Nov 11, 2018

Bắc (1) Halldór Laxness

Ởkia thông báo về chuỗi mang tên chung "Bắc", và giờ đây chúng ta thực sự bắt đầu:


Trông lù đù thế thôi, nhưng đây là một quyển sách đặc biệt: chúng ta quay trở lại với câu chuyện Trần Dần dịch giả (kể từ đó đến nay, đã có cái ởkia):


Sách cũ quá nên bị mờ chữ ngoài bìa, đầy đủ nó là "Căn cứ nguyên tử":


Trần Dần ký bút danh "Trọng Kha", dịch từ tiếng Pháp, chi tiết ấn bản sử dụng được viết rõ:


Trang đầu:


Trang cuối:


Niên đại Căn cứ nguyên tử: 1963:


Nếu không nhầm - chắc không nhầm - tôi là người đầu tiên nói đến Căn cứ nguyên tử với tư cách tác phẩm dịch cần phải tính cho Trần Dần. Tạm bỏ qua cái điều chẳng mấy thú vị ấy, sau đây là một câu chuyện nho nhỏ liên quan đến sưu tầm: khi biết Trần Dần dịch Căn cứ nguyên tử, tôi chưa có nó; tôi nói điều này với một số người, trong số ấy có một người chuyên bán sách cũ. Một thời gian sau đó, người ấy mang quyển sách trên đây tới cho tôi. Tất nhiên là tôi cầm ngay, và khi rút tiền ra trả thì mới biết người kia bán nó giá gấp mười trị giá thị trường một quyển sách tương tự. Mặc dù (không tuy nhiên) thầm nghĩ trong bụng rằng lẽ ra đợi sau khi bán xong cho tôi (với giá bình thường) quyển sách này thì sau đó hẵng dùng thông tin quý giá mà tôi cung cấp để bán cùng quyển sách với giá như thế chứ, tôi vẫn vui vẻ trả tiền.

Nhưng không bao giờ mua sách của nhân vật đó nữa.


Bản tiếng Pháp mà Trần Dần đã sử dụng để dịch cuốn tiểu thuyết của Halldór Laxness:


(chính xác là ấn bản ấy luôn: Jacqueline Joly là dịch giả người Pháp, nhà xuất bản là "Les Éditeurs Fr. Réunis" và năm xuất bản là 1957; như vậy, câu chuyện Căn cứ nguyên tử là câu chuyện của hai lần "không lâu sau": không lâu sau khi Laxness nhận giải Nobel Văn chương thì có bản dịch tiếng Pháp Station atomique, và không lâu sau khi có bản dịch tiếng Pháp, thì Trần Dần - ký bút danh - dịch nó sang tiếng Việt)


Mượn được từ chuyên gia Vũ Hà Tuệ những hình ảnh dưới đây (ảnh chụp, thủ bút, chữ ký của Laxness):







Tuy mọi điều đều như thể nói lên rằng Căn cứ nguyên tử là một cuốn tiểu thuyết nặng hàm ý chính trị (chống sự can thiệp của Mỹ tại Iceland, thể hiện ở việc lập ra một "căn cứ" ở đây), nhưng khi thời gian đã lùi xa không ít, đã có thể thấy rằng nghĩ như vậy thì quá đơn giản. Văn chương của Laxness phức tạp hơn thế nhiều (một cách khác để nói rằng, đó thực sự là văn chương lớn), ở Căn cứ nguyên tử cũng như những cuốn sách khác.

Uggla (Trần Dần: "Úc-la"), cô gái miền Bắc Iceland (đã Iceland rồi mà lại còn miền Bắc; Iceland đối với Trần Dần là "Ítx-lăng" và một số chỗ - chắc lỗi typo - là "Ít-lăng") đến thủ đô làm người hầu (Trần Dần: "cô sen"). Chưa bao giờ có cuốn tiểu thuyết nào lấy "cô hầu gái" làm chủ đề (từng có vô số tiểu thuyết như vậy) giống Căn cứ nguyên tử. Miêu tả "cuộc họp chi bộ" mà Uggla (nghĩa là "cú mèo") đến dự là một đỉnh cao, không thể không nhếch mép cười khi đọc. Câu chuyện không chỉ diễn ra ở thủ đô Iceland mà còn chuyển về quê của Uggla, miền Bắc, với ngôi nhà thờ dòng Luther ("Luy-te" đối với Trần Dần) cần phải xây.

"Người ta có hôn tôi hay không, miệng tôi đã là một cái hôn hay ít ra cũng là một nửa cái hôn [...] nếu có cái gì xấu xí, ấy chỉ là cái sự sống nó xâm nhập cái ống ẩm ướt và trổ đầy lỗ này mà người ta thường gọi là thân thể con người": cuốn tiểu thuyết của Laxness mà Trần Dần dịch vào đầu thập niên 60 ấy càng có ý nghĩa nhiều hơn, vì đó chính là giai đoạn thực sự khởi đầu của công cuộc tiêu diệt văn chương (hay nói rộng hơn, mọi thứ gì sáng sủa), khi cuộc xâm nhập ồ ạt của những Boris Polevoi hay Thép đã tôi thế đấy bắt đầu (trong một cuốn hồi ký, Norman Manea kể lại quá khứ của mình tại Rumani cùng giai đoạn, và kể câu chuyện mà chắc hẳn nhiều người Việt Nam sẽ thấy hết sức quen thuộc: một người bạn, hoạt động đội thiếu niên cùng, có lần nói chuyện, hỏi Manea ý kiến về Thép đã tôi thế đấy, Manea buột miệng nói thật, rằng ấy là thứ sách dành cho bọn nhóc con chưa lớn, thế là lĩnh đủ hậu quả dai dẳng). Suốt một thời gian dài, người ta ra sức thuyết phục mấy thứ chẳng hạn Aitmatov, Gamzatov hay đặc biệt Pautovski là văn chương. Tất nhiên là không phải; đâu phải thứ chất lỏng nào cũng uống được.

Nếu không có vài le lói như cuốn tiểu thuyết Trần Dần dịch trên đây, mọi chuyện đã có thể tồi tệ hơn nữa.


Sau khi đã vinh danh Trần Dần và  dịch Căn cứ nguyên tử, đến kiệt tác lớn lao của Laxness, cuốn tiểu thuyết về cái chuông:



Uggla ("Úc-la") trong Căn cứ nguyên tử có thể lạc bước vào cuộc sống hiện đại (và rất Mỹ), nơi thành phố, thì mọi suy nghĩ của cô gái đều được định khuôn theo các saga cổ của Iceland. Văn chương của Laxness, dẫu thuộc về thế kỷ 20, bắt nguồn và vẫn mang rất nhiều dấu hiệu cũng của những saga ấy.

Cực Bắc của quả đất giống như một lỗ đen, từ đó hiện ra mọi thứ gì sẽ trở thành văn chương tại châu Âu. Saga của Iceland (và những vùng quanh) giống như các mầm từ đó nảy lên tinh thần của câu chuyện, của thơ, tiểu thuyết, và nhất là của các hành động con người.

Quả chuông Iceland là hồi ứng của văn chương Laxness lại với truyền thống saga Iceland. Vả lại, "tiếng chuông" là loại âm vọng nói lên rất rõ điều này (cho dù trong cuốn tiểu thuyết, quả chuông không hề kêu).



(còn nữa - và cũng đã tiếp tục bài về các châm ngôn)




"Bắc":

(một người) August Strindberg
Mùa thu Đức (Stig Dagerman)



"ở Việt Nam":

Italo Calvino ở Việt Nam
August Strindberg (tí teo) ở Việt Nam
Bohumil Hrabal (liu diu) ở Việt Nam
Claude Lévi-Strauss ở Việt Nam
Gorki ở Việt Nam
André Gide ở Việt Nam
Naipaul ở Việt Nam (như thế nào)
Istrati (gần như) ở Việt Nam
Le Vicomte de Bragelonne (Alexandre Duma) (dang dần dần) ở Việt Nam
Mario Vargas Llosa (không hẳn) ở Việt Nam
Simone Weil ở Việt Nam (cùng Bùi Giáng)
Valery Larbaud ở Việt Nam
Paul Valéry (tuyệt đối không) ở Việt Nam
Roland Barthes ở Việt Nam
Madame Bovary ở Việt Nam
Günter Grass (không có độc giả) ở Việt Nam
Joseph Roth (chẳng hề) ở Việt Nam
Marguerite Yourcenar ở Việt Nam
Albert Thibaudet ở Việt Nam
Bernard Malamud và Naguib Mahfouz ở Việt Nam
Isaac Bashevis Singer ở Việt Nam
Stefan Zweig ở Việt Nam
Stevenson ở Việt Nam
Maiakovski ở Việt Nam
César Birotteau ở Việt Nam
Simenon ở Việt Nam
Dostoievski ở Việt Nam
Les Trois Mousquetaires ở Việt Nam
Guy de Maupassant ở Việt Nam
Alexandre Dumas ở Việt Nam
Jules Verne ở Việt Nam
Flaubert ở Việt Nam
Balzac ở Việt Nam
"Oceano Nox" ở Việt Nam
Sử ký Tư Mã Thiên ở Việt Nam
Dante ở Việt Nam
Céline ở Việt Nam
Ngọc lê hồn ở Việt Nam
Marina Tsvetaeva ở Việt Nam
Simone Weil ở Việt Nam
Miguel de Unamuno ở Việt Nam
La Dame aux camélias ở Việt Nam
Alphonse Daudet ở Việt Nam
Shakespeare ở Việt Nam
Stevenson ở Việt Nam (một khoảnh khắc: Châu đảo)
Kim Bình Mai ở Việt Nam
Liêu trai chí dị ở Việt Nam
Boccaccio ở Việt Nam
Pierre Teilhard de Chardin ở Việt Nam
Borges ở Việt Nam
Georges Perec ở Việt Nam
Bonjour tristesse ở Việt Nam (+ Bản dịch Bonjour tristesse tiếng Việt thứ năm)
Nathaniel Hawthorne ở Việt Nam
Patrick Modiano ở Việt Nam
Malaparte ở Việt Nam
The Great Gatsby ở Việt Nam
Anna Karenina ở Việt Nam
Animal Farm ở Việt Nam
Émile Zola ở Việt Nam


1 comment:

  1. Nể nhể. Hóa ra, thời nào cũng có những cái vai lớn. Quả là, "những cố gắng tuyệt đối cá nhân" lúc nào cũng rường cột.

    ReplyDelete