Trong đời, Bernhard từng nhận không ít giải thưởng, ông viết lại những câu chuyện xung quanh chúng, tập hợp lại in thành sách dưới nhan đề Meine Preise.
Giải thưởng Grillparzer
Để đến dự buổi lễ trao giải thưởng Grillparzer của Viện Hàn lâm Khoa học Viên tôi cần mua một bộ com lê, vì đột nhiên, hai tiếng trước giờ trao giải long trọng, tôi ý thức được rằng mình không thể tới trình diện một cách thoải mái với một cái áo pull-over và một cái quần tầm thường tại buổi lễ không nghi ngờ gì sẽ hết sức ngoạn mục, thế nên tôi đã quyết định, trong khi đang ở Graben ngay giữa trung tâm thành phố Viên, đi vào khu thương mại Kohlmarkt và sắm trang phục với một sự long trọng thích hợp; để làm thế, tôi tới cửa hàng bán quần áo đàn ông mà tôi đã biết rất rõ nhờ từng mua ở đó nhiều đôi bít tất, và nó mang một cái tên rất nhiều ý nghĩa, Sir Anthony; nếu tôi nhớ không sai, tôi bước vào cửa hàng Sir Anthony lúc mười giờ kém mười lăm phút, buổi trao giải thưởng Grillparzer được tổ chức vào mười một giờ, vậy nên tôi còn kha khá thời gian. Tôi định mua một bộ com lê, loại may sẵn, dĩ nhiên, nhưng ít nhất cũng phải là một bộ bằng len chuẩn chất lượng thượng hạng, màu an thờ ra xít, đi kèm với đó là đôi tất thật hợp, một cái cà vạt và một chiếc sơ mi Arrow, thật điệu đà, kẻ sọc xám-xanh lơ. Ta đã biết nỗi khó nhọc của việc trình bày cho người bán hàng hiểu ngay lập tức ta muốn gì tại các cửa hàng hơi sang trọng, như người ta vẫn hay nói ấy; ngay cả khi người khách nói luôn, bằng cách thức không thể cụ thể hơn được nữa, những gì mình muốn, thì trước tiên người ta sẽ nhìn anh ta một lúc lâu với vẻ nghi hoặc, cho đến khi anh ta phải nhắc lại những điều mong mỏi của mình. Nhưng tất nhiên người bán hàng bị tiếp cận theo lối ấy chẳng bao giờ hiểu gì cả. Thế nên, thêm một lần nữa, tại Sir Anthony tôi phải đợi lâu hơn thời gian cần thiết trước khi được dẫn tới gian thích hợp. Trên thực tế, tôi đã biết chuyện sẽ diễn ra như thế nào tại cửa hàng này nhờ mấy lần đi mua tất trước đó và tôi còn biết rõ hơn cả người bán hàng chỗ tôi có thể tìm được bộ com lê mà tôi cần. Vậy nên, với bước chân cả quyết, tôi tiến thẳng về phía gian có các bộ com lê khiến tôi quan tâm và giơ ngón tay chỉ một mẫu, người bán hàng gỡ nó ra khỏi mắc đưa cho tôi xem. Tôi săm soi chất lượng vải rồi chui vào một phòng thay đồ. Tôi nghiêng người về phía trước, ngả về phía sau dăm ba lần và đi tới kết luận là cái quần rất vừa. Tôi mặc áo vest vào, quay bên này bên kia nhiều lần trước gương, giơ hai tay lên rồi lại hạ chúng xuống: áo vest cũng vừa như quần. Vẫn mặc bộ com lê trên người, tôi đi vài bước trong cửa hàng và nhân tiện chọn luôn áo sơ mi và tất chân. Cuối cùng, tôi tuyên bố là muốn mặc luôn bộ com lê, cũng như áo sơ mi và đôi tất. Tôi chọn một chiếc cà vạt, thắt nó quanh cổ, siết chặt hết mức, ngắm mình thêm một lần nữa trong gương, thanh toán tiền rồi rời khỏi đó. Họ gấp quần và cái áo pull-over cũ của tôi cho vào một cái túi mang dòng chữ Sir Anthony, và cứ như vậy tôi đi ngang Kohlmarkt, túi cầm ở tay, để gặp dì tôi, tôi đã hẹn bà ở tầng trên một quán ăn Gerstner, trên phố Kärntnerstrasse. Chúng tôi tính ăn ở đó, ngay trước buổi lễ, vài cái sandwich, mục đích là phòng ngừa mọi sự khó ở, thậm chí ngất xỉu, trong khi buổi lễ diễn ra. Dì tôi đã có mặt ở Gerstner và đánh giá cuộc biến hóa của tôi là chấp nhận được, đi kèm với đó là một trong những trời ơi lừng danh của bà. Bản thân tôi thì đã không mặc com lê từ nhiều năm rồi, đúng, thậm chí còn có thể nói rằng cho đến khi ấy lúc nào tôi cũng xuất hiện trong trang phục quần dài áo pull-over, ngay cả ở rạp hát tôi cũng vẫn luôn luôn chỉ mặc quần dài và áo pull-over, chủ yếu là một cái quần len máu xám và một cái áo len đỏ chói mũi đan thưa, mà một người Mỹ đầu óc trên trời đã tặng cho tôi ngay sau chiến tranh. Chính trong trang phục ấy mà tôi đã vài lần, tôi còn nhớ rất rõ, đi tới Teatro La Fenice danh tiếng ở Venise, nhất là để nghe buổi biểu diễn bản Tancrède của Monteverdi, do Vittorio Gui chỉ huy, và cũng với cái quần dài cùng áo pull-over này tôi từng đến Rome, Palerme, Taormine và Florence, và gần như mọi thủ đô châu Âu khác, đấy là còn chưa tính gần như lúc nào tôi cũng mặc chúng ở nhà; cái quần và cái áo pull-over càng cũ thì tôi lại càng thích chúng hơn, suốt nhiều năm trời người ta chỉ nhìn thấy tôi trong cái quần dài và cái áo pull-over đó, và đến tận bây giờ các bạn tôi thời ấy vẫn hỏi thăm tin tức về cái quần ấy và cái áo pull-over ấy, tôi đã mặc chúng trong vòng hơn một phần tư thế kỷ. Chỉ trong chớp mắt - tại Graben như tôi vừa nói, hai tiếng trước buổi lễ trao giải Grillparzer - những quần áo đó, gắn luôn vào con người tôi sau nhiều chục năm, khiến tôi thấy là không thích hợp cho mỗi buổi lễ đặt dưới sự bảo trợ của Grillparzer và sẽ diễn ra tại Viện Hàn lâm Khoa học. Ngồi xuống ghế ở quán Gerstner, đột nhiên tôi thấy như là cái quần quá chật, nhưng tôi tự nhủ: chắc mặc quần mới thì thế là bình thường, cả cái áo vest cũng bất chợt hơi quá thít, nhưng cả về chuyện này tôi cũng tự nhủ: chắc không sao đâu. Tôi gọi một cái sandwich, chiêu với cốc bia. Dì tôi cất tiếng hỏi trước tôi từng có những ai được nhận giải thưởng Grillparzer lừng danh này, và ngay lúc ấy, tôi chỉ nhớ ra độc tên của Gerhart Hauptmann, tôi đã đọc thấy điều này ở đâu đó, vả chăng cũng nhân dịp này tôi mới lần đầu tiên nghe nói đến giải Grillparzer. Giải thưởng này không được trao định kỳ, mà xét từng trường hợp, tôi đáp, tự nhủ rằng chắc phải sáu, bảy năm người ta mới trao giải một lần, có lẽ thỉnh thoảng chỉ năm năm thôi, thật ra thì tôi chẳng biết gì cả, lúc này tôi vẫn không biết. Phải nói rằng lẽ dĩ nhiên vụ trao giải này khiến tôi thấy căng thẳng, và tôi cố tự thả lỏng, thả lỏng cả dì tôi nữa, vì chỉ còn hơn nửa tiếng nữa buổi lễ sẽ bắt đầu, bằng cách kể lại cái điều thật khó nghĩ, ấy là tôi vừa mới, ngay giữa Graben, nảy ra quyết định đi mua một bộ com lê để mặc cho buổi lễ và tôi đã thấy là hoàn toàn tự nhiên nếu chui vào cái cửa hàng trong Kohlmarkt chuyên bày bán com lê Anh quốc hiệu Chester Barry và Burberry. Tại sao, tôi tự hỏi, nếu mà muốn mua một bộ com lê may sẵn, lại không, thêm một lần nữa, chọn một bộ chất lượng hảo hạng, và bộ mà tôi đang mặc đây, rất logic, là một mẫu của nhà Barry. Dì tôi lại lần sờ lớp vải và tỏ ra hài lòng về chất lượng hàng Anh. Bà nhắc lại câu trời ơi lừng danh của mình. Về cắt cúp thì khỏi nói đi. Đó là cúp cổ điển. Ngược lại, bà bảo tôi rằng bà thấy rất sung sướng vì Viện Hàn lâm Khoa học trao cho tôi giải Grillparzer hôm nay, và bà cũng hãnh diện nữa, nhưng sung sướng nhiều hơn hãnh diện, bà đứng dậy và tôi theo bà đi ra phố Kärntnerstrasse chạy qua trước quán Gerstner. Chúng tôi chỉ còn phải đi vài bước chân là tới Viện Hàn lâm Khoa học. Cái túi ghi dòng chữ Sir Anthony khiến tôi thấy bực bội sâu sắc, nhưng tôi chẳng thể làm gì được nữa. Tôi tự nhủ: mình sẽ để lại cái túi ở lối vào Viện Hàn lâm Khoa học. Vài người bạn, không muốn bỏ lỡ vinh dự dành cho tôi này, cũng đang trên đường đến, chúng tôi gặp họ ở sảnh Viện Hàn lâm. Nhiều người đã tụ tập ở đây và có vẻ như là phòng dùng để trao giải đã đông chật. Các bạn để chúng tôi lại với nhau và chúng tôi tìm xem trong sảnh có người nổi tiếng nào đón tiếp chúng tôi hay không. Cùng bà dì, tôi đi qua đi lại sảnh Viện Hàn lâm vài lần, nhưng chẳng thấy có ai để ý chút nào đến chúng tôi. Thôi ta vào trong đi, tôi nói, vì nghĩ trong phòng sẽ có một người nổi tiếng tiếp đón tôi và dẫn tôi đến chỗ dành sẵn cho tôi, cho cả tôi lẫn dì tôi. Mọi thứ, ở trong phòng, đều làm người ta đoán định là sẽ có một buổi lễ huy hoàng và đúng vậy, tôi có cảm giác hai đầu gối đang run lên. Cả dì tôi nữa, giống hệt tôi, cứ chực đợi xem có người nổi tiếng nào tới tiếp đón chúng tôi hay không. Chẳng có ai. Thế nên chúng tôi bèn đứng ở lối vào phòng khánh tiết để chờ. Nhưng rất đông người dồn đến từ tứ phía, dồn ép xung quanh chúng tôi để đi vào, liên tục xô đẩy chúng tôi, và chúng tôi buộc lòng phải nhận ra mình đã chọn đúng cái chỗ ít thích hợp nhất để chờ đợi. Chúng tôi hỏi nhau: nhưng rốt cuộc, sẽ chẳng có ai ra tiếp chúng tôi hay sao? Chúng tôi nhìn nhau. Trong phòng gần như đã chật ních người và có như vậy cũng chỉ là để trao cho tôi giải Grillparzer của Viện Hàn lâm Khoa học mà thôi, tôi tự nhủ. Thế mà chẳng có ai đón tiếp chúng tôi, tôi và dì tôi. Ở tuổi tám mươi mốt trông bà thật tuyệt vời, thanh lịch, trí tuệ, vào thời khắc ấy đối với tôi bà còn đáng giá hơn bất kỳ lúc nào khác. Trong khi đó, vài nhạc công thuộc dàn nhạc giao hưởng đã ngồi xuống chỗ của mình trên sân khấu và dường như mọi thứ đều báo hiệu khởi đầu của buổi lễ. Nhưng chẳng có một ai để ý đến chúng tôi, thế nhưng mà chúng tôi, chúng tôi nghĩ thế, phải là trung tâm của sự kiện chứ. Thế là, đột nhiên tôi nảy ra một ý: chúng ta cứ vào thôi, tôi nói với bà dì, chúng ta sẽ ngồi ngay giữa phòng, nơi vẫn còn mấy chỗ ngồi trống, rồi đợi xem phần tiếp theo. Chúng tôi đi vào trong phòng và đến mấy chỗ còn trống giữa phòng, nhiều người phải đứng dậy và cằn nhằn vì sự phiền nhiễu mà chúng tôi gây ra khi đi qua trước mặt họ. Thế rồi chúng tôi ngồi xuống chỗ mà đợi, ở hàng thứ mười hoặc mười một giữa phòng khánh tiết của Viện Hàn lâm Khoa học. Trong lúc đó, tất tật khách mời danh dự, như người ta vẫn hay nói, đã lục tục ngồi xuống ghế của họ. Nhưng lẽ dĩ nhiên, buổi lễ chưa thể bắt đầu. Và chỉ mỗi tôi cùng bà dì biết được là tại sao. Phía trước, trên diễn đàn, các quý ông đi đi lại lại, vẻ mặt lo lắng, mỗi lúc một thêm gấp gáp, như thể đang tìm cái gì đó. Và quả thật họ đang tìm kiếm cái gì đó, chính là tôi đấy. Những đi lại của các quý ông trên bục kéo dài thêm một lúc nữa, đủ để trong phòng bắt đầu hình thành một sự xôn xao nhất định. Trong lúc đó, bộ trưởng Bộ Khoa học đã tới và ngồi xuống hàng ghế đầu tiên. Bà được đón tiếp và hộ tống đến tận chỗ của mình bởi ông chủ tịch Viện Hàn lâm, một người tên là Hunger. Nhiều người nổi tiếng đáng chú ý khác, như người ta vẫn hay nói, cũng đã được đón và đưa đến hàng ghế đầu tiên hoặc hàng ghế thứ hai. Đột nhiên tôi nhìn thấy một ông trên bục thì thầm điều gì đó vào tai một ông khác, tay chỉ về hàng ghế thứ mười hoặc mười một, tôi là người duy nhất biết là ông đang chỉ tôi. Và thế là đã xảy ra điều sau đây: cái ông đã thì thầm điều gì đó vào tai ông khác và chỉ tay về phía tôi bước xuống trong phòng và tiến đúng đến hàng ghế tôi đang ngồi, rẽ một lối đi đến chỗ tôi. Nhưng, ông nói với tôi, tại sao ông lại ngồi ở đây, ông là nhân vật chính của buổi lễ này cơ mà, thay vì ngồi ở hàng ghế đầu, trong khi chúng tôi - thực sự là ông dùng từ “chúng tôi” - đã dành sẵn cho quý vị hai chỗ, cho ông và người đi cùng ông? Nhưng mà đúng, tại sao cơ chứ? ông ta nhắc lại và tôi thấy dường như mọi ánh mắt trong phòng đều đổ dồn về phía tôi và về phía cái ông này. Ông chủ tịch, ông nói với tôi, mời ông đi lên trên, vâng, tôi đề nghị ông đi lên phía trên, chỗ của ông là ở ngay bên cạnh bà bộ trưởng, thưa ông Bernhard. Ô, tôi đáp, mọi chuyện chỉ đơn giản có vậy thì tốt quá, nhưng tất nhiên tôi sẽ chỉ đi lên hàng ghế trên nếu ông chủ tịch Hunger đích thân xuống đây mời tôi, lẽ dĩ nhiên là tôi sẽ chỉ đi nếu ông chủ tịch Hunger đích thân mời tôi đi lên trên đó. Bà dì tôi chẳng hề nói gì trong suốt thời gian diễn ra câu chuyện ấy và tất tật khách mời nhìn chúng tôi và thế là ông kia lại phải quay trở lại đi hết hàng ghế rồi lên hàng đầu và tại đó, ngay bên cạnh bà bộ trưởng, ông thì thầm điều gì đó vào tai ông chủ tịch Hunger. Rồi thì có một sự lộn xộn lớn trong phòng, mà chỉ vài nốt nhạc của các nhạc công dàn nhạc giao hưởng đang lên dây đàn mới ngăn được không cho biến thành một cái gì đó tuyệt đối khủng khiếp, và tôi nhìn thấy ông chủ tịch Hunger khó nhọc rẽ một lối đi về phía tôi. Chính lúc này đây mi sẽ phải chứng tỏ bản lĩnh, tôi tự nhủ, tỏ ra cứng cỏi, can đảm, nhất quán với chính mình. Không được đi về phía họ, tôi tự nhủ, nếu họ không đi về phía mi, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Khi ông chủ tịch Hunger rốt cuộc đã đến được chỗ tôi, ông nói với tôi rằng ông rất tiếc, mà không nói rõ thêm là tiếc điều gì. Nếu tôi muốn đi lên hàng ghế đầu tiên cùng bà dì, ông nói với tôi, thì chỗ của tôi và của bà dì ở ngay giữa chỗ của ông và chỗ của bà bộ trưởng. Thế là bà dì cùng tôi theo bước ông đi lên hàng ghế đầu. Khi chúng tôi đã ngồi xuống và tiếng xì xào khó xác định dưới cử tọa lắng lại, rốt cuộc buổi lễ đã có thể bắt đầu. Tôi nghĩ các nhạc công dàn nhạc giao hưởng đã chơi một tác phẩm của Mozart. Sau đó có những bài phát biểu khá dài về Grillparzer. Liếc nhìn về phía bà bộ trưởng Firnberg - đó là tên của bà ấy - tôi nhận ra bà đang ngủ, điều này cũng không lọt khỏi mắt ông chủ tịch Hunger, vì bà bộ trưởng ngáy, chắc chắn là nhè nhẹ thôi nhưng đúng là bà có ngáy, cái tiếng ngáy kín đáo của bộ trưởng mà bất kỳ ai cũng đã biết. Dì tôi theo dõi buổi lễ với sự chú tâm cao độ, thỉnh thoảng bà liếc sang tôi một ánh mắt đầy ngụ ý, khi có một câu trong một bài diễn văn đặc biệt ngu hoặc chỉ đơn giản là quá mức hài. Chúng tôi thường tận hưởng tối đa ở các sự kiện. Cuối cùng, sau gần một tiếng rưỡi, ông chủ tịch Hunger đứng dậy, đi lên sân khấu và tuyên bố trao giải thưởng Grillparzer cho tôi. Ông đọc vài câu ca ngợi tác phẩm của tôi, có nhắc cả tên vài vở kịch mà ông cứ nghĩ tôi là tác giả, nhưng chưa bao giờ tôi viết chúng, rồi ông liệt kê đủ loại danh nhân châu Âu từng nhận giải thưởng này trước tôi. Ông Bernhard nhận giải thưởng này vì vở kịch Một bữa tiệc cho Boris, Hunger nói tiếp (đó là vở một năm trước đã bị đoàn kịch Burgtheatre diễn cực dở tại nhà hát của Viện Hàn lâm), rồi ông dang rộng hai tay như muốn ôm lấy tôi. Đó là dấu hiệu cho tôi hiểu là tôi phải bước lên trên bục. Tôi bèn đứng dậy và tiến về phía Hunger. Ông bắt tay tôi và trao cho tôi một tờ giấy chứng nhận giải thưởng, như người ta vẫn hay nói, trông nó dẩm dít đến độ khó mà có thể hơn được, cũng như tất cả mọi loại bằng cấp khác tôi từng nhận trong đời. Tôi không có ý định phát biểu gì hết trên bục, vả lại tôi cũng không được yêu cầu làm việc đó. Thế nên tôi chỉ, với mục đích giảm bớt nỗi bối rối, phát ra một từ cám ơn! rất ngắn ngủi rồi lại đi xuống dưới ngồi về chỗ cũ. Xong xuôi, ông Hunger cũng về chỗ ngồi và ban nhạc chơi một bản của Beethoven. Trong khi các nhạc công đang chơi, tôi suy nghĩ đến toàn bộ buổi lễ đã sắp kết thúc này, với đặc điểm kỳ khôi, dẩm dít và sự ngớ ngẩn trước đó dĩ nhiên còn chưa hiện ra đầy đủ với tôi trong toàn bộ sự hiển nhiên của chúng. Các nhạc công vừa ngừng chơi đàn, bà bộ trưởng Firnberg liền đứng dậy, ngay lập tức được ông chủ tịch Hunger bắt chước, và họ đi lên sân khấu. Chỉ giây lát sau, cả phòng đứng dậy và vây lấy quanh sân khấu, dĩ nhiên là hướng về phía bà bộ trưởng và ông chủ tịch Hunger đang nói chuyện với bà. Cùng bà dì, tôi đứng cách xa vài bước, hơi ngây ra và mỗi lúc một thêm hoang mang, chúng tôi nghe thấy cả một đợt sóng ngôn từ mỗi lúc một thêm phấn khích của cử tọa gồm gần một nghìn con người. Sau một lúc, bà bộ trưởng nhìn quanh và hỏi, với một sự ngạo mạn và một sự ngu xuẩn khó mà bắt chước nổi: Tay nhà văn ất ơ kia đâu mất rồi? Tôi đang đứng ngay gần, nhưng tôi không dám báo hiệu mình đang ở đó. Tôi túm lấy cánh tay bà dì và chúng tôi rời khỏi phòng. Không gặp trở ngại nào và cũng chẳng bị một ai để ý, chúng tôi rời Viện Hàn lâm Khoa học vào quãng một giờ chiều. Bên ngoài, các bạn đang đợi chúng tôi. Cùng các bạn chúng tôi đi ăn ở quán “Bệnh viện bia” Gösser. Một triết gia, một kiến trúc sư, vợ của từng người và em trai tôi. Toàn những người rất nhộn. Tôi cũng chẳng biết là chúng tôi đã ăn gì nữa. Trong bữa ăn, khi được hỏi giải thưởng trị giá bao nhiêu tiền, tôi mới thực sự lần đầu tiên ý thức được rằng đúng là giải thưởng chẳng đi kèm khoản tiền nào. Nỗi nhục vừa phải chịu vào lúc ấy thực sự hiện ra với tôi trong toàn bộ tính chất thấp kém của nó. Nhận giải Grillparzer của Viện Hàn lâm Khoa học, dẫu sao cũng là một trong những vinh dự lớn nhất mà một người Áo có thể có được, một người cất tiếng nói, tôi nghĩ là kiến trúc sư. Thật là khủng, triết gia nói. Em trai tôi, như luôn luôn vẫn thế vào các dịp tương tự, thì im lặng. Ăn xong, bất chợt tôi có cảm giác bộ com lê mới toanh chật quá, thế là chẳng nghĩ ngợi lâu la, tôi bước vào cửa hàng ở Kohlmarkt, Sir Anthony, tôi lấy giọng cộc cằn, nhưng chẳng phải không đi kèm với một sự lịch thiệp tuyệt hảo, bảo rằng tôi muốn đổi bộ com lê, tôi vừa mới, điều này thì họ biết rõ, mua nó, nhưng nó chật quá, ít nhất là một cỡ. Thái độ cả quyết của tôi khiến cho người bán hàng bị tôi nói như vậy ngay lập tức chạy tới ngăn lúc trước tôi đã tìm được bộ com lê. Không một lời phản đối, anh ta để cho tôi thử cùng bộ com lê, nhưng rộng hơn một cỡ, và ngay tắp lự tôi có cảm giác: bộ này tuyệt đối vừa với tôi. Tại làm sao mấy tiếng đồng hồ trước tôi lại có thể nghĩ bộ com lê nhỏ hơn là thích hợp với tôi nhỉ? Tôi lấy tay đập lên trán. Kể từ nay tôi mặc một bộ com lê rất vừa và tôi rời cửa hàng, thấy hết sức nhẹ nhõm. Người nào mua bộ com lê mà tôi vừa trả lại sẽ không biết nó đã cùng tôi đi dạo một vòng, đến buổi lễ trao giải Grillparzer tại Viện Hàn lâm Khoa học Viên, tôi tự nhủ. Đó là một ý nghĩ phi lý. Nhưng ý nghĩ phi lý này giúp tôi hồi tâm. Cùng bà dì, tôi trải qua một ngày rất dễ chịu, chúng tôi không ngừng cười vì chuyện ở chỗ Sir Anthony người ta đã đổi bộ com lê cho tôi mà không khằn khò chút nào, trong khi tôi đã mặc nó đi dự buổi trao giải Grillparzer tại Viện Hàn lâm Khoa học. Tôi sẽ nhớ mãi những người ở cửa hàng Sir Anthony tại Kohlmarkt đã tỏ ra thân ái với tôi đến mức nào.
[Mes prix littéraires, Daniel Mirsky dịch từ tiếng Đức sang tiếng Pháp]
Bernhard và tôi
Nỗi đau vì phải sống
Một vụ án khác nữa
Âm nhạc
Malaparte và Bernhard
Der Untergeher
xong
ReplyDelete"vợ của từng người" nghe kì kì, có cần phải rõ ràng vậy không anh (:
ReplyDeletethì đúng là kỳ, ông í cố tình mà
ReplyDeleteHaha vui tuyệt
ReplyDeletechị Tư đợt này đi nhận giải Literaturpreis zìa có chuyện zui cỡ này để kể hôn héng
ReplyDelete