Tác giả: Chưa rõ
Tờ 18B
+ Bạn bè rồi sẽ khác, người tình rồi sẽ khóc, và sống thì thảm
khốc.
+ Nghiêm túc là điều
dễ nhất, vì nếu muốn nghiêm túc, chỉ cần độc nhất một thứ, thứ này lại luôn
luôn có sẵn: ngu xuẩn; không một thằng ngu nào không nghiêm túc từ bản chất.
+ Cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối không bao giờ kinh khủng bằng cuộc chiến giữa nghĩa đen và nghĩa
bóng. Ánh sáng và bóng tối thật ra không
bao giờ chiến tranh thực sự, chúng chỉ đánh trận giả, và từ đó mà tạo ra một
trong những thứ cơ bản nhất của thế giới, là [không đọc được mấy chữ], còn
nghĩa bóng và nghĩa đen mang vào cuộc chiến giữa chúng toàn bộ sức mạnh hủy diệt,
mưu mẹo đê tiện cũng như sự hào hùng chết chóc.
+ Bởi vì thiên đường đã mất, con người phải tìm cách tái tạo
thiên đường; gần như không một nỗ lực nào thực sự thành công: các thành phố thì
thu hút, lại phát ra hào quang mạnh mẽ, nhưng quá ồn, không thể là thiên đường,
rạp chiếu phim cắt đứt con người khỏi mặt đất, nhưng vẫn quá ồn (tại sao bọn
người trên màn ảnh nói lắm thế, và từ đó phát ra nhiều tiếng nhạc thế?); công
viên đỡ ồn hơn, nhưng sự ít ồn ã này vẫn không thực sự giống với im lặng; cần
phải tìm hình ảnh gần thiên đường nhất ở nơi nào trông như thể không có hào
quang, lại thực sự không ồn ào: dường như chỉ còn lại hai chỗ, nghĩa địa và thư
viện.
+ Nếu William Blake không có Catherine Boucher (hoặc
Butcher, như thế nào thì cũng đều có nghĩa “hàng thịt”) ở bên cạnh: viễn cảnh
này khủng khiếp đến nỗi chỉ cần thoáng nghĩ đến là chỉ có thể hét lên hãi hùng
và không dám tưởng tượng tiếp nữa; Shelley và Keats là hai mặt của cùng một thứ.
+ Hai mươi năm là gì? Với người nào có nó ở phía trước, nó không là gì cả, như thể sự chờ đợi tàn phá nó đến
mức rách rưới, với người nào có nó ở
phía sau, nó cũng không là gì cả, ký ức làm nó thành ra hư ảo, thôi đừng nói đến
người nào đang ở trong nó: lúc này
thì cả sự chờ đợi lẫn ký ức cùng hoạt động, biến nó thành sự chao đảo không ngừng.
Chỉ con người mới có thời gian, và cũng như mọi món sở hữu độc quyền, thời gian là thuốc độc. Cũng có thể nói tương tự
về một thứ khác mà chỉ con người mới có: ngôn ngữ.
+ Một trong những sai lầm lớn nhất và hay thấy nhất của việc
đọc là người ta cứ chăm chăm đi tìm ở bên
dưới, trong khi mọi thứ diễn ra ở
phía bên kia.
+ “Cái tôi không chỉ đáng ghét: không có chỗ ở giữa một chúng ta và một không có gì.”
(Claude Lévi-Strauss)
+ “Chân lý là các ảo tưởng mà người ta quên mất rằng chúng
là ảo tưởng, những ẩn dụ mòn đã đánh mất đi lực trực cảm của chúng, những đồng
tiền đã mờ mất hình thù in ở trên, mà người ta không còn coi là tiền nữa, chỉ
là kim loại.”
(Nietzsche)
+ Nghiên cứu tập tính
con người: Việc đầu tiên ngươi phải làm khi ngủ dậy vào buổi sáng là gì? Là
tìm ngay lấy một ảo tưởng: ảo tưởng của ngày hôm ấy, cũng chính là bộ quần áo của ngày hôm ấy. Nếu không
có, ngươi sẽ chịu đựng một ngày hoàn toàn trần trụi, và hãy nói thẳng ra, ngươi
sẽ đánh mất nguyên một ngày, đánh mất một ngày cho trống rỗng bởi vì không có ảo
tưởng nào để khoác lên người. Việc duy nhất phải làm, nhất thiết, vào đầu mỗi
ngày, là chọn lấy một ảo tưởng, rồi khoác nó lên người. Người ta đi ra phố
trong trang phục ảo tưởng, người này màu lam, người kia màu vàng, lại có người
màu đỏ, nhiều người đủ các loại màu: chính lúc ấy, sự sặc sỡ của cuộc đời hiện
lên trọn vẹn, người ta chỉ có thể đi lại với ảo tưởng mặc bên ngoài. Câu chuyện
duy nhất lẽ ra cần nói giữa những người gặp nhau trên phố: “hôm nay anh có ảo tưởng xám đẹp quá, thực sự rất hợp với
anh đấy”. Không bao giờ được làm tổn hại đến sự sặc sỡ của cuộc đời.
Sắp thành triết gia rồi!
ReplyDeletenầu
ReplyDeletemột ngày thì quá dài, không ảo tưởng,chắc không qua nổi một tích tắc...
ReplyDeletechưa gặp anh bao giờ nhưng vẫn "nhớ" lắm (chẳng hiểu tại sao và vì sao:))
ReplyDeleteyêu rồi tình yêu sao chua cay
ReplyDeletemen nào bằng men thương đau đây