào và không từ bất kỳ thủ đoạn nào để chửi (xéo, móc, ẩn ý, hàm ngụ, ẩn dụ, phúng dụ etc., nói chung là mọi hình thức của tu từ học). Họ chửi ngày ngày, chửi mọi thứ. Nhưng lại luôn luôn làm ra vẻ không chửi. Một thông tin ất ơ của báo lá cải, họ sẽ share lại và nhân tiện chửi. Bất kỳ cái gì họ cũng muốn chửi. Nhưng có hai đặc điểm trong sự chửi của các nouveau riche: chửi nhưng phải vẫn được coi là người nhã nhặn (đối với họ, điều đó đồng nghĩa với "văn minh": văn minh chính là sự mê tín lớn của những người nouveau riche) và thứ hai - điều này hiển nhiên đến mức irony - các nouveau riche chửi, thích chửi, chửi ngày ngày, nhưng lại có nhu cầu rất lớn là chửi trong an toàn.
Chính vì có cơ chế tâm lý như vừa miêu tả, các nouveau riche Việt Nam bỗng tìm thấy ở Thomas Bernhard một tấm khiên quá nhiều lợi ích cho họ. Trông như thể có ai đó ghê gớm hơn cả họ, thế cho nên họ bớt hẳn được mặc cảm về sự chửi bới và chửi rủa của mình.
Vì có cơ chế tâm lý như vậy, cộng thêm một điều nữa (irony lên tới một mức độ rất cao): các nouveau riche không hề đọc. Tất tật những người nhắc đến Bernhard thời gian vừa rồi đều không đọc Bernhard. Điểm này hết sức hấp dẫn.
Nhưng (như mọi khi), tại sao lại như vậy, tại sao lại xảy ra chuyện như tôi miêu tả ở trên (chửi, etc.)? Nguyên nhân (cũng như mọi khi), hết sức đơn giản. Chính là vì văn chương của Bernhard là văn chương của một tinh thần sáng suốt, của một cái nhìn đặc biệt thấu suốt, trước nó không gì - hay gần như thế - che giấu đi được (có những cái nhìn như thế, thỉnh thoảng trong câu chuyện lớn của văn chương chúng xuất hiện, đôi khi lên đến mức rất cao: chẳng hạn Thomas Bernhard). Nhưng sáng suốt và thấu suốt thì cũng, cùng lúc, đồng nghĩa với trong suốt (văn chương lớn thì trong suốt).
Nhưng trong suốt là thuộc tính của gì? Của nước, tất nhiên, và cũng của một thứ rất đáng ngại: gương.
Người ta có gì thì tự soi thấy những cái đó nếu nhìn vào tấm gương. Các nouveau riche Việt Nam, khi Thomas Bernhard bỗng xuất hiện, đã hăm hở lao vào, và họ nhìn thấy gì? Họ nhìn thấy chính họ ở trong đó. Họ nhìn thấy những đê tiện trong tâm hồn họ, những đê tiện rất điển hình nouveau riche.
Nhưng, Bernhard - tôi lại sắp nói một điều mà tôi hoàn toàn ý thức được là gây đảo lộn đến mức nào - nếu phải nói đến lòng từ tâm của văn chương, thì một trong những cái tên đầu tiên tôi sẽ nhắc đến là Bernhard. Nếu không bị sự nồng (và nồm - thứ rất đặc trưng của nouveau riche vùng nhiệt đới gió mùa) của pathos che khuất, điều đó dễ dàng được nhìn thấy. Vả lại, nó hiển nhiên (thêm lần nữa: những gì hiển nhiên thì khó thấy nhất).
(còn nữa)
đã tiếp tục "Hai cuốn tiểu thuyết"
Oh thế đơn vị nào xuất bản ở VN không được anh xem là nouveau richie vậy ?
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDeleteCâu thánh chửi là của Uông Triều, post lên facebook đọc thấy rất khó chịu, nghe vớ vẩn không chịu được. Hơi ngạc nhiên là anh từng khen ông này.
ReplyDeleteđây là miêu tả chung, rất ít liên quan đến cá nhân này hay cá nhân nọ
ReplyDelete"ngạc nhiên" là thêm một cách nói rất điển hình của các nhân vật nouveau riche, cùng dạng với "buồn", "đáng buồn", "tiếc" etc. đã nói
tiếp tục
ReplyDeletethím ơi, hiện romain gary ở việt nam được dịch cuốn nào rồi?
ReplyDeleteđi chỗ khác mà làm trò hề
ReplyDeleteEm biết anh không cần ai khen nhưng em vẫn muốn bày tỏ rằng anh suốt như thượng đế: "văn minh chính là sự mê tín lớn của những người nouveau riche", nouveau riche cho rằng Bernhard nghĩa là chửi bởi vì chính họ chửi...
ReplyDeletetình cờ hôm qua cháu tìm được cái này, paste vô đây
ReplyDeletehttps://www.youtube.com/watch?v=O_hgXlyqjns
Every illness can be called an illness of the soul (Novalis)
ReplyDelete[có lẽ Thomas Bernhard hiểu nên ông í chỉ cười khẩy]