Nhân vật ấy không chỉ là sử gia, mà còn bình luận văn chương Henry James: cuốn sách về James đó trong nhan đề cũng có từ "Muse" (giống như): La Muse démocratique. Henry James ou les pouvoirs du roman. Chương III của cuốn sách liên quan chặt chẽ đến những tác phẩm của James mà chúng ta đang quan tâm. Trong phân tích của tác giả, hai yếu tố lớn được dựa trên (trở thành nền tảng) là: Tocqueville và Irony.
(các trích dẫn từ Những người châu Âu và Vẽ một phụ nữ được lấy từ bản tiếng Việt đã in; các trích dẫn từ Daisy Miller được lấy từ bản tiếng Việt sắp in)
Chương III: Các thanh niên Mỹ trong cuộc phiêu lưu châu Âu
Mona Ozouf
Cùng một chủ đề, gần như có tính cách ám ảnh, và hiển hiện cho đến tận trong sự đơn giản của các nhan đề được chọn, ngự trị ở những tiểu thuyết đầu tiên của James. Từ Những người châu Âu tới Vẽ một phụ nữ, ngang qua Một người Mỹ, lúc nào cũng là cùng câu chuyện, câu chuyện về sự gặp của những người Mỹ ngây thơ với sự phức tạp châu Âu. Nhưng tùy theo việc nó xảy ra ở bên này hay bên kia Đại Tây Dương, mọi chuyện có diễn biến rất khác. Trong trường hợp đầu tiên, James sử dụng một pa lét sáng cùng các màu êm, và tự cho phép mình có một mở nút sung sướng. Trong trường hợp thứ hai, những bóng đen chồng chất trên tấm toan và số phận của các nhân vật phiêu lưu trẻ tuổi u tối đi, đến tận chỗ của bi kịch.
Những người châu Âu là một câu chuyện dịu kết thúc theo cách thức mà chính James từng lố bịch hóa nhiều nhất: bốn đám cưới và chỉ một đám ma, đám ma cho những ảo tưởng của Eugenia, nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết. Hẳn người ta có thể khép quyển sách lại với cảm giác mọi sự đều không thể tuyệt vời hơn tại thế giới tốt đẹp nhất trong số các thế giới luân lý. Eugenia và Felix, cô chị và người em trai, "những người châu Âu", thật ra là những người Mỹ đã Âu châu hóa, đi sang Tân Thế giới tìm vận may. Họ tới thăm họ hàng của mình ở vùng New England, với ý định được trù tính sẵn là kiếm lợi ích từ đó. Nhưng trong khi Felix thành công trong các dự đồ của mình, thì Eugenia thất bại không sao mà quyến rũ được vòng tròn Wentworth một cách lâu dài, ngay cả với người tinh xảo nhất trong số các nhân vật thân cận của nó, Robert Acton: cô chỉ còn một việc để làm là quay về châu Âu trong nỗi chua chát của thất bại.
Đấy là chút sầu muộn duy nhất bởi, rốt cuộc, Felix cưới Gertrude, người được giải phóng nhiều hơn trong số hai chị em nhà Wentworth, thuyết phục người đàn ông yêu Gertrude từ lâu rằng chính Charlotte hờ hững mới là người mà trên thực tế anh ta say mê - đám cưới thứ hai; Clifford Wentworth, người con trai từng tự cho phép mình làm một số trò tai quái của tuổi trẻ, lấy cô thiếu nữ Mỹ vốn đã được hứa gả cho anh từ mãi bao giờ - đám cưới thứ ba; rốt cuộc, dòng cuối cùng của cuốn tiểu thuyết cho độc giả biết rằng chính Robert Acton chỉn chu cũng đã gặp, để rồi cưới lấy một cách hết sức đường hoàng, một cô nương quyến rũ, được miêu tả với những từ đúng quy chuẩn tới nỗi người ta đâm ngờ là ở đó có sự mỉa mai của tác giả.
James viết Những người châu Âu năm 1878, nhưng đẩy bối cảnh câu chuyện lên ba mươi năm trước đó; sự sung sướng yên ả của một xã hội nông thôn còn chưa bị xâm phạm bởi cả quá trình đô thị hóa lẫn quá trình công nghiệp hóa. New England của Những người châu Âu, như vậy, rất gần với New England mà Tocqueville miêu tả; và đối với James, một thế giới đã mất đi. Các cảm giác mà nước Mỹ đồng ruộng xa xôi ấy gây cho ông cũng không quá xa với những cảm giác của Tocqueville. Bầu khí hậu ở đó được tóm lấy bởi một ánh mắt xa lạ, ánh mắt của Felix và của Eugenia, những nhân vật chỏi lên và hơi exotique. Và nếu tri nhận của họ về nó nhuốm mỉa mai, thì người kể chuyện lại chẳng hề mập mờ coi nó lành mạnh hơn so với bầu không khí của châu Âu. Những người nhà Wentworth không phải là những người hay tính toán, họ không có ý định nào từ trước, trong khi Felix và Eugenia đặt chân đến Boston với, ở trong óc, dự định quyến rũ và thao túng họ hàng ngây thơ của mình.
Mặc cho cuộc gặp cuối cùng đầy may mắn giữa thế giới cả thẹn và nhiều luân lý của nhà Wentworth và thế giới mà những người mới tới mang trong hành lý của mình, những người Mỹ và những người châu Âu, trong suốt cuốn tiểu thuyết, có cả nghìn dịp để cảm thấy giữa họ một cái hố gây lo lắng được đào sâu xuống. Họ không có cả cùng cách diễn giải các điểm trang của tồn tại lẫn cùng cách sử dụng ngôn ngữ, nhất là không cùng cảm giác về tội lỗi. Vòng tròn Wentworth nuôi dưỡng một mối nghi ngại theo bản năng về phía những phương cách mà con người đã tìm ra nhằm làm cho tồn tại của họ được êm ái. Ngôi nhà Wentworth, được Felix miêu tả với Eugenia, "đậm chất nông thôn, hết sức thiên nhiên; khắp chốn tràn ngập thứ ánh sáng trắng kỳ lạ và bầu trời xanh thẳm". Nhưng, bị chị mình thúc ép có một ký họa bớt trống rỗng hơn, anh chỉ biết lao mình vào một liệt kê âm tính: "không sơn son, không thếp vàng, không hàng hàng lớp lớp tôi tớ; thay vào đó là những ghế tựa lưng thẳng. Nhưng chị có thể ngồi trên sàn nhà mà ăn, thậm chí có thể ngồi trên bậc cầu thang nữa". Màu trắng và sự trống rỗng, suốt cuốn tiểu thuyết, là những hình ảnh biểu trưng cho thế giới của gia đình Wentworth. Sự mỉa mai vẻ khổ hạnh này lại càng gây ấn tượng mạnh hơn vì chính họ mới là những người có tài sản - chẳng có gì chung với triều đình nhỏ bé đạm bạc Silberstadt-Schenkenstein mà Eugenia đã bỏ trốn - nhưng họ khinh bỉ các dấu hiệu cho sự phong phú về vật chất cũng như họ khinh bỉ, nhìn chung, những vẻ bề ngoài. Không có gì nhiều ý nghĩa hơn, trên phương diện này, so với một xen thoáng qua giữa hai chị em Wentworth: Gertrude, vừa là người nổi loạn hơn lại vừa là người có gu thẩm mỹ cao hơn trong số họ, tìm cách chỉnh lại cái khăn san của Charlotte chị mình đang trên đường đi đến nhà thờ. Trước nỗi kinh ngạc nhuốm chút phẫn nộ của Charlotte, người đáp lại: "Chị không nghĩ người ta nên cố tỏ ra xinh đẹp." Muốn xinh đẹp, đấy là quyến rũ, đấy là lừa dối. Một làn không khí của lừa đảo mơ hồ bập bềnh quanh sự tô điểm: đấy là để nói bằng cách nào mà Eugenia, được tô điểm thái quá, kể cả trong chính cái tên của cô - Eugenia-Camilla-Dolores, nữ nam tước Münster von Silberstadt-Schenkenstein - có thể được đón tiếp bởi họ hàng của cô. Cô là một nhân vật thuộc kịch, hết sức lo âu cho vẻ ngoài và cho các cung cách. Tại ngôi nhà nơi các cousin của cô chứng tỏ lòng hiếu khách của mình, cô bày khắp nơi những cái khăn ca-sơ-mia và giăng rèm lụa hồng: tôn giáo của nữ nam tước là cần phải thết tiệc cuộc đời, để nó đỡ tàn nhẫn hơn. Tôn giáo của nhà Wentworth, được thừa kế thẳng từ những người Thanh giáo, lại là con người không được sinh ra cho sự sắp xếp vui thú tồn tại, mà để chịu đựng các nỗi buồn cùng những thiếu thốn của nó.
Từ sự tô điểm đến dối trá, chỉ có, trong mắt những người nhà Wentworth, một bước chân nhỏ xíu cần bước qua. Đường ranh giới của cuốn tiểu thuyết chạy qua giữa những người có khả năng, và những người không có khả năng, nói dối, giữa những con người của văn xuôi và những con người của thơ. Gertrude, nhằm thoát khỏi việc đi nhà thờ gợi ý với Charlotte việc nói với bố họ rằng cô bị đau đầu, cùng lúc nhận rằng điều đó không đúng, cho thấy rằng trong số tất tật những người nhà Wentworth chính cô là người có trí tưởng tượng được buông lỏng hơn cả, nhưng vậy thì cũng khiến chị của cô thấy rất bê bối. Và điều khiến Robert Acton quyết định từ bỏ Eugenia, hay ít nhất khiến anh quyết định rằng quả thật cô biến thái, là lời nói dối vô hại mà cô nói với mẹ của anh: cô bảo bà rằng con trai bà từng nhắc đến bà rất nhiều với cô; lời nói chỉ đơn giản là lịch thiệp trong mắt thế giới, thêm nữa lại rất tốt cho việc làm bừng sáng lên ngày của bà già. Nhưng vì điều này rõ ràng sai, Acton nhiều đắn đo cảm thấy nỗi nghi ngại của mình lớn lên. Điều trở thành vấn đề ở đây, ấy là năng lực của ngôn ngữ trong việc tràn khỏi bờ của nghĩa đen, nguồn cho một hiểu nhầm miên viễn giữa những người Mỹ và những người châu Âu.
Đối với những người Mỹ, các từ chỉ có độc một nghĩa, chúng là và phải là tấm gương trong suốt của cái đúng. Đối với những người châu Âu, các từ là đối tượng của một trò chơi vô tận; người ta có thể khiến cho chúng đi thật xa khỏi những gì chúng có vẻ chứa đựng; ngược lại với giữ chúng ở đó; khiến chúng làm rối tung các manh mối; với chúng dựng ra một bức màn ồn ào cho sự thật. Từ đó mà, giữa những người này và những người kia, có một sự không hiểu sâu sắc. Những người Mỹ luôn luôn có cảm giác những người châu Âu nói một thứ ngoại ngữ. Điều này không chỉ vì họ thiếu chắc chắn vào nghĩa các từ mà những người châu Âu dùng (thật ra thì, đối với các cư dân Boston, "hôn nhân quý tiện" của nữ nam tước ở một công quốc Đức xa xôi nghĩa là gì?). Nhưng cũng do cả đường ranh giới trôi nổi mà những người châu Âu vạch ra giữa sự thật và dối trá. Khi Eugenia, cảm động trước sự đón tiếp mà những người bà con khổ hạnh của cô dành cho mình, nói ra nhu cầu ẩn dật nghỉ ngơi sau một tồn tại nhiều náo động, lời thú nhận ấy, thế nhưng để lọt ra một cảm xúc thật, chỉ xứng nhận được bình luận này của James: lời lẽ của nữ nam tước quả thật không phải là nói dối; chẳng gì trong số những điều cô nói là nói dối hoàn toàn, dẫu người ta có thể ngay lập tức nói thêm rằng không có gì hoàn toàn thành thực. Và đấy là lý do khiến Mr. Brand, vị mục sư nhất vị luận đầy đức hạnh, nghĩ mình nghe được trong trò chuyện của Eugenia như thể có một thứ âm nhạc Pháp, nó gợi nhắc Mme de Staël hay Mme Récamier. Anh không ở xa chỗ nghĩ rằng trong sự khéo léo của trò chuyện có một cái gì đó khả nghi, thậm chí thậm thụt, một mẩu thò ra của tội lỗi.
Ý thức về tội lỗi quả thật là thanh gươm lửa phân tách hai thế giới. Lòng tin đinh ninh của Mr Brand là không có các mức độ trong lỗi. Clifford, bị đuổi khỏi trường vì say rượu, trong mắt Eugenia và Felix đã chỉ phạm một lầm lỗi của tuổi trẻ: "C'est de son âge" [tuổi đấy thì phải vậy chứ], Felix nhỏ nhẹ bình luận. Nhưng Mr. Wentworth thì không hiểu chuyện như thế. Sự nghiêm túc của ông, cảm giác của ông rằng ai cũng, vào mọi lúc, lướt sượt qua cái xấu, và rằng chỉ cần đặt một móng tay vào đó thôi là đã đủ để bị cuốn theo toàn bộ, ngăn cản ông nhắm đến một thang bậc các tội và xui khiến ông biến cuộc chiến đấu luân lý trở thành một tranh đấu vào mọi giây phút. Một mối nguy về phi luân thường hằng cứ lảng vảng quanh ngôi nhà Wentworth, như Gertrude công nhận lúc cô tỏ ra ngạc nhiên với Felix: "Để sống không muộn phiền, người ta có nhất thiết phải làm điều sai trái không?"
Tính tổng cộng, mối nghi ngại hướng về sự tô điểm, ý thức đầy lo âu về sự co giãn của ngôn ngữ, nỗi sợ tội lỗi có cấu thành một thế giới tốt đẹp hơn, hay không? James, vào thời điểm viết Những người châu Âu, và ở đây ông nhập vào với phân tích của Tocqueville, không ở xa chỗ nghĩ vậy. Chứng cứ rõ nhất nằm trong sự xử lý mà ông dành cho Eugenia. Bởi nếu hai người châu Âu chia sẻ cùng dự định kiếm lợi ích từ lòng hiếu khách của các cousin và cùng sự coi nhẹ các phương cách sử dụng, thì người em trai và cô chị không hoàn toàn được đánh giá theo cùng lối. Felix là một con người đơn giản hơn, mà cái tỏ vẻ và cái bản sinh rất gần chỗ trùng vào với nhau. Sự vui tươi của anh, sự vô lo của anh, dáng vẻ trẻ thơ của anh biện hộ giúp cho anh. Nghệ thuật mà anh thực hành - vẽ chân dung - dẫu bị vấy vết bẩn bởi sự khả nghi nào đó trong cặp mắt Thanh giáo của Mr Wentworth (tại sao lại đi còng lưng mà tái tạo những gì mà Đấng Sáng tạo đã làm rồi?), và dẫu thế nào thì cũng ít gây thất vọng hơn so với nghệ thuật mà Eugenia rất thạo, trò chuyện và tự sắp xếp cho bản thân. Những tương quan của anh với gia đình Wentworth cũng thoải mái hơn. Thêm nữa anh lừa họ ít hơn và đối với họ có vẻ kém đe dọa hơn ở mức vô biên, dẫu anh thường làm họ bấn trí: đấy là vì anh tỏ ra đúng như anh vốn dĩ và không có sự náo động bừng sốt của chị anh. Cô thì, ngược lại, bị đánh dấu bởi nỗi thiếu may của một quá khứ bí hiểm và nặng nề, nói ra những lời nơi sự vô sỉ lóe lên và theo đuổi nhiều mục đích cùng một lúc (còn mục đích của Felix - lấy Gertrude - có một sự đơn giản trong suốt). Eugenia, người định tâm chinh phục Robert Acton, cũng không coi thường - thì, biết đâu được - công trình song song, chinh phục người con trai của gia đình. Vì tất tật các lý do đó, cùng sự lừa dối mà cô là biểu trưng, chính cô phải trả cái giá đắt của câu chuyện, và chính cô là người vứt bỏ nước Mỹ.
Trong câu chuyện ấy, nơi James tìm lại được, trong một luồng ánh sáng của sự tạo ra thế giới, bầu không khí ruộng đồng của vùng New England, thế nhưng, hẳn sẽ là quá mức đơn giản nếu kết luận là có tương phản hoàn toàn giữa những người Mỹ trong trắng và những người châu Âu biến thái: do nhân vật Felix và nhân vật Gertrude - anh, kẻ nói dối ngây thơ và cô, kẻ nổi loạn tiềm tàng - những người bắc một cây cầu giữa hai châu lục; do sự mỉa mai đi kèm, ngay cả những khi nó chỉ êm dịu thôi, với miêu tả thế giới chật hẹp và kiểu mẫu của nhà Wentworth; nhất là do một sự độ lượng nhất định dành cho Eugenia, mà mối lo âu về các cung cách che giấu một lòng can đảm đúng nghĩa. Thậm chí còn hơn thế, để lộ nó ra. Trong cái cảnh đầy biến thái kết thúc cuốn tiểu thuyết, nơi Robert Acton khiến Eugenia cảm thấy rằng, trong số những đám cưới đang được chuẩn bị, không có chỗ cho đám cưới mà cô đã mơ đến, cô đã có thể khéo léo rút lui nhờ sự tuyệt hảo trong các cung cách của mình, đầy anh hùng mà thực hiện những cử chỉ cần phải có, nói những lời thích hợp. Cô sẽ không để cho bất kỳ ai có khả năng nói rằng cô bị làm nhục, hoặc thất bại. Mặc cho xung đột mà nó họa ra giữa luân lý và các cung cách, Những người châu Âu thông báo những gì mà các tiểu thuyết của James về sau sẽ minh họa: trực giác rằng người ta đánh mất nhiều thứ khi loại bỏ đi khỏi cuộc đời mình nghệ thuật của các cung cách; rằng chúng có thể không chỉ có tính cách bó hẹp mà còn là công cụ phục vụ cho phẩm giá.
Cảm giác chua chát mà thất bại và sự lưu đày của Eugenia để lại, thế nhưng, được sửa chữa một cách rộng rãi bởi bốn cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hôn nhân ở James liên tục là một điều thất vọng, còn cảm giác yêu đương, một ảo tưởng tàn nhẫn, tới nỗi độc giả đầy ngạc nhiên phải nhận thấy rằng ở đây dường chẳng có bóng đen đe dọa nào: cả cho đám cưới được chờ đợi sẵn - Lizzie và Clifford Wentworth - lẫn cho những đám cưới bất ngờ dẫu hợp chuẩn theo lối sâu sắc - Charlotte và con người của Nhà thờ, Robert Acton và một phụ nữ xa lạ quyến rũ - cũng như cho đám cưới kỳ cục - Felix và Gertrude. Đám cưới này, được gia đình Wentworth chấp nhận, như thể hứa hẹn sự hòa giải của Cựu Thế giới với Tân Thế giới: cặp vợ chồng trẻ đi lại giữa hai châu lục, mang về cho lục địa này không khí cùng các câu chuyện từ lục địa kia. Những người châu Âu là một trong những tiểu thuyết hiếm hoi của James nơi việc rời khỏi đất nước của mình không phải là rời bỏ người thân lâu dài; không phải là cả bỏ trốn lẫn phản bội.
Tất tật các chuông đồng loạt vang lên để khép lại Những người châu Âu biện hộ cho viễn kiến Mỹ về hôn nhân hạnh phúc. Chúng ca ngợi lòng chung thủy, sự ổn định của một thiết chế nơi tình yêu thì trong trắng còn tình dục, ý nhị. Chúng cũng ăn mừng cô thiếu nữ Mỹ. Nếu người ta đặt sang một bên hình tượng có chút thiếu điển hình của Gertrude, tất tật những thiếu nữ của cuốn tiểu thuyết đều trong trắng. Và, trái ngược với tập thể nhà Wentworth - ai trong số các thành viên của nó cũng cảm thấy, vào một khoảnh khắc nào đó, bị hai cousin từ Cựu Thế giới chinh phục - người duy nhất hoàn toàn kháng cự được lại sự quyến rũ là Lizzie, cô gái được hứa hẹn cho Clifford Wentworth, chính vì cô không nghĩ mình cần phải kháng cự. Cô là, trong mắt những người châu Âu, đặc biệt đối với Eugenia, thiếu nữ Mỹ đúng y khuôn mẫu: vừa dạn dĩ lại vừa trong trắng. Một minh họa cho cái mà Eugenia đã để ý thấy ngay từ những bước chân đầu tiên của cô tại Boston: trên các phố, một đám đông các thiếu nữ, lanh lẹ và quyến rũ. Nhưng trong con mắt thành thục của nữ nam tước, không có phụ nữ nào. Chỉ toàn là các cô bé gái, mà nước Mỹ dường là thiên đường và nhà máy sản xuất. Một nhận xét theo kiểu Tocqueville khác mà, trong những cuốn tiểu thuyết tiếp theo, James sẽ minh họa hết sức dồi dào.
Các tiểu thuyết vây quanh Những người châu Âu không có được kết cục sung sướng. Roderick Hudson, Madame de Mauves, Một người Mỹ đều kết thúc bằng bi kịch. James đã không hà tiện cả những vụ tự sát, lẫn các quyết định vào nhà tu kín, những thứ lúc nào cũng trình hiện một điều không sao chịu nổi cho một trí tưởng tượng Tin lành, rồi thì các cuộc đấu súng và cả các vụ giết người, cũng như, theo cách thức chung, những tương phản rất gắt, mà chính James sẽ than phiền trong các lời tựa của ông cho ấn bản New York. Trong tất tật những câu chuyện ấy, vốn dĩ sát kề với melodrama, những người Mỹ trong trắng bị rơi vào tình thế tồi tệ bởi các cuộc gặp định mệnh. Trường hợp của Roderick Hudson ít sức gợi tả nhất, vì chuyện chỉ là một phụ nữ, Christina Light gây đảo lộn, thêm nữa lại là người Mỹ, nhưng đúng là dính líu nhiều với châu Âu đến độ không còn Mỹ mấy nữa và kết cục bi thảm của Roderick về phần lớn là kết quả từ sự yếu ớt của chính anh. Nhưng ở hai cuốn tiểu thuyết còn lại, chính đám giẻ rách đích thực là những kẻ sát hại sự trong trắng Mỹ.
Euphemia, tức Mme de Mauves gây nhiều xúc động, tại một tu viện Pháp, nơi cô tự nuôi dưỡng mình bằng các tiểu thuyết rất thời thượng, đã có giấc mơ ngây thơ là lấy được một vị quý tộc, một "con trai của hiệp sĩ thập tự chinh"; chính là dựa trên lòng tin đinh ninh theo đó đất nước quê hương cô thuộc văn xuôi còn thơ thì ngụ ở châu Âu mà cô đùa nghịch với cuộc đời và hạnh phúc của mình. Vậy là cô bước vào một gia đình thuộc giới quý tộc, họ tự nhận mình là hiện thân cho tinh túy của văn minh, và nối mình vào với một người đàn ông mà bộ luật luân lý là bộ luật luân lý của một người chồng Pháp, mà ngoại tình chẳng hề gây phiền hà gì. Bản thân cô không có khả năng nhận lấy hạnh phúc được bày ra dưới hình dạng một thanh niên người Mỹ, cũng trong trắng, nhưng được cải in extremis sang ý về sống qua một tình yêu nằm bên ngoài các quy ước của New England. Sự cứng nhắc của Euphemia vừa ngăn cản cô chấp nhận người Mỹ ấy không cả sợ hãi lẫn trách cứ, lại vừa ngăn cản cô dàn hòa với người chồng tội lỗi của mình mà, sự cải đạo bất ngờ và không tuyệt đối đáng tin, sự từ chối đó làm cho phát điên vì tuyệt vọng và vì tình yêu, đến mức tự bắn một phát súng vào đầu. Euphemia tự chôn sống mình vào tu viện, nạn nhân của ảo tưởng rằng một xuất thân cao thì đảm bảo cho sự tinh tế của trái tim. Mối nghi kỵ di truyền, lúc bẩm sinh, khi lại được giành lấy một cách nặng nề, là một nét hằng số nơi những con người mà James đưa sang từ đất nước dân chủ của ông. Trong An International Episode, Bessie Alden bị hấp dẫn bởi Lord Lambeth, người đối với cô có sự lạ thường của một "nhà lập pháp di truyền"; nhưng cô đặt giả định rằng đặc quyền ấy hẳn phải được làm cho cân bằng và được biện minh bởi một tinh thần vượt trội và một tính cách lớn. Lord Lambeth, chàng thanh niên khá thô và hết sức theo quy ước, vào cuối truyện ngắn cho thấy anh không sở hữu cả cái này lẫn cái kia. Và Bessie tìm thấy lại, cùng nỗi ghê tởm bộc phát các vấn đề ngôi thứ và sự trịch thượng của Anh, bản năng của cô, "người sinh ra tại một đất nước tự do".
Trong Một người Mỹ, Christopher Newman là một phúng dụ còn trong suốt hơn về sự ngây thơ của Mỹ. Newman là con người mới, sản phẩm từ những công trình của anh chứ không phải từ ông cha của anh, thêm nữa lại còn là người miền Tây, từ một thế giới sơ khai mà đến. Giàu sụ, tài sản không nhận truyền lại mà giành được nhờ đổ năng lượng sống ra, anh làm lại theo chiều ngược câu chuyện của Christopher Colomb, phát hiện thế giới cũ. Tại châu Âu, anh cập bến với ý định lộ rõ, xem có gì là tốt nhất trên thị trường rồi mua lấy nó, kể cả, nếu cần, một người vợ (ở mọi điều, anh đều nói, đầy ngây thơ, bằng ngôn ngữ của tiền). Lúc anh tìm được người phụ nữ khả dĩ trở thành vợ mình, tại một thế giới quý tộc mà urbanité (người đứng đầu gia đình tên là Urbain) [urbanity] che giấu một sự hắc ám tội phạm, thảm họa sẽ được hoàn thành. Nhưng thất bại của Christopher Newman, vốn dĩ vào cuối cuốn tiểu thuyết nắm được các phương tiện để trả thù và từ chối sử dụng chúng, là một chiến thắng về luân lý, nó cho thấy rất rõ, chống lại huyễn tưởng về một sự cao quý nhân tạo, thực tại của một sự cao quý tự nhiên. Trong Travelling Companions, bức chân dung Mr. Evans, người ái quốc Mỹ, được xây dựng dựa trên cùng tương phản: "Không gu, không văn hóa cũng không các cung cách tốt đẹp, tuy vậy ông tạo ra một ấn tượng về sự chắc đặc trong tính cách, sự tinh xảo trong tri nhận, cường độ lớn trong ý chí, những cái đó, đầy hiệu quả, miễn cho ông khỏi mọi sự thô thiển." Và người kể chuyện có lời bình luận quyết định sau: "Tất tật những phẩm chất đó, cộng thêm sự không nao núng của ông khi ở trước những con người cũng như các vị thần, kết hợp với nhau theo những tỉ lệ mà kết quả hẳn có thể được coi, lối hết sức chính xác, là có tính cách quý tộc."
Câu chuyện của Mme de Mauves và câu chuyện của Christopher Newman diễn ra ở Pháp và hẳn sẽ không có tiểu thuyết nào nếu không có sự đối đầu giữa hai bộ luật đối nghịch với nhau mạnh mẽ. Những người Mỹ đã học được cách nghĩ tới các nghĩa vụ của họ trên mặt đất mạnh mẽ hơn so với nghĩ đến các khoái lạc của họ. Họ chẳng hề bận tâm với những cung cách của mình, không có ý thức về các quy ước. Đối lại, họ sống dễ dàng ở một thế giới mà họ chiếm lấy làm sở hữu theo lối cũng tự nhiên như Christopher Newman làm đối với không gian hẹp của một phòng bảo tàng, bằng cách duỗi cặp chân to lớn hỗn xược của mình. Ngược lại đối với những người Pháp, mà James khi ấy nhìn thông qua văn chương của Flaubert và Baudelaire, mà ông dành cho một niềm ngưỡng mộ nhuốm ngờ vực, khoái lạc là quan trọng trước nhất. Nhưng vốn dĩ lo âu nhiều hơn vô tận cho các quy ước, họ có khả năng cưỡng ép bản tính ưa hưởng lạc của mình vì chúng. Mme Clairin khó chịu, trong Madame de Mauves, tóm tắt cho Euphemia cứng nhắc thấy bộ luật Pháp về các phụ nữ bị lừa dối. Đang ở ngay giữa cơn đau đầu và nỗi sầu muộn, họ thoa son môi, vui vẻ đi ăn tối, từ chối để người ta thương xót mình. Bộ luật này và bộ luật kia có thể có những người bảo vệ cho chúng, nhưng sai lầm chính nằm ở chỗ cho rằng người ta có thể du nhập một trong hai sang đất lạ.
Thế là người ta hiểu được rõ hơn khác biệt về bầu không khí luân lý giữa câu chuyện thần tiên êm dịu của Những người châu Âu và các cơn ác mộng của những cuốn tiểu thuyết đi hộ tống nó. Nếu trong Những người châu Âu sự trong trắng Mỹ không bị xâm phạm bởi dối lừa hay sự băng hoại châu Âu, thì đấy là chuyện của thời gian, đấy là chuyện của không gian. Của thời gian, bởi vì James đã lùi Những người châu Âu về trong một làn sương mù cổ xưa. Của không gian, bởi vì những người nhà Wentworth chẳng mấy rời khỏi mảnh đất được ban phúc tại New England, và nếu họ làm vậy, như ở trường hợp Gertrude và Felix, thì ấy là nhằm quay trở lại đó tốt đẹp hơn và chia sẻ với những người ở lại những ngây ngất của họ. Người ta có thể đi xa mà vẫn trung thành: nốt duy nhất trong các tiểu thuyết của James, bởi ngay cả trong tác phẩm thời trẻ, không có, đối với kẻ nào vì thiếu thận trọng mà đi khỏi đất nước, sự quay về (Roderick) hoặc, nếu có quay về thật, thì có những màu của từ bỏ hay của thất bại (Longmore, Christopher). Sự chứng minh không xót thương nơi James thứ nhất, còn hùng biện hơn nữa khi sự trong trắng Mỹ không bị đặt vào thế xấu bởi các tạo vật định mệnh và gớm ghiếc, mà bởi tiếng rì rầm thông thường của những lời nói xấu và sự vắng mất đi khá dễ đoán của sự tinh tế nơi các con người. Toàn bộ sức mạnh của James sẽ nằm ở chỗ chối từ melodrama trong Daisy Miller, câu chuyện đen tối thế nhưng lại không chứa đựng đám giẻ rách hắc ám, mà là các bà các mợ chẳng mấy thiện tâm.
Câu chuyện của Daisy khởi đầu tại Vevey, ở một khách sạn hạng sang, nơi Winterbourne, một người Mỹ đã Âu châu hóa mạnh mẽ, gặp một thiếu nữ Mỹ, con người tuyệt diệu, hình tượng thơ ca trong mắt người tạo ra cô. Nhưng cô gái xinh đẹp thấy buồn chán: "Xã hội giao tế - thật chẳng thấy dấu vết nào của nó", cô thở dài, nêu nhận xét rằng đằng kia, bên Mỹ, và rất đúng theo tập tục, cô từng luôn luôn có quanh mình "rất nhiều quý ông bầu bạn", những người ấy, thật đáng buồn, bị thiếu mất tại châu Âu. Winterbourne gặp lại cô sau đó không lâu ở Rome, sung sướng vì kể từ nay được hộ tống bởi một người đàn ông Ý nhiều lợi thế, Giovanelli, tức là một monsieur gắn chặt vào với con người cô, nhưng hoàn toàn xa lạ với những gì mà xã hội cao cấp của Rome coi là một "Monsieur". Daisy không nhận ra rằng cô, nơi các phòng khách mà những người Mỹ đã Âu châu hóa hay lui tới, là đối tượng cho những lời ngồi lê đôi mách tàn nhẫn. Về phần Winterbourne, bị cô thu hút - và cô bị anh thu hút - anh không sao mà, dẫu rất bị biến thái bởi các phong hóa châu Âu, và hết sức lo âu về dư luận, có nổi đánh giá của mình: các trò tai quái của Daisy, hay những gì bị coi là vậy, có thể nghĩ là do giáo dục Mỹ, hay do sự biến thái của cô thiếu nữ? Khi anh gặp cô, lúc nửa đêm, trong ánh trăng, đang thăm Coliseum cùng Giovanelli, anh tưởng đâu mình đã quyết được: cô thiếu nữ vô luân. Anh nhìn và kết luận một cách xiên xẹo, giống tất tật những nhân vật khác của cuốn tiểu thuyết, trừ - cái nháy mắt đầy mỉa mai của James - tay người Ý điển trai bị cho là băng hoại. Do đó anh vứt bỏ Daisy, cô cảm thấy sự vứt bỏ ấy hết sức nặng nề, và không có gì quái dị khi bảo rằng cô chết vì thế, dẫu chính thức mà nói thì cô chết vì bệnh sốt La Mã [sốt rét]. Nhưng chứng bệnh đó, xét cho cùng, về mặt biểu tượng là căn bệnh của Cựu Thế giới.
Daisy là ai? James chỉ bày cô ra thông qua ánh mắt người khác: cảnh tượng đánh đố xinh đẹp đối với những người có các ý định tốt đẹp nhất, gây xì căng đan đối với những người khác. Chân dung xiên chéo ấy đối với phê bình từng là một chủ đề cho rối trí. Trình hiện cô thiếu nữ Mỹ đúng mẫu gốc như là một kẻ chuyên tà lưa không óc, bị hút chặt vào chính mình, là điều không thể chịu đựng được đối với những độc giả đầu tiên của cuốn tiểu thuyết, về cốt yếu là người Mỹ: vậy thì tức là đánh giá Daisy dựa trên các định kiến của những kẻ thù chuyên nói xấu cô, Mme Costello và Mme Walker, các hình tượng thế tục lố bịch, lại càng gắn chặt vào những quy chuẩn châu Âu hơn vì một cách mù mờ họ e sợ về chuyện đã không tuyệt đối nuốt được chúng. Ở chiều đối nghịch, các nhà phê bình gần đây hơn đôi khi biến Daisy thành một người nổi loạn đầy quyết tâm, chiến đấu chống lại các quy ước nhân danh các quyền cá nhân, một nữ anh hùng Tin lành bị lạc bước vào một thế giới Công giáo. Lần này thì lại quá ít biết về những giới hạn - sự nhẹ dạ, sự phù phiếm - mà James trao cho nhân vật nữ chính của mình và chất một gánh nặng quá lớn lên cặp vai mảnh dẻ của Daisy.
Nơi con người của Winterbourne, James đưa vào bản án về sự khô kiệt của các cung cách. Người ta thường gặp ở tác phẩm của ông những người anh em sinh đôi của Winterbourne, lo âu trước hết cho danh tiếng thượng lưu của mình và điên cuồng vì trách nhiệm, họ, trước khi yêu say đắm một phụ nữ, đòi phải có một tờ giấy chứng nhận sự trong trắng; một trong số họ đã xuất hiện trong Những người châu Âu dưới các đường nét của Robert Acton. Ở Winterbourne, nỗi lo âu về các cung cách còn cứng lại thêm nữa bởi sự thể anh thuộc về xã hội cấp cao của Genève: nhân vật mang tên tuổi đẹp đẽ đó, theo đúng nghĩa đen sinh ra vào mùa đông, hết sức đáng nói, thích thành phố nhỏ theo Calvin hơn mẫu quốc Công giáo. Nỗi ám ảnh của những quy ước ngăn cản anh nhìn thấy và cảm thấy, tắt đi ở anh mọi trực giác. Trong nghĩa này, Daisy Miller là một câu chuyện nhiều tính cách triết học, nó cho thấy bằng cách nào thói thế tục xã hội mang điều tồi tệ nhất đến cho các con người, mà bài học hết sức sáng rõ: các cung cách, mà mục đích vốn là làm cuộc sống trở nên êm dịu hơn, đôi khi có thể biến nó trở nên tàn nhẫn hơn nhiều.
Và Daisy, rốt cuộc thì sao? Điều đã gây sốc cho các độc giả đầu tiên của cuốn tiểu thuyết, ấy là, khác với Hawthorne vốn coi sự dạn dĩ gắn liền với cái xấu, James kết hợp nơi nhân vật nữ chính của mình sự dạn dĩ với sự trong trắng. Điều làm nên cùng một lúc sự táo bạo và sự ngây thơ của Daisy là việc cô hoàn toàn không dính dáng gì tới di sản, tới quá khứ, tới các tập quán của thế giới châu Âu, việc cô không nắm bắt được những khoảng chia xã hội, chúng bắt mỗi người phải chọn lấy những ai mà ở cùng, hay không ở cùng cho thích hợp. Cô hành động như thể cô là người phụ nữ đầu tiên trên đời, một cô em gái nhỏ của Christopher Newman trong Một người Mỹ. Đó không phải cả thách thức lẫn khiêu khích, bởi Daisy không phải là một người nổi loạn và các quy tắc xã hội không khiến cô bị sốc. Cô chỉ lờ tịt chúng đi. Cô là đứa trẻ xuất thân từ một xã hội không tôn ti mà cũng không có các khác biệt, gần như một người con gái của tự nhiên, và không ai nói điều đó hay hơn so với Mme Costello, một trong những kẻ thù của cô trong cuốn tiểu thuyết: "Cô ta cứ lang thang vô độ ngày này qua ngày khác, giờ này qua giờ khác, cứ như đang ở Golden Age không bằng."
Sự trong trắng của cô, từng bị các nhà phê bình tranh cãi rất nhiều, dẫu thế nào thì đối với James cũng không gây chút nghi ngờ nào. Càng xác nhận nó thêm, là cái ý mà Daisy có về hôn nhân. Theo cách thức Mỹ, hết sức khác với bộ luật châu Âu, cô cho rằng flirt, trò giải trí không hệ quả trước hôn nhân, hoàn toàn không còn như vậy nữa ở bên trong hôn nhân; cái đó, theo cô, nhất thiết phải đức hạnh; cô phản đối ý quen thuộc tại châu Âu, rằng trò chơi tình cảm lắt léo chỉ hợp với những phụ nữ đã có chồng. Trung tâm sự trong trắng của Daisy, ấy là sự vô tri, tức là một sự trong trắng thuộc loại ở bên trong, một phần bắt nguồn từ giáo dục đã được trao cho cô, hay nói đúng hơn, đã bị từ chối cho cô, bởi bà mẹ thảm thê của cô và, phần khác, từ việc cô thuộc về quốc gia Mỹ: cô không biết, và thêm nữa lại không muốn biết, rằng các con người được định nghĩa bởi cái vỏ xã hội của họ. Một cách bộc phát, cô thấy thù địch với ý về hoàn cảnh và về môi trường, và vì thế lại càng xấc xược hơn. Sự không dính líu đầy cả quyết ấy đối với các cung cách cùng nơi chốn trên thực tế biến cô thành một nạn nhân bị chỉ định: không chỉ cho sự biến thái châu Âu, mà cả cho tinh thần dân chủ Mỹ.
James sẽ đi xa hơn nhiều trong miêu tả cô thiếu nữ Mỹ của ông. Isabel của cuốn tiểu thuyết tuyệt vời Vẽ một phụ nữ là một Daisy mới, tự nhiên, tự tin, cũng có chút xấc xược. Cho thấy điều đó là cuộc gặp đầu tiên của cô - nó sẽ quy định toàn bộ đoạn sau của cuốn tiểu thuyết - với một bà bác xa lạ bỗng lù lù xuất hiện vào một buổi chiều mưa dầm dề tại phòng để sách của ngôi nhà Albany. Isabel - người ta cảm thấy những cuốn sách đối với cô từng là nguồn cho một tuổi niên thiếu rất cô độc - đang giết thời gian bằng cách đọc một quyển lịch sử Anh. "A, Isabel ngờ ngợ, thế ra bác là bác Lydia điên?" Bà tiên-mẹ nuôi ấy, khá khó nhằn, người đã cãi cọ với bố mẹ quá cố của Isabel vì những lý do khó biết, và thế nhưng lại là người mang các lời hứa chói ngời: giật cô thiếu nữ khỏi Albany, chắc hẳn nhằm biến cô thành một dạng nữ nhân tùy tùng, nhưng cũng làm cho cô được nhìn thấy Anh, Paris, Ý, tức là thế giới.
Ở Isabel, ham muốn làm người khác thích cũng có cùng cường độ cao như ở Daisy, cũng như nhu cầu được độc lập, và cái từ được nâng niu là "tự do". Sự kém hiểu biết của cô về các cung cách cũng biến cô thành một cousin của Daisy, như hai xen của cuốn tiểu thuyết sớm cho thấy. Xen thứ nhất rất quyến rũ: Isabel muốn kéo dài buổi tối tuyệt diệu mà cô đang trải qua ở nhà ông bác của cô tại Gardencourt với hai chàng thanh niên mà một trong hai là cousin của cô; và bị bà bác nhắc nhở về trật tự, tuy rằng bà cũng là người Mỹ, nhưng đã sống bên châu Âu lâu đến nỗi chọn lấy những cung cách của nó và hoàn toàn nhập thân vào quy tắc theo đó các thiếu nữ không thể qua buổi tối với đám thanh niên, dẫu họ là bà con. Isabel, vâng lời các hình thức, nhưng không kém phần suy nghĩ về chúng, bèn về lại phòng mình. Trong xen thứ hai đã ngân lên một âm điệu đáng lo ngại. Mme Merle, người phụ nữ hoàn hảo mà Isabel đã làm quen ở Gardencourt - sau bà bác Lydia, đối với Isabel đây là hình tượng định mệnh thứ hai - giải thích cho cô thiếu nữ, với một hỗn hợp của cảm năng luận và thực tại luận, rằng người nào cũng được định nghĩa bởi vỏ bọc xã hội của mình và bị đóng đinh vào đó; rằng đồ đạc, trang phục, nhà cửa, đồ trang sức cùng bầu đoàn vây quanh chứng nghiệm cho cá nhân. Isabel phản đối. Giống Daisy, giống Christopher, cô muốn là một cá nhân độc lập, không bị vướng bận, bước đi trong cuộc đời bằng một bước chân mới, đôi khi trực ngôn và có những cử chỉ thắng thắn tới độ có vẻ hung hăng, chắc chắn theo lối hỗn xược là mình không tùy thuộc vào các vẻ bề ngoài.
Như vậy, cả cô cũng là một nạn nhân được chỉ định, và người ta có thể, để kể lại câu chuyện buồn của cô, làm theo Leon Edel mà mượn lấy giọng của câu chuyện: [bỏ một đoạn - do spoiler quá mức] [Leon Edel là học giả quan trọng về Henry James].
Isabel, thế nhưng, phức tạp vô tận hơn so với các phụ nữ từng đi trước cô trong tác phẩm của James. Thoạt tiên được vẽ từ bên ngoài, giống Daisy, thông qua ánh mắt của người khác, dần dà cô trở nên có ý thức về bản thân mạnh đến mức cuộc độc thoại nội tâm dài của cô, ở cuối cuốn tiểu thuyết, cuộc độc thoại gợi nhớ độc thoại của Dorothea trong Middlemarch, là một trong những xen sắc nhói và đẹp nhất của văn chương. Hơn nhiều so với Daisy, vốn bị mù với những gì vây quanh mình, cô quan tâm tới những người khác, và sự hào phóng của cô bùng nổ khi cô tỏ ra mình có khả năng thực hiện một chuyển động của thương hại về phía người đàn bà đã lừa cô một cách hết sức xấu xa. Còn hơn nhiều so với Daisy, và thêm nữa có học vấn cao hơn nhiều, cô rất ham hiểu biết. Lúc bà bác Lydia của cô cắt ngang buổi tối dễ chịu cô đang trải qua với hai thanh niên, vốn dĩ là bình thường ở Mỹ, không hợp quy chuẩn ở Anh, cô tuyên bố, đầy ngoan ngoãn, rằng mình thích biết các tập tục. Nhưng vì bà bác đa nghi ấy, bị báo động bởi sự bất kham của cô, gợi ý rằng hẳn vậy thì nhằm không làm theo chúng, ngay tức thì cô chữa lại: Không, "để lựa chọn". Tự mình lựa chọn, đòi hỏi sự tự trị đó là một nét quốc gia - người ta cũng thấy cái đó nơi Newman - nhưng nó nhận được nơi Isabel sự thú nhận cho một khí chất. Về nó sự mỉa mai của James hoạt tác trong bóng tối, bởi vì độc giả sẽ sớm thấy rằng chính người khác mới chọn cho cô.
Sự tò mò hăm hở của Isabel, tuy vậy, có các giới hạn. Cô bước qua rào chắn của cuốn tiểu thuyết như một con người tươi trẻ với đó "vũ trụ bằng với cơn háu đói to lớn của mình". Cô muốn khám phá cả thế giới và tìm được ở đó hạnh phúc cho mình. Bằng cách ấy mà được giải thích sự từ chối hai người cầu hôn đầu tiên; cô e ngại ở họ những giới hạn mà hẳn họ sẽ đặt ra chống lại sự mở rộng của cô: hẳn họ sẽ khép lại các con đường hẵng còn đang mở của cuộc đời. Chính Ralph, cousin yêu, hào hiệp và không màng lợi ích do bệnh tật, thấy nơi cô một nhân vật có cánh, mà tiền sẽ có thể cung cấp nhiều chuyển động hơn nữa. Nhưng Isabel con người tự do, vốn cho là mình được bảo vệ khỏi sự biết cái ác, không mong muốn biết tất tật: Eva mới đó không muốn nếm thứ quả toàn vẹn của hiểu biết. Ngay khi ngờ tới một bí mật khả nghi, cô thích gạt nó đi hơn: cô có, James nói, một niềm kinh tởm bản năng đối với các góc tối, từ chối nâng những tấm rèm lên. Hỗn hợp ấy, ở cô, của xung động không được kiểm soát và sự tự bó hẹp mình dẫn cô đến chỗ bị lừa còn nặng nề hơn cả Daisy: không chỉ về các phong hóa mà còn cả về những con người. Cô nhầm về Mme Merle, thứ dụng cụ ác hiểm của số phận cô, ở đó trước hết cô thấy một món đồ sứ hoàn hảo, mà không dự cảm được - điều mà Ralph làm được chẳng khó nhọc gì - vết rạn rất nhỏ làm hỏng đi thứ đồ vật vẻ như rất hoàn chỉnh. Cô nhầm về Ralph, mà cô thất bại trong việc nghe những lời khuyên hợp trí năng. Cũng như cô bị điếc trước các dự cảm u buồn của cô bạn Henrietta.
Rốt cuộc, và đây là điều nghiêm trọng hơn cả đối với phần số của cô, cô nhầm về Osmond, người đàn ông mà cô lấy làm chồng vì một tập hợp phức tạp các lý do. Chắc hẳn anh gây lên cô một sự hấp dẫn đầy tính toán: cô nhường bước trước hình ảnh pittoresque và được dàn dựng của con người cô độc và tinh xảo đó, người đi dạo cùng đứa con gái nhỏ xinh tuyệt của mình trên một hàng hiên Florence; nhưng cô cũng nhường bước trước hình ảnh đầy lợi thế mà cô tự có về chính mình: lấy một người đàn ông nghèo, cô trút đi được tài sản mà cô đã được thừa kế - theo lối không xứng trong cái nhìn nhiều đắn đo của cô; cô cũng không thiếu sung sướng - toàn bộ sự quyến rũ của cô còn được thêm vào chút tự phụ - khi có một lựa chọn trái ngược với sự chờ đợi của xã hội tới vậy. Cô đã từ chối Lord người Anh mà mọi thứ - vẻ đẹp, sự tốt bụng, tài sản - đều dường chỉ định như là người khá nhất trong số tất tật, và cô nối mình vào với một người đàn ông không phẩm chất, mà chính sự thiếu hụt quyến rũ cô, mà cô miêu tả bằng các nét chỉ toàn là âm tính lúc cô phải biện minh cho lựa chọn của mình với người đàn ông Mỹ yêu cô: "Anh ấy không làm nghề gì. Anh ấy không giàu có - không có thành tựu gì nổi trội." Cô càng nhấn mạnh thêm với cousin của mình: "không tài sản, không chức tước, không địa vị, không nhà cửa, không đất đai, không danh tiếng, cũng không có bất kỳ họ hàng tai to mặt lớn nào". Hẳn cô còn có thể nói thêm: rất ít tồn tại vật thể. Bởi sự thiếu vắng đường nét đực tính ở Osmond - ở điểm này anh là phản đề với Goodwood đầy nam tính, người đàn ông Boston yêu cô - chắc hẳn trấn an cô theo lối tối tăm.
Nhầm lẫn của Isabel lại càng nặng nề hơn vì Osmond đã không chơi trò mưu mẹo với cô lúc tự giới thiệu mình: "Không, tôi không theo lệ thường: chính tôi đặt ra lệ." Ở đây James đang thực thi sự mỉa mai của mình. Bằng cách có lựa chọn vẻ ngoài rất không hợp chuẩn, cô thiếu nữ chọn lệ thường được hiện thân: người đàn ông ở đó mọi điều - văn hóa, trí năng, sự nhã nhặn - là tạo dáng và tính toán; thêm nữa lại chẳng hề có chút tài năng sáng tạo nào và bận tay, trong xen cuối nơi anh hé lộ sự khô cạn tâm hồn hoàn toàn của mình, với việc sao chép với một sự tỉ mỉ khô cằn một tấm mề đay cổ. Nối cuộc đời mình vào với cái con người cằn cỗi đó, tạo vật có cánh đã tự mình chui vào lồng. Tại cung điện Rome ngoạn mục và u ám nơi cô sống với Osmond, vai trò của cô là trình hiện xã hội thuần túy. Và bản thân sự rực rỡ của trình hiện ấy - Isabel đã trở nên một bà chủ nhà hoàn hảo, những bữa tối của cô được cả Rome tìm kiếm - chỉ càng làm nổi rõ hơn sự khô kiệt của cuộc đời cô, mà biểu trưng đáng buồn là đứa con mà cô có với Osmond bị chết khi còn rất nhỏ. Isabel khốn khổ, chỉ còn trình hiện chồng mình, không còn có thể biểu hiện gì của chính cô nữa.
Trong hình ảnh gây ai oán này, người ta không còn tìm lại được gì nhiều, dường như vậy, từ tự do của cô thiếu nữ Mỹ, hỗn hợp của sự dạn dĩ và sự trong trắng. Các tiểu thuyết trước đó, bằng cách đặt vào tu viện hoặc làm chết đi những thiếu nữ Mỹ bị tổn thương bởi sự băng hoại châu Âu, theo nghĩa nào đó còn lưu giữ hình ảnh nguyên vẹn của họ. Vẽ một phụ nữ là cuốn tiểu thuyết - đấy là dấu hiệu cho thấy tiểu thuyết gia lớn, chúng ta hãy chỉ nghĩ đến Natacha của Chiến tranh và Hòa bình - nơi James cho nhân vật nữ chính của mình già đi và tách nàng ra khỏi thế giới sơ khai mà nàng từng thuộc về. Nhưng để nhắc lại các nét nguyên ủy của cái đó, ông nhờ tới hai nhân vật phụ, mà sự đơn giản thô kệch vừa dùng làm vật khiến Isabel nổi bật lại vừa gợi nhắc nguồn gốc của cô.
Quả thật trong cuốn tiểu thuyết có một người đàn ông dân chủ, Goodwood, một phụ nữ dân chủ, Henrietta, cả hai đều không bị nhiễm những quyến rũ văn hóa của châu Âu.
Goodwood là người yêu bản địa, một Newman khác, có tính cách biểu trưng cho nước Mỹ. Là con người tự tạo thành chính mình, anh minh họa cho lòng tin - hay ảo tưởng? - Mỹ về sự tạo ra chính mình bởi chính mình. Ở nơi Warburton, Lord người Anh, có được các phẩm chất của mình từ truyền thống và từ một văn hóa rất cổ xưa, Goodwood chỉ có được chúng nhờ sức sống của anh. Thành công trong làm ăn, sự giàu có được trương ra, miễn nhiễm trước những nhu cầu về tinh thần, sức mạnh nam tính và từ tính tình dục (một trong các lý do khiến anh gây ra nơi Isabel một lui bước theo bản năng, trộn lẫn với sự thu hút u tối đến nỗi cô không thể gặp Goodwood mà không cảm thấy hoảng sợ), cảm giác theo đó không có trở ngại nào mà ý chí không thể hất tung đi, sự nhập nhằng đầy giáo điều giữa các hình thức và các vật: có toàn bộ những cái đó nơi Goodwood, nhân vật nhiều gây hấn và vuông vức. Cái con người "đầy mình là thép" ấy châm lên tâm trạng châm biếm của James, nó ẩn náu trong một thoáng đằng sau sự tinh xảo quỷ quái của Osmond nhằm mượn lấy từ anh định nghĩa cho Goodwood như chính là sự hiện thân của dân chủ Mỹ lớn lao: "Con người hiện đại nhất mà chúng tôi từng biết", Osmond nói, anh không khỏi nhấn mạnh rằng công lao lớn nhất của Goodwood là đã thoát được - nhờ phép mầu mới lớn làm sao, anh tránh nói điều này - khỏi sự thô thiển đổ tràn vào thế giới kể từ thế kỷ 18, chẳng phải không gợi ý, cùng lúc, với những ngoặc kép đầy biến thái, rằng các mối bận tâm của Goodwood, "có bản tính thương mại", anh nghĩ mình biết vậy, là thô thiển một cách không thể cứu chữa.
Một hiện thân khác của dân chủ và còn đáng lưu tâm hơn bởi vì ấy là một phụ nữ, Henrietta, người bạn lâu năm nhất của Isabel. Nữ ký giả trẻ tuổi, tự do về mặt nghề nghiệp, Henrietta đi sang châu Âu với những cảm giác rất gần với các cảm giác của Isabel. Cô muốn nhìn thấy mọi thứ, gặt lấy những ấn tượng, truyền chúng đi. Cô ra sức giữ vào mọi dịp sự ngờ vực đầy cảnh giác của mình trước đặc quyền, thực thi quyền tự nhiên của mình và giữ đôi mắt mở to đối với mọi điều. Quả thật chúng mở to, đến nỗi mà, James nói, chúng gợi ra những bến tàu hỏa được chiếu đèn sáng dữ dội. Vậy thì đã là gợi ý rằng cô gái của thế giới công nghiệp đó sẽ nhìn thấy nhiều điều trên bề mặt nhưng sẽ không nắm được điều gì nơi chiều sâu, hẹp hòi theo lối chung quyết do các phóng chiếu vào cuộc sống châu Âu mà cô đã muốn tự phòng ngừa từ trước, quyết tâm của cô trong việc được chứng kiến ở mọi nơi sự vượt trội Mỹ và đánh giá Rome dựa trên tiêu chuẩn New York. Giống Goodwood, mà cô là cái bóng nữ, cô là một nhân vật không quá khứ, một dạng Eva tương lai [cụm từ mà Villiers de l'Isle-Adam làm cho nổi tiếng]. Trong mắt những người châu Âu, Henrietta hoặc là một con quái vật, hoặc là một câu đố. Thậm chí tới mức lừa được cả Ralph, nhân vật thế nhưng lại là người thấu suốt hơn cả trong cuốn tiểu thuyết, người, dựa vào ngôn ngữ thẳng thừng của Henrietta, trong thoáng chốc đã tưởng đâu cô đang mồi chài yêu đương mình. Một xen tuyệt diệu của cuốn tiểu thuyết giữa Ralph và Isabel - đang bảo vệ cô bạn của mình - minh họa cho sự không hiểu này. Hẳn Ralph nhận ra nhầm lẫn của mình, nhưng vẫn tiếp tục cảm thấy bị tổn thương bởi Henrietta, và cái mà anh gọi là cái cách "đi vào mà không gõ cửa" của cô, tức là sự thiếu vắng cung cách nơi cô. Isabel thừa nhận là có chút thô thiển ở Henrietta, nhưng biện hộ cho những gì là "people" ở cô như một sự tỏa ra của tình cảm quốc gia, của nền dân chủ lớn. Bị cuốn đi bởi sự biện hộ ấy, cô bảo với Ralph rằng lúc nào cô cũng nghĩ mình trông thấy đằng sau cô bạn của mình "đất nước vĩ đại trải rộng những dòng sông, những bình nguyên - bừng nở, tươi tắn, vươn xa đến tận Thái Bình Dương xanh tươi" và cảm thấy về cô "hương vị Tương Lai". Ralph cứ việc cố công thực thi sự hài hước của mình lên thứ thơ ca ái quốc kia. Anh chỉ càng không hiểu được rằng Henrietta là đứa con của một xã hội không phân chia khác biệt và đồng chất, nơi tất tật các cá nhân đều là những bộ phận đơn giản và bình đẳng với nhau. Henrietta cũng có, đây là điều cứu cô, một mục đích riêng của mình trong cuộc đời, và không hề cần đi tìm thiên thướng tại đâu khác ngoài ở chính cô. Đấy là điều mà Isabel ngưỡng mộ nơi cô, và sẽ thấy hơi thất vọng lúc Henrietta tự do, vốn dĩ rất ít hợp chuẩn, rốt cuộc, vào cuối cuốn tiểu thuyết, lại chọn lấy quy chuẩn của hôn nhân.
Theo lối hết sức mỉa mai, là sự gắn kết dai dẳng của Isabel vào các giá trị Mỹ, thứ sẽ mang đến một vòng khóa nữa cho phần số của cô. Lòng tin của Isabel vào sự thiêng liêng của hôn nhân, đã bị lay chuyển rất nhiều bởi cuộc sống thường nhật với một người chật hẹp và đầy mưu mẹo, bị rơi vào tình thế xấu xa một cách chung quyết bởi sự hé lộ rằng [bỏ một đoạn - do spoiler quá mức]. Mặc cho những sự khai trí đó, Isabel, người tuy thế không phải là con gái của những người Thanh giáo, đã giữ lại đủ sự Thanh giáo để thờ kính các lời thệ. Và lời thệ của hôn nhân tiếp tục thực thi lên cô một sự khủng bố thiêng, mà Osmond biết cách chơi nghịch ở tư cách nghệ sĩ thuần thành. Trong những trang cuối của cuốn tiểu thuyết, người đàn ông Mỹ yêu cô dùng tới lá bài cuối cùng của mình về định nghĩa hôn nhân của chính cô: anh tìm cách thuyết phục Isabel rằng mối quan hệ trước nhất giữa những con người là khế ước, dựa theo thể thức của khế ước kinh tế, nó chỉ có hiệu lực khi hai bên có phần của mình ở đó. Trở nên vô hiệu do sự phản bội của Osmond trong trường hợp của Isabel. Như vậy hẳn cô sẽ có thể, hết sức hợp thức, thoát khỏi đó và bắt đầu lại với anh, con người mới, một cuộc đời mới. Thế nhưng cô quay về Rome, căn nhà tối tăm, người chồng u tối. Vì một tổng thể hết sức phức tạp các lý do, thứ từng làm chảy không biết bao nhiêu mực phê bình, mà sự phê bình quan trọng nhất là trong mắt cô bản khế ước siêu vượt những người ký khế ước. Do đó ý về tự gỡ bỏ bằng cách từ chối tiền, vốn dĩ lướt qua cô trong thoáng chốc, không thể nào có được hình hài. Và Goodwood, mà lời lẽ có vẻ hợp lý, trên thực tế đang biện hộ cho cái mà James không ngừng lên án trong tác phẩm của ông (về sau này, trong Julia Bride): khả năng về phá bỏ, khi sự việc chiều theo ý ta, các thỏa thuận thiêng liêng hơn cả. Isabel, ở đây là người diễn giải của James, biết rằng hôn nhân của cô từng là một quyết định tự do - tự do mà cô đã thực thi bằng cách có một lựa chọn tệ hại - nhưng, đã có lựa chọn ấy rồi, thì nó bắt buộc cô theo lối tuyệt đối. Với việc quay trở lại bên Osmond, chính sự coi trọng bản thân là điều mà cô muốn lưu giữ. Điều sẽ ghim chặt cô lại nơi đất châu Âu, hết sức nghịch lý, lại chính là lòng trung thành của cô dành cho các giá trị Mỹ: hết sức đáng nói, việc cô so sánh lời thệ của hôn nhân với hình chữ thập trên một lá quốc kỳ.
Những đứa con của các khoảng không gian trinh nguyên rộng lớn, đi vào một thế giới bão hòa lịch sử; ngây thơ trong một xã hội kiêu kỳ; những người thừa kế của ý thức Tin lành trong một thế giới Công giáo vừa đánh đố lại vừa đáng lo ngại một cách mơ hồ; những đứa con trai và con gái của các tác phẩm của chính họ chứ không phải của bố mẹ họ; lạc quan theo lối không thể chữa nổi, chắc chắn rằng người ta luôn luôn có thể đứng lên được trở lại sau một đảo lộn của vận mệnh; được nuôi dưỡng bằng thứ văn hóa sơ lược của các tờ báo; được đặt vào những viện bảo tàng châu Âu mà ngây thơ tìm kiếm xem các bức tranh kể chuyện gì: những người Mỹ đúng mẫu gốc của James mài sắc tinh thần mỉa mai của ông. Nhưng đó không phải thuần là các nhân vật thô lậu và chật hẹp. Chắc hẳn Goodwood, người đi tìm, trong suốt cuốn tiểu thuyết, cách hình dung xem Isabel đã lấy chồng có hạnh phúc hay không, bày ra một sự thiếu vắng đầy thống thiết của sự xuyên thấu. Nhưng Henrietta, với toàn bộ sự khờ khạo hời hợt và sự cấp tiến huỳnh huỵch của mình, có khả năng đánh giá thẳng thắn. Định nghĩa của cô về các phụ nữ có chồng ở Mỹ - "Họ là bạn đồng hành của những người tự do" - là một định nghĩa đẹp, thêm nữa lại được Isabel chào đón. Tuy thiếu mất sự tinh xảo, cô lại có trí năng của trái tim, thứ làm cho cô xâm nhập được sự khô cằn của Osmond. Trong khi sự thực dụng quốc gia của cô giúp cô hiểu đến mức nào Isabel đã cưới lấy huyễn tưởng.
Hết sức đối xứng, trong khi kể trong tập hợp những cuốn tiểu thuyết đầu tiên này cuộc phiêu lưu châu Âu của những người Mỹ của ông và cách thức theo đó họ bị bíp rất tàn nhẫn bởi các đại diện đa dạng của Cựu Thế giới, James đã không hề có trong óc một câu chuyện chỉ gồm hai màu trắng đen. Các Huron trẻ tuổi của ông bị đe dọa không chỉ bởi sự gặp với những nhân vật bất lương và không sao dò thấy mà còn bởi chính họ. Điều này đúng ở Roderick, vốn dĩ ít bị thua cuộc bởi vẻ đẹp định mệnh của Christina hơn so với bởi sự yếu riêng ở anh; cũng đúng với Mme de Mauves, nạn nhân cho các mơ mẩn nơi tu viện của mình, nhưng chính cô lại tạo ra những nạn nhân do sự cứng nhắc của cô và do sự thiếu khả năng tiến hóa. Và, tất nhiên, với Isabel, thủ phạm, còn hơn mức của Daisy, do quá chiều chuộng bản thân, mà thêm nữa sự lạnh lẽo về tình dục thúc đẩy sự tiêu đời. Ở đây có thể đọc được một trong những nét thường hằng hơn cả trong tác phẩm của James. Một nhân vật có đen tối thì anh ta cũng không bao giờ đen tới mức người ta không đoán được nơi anh ta những gì mà lẽ ra anh ta đã có thể trở thành. Chính Mme Merle là một Isabel bị cuộc đời làm cho bầm giập; Osmond gớm ghê từng gần như cũng bị Isabel lừa - về cái đó anh đã chỉ tri nhận được một phần - ngang mức với cô bị anh lừa. Và, mặt khác, không có nhân vật dương tính nào không có vết nứt của mình: Ralph, chắc hẳn là nhân vật gây nhiều cảm động nhất trong toàn bộ gallery của James, xét cho cùng cũng đã tìm cách, với những ý đồ tốt đẹp nhất trên đời, có trọng lượng lên số phận của Isabel bằng cách cho cô tiền, cái sẽ làm cô cất cánh, nhưng rồi lại đổ chì lên cặp cánh của cô, một cách chung quyết.
Còn lại một điều, trong những tiểu thuyết và truyện ngắn của thời kỳ đầu tiên, cảm tình của James, không hề suy suyển, được dành cho các anh hùng người Mỹ của ông. Nghệ thuật của những người châu Âu dẫu có được luân lý hóa bởi sự huyênh hoang của các cung cách (đó là trường hợp của Eugenia, đó cũng là trường hợp của Mme Merle), thì nó cũng vẫn quá kề cận với sự nhân tạo thành thử không thể trung thực được. James đã luôn luôn có sẵn trong tâm trí miêu tả của Tocqueville. Điểm duy nhất, chắc hẳn, nơi ông tách ra khỏi đó là vai trò của những bà mẹ: các bà mẹ vắng mặt, hay chết, như trong Những người châu Âu hay Vẽ một phụ nữ; các bà mẹ thiển cận như bà mẹ của Roderick Hudson; các bà mẹ ngu độn như bà mẹ trong Daisy Miller, hoặc khô khốc như Mme Touchett trong Vẽ một phụ nữ; các bà mẹ chỉ làm mỗi một việc là trả tiền cho sự giáo dục những đứa con gái của mình, mà họ giao cho tu viện; các bà mẹ biến thái đúng nghĩa như mẹ của Christina Light trong Roderick Hudson; các bà mẹ lắm đòi hỏi, đầy kiên trì, những người bừng nở mặc cho các ông chồng của họ; các bà mẹ có khả năng bỏ rơi con gái của họ như Mme Merle: bà mẹ bất lương là, và sẽ là, một điểm nhạy cảm trong toàn bộ tác phẩm của James.
Nhưng, về cốt yếu, viễn tượng của ông vẫn sẽ trung thành với miêu tả của Tocqueville về một thế giới có luân lý một cách sâu sắc. Nếu người ta chấp nhận rằng so sánh Mỹ với châu Âu ở ông ít là so sánh hai xã hội so với hai ý thức luân lý, nước Mỹ là mảnh đất nơi sự dạn dĩ của tông giọng và sự lơ là các hình thức ở vẻ ngoài kết liên minh với sự nghiêm ngắn đạo đức; nơi, như chuyện xảy ra trong Travelling Companions, một thiếu nữ có thể, sau khi bị lỡ chuyến tàu, qua đêm trong cùng khách sạn với một chàng niên mà không bị "mang tiếng"; nơi các hoàn cảnh không phải là thứ tạo ra những danh tiếng; nơi các cô thiếu nữ sẵn lòng từ bỏ đi tự do của họ trong xiềng xích của hôn nhân; nơi tính thánh của hôn nhân loại bỏ mọi hình thức ma cà bông tình dục; nơi nghĩa vụ tồn tại; nơi sự phân chia các vai giữa đàn ông và phụ nữ không bị đặt lại thành vấn đề. James tin đinh ninh rằng ở bên trong đà tiến cuốn những người Mỹ về phía dân chủ, họ đã phát hiện được phương cách thiện xảo nhất và đơn giản nhất, nếu không phải là để phanh đà ấy lại, thì ít nhất cũng là dung hòa nó: sự viện nhờ, ở trung tâm hình mẫu gia đình, khả năng tự nhiên về yêu. Chính đó là thứ làm nên bầu không khí luân lý của nước Mỹ, và đặc biệt là của vùng New England; và đó chính là cái sẽ lộn nhào một cách quyết định với The Bostonians.
Princess nữa (Casamassima)
Để thấy rõ (The Beast in the Jungle & The Altar of the Dead)
có thể hiểu là cuộc phiêu lưu về nguồn không? trở về đi lại một lịch sử dài, phức tạp
ReplyDeletekhông
ReplyDeletea great big gift
ReplyDeleteHay quá
ReplyDeleteđọc một loạt bài viết quanh chủ đề Henry James của Khác Đọc và những tác phẩm XBK đã in thì thấy quá đạo đức, văn chương HJ quá đạo đức, anh có thấy thế không
ReplyDeletekhông
ReplyDeletethế tại sao ông ấy gọi tên những điều đó là “con quái vật”
ReplyDelete"quái vật" ở đây là sự không hiểu nổi người khác, do đó (và bởi) không hiểu nổi chính mình: một sự khó ở nền tảng và "intimate"; nhìn chung, một người đã ironic thường không mắc vào các vấn đề đạo đức - nói đúng hơn, tập quán, vì irony chính là con đường để thoát khỏi đó, nó hay là một đường hiểm và không dễ
ReplyDeleteĐã hết chưa ạ? Một bài mà vừa đọc dài vừa đọc nghiêm chỉnh hơn đọc bt ^ ^
ReplyDelete