Jun 1, 2016

tiếp tục xếp

trong lịch sử đọc Kafka, cứ lâu lâu lại thấy xuất hiện một quả bom, mà người ta rất nhanh chóng thấy là bom xịt, lại thêm một quả bom xịt

quả bom mới nhất, được quảng cáo một cách dữ dội, đến mức có thể gọi là điên rồ, là bộ "tiểu sử" Kafka, của Reiner Stach

một bộ sách mà đọc xong ta thấy tiếc, không phải tiếc nó hết quá nhanh, ta chưa kịp thấy thỏa mãn, mà tiếc vì đã bỏ thời gian đọc nó

câu chuyện dạng như thế này đã xảy ra không ít lần, và không chỉ là đặc sản của thế giới những cuốn sách rất popular như sách của Reiner Stach (mà tôi thấy ngang tầm, rất tương đương với việc ở Praha khách du lịch mặc áo phông in dòng chữ "I love Kafka")

ở một tầng không chỉ cao hơn rất nhiều mà thậm chí còn có thể nói là không có gì chung với cái thế giới trong đó bộ sách của Reiner Stach có vị trí riêng của mình, không phải mọi chuyện đều khác hoàn toàn

Georges Bataille, ở tiểu luận nổi tiếng đặt trong Văn chương và cái ác, nhấn mạnh vào khía cạnh do dự ở Kafka; thế nhưng, Kafka chưa bao giờ do dự, thậm chí trong toàn bộ văn chương loài người, Kafka chính là người ít do dự nhất, người cả quyết nhất: chẳng hạn, việc Kafka bỏ dở nhiều bản thảo, không viết hết, đương nhiên hoàn toàn có thể làm người ta nghĩ đến một sự do dự nào đó ở Kafka, nhưng điều này đâu có che đậy được một khả năng hoàn toàn khác, khả năng về những bỏ dở cố tình, tức là một câu chuyện hoàn toàn khác

chiến đấu chống lại Bataille (saint Bataille) không bao giờ là chuyện dễ, tất nhiên, nhưng điều đáng nói là ngay cả ở những tầng rất cao, Kafka vẫn liên tục vuột mất khỏi tay các nhân vật lỗi lạc; người ta có thể nhìn thấy đỉnh cao, nhưng cũng có thể nhìn thấy đỉnh cao từ dưới lên, như thế không có gì chung với nhìn từ độ cao nào đó cho phép thực sự thấy những gì xảy ra trên đỉnh

tại sao lại có thể như vậy? đây chính là mấu chốt của vấn đề, cái câu hỏi tại sao này; nhưng ít nhất cũng cần thấy rằng, sự ràng buộc văn chương Kafka vào cuộc đời Kafka chính là một nguyên nhân không nhỏ khiến cho mọi hướng đi đều mau chóng đâm vào ngõ cụt; ví dụ mới nhất liên quan đến Reiner Stach chỉ thêm một lần khẳng định điều này

khi câu chuyện Kafka-Felice Bauer đột nhiên xuất hiện với những bức thư, người ta đã tưởng là có thể nhờ vào đó mà hiểu hơn về cuốn tiểu thuyết Vụ án; nhưng té ra hoàn toàn không phải thế; mọi thứ dường như đều được giăng mắc, bởi cả ý chí của cá nhân Kafka, bởi cả những gì bên ngoài đó, với mục đích lớn là đánh lạc hướng

người ta cũng hay đặt trọng tâm vào mối quan hệ giữa Kafka và ông bố, nhưng đây có vẻ còn là một ngõ cụt nhiều tính chất châm biếm hơn nhiều; Kafka bị đè nén, Kafka sống ngột ngạt dưới ách áp bức của một ông bố bạo chúa? tôi sợ đây chính là một cái bẫy lớn đấy; chưa kể, một tập đoàn nhà diễn giải kiểu Albert Camus đã làm rối tung thêm mọi thứ nữa; nhân tiện, Maurice Blanchot từng viết một cuốn sách tuyệt vời về Kafka, và cũng không chỉ có cuốn sách ấy, những người mê Kafka ở Việt Nam đã đọc nó chưa, hay vẫn suốt ngày loanh quanh với mấy thứ màu mè, rồi cứ luẩn quẩn với một hình ảnh Kafka ảo tưởng?

xếp được cho đúng trong câu chuyện liên quan đến Kafka là không hề đơn giản, trong đó xếp (tức là chọn) đúng những gì "đúng hướng" nhất trong cả một dãy dài bất tận sách vở từng bàn về Kafka, là một điều vô cùng quan trọng, đọc sai chỉ tổ mất thì giờ

giờ, ta sẽ thử xác định một điều

Nhật ký của Kafka thật ra nói những gì? có thể chia thành ba nhóm nội dung lớn: những gì liên quan đến cuộc đời Kafka, tạm bỏ sang một bên, các bản thảo dang dở, những ý tưởng bị bỏ ngang giữa chừng (rất nhiều, trong đó có cả những đoạn không ngắn, lẽ ra đã hoàn toàn có thể trở thành tác phẩm độc lập), cũng tạm bỏ sang một bên, ta còn lại một "bộ phận", mà theo tôi chính là những gì ít có khả năng bị hiểu sai nhất: những gì Kafka từng đọc

Kafka dường như không phải một người đọc quá nhiều, việc của Kafka dường như cũng không liên quan gì đến chuyện bình luận hay đánh giá các nhà văn khác, nên ta có thể xếp một tập hợp những văn chương mà Kafka từng quan tâm, ít nhất là có viết rõ điều đó trong Nhật ký

thật ra cái nhóm nhỏ này cũng không hề đơn giản, mặc dù có lợi thế hiển nhiên là ở riêng địa hạt này, không có lý do gì để nghĩ đến những tung hỏa mù, chẳng hạn, chỉ riêng về Goethe, cũng phải mất rất lâu tôi mới lờ mờ hiểu thật ra Kafka định nói gì; mấy tên tuổi lớn mà Kafka từng quan tâm: Goethe, Kierkegaard, Flaubert, và Dickens; Dickens không hề kém phần quan trọng, mà theo tôi cần đặc biệt để ý đến tiểu thuyết dưới đây:


Kafka không có nhiều quan tâm đặc biệt đối với văn chương cùng thời, nhưng cũng không hoàn toàn như vậy, chẳng hạn Kafka rất quan tâm đến Robert Walser, và đây nữa:


Alfred Kubin sinh năm 1877, đồng thời cũng là một họa sĩ, tranh của Kubin dường như có tác động mạnh lên Kafka, như Kafka đã thể hiện trong Nhật ký; cuốn tiểu thuyết kỳ lạ này của Kubin có nhan đề gốc là Die andere Seite, về một "Vương quốc Giấc Mơ"


một "châm ngôn", thực chất là biến tấu từ một châm ngôn của Kafka trong loạt Zürau:

- trong cuộc đấu tay đôi (của Kafka) với thế giới, (tất cả mọi người) hãy đứng về phía thế giới (so với thế giới, Kafka quá mạnh, thế giới quá yếu ớt so với Kafka)



đọc là gì
vài tập hợp
Đọc và đọc lại: Kafka
Kafka: Amerika
Một vụ án khác nữa

8 comments:

  1. nhân quốc tế thiếu nhi bác làm một bài quá dữ :))

    ReplyDelete
  2. Chắc Amerika sắp xong

    ReplyDelete
  3. tranh thủ đọc "Nicholas Nickeby" đi, nhất là cái đoạn có ông chú Ralph í, Kafka sẽ lặp lại một số mô típ đấy

    ReplyDelete
  4. Bộ sách của Stach là sách tiểu sử, nó không xếp kafka vào đâu, mà nó kể chuyện. Cuốn sách độc đáo là nó tránh tất cả các lý thuyết hoặc các quan điểm có tính lập thuyết, và câu văn được lặp lại nhiều nhất là "Chúng ta không biết". Cuốn sách này không phải "tầm cao", nó không có tham vọng ấy, nhưng nó có vô số gợi ý, nhất là các gợi ý về giới hạn. Ví dụ: Quan hệ Felice-Kafka: Tất nhiên việc gặp Felice là cú huých quyết định khiến Kafka bật ra tác phẩm "Bản án" (Urteil) mà nếu không có cú huých đó thì không biết bao giờ Kafka mới có đột phá, tạo lập phong cách. Tất nhiên là ta thấy hình bóng của Felice và ông bố trong tác phẩm đó. Tất nhiên là sự kiện hủy hôn ở Berlin là cú huých làm bật ra "Vụ án" và các bức thư K. gửi Felice giúp ta hiểu phần nào một số hình ảnh, câu nói, mô-típ trong Vụ án được "hư cấu từ thực tế" như thế nào. Reiner Stach viết về những điều này khá hấp dẫn, người đọc nhận ra là TẤT CẢ các nhân vật của Kafka đều có một "nguyên mẫu" nào đó, biết thế thì cũng thú vị, như đọc một cuốn tiểu sử, song điều đó dĩ nhiên không nói được gì đích thực về Kafka, mà đó chính là điều Stach cảnh báo và ông thường cũng chỉ dừng ở đó...

    Bộ tiểu sử Kafka đối chiều nhiều nguồn dữ liệu, cung cấp những thông tin đáng tin cậy, chẳng hạn việc Kafka đọc sách gì, có quan điểm thế nào về các tác giả khác? Nhật kí là một nguồn khiếm khuyết. Stach dựng lại thời đi học của Kafka, ta biết ông học các môn gì trong trường, nhà trường Đức ở Praha hồi đó dạy gì, tủ sách của Kafka có những cuốn gì, Tủ sách của Brod và các bạn khác của Kafka có gì, họ trao đổi những gì... Thời kì đọc nhiều nhất của Kafka là hồi từ khoảng 10 đến 15 tuổi... và v.v.

    Nói chung bộ tiểu sử cho biết vô số điều râu ria về Kafka, và nó hấp dẫn vì thế, còn cái CHÍNH là cái gì thì nó bảo nó không biết, các ông độc giả phải tự đi tìm.

    ReplyDelete
  5. nhiều tất nhiên thế thì có vẻ sẽ tất nhiên hiểu Kafka viết gì cũng là vì đời Kafka có chuyện gì đó liên quan, như thế tất nhiên chẳng để làm gì

    chẳng hạn, đọc tập "những năm quyết định", rốt cuộc chẳng thể nào hiểu tại sao những năm đó lại là "quyết định", và rồi cuối cùng, nếu không dựa vào nhật ký (chính xác hơn là những gì Kafka quyết định viết vào nhật ký) thì cũng chẳng có cơ sở nào hết, có vẻ cuộc đời phụ thuộc vào Kafka chứ không phải Kafka phụ thuộc vào cuộc đời

    những cái lời chứng kiểu Brod hay Janouch nguy hiểm lắm, lúc nào cũng có cảm giác Kafka chọn họ vì biết họ sẽ miêu tả cực kỳ hỗn loạn

    mà nói chung, những phát thiên khải như đêm viết Lời phán quyết, chả bao giờ có liên quan đến sự kiện cuộc đời nào đâu

    ReplyDelete
  6. Vậy những phát thiên khải thế thì nó liên quan đến cái gì? Đã có cái gì đó nằm ở đấy, rồi một sự kiện cuộc đời làm nó bật ra; hay sự kiện cuộc đời chính là cái tạo nên cái gì đấy, mà không có nó thì sẽ chả có cái gì đấy hình thành? Một bộ sách tiểu sử về nhà văn thì có thể nào khác hơn là kể câu chuyện rằng cuộc đời ông ta như thế nên văn chương ông ta như thế?


    ReplyDelete
  7. Kaka, ông Kafka bao giờ người ta mới thôi khai thác đây

    ReplyDelete
  8. nhưng tại sao lại thôi? thậm chí về cơ bản người ta còn chưa chạm được vào Kafka cơ mà

    ReplyDelete