Nov 18, 2013

Marcel Proust

Khó đọc hết À la recherche du temps perdu thế nào thì khó nói hết về bộ sách ấy và về Marcel Proust như thế.

Ở giữa là bản phổ biến hiện nay, tủ sách Quarto in đủ cả bộ. Đây cũng chính là văn bản trong La Pléiade do Jean-Yves Tadié "établi"; trong số các cộng sự có Antoine Compagnon. Hai bên là một bản tiếng Anh tương đối cổ, mang cái tên nổi tiếng cũng ngang bằng nhan đề một bản khác (sau này) sát với nguyên bản tiếng Pháp hơn: In Search of Lost Time.


Có những thời điểm quan trọng trong đời Proust: sinh ra và được chăm bẵm quá mức bởi một bà mẹ Do Thái, Weil, một người phụ nữ rất hiểu biết. Những lần chơi đùa hồi bé ở Champs-Élysées. Trường trung học Condorcet, Paris, học cùng mấy người bạn mê văn chương, mở ra những tờ tạp chí nho nhỏ. Trong số những người ấy có một nhân vật hết sức quan trọng, Daniel Halévy, cũng người Do Thái. Halévy là một nhân vật lớn của suốt một thời, là người Pháp đầu tiên viết tiểu sử Nietzsche, cũng là chủ nhân một salon vô cùng thời thượng. Viết văn và những cuộc tình đồng tính, bị Gallimard từ chối nhưng Bernard Grasset trẻ trung khi ấy mới lập nghiệp đã nhận in tập đầu bộ À la recherche vào năm 1913 (nhưng cũng phải nói rõ là bằng tiền của Proust hehe).

Nhưng rồi mấy năm sau đó, Dưới bóng những cô gái tuổi hoa (À l'ombre des jeunes filles en fleurs) nhận giải Goncourt. Proust được coi thuộc bộ tứ tác gia vĩ đại nhất của một thời, có thể gọi là thời hiện đại của văn chương Pháp, cùng Gide, Valéry và Claudel, và cho đến giờ chắc chắn là nhà văn được hậu thế quan tâm nhiều nhất trong bộ tứ ấy.

Hồi tôi còn đi học, có một lần một giáo sư người Nhật được mời đến thuyết trình. Lâu ngày tôi không nhớ chính xác tên, chỉ chắc chắn là có bốn âm, rất có vẻ Kurosawa gì đó. Ông giáo sư nổi tiếng vì là người đầu tiên làm luận án tiến sĩ về Marcel Proust tại Sorbonne. Hồi những năm 1960, 70 gì đó, trong giới đại học Proust là đề tài rất "gái", thầy tôi kể thế.

Nhưng tên tuổi Marcel Proust quan trọng hơn riêng chỉ bộ À la recherche. Jean Santeuil v.v…, bản dịch một tác phẩm của John Ruskin, và nhất là mảng này:


Quyển bên trái hơi xấu, hic, Pastiches et mélanges. Xem thêm ở đây.

Marcel Proust còn là một nhà phê bình văn học đặc biệt tinh tế, một nhà phê bình rất quan trọng của cả một giai đoạn.

Với mỗi người đều có thể có riêng một Marcel Proust, ví dụ như với Pierre Assouline mà tôi vẫn hay gọi là PA25 và thỉnh thoảng dẫn link là cả một từ điển hết sức cá nhân:


Còn ở Việt Nam, Marcel Proust như thế nào?

Vấn đề ngay từ đầu đã được dự báo, bởi sự xách mé của Hoài Thanh.

Một thứ văn chương tư sản như thế, lẽ dĩ nhiên không được chấp nhận, thậm chí bị khinh rẻ, bị gạt phắt đi, tại miền Bắc.

Ở miền Nam, ít nhất cũng có một số Văn chuyên về Marcel Proust. Số 85 (rất dễ thấy :p) năm 1967:


Đặc biệt là quyển sách này:


Một phần nội dung số tạp chí Văn ở trên được chuyển vào đây, nhưng nó hoàn toàn không liên quan đến Văn mà thật ra lại được coi là phụ bản của tờ tạp chí Trình Bầy, một tờ rất khác với tờ Văn. Quyển sách in năm 1971 nhân dịp 100 năm ngày sinh Proust, có lời tựa của Nguyễn Đăng Thường mang tên "Proust, một kỷ niệm trong mùa mưa" và nói về cuộc đời Proust kể từ khi sinh ra đời, phân tích một số khía cạnh tác phẩm.

Nhưng thực ra ở miền Bắc cũng có một mạch ngầm Marcel Proust, xem bài về Cô bé nhìn mưa ở đường link này.

Đi vào thế giới văn chương Marcel Proust rất dễ nản, chỉ các tên riêng thôi cũng đã mệt rồi, mặc dù nhiều cái tên địa danh vô cùng thơ mộng: Combray, Balbec. Tên người thì toàn kỳ quặc: de Villeparisis, Saint-Loup, Elstir, Vinteuil vân vân và vân vân. Một viên gạch lát khấp khểnh cũng làm nhà văn/người kể chuyển (Marcel) nhớ đến bao nhiêu cảnh tượng Venise, thành phố mà thần tượng John Ruskin của Proust rất gắn bó, một tiếng thìa lanh canh chạm đĩa cũng làm sống dậy đoàn tàu chạy với những vệt sáng tối bên lề.

Nhưng cũng có thể theo lời gợi ý của Antoine Compagnon: coi Đi tìm thời gian đã mất như một câu chuyện rất hài hước.


Đúng 100 năm sau khi Du côté de chez Swann được Grasset xuất bản: bản dịch tiếng Việt, của bốn dịch giả: Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào, Dương Tường.

"Trong một thời gian dài, tôi đã thường đi ngủ sớm".

Tranh bìa là của Pissaro. Một trong mấy họa sĩ thích hợp nhất với tác phẩm của Proust, một họa sĩ nữa cũng rất thích hợp, người được Proust sùng mộ, thậm chí đảo các chữ trong tên để biến thành một nhân vật trong À la recherche, là Whistler (nhân vật đó là họa sĩ Elstir).

No comments:

Post a Comment