Ta hãy thử tưởng tượng một điều như sau: có một cuốn lịch treo tường, loại lịch bloc, loại có 365 tờ (hoặc cùng lắm 366 tờ), rất thông thường, nhưng thay vì, trước ngày hôm nay, 19 tháng Giêng năm 2018 lại không phải ngày 18 tháng Giêng năm 2018 mà là ngày 19 tháng Giêng năm 2017, cách hai tờ, 19 tháng Giêng năm 2016, và cứ như vậy tiếp diễn.
Tức là, chỉ bằng một thao tác rất nhỏ, một hình dung hết sức đơn giản (cái gì cũng nhỏ bé và đơn giản mà, có gì khác nữa đâu?) ta đã thực hiện được một trong bốn thao tác (hình thức) được đề xuất ở kia: một sự đảo. Ta xây dựng một trục thời gian khác đi: một quyển lịch chỉ gồm toàn những ngày 19 tháng Giêng, một quyển lịch gồm 365 (hoặc 366) ngày 19 tháng Giêng.
Chỉ cần như vậy, tất tật sẽ đảo chiều (Heinrich Heine - bởi vì nhân vật chính của chúng ta là Heinrich Heine - khi bình luận về triết học của Kant (cf. De l'Allemagne; ta sẽ sớm đến với cuốn sách rất lớn này; còn trong ảnh là De la France), so sánh nó với hệ thống của Copernic, mà nói ngắn gọi là đổi trục, và từ đó mọi thứ đảo chiều, theo các cách khác nhau). Một cột xuyên thẳng lên giữa vật chất thời gian, và thế là có một phối cảnh khác. Muốn nhìn thấy phối cảnh mới, chỉ cần một điều rất giản dị: có một khoảng cách đúng (hoặc, nếu muốn nói giống Gaston Bachelard, mà chúng ta bắt đầu đi sâu vào, một độ cao chuẩn).
Trình hiện theo từng ngày ở khoảng cách tròn năm mươi năm, tôi đang thực hiện ở kia (xem ở đó và các đường link), giờ, ta đến với trình hiện theo trục 19 tháng Giêng: cụ thể hơn, ta sẽ xem ngày 19 tháng Giêng năm 1832 như thế nào. 2018-1832=186; như vậy, nếu quyển lịch bloc đã nói ở trên gồm 365 (hoặc 366) tờ, thì hai ngày 19 tháng Giêng mà ta quan tâm (hôm nay và hôm nay của năm 1832) hoàn toàn có thể nằm trong cùng một quyển: không cần thay lịch mới.
Thật ra, một quãng thời gian không ngắn, tôi tạm ngưng cuộc trường chinh Balzac là vì tới một thời điểm, tôi cảm thấy có một cái gì đó thiếu, tức là cần thêm một hoặc vài yếu tố. Yếu tố gì cụ thể thì tất nhiên lúc ban đầu tôi không biết (làm sao tôi biết được; thật ra chẳng bao giờ tôi biết gì hết).
Trong một mò mẫm (hoàn toàn không có hướng cũng chẳng cột mốc nào) bỗng, dường như để thưởng cho sự kiên nhẫn trong mò mẫm của tôi, Heinrich Heine hiện ra.
Heine không xa lạ với bất kỳ ai. Một mặt trời của thi ca. Hồi tôi còn nhỏ, Heine thuộc vào những nhà thơ nước ngoài tôi đọc nhiều nhất, tất nhiên trong tiếng Việt, ngang cỡ Byron, Pushkin hay Lermontov.
Nhưng, cũng giống hệt mấy trường hợp khác, lần lượt tôi phát hiện ra hình ảnh các nhà thơ ấy hoàn toàn không giống những gì tôi từng biết. Có một Heinrich Heine khác hẳn.
Đó là Heine không phải của thơ "trữ tình", mà là Heine một nhân vật của triết học, và của một sự sáng suốt vô cùng kỳ lạ.
Balzac không xa lạ với những người nước ngoài sống ở Pháp: Nữ công tước de Langeais đề tặng cho nhạc sĩ Liszt, một cuốn tiểu thuyết khác đề tặng Chopin, và Un prince de la Bohême của bộ Vở kịch con người đề tặng cho chính con người lưu vong kiệt xuất từ nước Đức, Heinrich Heine (tác phẩm ấy của Balzac, tôi cũng sắp chạm đến rồi, nó rất xuất sắc và quái đản).
Heine và Balzac có thể coi là tuyệt đối cùng một thế hệ. Heine sang Pháp sống hẳn ngay khi cuộc cách mạng tháng Bảy vừa nổ ra (cuộc cách mạng đưa Louis-Philippe lên ngôi vua nước Pháp, "ông vua-công dân" và đi kèm với đó là một số thiết chế mà Balzac cũng hay đưa vào tiểu thuyết của mình, chẳng hạn "danh sách dân sự" nghĩa là chế độ tài trợ của chính phủ cho một số cá nhân), và sẽ ở đây cho tới khi chết, sau cái chết của Balzac vài năm.
Dưới đây là một trong loạt bài Heine viết cho một tờ báo Đức, từ Paris, bài ghi ngày 19 tháng Giêng năm 1832. Bắt đầu quay trở lại với thế giới của Balzac, một cái nhìn đặc biệt như cái nhìn của Heinrich Heine, tôi nghĩ hết sức quan trọng.
Tất nhiên, Heinrich Heine sẽ còn quay trở lại nhiều lần nữa, trong không chỉ một câu chuyện. Nếu không mở được về hướng này, thực sự tôi cũng chẳng biết phải làm gì tiếp.
nhân tiện: đã tiếp tục Không khí và mộng của Bachelard (đã gần hết phần "introduction"); tiếp tục một đoạn dài, dài dài Nữ công tước de Langeais (nàng công tước Antoinette de Langeais và tướng quân Armand de Montriveau đã gặp nhau lần đầu tiên); tiếp tục một đoạn còn dài dài dài dài hơn Béatrix (có một người khách xuất hiện ở ngôi nhà của nam tước du Guénic nơi thành phố Guérande vùng Bretagne)
-----------
Le Temps hôm nay
nêu nhận xét, tờ La Gazette d’Augsbourg
hay đăng nhiều bài có tính cách thù địch với hoàng gia, và cơ quan kiểm duyệt Đức,
vốn dĩ rất nghiêm cẩn những lúc người ta động đến các ông vua chuyên chế, đã chẳng
buồn đoái hoài khi đó là một ông vua-công dân. Ai mà tin nổi rằng vào dịp này Le Temps là tờ báo khôn khéo nhất trên đời?
Thế nhưng đúng là với sự trợ sức của vài lời mơn man, nó bắn trúng vào đích mau
chóng hơn so với những tờ báo khác có thể, với toàn bộ pháo binh tranh cãi giấy
mực của chúng. Ý đồ nham hiểm đầy mưu mẹo của nó đã được hiểu một cách đầy đủ,
và tôi biết có ít nhất một nhà văn libéral coi rằng thật không mấy hay hớm khi
sử dụng, dưới sự nương tay của kiểm duyệt, chống lại một ông vua-công dân cái
thứ ngôn ngữ sặc mùi kẻ thù như thế, mà hẳn nó sẽ không cho đi qua nếu đó là để
chống lại một ông vua chuyên chế. Rồi! nhưng để đổi lại chúng ta sẽ đòi
Louis-Philippe phải làm vui lòng chúng ta bằng một việc duy nhất, một việc thôi,
đó là phải yên vị làm ông vua-công dân. Chính bởi càng ngày ông càng giống những
ông vua chuyên chế hơn, thành thử chúng ta buộc phải dành cho ông một mối hiềm
thù nho nhỏ. Chắc hẳn đó là một người trung thực tuyệt đối, ông bố gia đình rất
đáng trọng, người chồng hiền dịu và biết tiết kiệm; nhưng thật tệ vì ông cho vặt
trụi mọi cái cây tự do, chặt đi mất cành lá đẹp đẽ của chúng, mang về cưa gọt
làm xà cột để chống cho cái nhà d’Orléans lung
lay. Vì lẽ đó, và chỉ vì thế, báo chí libéral mới phẫn nộ, và những tinh thần
của sự thật mới, nhằm chiến đấu với ông, đâm ra chẳng còn ngại nói dối nữa. Thật
đáng buồn, thật đáng bực vì chiến thuật này phạm đến tận gia đình nhà vua, vừa
vô tội lại vừa đáng mến như thế. Chắc chắn, báo chí libéral của Đức, vốn dĩ kém
trí tuệ hơn nhưng nhạy cảm hơn so với người chị bên Pháp, sẽ không cần phải tự
trách móc về sự tàn nhẫn ở khía cạnh này. “Ít nhất thì các ngài cũng phải
thương hại đức vua chứ!” mới gần đây tờ Le
Journal des Débats ôn hòa đã kêu lên! “Thương hại Louis-Philippe!” tờ La Tribune đáp, “Ông ta đòi mười lăm triệu,
ngoài đó lại còn kèm thêm sự thương hại của chúng ta nữa! Thế ông ta có từng
thương hại Ba Lan, Ý, v.v… không?” Cách đây mấy hôm tôi đã nhìn thấy đứa con mồ
côi của Menotti, người bị treo cổ ở Modène; tôi cũng đã nhìn thấy señora Luisa
de Torrijos, quý bà nhợt nhạt khốn khổ trông như người chết, vội vã trốn tới
Paris khi biết tin, tại biên giới Tây Ban Nha, cuộc hành hình chồng bà cùng năm
mươi hai đồng đội trong cuộc khổ nạn. A! tôi thực sự thấy thương hại
Louis-Philippe!
La Tribune, cơ
quan ngôn luận có tuyên xưng của phe cộng hòa, thì khắc nghiệt hết mức đối với
ông vua kẻ thù, và ngày nào cũng rao giảng về nền cộng hòa. Le National, tờ báo độc lập nhất ở Pháp,
ít lao vào các nhìn nhận hơn cả, gần đây đã bắt đầu, theo cách thức đáng kinh
ngạc nhất, hòa vào dàn đồng ca ấy; rồi, như một vọng âm đáng kinh hãi từ những
ngày máu me nhất của Quốc Ước, vang lên các bài đít cua của những thủ lĩnh hội
“Bạn của Dân Chúng”, những người, tuần vừa rồi, phải ra tòa đại hình, vì bị cáo
buộc âm mưu lật đổ chính phủ hiện thời nhằm thay thế bằng nền cộng hòa. Những
người này đã được tòa tuyên không có tội, bởi vì họ chứng minh rằng họ đã,
không phải là âm mưu, mà công khai bày tỏ ý kiến của mình trước công chúng.
“Đúng, chúng tôi muốn chính phủ yếu kém này sập; chúng tôi muốn một nền cộng
hòa!” Đó là điệp khúc của mọi lời biện hộ mà họ trình bày trước tòa.
Trong khi, ở một bên, những người cộng hòa nghiêm túc rút
gươm và gầm lên như sấm, tờ Figaro, phụ
trách các cú sét, cả cười và khiển cây roi nhẹ của nó theo cách thức vô cùng hiệu
quả. Nó có vô tận những câu hay ho về nền cộng hòa tốt đẹp nhất, cụm từ mà người
ta dùng để tương lên đầu La Fayette khốn khổ, bởi một ngày nọ ông từng nói, như
ai cũng biết, với Louis-Philippe, vào lúc ôm hôn tại Tòa Đô chính: “Ngài là nền
cộng hòa tốt đẹp nhất!” Hôm trước tờ Figaro
nêu nhận xét, người ta chẳng còn muốn cộng hòa nữa, kể từ khi đã được nếm thứ tốt
đẹp nhất. Không kém phần máu me là nhận xét của nó về các cuộc tranh luận về
danh sách dân sự: “Nền cộng hòa tốt đẹp nhất trị giá mười lăm triệu.”
Trong cái tâm trạng tồi tệ mà bước xoay vần của các sự kiện
gây ra cho họ, nhiều con người nhiệt tình với tự do để mặc cho mình đi nói xấu
La Fayette. Cuốn sách nhỏ được xuất bản gần đây bởi Belmontet chống lại
Chateaubriand, trong đó người ta rao giảng về cộng hòa với một sự thẳng thắn đáng
hâm mộ, cho thấy người ta có thể nhầm đường lạc lối tới mức nào dưới tương quan
này. Hẳn tôi đã trích ở đây những đoạn chua cay mà cái tác phẩm chống La
Fayette ấy chứa đựng, nếu chúng không một mặt thì quá thù hận, và mặt khác, gắn
chặt vào với một sự ngợi ca cộng hòa vỗn dĩ không thể tìm được chỗ trong các
bài báo này. Cho nên về phương diện này tôi chỉ xin dẫn chiếu đến bản thân tác
phẩm và đặc biệt đến cái chương mang tên: “Nền Cộng Hòa”. Người ta có thể thấy ở
đó bằng cách nào mà những con người, ngay cả những người có tính cách cao quý
hơn cả, có thể để cho mình bị lạc lối bởi vận hạn xấu.
Tôi sẽ không nghĩ đến chuyện chiến đấu ở đây chống lại giấc
mơ rạng ngời về khả năng một nền cộng hòa tại Pháp. Vốn dĩ là người quân chủ vì
thiên hướng tự nhiên, tôi lại càng theo quân chủ hơn tại đất nước này, do lòng
tin [câu rất quan trọng]. Tôi thấy dường như người Pháp sẽ không thể chịu đựng
nổi bất kỳ nền cộng hòa nào, cộng hòa Athènes cũng ít như cộng hòa Sparte, và
còn ít hơn mọi thứ khác, nền cộng hòa của Bắc Mỹ. Người Athènes là tuổi trẻ về
phương diện học vấn của nhân loại, và thể chế của Athènes, một dạng tự do học
thuật, mà sẽ hẳn rất ngớ ngẩn nếu muốn làm sống lại vào thời phát triển hoàn
toàn của chúng ta và tại châu Âu đã trở nên già nua của chúng ta. Và thực sự,
làm sao mà người Pháp lại có thể xoay xở để áp thể chể của Sparte, cái nhà máy
sản xuất lòng ái quốc to lớn và buồn tẻ đó, cái trại binh của đức hạnh cộng hòa
đó, cái nhà bếp của bình đẳng trác tuyệt và đáng ghét đó, nơi người ta làm ra
những thứ nước xốt màu đen tồi tệ đến thế, mà những tinh thần đẹp của Athènes
coi sự tồn tại thảm hại như là nguyên do chính yếu cho niềm khinh bỉ của người
Lacédémone [tức là Sparte] đối với cuộc sống, và cho sự anh hùng của họ, trong
chiến trận. Sẽ có số phận nào đây, tôi xin hỏi, một thể chế như vậy ở kinh đô của
ăn uống, tại đất nước của những Véry, Véfour và Carême! Carême, noi gương Vatel
[toàn những cái tên lừng danh của ngạch ăn uống], hẳn sẽ dùng thanh kiếm tự đâm
vào người mình, như một Brutus của nhà bếp! Nói cho đúng, Robespierre lẽ ra đã
chỉ cần đưa tới đây cuisine của Sparte là xong: máy chém guillotine hẳn sẽ trở
nên thừa thãi hết mức; bởi khi ấy các nhà quý tộc cuối cùng hẳn sẽ lăn ra chết
vì hãi quá, hoặc giả sẽ bán xới đi sạch. Robespierre khốn khổ, anh từng muốn đưa
tới sự nghiêm khắc cộng hòa vào Paris, cái thành phố nơi một trăm năm mươi
nghìn cô thợ làm mũ, bán mỹ phẩm và thợ cạo tiến hành cái ngành nghề tươi cười,
thơm lừng và xoăn tít của họ.
Nhưng dẫu cho đám bạn bị mù và lũ kẻ thù đạo đức giả có thể nói gì đi nữa, La Fayette vẫn cứ là, sau Robespierre, tính cách thuần túy nhất của cách mạng Pháp: đó là anh hùng được biết đến rộng rãi nhất của nó, sau Napoléon. Napoléon và La Fayette là hai cái tên ngày nay rực rỡ với vầng hào quang đẹp nhất ở Pháp. Chắc hẳn vinh quang của họ rất khác nhau. Một người thì chiến đấu vì hòa bình nhiều hơn so với vinh quang, còn người kia vì vòng nguyệt quế thì nhiều hơn so với vương miện cây sồi. Chắc chắn sẽ rất lố bịch khi tìm cách nhét sự vĩ đại của hai anh hùng ấy vào cùng khuôn và gắn người này lên cái bệ làm riêng cho người kia. Sẽ là lố bịch nếu cứ muốn dựng tượng La Fayette trên cây cột Vendôme, đúc bằng đồng của các khẩu đại bác chinh phục được trong nhiều trận đánh đến thế, cái cây cột này, Barbier nói, mà bà mẹ Pháp nào cũng không chịu đựng nổi khi nhìn thấy. Trên cây cột đồng thau hãy đặt Napoléon, con người bằng đồng thau, được gánh vác ở nơi đây cũng như trong cuộc đời bởi những chiến quả vinh quang quân sự của ông; để rồi trong một sự cô lập đáng kinh hãi ông xé toang những đám mây, khiến người lính nhiều tham vọng, khi ngắm nhìn ở độ cao chóng mặt và bất khả xâm nhập kia, cảm thấy trái tim anh ta thuần hòa đi và được chữa khỏi cơn khát vinh quang vô vọng, và nhờ thế mà cái cây kim khổng lồ bằng kim loại đó sẽ trở nên, đối với châu Âu, công cụ hồn hậu nhất để hòa hoãn tinh thần chiến tranh, cây cột thu lôi phòng ngừa chứng anh hùng ưa chinh phục.
La Fayette đã tự dựng cho mình một cây cột đáng được thích thú hơn cây cột trên quảng trường Vendôme và một cái bệ vững chắc hơn hẳn so với nếu nó được làm bằng đá hoa cương hay kim loại. Ở đâu có thể tìm được một thứ đá hoa cương thuần khiết như trái tim, một thứ kim loại chắc như sự vững vàng của ông già La Fayette đây? Đúng là ông từng chỉ có duy nhất độc một ý nghĩ; nhưng ở điểm này ông giống với la bàn, lúc nào nó cũng chỉ về hướng Bắc bất di bất dịch, không bao giờ ngả sang Nam hay Đông. Chính vì vậy mà từ bốn mươi năm nay ngày nào La Fayette cũng nhắc đi nhắc lại cùng một điều, và không ngừng chỉ về Bắc Mỹ. Ông đã mở ra cuộc cách mạng với tuyên ngôn về quyền con người; và giờ đây ông vẫn nhấn mạnh vào bản tuyên ngôn đó, mà nếu không có thì sẽ chẳng hề có cứu rỗi, cái con người không chút đổi thay ấy, với cái điểm không gian của tự do không chút đổi thay ấy. Ôi! chắc hẳn đó hoàn toàn không phải một thiên tài như Napoléon, trong đầu con người này thì những đại bàng của cảm hứng đã làm tổ, trong khi lũ rắn của sự tính toán quấn lấy nhau trong trái tim; nhưng ông đã chẳng hề để cho mình khiếp sợ trước đại bàng cũng như bị quyến rũ bởi rắn. Lúc còn thanh niên thì khôn ngoan như một ông già, ông già thì nồng nhiệt như một chàng thanh niên, người bảo vệ của dân chúng trước mưu xảo của đám đại nhân, người bảo vệ của đám đại nhân trước cơn thịnh nộ của dân chúng, đầy cảm thông và đầy tinh thần chiến đấu, không bao giờ tự phụ và chẳng bao giờ nản chí, nghiêm khắc và dịu dàng với cùng kích thước, La Fayette luôn luôn giống hệt với chính bản thân ông; và luôn luôn với cái ý nghĩ duy nhất trong cùng sự ngang bằng của các tình cảm, ông bất động ở cùng một chỗ kể từ thời của Marie-Antoinette cho tới lúc này; là Eckardt trung thành của tự do, lúc nào cũng chống lên thanh kiếm, chỉ vào mối hiểm nguy đối diện với cổng vào điện Tuileries, cái ngọn núi linh thiêng ấy, cái “mons veneris” ấy, với các hòa âm ma thuật thu hút với biết bao sức mạnh và với những tấm lưới mềm không để cho những kẻ nào mắc vào đó một lối nào để thoát ra nữa.
Dân chúng ở nông thôn cũng dành cho La Fayette sự kính trọng nhiều trìu mến nhất, đặc biệt là khi mối bận tâm chính yếu của bản thân vị tướng già là nông nghiệp. Đó chính là cái khiến ở ông vẫn lưu giữ được vẻ giản dị và tươi tắn ấy, mà có lẽ việc lưu trú quá thường xuyên ở thành phố sẽ tiêu diệt đi mất. Cũng chính ở điểm này mà ông giống với các nhà cộng hòa thời cổ đại, những người đích thân trồng bắp cải và, khi hoàn cảnh xui khiến, từ cái bừa lao vọt ra chiến trận hoặc lên bục diễn đàn; rồi, sau khi đã giành thắng lợi, quay trở về với công việc đồng áng. Tại đất của mình, nơi La Fayette sống khi thời tiết đẹp, ông luôn luôn được bao quanh bởi các thanh niên mang trái tim cao quý và những cô thiếu nữ xinh đẹp; ở đó ngự trị lòng hiếu khách của trái tim cũng như của bàn ăn; người ta cười đùa và nhảy múa; đó là triều đình của dân chúng được làm chủ, nơi bất kỳ ai cũng có thể được giới thiệu là đứa con sinh ra từ những công trình của ông và chẳng hề có chút lai tạp nào với sự dối trá, và La Fayette là ông chủ hội của cái triều đình ấy.
Nhưng tầng lớp nơi sự kính ngưỡng đối với La Fayettte ở mức lớn nhất là tầng lớp trung gian, những người có nghề nghiệp ổn định cùng các thương gia nhỏ. Những người đó yêu quý ông. La Fayette người lập ra trật tự là thần tượng của những con người kia. Họ thờ phụng ông giống như một dạng thiên hựu biết cưỡi ngựa, một ông chủ chính danh của an ninh công cộng, một thiên tài của tự do, người cùng lúc lo sao để trong cuộc chiến vì tự do không xảy ra vụ ăn trộm nào và bất kỳ ai cũng giữ được món tài sản nhỏ nhoi của anh ta! Đội quân lớn của trật tự công cộng, như Casimir Périer từng gọi vệ binh quốc gia, những người anh hùng được lo cho ăn uống rất đầy đủ, bên dưới những cái mũ bon nê của gấu từ đó thò ra các khuôn mặt chủ tiệm thực phẩm, say sưa phấn khích khi nhắc tới La Fayette, ông tướng cũ của họ, Napoléon ôn hòa của họ. Đúng! đó là Napoléon của giới tiểu tư sản [ta thấy Balzac gọi một nhân vật là “Napoléon của vùng nông thôn” trong Viên bác sĩ nông thôn và gọi César Birotteau là “Napoléon của giới thương gia Paris”], của những con người trung hậu có tính thanh khoản cao kia, những gã thợ may và những gã thợ làm găng tay, quá bận rộn, đúng là như vậy, vào ban ngày nên chẳng thể nào nghĩ đến La Fayette, nhưng tối đến thì bồi thường cho điều đó với một sự hào hứng gấp đôi; ta hoàn toàn có thể nhận định rằng vào lúc mười một giờ, khi gần như mọi cửa hiệu đều đã đóng im ỉm, vinh quang của La Fayette đạt tới mức cực điểm.
Tôi vừa dùng cụm từ ông chủ hội. Tôi nhớ rằng Wolfgang
Menzel từng, trong sự phù phiếm trí tuệ của ông, gọi La Fayette là ông chủ hội
của tự do, khi ông nói trên tờ Literatur-Blatt
về cuộc diễu hành khải hoàn băng qua nước Mỹ cùng các phái đoàn, bài phát biểu
và diễn từ trang trọng nối tiếp nhau trong những dịp như thế. Những người khác,
kém trí tuệ hơn, hình dung lầm lạc rằng La Fayette chỉ là một ông già mà người
ta bày ra cho sang hoặc giả người ta dùng như một cỗ máy. Nhưng những người đó
chỉ cần trông thấy ông một lần duy nhất trên diễn đàn là đủ để dễ dàng nhận ra
đó đâu phải chỉ là một lá cờ để người ta đi theo, hay để người ta phát thệ; mà
lúc nào thì bản thân ông cung là người cắm cờ hiệu với hai bàn tay cầm lá cờ, cờ
đuôi nheo của các khối dân chúng. Có lẽ La Fayette là nhà hùng biện quan trọng
nhất của Viện Dân biểu hiện nay. Những khi ông nói, ông luôn luôn như đinh đóng
cột, và ông cũng làm vậy với các kẻ thù của ông. Hễ một trong những vấn đề lớn
nhất của nhân loại động đậy, là tức thì La Fayette sẽ đứng dậy, hăng hái trong
chiến đấu như một chàng thanh niên. Chỉ cơ thể yếu ớt và run rẩy, bị tuổi già
và những tranh đấu của thời gian làm còng xuống, giống một bộ giáp trụ cũ tơi tả
và rách nát, và thật cảm động khi thấy ông lê chân dưới gánh nặng ấy nơi diễn
đàn, và lúc ông đã tới được vị trí cũ của ông, thở một hơi thật sâu và mỉm cười.
Nụ cười đó, cách nói năng đó và toàn bộ vẻ bên ngoài của con người ấy vào lúc
này là không thể diễn đạt. Ông có cùng lúc biết bao khả ái và biết bao châm biếm
tinh quái, đến mức ta cảm thấy bị trói lại như thể bởi một lòng hiếu kỳ ma thuật,
bởi một điều bí hiểm êm dịu. Ta không biết đó là các cung cách được một hầu tước
người Pháp chọn, hay sự giản dị thẳng thắn và cởi mở của một công dân Mỹ. Toàn
bộ khía cạnh tốt đẹp của ancien régime [chắc đã cần đến với cuốn sách về
“Ancien Régime” của Tocqueville rồi], tính chất hiệp sĩ, sự lịch duyệt, sự tế
nhị, được hòa tan theo đường lối thật tuyệt diệu với phần tốt đẹp nhất của giới
tư sản hiện đại, tình yêu dành cho binh đẳng, sự thiếu vắng của hào nhoáng, và
lòng trung thực. Chẳng gì còn hấp dẫn hơn nữa, khi ở Viện người ta nói tới giai
đoạn đầu của cách mạng và rồi kẻ nào đó đó, theo cách thức chiết trung, tách một
sự kiện ra khỏi những tương quan đích thực của nó và nhào nặn nó lại hòng có lợi
cho lập luận của ông ta, được chứng kiến La Fayette bằng vài lời phá tan mọi hệ
quả sai lầm, tái thiết lập nghĩa đúng của sự kiện hoặc trả lại cho nó tầm quan
trọng bằng cách nhắc lại các hoàn cảnh tùy thuộc vào nó. Bản thân Thiers, trong
trường hợp ấy, cũng buộc phải chào thua, và sử gia lớn của cách mạng cúi mình
trước tòa công trình kỳ vĩ và sống động của ông ta, tướng quân La Fayette của
ông ta.
bác ơi, thường thì bác mua sách ngoại văn ở đâu vậy? Nhờ người quen mua ở nước ngoài hay qua amazon?
ReplyDeletecó nhiều cách lắm, cách mà tôi hay làm nhất là: đi ra hiệu sách, thấy thích quyển gì thì mua quyển đó, còn thường xuyên hơn nữa thì các quyển sác ở hiệu tự rơi vào chân tôi (tôi sắp kể rõ chuyện này)
ReplyDeletetất nhiên cũng có các con đường khác, chẳng hạn có người gửi tặng sách cho tôi
Tôi hỏi vì thấy sách bác có thường ở HN không có bán. Hoặc do tôi tìm không đúng chỗ.
Deletenhà thơ viết báo rất "mả". và cái liberal mùi vị nó chắc cũng giống như mùi ở tập bài báo Phan Khôi.
ReplyDeletea, thấy mùi Phan Khôi là rất "mả" đấy, đợi đoạn sau sẽ rõ hơn nhiều :p
ReplyDeleteđọc Heine đâm tức tốc phải quay lại Goethe ở phần thơ, nhất là "Divan", xưa toàn đọc trích Heine nói ai được Goethe khen là chắc chắn có vé đi vào sự tầm thường, giờ đọc toàn chương mới thấy khác hẳn như thế hehe
không liên quan nhưng tự nhiên vào blog bác đọc lại mấy bài về Kundera thích quá, tôi thấy Kundera mới viết có trên 10 quyển tiểu thuyết, giờ bác ấy cũng lớn tuổi quá rồi chả biết trong vài năm tới có thể mong đợi một quyển tiểu thuyết mới hay không, khi nào có thời gian bác lại bàn Kundera cho mọi người đọc nhé
ReplyDeleteKundera viết chừng một chục tiểu thuyết, nhưng ngoài đó ra còn mấy tập thơ và vở kịch, cùng khoảng một chục tập tiểu luận; tôi ngờ là di cảo Kundera sẽ rất lớn đấy: gặp ông ấy thì có thể thấy ngay đó là con người của rất nhiều "lớp", khó mà đến được mức cạn kiệt lắm
ReplyDeletenhưng không phải ai cũng tiếp cận được mấy tập thơ và kịch của ông ấy như bác, mà tiểu luận gì mà tới gần chục tập dữ vậy? tôi mong bác ấy khỏe hoặc gần cuối đời ai đó làm giúp bộ hợp tuyển hay một tiểu sử
Deleteuầy, cứ tưởng là quan tâm thật hehe
ReplyDeletesao lại phải "mong", vì không những làm rồi, mà còn từ rất lâu rồi, xem trong đường link:
http://nhilinhblog.blogspot.com/2011/02/lot-zoi.html?m=0
(thông tin bên lề: nhà văn mới nhất vào La Pleiade, rất gần đây, là Georges Perec, mà Perec thì chết từ rất lâu rồi)
Heine nói về Cộng hòa Pháp cứ như tiên tri. và với những "cuisine" và "một trăm năm mươi nghìn cô thợ ..." thì nhà thơ chỉ cho thấy "bảo hoàng" khác "bảo thủ" như thế nào. lại còn cái món "nước xốt đen" những xứ Sparte (mk!) sao mà trúng thế ko biết!
ReplyDeleteEveryone loves what you guys are usually up too. This sort of clever work and
ReplyDeletereporting! Keep up the very good works guys I've included you
guys to my own blogroll.