Nov 10, 2015

Bernhard và tôi

Trong khi đợi cuốn tiểu thuyết mới của Linda Lê sẽ được xuất bản vào tháng Giêng sang năm (cuốn tiểu thuyết gần đây nhất, Oeuvres vives, là một câu chuyện tuyệt đẹp về một nhà văn bí hiểm sống ở Le Havre vừa tự sát; nhà văn ấy tên là Antoine Sorel: ngay tắp lự đã có một homage tới Stendhal, Julien Sorel và nguyên mẫu của Julien Sorel, mẩu tin vắn gây cảm hứng để Stendhal viết Đỏ và Đen, với nhân vật chính là Antoine Berthet, rút súng bắn chết người tình cũ trong nhà thờ), có thể đọc tập tiểu luận in cùng thời điểm với Oeuvres vives, mang tên Par ailleurs (exils). Đây là cuốn sách về những sự lưu đày, các nhà văn lưu đày, văn chương lưu đày.

Song song với sự nghiệp tiểu thuyết gia (vô cùng đồ sộ), Linda Lê còn có một sự nghiệp thứ hai, sự nghiệp của một nhà phê bình văn học kiệt xuất, với những tác phẩm sẽ còn tồn tại lâu trong lịch sử (ví dụ xem ở đây).

Cuốn sách của Linda Lê:


Bên cạnh là tác phẩm quan trọng hơn cả của Jean Améry, một nhà văn Đức cũng giống như Sebastian Haffner (xem ở đây), có một cái nhìn vô cùng nghiêm khắc hướng vào nước Đức. Jean Améry là một trong số các nhà văn lưu đày mà Linda Lê đề cập trong Par ailleurs (exils); cuốn sách cứ nhẹ nhàng và tinh tế đi qua những nhà văn đặc biệt nhất, ở nhiều trường hợp chạm tới cốt tủy văn chương của họ. Đọc phê bình của Linda Lê là một sự hoan lạc về nắm bắt, nhìn nhận, định vị các giá trị văn chương.

Par ailleurs (exils) được Linda Lê viết trong khuôn khổ một fellowship do quỹ Cioran tài trợ (sau khi Cioran qua đời, vợ ông dùng tiền tác quyền lập một quỹ dành cho các nhà văn muốn viết tiểu luận), và một trong những phần hay nhất viết về Thomas Bernhard. Như vậy, cuốn sách liên quan đến hai nhân vật đặc biệt quan trọng trong đời Linda Lê: Cioran người thầy và Bernhard một người thầy tinh thần khác, "tác giả gối đầu giường" của Linda Lê. Ta cần phải hiểu, trong văn chương, sự nâng đỡ tinh thần hết sức quan trọng; chẳng một ai đủ sức làm gì nếu không có những nâng đỡ như vậy, sự nâng đỡ có thể trực tiếp (như Linda Lê có quen biết cá nhân với Cioran) hoặc gián tiếp, thông qua những cuốn sách. Sách, ở ý nghĩa vô hình đẹp đẽ nhất, mang truyền sự nâng đỡ, một sự nâng đỡ vừa ân cần vừa nghiệt ngã.

"Thật khó đọc Thomas Bernhard mà không tự đặt ra câu hỏi chẳng biết chúng ta có sẵn sàng thỏa hiệp đủ mọi đường, chẳng biết chúng ta có mang sẵn tội lỗi về những hèn nhát và thấp kém. Thật khó đọc ông mà không cảm thấy một sự khó ở nhất định, cùng lúc với một niềm hoan lạc mạnh mẽ, vì ông quấy nhiễu những gì chúng ta vẫn dùng làm hàng lan can ngăn cho mình khỏi ngã. [...] Thật khó đọc ông mà không tự phá bỏ đi những thiên kiến của chúng ta, vì chẳng thiên kiến nào chẳng bị ông làm cho trở nên nực cười. Thật khó đọc ông mà không sẵn sàng cười mọi thứ, vì ông miêu tả một số tình huống với một sự hài hước châm chọc, khiến chúng ta thấy chúng thật buồn cười và giúp chúng ta nhận ra cười giúp chúng ta thanh tẩy đi những sự gớm tởm" (Linda Lê).

Một độc giả quen với các tác phẩm của Thomas Bernhard sẽ dễ dàng nhận ra ở đoạn trên đây một thủ pháp rất đặc vị Bernhard: sự lặp lại. Tức là Linda Lê đã thực hành pastiche đối với Bernhard. Đọc, ở một mức độ nhập tâm cao, thường dẫn tới pastiche, đến sự bắt chước phong cách. Một độc giả cao cường cần nhận ra những yếu tố ấy, thì sự thưởng thức mới có thể hướng đến mức độ trọn vẹn được. Ở những trường hợp không báo trước như pastiche, parodie, allusion, plagiat, độc giả rất dễ mắc bẫy. Những cái bẫy của văn chương chẳng mấy hung hiểm, nhưng vẫn cần phải ý thức được: điều này phân biệt độc giả non yếu với độc giả lão luyện.

Tôi từng nói đến sự lặp lại của Thomas Bernhard (xem ở đây). Sự lặp lại, bắt chước này, ta có thể tìm thấy một cách hiển ngôn ở bản thân Bernhard:


(bên cạnh là một cuốn tiểu thuyết của Robert Walser, nhà văn mà sắp tới đây ta sẽ phải nhắc đến nhiều)

phiên bản tiếng Anh của Der Stimmenimitator:


Thomas Bernhard, đối với tôi, trước hết có ý nghĩa này: nhiều lúc ta tự thấy kinh hãi vì trong mình chất chứa rất nhiều căm ghét, hận thù, kể cả đối với những thứ rõ ràng chẳng có mấy liên quan đến ta, nhưng nhất là đối với những gì gần gũi, thân thiết, rất khó hiểu tại sao chúng lại gợi ra ở ta sự căm ghét. Những thời điểm đen tối, hãy công nhận điều này, ta căm ghét tất cả (tất nhiên, chuyện ấy không liên quan đến sự khinh bỉ được lựa chọn như một cách sống, một cách nhìn nhận cuộc đời). Thomas Bernhard biến tất tật những thứ ấy thành văn chương. Làm thế nào mà lại có thể như vậy được? Tôi thấy vừa khó hiểu vừa dễ hiểu, nhưng dẫu có thế nào, lòng căm ghét được nghệ thuật hóa có thể mang giá trị khủng khiếp, nhất là giá trị về thanh tẩy. Ta sẽ không thể sống nổi nếu chỉ biết căm ghét, nhưng nếu không biết căm ghét, ta càng không thể sống nổi.

Và Thomas Bernhard thuộc vào số rất ít ỏi nhà văn làm ta thực sự hiểu một đất nước. Bernhard với nước Áo cũng tương đương như Witold Gombrowicz với nước Ba Lan.


Quyển ở giữa chính là Holzfällen. Eine Erregung, cũng là Woodcutters. Đây là cuốn sách được Thomas Bernhard dùng để chứng minh một điều: một người Áo chân chính, nhất là một nghệ sĩ, cần phải biết căm ghét nước Áo, thậm chí rời bỏ nước Áo, thì mới mong trở thành nghệ sĩ đích thực. Từ bỏ, từ bỏ và từ bỏ, đến mức độ lưu đày: tới đây ta quay trở lại với chủ đề cuốn sách tuyệt vời của Linda Lê.


Nỗi đau vì phải sống
Nhất Linh và tôi
Cioran và tôi
Báo chí Việt Nam và tôi

9 comments:

  1. đáng lẽ buồn vì dụ anh quá khó^^ nhưng nhờ post ni "nâng đỡ tinh thần" nên nỗi buồn đã kịp thời bị thanh tẩy (tks for the great 1048th post:))

    ReplyDelete
  2. spice (boy) đã về từ miền đất lạnh?

    ReplyDelete
  3. Không liên quan nhưng cuối năm NXB Kim Đồng sẽ in 2 tập cuối bộ manga Pandora heart, anh viết về nó đê

    ReplyDelete
  4. lúc tự dưng thấy Pandora bị ngừng thấy hẫng hụt phết

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thêm nữa là cái link "Nỗi đau vì phải sống" ở trên anh đặt nhầm thành "Nhất Linh và tôi" kìa, sửa đê:D

      Delete
  5. có lẽ bây giờ phải đặt câu đố: bài "xyz và tôi" sắp tới sẽ là ai ở vị trí xyz? :p

    ReplyDelete
  6. Nếu là em, em sẽ viết "Ngốc và tôi", "Thiên Tài và tôi".Hehe

    ReplyDelete
  7. Mấy bạn TĐ vừa nhá hàng Diệt vong từ mấy tháng trước đến giờ vẫn chưa thấy xuất hiện

    ReplyDelete
  8. khó mà có thể funny hơn: Thomas Bernhard rơi vào tay một băng nouveau riche thảm hại

    ReplyDelete