Feb 22, 2016

châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (3b)

ký hiệu lưu trữ: B. 52379, tác giả: chưa rõ

tờ 3B


+ hai phía của Albert Camus: phía Proustphía Kafka; từ Proust (chính xác hơn là từ bố của Proust, tức là giáo sư bác sĩ Adrien Proust, người thường được miêu tả là hiền hậu; cuốn sách về vệ sinh và những con chuột của Adrien Proust) Camus có được cuốn sách duy nhất còn chưa sụp đổ: Dịch hạch; lũ chuột làm nên Camus, chứ không phải nắng Địa Trung Hải đầy đặc lừa phỉnh; phía Kafka là phía làm cho Camus mất gần như tất cả: hiểu sai “hy vọng” thì mong gì nữa đây? kịch bản rất hay thấy suốt một quãng thời gian dài: nhiều sự nghiệp văn chương tiêu tan vì quá dễ dãi lấy thứ này hay thứ kia từ Kafka (García Márquez chẳng hạn); người từng thực sự hiểu Kafka là [ba chuyên gia phụ trách đoạn này mất nhiều tiếng đồng hồ mới lờ mờ đoán định được ở cái đoạn dường như bị xóa đi này một chữ T và một chữ B - ndlr], và không bao giờ nói rõ sự hiểu ấy ra


+ còn Hannah Arendt? hình như người ta cứ tưởng Arendt nhận được rất nhiều thứ từ Martin Heidegger, nhưng đâu có phải là như vậy, sự thật là tất tật những gì Arendt nhận từ Heidegger là thư, tinh dịch, ngoài đó ra không còn gì khác nữa (à mà có: một lần bị Heidegger lờ đi giả vờ không nhận ra khi giáp mặt, hình như là trên một chuyến xe bus); khả năng rất cao là cũng không nhiều tinh dịch cho lắm, rất ít là khác


+ “Nghĩa vụ đẹp đẽ của chúng ta là tưởng tượng có một mê cung và có một sợi chỉ.”
(Borges)


+ “American unhappiness has no history because history has to do with real events and not with a Dream.”
(Charles Simic)


+ “Même l’absurdité est absurde.”
“Même Dieu a besoin d’être sauvé.”
“un suicidé méprise-t-il la vie, ou la mort?”
(Vladimír Holan)


+ “Il est parfois extrêmement difficile de ne pas entrer dans le royaume de l’éternité.”
(NL)


+ người ta không bao giờ có thể lên đến đỉnh cao; chỉ ở trên đỉnh cao những ai ngay từ đầu đã ở đỉnh cao ấy rồi, đỉnh cao không phải là cái để có thể đi lên; ở trên đỉnh cao cũng chính là ở dưới vực thẳm, đỉnh cao là vực thẳm


+ bất kỳ ai mang danh hiệu “giáo hoàng” đều đương nhiên không có chút liên quan nào đến văn chương; văn chương không thể có giáo hoàng được, vì văn chương thuộc về những kẻ vô đạo, và nhất là những kẻ tà giáo; thế cho nên đương nhiên Alain Robbe-Grillet và Marcel Reich-Ranicki không hề là những nhân vật văn chương, không một chút nào


+ ý nghĩa của mặt nước nằm ở chỗ: nó cho ta biết một điều bí mật, rằng vực thẳm chính là đỉnh cao


+ một cái tên là một cửa sổ: điều này dẫn tới chuyện có những cái tên không nhất thiết phải đúng, bởi vì dẫu có thế nào, chỉ cần có cửa sổ là được, nhiều khi không cần quan tâm đó là một cửa sổ hình gì, đẹp hay không, hợp với căn nhà hay không hề hợp: một lỗ trổ méo mó trên tường cũng là cửa sổ, chỉ có ý nghĩa công năng; nhưng ở một số lĩnh vực cái tên nhất định, tên không còn là cửa sổ nữa (đã có một glissement de sens), mà tên chính là quần áo; khi ấy, đừng nghĩ là như thế nào cũng được


+ Francis Ponge: “Notes prises pour un oiseau” (La Rage de l’expression): theo Ponge, mọi thứ gì tồn tại trên đời đều để ngỏ rất nhiều điều (gần như mọi thứ đều còn để ngỏ mọi thứ); oiseau là từ gồm tất cả các nguyên âm, và Ponge nghĩ, giá kể thay vì “s”, phụ âm duy nhất trong cái từ kỳ khôi này biến thành “l” thì tốt hơn biết bao nhiêu; và sẽ đặc biệt tốt nếu “s” biến thành “v”, tức là mô phỏng chính xác cách bay của đàn chim; khi ấy, ta sẽ có oiveau thay vì oiseau, dẫu rằng phụ âm “s” cũng đã mô phỏng không tệ dáng hình nhìn nghiêng của một con chim; có điều, không hiểu sao Ponge lại có thể coi trọng lũ chim bồ câu ngu xuẩn đến thế? Thomas Bernhard đặc biệt căm ghét lũ bồ câu, một cảm giác rất đáng giá và rất đáng kể


+ nghiên cứu tập tính con người, vấn đề hạnh phúc: hãy hình dung Sigmund Freud ngủ; thật ra, rất khó hình dung Freud có thể ngủ, vì Freud không thể ngủ; nếu không như vậy, Freud đã chẳng viết nhiều đến thế về ngủ; viết quá nhiều; khi muốn ngủ, người ta nằm xuống và nhắm mắt lại, thường là trong bóng tối; nhưng chuyện không đơn giản như thế, và Robert Walser đã nói đến một phần sự không đơn giản này: chính ánh sáng mới làm ta buồn ngủ, trong khi bóng tối rộng lớn lại làm ta thức; đấy chỉ là một phần, nhưng là phần không hề nhỏ; từ đó mà Baudelaire mới hiểu sự quan trọng của một giờ đêm, khi mà “vie” và “ville” trở thành một, những viền, rìa bình thường vốn phức tạp và rối rắm, trở nên gọn gàng và sắc nét vào lúc một giờ sáng (“contour” của Stendhal); tức là, Freud rất muốn ngủ, nói đúng hơn, Freud thích ngủ, nhưng không thể ngủ; thật ra, Freud cũng không thể mơ; cho nên Freud viết suốt về những giấc mơ, chắc hẳn muốn biến những gì mình viết trở thành thần chú để gọi giấc ngủ và giấc mơ đến: một người như Freud hiểu quyền năng vô biên của ngủ và mơ, nhưng không đi vào đó được; trên đời, chỉ có hai loại người: ngủ được và không ngủ được; ở một “hétéronyme”, Pessoa không thể ngủ, nên phải uống thuốc ngủ (laudanum); khủng khiếp nhất là những người ở giữa như Freud, tìm mọi cách để bước vào thế giới bên kia, nhưng không sao làm nổi; những gì Sigmund Freud viết về giấc mơ có thể đúng hoặc sai, điều đó không quan trọng, nhưng chắc chắn là như vậy thì không tự nhiên, trong trường hợp Freud; không biết ngủ và không hề mơ nhưng lại viết về giấc mơ, etc.; những người thuộc về vương quốc ngủ: Montaigne hoặc Schopenhauer, chẳng hạn; và nhất là Marcel Proust; tại sao Freud lại cứ cố sức xâm nhập thế giới kia? là vì ở đó mới có hạnh phúc, hoặc ít nhất, ở đó có chìa khóa mở cánh cửa dẫn vào căn phòng chứa hạnh phúc; bởi mỗi thứ lại nằm trong một căn phòng riêng; le bonheur, c’est se coucher, et s’endormir, de bonne heure.


+ việc Tản [thiếu một chữ, không luận được - ndlr] và Vũ [thiếu hai chữ, cũng không luận được; hai nhân vật này thuộc một khu vực ngày nay không còn được biết nhiều; trên thực tế thì vào thời ấy nơi này đã không được biết nhiều; không ít người cảm thấy đó chính là anus mundi - ndlr] ở ngay cạnh nhà nhau và chết gần ngày nói lên nhiều điều hơn người ta có thể tưởng




châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (3a)

3 comments:

  1. một trong những miêu tả lạ lùng nhất về bồ câu là của Guy Ritchie (rất ngạc nhiên, và cũng không ngạc nhiên lắm): he gọi lũ bồ câu là "vermin", đúng ngay cái translation phổ biến nhất của "Ungeziefer".

    ReplyDelete
  2. Đọc đoạn Freud hay ho thế, tuy chả tin đc Freud

    ReplyDelete