Trong một cuốn sách khảo sát đọc bằng đường lối âm bản, tức là khảo sát đọc bằng sự không đọc, Pierre Bayard, sau chương một lấy ví dụ về nhân vật thủ thư trong Người không phẩm chất của Robert Musil, chuyển sang chương hai về Paul Valéry. Valéry có một kinh nghiệm kinh điển: với mỗi quyển sách, chỉ được phép dành tối đa cho nó 8 phút. Tôi nghĩ ý kiến này của Valéry cực giá trị.
Trong bài dưới đây, ta sẽ thấy Paul Valéry hạ sát lần lượt ba nhân vật lớn: Anatole France, Marcel Proust và Henri Bergson. Như Valéry, ta gọi là cynical. Thật ra không loại người nào trí tuệ và sáng suốt hơn tụi cynical đâu.
Đây là chương thứ hai của cuốn sách mang tên Comment parler des livres qu'on a pas lus (Làm thế nào để nói về những cuốn sách mà ta chưa đọc), tác giả là Pierre Bayard, một giáo sư đại học ở Paris, một nhân vật rất quái dị, từng nói chuyện cùng Umberto Eco tại New York về việc đọc sách.
Độc giả trung thành của tôi chắc còn nhớ tôi từng viết về bộ phim Đừng đốt (xem thêm ở đây). Có những lúc, không đọc thì tốt hơn là đọc, không xem thì tốt hơn là xem, muốn sướng thì đừng ấy, vân vân và vân vân :p
Những cuốn sách mà ta đọc lướt qua
NƠI CHÚNG TA THẤY,
CÙNG VALÉRY, RẰNG CHỈ CẦN ĐỌC LƯỚT QUA MỘT CUỐN SÁCH LÀ ĐÃ ĐỦ ĐỂ CÓ THỂ VIẾT CẢ
MỘT BÀI DÀI VỀ NÓ VÀ THẬM CHÍ ĐỐI VỚI MỘT SỐ CUỐN SÁCH LÀM THEO CÁCH KHÁC CÒN
LÀ RẤT DỞ
Ý tưởng về “cái nhìn
toàn thể” không chỉ có ý nghĩa trong việc xác định một quyển sách trong thư
viện tập thể. [ở đây Bayard đang nhắc lại nội dung của chương I trước đó, dùng
ví dụ của bộ tiểu thuyết Người không phẩm
chất, Robert Musil] Nó còn áp dụng được cho mỗi đoạn trong tổng thể một
cuốn sách. Đối với độc giả hiểu biết, các kỹ năng định hướng dùng để xoay xở
trong thư viện cũng dùng được trong một cuốn sách duy nhất. Hiểu biết nghĩa là
có khả năng nhanh chóng tự định vị mình trong một cuốn sách, và sự định vị ấy
không hàm ý đọc toàn bộ cuốn sách, mà ngược hẳn lại. Thậm chí còn có thể nói
rằng khả năng này càng tinh nhạy thì ta sẽ càng đỡ nhất thiết phải đọc một cuốn
sách cụ thể nào đó.
Thái độ của viên thủ
thư trong Người không phẩm chất chỉ
đại diện cho rất ít người, trong đó đã gồm cả các đối thủ quyết liệt của sự
đọc, vì nói cho cùng thật khó mà không bao giờ đọc sách. Thường gặp hơn là
trường hợp độc giả không cự tuyệt hẳn với sách, nhưng chỉ đọc lướt. Vả lại,
nhân vật của Musil ở vào một vị thế mù mờ, bởi vì tuy rất cẩn thận để không giở
sách ra nhưng như chúng ta đã thấy ông ta lại chẳng phải không hề quan tâm đến
nhan đề và mục lục, và bằng cách ấy, dù muốn hay không, ông ta cũng đã lướt qua
những cuốn sách.
Chỉ đọc lướt những
cuốn sách mà không thực sự đọc hoàn toàn không ngăn cấm ta bình luận chúng.
Thậm chí đọc lướt còn có thể là cách thức hiệu quả nhất để đi sâu vào sách,
đồng thời lại vẫn tôn trọng bản chất sâu sắc và sự phong phú của chúng, cũng
như giúp ta tránh bị lạc lối trong các chi tiết. Dù gì đi nữa thì đó cũng là ý
kiến - cũng là sự thực hành công khai - của bậc thầy về không-đọc, Paul Valéry.
*
* *
Trong gian phòng trưng
bày các nhà văn hay cảnh báo nguy cơ của đọc sách, Valéry chiếm một vị trí chủ
chốt, vì ông đã dùng một phần tác phẩm của mình để quyết liệt tố cáo những hiểm
nguy của hành động này. Ngài Teste, nhân vật điển hình của Valéry, sống trong
một căn hộ không hề có sách, và có vẻ như về điểm này cũng như về rất nhiều
điểm khác ông ta chính là hiện thân của nhà văn, người không che giấu việc mình
đọc không nhiều: “Thoạt tiên tôi rất căm ghét đọc sách, thậm chí tôi còn đem
những quyển sách mà tôi thích nhất cho vài người bạn. Sau này tôi phải mua lại
một số, sau giai đoạn cực đoan ấy. Nhưng tôi vẫn là một người ít đọc, bởi trong
một cuốn sách tôi chỉ tìm kiếm điều ngõ hầu cho phép hoặc cấm đoán điều gì đó
đối với hành động của chính tôi.”
Nỗi hoài nghi sách vở
này trước hết nằm ở nỗi hoài nghi đối với tiểu sử. Valéry trở nên lừng danh
trong lĩnh vực phê bình văn học bằng việc đặt ra nghi ngờ về việc người ta cứ
chăm chăm gắn chặt tác phẩm với tác giả. Quả thật, phê bình văn học của thế kỷ
19 lúc nào cũng coi hiểu biết về tác giả giúp ích cho hiểu biết về tác phẩm, và
do đó mà cố công thu thập thông tin về tác giả, càng nhiều càng tốt.
Cắt đứt với truyền
thống phê bình ấy, Valéry cho rằng, ngược hẳn với vẻ bên ngoài, tác giả không
thể giải thích tác phẩm. Tác phẩm nảy sinh từ một tiến trình sáng tạo diễn ra
bên trong nhà văn nhưng siêu vượt anh ta, và sẽ thật sai lầm khi đồng hóa anh
ta với tiến trình đó. Do vậy tìm hiểu về tác giả là việc làm chẳng có mấy lợi
ích khi ta muốn hiểu một tác phẩm, vì tác giả, xét cho đến cùng, chỉ là một
trạm trung chuyển của tác phẩm.
Valéry hoàn toàn không
phải là người duy nhất ở thời của ông chủ trương phải tách tác phẩm khỏi tác
giả. Trong Chống Sainte-Beuve, Proust
biện hộ cho lý thuyết khẳng định tác phẩm văn chương là sản phẩm của một cái
Tôi khác với con người mà chúng ta biết và ông sẽ minh họa cho lý thuyết này
trong Đi tìm thời gian đã mất thông
qua nhân vật Bergotte. Nhưng Valéry không dừng lại ở việc loại bỏ tác giả khỏi
trường hoạt động của phê bình văn học, ông còn lợi dụng điều này để tự rút mình
ra khỏi văn bản.
*
* *
Việc Valéry đọc ít -
hoặc thường xuyên hơn, không đọc gì - chẳng hề ngăn cản ông đưa ra những ý kiến
cụ thể về các tác giả mà ông không có hiểu biết và bàn luận rất dài về họ.
Cũng giống đa số người
từng bàn tới Proust, Valéry không đọc ông. Nhưng, ngược lại với nhiều người,
điều này không ngăn cản ông, một cách vô sỉ thản nhiên, công nhận điều đó và mở
đầu bài viết tưởng niệm Proust đăng trên tạp chí Nouvelle Revue Française tháng Giêng năm 1923, không lâu sau khi
Proust qua đời, bằng những dòng sau:
Mặc dù chỉ biết qua loa một
cuốn duy nhất trong tác phẩm kỳ vĩ của Marcel Proust, và mặc dù với tôi bản
thân nghệ thuật của tiểu thuyết gia là một nghệ thuật không sao hình dung nổi,
thì tôi vẫn biết rõ, thông qua một chút Đi
tìm thời gian đã mất mà tôi đã đọc, rằng Văn chương vừa phải chịu một tổn
thất thật nặng nề; và không chỉ Văn chương, đó còn là tổn thất của cái nhóm nhỏ
bí mật xuất hiện vào mọi thời kỳ và gồm những người tạo ra giá trị đích thực
cho thời kỳ ấy.
Đoạn tiếp sau còn làm
cho trường hợp của Valéry trở nên trầm trọng hơn nữa, vì để tự biện minh cho
việc không có hiểu biết về tác giả mà ông sẽ nói đến, ông đã ẩn mình đằng sau
các ý kiến khen ngợi và nhất trí với nhau của Gide và Daudet:
Vả lại, cho dù chưa từng đọc
một dòng nào của tác phẩm lớn lao ấy, chỉ cần chứng kiến hai trí tuệ khác nhau
đến mức như Gide và Léon Daudet đồng ý về tầm quan trọng của nó, là tôi đã thấy
không cần phải hồ nghi gì nữa; sự đồng thuận hiếm hoi đến vậy chỉ có thể nảy
sinh ở một điều hết sức chắc chắn. Chúng ta có thể yên lòng: nếu hai ông ấy
tuyên bố cùng một lúc rằng trời đang nắng, thì có nghĩa là trời đang nắng.
Như vậy, trước khi đưa
ra ý kiến riêng, quan điểm của người khác là hết sức quan trọng, thậm chí ta
còn có thể dựa hoàn toàn vào quan điểm ấy, đến mức - có thể nghĩ đây là trường
hợp của Valéry - chẳng cần phải đọc một dòng nào của tác phẩm. Điều bất tiện
của lòng tin mù quáng vào các độc giả khác, như chính Valéry công nhận, là sau
đó thật khó bình luận văn bản một cách chính xác.
Những người khác sẽ có thể
nói một cách chính xác và sâu sắc về một tác phẩm mãnh liệt và tinh tế đến nhường
ấy. Lại sẽ có những người khác nữa sẽ trình bày về con người đã thai nghén rồi
đưa tác phẩm ấy đến vinh quang; còn tôi, tôi chỉ mới gặp loáng thoáng ông ấy
cách đây đã nhiều năm. Thế cho nên tôi chỉ có thể đưa ra ở đây một ý kiến không
mấy trọng lượng, gần như không đáng để viết ra. Hãy coi đây chỉ là một lời
tưởng niệm, một bông hoa rồi sẽ úa tàn trên nấm mộ trường tồn.
Nếu có thể bỏ qua sự
vô sỉ của Valéry, chỉ nhìn nhận lòng thành thực của ông, thì cần phải công nhận
vài trang viết về Proust tiếp theo đoạn mở đầu trên không phải là không chứa
đựng sự thật, qua đó chứng tỏ một điều ta sẽ không ngừng nhận thấy, rằng hoàn
toàn chẳng nhất thiết phải biết rõ điều gì đó mới có thể bàn chuẩn xác về nó.
Sau đoạn mở đầu, bài
báo được chia làm hai phần. Phần đầu bàn về tiểu thuyết nói chung, và ở đây
chúng ta cảm thấy Valéry không mấy quan tâm đến việc đưa ra những nhận định cụ
thể. Quả thật ở phần này ta được biết tiểu thuyết hướng đến việc “trao cho
chúng ta một hoặc nhiều ‘cuộc đời’ tưởng tượng, mà nó dựng lên các nhân vật, ấn
định thời gian và nơi chốn, tạo ra các biến cố”, như vậy nó trở nên đối nghịch
với thơ và có thể được tóm tắt lại và dịch sang ngôn ngữ khác mà không mất mát
quá nhiều thứ. Các nhận xét này, rất đúng đối với cả một loạt tiểu thuyết, lại
không có nhiều khả năng áp dụng được cho Proust, vì tác phẩm của ông rất khó
tóm tắt. Nhưng Valéry tỏ ra giàu cảm hứng hơn trong phần thứ hai bài viết của
mình.
Phần này dành riêng để
viết về Proust, điều Valéry rất khó tránh khỏi hoàn toàn trong một bài tưởng
niệm. Tuy Valéry gộp chung Proust vào tập hợp các nhà văn mà ông vừa nhắc tới
(“Proust đã rút ra được những gì ngoạn mục từ các điều kiện đơn giản và lỏng
lẻo đến vậy”), nhưng ông vẫn chỉ ra được điểm đặc thù của Proust, đưa ra ý
tưởng rất nhiều tính chất Proust rằng tác phẩm của ông tập trung vào “sự phong
phú vô cùng của các kết nối mà một hình ảnh nhỏ nhặt nhất cũng dễ dàng tìm được
trong chính bản chất của tác giả”. Sự chú tâm vào cách Proust sử dụng những kết
nối vô tận của mọi hình ảnh có đến hai lợi thế. Trước tiên sẽ không cần thiết
phải đọc Proust mới có thể cảm nhận được điều này, chỉ cần giở bất kỳ trang nào
ra là thấy. Mặt khác, nó rất có lợi về mặt chiến lược, bởi vì nó biện minh luôn
cho bản thân thao tác nhặt nhạnh bất kỳ [của Valéry], tức là không cần đọc.
Quả thật sự khéo léo
của Valéry nằm ở chỗ ông giải thích rằng tác phẩm của Proust rất có giá trị vì
ta hoàn toàn có thể mở bất kỳ trang nào:
Những tác phẩm của ông hấp
dẫn ở từng mảnh nhỏ. Chúng ta có thể mở quyển sách ra ở nơi nào ta muốn; sức
sống của nó không hề phụ thuộc vào những gì đã có ở trước, tức là, theo cách
nào đó, vào ảo tưởng sẵn có; sức sống
ấy bắt nguồn từ cái mà hẳn ta có thể gọi là
chuyển động tự thân ở từng đường gân thớ thịt của văn bản.
Sự tài tình của Valéry
nằm ở chỗ ông cho thấy lý thuyết của mình về đọc sách là do chính tác giả gợi
ý, vì chính tác giả nên ông đã không đọc, và tránh không đọc chính lời khen
ngợi lớn nhất mà ông có thể có được. Vì vậy, ở đoạn kết của bài viết, được
Valéry dùng để vinh danh các “tác giả khó”, những người sẽ nhanh chóng chẳng
còn được ai hiểu, ông đã thẳng thừng, gần như không hề giấu giếm rằng khi đã
viết xong bài phê bình, ông vẫn không hề có ý định đọc Proust, tức là vẫn giống
hệt như trước đây.
*
* *
Nếu bài tưởng niệm
Proust cho phép Valéry minh họa cho quan niệm đọc sách của mình, thì một người
đương thời quan trọng khác, Anatole France, lại mang tới cho ông cơ hội chứng
tỏ toàn bộ tầm vóc của mình trong tư cách một nhà phê bình kiên quyết chẳng hề
để tâm đến cả tác giả lẫn văn bản.
Năm 1927, được bầu vào
Viện Hàn lâm Pháp thế chỗ Anatole France và do vậy theo quy định phải ca ngợi
người tiền nhiệm, Valéry đã hết sức cẩn thận tránh né các nghĩa vụ mà ông tự ấn
định cho mình trong phần mở đầu bài diễn văn:
Người chết chẳng còn nguồn
sống nào khác ngoài những người đang còn sống. Đối với họ suy nghĩ của chúng ta
là con đường duy nhất dẫn họ tới ánh sáng ban ngày. Họ, những người từng dạy
chúng ta nhiều điều đến vậy, họ, những người như thể đã tự xóa bỏ mình đi vì
chúng ta và để lại cho chúng ta mọi cơ may của họ, chúng ta sẽ cư xử đúng đắn
và khẳng khái khi thành kính đón tiếp họ trong ký ức của chúng ta, khi bằng
ngôn từ của mình chúng ta mời họ nhấp chút nước lành cuộc đời.
Nếu muốn sống lâu hơn
trong một ký ức hoặc trong một văn bản, Anatole France phải tìm một người khác
chứ không phải Valéry, người đã tìm mọi phương cách khéo léo để không vinh danh
ông trong suốt bài diễn văn. Quả thật, bài diễn văn ấy là cả một loạt đòn phản
trắc bất tận nhằm vào người tiền nhiệm, dựa trên sự khen ngợi mù mờ:
Công chúng phải hàm ơn người
tiền nhiệm xuất chúng của tôi vô hạn vì đã được ông mang cho hương vị của một
ốc đảo. Tác phẩm của ông chỉ gây kinh ngạc một cách nhẹ nhàng và dễ chịu bởi sự
tương phản đầy khỏe khoắn giữa một điệu thức vô cùng ôn hòa và các phong cách
bùng nổ hoặc hết sức phức tạp ở mọi khía cạnh. Cứ như thể sự thoải mái, sự sáng
sủa, sự giản dị đã quay trở về trái đất. Đó là các nữ thần làm hầu như ai ai
cũng thấy thích thú. Người ta sẽ ngay lập tức yêu quý một thứ ngôn ngữ có thể
thưởng thức mà không phải suy nghĩ quá nhiều, nó quyến rũ nhờ một vẻ ngoài tự
nhiên đến vậy, chắc hẳn sự trong suốt của nó đôi khi để lộ mờ ảo một suy nghĩ ở
đằng sau, nhưng không có gì là bí ẩn; ngược lại, luôn luôn rất dễ đọc, nếu
không muốn nói lúc nào cũng làm ta thấy an tâm. Trong những cuốn sách của ông
có một nghệ thuật cao cường về chạm phớt vào các tư tưởng và những vấn đề
nghiêm trọng nhất. Không có gì ở đó ngăn cản cái nhìn, nếu như không phải chính
bản thân điều mê hoặc là ta chẳng hề tìm thấy chút kháng cự nào.
Thật khó tưởng tượng
nổi từng ấy ngầm ý san sát nhau, tất thảy đều gây tổn thương, nằm trong ít dòng
đến vậy, tại đó tác phẩm của France lần lượt được đánh giá là “nhẹ nhàng”, “dễ
chịu”, “khỏe khoắn”, “ôn hòa” và “giản dị”, những gì rất khó được coi là lời
khen trong phê bình văn học. Thêm nữa, cú đạp sau chốt: tác phẩm ấy được coi là
làm mọi người thích thú. Người ta có thể thưởng thức nó mà không phải nghĩ đến
nó, vì tại đó các tư tưởng chỉ được “chạm phớt”, điều này được Valéry làm rõ
ngay lập tức:
Còn gì quý giá hơn ảo tưởng
ngọt ngào về sự sáng sủa, nó mang lại cho chúng ta cảm giác mình đang tự làm
phong phú bản thân mà không phải nỗ lực gì hết, được hưởng khoái cảm mà không
chút mệt nhọc, được hiểu mà không cần chú tâm, được xem buổi biểu diễn mà không
phải trả tiền?
Cao quý thay những nhà văn
gỡ đi giùm chúng ta trọng lượng của suy tư và bằng một ngón tay nhẹ bỗng dệt
nên tấm màn tươi sáng phủ lên sự phức tạp của mọi thứ!
Lời vinh danh của
Valéry đối với France là một sự dồn tụ của những sự độc ác, nhưng nó càng
nghiệt ngã hơn nữa bởi vì rất mơ hồ, như thể Valéry cương quyết làm người ta
cảm thấy ông nhất định không chịu đọc Anatole France, nếu có đọc biết đâu ông
lại có ý kiến trái ngược. Không chỉ chẳng hề nhắc tới một nhan đề sách nào, bài
diễn văn còn tuyệt đối không rõ ràng, thậm chí chẳng một lần ám chỉ đến một tác
phẩm nào hết.
Tệ hơn nữa, Valéry còn
chú ý để không một lần nhắc tên của người ông sẽ thừa kế chiếc ghế, chỉ dùng
các cách nói vòng hoặc ám chỉ thông qua chơi chữ với cái tên của Anatole
France: “Ông chỉ có thể tồn tại và có thể được hình dung tại Pháp, đất nước mà
ông đã mượn tên”.
Việc Valéry từ chối
tạo ra cảm giác ông từng đọc Anatole France có thể cũng xuất phát từ lời trách
móc chính yếu của ông đối với France, đó là đọc quá nhiều. Valéry đánh giá
France là “độc giả vô biên” - cụm từ này, phát ra từ Valéry, nghe giống như một
câu chửi - trái ngược với người kế nhiệm ông ở Viện Hàn lâm, France đắm chìm trong
sách vở:
Thực tình, thưa các ngài,
chỉ cần nghĩ tới những kho chứa sách vở mênh mông chất chồng trên thế giới, tôi
thật không biết tại sao một tâm hồn lại có thể giữ được lòng can đảm. Với tâm
trí còn gì gây chóng mặt hơn, còn gì gây lúng túng hơn khi phải chiêm ngưỡng
những bức tường khảm đồng thếp vàng của một thư viện lớn; và còn có gì nặng nề
hơn khi nhìn thấy những hàng sách kia, những dãy tác phẩm trí tuệ giăng giăng
trên các ke sông, hàng triệu quyển sách to sách bé kia bên bờ sông Seine giống
như xác những con tàu trí tuệ bị đắm do thủy triều thời gian đẩy dạt vào, thanh
tẩy hóa suy tư chúng ta?
Thế nhưng việc đọc quá
nhiều này dẫn tới hậu quả là làm cho France đánh mất sự độc đáo. Bởi trong mắt
Valéry, đó chính là nguy cơ to lớn mà việc đọc sách gây cho nhà văn, đọc sách
khiến nhà văn trở nên lệ thuộc người khác:
Thưa các ngài, vị đồng
nghiệp thông thái và tinh tế của các ngài đã không cảm thấy bất ổn khi phải
đương đầu với cái vô cùng lớn. Ông có một bộ óc vững chắc hơn. Ông không cần
phải đọc thật ít mới có thể phòng tránh được những chán ngán và cơn chóng mặt
về thống kê học đó. Đã không hề thấy mình bị áp bức, ông lại còn được kích
thích từ sự phong phú ấy, từ đó ông rút ra được rất nhiều lời răn dạy và những
bài học tuyệt vời nhằm hướng lối và nuôi dưỡng nghệ thuật của ông.
Người ta từng phán xét ông
khá nặng nề và đầy ngây thơ vì hiểu biết nhiều điều đến vậy, và vì chẳng chịu
không biết những gì ông biết. Ông còn có thể làm gì nữa đây? Ông có từng làm gì
không luôn luôn vẫn được làm đâu? Với các nhà văn còn có gì mới mẻ hơn cái
nghĩa vụ phải hoàn toàn mới mẻ.
Một trong những chìa khóa để hiểu văn bản này nằm trong mệnh đề “không
biết những gì người ta biết”, nghĩa là đối ngược với cách thức của France. Sự
hiểu biết chứa đựng ở trong nó mối đe dọa bị sa lầy trong những quyển sách của
người khác, mà ta nhất thiết phải thoát khỏi nếu muốn tự tạo ra tác phẩm riêng.
Nói ngắn gọn, France, người đã không biết cách tìm ra một con đường cá nhân,
chính là mẫu hình cho những điều tai hại của đọc sách, và vậy là ta hiểu tại
sao Valéry rất cẩn trọng không chỉ trong việc không bao giờ trích dẫn France
hoặc nhắc đến tác phẩm của ông, mà thậm chí còn không nói đến tên ông, như thể
chỉ riêng việc ấy thôi cũng có thể đẩy Valéry vào một tiến trình đánh mất bản
thân tương tự.
*
* *
Vấn đề ở những “bài
tưởng niệm” Proust và Anatole France là chúng khiến người ta nghi ngờ tất cả
các văn bản của Valéry về các nhà văn, bắt ta phải tự hỏi liệu ông đã đọc họ
chưa hay chỉ lướt qua một cách mơ hồ. Khi mà Valéry công nhận mình ít đọc nhưng
tuy vậy lại không ngần ngại đưa ra ý kiến, mọi nhận định của ông trong phê
bình, ngay cả những gì hiền lành nhất, cũng trở nên đáng ngờ.
Lời tưởng niệm một tên
tuổi lớn nữa của văn chương nửa đầu thế kỷ 20, Bergson, không hề giúp ta bớt lo
lắng về khía cạnh này. Văn bản ấy, được đặt tên “Diễn văn về Bergson”, là bài
nói chuyện tại Viện Hàn lâm Pháp vào tháng Giêng năm 1941, dịp triết gia qua
đời. Nó mở đầu theo một cách thức khá cổ điển, nói đến cái chết và lễ tang
Bergson, rồi tiếp tục, trong thứ “ngôn ngữ lưỡi gỗ” thuần chất nhất, bằng việc
liệt kê các phẩm chất của ông:
Ông là niềm kiêu hãnh của
Viện chúng ta. Dù cho siêu hình học của ông có hấp dẫn chúng ta hay không, dù
cho chúng ta có đủ sức đi theo ông hay không trong cuộc kiếm tìm sâu thẳm mà
ông cống hiến cả đời mình, trong tiến trình thực sự mang tính sáng tạo của tư
tưởng ông, mỗi lúc một táo bạo và tự do hơn, thì chúng ta cũng thấy ở ông hình
mẫu chân thực nhất của các phẩm hạnh trí thức ở mức độ cao nhất.
Sau bước vào đề như
vậy, chúng ta chờ đợi những lời khen ngợi ấy được biện minh và - tại sao lại
không? - Valéry làm rõ các ý kiến của mình trong tương quan với các ý kiến của
Bergson. Nhưng độc giả sẽ nhanh chóng thất vọng, vì phần mở đầu đoạn văn tiếp
theo rất điển hình cho những lời bình luận sách chưa đọc:
Tôi sẽ không đi sâu vào
triết học của ông. Đây không phải là lúc tiến hành một sự kiểm chứng đòi hỏi
phải đào sâu, ta chỉ có thể làm được như vậy dưới ánh sáng của những ngày quang
quẻ và bằng cách vận dụng tất tật năng lực suy tư.
Ở trường hợp Valéry,
chúng ta có thể e ngại rằng việc “không đi sâu vào triết học” của Bergson không
phải một cách nói bóng bẩy mà hoàn toàn là theo nghĩa đen. Và phần sau của bài
diễn văn không làm người ta yên tâm về hiểu biết của Valéry về tư tưởng
Bergson:
Các vấn đề rất cổ xưa, và do
vậy, rất khó, mà ông Bergson từng bàn đến, như vấn đề thời gian, vấn đề ký ức,
nhất là vấn đề sự phát triển của cuộc đời, đã nhờ ông mà được đổi mới, và tình
thế của triết học như từng vậy ở Pháp cách đây chừng năm mươi năm, đã được biến
đổi một cách đáng kể.
Nói rằng Bergson từng khảo về thời gian và ký ức - có triết gia nào chưa
từng làm việc đó? - rất khó có thể được coi là một giới thiệu, dù là ngắn gọn,
về tác phẩm của ông, những gì độc đáo mà nó mang lại. Thế nhưng, nếu bỏ qua vài
dòng nói về sự đối lập giữa Bergson và Kant, đoạn sau của bài diễn văn mơ hồ
đến mức hẳn nhiên là có thể áp dụng cho Bergson, nhưng cũng có thể áp dụng cho
rất nhiều tác giả, mà các công thức xưng tụng quy chuẩn hoàn toàn có thể miêu
tả một cách xác đáng:
Hình ảnh rất khôi vỹ, rất
thuần khiết, rất cao quý của con người suy tư, và có lẽ là một trong những
người cuối cùng suy tư, một cách đăm đắm, một cách sâu thẳm, một cách cao quý,
trong một thời kỳ thế giới ngày càng ít suy tư và trầm tưởng đi, khi nền văn
minh như thể mỗi ngày qua đi chỉ còn thu giảm về kỷ niệm và những tàn tích mà
chúng ta còn giữ lại được từ sự phong phú đa hình và sức sản sinh tri thức tự
do và ngập tràn của nó, trong khi sự khốn cùng, những hoang mang, các bó buộc
thuộc mọi loại gây u uất hay chán nản cho các công trình của trí tuệ, có vẻ như
Bergson thuộc về một kỷ nguyên đã kết thúc, và tên ông là cái tên vĩ đại cuối
cùng của lịch sử trí thức châu Âu.
Như ta có thể thấy,
Valéry không thể tự ngăn mình kết thúc bằng một sự ác ý, câu văn đầy nồng nhiệt
“cái tên vĩ đại cuối cùng của lịch sử trí thức châu Âu” rất khó làm giảm nhẹ
được sự nghiệt ngã của câu trước đó, cái câu đã thân ái xếp Bergson vào một “kỷ
nguyên đã kết thúc”. Đọc câu này, đồng thời cũng đã biết niềm say mê sách vở
của Valéry, ta có thể ngờ rằng ông đã cố tình nhấn mạnh vào vị thế lỗi thời của
Bergson trong lịch sử tư tưởng để khỏi phải mở các tác phẩm của triết gia ra
đọc.
*
* *
Cách thức phê bình
không nhắc tới cả tác giả lẫn văn bản này không có gì là phi lý. Ở Valéry, nó
được dựa trên một quan niệm có lập luận về văn chương, mà một trong các ý tưởng
chính yếu là không chỉ tác giả vô ích, mà tác phẩm cũng là quá thừa.
Mối phiền nhiễu do tác
phẩm gây ra này trước hết có thể được gắn kết với tổng thể quan niệm văn chương
của ông, là cái được ông, sau Aristote và nhiều người khác, gọi là một thi pháp. Quả thật Valéry quan tâm trên
hết đến việc rút tỉa từ đó những quy luật chung cho văn chương. Do vậy, vị thế
mỗi văn bản trở nên mù mờ, vì chắc chắn là nó có thể dùng làm một ví dụ trong
quá trình tạo dựng nên thi pháp này, nhưng cùng lúc, nó cũng đáng bị đặt sang
một bên nhằm có được một cái nhìn toàn cảnh.
Vì vậy chúng ta có thể
tin theo William Marx khi ông ghi nhận điều hấp dẫn Valéry không phải tác phẩm
nào đó mà là “ý tưởng” của nó:
Phê bình theo đường lối hàn
lâm tìm cách dồn tụ càng nhiều càng tốt các tài liệu và dành cho các nguồn
ngoại-văn học (thư từ, giấy tờ cá nhân, v.v…) một tầm quan trọng vượt trội, còn
phê bình của Valéry muốn giới hạn đến mức tối thiểu đối tượng của mình, chỉ để
lại bản thân tác phẩm trong tầm quan sát, thậm chí là ít hơn tác phẩm: ý tưởng
đơn giản của tác phẩm.
Việc xâm nhập cái “ít
hơn tác phẩm” này, tức là ý tưởng của nó, có nhiều cơ may thực hiện được hơn
nếu ta không tiến lại gần quá mức, vì nếu không có nguy cơ sẽ lạc lối trong
tính chất đặc thù của nó. Xét cho cùng, nhà phê bình có cơ may cảm nhận được
những gì anh ta quan tâm trong ý tưởng ấy, để rồi vượt qua nó, nếu nhắm mắt lại
trước nó rồi nghĩ nó có thể là gì - nó không phải là chính nó, mà là những gì
nó chia sẻ với những thứ khác. Ngay khi ấy mọi sự đọc quá chăm chú, nếu không
muốn nói bất kỳ sự đọc nào, đều sẽ cản trở ta nắm bắt sâu sắc đối tượng của
mình.
Với thi pháp về khoảng
cách này, Valéry tạo ra nền tảng hữu lý cho một trong những cách thức liên hệ
hay gặp nhất của mỗi người với quyển sách: lướt qua. Quả thật là rất hiếm khi,
lúc cầm một quyển sách trên tay, chúng ta đọc từ dòng đầu tiên đến dòng cuối
cùng của sách, chưa nói đến việc cách thức ấy có khả dĩ hay không. Phần lớn
thời gian chúng ta làm với những quyển sách điều mà Valéry đòi hỏi được làm với
Proust: chúng ta đọc lướt chúng.
Khái niệm đọc lướt này
có thể được hiểu theo ít nhất hai cách. Trường hợp đầu tiên là đọc lướt tuyến
tính. Độc giả khởi sự đọc văn bản từ đầu, rồi bắt đầu nhảy qua nhiều dòng hoặc
nhiều trang và tiến đến kết thúc, dù cho có đến đó được hay không. Trường hợp
thứ hai là đọc lướt vòng tròn, độc giả không lựa chọn cách đọc có trật tự, mà lang
thang trong tác phẩm, đôi khi còn bắt đầu từ điểm kết thúc. Cách thứ hai, cũng
như cách thứ nhất, không hàm chứa một sự coi nhẹ nào đó. Nó chính là một trong
những cách quen thuộc của chúng ta khi liên quan đến sách, và làm cho độc giả
không mang sẵn định kiến từ trước.
Nhưng sự phong phú lớn
lao ở cách thức khám phá này gây rối loạn mạnh mẽ cho khác biệt giữa đọc và
không-đọc, thậm chí chính khái niệm đọc sách. Cần phải xếp vào hạng nào những
người bỏ ra một khoảng thời gian cho một cuốn sách, thậm chí nhiều tiếng đồng
hồ, mà không đọc hết nó? Liệu ta có thể nói rằng, nếu nói đến cuốn sách ấy, thì
có nghĩa họ đang nói đến một cuốn sách mà họ chưa đọc? Một câu hỏi giống hệt
cũng đặt ra đối với những người, giống như viên thủ thư của Musil, luôn ở lại bên
lề quyển sách, và ta có thể tự hỏi ai là độc giả tốt hơn, người đọc thật sâu
một cuốn sách mà không định vị được nó và người không bước chân vào quyển sách
nào, nhưng lại đi vòng vòng qua tất cả.
Ta có thể thấy là rất
khó - và mọi thứ sẽ chỉ càng làm cho vấn đề khó thêm lên - mà định hình chính
xác không-đọc là gì, và, tiếp theo đó, đọc nghĩa là gì. Có vẻ như thường xuyên
hơn cả, ít nhất là với những cuốn sách thiết thân với chúng ta trong một lĩnh
vực hiểu biết nào đó, chúng ta ở vào một lãnh thổ trung gian nằm giữa đọc và
không đọc, thành thử sẽ thật khó khẳng định chúng ta đã đọc phần lớn sách hay
chưa.
*
* *
Cũng hoàn toàn giống
như Musil, Valéry thúc đẩy ta suy nghĩ theo đường lối của thư viện tập thể, chứ
không căn cứ vào cuốn sách đơn lẻ. Với một độc giả chân chính, thích suy nghĩ
về văn chương, đâu phải một cuốn sách nào đó, mà tổng thể sách mới quan trọng,
và quan tâm quá mức đến một cuốn sách có thể gây nguy cơ không nhìn được tổng
thể vốn là thứ, trong mọi quyển sách, tham gia một hệ thống rộng lớn hơn, hệ
thống ấy cho phép hiểu cuốn sách một cách sâu sắc.
Nhưng Valéry cũng cho
phép chúng ta đi xa hơn, bằng cách mời gọi chúng ta áp dụng cùng thái độ ấy
trước mỗi cuốn sách và có được từ cuốn sách một cái nhìn chung, cái nhìn này
liên quan một phần tới cái nhìn lên toàn thể những cuốn sách. Việc tìm kiếm
điểm nhìn này hàm ý cần phải chú ý sao cho không bị lạc lối trong một đoạn văn
nào đó và do vậy giữ được một khoảng cách hợp lý với cuốn sách, có vậy thì mới
có thể thu nhận được ý nghĩa đích thực của nó.
-----------
Đây cũng là cách để thông báo chúng ta sẽ thực sự đi sâu vào Marcel Proust, chứ không vờn qua vờn lại như thời gian vừa qua nữa.
Liên quan đến Proust:
Excellent goods from you, man. I have understand your stuff
ReplyDeleteprevious to and you are just too magnificent. I really like what you have acquired here,
certainly like what you are stating and the way in which you say it.
You make it enjoyable and you still take care of to
keep it sensible. I can not wait to read much more from you.
This is really a great website.