Nhân tiện: đã thêm không ít Ferragus.
Kể từ ngày 6 tháng Hai năm 2017, tôi bắt đầu cuộc phiêu lưu riêng của tôi với Balzac, với Vở kịch con người. Cho đến lúc này, có 15 post chỉ dành riêng cho việc dịch La Comédie humaine (xem danh sách ở cuối, có đánh số thứ tự, số La Mã kiểu I II III IV cho nên cũng không dễ hiểu lắm), bao gồm mười tác phẩm thuộc Vở kịch con người mà tôi lựa chọn. Ngoài đó ra là thêm một số bài viết về Balzac, một số vấn đề liên quan - mảng "phụ trợ" (nhưng cũng có lúc không kém phần quan trọng) này tới đây cũng sẽ được tiếp tục: tôi sẽ phân tích "lối đi của Balzac", những văn chương về sau in dấu ấn của Balzac, các nhân vật văn chương xoay quanh Balzac, những ai mà Balzac thần tượng (Rabelais, Laurence Sterne, Walter Scott chẳng hạn), những ai mà Balzac chỉ đơn giản là có nhắc đến (Benjamin Constant, bà de Staël, Nodier chẳng hạn), hoặc giả văn chương Balzac trong mắt nhà phê bình lớn nhất của thế hệ ấy, Sainte-Beuve, thì có thể như thế nào. Chuyện thế hệ là quan trọng ở rất nhiều nơi, và hết sức quan trọng ở trường hợp Balzac. Thế hệ của Balzac, như tôi có lần nói, có Constant hay Stendhal là đàn anh, sát tuổi với Balzac là Dumas (về Alexandre Dumas xem ở kia), Hugo, Sainte-Beuve hay George Sand. Nhưng nếu kéo rộng thêm nữa, có thể coi là mở đến kịch đại khái niệm "thế hệ", ta cũng có thể đặt các câu hỏi như Théophile Gautier có thể nhìn nhận Balzac như thế nào (Gautier sinh ra vào khoảng giữa Balzac và Flaubert). Jules Barbey d'Aurevilly, nhân vật sinh sau Balzac 9 năm, có thể vừa tiếp nối (rất xuất sắc) vừa kháng cự (vô cùng dũng mãnh) trước Balzac ra sao. Barbey d'Aurevilly có một cuốn tiểu thuyết khi được xuất bản được Gautier chào mừng là cuốn sách oai hùng nhất kể từ khi Balzac qua đời. Tôi cũng sẽ thử mở rộng vấn đề về những hướng còn "insolite" hơn: các nhà thơ như Gérard de Nerval hay Maurice de Guérin, đều sinh sau Balzac vài năm, có thể đặt như thế nào vào bên cạnh Balzac.
Tức là, một nhân vật như Balzac, ít nhất là theo cách nhìn nhận của riêng tôi, là một mắt xích trọng yếu của toàn bộ con đường văn chương Pháp. Văn chương ấy tỏa bóng, văn chương ấy gây ảnh hưởng, nhưng đồng thời cũng có thể gây hoảng sợ, thậm chí gây căm ghét.
Cuộc phiêu lưu của tôi (ít nhất là một phần) qua mười cuốn tiểu thuyết của Balzac (mười cuốn thì có thể coi là một vòng tròn, một vòng tròn nho nhỏ) là một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Tất nhiên, kỳ thú với riêng tôi, chứ đối với những người khác, những ai có đọc tất cả hoặc một phần những gì tôi đã đăng lên đây, thì làm sao tôi biết được.
Đọc hết Vở kịch con người là không dễ. Khi tôi bỗng nghĩ hay là thử làm như vậy xem sao, thì vài ngày đầu, chưa một khoảnh khắc nào tôi nghĩ mình có thể làm cho đến cùng. Đọc hết Vở kịch con người cũng đồng nghĩa với đọc nhiều lần gấp lên toàn bộ À la recherche du temps perdu của Marcel Proust. Kể cả khi đã nhiều lần đọc bộ sách của Proust, thì tôi vẫn không hề chắc chắn mình có thể đọc hết bộ sách của Balzac. Dẫu cho hồi còn nhỏ tôi đã đọc không ít tiểu thuyết của Balzac, thì việc muốn đọc hết Vở kịch con người vẫn cứ thực sự là một thử thách (thử thách đối với riêng tôi thôi, không cần quan tâm quá).
Tôi nghĩ, ít nhất vài lần trong đời, tự đặt mình trước một thử thách nào đó "insolite" không hẳn không phải là một việc không nên làm.
Tất nhiên, tôi gặp may mắn, vì khi khởi động, tôi được nói cho về một số tiểu thuyết trong Vở kịch con người mà tôi chưa bao giờ đọc. Chúng gây kích thích rất lớn, vì quả thật mấy cuốn ấy quá xuất chúng, chúng thuyết phục tôi tiếp tục, thuyết phục tôi đọc lại cả những gì tôi từng đọc cách đây đã rất lâu. Sau khi đọc xong khoảng mười tác phẩm, tôi vẫn chưa tin mình có thể đọc hết cả bộ sách.
Chắc phải tới khi đã đọc quá nửa Vở kịch con người tôi mới thực sự tin, lần này vậy là được rồi. Không chỉ vậy, đến thời điểm ấy, thì tôi cũng đã nhìn ra nhất nhiều điều. Đó chính là giá trị của việc đọc hết, như đã nói ở kia.
Đọc xong như vậy rồi, câu hỏi đặt ra, giống hệt Lê-nin, là câu hỏi "Làm gì?" Nhưng cũng câu "làm gì?" này của Tchernichevsky có ý nghĩa hơn nhiều (ta sẽ sớm đến với họ, Lê-nin cũng như Tchernichevsky).
Mười cuốn tiểu thuyết thuộc "vòng thứ nhất", ngoài Nàng tình nhân hờ đã xong hoàn chỉnh, một số cuốn khác cũng đã được kha khá, cụ thể hơn: Ferragus đã gần hết, Louis Lambert cũng còn lại không đáng kể, Một vụ việc ám muội tới đây ta sẽ tiến thẳng đến hết phần thứ nhất (đây là một tiểu thuyết dài, gồm hai phần rất đối xứng với nhau), Albert Savarus gần được một nửa, Séraphîta đã qua được chương đầu rất trọng yếu, Người phụ nữ tuổi ba mươi thì đã đến cuối chương đầu dài nhất, cũng là phần quan trọng nhất của cả cuốn sách; về cơ bản tôi chỉ còn chưa "đầu tư" nhiều lắm cho Viên bác sĩ nông thôn và Ursule Mirouët, việc mà tới đây tôi sẽ làm.
Nhiều vấn đề nảy sinh, trong đó có những điều nho nhỏ, chẳng hạn: ở kia, nhân vật Malin nói chuyện với Grévin, rồi bỗng Balzac miêu tả Malin đưa ngón tay gõ gõ lên "palettes" cho phát ra tiếng động; mãi mà tôi không hình dung được hành động ấy. Balzac có đặc biệt nhiều từ và cụm từ riêng, các từ điển cũng rất chịu khó lấy ví dụ rút ra từ tiểu thuyết của Balzac, nhưng tìm mãi tôi vẫn không thấy "palettes" ở đâu. Rất may, gần đây đọc lại một cuốn tiểu thuyết cuối thế kỷ 19, có chú thích cụ thể, bỗng tôi thấy "palettes", hóa ra nó là "răng": Malin gõ móng tay lên răng cho phát ra tiếng động; may mắn thế nào, cuốn tiểu thuyết tôi mới đọc lại kia lại rất chuyên về các loại răng.
Một vấn đề lớn nữa: chú thích. Tôi đã thử nhiều cách, Séraphîta chẳng hạn, tôi không hề chú thích; một số cuốn khác, tôi chú thích chừng mực, nhưng đặc biệt Nàng tình nhân hờ, Louis Lambert và Ursule Mirouët thì tôi chú thích đúng nghĩa là "điên cuồng".
Kể từ "vòng thứ hai" này, tôi sẽ chỉ chú thích rất ít. Cho tới giờ, tôi nghĩ tôi đã làm đến hơn một nghìn cái chú thích, chừng ấy có lẽ cũng đã bao quát được rất nhiều điều cần chú thích trong cả Vở kịch con người, bởi vì có một điều bí mật: Balzac rất hay lặp lại.
Với "vòng thứ nhất", tôi đã bổ sung cho ba mươi tác phẩm thuộc Vở kịch con người từng tồn tại trong tiếng Việt (xem danh sách trong mấy bức ảnh ở kia). Với "vòng thứ hai" này, chúng ta sẽ thực sự vượt qua mức một nửa số lượng tác phẩm Vở kịch con người có bản dịch tiếng Việt.
Trong "vòng thứ nhất", tôi tuyệt đối tránh động đến những gì đã được dịch trước đây. Nhưng tôi mở đầu "vòng thứ hai" chính bằng một tác phẩm đã có bản dịch: Splendeurs et misères des courtisanes (đây là một trong vài cuốn tiểu thuyết dài nhất của Vở kịch con người, và cũng thuộc hàng lớn nhất).
Tôi đọc tác phẩm này của Balzac lần đầu tiên trong bản dịch dưới đây (ấn bản 1986-1987):
Tôi sẽ không bao giờ chối ý nghĩa của bản dịch này đối với riêng tôi: nhờ có nó tôi mới biết đến Splendeurs... Tôi cũng không định phủ nhận điều gì hết, thậm chí tôi còn sẵn sàng nói, sau khi đọc lại gần đây: đó là một bản dịch rất tốt, với rất nhiều "mérite". Tôi dịch Splendeurs... không hề trong sự phản đối lại bản dịch ấy, mà chỉ vì bản thân Splendeurs...
Tuy nhiên, nói vậy rồi, cela dit, tôi chỉ muốn nói thêm đúng một câu: đó không phải là Balzac.
-----------
RỰC RỠ VÀ KHỐN CÙNG ĐỜI KỸ NỮ
Phần thứ nhất
Các thiếu nữ yêu như thế nào
QUANG CẢNH VŨ HỘI Ở OPERA
Năm 1824, tại vũ hội cuối cùng của Opera, nhiều mặt nạ bị
choáng váng trước vẻ đẹp một chàng thanh niên đi tới đi lui nơi các hành lang
và gian chính bên ngoài, trong dáng vẻ của những người đi tìm kiếm một phụ nữ bị
giữ chân lại nhà bởi hoàn cảnh bất ngờ. Bí mật của dáng đi kia, lúc nhặt lúc
khoan, chỉ các phụ nữ đã già và vài nghệ sĩ trong ngạch lang thang mới có được.
Nơi điểm hẹn rộng lớn này, đám đông chẳng mấy quan sát đám đông, các quan tâm
nhiễm đầy dục vọng, ngay bản thân Rỗi Việc cũng bận rộn tâm trí. Chàng dandy trẻ
đắm đuối vào cuộc đi tìm đẫm lo âu của mình, rất đỗi chàng không hay biết về
thành công mà chàng tạo ra: những ồ à đầy ngưỡng mộ tuy nhạo báng của vài mặt nạ,
những mối kinh ngạc nghiêm trang, những câu nói đùa xóc óc, những lời êm dịu nhất,
chàng không nghe thấy, chàng chẳng hề nhìn thấy. Dẫu cho vẻ đẹp của chàng xếp
chàng vào số các nhân vật ngoại lệ tới vũ hội Opera để trải một chuyến phiêu
lưu, những người chờ đợi nó giống như người ta từng chờ đợi một cú may mắn ở
trò Roulette hồi Frascati còn sống, vẻ như chàng biết chắc theo đường lối tư sản
về bữa tiệc của mình; hẳn chàng là nhân vật chính trong một bí ẩn gồm ba con
người, thứ tạo nên toàn bộ vũ hội hóa trang ở Opera, và chỉ được biết đến bởi
những ai có vai trò trong đó; bởi vì, đối với các phụ nữ trẻ tới đây nhằm có quyền
nói: Tôi đã thấy; đối với những người
ở tỉnh lên, đối với các thanh niên non kinh nghiệm, đối với người nước ngoài,
Opera khi ấy hẳn là tòa cung điện của nỗi mệt và sự buồn chán. Đối với họ, đám
đông đen đặc kia, chậm chạp và vội vã, đi đi lại lại, uốn ngoằn ngoèo, xoay,
quay, lên, xuống, tổng thể chỉ có thể so sánh với lũ kiến bu trên đống gỗ của
chúng, không dễ hiểu hơn so với Chứng Khoán trong mắt một nông dân Hạ-Bretagne
vốn dĩ không hay biết là có tồn tại Sổ Lớn. Trừ vài ngoại lệ rất hiếm, tại
Paris, người ta không đeo mặt nạ: một đàn ông vận domino trông thật lố. Ở điểm
này thiên tài của dân tộc bừng nở. Những ai muốn giấu đi hạnh phúc của mình có
thể đi vũ hội Opera mà không tới đó, và các mặt nạ tuyệt đối buộc lòng phải bước
vào sẽ ngay tắp lự đi ra. Một trong những cảnh tượng gây nhiều vui thú nhất là
sự chen chúc ở chỗ ra vào, ngay khi vũ hội mở cửa, đợt sóng những người thoát
ra va vào những người đang đi lên. Vậy nên, những người đàn ông đeo mặt nạ là
các ông chồng ghen tuông đến đây để rình vợ họ, hoặc giả các ông chồng hồng
loan đào hoa chiếu mệnh chẳng hề muốn bị vợ rình rập, hai trường hợp đáng chế
nhạo ngang nhau. Thế nhưng, chàng thanh niên bị theo đuôi, mà không hay biết, bởi
một mặt nạ sát nhân, to béo và thấp lùn, lăn đi như một cái thùng tô nô. Đối với
bất kỳ ai quen thuộc với Opera, bộ domino kia để lộ một ông chức sắc, một nhân
viên hối đoái, một chủ ngân hàng, một chưởng khế, một nhà tư sản nào đó lên cơn
nghi ngờ người của mình thiếu trung thành. Quả thật, ở xã hội thượng lưu tót vời,
chẳng ai chạy theo những lời chứng gây ra nỗi nhục. Đã có nhiều mặt nạ vừa cười
vừa chỉ cho nhau cái nhân vật gớm tởm kia, những người khác thì hô to gọi y,
vài thanh niên chế giễu y, dáng dấp đô con cùng vẻ điệu của y thông báo một sự
cao ngạo thấy rõ đối với những câu nói hỗn xược; y đi tới nơi nào chàng thanh
niên dẫn y tới, giống như một con lợn lòi bị truy đuổi chẳng buồn bận tâm đến cả
những viên đạn rít lên bên tai lẫn lũ chó thi nhau sủa phía sau. Dẫu cho mới
thoạt nhìn khoái lạc và nỗi lo khoác cùng bộ đồng phục gia nhân, tức là cái áo
choàng dài màu đen Venise xuất chúng, và dẫu mọi thứ đều hỗn độn vào nhau tại
vũ hội Opera, các hội giới khác nhau cấu thành nên xã hội Paridiêng gặp nhau,
nhận ra nhau và quan sát lẫn nhau. Có những khái niệm cụ thể đối với vài người
được khai trí đến mức mớ lùng nhùng các lợi ích ấy cũng dễ đọc như một cuốn tiểu
thuyết có thể hay ho. Thế nên đối với những người nhẵn mặt nơi đây, tay đàn ông
kia không thể có vận hạn tốt, nếu không, chẳng thể khác, hẳn y đã phải mang một
dấu hiệu theo quy ước nào đó, đỏ, trắng hoặc lục, nó cho thấy các hạnh phúc đã
sẵn sàng từ lẩu từ lâu. Có phải đây là một cuộc trả thù? Chứng kiến cái mặt nạ
theo sát đến vậy một người đàn ông có vận hạn tốt, vài người rỗi việc nhìn lại
khuôn mặt đẹp nơi khoái lạc đã đặt vầng hào quang thần thánh của nó. Chàng
thanh niên khiến người ta quan tâm: càng đi, chàng càng đánh thức nhiều thêm những
nỗi hiếu kỳ. Vả lại mọi thứ nơi chàng đều báo hiệu các thói quen của một cuộc đời
thanh lịch. Theo một quy luật định mệnh của thời chúng ta, có rất ít khác biệt,
hoặc thể chất, hoặc tinh thần, giữa người nổi bật nhất, người gia giáo nhất
trong số các con trai của một vị công tước đồng thời là nguyên lão, và cái
chàng trai quyến rũ mà xưa kia sự khốn cùng đã dùng hai bàn tay sắt siết chặt lấy
giữa Paris. Vẻ đẹp, tuổi trẻ có thể che giấu đi ở anh ta những vực thẳm sâu hoắm,
cũng giống như ở nhiều thanh niên muốn đóng một vai trò tại Paris mà không có đủ
món tiền gốc cần thiết cho các tham vọng của mình, và mỗi ngày lại mạo hiểm tất
tật cho tất tật, hiến sinh cho vị thần được yêu chiều nhất ở cái thành phố
vương giả này, Sự Ngẫu Nhiên. Tuy thế, dáng vẻ của chàng, các cung cách của
chàng là không thể chê trách, chàng bước trên mặt sàn cổ điển của gian chính với
tư cách người quá quen thuộc với Opera. Ai còn chưa nhận ra là ở đó, cũng như tại
mọi vùng của Paris, có một cách thức hé lộ ta là ai, ta làm gì, ta từ đâu đến,
và ta muốn gì?
“Chàng trai đẹp quá! từ đây ta có thể ngoái đầu để ngắm anh
ta, một mặt nạ lên tiếng, những người quen thuộc với vũ hội nhận ra đó là một
phụ nữ đúng như phải thế.
- Bà không nhớ anh ta à? lời đáp của người đàn ông đang đưa
cánh tay cho nàng vịn, thế nhưng bà du Châtelet đã giới thiệu anh ta cho bà rồi
còn gì…
- Gì cơ? đó là tay con trai nhà dược sĩ mà bà ấy mê tơi đấy
hả, cái tay đã trở thành nhà báo, người tình của cô Coralie?
- Tôi đã tưởng anh ta rơi xuống quá thấp chẳng bao giờ còn
có thể ngoi lên nổi, và tôi không hiểu bằng cách nào anh ta lại xuất hiện trở lại
trong xã hội Paris, bá tước Sixte du Châtelet nói.
(còn nữa)
X. Ursule Mirouët
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi (phần 1)
(phần 2)
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội (phần 1)
(phần 2)
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac
với một tác phẩm lớn thì người ta phải đối xử theo cung cách lớn là đúng rồi. tất tay đê!
ReplyDeleteà hồi hình như mới qua "thưở thiếu thời" cũng có một dạo tự nhiên hay gõ móng tay vào "palletes" vậy mà hôm đọc câu hỏi trong chú thích ko mảy may nhớ ra tẹo nào. chi tiết này quái thật. vì sao Balzac lưu ý đến những cái "Ngẫu Nhiên" như thế nhỉ?
và đúng là đoạn mở màn này cho thấy mùi "Chứng khoán" của "những mặt nạ." essence của nó thơm nhỉ, thankyou!
ở đoạn này, bối cảnh là Opéra Garnier, thời gian sau năm 1824, các hoạt động tương tự sẽ được tổ chức ở những nơi khác, như có thể thấy trong "Nàng tình nhân hờ"
ReplyDeletecòn như để xem kịch thì người ta sẽ đến các chỗ khác, đọc Nhật ký Stendhal chẳng hạn sẽ biết rất cụ thể tên các nhà hát
đoạn thằng cha Malin gõ vào răng quá quái đản, lúc đầu cứ nghĩ là cái xương nào đấy hehe
Sao cứ thấy có gì đó sẽ liên quan đến Kiều nhỉ?
ReplyDeleteCó [cái để mà đọc] là tod rồi
ReplyDeletekinh nhỉ, biết tiếng Đức kia đấy
ReplyDeleteTự nhiên em muốn kể cho anh nghe một câu chuyện nhỏ riêng tư: D:D
ReplyDeleteHồi đó một đứa học sinh con nhà nghèo lần đầu tiên làm được thẻ thư viện tỉnh Bình Định thề là suốt những năm cấp 3 em lê la ở thư viện, em có cuốn sổ tay lên danh mục những "nền văn học" cần đọc, khởi đầu anh văn học Nga(Anh đừng cười, hehe:D) rồi em mò vô cải tủ thư mục sách trong thư viện xếp theo thứ tự bảng chữ cái, tác giả đầu tiên mình cần thanh toán là A, là Aitmatov(Mong anh thông cảm một thời non dại đã qua:D), thế là ít ra em cũng đã đọc hết những đầu sách ở ông này ở thư viện tỉnh nhà rồi qua tác giả B là Bondarev là Tuyết bỏng nhưng chán quá nên cuộc phiêu lưu của em dừng lại ở đó không đọc theo hệ thống nữa...
Tuyết bỏng hay phết đấy chứ, về trận Stalingrad, có bản in ở Liên Xô, Vương Trí Nhàn là người biên tập
ReplyDeleteCòn Aimatov là một trong các thần tượng của HSG+SV Văn những năm 90. Cô giáo dạy Văn của cháu là người như thế, đứng trước lớp khuyên bọn trẻ con kém hơn chục tuổi đọc ô này. Kha khá đứa nghe theo và thất vọng khủng khiếp :D
ReplyDeletethập niên 90 cũng là theo quán tính của mấy thập niên trước đó; thời ấy nghe nói thần tượng của giới học văn phổ thông là 1. Pautovsky 2. Aitmatov 3. Gamzatov, cả ba đều là những văn chương màu mè, giả dối, rất ít tài năng; đấy là "văn học nước ngoài", trong "văn học Việt Nam" các nhân vật nổi bật cũng hoàn toàn tương tự, nhất là Nam Cao và Thạch Lam
ReplyDeleteEm cực đồng ý với anh về 2 bác Nam Cao và Thạch Lam. Cái hồi Thập niên 90 ấy,đọc mấy truyện của các bác ý trong sách giáo khoa,rồi bắt cảm nhận, phân tích, viết xong bài văn, đọc lại thấy giả tạo kiểu hô khẩu hiệu quá mà ko biết phải thế nào... Không liên quan lắm, nhưng mà tự dưng nhớ thầy dạy Văn lớp 11,hôm học về Nguyễn Bính hay Xuân Diệu không nhớ nữa, thầy mang đến 1 cái đài, cho cả lớp 1 tiết nghe ngâm thơ, lần đầu tiên và duy nhất thấy nghe Ngâm thơ hay thế :D
ReplyDeleteThanks for every other informative website. The place else
ReplyDeletecould I am getting that type of information written in such an ideal method?
I've a mission that I am simply now running on, and I have been at the glance out for such info.