đã đi qua được một số nhân vật lãng mạn Đức: Ludwig Tieck, Achim von Arnim hay Friederich de La Motte-Fouqué (à, đấy là mới chỉ nói đợt này, còn trước đây đã có chẳng hạn Joseph von Eichendorff, Georg Büchner hay Novalis)
(lãng mạn là một tất yếu)
(cũng tiếp tục luôn một nhân vật lãng mạn Đức khác nữa, Hoffmann)
Kleist là một nhân vật hiểm hóc, một nghịch âm. Nhưng nếu đọc văn chương của Heinrich von Kleist, ai cũng sẽ dễ dàng thấy ngay, đây là một nhân vật vô cùng supérieur. Kleist tự sát khi còn trẻ, cùng người tình. Julien Gracq bỗng có một bản dịch hiếm hoi, đấy là khi José Corti ngỏ ý muốn Gracq dịch cho mình (in) một vở kịch của Kleist: Penthésilée. Penthésilée tức là câu chuyện về Queen của các Amazone đánh nhau với các nhân vật Hy Lạp (và là những nhân vật không hề ất ơ, như Achille, Ulysse, Nestor, Diomède), giữa chừng thì Agamemnon sai tín sứ đến gọi, etc. Một nhà văn lớn của thời chúng ta, Coetzee, vẫn còn bình luận Kleist, đó là câu chuyện rất nổi tiếng Michael Kohlhaas (cf. Coetzee, Late Essays). Michael Kohlhaas chắc chắn là một trong những câu chuyện của Kleist được đọc nhiều nhất ngày nay, cùng câu chuyện về một nữ hầu tước, Marquise d'O, không hiểu sao tự dưng lại mang thai.
Đặt Kleist vào giữa các nhân vật lãng mạn Đức sẽ thấy ngay, bức tranh chung liền biến đổi hẳn đi.
Kleist, cũng giống Goethe, đặc biệt bị Révolution 1789 thu hút: Goethe thì đã theo đoàn quân của Brunswick nhằm có thể tận mắt chứng kiến chiến trận Phổ-Pháp, còn Kleist thì cưỡi ngựa đi theo các binh biến và dường như từng có lúc thực sự muốn đầu quân. Còn mối quan hệ Goethe-Kleist (bởi giữa họ đúng là có một mối quan hệ) thì sao? Chừng cảm thấy về phía Kleist một mối ác cảm rất khó diễn tả, Goethe (khi đó đã già) tìm cách tránh xa; khi Kleist trở thành yếu nhân cho một tờ tạp chí (lãng mạn Đức có nhiều tạp chí, chứ không chỉ duy nhất tờ rất nổi tiếng của anh em Schlegel) và nhún nhường mời Goethe cộng tác thì Goethe từ chối phắt ngay - không phải lúc nào Goethe cũng từ chối viết cho các ấn phẩm của những nhân vật trẻ tuổi hơn mình. Câu chuyện ấy (thái độ ấy) không khỏi khiến ta nhớ đến Tolstoy (cũng khi đã già) trong quan hệ với một nhân vật mà ta từng nhắc tới.
Một câu chuyện vô cùng bi thảm của Kleist lấy bối cảnh Haïti: cuộc tình đẫm máu trên đảo Saint-Domingue. Đó là khi Kleist chăm chú đọc báo (báo hồi đó là gazette) để theo dõi cuộc cách mạng Toussaint Louverture. Một câu chuyện khác, khi xảy ra động đất ở thủ đô Chilê (Santiago) vào đúng lúc có một vụ hành hình sắp sửa diễn ra.
Ngay Michael Kohlhaas cũng vậy: từng có một nhân vật tương tự thật, cũng có một số hoạt động nổi loạn không khác nhân vật trong truyện của Kleist. Ở nhiều điểm, Kleist không hề khác Stendhal: tìm các chronique đời xưa và viết lại những câu chuyện.
Kleist viết kịch:
Penthésilée đã nói ở trên, còn Amphitryon thuộc vào một câu chuyện lớn hơn chẳng phải là không hấp dẫn - cho nên sẽ để riêng ra.
(Kleist-kịch tác gia cũng đen đủi như Kleist nhà quân sự (hụt) hay Kleist trong mối quan hệ với Goethe: nếu tôi không nhầm, chỉ một vở kịch của Kleist được diễn khi Kleist còn sống, và cũng chỉ duy nhất một lần: nhìn chung, không khác mấy so với Hoffmann-nhạc sĩ)
Michael Kohlhaas: câu chuyện có incipit như sau: "Trên bờ sông Havel, vào quãng giữa thế kỷ 16". Các nhân vật lãng mạn Đức mà chúng ta đang quan tâm hoặc nhìn vào Révolution 1789, hoặc vươn xa ra Ấn Độ, hoặc nhìn về Trung cổ: đây chính là thời điểm Trung cổ được tiêu hóa, nói một cách khác, nó bắt đầu cho thấy ý nghĩa của nó. Romantisme, vả lại, vừa mang hàm ý cách mạng, lại vừa khiến ta nghĩ đến roman (nói ngắn gọn: văn xuôi, trong đối lập với thơ), lại chứa luôn romance, tức là hình thức của Trung cổ. Cũng như tình yêu, chúng ta hiểu Trung cổ (gôtic, etc.) chủ yếu thông qua cái nhìn của những người lãng mạn.
Là một mouvement (tức là chuyển động), đúng nghĩa, cho nên Lãng mạn có đủ hết. Có người lập dị như Hoffmann, có những người giàu khả năng tập hợp người khác (Brentano, Arnim), có những người chết trẻ, như Novalis, Büchner và Kleist (tự sát hoặc không tự sát), và cũng có người chết rất trẻ (dẫu có là tự sát hay không) - tức là, không mấy khác khi có một mouvement mới, những người siêu thực. Nhân vật lãng mạn Đức chết rất trẻ là Wilhelm Wackenroder, người bạn thân thiết của Tieck (nhưng ngược lại, Tieck sống rất thọ). Thêm một ví dụ về chết rất trẻ.
Dưới đây là một câu chuyện nho nhỏ của Kleist.
Mụ ăn mày ở Locarno
- Heinrich von Kleist
Dưới chân dãy núi Alpes, tại Locarno, có một tòa lâu đài cổ nằm ở vị trí tuyệt diệu, thuộc về một hầu tước. Ngày nay ta vẫn còn nhìn thấy đống đổ nát của nó khi đi xuống từ Saint-Gothard.
Một hôm, vì thương tình, bà hầu tước cho một mụ đàn bà ốm yếu tới xin của bố thí vào lâu đài. Bà sai đặt nệm rơm ở một trong rất nhiều căn phòng rộng của lâu đài và cho mụ nghèo ngủ tại đó. Ông hầu tước, đi săn về, do tình cờ mà bước vào căn phòng ấy, vốn dĩ ông có thói quen cất súng trong đó. Nhìn thấy mụ già, ông ra lệnh cho mụ đứng dậy dọn chỗ ra sau bếp lò mà nằm. Lúc nhỏm dậy, mụ bị trượt nạng, ngã xuống và bị thương nặng ở cột sống, thành thử sau khi phải khó nhọc lắm mới đứng lên được và băng ngang phòng, mụ rên rỉ gục xuống đằng sau lò và chết.
Nhiều năm sau, hầu tước lâm phải cảnh túng bấn nặng nề bởi hậu quả của chiến tranh và một mùa thu hoạch kém, có một hiệp sĩ Florence đến với ý định mua lại tòa lâu đài. Hầu tước, rất thiết tha muốn cho xong áp phe, bảo vợ cho người lạ vào ở trong căn phòng nơi mụ ăn mày đã chết; phòng ấy, kể từ bấy để không, đã được sửa sang lại hết sức dễ chịu. Nhưng những người chủ nhà sửng sốt xiết bao khi giữa đêm hiệp sĩ, mặt mày nhợt nhạt và áo quần xộc xệch, chạy bổ tới chỗ họ, lấy hết thần thánh thiêng ra mà thề rằng trong lâu đài có các hồn ma, rằng một cái gì đó, mà ông ta không sao nhìn thấy, đã nhỏm dậy trong một góc và, với tiếng rơm bị chân giẫm lên, đã chậm chạp băng ngang căn phòng từ đầu này sang đầu kia, bước chân lảo đảo nhưng nghe rất rõ, để rồi rên rỉ mà đổ sụp xuống sau bếp lò.
Hầu tước, hoảng sợ dẫu không rõ lắm là tại sao, chế giễu hiệp sĩ, giả dạng mình thấy hết sức bình thản và bảo ông ta rằng mình sẽ sang ngủ đêm cùng ông ta bên đó. Nhưng hiệp sĩ xin ông đừng bắt mình phải quay lại cái phòng bị ám và cũng xin cho mình qua nốt đêm trong một cái phô tơi. Sáng ra, ông ta cho thắng ngựa và, sau khi từ biệt, rời khỏi lâu đài.
Sự cố ấy, gây rất nhiều xôn xao, làm nản lòng nhiều người muốn mua lâu đài, một điều rất khó chịu đối với hầu tước, và vì mặt khác tin đồn không sao hiểu nổi và thật kỳ dị rằng người ta nghe thấy tiếng bước chân vào quãng nửa đêm trong căn phòng lừng danh của tòa lâu đài, lan ra giữa đám gia nhân trong nhà, hầu tước, nhằm chặn đứng điều đó, quyết định thực hiện một thí nghiệm có tính cách quyết định, đích thân kiểm tra sự việc. Một tối nọ, ông cho chuyển giường của mình vào phòng được cho là bị ma ám và không ngủ mà đợi cho đến nửa đêm. Ông rối loạn đến cùng cực khi quả thật, giờ của các bóng ma vừa điểm, thì ông liền nghe thấy tiếng động không sao giải thích được kia; dường như có ai đó hoặc cái gì đó nhỏm dậy, tạo ra tiếng lẹp xẹp của rơm, rồi băng ngang hết căn phòng, thở dài và rên rỉ sụp xuống đằng sau cái lò. Lúc hầu tước đi xuống vào sáng hôm sau, vợ ông hỏi chuyện đêm vừa qua. Sau khi ném những ánh mắt sợ sệt và do dự ra xung quanh và cài then chốt chặt cửa, hầu tước xác nhận với bà rằng câu chuyện về con mà là thật; bà run lên lối lạ thường và xin ông tiến hành, thật bình tĩnh và lần này có thêm cả bà, thêm một cuộc kiểm tra nữa.
Vậy là đêm tiếp theo, hai vợ chồng, cùng một tên gia nhân mà họ mang theo cùng, nghe thấy cùng cái tiếng động không thể giải thích và đậm màu ma quái kia; và chỉ ham muốn lớn lao rũ bỏ được bằng bất cứ giá nào tòa lâu đài mới mang được sức mạnh tới cho họ để che giấu nỗi kinh hoảng ụp lên họ và giải thích các sự kiện trong đêm bằng nguyên do ngẫu nhiên và hời hợt nào đó mà rốt cuộc hẳn người ta sẽ phát hiện được.
Tối thứ ba, sau khi quyết định xuyên thủng bí ẩn đến nơi đến chốn, hầu tước cùng vợ, khi tới trước cửa căn phòng bị nguyền rủa, thấy ở đó con chó giữ nhà của họ chắc hẳn ai đó đã tháo dây buộc; không tự hỏi nhiều lắm là tại sao, có lẽ trong ham muốn tối tăm có được một hiện diện sống, họ để nó cùng mình đi vào phòng.
Quãng mười một giờ, sau khi đặt hai ngọn nến lên bàn, hai vợ chồng mỗi người nằm lên giường của mình, bà hầu tước vẫn mặc nguyên quần áo, còn hầu tước thì để sẵn thanh kiếm và khẩu súng bên cạnh. Trong lúc họ cố công theo đuổi một cuộc đối thoại vụng về, con chó nằm ở giữa phòng và, cứ thu lu như thế, đuôi quấn lại để dưới đầu, nó ngáy. Vừa đến nửa đêm, cái tiếng ồn đáng kinh hãi ấy lại khởi lên; một tạo vật mà mắt người không nhìn được dựng đứng lên trên cặp nạng - đằng kia, trong góc; họ nghe thấy tiếng sột soạt của rơm, và ở bước chân đầu tiên, cạch cạch! con chó thức dậy và nhảy lên, hai tai dựng đứng, rồi gầm gừ, sủa và bước lùi chạy trốn về phía bếp lò. Thấy vậy, bà hầu tước, tóc dựng ngược trên đầu, lao ra khỏi phòng, trong khi hầu tước, giơ thanh kiếm lên, hét to: "Ai đấy!" Vì chẳng có ai đáp lại, ông quờ quạng chém vào không khí.
Bà hầu tước, quyết định đi vào thành phố, cho thắng xe ngựa. Trong quãng thời gian quơ vội vài thứ đồ và trước cả khi cỗ xe vượt qua được cái cổng, bà nom thấy lửa bốc lên từ lâu đài.
Hầu tước, đã mất trí, nhấc một cây nến lên, châm lửa vào khắp nơi trong tòa lâu đài. Lửa lan ra lại càng dữ hơn vì các bức tường được ốp gỗ. Bà hầu tước cử người đi cứu chồng nhưng chỉ vô vọng, ông đã có một cái chết rất thảm.
Tận ngày nay, những mẩu xương trắng của hầu tước, được nông dân nhặt nhạnh, vẫn nằm trong góc ấy của căn phòng kia, nơi ông từng ra lệnh cho mụ ăn mày Locarno phải nhổ rễ.
(tiếp tục "Jacques & Jacques" và "Péguy & Claudel")
Heinrich von Ofterdinger (Novalis)
tiếp tục
ReplyDelete"Kleist là một nhân vật hiểm hóc, một nghịch âm", một machine de guerre
ReplyDelete