Người Nguyễn Tường thứ tư tên là Tư: Nguyễn Tường Tư, về sau đổi thành Nguyễn Tường Long (Thạch Lam thì từ Nguyễn Tường Vinh đổi ra Nguyễn Tường Lân). Đây là Tứ Ly, và đây cũng là Hoàng Đạo.
Hồ Hữu Tường, trong quãng thời gian lưu lạc Hà Nội năm 1945-1946, từng ghi lại, chắc hẳn từ huyền thoại phố phường, câu nói sau đây: "Trong họ Nguyễn-Tường, Tường Bách là hai tay để hoạt động, Tường Tam là trái tim để mừng, giận, thương, ghét; còn Tường Long mới là khối óc. Trái tim cảm xúc, chuyển ấn tượng lên cho óc suy nghĩ. Óc suy nghĩ xong, ra lịnh, bên trong cho tay làm, bên ngoài nhờ miệng hay văn mà truyền cho kẻ khác."
(Ở thời điểm này, tức là 1945-1946, tuy đã hỗn loạn, nhưng gần như vẫn còn chưa có cái chết nào, ngoài cái chết của Thạch Lam.)
Viết về Hoàng Đạo, đây là lời của Dương Nghiễm Mậu: "Từ trước đến nay nhiều nhà phê bình thường chỉ trích, hoặc ít ra không đồng ý với thái độ nhìn xuống của những người trong Tự-Lực văn-đoàn, trong đó có Hoàng-Đạo." Và sau đó cho thấy đối với Tự Lực văn đoàn, cần phải có một cái nhìn tế nhị hơn nhiều chứ không thể khăng khăng đơn giản quy về một thái độ cần lên án, là nhìn xuống.
Huyền thoại phố phường, như thường hay thấy, lại đúng. Và bất kỳ ai muốn nhìn nhận Tự Lực văn đoàn ở trong đầy đủ hình dạng tồn tại của nó cũng đều phải suy nghĩ về Hoàng Đạo. Bởi vì động đến Hoàng Đạo thì mới động đến được phương diện cấu trúc của Tự Lực văn đoàn (dĩ nhiên là một phương diện không hiển lộ trên bề mặt). Hoàng Đạo là một người ốm yếu, không giống Nhất Linh có thể khoe ngực nở nhờ tập theo phương pháp thể dục Alpha hay Omega gì đó, nhưng bệnh tật và sự yếu đuối lại là thứ nằm ngay trong ý thức, yếu tố kích động cho hoạt động của ý thức. Ý thức của Tự Lực văn đoàn nằm ở đâu? Nó nằm một phần không nhỏ ở Hoàng Đạo.
Và chính ở đây, tính chất cấu trúc của Nhất Linh bắt đầu hiện lên rất rõ. Cái nhìn của Nhất Linh là một cái nhìn cấu trúc, một cấu trúc luận avant la lettre. Cả ở Trần Dần lẫn Thanh Tâm Tuyền đều thiếu vắng cấu trúc, nghĩa là khoảng cách, chính vì thế cả Thanh Tâm Tuyền và Trần Dần đều để cho xảy ra hiện tượng hồi quang lộn ngược, hay là sự phản chiếu đảo chiều: quãng lánh đời của Thanh Tâm Tuyền không là gì khác ngoài sự quay trở lại đầy hung hiểm của Tôi không còn cô độc, và Trần Dần đối diện với bức tường là hồi quang của điều gì? "Nhất định thắng", tất nhiên rồi, nhưng chủ yếu phải là Người người lớp lớp.
(còn nữa)
(NB. Cũng giống hệt như ở kia, sau khi viết bài thứ ba về Tự Lực văn đoàn, tôi nhận thấy người ta luôn luôn đọc chệch, chỉ chăm chăm cắt ra một phần phụ. Không những thế, bình luận của tôi về "thu mênh mông" của Bích Khê ngay lập tức bị gán cho hai chữ "chủ quan"; thế mà đấy lại là một trong những lúc hết sức hiếm hoi tôi khách quan. Hay là bản thân những khái niệm "khách quan" và "chủ quan" cũng đã vô cùng khó hiểu rồi? Tôi nghi là như vậy lắm. Đã vậy, tôi bỏ luôn ý định giải thích điều đó, coi như là một bài toán, xem thử có bao giờ ai giải nổi không. Và chính bài thứ ba ấy mới thực sự quan trọng, bài thứ nhất và bài thứ hai chỉ mới là vài lóe chớp, phải đến bài thứ ba tôi mới thực sự đổi được phối cảnh - đây là một việc rất khó, kể cả với tôi; khi đã phải đọc đi đọc lại bài đó, cấu trúc của nó mới dần hiện ra đối với bản thân tôi, thì tôi mới biết, như vậy là đúng.)
Tiểu luận thứ ba về Tự Lực văn đoàn
Tiểu luận thứ hai về Tự Lực văn đoàn
Tiểu luận thứ nhất về Tự Lực văn đoàn
Cảm ơn anh, tôi thấy bắt đầu có cái gì đó hình thành từ loạt bài này, nếu anh tiếp tục có khi nên phát hành sách.
ReplyDeleteanh, vậy ra nguyễn tường bách của mùi hương trầm, mộng đời bất tuyệt,...sau này không liên quan gì tới họ nguyễn tường ở TLVĐ nhỉ?
ReplyDeletecó hai NTB, NTB kia trước sống ở Đức, đi buôn, hay thuyết giảng, người Huệ
ReplyDeleteNTB nhà Nhất Linh sau khi mấy anh em hoạt động ở Trung Quốc (trong thời gian này Hoàng Đạo chết) thì ở lại đó rất nhiều năm
cám ơn anh đã giải đáp hơn một thắc mắc
Delete