Jul 16, 2017

Bernhard: Gặp lại

Dưới đây là một tác phẩm ngắn của Thomas Bernhard, tôi nghĩ rằng tôi nhìn thấy ở đó một Bernhard rất đầy đủ nhưng ở dạng thu gọn. Dịch từ bản tiếng Pháp của Daniel Mirsky.

"Gặp lại" được trích từ cuốn sách này:


Nguồn các tác phẩm ngắn được tập hợp vào Goethe trết:


-----------


Gặp lại


Thomas Bernhard


Trong khi, tôi nói, bản thân tôi từng lúc nào cũng nói quá to, nhất là khi nhắc đến từ thử thách, thì về phần mình anh ấy lại có đặc trưng là luôn luôn nói quá nhỏ, điều này từng không ngừng đè nặng lên quan hệ giữa chúng tôi, nhất là vào lúc, như chúng tôi vẫn có thói quen vào cuối mùa đông, đi vào rừng, ngày nào cũng thế và, tôi nhấn mạnh, không vòng vèo, không nói với nhau, theo một thỏa thuận chung hết sức tự nhiên, lấy một lời; chúng tôi có thói quen bước đi theo một nhịp điệu nhất định, tôi nói, nó tương ứng với nhịp các tình cảm và suy nghĩ của chúng tôi, dẫu, nói cho đúng, nó tương ứng với nhịp các tình cảm và suy nghĩ của tôi thì nhiều hơn là nhịp của anh ấy, đến lượt nó nhịp này lại tương ứng với một nhịp lời nói nhất định, đặc biệt những lúc ở trên núi cao, nơi chúng tôi rất thường ở cùng bố mẹ chúng tôi, họ leo núi hai lần mỗi năm và luôn luôn bắt chúng tôi đi cùng lên núi, trong khi chúng tôi ghét núi. Anh từng lúc nào cũng ghét núi cùng mức độ với tôi, tôi nói với anh và, ở đoạn khởi đầu mối quan hệ của chúng tôi, sự căm ghét chung hướng tới núi này là thứ thoạt tiên đã khiến chúng tôi xích lại với nhau, trước khi gắn kết chúng tôi lại trong vòng nhiều chục năm. Ngay các chuẩn bị mà bố mẹ chúng tôi thực hiện để đi lên núi đã làm chúng tôi rực cả người chống lại họ và, thêm vào đó, chống lại núi, chống lại không khí tinh khiết và chống lại sự yên bình mà bố mẹ chúng tôi mong mỏi xiết bao, thứ mà họ tưởng tìm được ở trên núi, và chỉ ở đó, nhưng chẳng bao giờ tìm thấy, như chúng tôi biết rõ, ở đâu khác ngoài trong chính họ; ngay cái cách thức họ nói đến kỳ lưu trú sắp tới trên núi cao, cách thức họ chuẩn bị đồ đạc núi cao rồi thì bắt chúng tôi phải chứng kiến sự chuẩn bị đồ đạc cho núi cao này đã khiến chúng tôi rực lên chống lại dự định của họ, nỗi khao khát của họ, đúng, cơn cuồng núi cao của họ. Bố mẹ anh có một niềm say mê núi cao còn đậm nét hơn nhiều so với bố mẹ tôi, tôi nói, nhưng thêm lần nữa bằng một cái giọng chắc hẳn quá to đối với anh ấy, có lẽ điều này giải thích nguyên do khiến anh ấy không hề đáp lại lời tôi, rồi tôi nói tiếp, rằng bố mẹ anh ấy từng luôn luôn đi tất len màu xanh vỏ táo, không giống bố mẹ tôi, họ thì đi tất len đỏ chói, bố mẹ anh ấy từng lúc nào cũng đi những đôi tất len xanh vỏ táo đó nhằm tan biến vào tự nhiên, trong khi bố mẹ tôi thì luôn luôn đi những đôi tất đỏ chói nhằm được để ý, bố mẹ anh ấy vẫn luôn luôn nhấn mạnh rằng ý định của họ là không bị để ý trong tự nhiên, trong khi bố mẹ tôi lúc nào cũng nhấn mạnh rằng ý định của họ là được để ý trong tự nhiên, bố mẹ anh ấy thì không ngừng nhắc đi nhắc lại, tôi nói, rằng họ đi những đôi tất màu xanh vỏ táo để khỏi bị trông thấy, trong khi bố mẹ tôi không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng họ đi những đôi tất đỏ chói của họ nhằm, ngược lại, làm người ta thấy họ cho rõ, và bố mẹ anh ấy bảo vệ lựa chọn những đôi tất màu xanh vỏ táo của họ với cùng nỗi bướng bỉnh mà bố mẹ tôi dùng để bảo vệ lựa chọn những đôi tất đỏ chói. Và cứ chốc chốc, tôi nói tiếp, bố mẹ chúng ta lại nhắc rằng họ đã tự tay đan những đôi tất màu xanh vỏ táo và đỏ chói ấy, tôi vẫn hay nhìn thấy mẹ anh đan những đôi tất màu xanh vỏ táo, tôi nói, còn bố mẹ tôi thì tất đỏ chói, cứ như thể mẹ tôi chưa từng bao giờ có ý nghĩ nào khác trong đầu, khi trời bắt đầu tối, ngoài đan những đôi tất đỏ chói kia, còn mẹ anh thì đan những đôi tất màu xanh vỏ táo kia. Và để tiệp màu với những đôi tất màu xanh vỏ táo đó, tôi nói, bố mẹ anh luôn luôn đội những cái mũ bonnê xanh vỏ táo, còn bố mẹ tôi thì đội mũ bonnê đỏ chói. Và đúng, tôi nói với anh ấy, dường như người ta dễ dàng tìm ra những người gặp tai nạn trên núi cao nếu họ đi tất và đội mũ bonnê màu đỏ chói, nhưng anh ấy không đáp. Bố mẹ anh ấy từng lúc nào cũng tỏ ra có chút nghi ngờ tôi, tôi nói, họ chỉ mở cửa nhà cho tôi kèm với nỗi nghi ngờ, và cũng chính bởi sự nghi ngờ ấy mà tôi từng luôn luôn cảm thấy một nỗi bực bội mơ hồ khi phải tới nhà họ, hoặc ngược lại, tôi nói với anh ấy, bố mẹ tôi cũng có với anh ấy một sự nghi ngờ tương tự, thành thử bố mẹ anh ấy vẫn hay ngăn cản tôi tới thăm anh ấy và ngược lại bố mẹ tôi ngăn anh ấy tới thăm tôi, trong khi tôi chưa từng bao giờ có mong muốn nào cháy bỏng hơn là được anh ấy tới thăm, bởi vì, tôi nói tiếp, tôi từng luôn luôn, suốt hồi tôi còn nhỏ và cả mãi sau đó, hình dung anh là người cứu rỗi cho tôi, người đến để đưa tôi ra khỏi căn xà lim gia đình nơi tôi phải gánh chịu sự nhốt giữ định mệnh. Nhưng tôi biết rõ, tôi nói tiếp, rằng cả anh cũng từng phải chịu cùng số phần ấy ở chỗ bố mẹ anh, rằng ngôi nhà của gia đình anh đối với anh từng là một căn xà lim tương tự. Chẳng hề là ngẫu nhiên khi chúng tôi vẫn luôn luôn nhất trí với nhau trong việc gọi ngôi nhà gia đình chúng tôi là ngôi nhà xám xịt. Chừng nào chúng tôi còn sống ở nhà bố mẹ chúng tôi, thì trên thực tế chúng tôi còn bị nhốt giữ trong hai xà lim, và khi một trong hai chúng tôi tưởng đâu mình đang bị nhốt giữ trong xà lim khủng khiếp hơn, thì người kia mau mắn chứng minh điều ngược lại, cho thấy rằng xà lim của người ấy khủng khiếp hơn nhiều. Các ngôi nhà gia đình lúc nào cũng là những xà lim, rất hiếm người thoát được ra khỏi, tôi nói với anh, phần lớn, nghĩa là đâu đó ở khoảng chín mươi tám phần trăm, tôi nghĩ, bị nhốt giữ chung thân trong xà lim đó, nơi họ bị hành hạ tàn độc tới mức hư vô hóa, tới mức chết đi giữa các bức tường. Nhưng tôi, tôi đã thoát ra, tôi nói với anh, ở tuổi mười sáu tôi đã thoát ra khỏi xà lim, và kể từ đó tôi chạy trốn. Bố mẹ anh từng luôn luôn chứng minh cho tôi thấy rằng các bố mẹ có thể tàn nhẫn đến mức độ nào, trong khi, ở chiều ngược lại, bố mẹ tôi từng lúc nào cũng chứng minh cho anh thấy các bố mẹ có thể tàn khốc tới đâu. Những lúc chúng ta gặp nhau ở nửa đường giữa hai ngồi nhà của bố mẹ chúng ta, tôi nói với anh, ngồi trên cái ghế băng dưới bóng cây, tôi không biết anh còn nhớ không nữa, lần nào chúng ta cũng nói đến các xà lim gia đình và về sự bất khả thoát khỏi đó, chúng ta vẽ ra các kế hoạch, chỉ để vứt bỏ chúng đi ngay lập tức, vì chỉ rặt là huyễn tưởng, chúng ta không ngừng nhắc đến quá trình củng cố thường hằng trong cơ chế đàn áp của bố mẹ chúng ta, và chẳng có cách nào chống lại. Bố mẹ tôi từng luôn luôn trách cứ tôi chỉ bởi vì tôi tồn tại, cũng như bố mẹ anh, tôi nói với anh, từng lúc nào cũng nói với anh cùng lời trách cứ ấy, họ cứ không ngừng buộc tội tôi là kẻ đột nhập đã gây ức chế và rồi rốt cuộc tàn phá cuộc sống vợ chồng của họ và, thêm nữa, sự bừng nở nhân tính toàn vẹn của họ, cũng như bố mẹ anh vẫn luôn luôn trách anh vì đã tàn phá họ. Khi anh về nhà, bố mẹ anh chẳng hề dành cho anh thứ gì khác ngoài những lời đe dọa, cũng như bố mẹ tôi lúc nào cũng đón tiếp tôi bằng những hăm dọa, thường xuyên nhất là cái lời đe dọa định mệnh đó, rằng rốt cuộc tôi sẽ giết họ. Chúng ta không thể biết rằng họ đã sinh ra chúng ta đúng theo chủ định của họ, tôi nói, khi biết được điều ấy thì đối với tôi đã là quá muộn không thể biến nó thành một bức thành được nữa. Bố mẹ tôi đã tìm cách dần dà dồn tôi vào sự cô lập, cũng như họ cũng đã dần dà, dồn đẩy anh vào sự cô lập. Và những lỗ trổ quang quẻ mà chúng ta còn có được hồi đầu, dần dà họ bít kín hết cả lại. Cuối cùng, chúng ta không còn không khí, tôi nói. Những bức tường mà họ dựng lên quanh chúng ta mỗi lúc một dày thêm, rồi sớm tới lúc chúng ta không còn nghe thấy gì nữa xuyên qua các bức tường dày ấy, chúng ngăn chúng ta nhận mọi dấu hiệu từ thế giới bên ngoài. Mẹ anh từng lúc nào cũng có đầu tóc xõa xượi, tôi nói, trong khi mẹ tôi luôn luôn chải tóc ra phía sau một cách hết sức ngăn nắp. Theo thời gian, bà ấy trút lên tôi những điều mỗi lúc một thêm không hiểu nổi, thậm chí hoàn toàn không hiểu nổi, tôi nói tiếp, nhưng khi tôi nói với bà là tôi không hiểu bà nói gì, bà ấy bèn phạt tôi. Mối quan hệ giữa tôi và bà ấy chỉ được xây dựng dựa trên một cơ chế trừng phạt, thành thử với thời gian đối với bà tôi chỉ còn giữ độc một thái độ tuân phục. Chính xác giống như anh, tôi nói với anh, anh từng luôn luôn xuất hiện trước mẹ anh với tư thế cúi đầu, trong nỗi e sợ thường trực là sắp phải lĩnh một cú đánh xuống đầu hoặc phải chịu một câu nói hiểm độc. Các Chủ nhật, mà người ta luôn luôn nói thật là yên bình, từng lúc nào cũng là địa ngục ở nhà, tôi tiếp. Mở mắt dậy vào buổi sáng, đó đã là thoáng nhìn thấy địa ngục, tôi nói, trong lúc tắm, tôi sợ mình vụng về, thành thử cục xà phòng thường tuột khỏi tay tôi rơi xuống, tôi phải bò lồm cồm trên sàn để nhặt, run rẩy toàn thân. Thậm chí tôi còn không sao chải đầu cho được, tôi không có sự bình tĩnh cần thiết. Khi mặc quần áo tôi cứ sợ mẹ tôi bước vào và tát tôi vì một lý do gì không rõ, bởi vì tôi đã thắt lưng quá chặt hoặc chưa đủ chặt hoặc vì áo sơ mi của tôi rụng mất một cái cúc, bởi một đường li nhăn trên quần hoặc bởi vì tôi đã khóc. Vào lúc ăn sáng, đó luôn luôn là một kẻ đã hoàn toàn ghê sợ cuộc đời, thậm chí gần như đã tuyệt đối bị hủy diệt, hiện ra và ngồi vào bàn, nỗi nhục của gia đình. Vả lại, cứ như điều này còn là cần thiết, họ chăm chăm nói cho thật rõ rằng tôi chính là nỗi nhục của gia đình, tại sao họ lại cho tôi một cái tên, tôi rất hay tự hỏi như vậy, trong khi lẽ ra hoàn toàn có thể gọi thẳng tôi là nỗi nhục của gia đình, rằng lúc nào tôi cũng là như vậy và luôn luôn vẫn là như vậy. Và những lúc nghĩ lại chuyện đó, tôi nói với anh, tôi thấy rằng anh cũng đã ít nhiều trải qua cùng một điều, có lẽ anh từng ít nói đến nó hơn tôi, thậm chí là chắc chắn thế, và thế nhưng anh đã băng ngang chính xác cùng một thử thách, tôi tiếp, hoàn cảnh ở nhà anh cũng giống hệt như ở nhà chúng tôi, anh từng mang một cái danh chính xác giống như tôi. Tôi nghĩ đến sự bặt tiếng của mẹ tôi, tôi nói với anh, mà bà đã dùng để gây tổn thương tận nơi sâu thẳm nhất tâm hồn tôi. Sự bặt tiếng là một trong các phương cách mà bà ưa thích nhằm gây tổn thương chết người cho tôi. Bằng sự im lặng của mình, bố tôi từng luôn luôn là đồng lõa ngầm của sự gớm ghiếc đó, khán giả thụ động của cái cách mà mẹ tôi sử dụng nhằm hư vô hóa tôi. Và những lúc nghĩ lại chuyện đó, mọi điều đã diễn ra chính xác y chang với mẹ anh và bố anh. Họ sống rất ổn, tôi nói, nhưng họ chỉ tồn tại thông qua việc hư vô hóa anh. Và chính trong lúc hư vô hóa anh theo thời gian, bố mẹ anh đã sống khá là ổn thỏa trong nhà của họ, ngôi nhà đối với anh từng chẳng là gì khác ngoài cái xà lim mà anh đã không thoát ra được trong suốt cuộc đời anh, bởi vì trái ngược với tôi, người đã trốn đi, anh chưa từng bao giờ trốn đi, bởi vì anh không có đủ sức để làm điều ấy. Sau đó họ nhét đồ vào mấy cái ba lô, tôi nói tiếp, nghĩ lại về nỗi khinh bỉ mà tôi thể hiện với họ khi đó. Tôi căm ghét tất tật những thứ gì họ cho vào mấy cái ba lô kia, những đôi tất dự phòng, những cái mũ bonnê dự phòng như họ nói, xúc xích khô, bánh mì, bơ, pho mát, bông băng y tế, vân vân. Để kết thúc, lúc nào bố tôi cũng nhét một quyển Kinh Thánh vào ba lô của mình, ông đọc cho chúng tôi nghe nhiều đoạn từ đó trong căn nhà gỗ. Luôn luôn là cùng những đoạn ấy, luôn luôn cùng tông giọng ấy, tôi không biết anh còn nhớ hay không. Và chúng ta phải nghe và không được phép nói gì. Trong suốt những kỳ lưu trú trên núi cao ấy, chúng ta không được phép nói gì hết. Khi chúng ta nói một điều gì đó, tức thì nó bị coi như một sự láo lếu và nhất định sẽ bị trừng phạt. Lúc đó chúng ta phải leo lên hoặc đi xuống nhanh hơn, và đôi khi, nếu như mà ăn nói hỗn hào quá, đúng, nếu như mà tội ác ngôn từ của chúng ta quá trầm trọng, khi một câu nói của chúng ta bị xem là gớm tởm, chúng ta sẽ không được uống gì dẫu có khát đến đâu, không được ăn gì dẫu có đói đến đâu. Chủ yếu là trong những chuyến đi lên núi cao đó tôi cảm nhận được một cách nặng nề nhất sự nghiêm khắc của mẹ tôi, sự không thể lay chuyển của bà. Bố tôi từng luôn luôn chỉ là khán giả trước sự nghiêm khắc và sự không thể lay chuyển của bà, tôi còn nhớ chưa bao giờ có lần nào ông ra khỏi vai trò người quan sát của mình bằng cách nêu với mẹ tôi một lời nhận xét thuận tình hay không thuận tình, chưa nói gì tới một lời phản đối. Mẹ tôi thì tàn nhẫn, tôi nói với anh, còn bố tôi là khán giả của sự tàn nhẫn đó, và bố mẹ anh chính xác là y hệt. Bố anh cũng không nói gì những khi mẹ anh hành hạ anh bằng các lời lẽ của bà và thiếu điều thì giết chết anh với những đòn hiểm độc nặng tay. Các bố và các mẹ vui thú cùng nhau trong cơn điên hủy diệt và không biết động tâm. Bố mẹ chúng ta từng là cái chết của chúng ta, tôi nói với anh. Nhưng đối với anh, mọi chuyện còn trầm trọng hơn đối với tôi, vì tôi đã trốn đi được, thoát đi, trong khi anh, anh đã không bao giờ thoát đi, chắc chắn anh chia cách với bố mẹ anh, những người từng sinh ra anh, những kẻ ném anh vào thế giới này, những kẻ hành hạ anh, nhưng anh chưa bao giờ thoát đi khỏi họ. Phải nói rằng ở tuổi mười sáu chuyện đã gần như quá muộn, tôi nói với anh, vào thời điểm đó trong mắt thế giới người ta chỉ còn là một con người bị hủy diệt xong xuôi, thế giới định vị được chúng ta từ xa và gọi tên chúng ta một cách chuẩn xác. Thế giới không hề biết thương xót khi nó định vị được một người như thế, đã bị bố mẹ của hắn hủy diệt. Tôi đã trốn, tôi nói với anh, tôi muốn đi càng xa càng tốt, nhưng tôi đã mau chóng suy sụp. Chúng ta từng muốn cả hai đi trốn, tôi nói, nhưng chỉ tôi có đủ sức để làm điều đó, trái ngược với anh. Hóa ra xà lim nơi bố mẹ anh ném anh vào là án chung thân của anh. Khi ấy anh chỉ làm một việc là ở trong phòng của anh, đờ đẫn, chăm chăm nhìn các bức tranh mà họ treo tại đó, những bức tranh quý giá đó, thế nhưng chúng gây chết người. Anh đã để cho mình bị nhốt vào căn phòng ngủ ấy, anh chỉ còn dịch chuyển với dây xích buộc cổ chân, xét cho cùng anh chỉ còn lê lết từ bữa ăn này sang bữa ăn khác, sự thật là như vậy. Trong suốt nhiều thập kỷ. Anh đã tìm ra cách thỏa thuận với những kẻ canh gác nhà ngục nhốt anh. Họ đã dạy cho anh cách thức phải tuân thủ để đọc sách, để xem tranh, để nghe nhạc. Họ đã dạy cho anh cách hét lên một tiếng trong rừng nhằm tạo ra tiếng vọng, và anh đã chẳng hề làm gì để tự bảo vệ lấy anh. Đã nhiều thập kỷ nay anh chăm chăm xem các bức tranh đúng như bố mẹ anh đã dạy cho anh, một ánh mắt ngây độn, anh đọc những cuốn sách với cùng sự ngây độn và nghe nhạc với cùng sự ngây độn đúng như bố mẹ anh đã dạy dỗ. Về Goya, anh nói những gì bố mẹ anh vẫn luôn luôn nói về ông ấy, anh đọc Goethe chính xác theo cùng cách với bố mẹ anh và anh nghe Mozart như họ, với cùng sự hèn hạ giống hệt. Còn tôi, ngược lại, tôi đã đoạt lấy sự độc lập, tôi nói với anh, bởi vì tôi đã biết cách nắm lấy cơ may vào thời điểm quyết định, tôi đã có thể tự giải thoát và kể từ bấy tôi nghe Mozart theo cách mà tôi đây muốn nghe ông ấy, chống lại bố mẹ tôi, tức là những kẻ hư vô hóa tôi, tôi xem tranh Goya theo cách mà tôi đây muốn xem, chống lại bố mẹ tôi những kẻ hư vô hóa, tôi đọc Goethe - trong chừng mực mà tôi có đọc ông ấy - theo cách mà tôi đây muốn đọc. Ngay trước khi rời khỏi nhà, họ buộc vào ba lô đàn xita và kèn trom pét, đúng như những người có khiếu nghệ thuật phải như thế. Cái câu đúng như những người có khiếu nghệ thuật phải như thế này, mẹ tôi lần nào cũng nói, câu nói theo đuổi tôi đến tận trên giường ngủ và cả đêm, tôi không sao tống khứ nổi nó ra khỏi đầu. Bà chơi đàn xita bởi vì mẹ của bà ấy cũng từng chơi chính cây xita đó, bố tôi thổi kèn trom pét bởi vì bố của ông ấy từng thổi cùng cây kèn trom pét đó. Và cũng giống bố của ông ấy, mỗi lúc nào đi lên núi cao đều vẽ tranh, bố tôi cũng vẽ mỗi lần nào đi lên núi cao và luôn luôn mang theo một tập giấy vẽ ở trong ba lô. Giống Segantini, lần nào ông cũng nói, giống như Hodler, giống như Waldmüller. Ông ấy chọn lấy một mỏm đá rồi ngồi ở đó, sao cho lưng quay về phía mặt trời và sao cho có thể vẽ tranh. Rốt cuộc, tất cả các phòng trong nhà đều treo đầy tranh ông vẽ, không nơi nào còn chỗ trống, hàng trăm, nếu không phải hàng nghìn tranh vẽ phong cảnh núi cao tràn ngập nhà chúng tôi, để mà không nhìn thấy chúng, tôi phải thường trực cắm mặt xuống đất, nhưng xét về lâu dài điều đó khiến tôi phát điên, tôi nói với anh. Đến hàng trăm lần ông ấy họa hoặc vẽ núi Ortler, cũng như ông ấy từng họa hoặc vẽ Ba Đỉnh Lavaredo hoặc Mont-Blanc hoặc Cervin. Các bậc thầy vĩ đại, lúc nào ông ấy cũng nói, luôn luôn chỉ họa hoặc vẽ cùng một thứ. Họ vĩ đại chính là bởi vì họ chỉ luôn luôn họa hoặc vẽ cùng một thứ. Thế nhưng những gì mà bố tôi vẽ thì rất tởm, tôi nói tiếp. Tài năng của bố ông ấy, nghĩa là ông của tôi, đã hoàn toàn phai nhạt ở ông ấy, điều này đã không ngăn cản ông ấy sinh sản một loạt phong phú đến gớm ghiếc các bức họa và tranh màu nước. Điều khủng khiếp nhất, tôi tiếp tục, là nhiều tổ chức văn hóa tổ chức trưng bày tác phẩm của ông ấy, và các tờ báo chỉ nói điều tốt về các bức họa và tranh màu nước của ông ấy, qua đó mà lại càng thúc đẩy ông sản xuất nhiều hơn nữa. Và quả thật, những người gần gũi với ông ít nhiều đều tin ông là một nghệ sĩ, thậm chí một số người còn liên tục nhắc đi nhắc lại, khi nói đến ông, rằng ông ấy là một nghệ sĩ lớn, cho tới lúc bản thân ông đâm ra cũng tin vào những lời xích tốc kia và sự gớm tởm kia, tha hồ thoải mái trong nỗi ám ảnh tàn phá đó. Để thu thập tài liệu về kitsch, chỉ cần, tôi nói tiếp, xem qua một số tác phẩm của bố tôi. Nhà tôi là một triển lãm thường xuyên tác phẩm của tôi, ông bố nói thế, và cứ dăm bữa nửa tháng ông ấy lại đính hoặc dán lên tường những bức họa hoặc tranh màu nước khác, chúng chất đống đến hàng nghìn ở dưới hầm. Tôi là chuyên gia về núi cao, ông tự nhận, tôi đã đi xa hơn Segantini, xa hơn Hodler, tôi đã vượt hẳn so với họ. Luôn cả trong bếp, tại đó ông treo tẹt ga các bức họa của ông, tin rằng mùi xào nấu còn làm tác phẩm của ông thăng hoa thêm nữa. Khi tôi để hơi bốc lên ở trong bếp tác động vào các tác phẩm của tôi suốt nhiều tuần, ông hay nói, đặc biệt trong mùa đông và đặc biệt nhất là vào dịp Giáng sinh, điều đó còn nhấn mạnh thêm rất đáng kể sự quyến rũ của chúng. Và rồi ông hay nhặt đá, tôi nói với anh, anh còn nhớ chứ. Chẳng có gì để phản đối điều này, tôi nói tiếp, bởi vì nói cho đúng tất tật những viên đá ấy đều có các nét lạ thường, vả lại tự tay ông mang chúng về nhà, hiện nay vẫn còn ở đó, đến hàng nghìn. Thế nhưng khi chúng nhiều đến như vậy, mặc cho mọi vẻ lạ thường, chúng trở nên không thể chịu nổi. Cả một loạt trong số đá có hình một cơ thể người, tôi tiếp tục, thường xuyên nhất là một cơ thể phụ nữ, chủ yếu ông ấy tìm được chúng dưới đáy các dòng suối tại Engadine, vùng Alpes Thụy Sĩ. Về một hòn đá rất đặc biệt trong bộ sưu tầm của ông, ông vẫn luôn luôn nói rằng không thể nào xác định rõ đó chỉ là một hòn đá được mài nhẵn bởi hàng triệu năm hay, ngược lại, một tác phẩm nghệ thuật nguyên thủy, tự nhiên không thể có khả năng tạo hình một bộ ngực như thế này, liên tu bất tận ông nhắc đi nhắc lại điều đó, giơ hòn đá lên ánh sáng để săm soi, tạc một khuôn mặt nhiều biểu cảm như thế này. Tôi còn nhớ, tôi nói với anh, rằng bố tôi cũng đã có lần cho anh xem hòn đá ấy. Đây là một bức tượng, ông kêu lên, một bức tượng nhiều nghìn năm tuổi, đây không phải một sản phẩm của tự nhiên, mà là một tác phẩm nghệ thuật. Lúc nào họ cũng khóa kín mọi thứ lại, tôi nói tiếp, bố mẹ anh cũng như bố mẹ tôi, trong khi tôi luôn luôn thích để mở mọi thứ, tôi ghét những cánh cửa khóa trái, có ở bất kỳ đâu thì tôi cũng luôn luôn để cửa mở. Và lúc nào họ cũng sắp xếp mọi thứ, chỉ cần tôi vừa để một thứ đồ vật ở đâu đó là họ xăng xái xếp lại nó, bằng cách làm như thế họ đã, một cách rất có phương pháp, chặn đựng mọi biểu hiện con người ở chúng ta, họ vẫn luôn luôn sợ rằng, vì tôi hoặc em gái tôi, ngôi có có thể khởi sự sống. Ngay tắp lự, hay xét cho cùng là chỉ trong những khoảng thời gian cực ngắn, họ cố công loại trừ mọi yếu tố cá nhân, thành thử ngôi nhà gia đình của chúng tôi lúc nào đối với chúng tôi cũng giống như một cái gì đó chết ngắc. Cái từ kỷ luật, tức là cái từ hay vang lên nhất trong ngôi nhà của chúng tôi, đã ngăn trở mọi sự bừng nở. Những lúc tôi về nhà, tôi nói với anh, mọi thứ đều chính xác hệt như khi tôi thức dậy tại đó vào buổi sáng. Ngôi nhà của người chết, như chúng tôi vẫn luôn luôn gọi, em gái tôi và tôi, cứ thế lay lắt trong trạng thái ban đầu của nó. Tôi sẽ không để cho thứ gì lộn xộn ở đây, lúc nào mẹ tôi cũng nói thế trong lúc dọn các thứ quần áo bị quẳng đâu đó trong nhà, rồi thì giày, vân vân. Anh còn nhớ chứ, tôi nói với anh, những chiếc giày nặng trịch mà chúng ta đi ở chân. Những cái mũ nặng trịch mà chúng ta đội trên đầu. Những áo choàng mà họ bắt chúng ta mặc. Suốt cả năm, các chớp cửa nhà chúng tôi đóng kín ba trên bốn mặt tường, chỉ được mở tại các địa điểm chiến lược cho các bức họa và tranh màu nước của bố tôi. Và tại nhà của anh, tôi nói với anh, tất tật thường trực đóng kín, mùa hè cũng như mùa đông, mùa hè thì bởi ruồi muỗi, họ nói thế, còn mùa đông là vì lạnh và chứng yếu thần kinh của mẹ anh, anh còn nhớ chứ? Chính bởi lẽ này mà suốt cả năm lúc nào trông anh cũng rất nhợt nhạt, như thể bị ốm, tôi nói với anh, mắc một căn bệnh chết người. Chỉ những khi nào bố mẹ chúng ta đưa chúng ta lên núi cao thì mặt chúng ta mới có sinh khí trở lại, tuy nhiên không sạm nâu đi giống mặt bố mẹ chúng ta, mà đỏ ửng lên. Trái ngược với bố mẹ của chúng ta, chúng ta không rám da, mặt chúng ta đỏ ửng lên ngay tắp lự và môi chúng ta nứt nẻ và, suốt nhiều tuần liền, chúng ta không sao ngủ nổi do bị ánh nắng hành hạ. Cũng chính bởi lẽ này mà bố mẹ chúng ta căm ghét chúng ta, bởi vì khuôn mặt chúng ta không rám nắng đi ăn nhịp với mặt của họ mà lại đỏ ửng và bị rộp. Mắt chúng ta từng luôn luôn nhức nhối khủng khiếp vì ánh sáng trên núi cao, thành thử suốt một thời gian dài chúng ta không đọc sách được, anh còn nhớ chứ? Mắt chúng ta bị đau, và ở trường chúng ta học kém do mắt bị đau, và đó, cùng rất nhiều điều khác, chỉ là một trong các hệ quả tàn khốc đối với chúng ta gây ra bởi những chuyến đi lên núi cao đó cùng bố mẹ của chúng ta. Xét cho cùng, mọi thứ ở bố mẹ chúng ta từng lúc nào cũng thật khốc liệt đối với chúng ta, khốc liệt và tàn độc trong suốt cuộc đời, trong khi đúng lý đáng ra họ phải tỏ ra tế nhị, phải là những người bảo vệ chúng ta. Cứ chốc chốc bà mẹ lại sập một cánh cửa lại sau lưng, ông bố thì ầm ĩ đi khắp nhà với đôi giày lội bộ cũ kỹ. Mỗi năm hai lần họ đi lên núi để tìm sự yên bình, nhưng trên thực tế, họ có tới đâu thì cũng chỉ được hưởng náo loạn, các thung lũng mà họ băng ngang chắc chắn là yên bình, nhưng chỉ cho tới khi họ đặt chân đến đó, các cánh rừng thì yên bình cho tới khi họ bước vào đó, các đỉnh núi yên bình cho tới khi họ leo lên đó. Ngay cả các ngôi nhà gỗ vùng núi Alpes, tôi nói tiếp, cũng chỉ yên bình cho tới khi bố mẹ tôi đẩy cánh cửa của nó. Và vả lại, tôi tiếp tục, ngôi nhà gia đình cũng là ngôi nhà yên bình nhất hạng, nhưng chỉ là như vậy những lúc nào bố mẹ không có ở đó, tất nhiên. Những người giống như bố mẹ của chúng ta, tôi nói với anh, không bao giờ tìm được sự yên bình, bởi vì bản thân họ là bất kỳ thứ gì ngoài sự yên bình, và họ mang sự náo loạn của họ tới bất cứ nơi nào họ đến và dẫu cho họ có làm gì. Họ tìm kiếm sự yên bình nhưng lẽ dĩ nhiên không thấy nó đâu, bởi vì họ là đối nghịch của sự yên bình, họ loạn đả lên để đi tìm một chốn yên bình và, ngay khi nào tới được nơi đó, biến nó thành chốn náo loạn, biến sự yên bình tuyệt đối thành sự náo loạn tuyệt đối. Sao mà bình yên thế, họ hét lên khi nhìn ra xung quanh, và trên thực tế họ đã mang tới chốn này sự náo loạn lớn nhất. Khi ông bố nói ông muốn có sự bình yên, thì đó là một câu thật phi lý. Cũng hoàn toàn giống như khi mẹ tôi nói điều đó. Và rốt cuộc, cũng giống như khi tôi nói điều đó, bởi vì cả ba chúng tôi đều là sự náo loạn hiện thân, bố mẹ tôi, xa xưa đến hết mức mà tôi nhớ được, và bản thân tôi, do nhiễm bố mẹ. Bố mẹ tôi đã nhận chìm tôi vào trong sự náo loạn và sẽ chẳng bao giờ tôi còn tìm được sự yên bình, tôi nói với anh, cũng không hơn gì anh, anh sẽ chẳng bao giờ tìm được sự yên bình, bởi vì bố mẹ anh cũng đã nhận chìm anh vào trong sự náo loạn. Bởi vì ở nguồn cội con người là sự yên bình hiện thân, tôi nói, chính bố mẹ giật hắn ra khỏi đó và biến hắn thành một kẻ náo loạn, cái hệ thống phụ huynh rốt cuộc biến thành hệ thống phổ quát, mà chẳng một ai thoát ra nổi. Do vậy, tôi nói với anh, chiều theo lực vạn vật không có lấy một con người nào được yên bình, tất tật đều ở trong sự náo loạn, và tìm kiếm sự yên bình thì cũng đồng nghĩa với bị điên. Cách quãng rất đều, rồi sẽ tới những lúc họ chìm đắm vào chứng điên ấy, nghĩa là tìm kiếm sự yên bình, trong khi sự yên bình đâu có tồn tại, trong chừng mực con người chính là sự vắng mặt của yên bình; nơi nào mà hắn đến, hoặc không đến, hắn sẽ chỉ có thể nhận ra sự vắng mặt của yên bình. Những khi chúng ta tìm sự yên bình, thì đó chính là chứng điên lớn nhất, tôi nói với anh. Không ngừng chúng ta cứ đi tìm sự yên bình và lẽ dĩ nhiên không tìm thấy nó, bởi chúng ta chính là hiện thân của sự vắng mặt yên bình. Những chuyến đi lên núi cao đó tương ứng với sự nhầm lẫn nửa năm xuất hiện một lần của các bố mẹ, họ cứ tưởng sẽ tìm thấy ở đó sự yên bình. Trên đó trong ngôi nhà gỗ. Trên đó nơi các đỉnh núi. Nhưng, ngược lại, những chuyến đi lên núi cao đó làm tăng vọt nỗi rối loạn trong mỗi người chúng ta. Anh cũng hiểu đấy, tôi nói với anh, chính cái lúc chúng ta nghĩ mình xâm nhập được sự yên bình thì trên thực tế chúng ta đang xâm nhập sự náo loạn lớn nhất. Lẽ dĩ nhiên các bố mẹ không hiểu điều này, bởi vì suốt cuộc đời họ hết sức tránh suy nghĩ. Họ áp chế, nhưng họ không suy nghĩ, họ thường trực lẫn lộn kết tội với suy nghĩ và, trong khi gần như có nhiều kẻ đi kết tội ngang với số lượng con người trên đời, gần như chẳng hề có ai suy nghĩ. Sự nhầm lẫn trong việc tin rằng có thể tìm được yên bình chỉ là một trong các sai lầm mà bố mẹ tôi phạm phải và thờ phụng, tôi nói với anh. Họ đi những đôi tất đỏ chói của mình và đội những cái mũ bonnê đỏ chói của mình rồi lên đường kiếm tìm sự yên bình. Họ luôn luôn cho sự yên bình nằm trên núi cao, dẫu đó là bên Thụy Sĩ hay vùng Tyrol thuộc Ý, gần Merano, gần Alpe de Siusi, Ortler, Mont-Blanc, Cervin hay Rặng Núi Chết. Họ đi những đôi tất đỏ chói của mình và đội những cái mũ bonnê đỏ chói của mình, buộc đàn xita và kèn trom pét vào ba lô rồi đi tìm sự yên bình. Nhưng họ không tìm thấy. Và rồi rốt cuộc, tôi nói, chính tôi là người bị họ lên án về cái mà họ đã không tìm thấy. Chính tôi là kẻ gây trở ngại cho họ, tội lỗi ban đầu rơi xuống đầu tôi, nó khiến tôi phải chịu trách nhiệm về mọi chuyện. Chính tôi và em gái tôi hư vô hóa mọi dự đồ của họ. Sau khi đã tới tấp ném vào mặt nhau suốt nhiều tháng ròng cái câu tôi muốn được bình yên, họ thu thập đồ đạc và lên đường đi tìm sự yên bình. Họ mua vé tàu hỏa, ga đến là sự bình yên.




(còn nữa)


NB. đã viết tiếp (rất là nhiều) phần phân tích "chương Judith Altmann"



Thomas Bernhard đi nhận giải thưởng văn chương
Bernhard và tôi
Nỗi đau vì phải sống
Một vụ án khác nữa
Âm nhạc
Malaparte và Bernhard
Der Untergeher

16 comments:

  1. quá nhiều tôi quá nhiều anh ấy bố mẹ anh ấy bố mẹ tôi toàn tôi và anh ấy và bố mẹ tôi và bố mẹ anh ấy, "tôi nói," lên núi thôi!

    ReplyDelete
  2. sẽ còn khoảng hơn 2000 cái như thế nữa trong vòng khoảng hai chục trang :p

    ReplyDelete
  3. cái label bernhard của a sao mất tiêu không thấy bài về Glenn Gould nữa nhỉ, tự dưng muốn đọc lại quá :D

    ReplyDelete
  4. bấm vào link "Der Untergeher", cuối cùng trong list link nằm ở cuối

    ReplyDelete
  5. Nhị Linh đã lún quá sâu vào bãi lầy chữ nghĩa rồi

    ReplyDelete
  6. you should write: he's just ngobaochaued you, the word reminds me of "Anschauung"

    ReplyDelete
  7. nhịp điệu này vui tai thật, nhưng nó ru ngủ một cách "náo loạn"
    và đang rondo thì bỗng "Sao mà bình yên thế ..." hehe giỏi thật. đến đó mới nhận ra là ông ta chơi một đoạn nhạc hoàn chỉnh.

    ReplyDelete
  8. trong một cuốn tiểu thuyết của Bernhard, nhân vật bỏ mười năm để viết một nghiên cứu về Mendelssohn Barthody nhưng không viết được dòng nào :p

    ReplyDelete
  9. ở đây, vừa đọc đi đọc lại bản dịch Gặp lại vừa "rực cả người" thích thú. Nên là đừng có scare me "thất vọng" í với chả "hy vọng" à, nhé!

    ReplyDelete
  10. quá đáng sợ, chắc phải tưởng tượng Bernhard chạy tụt giày, bị sự nồng nhiệt bám theo sát gót

    nhân tiện: mới thêm một đoạn

    ReplyDelete
  11. sự nồng nhiệt sẽ dừng lại. thở. cúi xuống nhặt giày Bernhard lên. giữ gìn cẩn thận như một biết ơn:D

    ReplyDelete
  12. không thể có đường thoát à?

    ReplyDelete
  13. quay lại là bờ nhỉ ;)

    ReplyDelete