Feb 26, 2016

Walter Benjamin về Marcel Proust

Walter Benjamin có một ý tưởng rất kỳ dị: để hiểu Baudelaire, chỉ có thể nhờ vào Proust. Đây là một trong số khoảng một triệu ý tưởng kỳ dị của Benjamin.

Đến lượt Benjamin: để hiểu được Benjamin, bắt buộc cũng phải thông qua Proust, một phần rất lớn. Chẳng hạn: tác phẩm lừng danh Das Kunstwerk im Zeitalter seiner technischen Reproduzierbarkeit của Benjamin, làm thế nào để hiểu được đây? Tôi không tin bất kỳ ai có thể hiểu tiểu luận ấy nếu không rành rẽ những gì liên quan đến một nhân vật rất bất ngờ: bà ngoại của nhân vật Marcel trong À la recherche du temps perdu. Tuyệt đối không có cách nào khác; mọi con đường khác đều chủ yếu chỉ để lộ một sự hiểu giả vờ mà thôi.

Những sự cặp đôi như vậy là rất khó, tất nhiên, nhưng cũng chính là những song song thiết yếu, là nhất thiết để hiểu một số điều khó nhất. Một ví dụ tương đối dễ thấy: mới cách đây chưa lâu, tôi dịch một truyện ngắn của Juan Rulfo (xem ở đây); một độc giả giỏi sẽ dễ dàng nhìn thấy ở đó hình ảnh của William Faulkner. Nhìn được như vậy là coi như về cơ bản đã hiểu xong một truyện ngắn kỳ lạ.

Hoặc giả, vẫn liên quan đến Baudelaire: người ta phải nhờ Baudelaire thì mới có thể hiểu được Joseph de Maistre.

Đó là cách của một sự hiểu không chịu dừng lại ở bề mặt, cũng không dừng ở một tầng sâu thứ nhất, rồi một tầng sâu thứ hai, thậm chí thêm vài tầng sâu nữa. Ý nghĩa của équivoque trong văn chương (văn chương lớn nhất thiết là câu chuyện của équivoque) nằm ở chỗ đi sâu xuống mãi như vậy.

Một ví dụ lớn nữa, trường hợp này chỉ mấy hôm nữa tôi sẽ nói thật rõ: Antonio Tabucchi và Fernando Pessoa.

Như ở đây tôi đã nói, Proust rất mau chóng được một số nhân vật kiệt xuất nhìn ra tầm vóc. Trước tiên phải là Walter Benjamin và Samuel Beckett. Beckett ngay lập tức chỉ ra édition của Gallimard của À la recherche du temps perdu hồi cuối thập niên 20 là "abominable". Benjamin dính sâu vào Proust còn hơn nhiều. Benjamin dịch À l'ombre des jeunes filles en fleurs sang tiếng Đức, tên là Im Schatten der jungen Mädchen, trong đó thấy rõ một sự thiên tài, không để bị hoa hoét của Proust gây ảo tượng, mà phăng luôn ra thành trẻ. Benjamin cũng dịch cả tập tiếp theo, Du côté de Guermantes (tên tiếng Đức rất đơn giản, Guermantes).

Điều kỳ bí trong công trình dịch thuật của Benjamin nằm ở chỗ: hai tập vừa kể, Benjamin dịch chung với Franz Hessel, rồi Benjamin một mình dịch Sodome et Gomorrhe. Bản thảo của bản dịch này đã biến mất, và đây chính là một trong những tổn thất khủng khiếp nhất mà bao nhiêu năm tháng văn chương từng phải chịu. Sodome et Gomorrhe, đứng riêng lẻ, là cuốn tiểu thuyết gây khủng hoảng nhất; theo tôi, đến tận năm 1986, tầm vóc tiểu thuyết ấy mới lặp lại được thêm một lần: Auslöschung của Thomas Bernhard (viết xong magnum opus ấy, Bernhard thấy đã có thể chết được rồi).

Bình luận Proust, Benjamin rất dễ dàng chứng tỏ một nhà Mác-xít vẫn có thể thiên tài đến thế nào (tương tự Vargas Llosa cựu sartrien vẫn có thể thiên tài): kích thước kinh tế của cái thế giới mondain trong À la recherche được chỉ ra nhẹ nhàng như không (các nhân vật tách rời khỏi hoạt động production). Benjamin và Lukács đã chứng tỏ rằng người ta còn chưa hiểu Karl Marx đến mức nào.

Đúng thế, tôi từng đọc rất nhiều kinh tế học, tôi không nghĩ từng có nhà kinh tế học nào đạt được đến tầm vóc của Karl Marx, mà Tư bản tôi đọc năm mười tám tuổi theo đúng nghĩa đen bắt tôi phải cởi trần mà đọc, vì quá khủng khiếp. Việt Nam có một diễm phúc to lớn vì tác phẩm của Karl Marx (và cả Engels) đã được dịch coi như đầy đủ. Một nhà kinh tế học lớn sau Marx? Có lẽ là Thorstein Veblen, và người thứ ba, biết đâu chính là Thomas Piketty. Kinh tế học, về cơ bản, là nói lảm nhảm.

Những sự liên quan của một số nhà tư tưởng vào nhiều việc thuần túy là một sự lầm lẫn: Michel Foucault và nhất là Gilles Deleuze từng có công lao rất lớn trong việc chứng minh Hitler đã tiếp nhận tư tưởng của Nietzsche theo một đường lối què cụt, trong đó có vai trò rất quan trọng của người nhà Nietzsche trong việc sắp xếp di cảo mà Nietzsche để lại. Một sự hiểu sai, và có rất nhiều sự hiểu sai tương tự khác nữa.

Cũng nhờ đọc cuốn sách này của Benjamin về Proust, tôi đã có thể thấy rõ hoàn toàn một cảm giác mà tôi đã bắt đầu thấy xuất hiện manh nha từ chừng một năm nay: dịch À la recherche du temps perdu thành Đi tìm thời gian đã mất, hay thậm chí Tìm lại thời gian đã mất, là hoàn toàn sai. Văn chương Proust quái dị hơn người Việt Nam tưởng nhiều lắm lắm. Trước đây, suốt mấy trăm năm trời, ở Việt Nam cũng chưa từng có lấy một người hiểu được Flaubert và Baudelaire, hai nhân vật tất yếu mà nếu thiếu thì buộc lòng phải chấp nhận một số sự thiếu cực kỳ lớn.

Và đây là một sự quái dị khác nữa (ở Pháp hiện nay, các nhà xuất bản nhỏ đang hoạt động cực kỳ tốt, khiến cho những nhà lớn truyền thống không còn thực sự sản xuất được giá trị nữa; và điều này cũng cho thấy rõ ràng: sách giấy mới là thứ sống sót sau mọi thảm họa văn hóa, xem thêm ở đây):


Foucault đặc biệt ít đọc văn chương, tuy từng viết về Raymond Roussel (cuốn sách rất nổi tiếng), và từng có một quy định: sẽ không nói chuyện với bất kỳ ai không đủ sức đọc thuộc lòng ít nhất là vài câu thơ của René Char (Char nhà thơ từng hết sức thân thiết với một triết gia: Martin Heidegger). Chính sự ít gần gũi này của Foucault với văn chương làm cho những gì Foucault nói về văn chương trở nên vô cùng đặc biệt.

(điều kiện của Foucault liên quan đến Char, tôi thuộc vào những người có thể thỏa mãn một cách dễ dàng :p)


bonus: hai bức ảnh cho thấy tình bạn giữa René Char và Martin Heidegger (Milan Kundera từng bình luận trong một tiểu luận, nhưng có vẻ Kundera chỉ biết một trong hai bức ảnh này, bức chụp từ sau lưng):







Beckett về Proust
Hầu tước thần thánh và nữ hầu tước thần thánh
Đi từ hiện thực đến văn chương
Đi tìm thời gian đã mất không phải là đi tìm thời gian đã mất
Quên tình yêu
Paul Valéry hạ sát Marcel Proust


No comments:

Post a Comment