Quay trở lại với Valery Larbaud "của tôi"; đồng thời đây cũng là sự mở ra câu chuyện của các nhà văn ở vai trò dịch giả:
Cách đây vài năm, một comment của ai đó (tôi cũng không nhớ chính xác là ở post nào) bỗng nói rằng "Utopia" sao lại là "không tưởng" được.
Thỉnh thoảng, chuyện xảy ra như vậy: có điều gì đó bỗng xuất hiện, tôi chỉ việc làm một việc là nhìn theo nó. Nhưng đúng, utopia thì có liên quan gì tới "tưởng" đâu? Tôi nhìn theo cái đó, cho đến một lúc, tôi thấy, rõ dần lên, một từ. Tôi gọi đó là "Phi Lai".
Một trong những xứ Phi Lai đặc biệt nhất từng được tạo ra: Erewhon của Samuel Butler. Đây là Erewhon trong tiếng Pháp, bản dịch của Valery Larbaud:
Đây là ấn bản đầu, khi này còn chưa thực sự có "nhà xuất bản Gallimard", mà mới chỉ có nhà xuất bản của NRF. Năm 1920, người ta in sách rất cầu kỳ, lại còn ghi rõ "édition originale", và rất hay đánh số vào sách:
Bản dịch tiếng Pháp được in không quá lâu sau khi Samuel Butler qua đời (Samuel Butler chết năm 1902). Samuel Butler gần như không hề được văn giới Anh công nhận, khi còn sống. Và đây là "Samuel Butler Đệ nhị", vì từng có một Samuel Butler khác cổ xưa hơn, một nhân vật lớn, một nhà văn chuyên "satire", sống dưới thời Charles Đệ nhị Anh-cát-lị (ô, ta gặp lại người quen, Charles II tức là con trai Charles Đệ nhất nhà vua bị chém đầu do cách mạng, xem ởkia).
Satire là một truyền thống lớn của văn chương Anh. Samuel Butler (I) nhại Don Kihote của Cervantes, nhưng cả hai Samuel Butler đều ở trong truyền thống mở ra bởi Jonathan Swift. (cũng như đối với Valéry, mất rất nhiều thời gian tôi mới biết là nên bắt đầu với tác phẩm cụ thể nào, đối với André Breton, dường như cuối cùng - sau không ít thời gian hơn - tôi cũng đã thấy là nên mở đầu bằng cái gì: rất có thể đó sẽ là "từ điển" về "hài hước đen", trong đó Breton xếp ở đầu danh sách của mình chính Swift - không có gì đáng ngạc nhiên khi Nguyễn Văn Vĩnh lại cũng chính là người dịch Gulliver sang tiếng Việt)
Suốt cả đời, Samuel Butler (Đệ nhị, tất nhiên) chỉ thấy mỗi một điều, là các nhà xuất bản từ chối bản thảo của ông. Gần như sinh thời Samuel Butler toàn phải tự bỏ tiền ra in sách; trong lời tựa cho Erewhon, Larbaud cho biết, Samuel Butler vào năm 1899 đã tính toán tỉ mỉ (vì đó là một satirist) để thấy mình đã tốn mất tổng cộng 19.497 franc và 65 centime cho "sự nghiệp văn chương" riêng (tất nhiên, Larbaud đã quy đổi số tiền ra đồng franc thời ấy).
Erewhon, xứ Phi Lai của Samuel Butler, có mấy bức tượng khổng lồ và kỳ quái chặn đường. Khung cảnh của nó được Samuel Butler lấy cảm hứng rất nhiều từ Canterbury (New Zealand). Hiếm xứ Phi Lai nào (kể cả của Swift) tạo ra được tương quan chặt chẽ với thế giới của chúng ta như Erewhon (xứ Phi Lai thì không ngây thơ, tức là không phải một sự thoát đi khỏi thực tại - chính vì vậy, nó không liên quan đến "tưởng" để mà "không tưởng" - mà nó là một trình hiện thực tại theo đường lối khác hẳn đi; đây là một thuộc tính lớn, trong số các thuộc tính có thể có của Phi Lai - tôi sẽ còn trở lại).
(một số Phi Lai khác: có ai còn nhớ cuốn tiểu thuyết của Alfred Kubin mà tôi đã nhắc tới ởkia không nhỉ? tôi cũng đặc biệt nhớ đến xứ Phi Lai trong một cuốn sách của August Strindberg mà tôi từng đọc hoàn toàn do tình cờ, tôi chỉ nhớ tên của nó trong tiếng Pháp là L'Ile des bienheureux)
Có tương quan theo một lối đặc biệt như vậy với thế giới chúng ta, ấy là vì Erewhon của Samuel Butler là một đối xứng, một lối đối xứng thuần túy qua gương: Erewhon là viết ngược lại của Nowhere, là Nowhere đặt trước gương (lẽ ra nếu hoàn toàn viết ngược lại thì sẽ phải là Erehwon chứ không phải Erewhon, nhưng ở đây, đối với Samuel Butler, wh không phải hai chữ mà chỉ là một chữ). Mấy pha đảo ngược đáng nhớ nhất tại xứ Phi Lai Erewhon: Yram là Mary, Senoj Nosnibor là Jones Robinson, và đặc biệt là "nữ thần" Ydgrun đáng sợ: Grundy.
Và như vậy, Erewhon là sự đảo ngược. Ở đó, nếu bị ốm người ta sẽ bị tòa án xử tội (có thể xử rất nặng), nạn nhân bị lừa gạt mới bị xử, chứ không phải kẻ đi lừa. Chỉ cần đảo ngược, mọi thứ liền khác khủng khiếp và gây hoang mang (đúng hơn, gây chóng mặt), chứ đâu cần tưởng tượng ra cái gì xa xôi.
Người Anh rất giỏi đối xử với gương: Lewis Carroll và Alice, etc. etc. Chắc có lẽ vì bản thân tính chất đảo của Anh, khắp xung quanh là nước, là sự phản chiếu, là sự lộn ngược.
Vài năm sau, Larbaud lại dịch phần tiếp theo của Erewhon:
Trên bìa ghi "ấn bản lần thứ 5". Đây là một điểm không dễ xác định: giới sưu tầm sách ở Pháp khẳng định rất nhiều vụ ghi kiểu như thế này là bốc phét. Nhưng cũng có thể không. Tức là, quyển mà tôi có đây có thể là édtion 5 thật, nhưng cũng có thể là không; có vẻ nó không thuộc lần in đầu, vì không thấy đánh số:
Gilles Deleuze vô cùng say mê Erewhon (tôi sẽ còn trở lại với điểm này). Chính ở đây, chúng ta có thể bước sang một đối xứng khác: Michel Foucault, bởi vì với Foucault, cả một chân trời mới được mở ra: không còn là Utopia nữa, mà là Heterotopia; từ xứ Phi Lai, chuyển qua xứ Bất Phi Lai; hai cái này có thể có với nhau tương quan như thế nào?
Một cái tên nữa ở xứ Erewhon: Thims, đó là Smith; đoạn ấy, nhân vật của Samuel Butler (trong suốt Erewhon ta không hề biết tên, phải sang đến Erewhon Revisited, tức là quyển thứ hai trên đây, thì tên nhân vật mới được nói ra: Higgs) gặp gỡ với giới đại học. Ở điểm miêu tả các giáo sư của xứ Phi Lai Erewhon, Samuel Butler không đảo ngược mấy: vẫn giống ở chỗ chúng ta, đám giáo sư chính là đám ngu nhất trong số cư dân. Tôi nghĩ, ngày nay, nếu muốn chắc chắn tìm được các hình mẫu về ngu xuẩn, cứ kiếm trong đám có bằng tiến sĩ í.
Ở chương về thế giới của "những kẻ không sinh ra" (hoàn toàn có thể xem là "thần học xứ Erewhon"), Samuel Butler nói đến một điều: từng có thí nghiệm cho con người sống tương lai trước quá khứ (điều này là khả dĩ, bởi xét cho cùng, từ một điểm nhìn nhất định, tương lai thì có khác gì quá khứ) - tức là một đối xứng gương điển hình; kết quả là tất cả lăn ra chết sau một quãng thời gian rất ngắn, mà chẳng ai thực sự hiểu tại sao.
"Sự nghiệp văn chương" của Samuel Butler (cái sự nghiệp, như trên đã nói, chẳng hề mang lại tiền cho Samuel Butler mà còn khiến ông tốn rất nhiều - cũng may, Samuel Butler từng, hồi trẻ, đi sang xứ thuộc địa làm ăn thế nào đó mà chỉ cần vài năm đã kiếm được khá tiền, ít nhất cũng đủ để cả đời khỏi phải làm gì) mở đầu bằng Erewhon và kết thúc cũng là Erewhon: không lâu trước khi qua đời, Samuel Butler có Erewhon Revisited. Hai mươi năm sau khi trốn thoát khỏi Erewhon, Higgs (khi đó, vợ của Higgs, mà Higgs mang theo từ Erewhon, đã chết) quyết định lại đến Erewhon. Những thay đổi ở đó là không thể tưởng tượng được. Thêm một đảo chiều nữa, gương lại phản chiếu một lần nữa.
Soi gương thì đâu chắc chắn cái đối tượng soi vào sẽ tạo ra một phản chiếu giống hệt (nhưng lộn ngược). Chưa nói đến các loại gương có thể phóng to, thu nhỏ, gây biến dạng như gương của nhà cười (thế giới của Jonathan Swift chẳng hạn, hay thế giới của Thomas More), chuyện còn tuỳ thuộc vào điều sau đây: đối tượng được đặt trước gương theo phương vị nào, góc ra sao, rồi thì, nếu không chỉ là một bức gương mà nhiều gương một lúc, mọi thứ sẽ còn khác nữa, rất nhiều. Cái nhìn tương ứng nhiều nhất với những gì tôi vừa miêu tả xong là cái nhìn của Martin Heidegger. Heidegger là một tinh thần của sự vượt qua, thông qua đường lối (những tấm) gương.
Erewhon bản gốc:
Một ít Swift (không Gulliver):
Như thể, Samuel Butler được hưởng các vinh dự từ Erewhon, chứ không phải từ thế giới này. (nhìn vào cuộc đời một số tác giả tạo ra [các] xứ Phi Lai thì sẽ có thể thấy một số điều: đối với Thomas More, vinh dự ấy là án tử hình; với August Strindberg: chứng điên; và cái chết - hay được coi là - bi thảm và kỳ bí, đối với Edgar Poe: xứ Phi Lai của Poe là gì? đối với tôi, đó là "Maelström", nơi tính cách Phi Lai hiện lên rất rõ; hoặc cũng có thể là những gì được thuật lại trong cái chai trôi nổi dập dềnh trên biển)
(còn nữa)
NB. cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 (một fin de siècle) là quãng thời gian cosmopolite cao độ; Valery Larbaud là một nhân vật thể hiện rất rõ điều đó (biểu hiện đỉnh cao có lẽ chính là bài thơ lần trước tôi đã nói đến) - cùng quãng thời gian in Samuel Butler qua các bản dịch của Larbaud, NRF cũng in hối hả các bản dịch tiếng Pháp tác phẩm của Joseph Conrad
Paul Valéry (cùng cả "trường phái Mallarmé" - Mallarmé là một thầy giáo dạy tiếng Anh) đặc biệt quay sang Anh và Mỹ (văn chương Ý, ở giai đoạn này, cũng rất hấp dẫn nhà văn Pháp; cũng ở quãng này, Ezra Pound đặc biệt nhấn mạnh, nhà văn Mỹ rất kém hiểu biết vì không đọc được văn chương Pháp, cũng như Ý: sự cosmopolite thực sự rộng khắp); trong cùng quãng thời gian tuổi trẻ, đoạn viết Monsieur Teste, Valéry cũng đi sang Anh và gặp George Meredith (tất nhiên, ai đọc Teste cũng đều dễ dàng nhận ra âm hưởng của Edgar Poe)
George Meredith, nhân vật ngày nay bị lãng quên quá nhiều:
Meredith xuất hiện trong tiếng Pháp đặc biệt rực rỡ dưới ngòi bút của một nhân vật vô cùng cosmopolite (và cũng hướng rất mạnh về phía văn chương Anh) khác: Marcel Schwob; Schwob cũng đã tới gặp Meredith tại nhà Meredith và viết lại cuộc gặp ấy thành một tiểu luận rất đáng nhớ, in trong chính quyển sách ở đường link; Schwob đặc biệt sùng kính một nhà văn Anh khác nữa: Stevenson
Gulliver NVV dịch một phần không đủ nhi, thấy Kim Đồng có in lại
ReplyDeleteSolomon Grundy... buried on Sunday.
ReplyDeleteCthulhu
Grundy này (Samuel Butler) nhiều phần chắc chắn có nguồn gốc là Mrs Grundy trong vở kịch Speed the Plough của Thomas Morton
ReplyDeletexứ nào sẽ hiện lên khi thay những tấm gương bằng những bức tường nhỉ
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDelete❤️
ReplyDelete