Jan 31, 2016

châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (2b)

ký hiệu lưu trữ: B. 52379, tác giả: chưa rõ

tờ 2b


[bản thảo mà chúng tôi đang có - thật ra đã tồn tại từ rất lâu trong kho lưu trữ nhưng không được ai phát hiện (phải tha lỗi cho chúng tôi thôi, với toàn bộ sự khiêm cung, chúng tôi cũng ý thức được rằng mình có diễm phúc và kèm với đó là trách nhiệm [ôi, điều này, những thứ nhị nguyên luận, đã được giải quyết từ lâu rồi, nhưng vẫn còn lại tàn dư, như bụi vũ trụ lúc nào cũng lơ lửng đâu đó] quản lý kho tài liệu lớn nhất trên đời, so với nó Alexandrie chỉ như một hạt muối giữa cánh đồng muối, từ đó mà làm nảy sinh những khó khăn vô bờ bến, tuy rằng so với các đồng nghiệp thời Alexandrie chúng tôi đã có những bước tiến dài trong công việc quản lý và xử lý sách và giấy viết chữ để đạt tới một trình độ rất bảo đảm - rất có thể cũng không phải là như vậy, ảo tưởng có thể tồn tại ở những nơi khó ngờ nhất) cho đến ngày vị quản thủ mới nhậm chức; ngay lập tức chúng tôi hiểu là người ta đã chọn được cho chúng tôi một thủ lĩnh đích thực, một người tương xứng với tầm vóc công việc nơi đây: ông ấy bị mù, và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự sáng suốt của ông ấy; quản thủ mới lọc ra một số bản viết tay còn chưa ai chú ý tới, và đặc biệt muốn triển khai công việc nghiên cứu kỹ lưỡng, và ngay lập tức, những châm ngôn viết ở rìa một khu rừng này, thời gian và nhân sự không đặt thành vấn đề: trên thực tế, gần như mọi học giả có thể huy động đều đã được gọi đến đây, cho riêng một bản thảo này, họ làm việc bất kể ngày đêm - chuyện ấy thì cũng thường thôi, người ta nghĩ mình nhầm khi tưởng các học giả là những nhà khổ hạnh, nhưng thực tế lại đúng là như thế; bắt đầu từ tờ 2B này, chúng tôi bắt đầu thấy có những sự lạ, và càng hiểu sự sáng suốt ở những người mù (xin thứ lỗi cho những từ có thể, một cách thô thiển, gợi đến một khiếm khuyết con người) lớn lao biết bao nhiêu, so với đó sự sáng mắt của chúng tôi, tôi muốn nói là chúng ta, thật kém cỏi vô bờ bến - ndlr]




+ một cái bẫy đích thực, chân chính, là một cái bẫy che giấu một cái bẫy khác; một câu đố đúng là câu đố mở ra những câu đố mới


+ sự u mê, cõi vô tri, rất có thể, chính là thứ tài sản còn lại lâu nhất, và quý giá nhất, của con người


+ toàn bộ thứ vẫn được gọi là triết học của con người, nhìn từ một viễn tượng khác hẳn đi, trở nên vớ vẩn đến không thể hiểu nổi tại sao những con người ấy lại mất nhiều công sức đến thế cho những thứ như vậy; trong toàn bộ cái thứ đó, duy nhất có hai cái tên đáng quan tâm một cách toàn vẹn, vì nói ra những điều không sai: Kierkegaard và Nietzsche; vài người nữa, một ít: Schopenhauer và Wittgenstein, Heidegger (riêng Heidegger thì cần kiểm tra thêm); và ở trước tất cả, đã báo trước mọi thứ, là Platon, còn Aristote chỉ đơn thuần là [mấy dòng bị xóa, hoặc cũng có thể bị thất thoát theo một cách thức nào đó; ba chuyên gia đồng phụ trách đoạn này cho biết, sau nhiều ngày làm việc, họ cảm thấy ở đây có điều gì đó liên quan đến nhóm người Ảrập - ndlr]


+ mọi con đường đều dẫn tới cái nơi gọi là Thụy Điển


+ Samuel Beckett: vấn đề duy nhất ở Beckett là Beckett chẳng có vấn đề nào hết cả; điều duy nhất mà con người có thể nói về Beckett thì Cioran đã nói rồi, không thừa không thiếu: Beckett ở song song với thời gian; mọi thứ gì khác nói về Beckett, đặc biệt là những thứ quá mức thông minh sáng láng, đều tuyệt đối khả nghi; tất nhiên, ta đừng mong Cioran, người bạn thân của Beckett, có thể nói gì phương hại đến Beckett, chỉ không thừa không thiếu mà thôi


+ sự thảm hại của Albert Camus thể hiện ở chỗ: cả hai lần xác định vấn đề của con người đều sai cả: vấn đề của con người không phải là tự do, vấn đề của con người cũng không phải là tự sát; quá nhiều mặt trời Địa Trung Hải rất dễ làm người ta quáng mắt


+ nhân vật tiểu thuyết Bug Moran của một nhà văn tên là Romain Gary (dường như có lúc còn tên là Émile Ajar, chưa kể một cái tên nào đó dính dáng đến “Kacew”), sống ở độ cao hai nghìn ba trăm mét, coi tuyết là lẽ sống của mọi cuộc đời, cho rằng nhân vật vĩ đại nhất từng tồn tại là một người Pháp sống ở vào thế kỷ 19 theo một cách tính rất quái lạ và khó hiểu gọi là lịch, một cách tính nhập nhằng tuyệt đối và không có chút ý nghĩa nào; người vĩ đại này là một pétomane, tức là một thiên tài về đánh rắm, người này có khả năng diễn đạt mọi thứ, tức là bất kỳ thứ gì, bằng những phát rắm, và ai cũng hiểu cả, hiểu một cách tuyệt mỹ; ngay sau sự chỉ định về vĩ đại này, vẫn nhân vật Bug Moran so sánh người ấy với một nhạc công jazz siêu hạng, người có thể diễn đạt tất tật những gì mình muốn (và cả không muốn) bằng cách thổi vào cây kèn hay được gọi là kèn trom pét, cụ thể hơn, nhạc công ấy tên là Charlie Parker; từ đây chỉ có thể rút ra kết luận là để khỏi phí phạm, giá mà nhạc công kèn trom pét có thể chơi nhạc cụ của mình không phải bằng đường miệng


+ theo như mọi bằng chứng có thể thu thập được cho đến lúc này, mối hiểm họa lớn nhất cho loài người là tụi hippy


+ làm đàn ông là một nghề hết sức nguy hiểm, nên tránh nếu có thể


+ đã đến lúc phải chia trứng ra nhiều giỏ khác nhau rồi, nhanh lên, thật nhanh lên, kẻo lại không kịp đấy, như luôn luôn vẫn vậy




châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (2a)
châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (1b)
châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (1a)

10 comments:

  1. Sắp đến Tết rồi :D

    ReplyDelete
  2. Vấn đề của con người không phải tự do, cũng không phải tự sát
    Vấn đề là con người quá ngu dốt để nhận ra vấn đề của mình. Chỉ có sự ngu xuẩn của con người mới tồn tại cùng thời gian ;) :v

    ReplyDelete
  3. nào:

    nói như thế (lẫn lộn sự ngu dốt vào) chính là một tautologie, và đồng nghĩa với nói rằng con người chẳng có vấn đề gì cả

    nhưng thế là không đúng, vấn đề chỉ còn là xác định vấn đề của con người là gì

    như Kierkegaard chẳng hạn, khi muốn xác định con người khác các loài vật ở chỗ nào, thì đã đúng ngay: chỉ con người mới tuyệt vọng

    chứ đâu có phải con người khác là vì con người là một động vật chính trị như lời Aristote, tuyệt đối không thể chấp nhận được

    đó là vì, chính trị chỉ là 1) trật tự (ordre) kèm với các hệ quả của nó và 2) lựa chọn hình thức cai trị, kèm với các hệ quả của nó

    mấy điều căn bản ấy, loài vật nào cũng tự làm được, một cách hết sức gọn gàng, mà có phải gào lên cãi nhau đâu

    mọi thứ gì liên quan đến Aristote đều giống một màn kịch vừa tồi vừa dở

    Camus xác định vấn đề của con người là 1) tự do (ở nhiều nơi, chẳng hạn trong "L'Homme révolté", nhưng đâu có phải và 2) tự sát, đặt ở đầu quyển về Sisyphe, lại sai nốt; chính trong quyển Sisyphe ấy Camus đã có lúc ở rất gần đích rồi, nhưng lại hụt mất, một cách rất khó hiểu

    cho nên, coi Camus là nghiêm túc là một sự phỉ nhổ vào tư duy; rất đáng tiếc là Camus lại có một cái chết rất kịch tính, làm cho hậu thế rối mù lên và thấy bị hấp dẫn vô cùng

    cũng như Sartre, giờ ai còn mân mê được thì đúng là loại trẻ con mãi không lớn; Sartre là loại tác giả mà ai biết đọc đều đọc hết trước 17 tuổi, sau đó thì quẳng đi

    nói chung triết học chán lắm, cứ phải trình bày rất là mệt, mà mình cứ nói gì là một đám đông đặc lại nhảy dựng lên, bảo không giống Descartes không giống Kant với cả Hegel, bts hehe

    nhưng Pascal mới là nhân vật vĩ đại, chính là cái tay buổi đêm hay ngắm sao trên trời rồi lên cơn cảm lạnh và đánh cược có Thượng đế tồn tại í

    à, Camus lại còn cái nữa rất là hehe: tủ sách mà Camus phụ trách cho nhà Gallimard tên là "Espoir" tức là hy vọng, nghe là đủ biết rồi đấy

    nhưng được cái, tủ í lại in được "L'Enracinement" của Simone Weil

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ôi, em cảm ơn bác
      Đa tạ rất nhiều ạ.

      Delete
  4. nhưng mà thế thôi nhá

    tôi cực ghét triết học, nói thêm là thấy rất chán

    ReplyDelete
    Replies
    1. E cũng rất ghét triết, nhưng tự dưng ngồi nhìn đường phố chán ngán quá, nảy ra ung nhọt nghĩ ngợi tí cũng vui, tí thôi ạ

      Delete
    2. Không được đâu, Sói ạ :p

      Delete