Apr 14, 2018

Trung Bắc

Ta quay trở lại với bài Nguyễn Văn Vĩnh trả lời phỏng vấn Thái Phỉ năm 1935. Tôi nghĩ, có rất nhiều điều người ta cứ cãi nhau ròng rã suốt nhiều năm trời, hết thế hệ này qua thế hệ khác, chỉ vì chẳng bao giờ đọc những thứ rất nền tảng, rất cụ thể - người ta cãi nhau là vì người ta thích cãi nhau (và không nhìn thấy sự đơn giản), chứ không phải vì người ta cầu sự thật (Schopenhauer, đại ý).

Một bài như bài trả lời phỏng vấn ấy nói lên rất nhiều thứ.

Trước hết, ta có thể đặt ra một nguyên tắc: khi được hỏi (và ý thức rằng lời nói của mình sẽ có nhiều người đọc), người trả lời phỏng vấn sẽ nói rất chính xác một số điểm (sự chính xác này, cần phải coi là duy nhất: tức là ngoài người đó, sẽ không ai nói được, ở mức độ chuẩn xác như thế). Dưới đây là ba điều đủ sức phản bác mọi ý kiến ngược lại (do những người khác nói) - tất nhiên chưa phải là tất tật những gì có thể rút ra:

Thứ nhất, nếu Nguyễn Văn Vĩnh nói ông thầy dạy chữ Hán cho mình là Phan Hữu Đại, thì đó đúng là Phan Hữu Đại, tức là người dạy chữ Hán cho Nguyễn Văn Vĩnh (ngồi dạy học ở nhà Nguyễn Văn Vĩnh luôn) đích xác là Phan Hữu Đại. Thông tin tiếp theo, "Tôi phải thành thực nói rằng cụ Phan hữu-Đại là một nhà hiền-triết nhất nước Nam" thì ta không nhất thiết phải tin, đó là đánh giá riêng của Nguyễn Văn Vĩnh - ai tin thì cứ việc, nhưng chuyện Phan Hữu Đại là thầy dạy chữ Hán cho Nguyễn Văn Vĩnh đương nhiên đúng.

Đấy, thấy chưa, chỉ cần có nguyên tắc (mà nguyên tắc rất đơn giản) là mọi thứ sáng sủa liền.

Thứ hai, tại sao người ta cứ đi cãi nhau về chuyện ai dịch Rousseau đầu tiên ở Việt Nam nhỉ? Chỉ cần đọc bài này là biết liền một điều thuộc về "fact": Năm 1899-1900 (khi đó Nguyễn Văn Vĩnh "mới có 17, 18 tuổi") Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch (ít nhất một phần) Du contrat social của Rousseau. Niên đại này lật nhào mọi Nguyễn An Ninh etc. (Nguyễn An Ninh năm 1900 mới đẻ).

Chi tiết hơn nữa: quãng thời gian tuổi trẻ (trước Đông Dương tạp chí cỡ gần mười lăm năm) Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch (ít nhất một phần) ít nhất Du contrat social của Rousseau (chừng như cũng gọi là Dân ước), thêm luôn De l'esprit des lois (hồi ấy hay gọi là Vạn pháp tinh lý) của Montesquieu. Rất khéo léo (Nguyễn Văn Vĩnh rất lão luyện trong việc trả lời phỏng vấn - đọc bài này là thấy ngay), Nguyễn Văn Vĩnh nêu tên một người, Nguyễn Dực Văn, "ký lục, bạn đồng tòa của tôi ở Bắc Ninh", có chứng kiến: nếu ai nghi ngờ thì cứ đi hỏi Nguyễn Dực Văn.

Chi tiết sau đây mới thực sự khiến tôi hứng thú: "Tôi lại dịch cả tập thứ nhất cuốn Traité de l'Esprit của Helvétius nữa. Hồi ấy nhằm vào năm 1905". Helvétius là một nhân vật không hẳn được biết đến nhiều tại Việt Nam, cũng như d'Holbach hay d'Alembert. Cho nên qua đây tôi có thể thấy ở Nguyễn Văn Vĩnh có một sự hiểu biết không giống trí thức tiêu biểu một thời (gọi đúng tên hơn, ở Nguyễn Văn Vĩnh có một sự "tò mò của tinh thần" đặc biệt). Cuốn sách của Helvétius, thêm nữa, xét trên nhiều phương diện, quan trọng hơn so với Rousseau hay Montesquieu, vì thời điểm 1905: lúc này chắc hẳn Nguyễn Văn Vĩnh đã bắt đầu cảm thấy bị thôi thúc mạnh mẽ; cho nên "đấu xảo 1906" tại Marseille không phải nguyên do duy nhất khiến ngay sau đó Nguyễn Văn Vĩnh trở thành nhân vật giống như chúng ta sẽ biết; sự thôi thúc đã mạnh dần lên, đã rất mạnh từ trước đó, mà việc dịch cuốn sách của Helvétius chính là một biểu hiện.

Đó là các fact. Điều này không liên quan đến chuyện các bản dịch đó đâu? Khi Nguyễn Văn Vĩnh nói như vậy, ta sẽ biết đích xác (và điều này sẽ không sai: người ta, trong cái nhìn hồi cố, sẽ không nói sai tên những gì đầu tiên, đây là một nguyên tắc của tinh thần) Nguyễn Văn Vĩnh dịch đầu tiên Rousseau, Montesquieu  Helvétius.

Ô, cái này quan trọng lắm đấy. Chẳng hạn, chỉ tôi mới biết cái đầu tiên tôi dịch là La Fortune des Rougon của Émile Zola, tuy rằng hồi ấy tôi cũng có dịch một phần Télémaque của Fénelon (được một chút thì bỏ) - về sau tôi rất kinh ngạc khi biết Nguyễn Văn Vĩnh cũng từng dịch "Tê-lê-mặc" phiêu lưu ký; đây chính là điều khiến Nguyễn Văn Vĩnh đặc biệt thu hút tôi; còn cuốn tiểu thuyết Rougon của Zola tôi dịch hết sạch, và để đề phòng mọi nhầm lẫn có thể có về sau, tôi nói luôn, hết sức cụ thể, là tôi đã dịch hết cuốn tiểu thuyết đó, và hiện nay tôi vẫn giữ được bản thảo (viết tay), một chồng to tướng.

Thứ ba, liên quan đến La Fontaine.

Dường như, những gì Nguyễn Văn Vĩnh nói trong bài phỏng vấn cho phép chúng ta đặt một nghi ngờ: rất có thể không phải mọi bài thơ của La Fontaine xưa nay vẫn nghiễm nhiên được coi là do Nguyễn Văn Vĩnh dịch đúng là Nguyễn Văn Vĩnh dịch.

Tôi sẽ còn quay trở lại với riêng vấn đề này. Bản dịch thơ La Fontaine (Nguyễn Văn Vĩnh, hay ít nhất, ghi tên Nguyễn Văn Vĩnh ở tư cách người dịch) phổ biến hiện nay có thể coi là bản do Hữu Nhuận làm (chắc nhiều người biết mối quan hệ giữa Hữu Nhuận và Nguyễn Văn Vĩnh). Bản Hữu Nhuận lại làm lại từ bản Đắc Lộ thư xã in hồi đầu thập niên 40, gồm tổng cộng 43 bài. 43 này có thực sự đều là do Nguyễn Văn Vĩnh dịch không?

Tôi muốn dừng lại ở nhà xuất bản Alexandre de Rhodes. Nhà de Rhodes in những gì thuộc về Nguyễn Văn Vĩnh? Tôi nghĩ là tôi nhìn thấy một điều: hình ảnh Nguyễn Văn Vĩnh của Alexandre de Rhodes là một hình ảnh rất hiền lành. Một hình ảnh như vậy có chân thực hay không? tôi không định khẳng định điều gì, nhưng nếu nhìn thêm Alexandre de Rhodes làm những gì của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cùng giai đoạn (lúc đó, cả Nguyễn Văn Vĩnh và Nguyễn Khắc Hiếu đều đã chết), thì có thể thấy rõ, dưới cách trình hiện của một nhà xuất bản như Alexandre de Rhodes đầu thập niên 40 của thế kỷ 20, một số nhân vật Việt Nam có một dáng điệu đặc biệt "bonhomme"; đóng vai trò không nhỏ trong đó là những bức tranh minh họa của Mạnh Quỳnh. Hình ảnh hớn hở vui tươi của Nguyễn Văn Vĩnh hay Nguyễn Khắc Hiếu thoát thai từ các ấn bản Alexandre de Rhodes sẽ còn lưu dấu lâu dài. Nhưng chúng có đúng hay không?


Tạm bỏ lại mấy câu chuyện ấy.

Đã nhắc tới Đông Dương tạp chí, tôi nghĩ không thể không nói đến Trung Bắc tân văn. Dưới đây là một số Trung Bắc tân văn năm 1919:


(courtesy of VHT)


(còn nữa: tôi sẽ phân tích hai từ "Trung Bắc" sau)



đã tiếp tục "Baroque"


8 comments:

  1. Bác Nhị Linh in sách đi

    ReplyDelete
  2. mảng văn học Việt qua mắt bác thiệt lạ, có lẽ bác chuyển hẳn sang nghiên cứu cái này đi làm nền tảng cho thế hệ sau, giờ loạn chuẩn cả rồi

    ReplyDelete
  3. có lẽ phải đặt quy định là không ai được nói đến chuyện "in sách đi" mới được

    kiểu như là phạm huý í

    ReplyDelete
    Replies
    1. nói chuyện tôi rất thích NL không phạm húy đâu nhỉ, spam hơi nhiều, sr anh :(((

      Delete
  4. "toét mắt là tại hướng đình". nhưng rồi nó đẻ ra những type "... trong mắt tôi"

    ReplyDelete
  5. đúng lẽ anh phải cho đặt Rougon của Zola vào Tủ trước chứ

    ReplyDelete
  6. Trắc ẩn chắc giống Tình yêu, có hình dáng thế nào thía lào :)))

    ReplyDelete