Feb 1, 2024

Montaigne: Về các câu thơ của Virgile

(tiếp tục "Hai mươi năm dịch thuật (phần tiếp theo)""La Bruyère")


Montaigne: Virgile không chỉ đưa Dante đi mà cũng trở thành đối tượng bình luận cho Montaigne.

Trong địa hạt Montaigne, bản thân văn bản đã là một việc quá khó và lằng nhằng, cho nên tốt nhất là tạm lờ nó đi, vào lúc này - luôn luôn có thể trở lại chuyện ấy sau. Bài (tức là "essai": Montaigne là người đặt ra từ "essai") dưới đây nằm trong Livre III, tức là phần cuối của Essais.



[sẽ có rất nhiều dấu hai chấm: đừng quá chú ý đến chúng; Montaigne dùng rất nhiều dấu hai chấm, thường chúng không đặc biệt muốn nói gì]


Về các câu thơ của Virgile

Montaigne


Các suy nghĩ hữu ích càng đầy và chắc thì chúng cũng càng siết chặt và nặng hơn. Tật xấu, cái chết, sự nghèo, các bệnh, là những chủ đề nghiêm trọng, và chúng đè nặng. Cần phải có tâm hồn được dạy cho các phương cách nhằm chịu được và chiến đấu chống lại những cái xấu, và được dạy cho các quy tắc về sống tốt, và về tin chắc, và thường đánh thức cùng luyện tập cho nó trong nghiên cứu thật đẹp ấy: Nhưng đối với một tâm hồn thuộc dạng chung, việc này cần được thực hiện lỏng tay và có chừng mực: Nó thấy mệt nếu cứ bị căng ra suốt. Hồi còn trẻ, tôi từng cần chú tâm và loay hoay thì mới giữ được mình ở trong nghĩa vụ: Sự phơi phới và sức khỏe không phù hợp lắm, người ta bảo, với những ngôn từ nghiêm túc và thông thái của nó. Giờ đây tôi ở vào một trạng thái khác. Các điều kiện của tuổi già còn quá mức khiến tôi chú tâm, chúng tác động mạnh lên tôi và rao giảng cho tôi rất nhiều. Từ nỗi quá đà về sự vui tươi, tôi đã rơi vào sự quá mức của nghiêm khắc: hay cáu kỉnh hơn. Do vậy vào lúc này tôi cố ý tự bỏ mặc mình một chút cho sự tùy tiện. Và thỉnh thoảng dùng tâm hồn cho những ý nghĩ điên rồ và trẻ trung, nơi nó được nghỉ ngơi. Kể từ nay tôi là người quá bình lặng, quá nặng, và quá nẫu. Các năm dạy cho tôi, vào mọi ngày, về sự lạnh lùng, và về sự mực thước: Cơ thể này chạy trốn sự loạn đả và e sợ nó. Đến lượt mình nó hướng lối tinh thần về phía cải tổ. Đến lượt mình nó cai quản: thẳng tay hơn và cuồng nộ hơn. Nó không để cho tôi được lấy một tiếng đồng hồ nào, cả trong lúc ngủ lẫn khi thức, thiếu đi sự dạy dỗ, cái chết, lòng kiên nhẫn, và sự ăn năn. Tôi tự vệ chống trả sự mực thước, giống xưa kia tôi từng chống trả khoái cảm: Nó kéo tôi về đằng sau quá nhiều, cho tới tận sự ngây độn. Thế nhưng tôi muốn là ông chủ của tôi, bằng tất tật các cách thức. Sự thông thái có những quá đà của nó: và không kém cần chừng mực hơn so với sự điên rồ: Do đó vì sợ tôi bị khô đi, cạn mất, và chất quá nặng sự thông thái, trong các quãng giãn cách mà những nỗi khổ của tôi còn trao cho tôi,

Mens intenta suis ne siet usque malis,

[Vì sợ tâm hồn tôi lúc nào cũng bận bịu với những nỗi khổ của nó]

tôi lẩn đi hết sức lén lút, và dịch cái nhìn của mình đi khỏi bầu trời giông gió và phủ đầy mây kia, mà tôi có trước mặt tôi: Nó, ơn Chúa, thì tôi nhìn chẳng hoảng sợ gì, nhưng không phải là không kèm nỗ lực và sự tập trung: Và chuồn đi mà vui thú với kỷ niệm về các tuổi trẻ đã qua,

animus quod perdidit optat,

Atque in proeterita se totus imagine versat.

[tâm hồn tôi ham muốn những gì nó đã đánh mất và lặn hẳn vào hình ảnh của quá khứ]

Tuổi thơ thì nhìn về phía trước nó, còn tuổi già thì phía sau: Đấy có phải là điều mà hai khuôn mặt của Janus biểu nghĩa? Các năm lôi kéo tôi đi nếu chúng muốn, nhưng là đi giật lùi: Ngang với mức mắt tôi có thể nhận ra cái mùa đẹp đã tịn kia, tôi quay chúng về phía đó nhiều lần liền. Nếu nó vuột đi mất khỏi máu tôi và những tĩnh mạch của tôi, thì ít nhất tôi không muốn nhổ rễ hình ảnh của nó đi khỏi ký ức,

hoc est,

Vivere bis, vita posse priore frui.

[nếu có thể tận hưởng cuộc đời đã qua của ta, thì đấy là được sống hẳn hai lần]

Platon ra lệnh cho các ông già phải dự phần vào những tập luyện, nhảy múa và trò chơi của tuổi trẻ nhằm hưởng lấy nơi người khác sự uyển chuyển cùng vẻ đẹp cơ thể vốn không còn ở họ nữa: và ra sức nhớ lại sự duyên dáng và ân sủng của độ tuổi nở rộ đó. Và muốn rằng trong các sôi nổi ấy họ trao vinh dự của chiến thắng cho chàng thanh niên nào làm vui và khiến sung sướng nhiều người trong số họ hơn cả. Xưa kia tôi hay đánh dấu những ngày nặng nề và tối tăm, như là ngoạn mục: chúng lại là những ngày bình thường của tôi: Những ngày ngoạn mục, ấy là những ngày đẹp trời và thanh thản. Tôi sớm rơi vào trạng thái run rẩy, như bởi một ân sủng mới, những khi nào không có điều gì gây đau đớn cho tôi. Có ngọ nguậy mấy đi nữa, thì tôi cũng không còn có thể sớm giật được một nụ cười khốn khổ từ cơ thể tệ hại này. Tôi chỉ vui được trong trí tưởng tượng và trong mơ mộng, nhằm dùng mưu mẹo mà vòng tránh khỏi nỗi sầu muộn của tuổi già. Nhưng chắc hẳn là phải có phương thuốc khác ở đó, chứ không chỉ mơ mộng: Tranh đấu thật yếu, của nghệ thuật chống lại tự nhiên. Thật là một sự xuẩn lớn nếu cứ nắm thượt ra và đẩy trước, như ai cũng làm, các điều bất tiện của con người. Tôi thích mình già ít thời gian hơn so với bị già trước khi già. Cho tới tận những cơ hội cho khoái lạc nhỏ nhất mà tôi có thể gặp được, tôi đều nắm chặt lấy chúng. Nhờ nghe nói mà tôi biết rõ nhiều loại khoái cảm thận trọng, mạnh và vinh quang: nhưng ý kiến không thể tác động đủ mạnh lên tôi để làm cho tôi nếm được những cái đó. Tôi không muốn chúng hào hiệp, tuyệt diệu và tráng lệ cho bằng muốn chúng ngọt dịu, dễ dàng và sẵn sàng. A natura discedimus, populo nos damus, nullius rei bono auctori [Chúng ta rời xa khỏi tự nhiên; chúng ta giao mình cho dân chúng, vốn chẳng bao giờ là hướng dẫn viên tốt]. Triết học của tôi nằm trong hành động, trong sự sử dụng tự nhiên và hiện tại: rất ít trong trí tưởng tượng. Cầu mong cho tôi thích thú khi chơi các trò của trẻ con [chơi bi, chơi quay chẳng hạn].

Non ponebat enim rumores ante salutem.

[Anh ta đã không đặt những đồn thổi của dân chúng cao hơn sự cứu chuộc của Nhà nước]

Khoái cảm là phẩm chất ít tham vọng. Nó tự cho là mình đủ giàu có tự thân, mà không trộn lẫn vào đó giá của danh tiếng: và tự yêu mình trong bóng tối hơn. Hẳn cần phải quật roi vào một chàng thanh niên, người mất thời gian của mình để phân biệt vị của rượu vang, và các thứ nước xốt: Không có gì tôi từng biết ít hơn, và ít coi trọng hơn. Lúc này tôi học được cái đó: Tôi rất xấu hổ vì thế, nhưng phải làm gì đây? Tôi còn thấy xấu hổ và tê tái hơn, nhiều động cơ thúc đẩy tôi thành ra như vậy. Cho chúng ta, việc mơ mộng và bỏ thời gian cho các phù phiếm, và cho tuổi trẻ, việc hiến mình cho chuyện tạo dựng danh tiếng cùng vị thế xã hội. Nó đi về phía thế giới, về phía uy tín, chúng ta thì từ đó đi tới.


4 comments:

  1. muốn đọc thơ của Virgile, Virgile ở Việt Nam là quyển nào ạ?

    ReplyDelete
  2. “Ngang với mức mắt tôi có thể nhận ra cái mùa đẹp đã tịn kia” (tịn có nghĩa là tắt, là qua đi ạ?)

    ReplyDelete
  3. hồng liên trì đã tịn mùi hương

    ReplyDelete
  4. vâng, cảm ơn anh đã giải đáp

    ReplyDelete