Đó là nghịch lý mà tôi phải chấp nhận khi đã chấp nhận làm những công việc của tôi. Chừng nào còn thấy cần thiết phải tạo ra một khối lượng sách đủ mức để mọi thứ có thể bước lên một bậc mới (giống như khi ta leo kim tự tháp Anh điêng bên Nam Mỹ), thì tôi còn phải chấp nhận một số điều. Phải đọc không ít văn chương dở, mauvaise littérature, phải hạ xuống những thứ thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn cá nhân của tôi. Trước đây, chưa từng bao giờ tôi nghĩ mình sẽ đụng vào văn chương của Umberto Eco chẳng hạn, thế mà vẫn phải đụng vào, không những thế, xong rồi, thấy đám bỉnh bút ở đây vớ vẩn quá, lại phải viết vài thứ. Chán vãi.
Trong quãng thời gian ấy, mỗi khi đọc được thứ gì thực sự lớn, tôi lại thở dài và phần lớn chúng, tôi cất vào ngăn kéo, với ý nghĩ: chưa đến lúc. Thoát ra được khỏi tình trạng ấy là cả một bước đi dài. Cuối cùng cũng đã tới thời điểm tôi được thực sự ở trong thế giới của các vị thần văn chương, không phải quá quan tâm đến những văn chương dở nữa, hoặc cũng chẳng thực sự dở, nhưng thuộc vào cái phần nặng kéo ta xuống dưới. Gỡ tay vướng để theo lời gió nước chẳng bao giờ là dễ, vì trong cái phần rất nặng ấy là vô vàn dục vọng, là những thứ trói buộc, rất nhiều và rất nhiều.
Giờ đây, tôi đã có thể nói tới Juan Rulfo, nhà văn ở đỉnh chóp của kim tự tháp Mexico nhiều bậc. Chính hình ảnh kim tự tháp này khiến tôi đặc biệt muốn xem, văn chương Nam Mỹ xếp hạng như thế nào. Với các văn chương khác, chẳng bao giờ ham muốn ấy nảy ra bên trong tôi: ai lớn ai lớn vừa vừa ai nhỏ không thực sự quan trọng cho lắm. Juan Rulfo mới là nhà văn Nam Mỹ lớn nhất, cao nhất. Không phải Borges mù vĩ đại. Thậm chí, giữa Borges và đỉnh cao Rulfo vẫn còn một nhân vật nữa: Mario Vargas Llosa, nhà văn duy nhất từng mê cách mạng Cuba và từng thần tượng Jean-Paul Sartre mà có thể đạt tới trình độ ấy.
Sau ba nhân vật vừa rồi, là tới hai hộ pháp khổng lồ: Carlos Fuentes và Julio Cortázar. García Márquez xuống dưới nữa, và ở phần chân đế, thậm chí còn chưa thực sự đến được kim tự tháp, là vô số nhiều. Trong số đông đảo này có anh lùn Roberto Bolaño. Trường hợp Bolaño hóa ra bị hiểu nhầm kinh quá, văn chương Bolaño đâu có lớn chút nào. Tôi sẽ sớm quay trở lại trường hợp này. Mấy thế hệ mới cũng đã kịp làm nảy sinh một số nhân vật lớn, ví dụ César Aira.
Và, đã có kim tự tháp, hiển nhiên phải đặt ra câu hỏi về cái gắn chặt với kim tự tháp. Không phải là các xác ướp, hehe, mà gắn chặt với kim tự tháp là: nhân sư.
Nhân sư của Nam Mỹ thì ở đâu? Tôi ngờ nhân sư chính là Juan Rulfo đấy. Rulfo là nhà văn Mexico cả đời viết rất ít, gần như chỉ có một tiểu thuyết và một tập truyện ngắn gồm cả thảy 17 truyện. Tức là, Rulfo hoàn toàn trái ngược với khí chất Nam Mỹ của ngồn ngộn và ngồn ngộn. Sự quý và hiếm của Rulfo còn lớn hơn nhiều so với ở Borges.
Truyện "Macario" dưới đây có thể tính là truyện ngắn thứ hai của Juan Rulfo, xuất hiện lần đầu tiên năm 1945, tất nhiên về sau sẽ nằm trong tập 17 truyện, dưới cái tên chung El Llano en llamas (cuốn tiểu thuyết duy nhất của Rulfo thì mang tên Pedro Páramo).
Macario
Tôi ngồi gần cái giếng đợi lũ ếch ra. Tối qua, trong lúc
chúng tôi ăn, chúng đã bắt đầu làm ầm, và cứ thế kêu không ngừng cho đến sáng.
Vậy nên mẹ nuôi đã bảo thế này rằng tiếng ếch kêu làm mẹ không ngủ nổi. Và bây
giờ mẹ muốn ngủ. Chính thế nên mẹ ra lệnh cho tôi ngồi ở đây, gần cái giếng,
tay cầm một cây gậy, và, ngay khi nào có một con ếch chui ra nhảy vài bước, là lấy
gậy nện nát bét nó luôn… Ếch xanh lục tuyền cả cả người, chỉ trừ phần bụng. Cóc
thì đen. Ếch ăn rất ngon. Cóc thì không ăn được; nhưng tôi đã ăn cóc rồi, dẫu rằng
cóc không ăn được, và thịt chúng giống thịt ếch.
Felipa là người bảo ăn cóc là xấu. Felipa thì có mắt xanh lục
như mắt mèo. Felipa là người cho tôi ăn trong bếp mỗi khi nào tới lượt tôi. Chị
không muốn tôi gây chuyện tồi tệ cho lũ ếch. Nhưng mẹ nuôi là người ra lệnh cho
tôi làm tất tật điều này… Tôi yêu Felipa hơn mẹ nuôi. Nhưng mẹ nuôi mới là người
lấy tiền từ túi xắc đưa chị Felipa đi mua mọi thứ gì cần thiết để ăn. Lúc nào
Felipa cũng ở trong bếp để nấu ăn cho chúng tôi, cả ba người. Chị chỉ làm mỗi
việc ấy kể từ khi tôi biết chị. Tôi là người rửa bát. Cũng tôi là người vác củi
vào để đốt lò. Sau đó, mẹ nuôi là người chia đồ ăn. Ăn xong một cái là bà dùng
hai tay vun những gì còn thừa thành hai đống nhỏ, một cho Felipa, một cho tôi.
Nhưng đôi khi Felipa không muốn ăn và thế là cả hai đống nhỏ thuộc về tôi.
Chính vì vậy mà tôi rất yêu quý Felipa, bởi lúc nào tôi cũng thấy đói và chẳng
bao giờ làm cho bụng tôi đầy được, ngay cả khi tôi ăn cả phần của chị cũng
không.
Người ta cứ bảo ăn thì bụng sẽ đầy lên, nhưng tôi biết chắc
rằng tôi thì tôi không làm nó đầy được, kể cả khi ăn tất tật những gì được đưa
cho. Và Felipa thì chị biết, biết chứ… Ngoài phố, người ta nói tôi là thằng ngớ
vì lúc nào tôi cũng thấy đói. Mẹ nuôi đã nghe thấy họ bảo thế. Còn tôi thì đâu
có nghe thấy. Mẹ nuôi không cho tôi đi ra đường một mình. Những lúc mẹ đưa tôi
ra ngoài thì đều là để dẫn tôi tới nhà thờ nghe lễ mixa. Ở đó, mẹ để tôi ngồi
ngay sát mẹ và mẹ dùng khăn quàng cổ trói hai tay tôi lại. Tôi chẳng biết tại
sao mẹ lại trói tay tôi lại; nhưng mẹ bảo là bởi vì tôi hay làm trò nhố, thế đấy.
Một hôm, thậm chí người ta còn nói đã thấy tôi đang vặn cổ một ai đó; rằng lẽ
ra tôi đã vặn ngoéo cổ một bà, như thế thôi, chẳng để làm gì. Còn tôi, về chuyện
ấy, tôi không nhớ. Nhưng, dẫu có thế nào, mẹ nuôi là người nói tất tật những gì
mà tôi làm, và mẹ thì không nói dối. Những lúc mẹ gọi tôi ra ăn, thì đều là để
đưa cho tôi phần của tôi, chứ không phải như những kẻ khác, bọn họ mời tôi ăn
cùng và rồi, sau đó, khi tôi tiến lại gần, thì ném đá vào tôi để làm tôi bỏ chạy
mà chẳng được ăn gì sất. Không, mẹ nuôi của tôi, mẹ đối đãi với tôi rất tử tế.
Thế nên, tôi thấy sung sướng vì được ở nhà mẹ. Nhất là vì lại còn có Felipa nữa.
Felipa rất tốt với tôi. Chính vì vậy nên tôi yêu quý chị… Sữa
của Felipa ngọt như hoa thục quỳ. Tôi đã uống sữa dê và cả sữa lợn cái vừa đẻ;
nhưng không, không thể ngon bằng sữa của Felipa được… Giờ thì đã lâu rồi chị
không còn cho tôi nún hai cái túi phồng mà chị mang nữa, chúng nằm ở cái chỗ
chúng ta chỉ có xương sườn, từ đó chảy ra, nếu ta biết cách hứng, một thứ sữa
ngon hơn nhiều loại sữa mà mẹ nuôi cho chúng tôi uống vào bữa sáng ngày Chủ nhật…
Trước đây, đêm nào Felipa cũng vào phòng tôi ngủ, chị ép sát người vào tôi, nằm
lên trên tôi hoặc nằm cạnh. Rồi chị xoay xở để tôi có thể nún thứ sữa ngọt và ấm
ấy, nó rỏ xuống lưỡi tôi… Tôi hay ăn hoa thục quỳ để đánh lừa cơn đói. Và sữa của
Felipa có cùng vị ấy, nhưng tôi thích nó hơn, bởi vì, cùng lúc để tôi nún,
Felipa còn cù lên khắp người tôi. Sau đó, gần như lần nào cũng vậy, chị nằm lại
đó ngủ cạnh tôi, cho tới sáng. Và chuyện ấy, với tôi, thật đã, vì tôi sẽ chẳng
còn phải lo bị lạnh và không còn sợ sẽ bị đày xuống địa ngục nếu chết một mình ở
đây, vào một trong những đêm như vậy. Đôi khi, tôi không thấy quá sợ địa ngục.
Nhưng đôi khi thì có.
Và lắm lúc, tôi thấy rất thích khi được dọa sợ với câu chuyện
tôi sẽ xuống địa ngục một ngày nào đó bởi vì tôi có cái đầu cứng vô cùng và tôi
thích đập nó vào mọi thứ gì hiện ra. Nhưng Felipa đến và chị đuổi những nỗi sợ
của tôi đi. Chị dùng tay cù tôi, việc mà chị biết cách, và hất tung nỗi sợ chết
của tôi. Trong thoáng chốc, thậm chí tôi còn chẳng nghĩ đến nó nữa… Lúc nào muốn
ở với tôi, Felipa lại bảo chị sẽ kể mọi tội lỗi của tôi cho Chúa Trời. Rằng chị
sẽ sớm lên Trời và chị sẽ nói với Người để xin Người tha thứ cho toàn bộ sự độc
ác tràn ngập trong tôi từ đầu xuống chân. Chị sẽ nói với Người là hãy tha thứ
cho tôi, để tôi không phải rộn lên nữa. Chính vì mục đích ấy mà ngày nào chị
cũng xưng tội. Không phải vì chị xấu xa, mà là vì người tôi tràn ngập lũ quỷ,
bên trong, và vì, để xua hết đám quỷ ấy khỏi người tôi, chị phải xưng tội cho
tôi. Mọi ngày. Tất cả các buổi chiều của tất cả các ngày. Chừng nào còn sống,
chị sẽ còn làm cho tôi việc đó. Felipa nói thế đấy. Chính bởi vậy mà tôi yêu
quý chị đến thế.
Nhưng cũng chẳng thể ngăn cản được, đầu cứng đến vậy thì
cũng đâu phải không là gì. Ta đập đầu vào những cây cột trong hành lang suốt
nhiều tiếng đồng hồ mà nó vẫn chẳng hề hấn gì, làm thế mà đầu không hề sứt mẻ.
Và ta đập nó xuống đất, thoạt tiên chỉ nhẹ thôi, rồi mạnh lên, và rồi thì nó đập
như trống. Như cái trống đệm cho kèn clarinet ấy, những khi nào kèn clarinet
chơi cho lễ ban thánh thể. Trong lúc ta ở nhà thờ, bị buộc vào với mẹ nuôi, và
ta nghe thấy bên ngoài tiếng tùng tùng của trống… Mẹ nuôi bảo trong phòng tôi
có rận, gián và bọ cạp là vì tôi sẽ xuống địa ngục nếu cứ tiếp tục đập đầu xuống
đất. Nhưng tôi, điều mà tôi muốn, là nghe thấy tiếng trống. Cái đó, hẳn mẹ phải
biết. Nghe thấy nó giống như khi ta ở nhà thờ và muốn mau mau chóng chóng ra
ngoài để xem sẽ thế nào nếu ta nghe từ xa đến vậy và mãi tận sâu trong nhà thờ,
ta nghe tiếng trống ấy còn rõ hơn tiếng giảng đạo của ông mục sư… “Con đường của
cái thiện đầy ánh sáng. Con đường của cái ác chìm trong bóng tối.” Ông mục sư
nói thế đấy… Tôi thì tôi đứng dậy và ra khỏi phòng khi trời còn tối. Tôi lượn lờ
ngoài phố rồi quay trở về phòng trước khi có ánh sáng ban ngày bắt kịp.
Ngoài phố, xảy ra vô khối chuyện. Có rất nhiều kẻ, cứ nhìn
thấy ta là bọn họ ném đá vào ta để làm ta bị thương trên đầu. Những viên đá to
tướng nhọn hoắt bay rào rào khắp nơi. Và sau đó, phải vá lại áo sơ mi và đợi
nhiều ngày, nhiều ngày thì những vết rách trên mặt hay đầu gối mới lành. Và phải
thêm một lần chịu để bị trói tay lại, để hai tay khỏi ngay lập tức giật tung mấy
miếng dán vết thương và để máu khỏi trào ngay ra trở lại. Tuy rằng máu, cả nó nữa,
cũng có vị thật ngon, dẫu cho, tất nhiên, đó không phải vị sữa của Felipa…
Chính vì vậy, để người ta không ném đá vào tôi, lúc nào tôi cũng nhốt mình
trong nhà. Ngay khi đã được cho ăn xong, tôi chui ngay về phòng và chặn cửa lại
thật kỹ để lũ tội lỗi không tới ập xuống đầu tôi khi thấy rằng căn phòng tối
om. Thậm chí tôi còn không châm đuốc lên để xem lũ gián từ đâu chui ra bò lên
người tôi. Thế nên, tôi giữ thật yên. Tôi nằm lên trên đống túi của tôi, và khi
cảm thấy có một con gián chạy trên cổ với những cái cẳng ram ráp của nó, tôi đập
cho nó một phát, đè nát nó. Nhưng tôi không châm đuốc lên.
Không thể có chuyện đám tội lỗi đổ ập lên lưng tôi bất thình
lình trong lúc tôi đang huơ huơ mẩu củi đốt sáng để tìm lũ gián luồn vào xuống
dưới cái chăn của tôi. Lũ gián nổ bụp như pháo khi ta nghiền nát chúng. Tôi không
biết dế mèn có nổ tung như thế hay không. Lũ dế thì tôi không giết, chẳng bao
giờ. Felipa bảo bọn dế lúc nào cũng gây tiếng ồn, không ngưng nghỉ, thậm chí chẳng
cả dừng để thở, là để người ta khỏi nghe thấy những tiếng kêu than của đám linh
hồn đang đau khổ ở dưới luyện ngục. Ngày nào không còn dế nữa, đời này sẽ đầy
những tiếng kêu than của những linh hồn thánh thiện và tất tật chúng ta sẽ phải
kinh sợ mà bỏ chạy. Và rồi, tôi, tôi thích cứ như vậy, tai dỏng lên nghe dế
kêu. Trong phòng tôi có nhiều dế lắm. Có lẽ thậm chí dế còn nhiều hơn gián giữa
các khe túi trên đó tôi nằm. Có cả bọ cạp nữa. Bất kỳ lúc nào, chúng cũng có thể
tự thả rơi từ trên trần xuống và phải nín thở mà đợi cho đến khi nào chúng đã
bò qua người ta để xuống dưới đất. Bởi vì chỉ cần ta nhúc nhích cánh tay hoặc nếu
xương ta run lên, ngay lập tức ta sẽ cảm thấy cơn bỏng rát của cú chích. Và vậy
thì sẽ đau lắm. Một lần, đã có một con chích vào mông Felipa.
Chị bật khóc và cầu xin Đức Mẹ Đồng Trinh, vừa cầu xin vừa
khe khẽ hét lên, đừng làm chị mất cặp mông. Tôi liếm nước dãi lên chị. Suốt
đêm, tôi liếm nước dãi lên chị và cầu nguyện cùng chị và, tới một lúc, khi thấy
rằng sẽ không thể làm chị dịu đi nhờ phương cách của mình, thậm chí tôi đã giúp
chị khóc bằng cặp mắt của tôi, trong chừng mực mà tôi có thể. Dẫu sao thì ở
trong phòng tôi vẫn sung sướng hơn so với đi ra ngoài phố, ở đó tôi sẽ thu hút
sự chú ý của những kẻ thích đánh đập. Còn ở đây, chẳng ai gây phiền hà cho tôi.
Mẹ nuôi không mắng tôi khi thấy tôi ăn hoa thục quỳ, hoặc táo nhỏ hoặc lựu của
mẹ. Mẹ biết mức độ đói vĩnh cửu của tôi. Mẹ biết tôi sẽ không ngừng thấy đói.
Và chẳng gì trong những thứ tôi ăn đủ sức làm đầy ruột tôi, dẫu cho lúc nào tôi
cũng vớ đây kia thứ gì đó để ăn. Mẹ biết tôi ăn thứ cám mà tôi cho đám lợn béo
ăn và ngô mà tôi cho lũ lợn gầy ăn. Chính vì vậy mà mẹ biết tôi đói đến mức
nào, kể từ lúc tôi dậy cho tới lúc tôi đi ngủ. Và tôi sẽ ở trong cái nhà này chừng
nào vẫn có thứ để ăn.
(từ bản tiếng Pháp của Gabriel Iaculli)
Đẹp quá huhu T_T
ReplyDelete"thậm chí tôi đã giúp chị khóc bằng cặp mắt của tôi, trong chừng mực mà tôi có thể"
ReplyDeleteTuyệt
Truyện hay
ReplyDelete"Thế thì, mẹ sẽ cầu xin một trong số tất tật các vị thánh xếp thành hàng trong phòng mẹ sai lũ quỷ đi tìm tôi, kéo tôi thẳng đến sự hành hạ vĩnh cửu mà thậm chí chẳng thèm ghé qua luyện ngục, và thế thì, thậm chí tôi sẽ không thể gặp bố và mẹ tôi, bởi vì đó chính là nơi họ ở…"
ReplyDeleteNhững chỗ thế này này, cái thằng này thật không thể mê được.
mê làm sao được
ReplyDeleteBác này được dịch ở VN rồi, đúng ko a? Thời cơ của Matraga, gì đó.
ReplyDeletetruyện ấy thì lại của người khác, xem kỹ bài này này:
ReplyDeletehttp://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&News=6342&CategoryID=41
ReplyDeleterulfo's prose is kind of boring. like cormac mccarthy giving head to a dictionary but didn't swallow. spitters are quitters. quitters are boring.
no, về McCarthy thì đúng nhưng Rulfo hoàn toàn khác, so sánh hai anh này với nhau thế nào được
ReplyDeleteCảm ơn anh vì đã đăng một truyện hay quá.
ReplyDeleteSữa của Felipa thì tớ chịu, kiếm đâu ra! Nhưng Macario, hôm nay là Chúa Nhật, và tớ muốn đến chỗcậu hơn là tới nhà thờ, vậy cậu nhớ dành vài con ếch đập được, tớ đem theo vài loại craft drink cho cậu nếm thử :-))
ReplyDeletedẫu thế nào thì cũng no milk today (and tomorrow)
ReplyDeletevới cả đang kiêng mọi thứ nordic
ngoài tiểu thuyết và tập truyện ở trên thì hồi năm 2017 người ta in vài thứ khác nữa của Rulfo, tên là The Golden Cockerel & Other Writings, hình như trước đó in kiểu posthumous nhưng mãi gần đây mới được dịch ra tiếng Anh, NL kiếm mà đọc (hay nhờ ai đó tặng cho mà đọc ^^)
ReplyDeletesướng nhứt là dịch dã thì dài mà NL cũng dài
ReplyDeletenói đểu đấy à
ReplyDelete