Dec 5, 2016

Sử ký

Năm 1889, Édouard Chavannes, ở tuổi hai mươi tư, đến Bắc Kinh lần đầu tiên (câu hỏi cho những người yêu thích lịch sử, văn chương và phương Đông: Victor Segalen - lại thêm một bác sĩ, giống Céline - đến Bắc Kinh lần đầu tiên năm nào, ở tuổi bao nhiêu, và tập thơ huyền thoại Stèles in năm nào, tại Trung Quốc hay Pháp, "Honorer les Sages reconnus; dénombrer les Justes; redire à toutes les faces que celui-là vécut, et fut noble et sa contenance vertueuse").

Chỉ vài tháng sau, Chavannes viết thư cho Henri Cordier (ta bắt đầu cắt ngang để bước vào câu chuyện của các sinologue phương Tây, một câu chuyện rất dài và rất dồi dào) nói mình bắt đầu dịch Sử ký (hồi đó, cái tên này được gọi là Che ki, chứ không phải Shiji như bây giờ thông dụng, Tư Mã Thiên hồi ấy thì được gọi là "Se-ma Ts'ien" hay "Sseu-ma Ts'ien" chứ không đồng loạt quy chuẩn Sima Qian như bây giờ). Bắt đầu từ đây là một câu chuyện kéo dài hơn trăm năm, cái câu chuyện tất nhiên khiến chúng ta muốn đặt câu hỏi: người phương Tây có thể hiểu Sử ký như thế nào?

Gần như người ta đồng loạt so sánh Sử ký với bộ sách của Hérodote, nhưng càng ngày tôi càng có cảm giác rõ rệt hơn, nếu thực sự muốn có một sự so sánh theo kiểu này, cần phải cộng thêm vào phía Hérodote cả bộ sách của Thucydide và, điều này rất quan trọng, cả bộ sách của Plutarque nữa.

Năm 1890, phần đầu tiên bản dịch của Chavannes đăng trên một tờ tạp chí ở Bắc Kinh, và đó là thiên "Phong thiện thư", tức là thuộc phần "Thư" (các nhà Trung Quốc học hồi ấy gọi tám thiên của phần này là "pa chou"). Bản dịch mà tôi coi là "canonique" trong tiếng Việt, bản Sử ký hồi vẫn còn ký tên người dịch Nhữ Thành (tức Phan Ngọc) và chưa có các thiên thêm vào như sau này, mặc dù bỏ hết "biểu", vẫn có dịch một "thư", nhưng lại không phải "Phong thiện thư" mà là "Bình chuẩn thư".

Bốn năm sau đó, Chavannes rời Trung Quốc quay trở về Pháp (năm 1893), và đã có trong tay bản dịch của toàn bộ 130 thiên của Sử ký (công việc này được hoàn thành với sự cộng tác của một nhân vật người Trung Quốc mà tôi còn chưa tìm được tên), nhưng không phải như vậy đã là xong, mà thậm chí câu chuyện đến lúc này mới thực sự bắt đầu: bản dịch mà Chavannes đã có chỉ là bản dịch đầu tiên, một bản dịch nháp, chưa thể in ngay ra được. Rốt cuộc, cho tới tận khi Chavannes qua đời vào năm 1918, về cơ bản Sử ký mới chỉ được dịch và in chừng cỡ một phần ba. Trong gần cả thế kỷ sau đó, người Pháp không hề đọc được phần "Liệt truyện".

Thật khó tưởng tượng một bộ Sử ký thiếu mất "Liệt truyện" (phần "Thế gia" trong bản Chavannes cũng vẫn chưa đủ - nhắc lại một chút về kết cấu bộ sách: nó gồm năm phần, "Bản kỷ", "Biểu" tức là các bảng biên niên, "Thư" tức là các khảo luận về nhiều đề tài, "Thế gia" rồi "Liệt truyện", trong đó "Liệt truyện" chiếm nhiều thiên nhất, 70 trên tổng cộng 130 thiên). Hồi tôi còn bé, đương nhiên, thích hợp với lứa tuổi, tôi hầu như chỉ đọc các "liệt truyện" - Sử ký đối với tôi về cơ bản là "liệt truyện", chỉ điểm xuyết thêm tí chút "thế gia" và "bản kỷ".

Sách Tàu đối với tôi khởi đầu là Thủy hử (chuyện đã kể ở kia), hồi còn là bộ 6 tập. Tiếp sau đó sẽ là Tam quốc diễn nghĩa (bộ 8 tập - tập 6 và tập 7 tôi cho thằng bạn cùng lớp cấp một mượn và nó lặn mất - sự kiện này khiến đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ tên nó mặc dù hình như chưa bao giờ gặp lại, tôi thù nó vô cùng, vì đó là hai tập có rất nhiều chuyện về Gia Cát Lượng) và tới Sử ký. Sẽ còn có thêm Hán Sở tranh hùng, Đông Chu liệt quốc và tất nhiên Tây du ký, nhưng không gì về sau sánh được với ba bộ đầu tiên, những bộ sách mà tôi đọc đi đọc lại, nhất là những đoạn nào mà tôi thích, các nhân vật nào làm tôi mê nhất (Kinh Kha, Dự Nhượng, Hàn Tín, Hạng Vũ - tuy rằng Hạng Vũ thì thuộc "Bản kỷ").

Cái dở của việc đọc sách hồi nhỏ là cứ đọc đi đọc lại rồi lại đọc đi đọc lại, thậm chí đến nỗi thuộc lòng rất nhiều đoạn. Sao hồi bé chúng ta ngu thế nhỉ?

-----------

"Phong thiện thư" và "Bình chuẩn thư"

Nhưng, xét cho cùng, đối với Sử ký, người Việt Nam và người phương Tây phải nghịch chiều với nhau về sự quan tâm: người Việt Nam thích đọc "truyện", thích biết về các nhân vật lịch sử, tính tình của họ, hành trạng của họ, Tư Mã Thiên phán xét họ như thế nào, cũng như người phương Tây vô cùng thích đọc về các nhân vật trong sách của Plutarque, xem Plutarque đánh giá mấy chục người ra sao. Nhưng khi hướng cái nhìn sang phía đối diện, ai cũng muốn có được một cái gì đó bao quát và thâu tóm. Nhà nho Việt Nam hồi mới biết về phương Tây đặc biệt mê Vạn pháp tinh lý của Mạnh Đức Thư Cưu, tức là De l'esprit des lois của Montesquieu.

Édouard Chavannes cũng vậy. Khi Chavannes mới qua đời, Henri Cordier viết bài tưởng niệm, trong đó có trích lại thư Chavannes gửi mình năm 1889. Bức thư đề ngày 19 tháng Bảy năm 1889 viết:

"Tôi đã có chút ngần ngừ trong việc bắt đầu công việc mà tôi muốn thực hiện. Tôi đã thử Nghi lễ, cuốn sách mà tôi đã nói với anh hồi còn ở Paris; nhưng dịch cuốn sách này đối với tôi quá khó khăn nên tôi phải bỏ. Tôi bèn quay sang Tư Mã Thiên và nghĩ mình nên dịch phần đầu tác phẩm, tức là phần giới thiệu lịch sử các triều đại Trung Hoa kể từ Thần Nông đến nhà Hán. Anh nghĩ công việc này có lợi ích gì không?"

Tức là, ban đầu, Édouard Chavannes nghĩ mình sẽ dịch sách Nghi lễ, như vậy là rất hợp lý với một ai muốn có một cái nhìn tổng hợp vào văn hóa Trung Hoa, và đến khi chuyển sang Sử ký, rõ ràng cách sắp xếp của bộ sách rất thích hợp để Chavannes cứ tuần tự mà làm - thành thử mới đến được lưng chừng phần "Thế gia", tức là về cơ bản mới chỉ có các thiên mang tính cách tổng hợp mà gần như chưa có các thiên kể chuyện ("thế gia" trong bản dịch của Chavannes được gọi là các "maison hériditaire" còn "liệt truyện" vì chưa thực sự có nên cũng không rõ Chavannes sẽ chọn cái tên nào trong hai cái tên thông dụng hồi ấy trong giới sinologue: "monographie" hay "biographie").

[Nghi lễ là một sách thuộc vào "tam lễ" ở thời Hán, hai sách còn lại là Lễ kýChu lễ. Đây là mảng đặc biệt phức tạp, biến hóa khôn lường trong lịch sử, tôi cũng chẳng dám đi sâu vào, chỉ nói ở đây mấy chi tiết nhỏ đã tra cứu cẩn thận và đã hỏi ý kiến chuyên gia. Một sinologue khác tên là Séraphin Couvreur (1835-1919) sẽ dịch đầy đủ Nghi lễ, cả 17 thiên, dưới nhan đề tiếng Pháp Cérémonial, nhưng dường như bản dịch này cũng phải đợi đến thập niên 50 của thế kỷ 20 mới in.]

Quay đi khỏi Nghi lễ ngay trước khi bập vào Sử ký, rất dễ hiểu khi Chavannes cho đăng phần dịch đầu tiên của mình là thiên "Phong thiện thư": đây là khảo luận về lễ tế trời. Trong khi đó, "thư" duy nhất xuất hiện trong bản dịch của Phan Ngọc là "Bình chuẩn thư".

Thật ra, Phan Ngọc là một người đặc biệt mê kinh tế học của Karl Marx; điều này không thể hiện rõ trong những gì Phan Ngọc viết, nhưng những ai từng thực sự nói chuyện với Phan Ngọc đều biết. "Bình chuẩn thư" là khảo luận của Tư Mã Thiên về chính sách kinh tế ở Trung Hoa cho tới thời Hán Vũ Đế. Phan Ngọc thể hiện mình rất tán thưởng cái nhìn kinh tế gia của Tư Mã Thiên thể hiện ở đây. Quả thật, Tư Mã Thiên miêu tả rất rõ các hiện tượng như lạm phát, mất giá (tất nhiên không dùng từ ngữ như vậy), và bình luận chi tiết về "thuế phú" (tức là thuế và phú) hay "tiền tệ" (tức là tiền và tệ). "Bình chuẩn" có lẽ là nguồn gốc cho cụm từ "bình ổn giá" mà ngày nay ở Việt Nam người ta vẫn hay dùng.

Ở lần đọc lại cái thiên "Bình chuẩn thư" này, mới gần đây (trước, tôi chỉ thích đọc các "liệt truyện", như đã nói), đột nhiên tôi thấy câu cuối cùng đoạn "Thái Sử Công nói" khép lại cả thiên, rất đáng chú ý:

"Sự thế như dòng nước trôi đi, sóng thúc vào nhau sinh ra như vậy. Có gì là lạ?"


Tam Hoàng Ngũ Đế và Ngũ Đại đế

"Bình chuẩn thư" là thiên số 30 trong tổng mục lục của Sử ký, cũng là thiên thứ tám đồng thời cuối cùng, khép lại phần "Thư" (thật ra, "thư" số 5 là "Thiên quan thư" về thiên văn học theo tôi là hết sức quan trọng, vì nó liên quan đến sở trường của Tư Mã Thiên, cũng như thiên ngay trước đó là "Lịch thư" - điều này chúng ta sẽ sớm trở lại). Chương này trong bản dịch của Chavannes được gọi đầy đủ như sau: "Huitième traité: Balance du commerce" (các "thư" được Chavannes dịch thành "traité").

Câu cuối của thiên này, tương ứng với câu dịch của Phan Ngọc trên đây, Chavannes dịch như sau:

"Les états (successifs) du monde dans leur cours s'entrechoquent. S'il en est ainsi, qu'y a-t-il là d'étonnant?"

Một người phương Tây học vấn cao hẳn dễ dàng thấy ở đây âm hưởng tư tưởng của một nhân vật đặc biệt: Marc-Aurèle.

Marc-Aurèle là một hoàng đế-triết gia, một trong những nhân vật xuất chúng nhất của trường phái khắc kỷ. Câu của Tư Mã Thiên trên đây, tôi thấy không khác gì khi Marc-Aurèle nói rằng, cuộc đời vốn dĩ nó như thế, tại sao lại cứ phải ngạc nhiên, ngạc nhiên như thế thì khác gì cứ đi ngạc nhiên khi nhìn thấy từ cây sung lại mọc ra quả sung. Triết lý của Marc-Aurèle, rồi sớm đây ta sẽ có dịp nói cụ thể, ở đây tôi chỉ chợt nhớ ra là thế giới phương Tây cũng có một khái niệm rất tương ứng với "Ngũ đế" trong "Tam hoàng ngũ đế" của Trung Hoa, chỉ có điều "ngũ đại đế" của họ tồn tại thực sự, được ghi chép lại rất rõ ràng, chứ không mờ mịt như mấy vị Nghiêu Thuấn etc. Marc-Aurèle chính là người cuối cùng trong loạt "ngũ đại đế" này.

Khái niệm ấy hẳn đã tồn tại từ trước, nhưng kể từ bộ sách này:


thì danh xưng "Five Good Emperors" đã trở nên vô cùng phổ biến.

[bộ sách của Gibbon khởi sự từ triều đại của các vua "Antonin" cho đến lúc La Mã suy tàn, nó là một bộ rất đồ sộ, Edward Gibbon viết và in nó trong vòng mười hai năm vào khoảng cuối thế kỷ 18; vì ở đây, ta đang nói đến những người Pháp dịch các bộ sử lớn ra tiếng Pháp, nên có một câu hỏi nhỏ: ai đã dịch bộ sách của Gibbon sang tiếng Pháp? đó chính là quan lớn Guizot, một nhân vật kiệt xuất, mà ta mới nhắc đến gần đây (xem ở kia); ấn bản trong ảnh rất dày, nhưng cũng chỉ có nội dung của chừng 30 chương trên tổng số 71 chương]

Ngũ đại đế của La Mã gồm Nerva, Trajan (thời Trajan, Đế quốc La Mã bành trướng lớn nhất trong lịch sử, chính sách cai trị khôn ngoan khiến Trajan gần như được coi là một vị thánh, hiện tại ở Rome vẫn còn rất nhiều công trình liên quan đến Trajan), Hadrien (Marguerite Yourcenar viết Mémoires d'Hadrien rất đáng nhớ về hoàng đế, có bản dịch tiếng Việt, gồm hai tập; "bức tường Hadrien" là một di tích nổi tiếng ở Anh), Antonin và Marc-Aurèle. Ở thời năm vị vua được tiếng anh minh này, cũng có một đặc điểm nổi bật: việc chọn người kế vị hoàn toàn không hề dựa trên dòng dõi. Đây là giai đoạn không lâu sau Auguste hoàng đế đầu tiên, kéo dài chừng trăm năm.

[bộ sách của Gibbon cũng khiến tôi nghĩ đến một bộ lịch sử La Mã khác, lần này là của Mommsen; Mommsen được giải Nobel Văn chương là một lựa chọn thuộc hàng sáng suốt nhất của toàn lịch sử; trong tổng số những người không thuần túy là nhà văn từng nhận giải thưởng này, Mommsen xứng đáng nhất, hơn đứt Churchill, Bergson hay Russell; người ta cũng than phiền năm ấy Mommsen đoạt giải lẽ ra phải về tay Tolstoy: nhưng Tolstoy thì cần gì một cái giải thưởng? nhân dạo gần đây ta hay nói đến Charles Dickens: Tolstoy trước hết là fan hâm mộ number one của Dickens]

-----------

Thân oan cho Lữ hậu

Bài báo "Thân oan cho Võ hậu" đăng Phụ nữ tân văn năm 1930 cần được coi là một trong những gì cốt yếu nhất từng xuất hiện qua ngòi bút của Phan Khôi. Sứ mệnh lớn của cuộc đời Phan Khôi là đập tan Nho giáo (ở Việt Nam), và khi chọn nhân vật Võ hậu, Phan Khôi đã nhắm rất trúng đích, như một cung thủ tài ba.

"Tôi nói, Võ hậu nếu chẳng lên ngôi hoàng đế giữa nước Tàu từ xưa, nếu chẳng cầm quyền hành trong tay ngót nửa thế kỷ, nếu chẳng làm cho bọn đàn ông cúi đầu trước mặt mình, thì đâu có mang một cái ô danh đến ngày nay; thậm chí bêu xấu cả ở xứ An Nam, là xứ chẳng có dính líu gì hết." (Phan Khôi, "Thân oan cho Võ hậu")

Nhưng tại sao Phan Khôi lại nhất định đập tan Nho giáo (ở Việt Nam)? Ta quay trở lại câu của Tư Mã Thiên khép lại thiên "Bình chuẩn thư": "Có gì là lạ?"

Đó là Phan Khôi hành động theo lẽ. "Đạo" của Phan Khôi là đạo của sự trung thực, và xét cho cùng đó là con đường của cốt lõi Khổng giáo đẩy cho đến cùng, của "nhất dĩ quán chi" - lời Khổng Tử dùng để đáp lời học trò. Điều mỉa mai của lịch sử nằm ở chỗ nếu đối với Khổng Tử, chính việc không được dùng trong chính sự, không được làm quan lại khiến Khổng Tử trở thành thánh của nghìn năm (ít nhất, thiên "Khổng Tử thế gia" của Sử ký để lộ ra ý nghĩa này), thì đối với Phan Khôi, chính việc quay lưng đi khỏi mọi hoạt động cách mạng như đương thời dường như đòi hỏi gay gắt lại khiến Phan Khôi thực hiện được những công việc to lớn, và cũng chính con người lặp lại không ít đặc điểm của Khổng Tử ấy lại có "nhiệm vụ" giải trừ dấu ấn của Khổng giáo tại Việt Nam.

Những người làm công việc lớn bao giờ cũng phẫn, cũng có một phần rất lớn của bi phẫn. Khổng Tử cũng phẫn, phẫn trong (một số) chí nguyện không thành, phẫn cả khi "chưa biết đạo": "Khi chưa biết đạo thì phát phẫn đến nỗi quên ăn, khi biết đạo thì vui đến nỗi quên lo, không biết tuổi già sắp đến" (Sử ký, "Khổng Tử thế gia").

Nhưng sự phẫn của Khổng Tử cốt yếu nhất nằm ở chỗ: lạc thời. Khổng Khâu biết mình là hiện thân của Văn Vương, nhưng không được sống ở thời của Văn Vương. Tư Mã Thiên gốc tích nhà Chu nhưng phải làm chức quan hạng bét dưới triều Hán (cái phẫn phát sinh từ "họa Lý Lăng", ta sẽ đề cập sau). Phan Khôi xuất thân Nho giáo nhưng lạc thời, phải trở thành nhân tố quan trọng tiêu diệt Nho giáo (ở Việt Nam). Ta sẽ còn quay trở lại cụ thể với thiên Khổng Tử thế gia, thiên đặc biệt quan trọng, hé lộ rất nhiều điều, không chỉ về Khổng Tử, mà còn, và chủ yếu, về chính Tư Mã Thiên.

Phan Khôi "thân oan" cho Võ hậu. Còn về phần Lữ hậu, có thể "thân oan" được không?

Những bộ sử lớn thuật chuyện vua hiền tôi giỏi, hôn quân bạo chúa, anh hùng liệt nữ, những đánh giá của các bộ sử ấy nhiều khả năng sẽ đi vào muôn đời, trong đó khả năng không nhỏ là sẽ tạo những định kiến rất khó thay đổi.

Ta đã nhắc tới "ngũ đại đế" của La Mã, đó là năm vị vua anh minh. Quãng thời gian trước của thời đại trăm năm ấy là đề tài cho một bộ sử rất nổi tiếng, bộ sách viết về mười hai "César" của Suétone. Khởi đầu từ Jules César (tuy nhiên César không phải là hoàng đế), qua hoàng đế đầu tiên Auguste, bộ sách kể chuyện các bạo chúa về sau sẽ in dấu ấn sâu đậm máu me như Caligula hay Néron. Kết thúc loạt 12 hoàng đế này là Domitien, cầm quyền 15 năm cho đến lúc chết, năm 96. Kế vị Domitien sẽ là Nerva, vua đầu tiên trong loạt "ngũ đại đế".

Có ai "thân oan cho Lữ hậu" không? Có, và người đó chính là Tư Mã Thiên. "Lữ hậu bản kỷ" kể câu chuyện ghê rợn về Thích phu nhân, cho thấy sự tàn độc của Lữ hậu, tất nhiên làm người ta ghê rợn và khinh bỉ (có lẽ trong thế giới phương Tây chỉ Médée hay Lady Macbeth là sánh được), nhưng "Thái Sử Công nói" về Lữ hậu lại là đánh giá tích cực: "Cao Hậu đàn bà làm chủ, gọi mệnh lệnh của mình là "chế" nhưng việc chính sự không ra khỏi nhà, thiên hạ yên lành, hình phạt ít dùng, người bị tội ít, dân lo cày cấy, ăn mặc no đủ." Tư Mã Thiên nhận ra thời Hán Vũ Đế mà ông sống mới thảm khốc, điêu tàn, chứ thật ra thời của Lữ hậu đâu có tồi tệ. Có lẽ vì thế, khôn ngoan hơn người, nước Anh mới có nhiều nữ hoàng đến vậy.

Thuật chuyện vua hiền tôi giỏi, hôn quân bạo chúa, nhưng các bộ sách lớn có một phương diện quan trọng là nói đến các nhân vật có tính chất tấm gương. Chúng ta đã có thể nói đến mối liên hệ rất ít được nhìn thấy giữa Tư Mã Thiên và Plutarque. (Thucydide và "cuộc chiến tranh Péloponnèse" thì đặc biệt nổi bật ở phương diện miêu tả chiến tranh, nhưng như ở trên đã nói, tôi xếp bộ sách ấy cạnh Sử ký là bởi tính chất "chứng nhân tận mắt" của nó: Thucydide đi lính, thực tế tham gia cuộc chiến tranh sau này kể lại; Tư Mã Thiên có một đặc điểm hành trạng là hồi còn trẻ, được ông bố Tư Mã Đàm cho đi nhiều nơi để thu thập tài liệu và có tiếp xúc thực tế, tức là vượt khỏi vòng cương tỏa của lệ tục "Phụ mẫu tại đường bất khả viễn du": yếu tố "thoát khỏi vòng" của Tư Mã Thiên đặc biệt quan yếu, sẽ còn phải phân tích kỹ hơn; việc đi nhiều nơi này rất quan trọng cho các thiên thuộc phần "Thư", đồng thời cũng mở rộng kiến văn của Tử Trường đến một mức độ không ngờ; người ta kể khi viết về Kinh Kha, Tư Mã Thiên được nghe lời kể của một ông lão từng chứng kiến tận mắt khi Kinh Kha hành thích Tần Thủy Hoàng trong cung.)


Tư Mã Thiên và Plutarque: Các nhân vật gương soi

-----------

"Thân oan cho Võ hậu", bài báo của Phan Khôi đăng trên tờ Phụ nữ tân văn vào mùa hè năm 1930, thời điểm lớn của Phan Khôi và của báo chí Việt Nam:


Bộ sách lớn của Thucydide trong bản dịch tiếng Pháp:


Một sử gia quan trọng khác của phương Tây, Tacite, mà lần này ta sẽ không đề cập:


Một ví dụ về công việc của các sinologue phương Tây, ở đây là trong tiếng Anh, sách Mặc Tử:


Đọc là một câu chuyện liên quan rất lớn đến tự định vị trong cuộc đời. Điều này đã nói ở kia. Sau đây là trường hợp của Jean-Jacques Rousseau.

Trong bộ hồi ký lớn, Les Confessions, ngay đầu Quyển I, Rousseau kể cụ thể hồi bé (mùa đông năm 1719) mình đã đọc những sách gì. Đoạn này rất nổi tiếng. Rousseau đọc bộ sử về Nhà Thờ và Đế Chế của Jean Le Sueur (tức là Histoire de l'Église et de l'Empire), khảo luận danh tiếng của Bossuet về lịch sử (Discours sur l'histoire universelle - sách này được Bossuet viết để răn vua chúa hoàng thân quốc thích, nó tạo lập một truyền thống lớn, ta sẽ sớm trở lại với nó), bộ sách Lịch sử Venise của Giovan Battista Nani, bộ sách về các biến hóa của Ovide nhà thơ La Mã, đọc La Bruyère (cùng dòng "luân lý gia", cũng là một tác giả lớn của các châm ngôn giống như La Rochefoucauld hay Chamfort), mấy cuốn sách của Fontenelle và mấy cuốn sách của Molière. Và nhất là bộ Những cuộc đời song hành của Plutarque. Rousseau: "Đặc biệt sách của Plutarque trở thành sách mà tôi thích nhất". Rousseau mê mẩn các nhân vật được Plutarque thuật truyện, và coi Plutarque có công lớn trong việc chữa cho mình khỏi chứng nghiện đọc tiểu thuyết. "Tôi tưởng tôi là người Hy Lạp hay người La Mã", và có lần, Rousseau kể chuyện cho người nhà nghe, về Scévola, ai cũng phát hoảng vì tưởng chừng Rousseau sắp thò tay hơ lên bếp để bắt chước cho giống hành động của nhân vật.

Đọc các nhân vật Hy Lạp và La Mã của Plutarque (Plutarque cũng có một địa vị trớ trêu: là người Hy Lạp sống ở thời La Mã), một người phương Tây như Rousseau có thể bừng bừng nổi hùng tâm tráng trí như thế nào, thì một người Trung Quốc hay Việt Nam đọc các nhân vật của Tư Mã Thiên cũng có thể trở nên như thế.

Điều làm cho bộ sách của Plutarque trở nên nổi bật nằm ở cấu trúc của nó: tính chất so sánh, đối chiếu khiến cho ở một người Hy Lạp ta sẽ thấy có những gì ứng vào với một người La Mã: Pyrrhos so với Marius, Thémistocle so với Camille hay Alcibiade so với Coriolan thì có thể ra sao. Nhưng cấu trúc này cũng có điểm dở chết người: nó có sơ đồ bất biến, nên ở nhiều trường hợp khi mà sự tương đồng không rõ đến mức như giữa cặp Thésée-Romulus hay giữa cặp Alexandre-César, rất dễ thấy là có gượng ép, tác giả cần rất khéo léo chứng minh các cặp quả thật là có thể "soi gương" cho nhau.

Sử ký thì sao? Đặt câu hỏi này tức là ta bắt đầu đi vào cấu trúc của bộ sách được Tư Mã Thiên thiết lập. Cả ở "Bản kỷ", "Thế gia" và "Liệt truyện", đều có tính chất soi gương, đối chiếu, nhưng nhiều lúc được giấu đi rất ngầm - cấu trúc của Sử ký, càng đọc càng thấy phức tạp vô cùng, không dễ mà thâu tóm ngay cho được (điều này liên quan tiếp đến một vấn đề mà ta sẽ đề cập khi bàn trực tiếp hơn về Édouard Chavannes và Phan Ngọc).

Điều Rousseau nói trên đây là tầng soi chiếu thứ nhất: độc giả bị tác giả (Tư Mã Thiên và Plutarque) hút vào, tự hóa thân thành nhân vật, đây là do tài năng văn chương của họ. Ta soi mình vào văn chương nếu văn chương ấy thực sự làm được tâm hồn ta để ý, điều này không lạ. Ở một tầng khác, sự đối chiếu (tương đối) đơn giản theo kiểu Plutarque, trong Sử ký cũng có rất nhiều, tuy không bày tỏ rõ ràng ra. Khi một liệt truyện chép chung truyện Tôn Vũ, Tôn Tẫn và Ngô Khởi, đương nhiên sẽ nảy sinh so sánh. Một số trường hợp tương tự: Khuất Nguyên và Giả Nghị, Liêm Pha và Lạn Tương Như hay Mạnh Tử và Tuân Khanh, và càng rõ hơn ở các thiên "tổng hợp" thuộc "Liệt truyện" như "Du hiệp liệt truyện" hay "Thích khách liệt truyện". Những đối chiếu cũng có thể nảy sinh theo một cấu trúc khác: "Tô Tần liệt truyện" kể về mấy anh em Tô Tần, Tô Đại và Tô Lệ, "Trương Nghi liệt truyện" kể về Trương Nghi, Trần Chẩn và Tê Thủ, ta sẽ thấy ngay cần phải so sánh Tô Tần với Trương Nghi, và câu chuyện Tô Tần-Trương Nghi bạn học cùng thầy này cũng lại phóng chiếu tiếp đến mấy cặp tương tự, là Lý Tư-Hàn Phi hay Tôn Tẫn-Bàng Quyên. "Bình Nguyên quân Ngu Khanh liệt truyện" đọc xong, ta đang kính nể Bình Nguyên quân con người quảng đại thì sang đến "Ngụy công tử liệt truyện" mới thấy rằng Tín Lăng quân em vợ Bình Nguyên quân còn đáng coi trọng hơn nhiều về lòng hào hiệp. Ví dụ như vậy.

Nhưng cấu trúc của Sử ký trong những gì liên quan đến phần "truyện" các nhân vật còn phức tạp hơn thế rất nhiều, hay nói đúng hơn, tính chất gương soi của Sử ký có cái gì đó cần phải gọi là ảo diệu, khó mà nhìn thấy cho hết. Một ví dụ theo tôi rất điển hình cho điều này: cái chết của Á Phụ Phạm Tăng.

Ba lần xuất hiện quan trọng của Phạm Tăng (không có truyện riêng), cả ba lần gần như giống hệt nhau, bị Hạng Vũ nghi ngờ, tức giận "xin hài cốt" bỏ đi, ngay sau đó thì chết: hai lần đầu là ở "Hạng Vũ bản kỷ" và "Cao Tổ bản kỷ", lần thứ ba ở "Trần thừa tướng thế gia". Ở thiên về Hạng Vũ, Phạm Tăng là bầy tôi quan trọng, xuất hiện khác hẳn vì mối tương quan với Hạng Vũ là khác, ở thiên về Cao Tổ, Phạm Tăng là kẻ địch nguy hiểm cần trừ khử nên hình ảnh Phạm Tăng lại ở trong tương quan có tính chất khác, đến khi xuất hiện ở thiên về Trần Bình, Phạm Tăng là nạn nhân, Trần Bình là đao phủ (người nghĩ ra mưu kế để trừ Phạm Tăng), Phạm Tăng lại có tư thế khác. Chuyện giống hệt nhau nhưng như thể Tư Mã Thiên xoay ta theo ba góc nhìn khác nhau, khiến ta có một "tri nhận" hoàn toàn hơn - điều này các nhà hiện tượng luận như Maurice Merleau-Ponty hẳn có thể dùng để phân tích mà viết được cả một pho sách. Đồng thời, làm như vậy, Tư Mã Thiên đảm bảo được một nhân vật quan trọng như Phạm Tăng nhưng vì là bầy tôi của bên thất trận, không thể được chép chuyện riêng thành một thiên, vẫn có thể được nhìn nhận, thông qua cái nhìn của nhiều người khác nhau.

Những miêu tả "quấn quýt" như vậy, chỗ này miêu tả khía này, chỗ kia miêu tả cạnh kia, sắp xếp tinh vi mà giống như không dụng công, không cần giải thích nhiều lời, làm cho Sử ký tuy chặt mà lỏng, tuy rộng mà chi tiết. Điều này rất liên quan đến một câu nói xuất hiện trong Sử ký, mà tôi cho rằng hết sức quan yếu. Ta sẽ đến với nhân vật Khổng Tử của Sử ký.


Thiên "Khổng Tử thế gia"

Trong các "bản kỷ", "Lữ hậu bản kỷ" là một đột xuất lớn đến đâu thì trong các "thế gia", "Khổng Tử thế gia" quan trọng và đặc biệt đến đó.

Ta cũng nên nhớ, bản Sử ký của Phan Ngọc chọn 5 "thế gia", trong đó "Trần Thiệp thế gia" liên quan đến các "bản kỷ" được dịch, cộng thêm hai "thế gia" về các công thần lớn của Lưu Bang là "Lưu hầu thế gia" (Trương Lương) và "Trần thừa tướng thế gia" (Trần Bình), hai "thế gia" còn lại đã được Phan Ngọc đảo vị trí: "Việt Vương Câu Tiễn thế gia" là thiên số 41, "Khổng Tử thế gia" là thiên số 47, nhưng trong bản dịch của mình, Phan Ngọc xếp "Khổng Tử thế gia" lên đầu trong 5 "thế gia" (tình hình trong bản dịch Sử ký của Nhượng Tống như thế nào, xem ở kia).

Quay trở lại với Édouard Chavannes: bộ Sử ký tiếng Pháp (tên chung là Les Mémoires historiques) cho tới khi Chavannes qua đời dừng lại ở thiên số 47: dịch xong "Bản kỷ", "Biểu" và "Thư", Chavannes đã bắt đầu dịch vào phần "Thế gia" và dừng lại ở "thế gia" số 17, tức là thiên số 47, đó chính là "Khổng Tử thế gia".

"Khổng Tử thế gia" thực sự là một điểm mốc hết sức quan trọng của Sử ký, điều này được người dịch Sử ký quan trọng nhất trong tiếng Việt và người dịch Sử ký quan trọng nhất trong tiếng Pháp hiểu rõ.

Câu nói nhắc đến ở cuối phần trên đây là câu của Khổng Tử nói về Lão Tử (không nằm trong "Khổng Tử thế gia" mà lại nằm ở phần liệt truyện về Lão Tử): "Con chim, ta biết nó biết bay; con cá ta biết nó biết lội; con thú, ta biết nó biết chạy. Đối với loài chạy thì ta có thể dùng lưới để săn; đối với loài lội thì ta có thể dùng câu để bắt; đối với loài bay thì ta có thể dùng tên để bắn; đến như con rồng cưỡi mây cưỡi gió lên trời, ta không sao biết được! Hôm nay gặp Lão Tử, ông ta có lẽ là con rồng chăng?"

-----------

Phan Ngọc là con người của cấu trúc. Hai tác phẩm của Phan Ngọc sau đây sẽ còn lại rất lâu: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện KiềuVăn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới. Cả hai cuốn sách đều là cái nhìn của cấu trúc, điều này có liên quan rất lớn đến "phương pháp Phan Ngọc" hay được gọi là "thao tác luận". Người ta hay vì cái tên có chữ "phong cách" mà xếp Phan Ngọc vào số các nhà nghiên cứu theo "phong cách học". Tầm phào hết sức: Phan Ngọc trước hết và lúc nào cũng là con người của cấu trúc. Điều này, đến lượt nó, lại có liên quan rất lớn đến cái nhìn Sử ký của Phan Ngọc.

[để hiểu thế nào là những "con người của cấu trúc", xem ở kia: Michel Foucault, Roland Barthes và Gérard Genette, mỗi người cụ thể thì khác nhau, nhưng đều xuất phát từ cấu trúc, trong cách từng người hiểu Claude Lévi-Strauss; người của cấu trúc nhìn mọi thứ rất khác, lúc đầu họ thường bị đương thời không hiểu, cho là quái lạ, và sau này cũng khó mà hiểu hết cho nổi]

Phan Ngọc là con người của cấu trúc, và cũng là một người chất chứa nhiều phẫn. Chí lớn, tham vọng cao, học vấn phi phàm, mười tám tuổi đã nghĩ sẽ dịch toàn bộ Bách Gia Chư Tử sang tiếng Việt, thế mà cuối cùng phải đi làm thư ký, được đi dạy học thì cuối cùng mấy chục năm bị nhốt vào một xó mà bới sách. Nhượng Tống tất nhiên là phẫn: "chí những lăm cất gánh non sông" thế mà tù đày, bị vùi dập tan nát, ký ức gần như bị xóa trắng (một tác giả nếu không được đời sau nhắc đến sẽ trầm luân mãi mãi trong địa ngục: đây là điều do Dante Alighieri nói).

Nhượng Tống là hiện thân lớn nhất của văn chương. Tầm vóc của Nhượng Tống càng lớn hơn vì sự hiện thân ấy nằm ở trong một nghịch lý khổng lồ: người ta luôn luôn coi Nhượng Tống là một nhà cách mạng. Ở thời "tiên khởi" của văn chương Việt Nam (bằng cái nhìn cấu trúc của mình, Foucault cũng xác định được thời tiên khởi của văn chương Pháp, hiện thân ở Chateaubriand và marquis de Sade), có "tam đại" là Nhượng Tống, cùng Khái Hưng và Nguyễn Tuân. Điều này rất quan trọng và khó nói cho đầy đủ, tôi cắt riêng ra, nói sau.

Nhượng Tống và Phan Ngọc hiện diện trong câu chuyện dịch Sử ký ở Việt Nam không phải là sự vô cớ: họ cùng tìm đến Tư Mã Thiên, đó là những người cùng có tên trong "sổ đoạn trường" tìm đến với nhau. Cả Nhượng Tống và Phan Ngọc đều vì lận đận trong đời mà lội qua Lão Trang, mà ngả đường đến Sử ký, kiểu gì cũng phải qua Lão Trang, không khác được đâu. Hoạn lộ hanh thông, có dăm ba thứ đắc chí của loài gà nhặt thóc trong sân mà mù quáng tưởng đâu mình là phượng hoàng, thì tìm đến Sử ký làm gì? Cứ tưởng là chạm được vào, nhưng kỳ thực, biết đâu, còn ở cách xa lắm?

Vả lại, không có cái nhìn cấu trúc, không thể đi sâu vào Sử ký được. Sử ký tồn tại bao nhiêu đời như vậy trước hết là vì cấu trúc của nó. Mọi thứ gì tồn tại được, đều tồn tại nhờ cấu trúc. Cấu trúc càng kỳ diệu, càng có thể tồn tại lâu dài. Không một ai có thể miêu tả được trọn vẹn cấu trúc của Sử ký, bản thân Tư Mã Thiên tôi nghĩ cũng không thể, bởi vì đó là một cấu trúc đặc biệt "quái đản" (từ này tôi mượn từ Phan Ngọc).

Câu nói trên đây, Tư Mã Thiên viết vào, nói là Khổng Tử miêu tả Lão Tử, chính là Tư Mã Thiên dùng để miêu tả chính mình, tức là miêu tả Sử ký, sở dĩ như vậy là vì Tư Mã Thiên và Sử ký chỉ là một: ta quay trở lại với chuyện sử gia cộng sinh với Lịch sử, hai điều hợp nhất hội tụ với nhau (xem ở kia).

"Khổng Tử thế gia" là khoảnh khắc rất lớn: Sử Thánh nhìn Sư Biểu. Làm sao nhìn được Khổng Tử, nếu như người nhìn không có đủ tầm vóc? Mà đủ tầm vóc để nhìn cho ra Khổng Tử, ta có thể tưởng tượng phải rất đặc biệt. Viết "Khổng Tử thế gia", cùng lúc Tư Mã Thiên cũng "ướm" mình vào, và cũng thể hiện rất nhiều về bản thân mình.

Tư Mã Thiên rất quan tâm đến một điều ở Khổng Tử: tư thế và thái độ.

-----------

Thái độ tức là tư thế. Người ta đứng thế nào, ngồi thế nào, nằm thế nào, nói thế nào, giơ tay lên thế nào, hai chân để thế nào, mặt quay về đâu, đấy là tư thế, đấy cũng là thái độ. Tư thế và thái độ là sự phản ứng của con người trước những gì cụ thể và cả những gì trừu tượng (muốn suy nghĩ thì tư thế cần phải ở chiều ngang). Từ tư thế và thái độ toát ra gần như đầy đủ mọi thứ gì cần phải biết về một con người.

Đoạn cuối thiên "Khổng Tử thế gia" rất nổi tiếng, nhất là khi Tư Mã Thiên nói đến chuyện Khổng Tử nói chuyện với người trên thế nào, nói chuyện với người dưới ra sao, chiếu trải chưa ngay ngắn chưa ngồi, thịt thái chưa vuông thì chưa ăn, etc. Nhưng còn có câu sau đây (từ đây trở xuống, các trích dẫn, phần trên tiếng Việt rút từ bản dịch của Phan Ngọc, phần dưới tiếng Pháp rút từ bản dịch của Édouard Chavannes, tập 5 trong ấn bản đầu, cuối thế kỷ 19):

“Đi vào cửa công thì lom khom rảo bước, hai tay giang ra như hai cái cánh.”

[Quand il entrait par la porte du duc, c’était en pliant son corps; il s’avançait rapidement en étendant (ses bras comme) des ailes.]

Nghĩ cho kỹ, dáng điệu này của Khổng Tử thật funny. Nhưng nghĩ cho kỹ hơn, dường như Khổng Tử, qua dáng điệu của mình, đang tìm cách mô phỏng một cái gì đó.

Qua miêu tả của Tư Mã Thiên, Khổng Tử đặc biệt quan tâm đến nhạc.

Lần thứ nhất, khi Lỗ loạn, sang Tề:

“Khổng Tử nói chuyện âm nhạc với quan thái sư nước Tề, nghe nhạc “thiều” và học nhạc ấy, say mê ba tháng không biết đến mùi thịt.”

[Il conversa sur la musique avec le grand maître de la musique (du pays) de T’si; il entendit les airs de (la musique) chao; il les étudia, et, pendant trois mois, il ne connut pas le goût de la viande.]

Lần thứ hai, một đoạn dài. Lần học nhạc này rất nổi tiếng:

“Khổng Tử học đánh đàn cầm với thầy dạy nhạc là Tương Tử.”

[K’ong-tse apprit à jouer du luth auprès du maître de musique Siang-tse.]

[dường như, nhờ học thật thấu đáo, cho đến cuối cùng, Khổng Tử còn hiểu ra được điệu nhạc ấy là do Văn Vương làm ra]

Lần thứ ba, Khổng Tử phát biểu về nhạc nghĩa là như thế nào:

“Có thể biết phải chơi nhạc như thế nào. Thoạt tiên thì dồn dập; khi đã bắt nhịp thì hòa hợp, rõ ràng, tiếp tục mà đi đến kết thúc.”

[La musique, on peut la connaître. Lorsque le début se produit, il y a accord. Quand on donne carrière (aux autres instruments), il y a harmonie, il y a distinction, il y a continuité, et ainsi se réalise (la musique parfaite).]

[trong bản dịch tiếng Pháp, ta thấy rõ hơn, về việc quan niệm của Khổng Tử âm nhạc có thể là như thế nào]

Khổng Tử tìm gì trong âm nhạc? Trong lục nghệ, nhất thiết có nhạc. Tôi nghĩ, đương nhiên, Khổng Tử muốn lắng nghe nhịp. Người hiểu nhịp không làm gì lung tung, mặc dù vẻ bên ngoài có thể làm người khác nghĩ là có rối loạn. Người hiểu nhịp không làm phương hại đến tư thế (thái độ) của bản thân mình cũng như của người khác. Tư Mã Thiên nhìn thấy Khổng Tử trước hết là một người như vậy.

[nhịp còn liên quan chặt chẽ đến mấy điều quan trọng: quy luật, nguyên tắc, và do đó, đạo; câu "nhất dĩ quán chi" được Chavannes dịch đặc biệt xuất sắc: "Je n'ai que le seul principe qui fait tout comprendre" (Ta chỉ có duy nhất một nguyên tắc, nguyên tắc đó làm ta hiểu mọi thứ); câu "nhất dĩ quán chi" này nói lên một căn bản của Nho giáo, một căn bản rất hay không được nhìn thấy, đó là con người không quan trọng ở biết nhiều, biết nhiều để làm gì? thậm chí biết nhiều là ngu dại, "cái gì cũng biết" chính là cửa ngõ dẫn vào sự đê tiện và ngu độn; nhưng "nguyên tắc" nghĩa là gì? ta đến với Dante Alighieri, người từng định nghĩa "nguyên tắc" một cách hết sức rõ ràng, không thể sai trệch: Dante nói, nguyên tắc là núi; rất chính xác: nguyên tắc là cái ở đó, ai cũng thấy, từ xa cũng nhìn thấy, không thể không nhìn thấy, lúc nào cũng ở đó, lúc nào cũng phải được nhìn thấy, không suy suyển, không chuyển dịch, đấy chính là nguyên tắc]

Miêu tả Khổng Tử của Tư Mã Thiên là miêu tả đi vào bản chất của Khổng Tử, chỉ chú trọng (thể hiện ở các lặp lại) đến yếu tính, bỏ đi mọi vụn vặt. Yếu tính Khổng Tử trong mắt Tư Mã Thiên là sự hợp đạo, yếu tính Khổng Tử không phải một con người đức độ.

Một người tốt, một người đức độ (và ngày nay, biến thể trong xã hội Việt Nam: một người tử tế) là điều rất nguy hại. Đối với Nietzsche, một người tốt là một người đê tiện. Nho giáo, ở căn cốt của nó, không hề khác: người tốt, người đúng đắn, nhiều khả năng là kẻ hương nguyện. Hợp đạo thì đúng, nên Khổng Tử có thể gần nàng Nam Tử, hứa lèo, mà vẫn hợp đạo, mặc dù có thể là vi phạm phạm trù "người tốt".

Miêu tả Khổng Tử của Tư Mã Thiên có lúc "hiện thực chủ nghĩa", có lúc mang yếu tố tượng trưng cao độ. "Hiện thực chủ nghĩa" nằm ở dáng đi của Khổng Tử vào "cửa công" đã nói trên đây, và còn ở đoạn đầu:

“Khổng Tử người cao chín thước sáu tấc, ai cũng cho là con người cao lớn và lấy làm lạ.”

[K’ong-tse était haut de neuf pieds six pouces. Les hommes l’appelaient tous un géant et s’émerveillaient (de sa taille).]

Miêu tả tượng trưng đi theo mấy cấp độ khác nhau. Đây là trong một miêu tả của người nước Trịnh, do Tử Cống thuật lại. Đoạn này cực kỳ nổi tiếng:

“Có người nước Trịnh bảo Tử Cống: “- Ở cửa phía đông có một người trán giống Nghiêu, cổ có vẻ Cao Dao, vai ông ta giống Tử Sản, nhưng từ lưng trở xuống thì kém vua Vũ ba tấc, có vẻ băn khoăn lo lắng như con chó ở nhà có tang.”

[Un homme de Tcheng dit à Tse-kong: “- À la porte orientale est un homme qui par le front ressemble à Yao, par la nuque ressemble à Kao-yao, par les épaules ressemble à Tse-tch’an. Cependant, il s’en faut de trois pouces que la partie de son corps qui est au-dessous de la ceinture n’atteigne (la taille de) Yu. Il est tout embarrassé, comme le chien dans une famille où il y a un mort.”]

[cách đây không lâu, liên quan đến một văn bản của Lưu Hiểu Ba có trích dẫn "như con chó ở nhà có tang", nhiều người nghĩ Phan Ngọc dịch sai chỗ này: phải là "chó mất nhà"; nhưng nói vậy là không đúng; Chavannes cũng dịch theo ý "con chó ở nhà có tang"]

Đoạn "cứng" và "trắng" dưới đây rất đặc sắc (Khổng Tử trả lời Tử Lộ):

“cái mà thật cứng thì mài cũng không mòn; cái mà thật trắng thì bỏ vào thuốc nhuộm cũng không đen. Ta không phải vỏ quả bầu, sao chỉ có thể treo lên mà không thể ăn?”

[“Ce qui est dur, on peut le frotter sans l’user? ne dit-on pas: Ce qui est blanc, on peut le plonger dans la teinture sans le rendre noir? Suis-je une calebasse qui peut rester pendue sans manger?”]

Ở đoạn sau đây, Khổng Tử cho thấy mình là hiện thân của "đức":

“Khổng Tử rời khỏi nước Tào đến nước Tống, cùng đệ tử tập lễ ở dưới một gốc cây lớn. Quan tư mã của nước Tống tên là Hoàn Khôi muốn giết Khổng Tử, chặt cây ấy đi. Khổng Tử ra đi, các đệ tử nói: “- Phải đi nhanh đi!” Khổng Tử nói: “- Trời sinh đức ở ta, Hoàn Khôi làm gì được ta?”

[K’ong-tse partit de Ts’ao et alla (dans le pays de) Song. Tandis qu’il s’exerçait aux rites avec ses disciples au pied d’un grand arbre, Hoan T’oei, se-ma de Song, voulant tuer K’ong-tse, abattit cet arbre. K’ong-tse se retira, mais comme ses disciples lui disaient qu’il fallait se hâter, il leur répondit: “- Le Ciel a produit en moi la vertu. Que peut Hoan T’oei contre moi?”]

Nhưng, như đã nói ở trên, Khổng Tử còn coi mình là một hiện thân của Văn Vương (nói với học trò khi ở đất Khuông):

“Sau khi Văn Vương chết đi cái “văn” không phải ở ta hay sao? Nếu trời muốn làm mất cái “văn” ấy đi thì ta là người sinh sau đã không được biết đến nó. Vì trời chưa muốn làm mất cái “văn” ấy thì người đất Khuông làm gì được ta?”

[“Après que le roi Wen eut disparu, sa perfection ne fut-elle pas placée en cet homme-ci? Si le Ciel avait voulu faire périr cette perfection, moi, le successeur du mort, je n’aurais pu obtenir de participer à cette perfection. Puisque le Ciel ne veut point encore faire périr cette perfection, que peuvent les gens de K’oang contre moi?”]

Khổng Tử hiểu là mình mang một sứ mệnh to lớn. Không ai khác ngoài Tư Mã Thiên có thể miêu tả được sự mang sứ mệnh này của Khổng Tử, bởi vì bản thân Tư Mã Thiên cũng là một người mang sứ mệnh.


Từ Khổng Tử đến Tư Mã Thiên

Từ Khổng Tử đến Tư Mã Thiên, một cái gì đó đã được thiết lập vững chắc, một cái gì đó rất to lớn và quan trọng. Khổng Tử và Tư Mã Thiên mang sứ mệnh hết sức quan yếu đến Trung Quốc.

Sống cách nhau vài trăm năm, Khổng Tử nối đến Tư Mã Thiên, như thể là sợi dây vững chắc chuẩn bị cho Trung Quốc đi từ Xuân Thu-Chiến Quốc vào một số phận mới: một hình thức quân chủ chuyên chế.

Hai nhân vật này nắm giữ cốt lõi của quá trình Trung Nguyên Hoa Hạ mở rộng và xác lập cương thổ. Một xứ sở đã thực sự ra đời.

Khi một xứ sở ra đời, nó cần một số yếu tố nền tảng. Thường sẽ có một hoặc một vài nhân vật xuất hiện. Đó là trường hợp của Dante Alighieri bên Ý: La Divina Commedia là yếu tố rất quan trọng để tiếng Ý vùng Toscane trở thành ngôn ngữ chính của nước Ý, đồng thời tác phẩm ấy cũng gắn kết, cũng có những ý nghĩa rất kỳ diệu. Nước Anh ở thời điểm "ly giáo" đã xuất hiện Shakespeare như một lẽ đương nhiên. Những tác phẩm ấy phải thiêng, thế cho nên Tư Mã Thiên bị thiến, Dante thì chịu kiếp lưu đày khổ ải (rất tương tự sự hiến sinh), sự thiêng này còn thể hiện ở chỗ không phải các tác phẩm ấy thực sự được biết đến khi tác giả của chúng còn sống, mà phải mãi về sau này (thiêng cũng đồng nghĩa với bí ẩn, tức là ở trong mối quan hệ ésotérique/exotérique).

Gần Trung Quốc hơn, một câu chuyện tương tự là Nguyễn Du ở Việt Nam. Sự hình thành Trung Quốc là quá trình lập dựng ý thức theo hình thức các vòng tròn đồng tâm, mà trung tâm là Hoa Hạ, còn sự hình thành Việt Nam là quá trình tương tự nhưng đi theo chiều Bắc-Nam, từ Bắc phóng chiếu xuống Nam. Tác phẩm của Nguyễn Du cũng thiêng, cũng có ý nghĩa kỳ diệu và cũng có sức gắn kết có một không hai.

Khổng Tử và Tư Mã Thiên ấn định cốt lõi cho đời sống văn hóa khuôn mẫu của Trung Quốc: đó là vai trò của kinh (Khổng Tử) và sử (Tư Mã Thiên) trong hệ thống "đại thuyết" Trung Hoa (kinh, sử, tử, tập). Tư Mã Thiên vừa tiếp nối Khổng Tử (Kinh Xuân Thu của Khổng Tử là hình mẫu cho Sử ký) lại vừa "thoát khỏi vòng", tạo lập sử. Sử ký đứng số một trong nhị thập tứ sử Trung Hoa.

Đây là Tư Mã Thiên vinh danh tiền bối trong thiên "Khổng Tử thế gia":

Kinh Thi nói: Núi cao ta trông, đường rộng ta đi/Tuy đích chưa đến, nhưng lòng hướng về: Tôi đọc sách của họ Khổng, tưởng tượng như thấy người. Đến khi đến Lỗ xem nhà thờ Trọng Ni, nào xe cộ, nào áo, nào đồ tế lễ, học trò tập về lễ nghi ở nhà Khổng Tử theo đúng từng mùa, tôi bồi hồi nán lại bỏ đi không dứt. Trong thiên hạ các vua chúa và người tài giỏi rất nhiều, khi sống thì vinh hiển, nhưng lúc chết là hết. Khổng Tử là một người áo vải thế mà truyền hơn mười đời, các học giả đều tôn làm thầy, từ thiên tử tới vương hầu ở Trung Quốc hễ nói đến lục nghệ đều lấy Khổng Tử làm tiêu chuẩn. Có thể gọi là bậc chí thánh vậy.” 


Các phương diện của cấu trúc Sử ký

Lịch sử (nếu mà có lịch sử thật) là sự lặp lại của vài câu chuyện, như ta đã nói ở kia.

Nhưng sự lặp lại này không thuần túy là lặp đi lặp lại. Như cũng đã nói, sự lặp lại các câu chuyện lớn theo trục thời gian chủ yếu là sự lặp lại ở phương diện: những gì khả thể sẽ được khai thác dần dần ở mỗi lần lặp lại trong thời gian. Giống như là từ bên ngoài ném một cái gì đó vào guồng quay của thời gian để xem thử guồng máy ấy sẽ biến cái gì đó kia thành ra cái gì.

Tam Quốc (Ngụy, Thục, Ngô) là một câu chuyện lớn của lịch sử Trung Quốc, trở thành đề tài cho một trong nhị thập tứ sử (xem thêm ở kia), chưa nói đến vô số thứ khác thuộc vào folklore dân gian. Ta có thể xem đó là một câu chuyện riêng, nhưng ta cũng có thể xem đó là lặp lại của một khả thể từng xuất hiện ngay từ thời Tần mạt.

Thiên "Hoài Âm hầu liệt truyện" là thêm một thiên đặc biệt xuất chúng nữa của Sử ký. Ở vào một thời điểm, Hàn Tín (đang là Tề Vương) có thế lực mạnh đến nỗi ngả theo Hạng Vũ là Hạng Vũ sẽ thắng, ngả theo Lưu Bang là Lưu Bang sẽ thắng. Kết cục câu chuyện ấy như thế nào, ta đã biết. Chỉ cần nhớ rằng trong thiên này, đoạn Khoái Thông (tức Khoái Triệt) thuyết Hàn Tín, khả năng thiên hạ chia ba đã hiện ra rõ ràng, "thế chân vạc" đã nằm ngay ở thời điểm này, khả thể ấy đã xuất hiện trong một câu chuyện từ trước, nhưng chưa thực sự hoạt tác, mà đợi cho mãi đến lúc nhà Hán suy vong thì mới biến thành một thực tại.

-----------

Quay trở lại một chút với Khổng Tử:

Trong thế giới phương Tây, có gì so sánh được với Khổng Tử của Trung Hoa không? Có, ở phương diện dạy học, ở tư cách một người thầy, Socrate chính là Khổng Tử.

Và những câu chuyện thì cứ lặp lại: sau Socrate, mãi về sau, sẽ lại có thêm một nhân vật nữa, đó là Alain. Nhìn rộng hơn, Socrate hay Alain thuộc vào một truyền thống rất lớn, cái truyền thống tuy có những lúc mờ đi nhưng thật ra lúc nào cũng tồn tại, cũng vô cùng quan trọng trong đời sống con người: truyền thống nói, trong đối lập với truyền thống viết. Một người thầy quan trọng thì đúng như Platon nói: "giọng nói của thầy có tính chất quyết định hơn nhiều so với mọi cuốn sách".

Câu chuyện thầy-trò có những điểm mốc tối quan trọng trong lịch sử phương Tây, mà ta có thể nhìn thấy những thời điểm rực sáng như với Schopenhauer và Nietzsche, và cả một nhân vật nữa: còn ai khác ngoài Wittgenstein nữa đây? (cũng chung cái sự nhất định không chịu viết mà ở mãi trong truyền thống nói, cũng có mối quan hệ rất kỳ cục với các "môn đệ", và cũng bao trùm khủng khiếp). Khổng Tử không trước tác, vì sứ mệnh của Khổng Tử không phải là viết, mà là nói. Socrate cũng thế.

Alain thì lại viết rất nhiều. Nhưng Alain vẫn ở trong câu chuyện chung này, vì Alain vừa lặp lại câu chuyện Socrate, vừa lặp lại câu chuyện của Platon: Alain có một ông thầy cũng giống Platon có Socrate: đó là Jules Lagneau.

Platon là một cái tên giống như biểu tượng, "Alain" cũng thế: Émile Chartier chọn cho mình cái tên này, và những gì nhân vật ấy nói hay viết đều phải được đặt đằng sau cái tên "Alain" chứ không có Émile Chartier nào hết.

Vậy cho nên, thật đáng ghê tởm khi một tập "propos" của Alain được in tại Việt Nam cách đây mấy năm, trên bìa lại ghi tác giả là "Émile Chartier".

Trớ trêu hơn nữa là tôi lại có dính vào cuốn sách ấy. Thế cho nên, tôi sử dụng một cái quyền mà dĩ nhiên tôi chẳng thích thú gì khi phải dùng: tôi sẽ từ chối cuốn sách ấy, không công nhận là tôi có dính dáng. Nó sẽ không bao giờ xuất hiện trong bất kỳ bản liệt kê tác phẩm nào do chính tôi làm. Và kể từ nay, có làm gì liên quan đến Alain, tôi cũng sẽ không để cho tôi dính líu gì đến mấy kẻ không biết gì về sách mà suốt ngày làm ra vẻ nữa. Vả lại, cuốn sách ấy ở Việt Nam lại bị coi như là sách "chicken soup", trong khi Alain là một trong những triết gia uyên áo nhất, khó nhất, lại là một bậc thầy cho đến giờ còn chưa có lặp lại.

-----------

Sử ký gồm năm phần - ta nghĩ ngay đến "ngũ hành", đồng thời ta nghĩ ngay đến năm sách của Moïse trong Cựu Ước. Một phương diện quan trọng trong cấu trúc của Sử ký là sự phân chia phẩm trật. Cùng xung quanh câu chuyện Hạng Vũ-Lưu Bang, ta có Hạng Vũ và Lưu Bang ở "Bản kỷ", Trần Bình hay Trương Lương ở "Thế gia", nhưng Hàn Tín và Kình Bố (tức Anh Bố) thì lại ở "Liệt truyện": đây là một sự phân cấp (tức là liên quan đến mức độ). Đấy là chưa nói đến sự phản chiếu của cùng câu chuyện này vào hai phần còn lại, tức "Biểu" và "Thư".

-----------

Như trên đã nói, miêu tả trọn vẹn cấu trúc của Sử ký là một việc bất khả. Dưới đây sẽ chỉ nói đến hai điểm lớn.

Trong thiên "Khổng Tử thế gia", có câu này: "cứ thời trước chuộng văn hoa thì thời sau chuộng thực chất", ý này xuất hiện nhiều lần trong Sử ký. Ngoài "Có gì là lạ?" ("Bình chuẩn thư"), Tư Mã Thiên còn nhất định cho rằng thịnh rồi sẽ suy, suy rồi sẽ thịnh, và như thế, trong quan niệm của Tư Mã Thiên, không có cái mà ta vẫn gọi là "tiến bộ". Chỉ có những vòng tròn, chứ không có tiến bộ hay phát triển. Tiến bộ chính là một ảo tưởng lớn của con người, nó càng lớn ở một xứ như Việt Nam, nơi người ta không đọc Baudelaire.

Quan niệm vòng tròn này có xuất hiện trong thế giới phương Tây không? Có, rất nhiều, và nếu muốn đọc duy nhất một cuốn sách về chủ đề này, thì tôi đề nghị Les Métamorphoses du cercle của Georges Poulet.

Thứ hai, sự soi chiếu, giống như sử dụng (các) tấm gương nằm ở trung tâm "phương pháp Tư Mã Thiên". Trong thế giới phương Tây, "phương pháp" này cũng xuất hiện nhiều lần, có những khi được đẩy tới những sự tinh vi ảo diệu không thể ngờ, mà đặc trưng nhất là trong tư duy của một nhân vật: Martin Heidegger. Thật ra, còn có một nhân vật khác như vậy nữa, đó là... à mà thôi.

Tư Mã Thiên cũng có thể được coi là cha đẻ của "tiểu sử". Từ khi có Sử ký, người ta hiểu là có thể viết câu chuyện về một con người, về những con người. Vị trí của Plutarque trong địa hạt này không khác: người ta nói rằng các học trò của Aristote đã thực hành viết tiểu sử, có điều giờ không còn chứng cứ. Plutarque và bộ sách của mình từng bị lãng quên cả nghìn năm. Vả lại, Plutarque không chỉ có các "truyện", mà các tác phẩm khác ngoài Những cuộc đời song hành có thể coi là tương đương với "Biểu" và "Thư" ở Sử ký. Thêm nữa, Plutarque cũng chính là người phê phán phép viết sử của Hérodote hết sức nặng nề.

Riêng về "tiểu sử", trong thế giới phương Tây có một điểm mốc rất quan trọng, xem ở kia. Mở rộng thêm nữa: xem ở kia.


Họa Lý Lăng

Tâm phân học nói rất nhiều điều lăng nhăng, nhưng "mặc cảm bị thiến" thì đúng là một thành tựu lớn. Rất đáng sợ.

Một nhân vật cũng bị thiến, sau trở thành thánh, Abélard:


Thời Trung cổ châu Âu, Abélard là một nhân vật đặc biệt xuất chúng. Ông tòm tem với Héloïse, cô học trò, bị gia đình Héloïse đè ra thiến. Câu chuyện Abélard-Héloïse là một trong những câu chuyện lớn nhất của thời Trung cổ.

Về sau, khi Jean-Jacques Rousseau viết tiểu thuyết (nói đúng hơn, một cuốn tiểu thuyết bằng thư), Julie, thì "Julie" của Rousseau chính là một "nàng Héloïse mới".


Édouard Chavannes tiên khởi và quãng cuối thập niên 1960

Năm 1893, Chavannes rời Bắc Kinh về lại Pháp. Năm này, Chavannes 28 tuổi. Ông quay về Pháp là để nhận ghế giảng dạy về Trung Quốc ở Collège de France, một vinh dự vô cùng lớn. Mới hai mươi tám tuổi, Chavannes đã là người giữ cái ghế vô cùng được trọng vọng trong giới sinologue, một chuyện hi hữu (Chavannes là người thứ tư giữ ghế này sau chừng một thế kỷ nó được thiết lập).

Từ năm 1895 đến năm 1905, Chavannes bắt đầu cho in bản dịch Sử ký của mình. Trong vòng mười năm này, có 5 tập, trong đó hai tập đầu là "Bản kỷ" (cùng hơn hai trăm trang lời giới thiệu), tập thứ ba là "Biểu" và "Thư", tập bốn và năm là các "thế gia". Thiên cuối cùng của bộ sách là "Khổng Tử thế gia", như đã nói. Sau đó, Chavannes sẽ quan tâm đến Ấn Độ và Phật giáo. Đọc bản dịch của Chavannes, hoa hết cả mắt vì các chú thích, hàng nghìn và hàng nghìn chú thích.

Không phải Chavannes không có đủ thời gian để dịch hết Sử ký (năm 1918 Chavannes mới qua đời), và tôi nghĩ việc có những mối quan tâm mới làm sao lãng công việc này cũng chỉ là chuyện nhỏ, mà vấn đề nằm ở chỗ đến được "Khổng Tử thế gia" là Chavannes có thể cảm thấy xong được một công việc lớn rồi.

Nhìn vào công việc của Chavannes và Phan Ngọc, tôi nghĩ, người ta có tài và có chí thì dám làm, biết là làm được, và làm thật, nhưng cũng phải có trí thì mới có thể biết làm đến đâu.

Sử ký là một tác phẩm rất dài (50 vạn chữ, tức là gấp 100 lần Đạo Đức Kinh, chẳng hạn), nhưng gọi là dài thế thôi, muốn dịch cho hết, cho đầy đủ thì cũng không phải là khó lắm, một khi đã bắt đầu và một khi đã làm được nhiều thứ. Cái chính là phải biết cần lấy gì từ đó, và nhất là cần có cảm nhận thật chính xác về cấu trúc của nó. Có phải cái gì hoàn hảo cũng là hay đâu?

Trong bản dịch của mình, Chavannes bình luận, thiên "Khổng Tử thế gia" cho thấy, trái với người ta hay nghĩ, Tư Mã Thiên sùng mộ Khổng Tử. Như thế là đúng, nhưng cũng là thấy một mà không thấy hai. Sử ký đi ra từ Lão Trang, chứ không phải từ Nho giáo. Tư Mã Thiên cũng cho thấy mình có kiến thức uyên thâm đến thế nào về các nhân vật như Thân Bất Hại, Hàn Phi, Thương Ưởng, nói ngắn gọn là "Pháp gia". Câu chuyện này dài dòng, có lẽ lúc khác sẽ nói thêm.

Cứ như vậy, bản dịch của Édouard Chavannes tồn tại ở Pháp (bên Trung Quốc nhanh chóng có bản in lậu, hình như theo phương pháp ảnh ấn). Đến thập niên 60 của thế kỷ 20, UNESCO đang ở đoạn hưng thịnh và chắc là lắm tiền, tài trợ để in lại bộ sách. Đây là thời điểm lớn của các nhà sinologue phương Tây nói chung và của bản dịch tiếng Pháp Sử ký nói riêng.

Ngoài 5 tập giống như khi Chavannes còn sống, còn có tập 6:


Tập sách gồm các thiên từ 48 ("Trần Thiệp thế gia") cho đến 52 ("Tề Điệu Huệ vương thế gia").


Cụ thể hơn, 48, 49 và 50 là bản dịch của Édouard Chavannes để lại, chuẩn bị cho một tập Sử ký mới đã chưa bao giờ được in khi Chavannes còn sống. Đây là ví dụ thiên 49, "Ngoại thích thế gia":


Nhưng tại sao lại có thiên 51 và 52? Đó là vì Max Kaltenmark dịch thêm vào, đó cũng đồng thời là người kiểm tra bản dịch ba thiên mà Chavannes để lại.

Ấn bản 1969 này rất quan trọng, vì nó còn có một Index chung do một phụ nữ Trung Quốc, Tchang Fou-jouei, làm, đồng thời có một "bibliographie" rất quan trọng của Timoteus Pokora, giáo sư ở Đại học Praha, cho thấy rõ vào thời điểm ấy ở phương Tây người ta đã dịch Sử ký như thế nào.

Đặc điểm nổi bật nằm ở chỗ: có rất nhiều người, kể từ Chavannes, dịch Sử ký, nhưng gần như tuyệt đại đa số đều tránh những gì Chavannes đã dịch, nghĩa là gần như chỉ tập trung vào các thiên cuối của "Thế gia" và phần "Liệt truyện". Ở thời điểm ấy, quan trọng hơn cả đã tồn tại là bản dịch tiếng Anh của Watson in năm 1961, gồm tổng cộng 66 thiên (không trùng Chavannes 51 thiên) và bản dịch Nga của Panasjuk in năm 1956 (17 chương).

Thư mục của Pokora rất kỹ lưỡng và chi tiết, đi theo từng thiên của Sử ký. Vài ví dụ:




Ở thời điểm cuối thập niên 60 này, lối phiên âm của Chavannes đã rất cổ lỗ. Thật ra, Chavannes phiên gần như theo một kiểu riêng.

Cứ như vậy, về sau nữa, trong tiếng Pháp bắt đầu có bản dịch các "liệt truyện" của Pimpaneau.

Đến tận năm 2015, trong tiếng Pháp lần đầu tiên mới có bản dịch Sử ký đầy đủ, gộp chung những gì mà Chavannes dịch từ cuối thế kỷ 19 với phần công việc của vài người sau này. Cái tên chung vẫn lấy như Chavannes. Có lẽ nào, cái giống Phú Lang Sa ấy quả thật cũng có hơn vài giống người khác ở một số phương diện, trong đó có phương diện đối xử với các "tiên khởi"?


Ở Việt Nam: Nhượng Tống-Phan Ngọc tiên khởi

Trong việc dịch Sử ký ở Việt Nam, Nhượng Tống và Phan Ngọc, cách nhau hơn chục năm, là "tiên khởi". Trước đó, chẳng hạn Phan Khôi cũng đã dịch vài thiên đăng báo. Cuối thập niên 60, Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê cũng cho in một bản dịch (sau cả Nhượng Tống và Phan Ngọc), một bản dịch rất không đáng nói, và trong đó có lời giới thiệu tuy rất dài nhưng cũng không có gì đáng nói nốt, có nhắc đến bản dịch tiếng Việt của Nhượng Tống, bản dịch tiếng Pháp của Chavannes và bản dịch tiếng Anh của Watson, trong khi đó, bản dịch của Phan Ngọc chỉ kèm một lời giới thiệu cực ngắn, nhưng vô cùng ý nghĩa: ngoài việc nói lên ý nghĩa đặc biệt của thiên "Lữ hậu bản kỷ" và thiên "Khổng Tử thế gia", Phan Ngọc còn có một nhận xét siêu hạng: trong thế giới phương Đông, mà Sử ký là một biểu hiện nổi bật, các nhân vật đã xuất hiện như thế nào, về sau sẽ không thay đổi nữa, trong khi ở thế giới phương Tây, mỗi tác giả lại tạo ra một nhân vật riêng, dẫu đó vẫn cùng là một nhân vật (ta có thể thấy điều này nếu xem Caligula hay Iphigénie, hay Antigone, xuất hiện như thế nào ở tác phẩm của các tác giả khác nhau). Nhận xét này thể hiện rõ cái nhìn "khu biệt" của Phan Ngọc, cũng là một điều xuất phát từ cấu trúc (ngoài "thao tác", "khu biệt" là một từ nữa của Phan Ngọc - có một từ không thành công (heureux) bằng, là "vượt gộp", ở đây Phan Ngọc muốn tạo ra một từ để diễn đạt cái ý trong "dépassement", nhưng "vượt gộp" đúng là không ổn).

Nhượng Tống và Phan Ngọc nối vào nhau để tạo ra một tiên khởi trong câu chuyện Sử ký. Hai nhân vật này cũng có mối liên hệ rất đặc biệt, ta sẽ nhìn kỹ hơn.

Lấy Sử ký và Đỗ Phủ làm trục, ta có Nhượng Tống và Phan Ngọc chính là hai người dịch Sử ký quan trọng nhất trong tiếng Việt, cũng lại là hai người dịch thơ Đỗ Phủ quan trọng nhất trong tiếng Việt. Trục này giống như một tấm gương, phản chiếu rất đẹp một mô hình: Nhượng Tống là người dịch Nam Hoa Kinh, trong lĩnh vực Lão Trang (rất nhất thiết, nếu muốn đi vào Sử ký), Phan Ngọc lại là người dịch và chú giải Đạo Đức Kinh. Trong tiếng Việt, có rất nhiều người dịch và chú giải Đạo Đức Kinh, nhưng đối với tôi, Phan Ngọc là quan trọng nhất. Khi quan niệm "vô vi" không phải "không làm" (trong tiếng Pháp, từ này về cơ bản được dịch thành "non-agir") mà là "làm cái không", Phan Ngọc đã mở ra cả một chân trời mới. "Vô vi" của Lão Tử, "làm cái không", giống như đối trọng với "nhất dĩ", "lấy cái một" của Khổng Tử.

phía của mình, Nhượng Tống là người dịch một tác phẩm cổ, Ly tao, và một tác phẩm mãi về sau, Tây sương ký, còn ở phía của mình, tác phẩm cổ mà Phan Ngọc dịch là đây:


Một bản dịch hết sức quan trọng nhưng rất ít được biết đến, Hàn Phi là nhân vật mà mãi gần hai nghìn năm sau ở phương Tây mới nảy sinh được một tương ứng, cuối thời Trung cổ: Machiavelli.

Tác phẩm không cổ lắm mà Phan Ngọc đã dịch, đối xứng với Tây sương ký chính là Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử.

Nhượng Tống và Phan Ngọc vừa là "vô vi" (làm cái không) vừa là "nhất dĩ" (lấy cái một), trong đó Sử ký của Tư Mã Thiên ở vị trí trung tâm then chốt.

Điều này không lạ, vì Tư Mã Thiên là nhân vật thâu tóm (đúng hơn, "thu nhiếp") cả một thời đại. Một nhân vật như thế rất lớn, rất đặc biệt, thỉnh thoảng lắm mới xuất hiện. Phương Tây có mấy con người này có thể so sánh được: Dante, Montaigne và Shakespeare. Họ "có lẽ là những con rồng chăng?" Nhượng Tống hay Phan Ngọc cũng "có lẽ là những con rồng chăng?"

Ở Việt Nam hay có chuyện các nhân vật đi thành cặp, gần nhau nhưng đồng thời cũng che khuất nhau, điều này tôi đã nói tương đối rõ ở kia. Ở riêng trường hợp Phan Ngọc, người đi thành cặp với Phan Ngọc chính là Cao Xuân Hạo: cặp Phan Ngọc-Cao Xuân Hạo. Việc người ta sùng bái Cao Xuân Hạo trong vòng hơn chục năm trở lại đây đã... à mà thôi, chuyện này dài, cắt riêng, nói sau.


Ái Đức Hoa Sa Uyển thế gia

Ái Đức Hoa Sa Uyển (Édouard Chavannes) sinh năm 1865, etc. Thôi, phần này cắt riêng, để khi nào viết cẩn thận.

Chavannes cũng là một "sư biểu". Đây là hai ấn bản một tác phẩm quan trọng của Marcel Granet, một học trò của Chavannes:


Victor Segalen, mà ta nói đến ngay từ đầu, cũng là một học trò của Édouard Chavannes. Dưới đây là vài bài thơ từ tập thơ Stèles (Bi ký), in lần đầu tại Trung Quốc:



đây, "sức mạnh của sự vắng"



27 comments:

  1. Công việc phiên dịch "Sử ký" của Chavannes được sự giúp đỡ của Đường Phục Lễ, tham tán tại đại sứ quán Pháp lúc bấy giờ.

    ReplyDelete
  2. một người Trung Quốc quốc tịch Pháp à? người TQ mà làm tham tán tại toà đại sứ Pháp thì cũng lạ đấy

    mấy chỗ thấy chỉ nói đó là một tay có học sống ở Bắc Kinh

    ReplyDelete
    Replies
    1. Sorry, là do tớ diễn đạt không rõ ràng. Chính xác phải là: ông Đường Phục Lễ từng làm tham tán của sứ quán Trung Quốc đặt tại Pháp. Đường Phục Lễ cũng là một học giả của Trung Quốc cuối đời Thanh.

      Delete
  3. Chavannes và Đường Phục Lễ gặp nhau tại Trung Quốc. Có thể vì Đường Phục Lễ giỏi tiếng Pháp, từng đi sứ ở Pháp nên thuận tiện trong việc giúp Chavannes dịch "Sử ký". Người Trung Quốc đánh giá cao ba nhân vật: Chavannes, Paul Pellilt và Marcel Granet, như những người có cống hiến to lớn nhất trong việc truyền bá văn học cổ điển Trung Quốc tại Pháp.

    ReplyDelete
  4. Paul Pelliot, đây là nhân vật quan trọng liên quan đến "di chỉ Đôn Hoàng"

    cả Pelliot lẫn Granet đều là học trò của Chavannes; hình như ở Việt Nam chủ yếu chỉ Granet được biết đến nhiều, cùng Maspéro?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Úi giời, lại chẳng. Ông này rất kinh. Ông này đến Đôn Hoàng điều tra, rồi bỏ tiền mua rất nhiều tuyệt phẩm (khoảng hơn 2000 quyển) thuộc di chỉ Đôn Hoàng mang về Pháp. Mang về Pháp nghiên cứu công bố ở Pháp chưa đã, lại sang Trung Quốc mang ra khoe với mấy ông học giả đầu thế kỷ XX của Trung Quốc. Mấy vị học giả Trung Quốc này lúc ấy mới trợn tròn mắt lên ố á về di thư của Đôn Hoàng. Cũng vì thế ông ấy bị gán luôn tội ăn cướp cổ vât. Bọn Trung Quốc gọi ông ấy là "gián điệp văn hoá của chủ nghĩa đế quốc". Nhưng nói thật, nếu ông ấy mà không mang về Pháp thì Trung Quốc giờ này có còn di thư Đôn Hoàng vào mắt ấy mà nghiên cứu :)))))))

      Delete
  5. aha, thế để hôm nào kể chuyện anh Malraux ăn cắp cổ vật Angkor, bị tóm, may có vợ về Pháp nhờ vả chạy vạy khắp nơi, còn tuyệt thực phản đối, sau mới được di lý sang Sài Gòn và gần như là thoát hehe

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ở Việt Nam thì có trường hợp của Gaspardone. Ông này có vợ người Nhật, là cộng tác viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ. Thời gian hai vợ chồng ông ấy sống ở Việt Nam, Gaspardone đã thu mua rất nhiều thư tịch Hán Nôm ở khắp các địa phương mà ông ấy đi công tác. Nếu không mua được thì thuê người sao chép lại. Số sách ấy theo ông ấy về Pháp. Rồi vì ông ấy chọn Nhật Bản (quê vợ) làm nơi định cư cuối đời nên thư tịch Hán Nôm Việt Nam lại theo ông ấy sang Nhật. Nhật ký của vợ ông ấy kể là: ông ấy đem theo 10 tấn sách trên tàu từ Marseille tới Kobe. Đó là lí do vì sao ở Nhật Bản hiện giờ còn lưu giữ rất nhiều thư tịch Hán Nôm của Việt Nam, trong đó có rất nhiều "thiện bản", có nhiều bản còn xịn hơn cả bản đang lưu trong kho sách của Viện Hán Nôm :P

      Delete
  6. Chen vào giữa những cái “còn nữa, rất dài” nhân đang đọc Sử ký mới. 1: Hóa ra có những hai Hàn Tín. 2: thuật ngữ 500 anh em đã có từ rất rất lâu. Ít nhất là manh nha từ thời Điền Đam :)

    ReplyDelete
  7. ặc, đọc Hạng Vũ bản kỷ là đã rất rõ có hai Hàn Tín rồi còn gì, cần gì phải đọc Sử ký "mới"

    ReplyDelete
  8. là bởi vì, ai cũng ước ao, ham muốn, thèm thuồng, một cuộc chiến

    ReplyDelete
  9. Em mong chờ bài viết về con người kỳ diệu Phan Ngọc

    ReplyDelete
  10. Cậu ơi, phương Tây nó có cái thuật ngữ nào để chỉ bút pháp chép sử của Plutarque không? Còn bút pháp chép sử trong "Sử ký" của Tư Mã Thiên vẫn là "Xuân Thu bút pháp", chủ về bao biếm. Về mối quan hệ giữaTư Mã Thiên và Khổng Tử thì rất rõ rồi. Tư Mã Thiên trong "Thái sử công tự tựa" chẳng đã nói rõ ràng cái ý "kế Xuân Thu vi kỉ nhiệm", và suy tôn Lục Kinh còn gì. Tại sao lại là "kế Xuân Thu"? Vì trong tất cả các bộ kinh thư do Khổng Tử san định, Khổng Tử đã từng nói: "Tri ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ? Tội ngã giả kỳ duy Xuân thu hồ". Kinh Xuân Thu với Khổng Tử là vô cùng quan trọng. Cái chí "kế Xuân Thu" của Tư Mã Thiên là nằm ở chỗ í.

    ReplyDelete
  11. nầu nầu có định nói chuyện ấy đâu

    cách viết của Plutarque thì về cơ bản ở trên miêu tả rồi, một thời gian rất dài bộ của Plutarque bị lãng quên hoàn toàn đấy

    ReplyDelete
  12. Đọc quyển Thượng phần liệt truyện (bản dịch đầy đủ Sử Ký, do Nhã Nam thực hiện), một số chỗ thấy gợn. Chẳng hạn như phần Thưởng Ưởng, không rõ do người dịch hay lỗi đánh vi tính...

    ReplyDelete
  13. Vừa đọc lại Ngũ luân thư xong,nay lại thấy "thế" với "nhịp", chẳng sướng lắm ru?

    Lovecraft's fan

    ReplyDelete
  14. "bất diệc lạc hồ" :p

    thấy bác lại nhớ ra một lời hẹn còn chưa thực hiện, từ giờ đến Tết ta tôi sẽ làm điều đó nhé hehe

    ReplyDelete
  15. anh cho em hỏi, tại sao các vua triều Nguyễn ở VN và Thanh TQ thường người ta gọi bằng niên hiệu (Minh Mạng, Thiệu Trị...) mà ko gọi bằng miếu hiệu (Nguyễn Hiến Tổ, Thánh Tổ...) như các đời khác?
    hay là do cả đời họ chỉ dùng 1 niên hiệu duy nhất?

    ReplyDelete
  16. ừ nhỉ, sao lại thế nhỉ?

    ReplyDelete
  17. Thường người ta giải thích như vậy, nhưng không chắc đúng với nguyên ủy. Trần Trọng Kim soạn Việt Nam sử lược vẫn gọi các vua Nguyễn bằng miếu hiệu.

    ReplyDelete
  18. lấy ví dụ TTK thì quá dở: TTK viết bộ sách khi vẫn còn Nam triều, đương nhiên phải theo đúng thể thức

    ReplyDelete
  19. haiz, anh biết mà chơi giấu không chịu nói )):
    thôi e hỏi nốt luôn, sao đột nhiên các cụ ấy lại không còn khoái chuyện đổi niên hiệu nữa? không "hên" nữa à :D

    ReplyDelete
  20. Quang Toản có một lần đổi niên hiệu nhưng người ta vẫn cứ gọi vua Cảnh Thịnh.

    ReplyDelete
  21. Vừa lôi Sử ký - Nhữ Thành ra xem lại, chắc p bố trí nhiều thời gian để đọc lại. Sách Tàu đầu tiên, với mình, cũng là Thủy Hử, tới giờ vẫn đọc đủ danh sách tên hiệu ba chú Thiên cương tinh. Bộ sách đầu tiên được tặng là Nhạc Phi, nhớ ko lầm thì là sn năm lớp 4, đem nó trao đổi với Bí mật mộ Khổng Minh của cu hàng xóm nhà đối diện, khi vác về nó xé mất mấy trang hay ho :( Nghĩ tới giờ vẫn cay. Không biết Sỷ ký của Nhượng Tống có dễ tìm mua ko nhỉ?

    ReplyDelete
  22. Bí mật mộ Khổng Minh đọc sợ vãi

    Sử ký bản Nhượng Tống gần như chắc chắn không thể tìm được; anw, cũng giống Nam Hoa kinh, với Sử ký Nhượng Tống sử dụng Lâm Tây Trọng

    ReplyDelete