Feb 5, 2024

Dana, hai năm

(tiếp tục Montaigne về VirgileXXn)


Trong Jacket Trắng, Melville nhắc đến Dana, rất thoáng qua (FYI: ở chương XXIV, "Dana bạn tôi người bất-khả-sánh", khi gần hết chương). Đó là Richard Henry Dana, mà Melville xem là reference lớn trong địa hạt "hải trình qua Mũi Sừng".

Tức là Dana tác giả cuốn sách dưới đây:



Bản dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp của Simon Leys. Simon Leys là một người đi biển, cũng là người dịch Luận ngữ sang cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh. Một sinologue, từng dịch cuốn sách của Khổ Qua Hòa thượng - pseudonyme "Simon Leys", như có thể dễ dàng đoán, bắt nguồn từ một nhân vật của Victor Segalen.


Cuốn sách về đi biển của Dana là thành công vô cùng lớn tại nước Mỹ của nửa đầu thế kỷ 19, nhưng đó là cuốn sách duy nhất Dana viết, khi còn rất trẻ. Richard Henry Dana đã không trở thành nhà văn mà thành luật sư, khiến nước Mỹ mất đi một writer lớn. Melville gọi Dana là "bạn tôi": hai người tương đối cùng tuổi, Dana hơn Melville chỉ ba tuổi.


Two Years Before The Mast: Dana, vốn dĩ là con nhà, đang học Harvard, vì sức khỏe sa sút nên nghĩ đến chuyện đi biển để cải thiện.

"Đi biển" đối với Dana là làm thủy thủ trên tàu buôn (rất khác so với Jacket Trắng, ở trên tàu chiến rất lớn: tổng cộng gồm đến 500 người, trong khi tàu của Dana chỉ có vài người). Đã đi biển rồi, Dana mới nhận ra nguy cơ: rất có thể quãng thời gian phiêu lưu chỉ định ngắn (một, hai năm) thì phải kéo dài, thậm chí có khả năng cả đời; nếu vậy thì sẽ không bao giờ có khả năng học đại học tiếp. Rất may là chuyện đã không xảy ra như thế.

Ngược câu chuyện mà Melville kể, cuộc vượt Cap Horn của Dana là từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, vì hai con tàu mà họ đi ("Pilgrim" đối với Dana và "Neversink" đối với Melville) một thực hiện chuyến đi từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ, một theo hướng ngược lại. Nếu chỉ có đoạn ấy, ta sẽ không thấy tại sao Melville lại lấy những gì Dana miêu tả làm reference; nhưng Dana còn có chuyến quay về (Boston yêu dấu) - lần này là trên một tàu khác, "Alert" - và phải lần đó (ở gần cuối cuốn sách dày: Two Years còn dày hơn White Jacket), thêm một cuộc vòng qua Mũi Sừng, mới khiến ta hiểu Melville định nói gì.

Khác với Melville nhất định không kể chuyện trên đất liền (trừ ngoại lệ Rio), chuyện của Dana lại gồm rất nhiều đất liền. Đó là California.


California của Richard Henry Dana là California còn chưa phải là của nước Mỹ: những miêu tả California trong cuốn sách như thể lấy từ một thời tiền sử nào đó, có cả - thấp thoáng - sự ăn thịt người. Hình ảnh đáng nhớ nhất là da bò: bò bị lột da, nguyên tấm, phơi lên, rồi gập đôi lại. Người bản xứ chỉ có mỗi cái đó (da bò) để bán cho các thuyền buôn, đổi lại là mua lấy những thứ (thường là vớ vẩn) mà những thuyền ấy chở theo: đó là gần như toàn bộ hoạt động buôn bán, mà vì nó người ta đi từ bờ Đông châu lục vòng qua Cap Horn khủng khiếp để đến. Dana không ngừng kể về việc khuân vác da bò (chẳng có cách nào khác ngoài đội lên đầu), các kho đặt ở bờ biển để chứa da bò. Khi viết Jacket Trắng, Melville ý thức rất rõ chuyện mình đang miêu tả những gì hẳn sẽ sớm không còn tồn tại nữa: người ta sẽ đọc Jacket Trắng như đọc bản tường thuật về một cuộc sống không khác mấy so với fantasy; điều này rất đúng, vì người ta cứ tưởng fantasy là những gì ở tương lai, còn chưa đến, nhưng fantasy còn nằm ở quá khứ, và nói cho đúng, chính fantasy bên này là cơ sở để tạo ra fantasy bên kia. Tuy không có ý thức rõ như vậy, việc của Dana với cuốn sách của mình cũng tương tự.

Vì một tính toán sai lầm, một đen đủi, Dana ký hợp đồng với một nhà xuất bản để lấy một khoản tiền. Rất không ngờ, cuốn sách lại bán rất chạy, và Dana không được hưởng gì từ đó. Phải ba mươi năm sau khi in sách, Dana mới lấy lại được quyền sở hữu, và thực hiện một số chỉnh sửa - lúc đầu, các chương không có tên, chỉ đánh số, khi tác giả sửa thì chúng mới có tên (làm theo sách của Melville?).

Trong bản dịch của mình, Simon Leys phát hiện một chỗ nhầm lẫn, lộn giữa mạn phảimạn trái, và đặt ra câu hỏi, không hiểu sao một cuốn sách đã được bình luận nhiều như thế mà vẫn để sót lại lỗi ấy. Một nhầm lẫn (in sai, typo) khác đã được phát hiện từ trước: trong một đoạn đang có ba người, bỗng tới câu sau lại có bốn - người ta đoán do in nhầm "poor" thành "four".


những chuyến đi, kể cả ngày nay, khi sự đi trở nên không dễ (vì quá dễ), tức là rất khó đi - cần phải tìm ra các hình thức mới, vô cùng khó tưởng tượng; đây là thời điểm bản thân trí tưởng tượng của con người bị thử thách: có phải thực sự là nó không có giới hạn không? - vẫn vô cùng cuốn hút, dẫu đã nhuốm không ít nostalgia: người ta đọc Dana hay Melville (những ai vẫn còn đọc, nhất là những cái như vậy), quả thật - đúng như Melville từng tiên đoán, trong Jacket Trắng - nhằm biết chuyện từng có thể như thế nào

một nhân vật đi khác:


(để quảng cáo cho cuốn sách, nhà xuất bản nói rằng Bruce Chatwin coi đây là một ghi chép rất hấp dẫn - tôi từng nói đến Chatwin, ở đâu ấy nhỉ?)



6 comments:

  1. gốc gác câu chuyện “đàn ông đi biển có đôi” chắc

    ReplyDelete
  2. xbk làm ăn tệ quá, đợi mấy quyển của NL Tết rảnh đọc cho thỏa thế mà không gửi, không vì NL chắc chẳng ma nào thèm đăng ký "chương trình xuất bản" đó

    ReplyDelete
  3. comment ngay trên đây là sample rất tốt cho cái sự, anonymous thì có thể tạo ra dạng ngôn ngữ (và đầu óc) như thế nào

    chẳng có gì khác ngoài lươn lươn lẹo lẹo, lươn lươn chạch chạch, thật ra là các lớp (vô tận) chồng lên nhau của hết mặc cảm này đến mặc cảm khác

    ReplyDelete
  4. tự nhiên giờ mới thấy hôm nọ đáng ra phải nhờ người Hải Phòng cầm hộ mấy cuốn về đọc.

    ReplyDelete
  5. à ừ quên đấy: vài hôm nữa qua Tết cà phê đi, anh tặng, cả một chồng, không phải mua đâu

    ReplyDelete
    Replies
    1. Èo, ước gì mình đc thân như thế :)))).

      Delete