Jun 24, 2017

Văn chương không phải là

Tại sao, nhưng mà tại sao nhỉ? tại sao Roland Barthes nhất định thấy chỉ có duy nhất một câu hỏi có nghĩa: Văn chương là gì? Nếu như vậy, phê bình văn học chính là một công việc hoàn toàn nằm trong địa hạt của siêu hình học. Ít nhất, phê bình văn học phải chấp nhận không được phép dừng lại ở ngưỡng cửa của siêu hình học. Đó là bổn phận của nó, mà nếu lờ đi, không chỉ nó sẽ nói lung tung, mà thậm chí, nó còn không thể trở thành chính nó.

Người ta gọi Barthes là nhà phê bình văn học, là lý thuyết gia văn học, còn Foucault là triết gia. Trông thì dường như rất hữu lý. Và yên ổn. Nhưng hai con người ấy có ở cách xa nhau đến vậy không? Tôi nghĩ là không. Barthes, khi bàn về Jules Michelet, ngay lập tức đi vào câu hỏi lịch sử có thể là gì? Văn chương, lịch sử, triết học có thể là ba lĩnh vực riêng rẽ được không? Tôi nghĩ là không, cái sự "văn sử triết bất phân" rất hay được nêu lên như bằng chứng cho sự mù mờ và kém cỏi của đầu óc khoa học của một quá khứ nào đó, thật ra đâu có sai chút nào? Người ta cũng chỉ đọc Barthes nói về văn chương, đọc Barthes bình luận Balzac (Sarrasine chẳng hạn, đây là một tác phẩm thuộc Vở kịch con người), nhưng vậy thì đâu có đủ: Barthes còn là người bình luận Michelet, Fourier hay Loyola.

Foucault cũng nói về văn chương nhiều hơn người ta tưởng. Chưa cần nói đến vai trò của René Char hay Raymond Roussel (chính là tác giả cuốn tiểu thuyết trong đó có rất nhiều "răng" mà tôi đã nhắc ở kia, nhân vật văn chương mà Foucault sớm dành cho cả một cuốn sách), Foucault cũng là người nằm trong vòng cương tỏa của câu hỏi Văn chương là gì? Xem ở kia sẽ thấy một tập sách, trong đó có một bài giảng trong thập niên 60 tại Bruxelles, khi Foucault tìm cách trả lời xem văn chương xuất hiện vào lúc nào: đó là thời điểm ngay trước Balzac, thời điểm của Chateaubriand và của Sade. Đó chính là khi Foucault, để trả lời câu hỏi ấy, trình bày cách đọc thế kỷ mười tám và thế kỷ mười chín của mình (xem thêm về vấn đề này ở kiaở kia).

Và rốt cuộc, văn chương là gì?

Ta cũng sẽ đi theo mô hình của câu hỏi đọc là gì? Tức là, trước hết xem văn chương có thể không phải là gì.


Thứ nhất, văn chương không phải là tư tưởng

Hãy coi bất kỳ ai nói văn chương chính là tư tưởng, văn chương phải có tư tưởng, văn chương gắn bó mật thiết với tư tưởng, nếu không có tư tưởng thì văn chương là vứt đi etc., hãy coi những người ấy là không hiểu gì. Giả vờ đấy. Ra cái vẻ đấy.

Văn chương không phải là tư tưởng, bởi vì tư tưởng thuộc về một bộ môn, bộ môn ấy tên là "Ideology". Đây là món, theo tôi thấy, bỗng trở thành mốt trong một bộ phận của giới nghiên cứu văn học tại Việt Nam thời gian gần đây. Một thứ một này và một thứ mốt khác. Và luôn luôn rất vớ vẩn, các nhà nghiên cứu Việt Nam: tôi chưa thấy một ai hiểu rằng đối với "Ideology", nhất thiết phải đi ngược trở về Destutt de Tracy và Éléments d'idéologie. De Tracy là thần tượng tuổi trẻ của Stendhal, de Tracy là nhân vật mà thế hệ nhà văn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 mà chúng ta quan tâm  đọc rất nhiều, bên cạnh vài người khác, chẳng hạn Biran de Maine hay Cabanis. Ta sẽ đi sâu vào mấy nhân vật này. Các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam vẫn tiếp tục trượt dài trong mấy trò chạy theo mốt, chưa bao giờ họ hiểu cần phải nhìn vào đâu, trong bất kỳ vấn đề nào mà họ tỏ ra là có chú ý. Thật ra, họ không hề chú ý, họ chỉ giả vờ.

Văn chương không phải là tư tưởng, coi văn chương là tư tưởng chỉ là kết quả của một nhầm lẫn hết sức sơ đẳng, một nhầm lẫn rất khó tin là lại có thể tràn lan đến như thế, bởi vì nó rất dễ tránh, quá dễ tránh. Đó là lẫn lộn giữa tiên nghiệmhậu nghiệm.


Thứ hai, văn chương không phải là cảm xúc

Có cả một trường phái dạy văn ở Việt Nam đặt trọng tâm vào "cảm", rồi thì dắt dớ dây dưa sang "cảm thụ", cảm x và cảm y, đủ mọi thứ.

Văn chương không phải là cảm xúc. Rất đáng tởm cái bọn "đọc xong rồi viết cảm nhận" về một cuốn sách nào đó.

Viết cảm nhận, điều này khiến tôi nhớ đến hồi tôi còn bé, đi mượn sách ở phòng đọc thiếu nhi Thư viện Hà Nội phố Bà Triệu (tôi đọc 80 ngày vòng quanh thế giới ở đây), theo luật của thư viện, khi trả sách thì phải kẹp vào đó một tờ giấy viết "thu hoạch". Tôi nhanh chóng bỏ không đến cái thư viện đó nữa. Chuyên chế tư tưởng.


Thứ ba, văn chương không phải là nghệ thuật ngôn từ

Điều này sẽ khiến tôi bị cả thế giới phản đối. Nhưng nếu văn chương là "nghệ thuật ngôn từ" thật, thì chẳng có gì khó khăn trong việc sắp xếp từ ngữ theo một số sơ đồ để chắc chắn tạo thành kiệt tác. Chuyện ấy rõ ràng là không thể làm được.


Như vậy, văn chương không phải là tư tưởng, không phải là cảm xúc, cũng không phải nghệ thuật ngôn từ. Và, nó là gì? Đây:

Văn chương là [rất tiếc, lề giấy quá nhỏ nên không thể viết đầy đủ ra đây etc.]



Trong lúc đó, ở mặt trận Balzac: sau khi hoàn thành Vĩnh biệt, Một vụ việc ám muội cũng đang khẩn trương đi tới kết thúc chương thứ nhất, mới thêm rất chi là dài.

25 comments:

  1. Văn chương là một cái nhìn

    ReplyDelete
  2. em nghĩ, định nghĩa cái gì, sẽ gần giống như là xác định cho nó một toạ độ vậy. Trước hết, là phải xác định hệ quy chiếu đã, khi hệ quy chiếu thay đổi thì toạ độ cũng thay đổi. Mặc dù hơi hoang mang vì em khá coi trọng cảm xúc trong văn chương mà anh lại phủ định như thế thì.... nhưng mà, em thích cách tiếp cận của anh, thay vì "là gì" thì là "không là gì", cứ tưởng phủ định là thu hẹp lại, nhưng thực ra nó nới rộng biên độ định nghĩa về "văn chương" của riêng em. Có nhiều thứ khó định nghĩa anh nhỉ, nếu anh đã định nghĩa đc rồi thì viết ra đi anh, đừng bắt chước ông Fermat như thế 😜

    ReplyDelete
  3. thứ n, văn chương không phải là văn chương, như Racine :b

    ReplyDelete
  4. Nhị Linh đọc văn chương quá sớm, quá nhiều, rồi tự đặt ra nhiều câu hỏi lớn vậy, làm khổ thân tâm cuả mình vậy? Người đứng dưới cái "bóng" quá lớn cuả "cây" văn chương, cái nhìn cuả anh ta sẽ có phần nào đó như cuả người mang kính râm.

    Ngưỡng mộ tất cả những gì Nhị Linh đã và sẽ làm cho văn chương. Khi về già, sau khi sống một đời vô nghiã bầm dập hay tràn trề phiêu lưu rồi mới đọc văn chương thì lúc đó văn chương mới thật sự là rượu qúi, là những câu kinh cho người học Đạo. Nó sẽ không còn là thứ mà ta cứ đem ra tán gẫu, phân tích, tổng hợp nọ kia mặc dù hữu ích và cần thiết như một học thuật. Xin chúc bạn thành công và thân tâm bằng an.

    Gió Chướng.

    ReplyDelete
    Replies
    1. đã bảo đừng comment ở đây nữa, đi chỗ khác mà chơi cơ mà, nói không hiểu à? vài chục cái comment tôi cho vào spam, cái này tôi cho hiện chỉ để nói: đi chỗ khác đi

      con người í mà, cứ tưởng nói chuyện khác tức là chuyện đã nói xong, nhưng thế là nhầm một cách thảm hại, nhổ xong rồi mà đòi liếm á? cũng có thể liếm được đấy, nhưng nhổ một thì không phải liếm một, mà ít nhất một triệu

      Delete
    2. Tôi nghĩ bạn Gió Chướng đang hiểu văn chương theo đúng cái nghĩa thứ hai của bài này, là cảm xúc, là thứ gì đó an ủi tâm hồn khi về già. Và đừng đưa những lời khuyên kêu người khác hãy "sống" đi, nghe nó ngô nghê lắm.

      Trần Bằng

      Delete
  5. từ một góc độ nhất định thì mỗi câu hỏi đều là một cái bẫy. trả lời một câu hỏi do vậy ko phải là xông thẳng vào nó như một con bốn chân hoặc hai chân xông vào miếng mồi treo (nếu ko có mồi thì là lối mòn quen nào đấy.) tức là có lẽ ta, bốn chân và hai chân, sẽ tìm lối vòng quanh nó xem nó bẫy thế nào. bởi vì các câu hỏi ko từ trên trời rơi xuống. chúng dắt díu nhau đến.

    ReplyDelete
  6. văn chương không phải là cảm xúc mà là sự THẤU CẢM!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cái từ đó vô tận đây rồi :)))

      Delete
  7. sang bên kia:

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2017/06/tien-but-nhin-nhung-mua-thu-khong-di.html

    sắp đến chỗ rất liên quan đấy

    ReplyDelete
  8. Gửi người viết, chỉ cần đọc thôi, không cần public làm màu mè quái gì đâu.

    "Chỉ có duy nhất một câu hỏi có nghĩa" gì cơ? Mọi kiểu nói tuyệt đối như thế này đều là ngu ngốc. Có rất nhiều thứ có nghĩa, tuỳ nhiều hay ít.

    Văn chương không phải là những thứ kia á? Buồn cười quá, thế văn chương là cái đéo gì? À, lề giấy nhỏ quá hả? Phủ nhận 3 trong rất nhiều thứ đa dạng làm nên văn chương để rồi viện cớ hèn nhát nhạt nhẽo cho khỏi nói câu trả lời của mình, vì dù sao bản thân cũng chỉ giỏi dùng giọng văn kiêu ngạo thùng rỗng kêu to để cố gắng khoe khoang giá trị cá nhân?

    Ồ tôi cũng nên nói định nghĩa văn chương của mình chứ nhỉ, để khỏi bị đáp lại là chỉ biết chê chửi hèn nhát mà không xây dựng tranh luận. Văn chương là câu chữ từ ngữ, có thể có tư tưởng hoặc nội dung, thường là cảm xúc, nghệ thuật kiểu này hoặc khác, tuỳ mỗi người, đối với mỗi người. Văn chương là tất cả những thứ không nhìn thấy được của người đọc và người viết, khi họ, độc lập tiếp xúc con chữ.

    "Rất đáng tởm"!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thôi nào, nguyên tắc duy nhất có nghĩa này: fb ai người ấy đẹp, blog ai người ấy đúng, đèn ai nấy sáng, háng ai nấy dạng.

      P/S: không đả kích cá nhân nhá

      Delete
    2. Tôi cũng không đồng ý bài này, nhưng tác giả có quyền thể hiện quan điểm, bác muốn phản biện thì viết sao cho nó có đầu đuôi tí rồi hãy nói. Gì mà "Văn chương là câu chữ từ ngữ, có thể có tư tưởng hoặc nội dung, thường là cảm xúc, nghệ thuật kiểu này hoặc khác," viết như con nít tập làm văn thế thì phản biện làm chi?

      Delete
  9. tóm được một chuyên gia viết cảm nhận đây rồi

    ReplyDelete
  10. Mình đồng ý với ý kiến của bạn Minh Châu

    ReplyDelete
  11. giạng, not dạng

    viết đúng chính tả đi đã, sau đó ban phát tư tưởng vẫn chưa muộn mà

    ReplyDelete
    Replies
    1. Quick and snow lừng lẫy một thời kia mà

      Hic hic

      Delete
  12. Cái gì là cái gì thì không còn là cái gì

    ReplyDelete
  13. bạn học em (lớp 10) bị 0 điểm khi trả lời em không cảm nhận gì bài thơ này, thời đó mà dám trả lời như thế rất ít, sau trở thành giám tuyển nghệ thuật tại Mỹ

    ReplyDelete
    Replies
    1. bạn tên là Huy đúng không?

      Delete
  14. Một vụ việc ám muội sẽ chứ anh?

    ReplyDelete
  15. đang chuẩn bị rồi, đã sắp sẵn sàng

    ReplyDelete
    Replies
    1. một năm không Balzac thật ảm đạm

      Delete
    2. cứ thong thả, tiệc hay còn dài mà

      Delete
    3. với Balzac mọi người đều sốt sắng như vùng hoang hạn mong chờ trận đại vũ

      Delete