Bài viết của anh Đinh Bá Anh, “Kim Trọng - nhân vật văn
chương vĩ đại của Nguyễn Du”, muốn chứng minh rằng Kim Trọng (đại diện cho chữ
Tâm, trong khi Kiều đại diện cho chữ Trinh) mới là hóa thân của Nguyễn Du (chứ
không phải người khác, ví dụ như Từ Hải, và bản thân Thúy Kiều), và nhân vật ấy
phải được hiểu là một nhân vật văn chương vĩ đại. Với tôi, bài viết này, mặc dù
có những điểm hay, thể hiện một cách đọc Kiều
còn tệ hại hơn là khiên cưỡng. Sự tệ hại này một phần lớn bắt nguồn từ một số lỗ
thủng về hiểu biết mà tôi chỉ có thể gọi là trầm trọng, vì có những điều sai ở
mức độ hết sức căn bản.
“Trong Đoạn trường tân
thanh có một nhân vật gây cảm giác mờ nhạt, ít được phân tích, và chưa bao
giờ được đánh giá đúng” [tức là Kim Trọng]
Điều này nhìn qua không hề sai.
Tôi nhớ đến những bài thơ mỉa mai Kim Trọng một cách thậm tệ.
Trong truyền thống thơ vịnh Kiều (mà Nguyễn Văn Y, một nhà sưu tầm sách cự
phách, về nhiều phương diện còn đáng ngưỡng mộ hơn Vương Hồng Sển, đã tập hợp
trong gần 600 trang sách in đầu thập niên 70 ở Sài Gòn; công trình ấy ngốn mất
chừng chục năm của ông Y), Kim Trọng có thể bị làm thơ vịnh như hai bài sau đây
của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm:
Công tử Liêu Dương đó phải không
Cỏ pha màu áo tính lông bông
Mượn điều du học dồn chân ngựa
Gặp tiết thanh minh tõi bóng hồng
Bẻ khóa rút thoa làm đã bậy
Vào sinh ra tử nói thì ngông
Ví chăng lúc ấy Từ còn sống
Đánh cuộc chàng Kim có dám xông
Liêu Dương cách trở mấy quan hà
Du học gì đâu nói dối cha
Cặp sách túi đàn vai tớ nhẹ
Xuân lan thu cúc mắt thầy hoa
Được tin chú mất coi hờ hững
Nghe nói nường đi khóc thướt tha
Hội mở trường văn may trúng tủ
Trâm anh cũng nổi tiếng con nhà
Các nhà nho rất thích chế nhạo Kim Trọng, dưới đây là bài của
Hương Sơn cư sĩ Nguyễn Hữu Khanh:
Trạng mạo, phong tư thế thế mà
Văn nhân sao lại thói trăng hoa
Chỉ quen phong nhã nghề chim gái
Chẳng giữ trâm anh cái nếp nhà
Án bút phòng văn thời lạnh ngắt
Túi đàn cặp sách khéo lân la
Trong hiên Lãm Thúy tròn hai tháng
Bẻ được trên đào một chiếc thoa
Còn đây là bài thơ vịnh của Huyền Mặc đạo nhân, mà ai rành
Phan Khôi đều biết. Phan Khôi từng đụng trận với Huyền Mặc đạo nhân, và đã làm
cho ông “đạo nhân” này, tuy lấy hiệu “Huyền Mặc” nhưng lại phát điên nói rõ nhiều,
và càng nói càng dại, khiến Phan Khôi dễ dàng chiếm tiên cơ:
Một bực thông minh sẵn tính trời
Bóng hồng nó ám hóa mê đời
Đa mang quán khách sương pha tóc
Thiểu não phòng văn giá lạnh hơi
Hoa rụng đã từng màu phấn lợt
Hương thừa còn vướng chút thơm rơi
Xuân huyên xiết để lòng lo sợ
Chín chữ coi khinh nặng một lời
Nhiều người coi Kim Trọng chẳng ra gì, và điều Đinh Bá Anh
nói (rằng người ta toàn đánh giá sai chàng Kim) rõ ràng rất có lý. Các nhà nho
hay coi anh chàng Kim Trọng học hành thì lười nhác, phòng văn để lạnh lẽo, dối
cha lừa mẹ, chỉ chăm chăm đi chim gái. Đã thế rồi, con gái nhà người ta băng
thanh ngọc khiết, thế mà chàng định đè ra làm bậy (Xem trong âu yếm có chiều lả
lơi).
Nhưng nói vậy là phiến diện. Lịch sử bình luận Kiều hai trăm năm vừa rồi không tầm thường
đâu. Khó tìm ra điều gì còn chưa được bàn tới bàn lui và có những dấu ấn lớn lắm
(tất nhiên là dấu ấn đối với những ai từng thực sự khảo lại cái lịch sử phong
phú này). Kim Trọng là nhân vật quan trọng của Kiều, không có lý gì mà lại chưa từng có ai phân tích thấu đáo (các
nhân vật phụ hơn nhiều còn được bình luận kỹ càng, ví dụ như bà quản gia nhà Hoạn).
Rất nhiều người đã bình luận về Kim Trọng, và không phải lúc nào chàng Kim cũng
bị dìm xuống như trong mấy bài thơ tôi trích lục trên đây. Tôi chỉ tập trung
vào một bài viết rất kỹ càng về vấn đề này: bài riêng về nhân vật Kim Trọng của
giáo sư Phạm Văn Diêu đăng trên tạp chí Văn
hóa nguyệt san số 62 năm 1961. Phạm Văn Diêu là một giáo sư văn học, có không ít trước tác.
Tạp chí Văn hóa nguyệt
san là tờ này:
Vì chưa lục ra được chính xác số Văn hóa nguyệt san đăng bài về Kim Trọng của Phạm Văn Diêu nên tôi
sẽ sử dụng bài viết ấy sao lục trong quyển sách rất dày này:
(200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều, Lê Xuân Lít biên soạn, in năm 2005, một quyển sách nhìn chung rất đứng đắn, còn quyển màu xanh là Thư mục về Nguyễn Du của Lê Ngọc Trụ và Bửu Cầm, in ở Sài Gòn trước 1975, quyển này là một trong ba thư mục lớn mà Lê Xuân Lít sử dụng lại, ngoài danh mục của Phạm Đan Quế và những nghiên cứu riêng của Lê Xuân Lít)
Phạm Văn Diêu rất ưu ái Kim Trọng, mở đầu bài đã viết như
sau:
“Trong Truyện Kiều,
Kim Trọng là chàng công tử thư sinh “văn chương nết đất”, “thông minh tính trời”,
theo đòi nghiệp bút nghiên, đeo đuổi đạo lý thánh hiền. Chàng có một cái bề
ngoài làm cho con người chàng càng thêm vẻ hấp dẫn, thêm khả ái, nó là một chất
yêu đương làm cho người ta tự thấy mình phải mến yêu ngay từ khi mới bắt đầu biết
chàng” (tiếp theo trích 6 câu trong đoạn miêu tả Kim Trọng buổi gặp Thúy Kiều)
(200 năm…, tr.1107).
Trước Đinh Bá Anh hơn nửa thế kỷ, Phạm Văn Diêu đã có kết luận
về cơ bản là giống kết luận của Đinh Bá Anh:
“Tổng chi, bằng Kim Trọng, Nguyễn Du thực tình đã tạo ra một
nhân vật “nòi tình”, yêu tha thiết và tuyệt đối chung thủy, trong tình yêu phần
tinh thần lấn át, trội hơn nhục dục, tình yêu thường đi đôi với kính nể, mà cảm
xúc thì tế nhị vô song, tưởng chừng như tâm hồn toàn làm bằng những dây tơ rất
nhỏ, tế vi sẵn sàng run rẩy trước mỗi chuyện động của áng hương thơm thắm thiết,
của làn gió thoảng mơ hồ. Ta có thể tìm thấy ở Kim Trọng cái hình ảnh trọn vẹn
của Nguyễn Du thư sinh phong lưu tài tử, hình ảnh của Nguyễn Du thi sĩ đa tình
tài hoa mà năng lực cảm xúc vô cùng tế nhị sâu sắc để lại những nỗi niềm yêu
đương, những tương tư mong nhớ dạt dào bất hủ trong văn chương Truyện Kiều, trong văn chương Việt Nam
xưa vậy.” (200 năm…, tr.1115)
“Ta có thể tìm thấy ở Kim Trọng cái hình ảnh trọn vẹn của
Nguyễn Du”: có phải Kim Trọng “chưa bao giờ được đánh giá đúng” (tất nhiên là
“đánh giá đúng” theo cách hiểu của Đinh Bá Anh) đâu, mà là Đinh Bá Anh không hề
biết người khác từng bàn nát một điều mà anh tưởng là mới đấy chứ. Thật kỳ lạ,
cả cái ý của Đinh Bá Anh cho rằng các nhân vật (nam) khác thì như con rối, chỉ
Kim Trọng mới giống người, thì Phạm Văn Diêu cũng đã nói rồi: “Kim Trọng thực
ra không phải là một sự bịa đặt. Kim Trọng là một người bằng xương thịt, là con
người đa tình phong lưu, cảm xúc rất sâu sắc vốn có thực trong Nguyễn Du” (200 năm…, tr.1113). Thật ra điều này
không có gì lạ, vì một khi đã đặt Kim Trọng là đối tượng phân tích chính, người
ta sẽ dành ưu ái quá mức cho chàng và sẽ đi vào những con đường hao hao nhau
thôi. Bởi vì: ở Kim Trọng, có gì khác để mà phân tích nữa đâu?
Nhưng Phạm Văn Diêu không tự mâu thuẫn với chính mình như
Đinh Bá Anh. Phạm Văn Diêu không đặt đối lập Kim Trọng với các nhân vật (nam)
khác trong Kiều, tuy rằng cũng coi
Kim Trọng chính là hóa thân của Nguyễn Du. Tôi cũng phải nói thêm rằng, Đinh Bá
Anh lúc đầu nói Kim Trọng đúng là người trong khi các nhân vật khác chỉ là con
rối, thì ở những đoạn sau của bài, khi miêu tả Kim Trọng trong mối quan hệ với
Kiều, thì cách miêu tả của Đinh Bá Anh lại cho thấy đích thị Kim Trọng mới là một
con rối.
Các nhà nho thích làm thơ bình luận Kiều không phải lúc nào cũng chăm chăm hạ thấp Kim Trọng, như bài
dưới đây của Nhàn Vân Đình cho thấy Kim Trọng là một con người kiệt xuất, rất
đáng trân trọng:
Cặp sách chen tay lẫn phiếm đàn
Đề huề lưng túi gió trăng chan
Tài hoa phú quý con nhà nếp
Phong nhã hào hoa cái nước nhàn
Âu yếm duyên trời hai tấm nợ
Dồi dào lộc chúa một ngôi quan
Vườn xuân hòe quế bia còn rạng
Lạ tuyệt tao phùng khác thế gian
Tôi đã cố tình trích dẫn không ít thơ, vì trong lịch sử đọc Kiều, các bài thơ vịnh chính là một hình
thức bình luận, lịch sử bình luận Kiều
không thể bỏ qua các bài thơ, cũng như những lời đề tựa, mặc dù ta sẽ phải bắt
gặp những cái tên rất lạ, như Tiên Phong Mộng Liên đường chủ nhân, Phong Tuyết
chủ nhân Thập Thanh Thị (hay được gọi tắt là Thập Thanh Thị), Thiên Hoa Tàng chủ
nhân, rồi một loạt danh gia như Chu Mạnh Trinh, Phạm Quý Thích, Đào Nguyên Phổ.
Có lúc họ viết thơ, có lúc họ viết văn xuôi, và nếu không đọc quen ta sẽ chẳng
hiểu họ định nói gì, nhưng nên cố hiểu họ nói gì: họ hiểu rất nhiều điều, không
hề tầm thường đâu. Trong khoảng một trăm năm, các nhà nho đã phân tích Kiều đến nỗi có những loạt thơ vịnh đến
ba mươi bài, bàn từng chi tiết nhỏ, tất nhiên chẳng hề bỏ qua chàng Kim Trọng.
Từ đây, từ một quá khứ tương đối cổ xưa, với một vẻ mơ hồ bề
ngoài (nhưng ở bên trong chứa đựng không ít điều kiệt xuất) mà tôi muốn bình luận
đến một câu rất theo chốt trong lập luận của Đinh Bá Anh:
“Qui luật tâm lí vốn phổ biến như vậy, cớ gì Nguyễn Du lại
ngược đời hơn các vị kia, lại tìm thấy hóa thân của mình trong Thúy Kiều chứ
không phải trong một nhân vật nam nào khác?” (Adam chứ không phải Eva là hóa
thân của Thượng đế, Faust chứ không phải Gretchen mới là hóa thân của Goethe,
Humbert Humbert chứ không phải Lolita mới là hóa thân của Nabokov, Giả Bảo Ngọc
chứ không phải Lâm Đại Ngọc mới là hóa thân của Tào Tuyết Cần - theo Đinh Bá
Anh; ở đây tôi xin đặt một nghi vấn lớn về trường hợp Hồng lâu mộng, tôi không tin điều Đinh Bá Anh nói là đúng).
Một câu này thôi đã cho thấy Đinh Bá Anh đã viết bình luận Kiều mà tuyệt đối không có hiểu biết gì
về truyền thống cổ điển của văn chương Việt Nam, mà cụ thể là thơ cổ của Việt
Nam. Không chỉ tưởng (và tưởng sai) cái sự “Kim Trọng mới là hóa thân của Nguyễn
Du” là một điều mới mẻ, Đinh Bá Anh còn không hiểu đến cả một đặc điểm nằm ở mức
sơ đẳng. Anh Đinh Bá Anh hãy hỏi bất kỳ một chuyên gia văn học trung đại Việt
Nam nào (nên hỏi một ai đó ít dùng facebook, hoặc tốt hơn nữa là không hề biết
facebook là cái gì), họ sẽ nói cho anh biết các nhà thơ nam thường xuyên lấy giọng
nữ, chuyện này hiển nhiên đến mức chẳng ai đặt ra vấn đề hết cả. Hoặc giả, còn
đơn giản hơn nữa, anh hãy lấy Cung oán
ra đọc: đó là một trường hợp rất “cực hạn”, tuyệt đối không có lấy một nhân vật
nam nào; theo như lập luận của anh, thì có lẽ phải đào tung tập thơ ấy lên để
tìm một nam nhân nào trốn lấp ló ở đâu đó mà chưa ai nhìn ra, để có thể là hóa
thân của Ôn Như Nguyễn Gia Thiều.
Thêm nữa, chuyện Faust
đem vào đây thật là phản tác dụng: đương nhiên ở đó Goethe lấy nhân vật chính
là Faust, và nếu tôi nhớ không nhầm, mãi đến câu thơ ngoài 2000 (trên tổng số
hơn 12.000 câu), trên đường lãng du nếm trải mùi đời cùng Mephisto, Faust mới lần
đầu tiên thoáng thấy hình ảnh giai nhân. Chuyện chẳng có gì liên quan hết cả.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa: lịch sử bình luận Kiều ở Việt Nam không hề tầm thường, thậm
chí tôi còn dám chắc rằng rất nhiều thứ sáng sủa nhất của lịch sử phê bình văn
học Việt Nam nằm xung quanh cái cô Kiều này. Và rất khó, thực sự khó, có thể nói
được điều gì độc đáo.
Bản thân tôi, khi viết một thứ đơn giản như mới đây, về chuyện
cần phải đọc Kiều chung với Thập loại chúng sinh (đấy là còn chưa nói
đến thơ chữ Hán) (xem ở đây), thì tôi cũng đã phải cố gắng để triển khai ý tưởng theo một
con đường riêng, vì cái sự cặp đôi Kiều
và Thập loại chúng sinh ấy cũng đã
lác đác được đặt ra, và tập trung rất mạnh mẽ ở bài viết “Cửa vào Đoạn trường tân thanh” của Thanh Tâm Tuyền
in năm 1971 trong sách Chân dung Nguyễn
Du.
Thanh Tâm Tuyền cũng lưu ý là cần phải xem rất kỹ những người
cùng thời với Nguyễn Du từng bình luận Kiều:
“Đọc lại những bài viết về Tố Như của kẻ đồng thời, tôi thấy người ta hiểu Tố
Như hơn những kẻ sinh sau” (những Mộng Liên đường, Thập Thanh Thị, Thiên Hoa
Tàng, Phạm Quý Thích cực kỳ xuất sắc). Những đoạn quan trọng nhất trong bài của
Thanh Tâm Tuyền:
“Văn tế thập loại
chúng sinh giống như một Divine
Comédie thu nhỏ, ở đây Nguyễn Du là thi sĩ dẫn đường đưa chúng ta vào cõi
âm [Thanh Tâm Tuyền đã nhìn ngay ra tác phẩm xứng đáng được đặt so sánh với
Nguyễn Du nhất: là Dante chứ không phải Goethe, tất nhiên đừng ngớ ngẩn đến mức
xoay ra lý luận về Dante với cả Beatrice]. […] Cái cảnh địa ngục lẩn khuất ở trần
gian ấy phải chăng nó chỉ mới có trong thế kỷ XVIII? Không, những oan hồn mà chúng
ta gặp đó, chúng kêu khóc đã từ ba trăm năm rồi (có thể hơn thế nữa) và bây giờ
mới có một người nghe thấy và thấy chúng. Cũng như Dante, Nguyễn Du đã dẫn
chúng ta vào cõi âm để nhìn cho rõ bộ mặt thực của xã hội, của kiếp sống. […]
Nhưng nếu ở Nguyễn Gia Thiều [Thanh Tâm Tuyền cũng thấy là phải đặt Nguyễn Du cạnh
Ôn Như, điều đó theo tôi là hiển nhiên] cái kiếp tang thương khiến cho con người
cô đơn, tuyệt vọng, bi phẫn đòi chống lại định mệnh một cách bướng bỉnh vô ích,
thì ở Nguyễn Du là một sự chấp nhận lặng lẽ và can đảm tìm về một chút hy vọng
gần gũi ở kiếp sống dù mong manh. […] Phải nhận định được rằng lòng nhân đạo mới
chính là nguồn động lực khiến Nguyễn Du viết Đoạn trường tân thanh cũng như Văn
tế thập loại chúng sinh. Và Đoạn trường
tân thanh chỉ là sự phóng lớn của Văn
tế thập loại chúng sinh mà thôi. Tôi không thể hiểu tại sao người ta lại
cho rằng Nguyễn Du viết hơn ba ngàn câu thơ Kiều
để ký thác tâm sự - cái tâm sự của kẻ tôi trung phải thờ hai chúa (?), của kẻ
chiến bại - đâu phải dài dòng như thế, một bài tứ tuyệt là quá đủ […] Cái đau
khổ riêng tư có thể làm nên những nhà văn tài mọn, không làm ra thiên tài; với
thiên tài, mối đau khổ riêng chỉ mở đường cho người vào gặp cái mối đau khổ rộng
lớn, tâm sự cá nhân phải trở thành tâm sự thời đại, ý thức cá nhân phải gặp ý
thức thời đại và hơn nữa, muôn thuở. Muốn đạt tới chóp đỉnh nghệ thuật trong Đoạn trường tân thanh, ngòi bút của Nguyễn
Du phải đang đuổi theo một hình bóng gì to lớn hơn chính mình, cái hình bóng ấy
chính là một cuộc đời đoạn trường bạc mệnh không phải là của người.”
Tôi trích dẫn Thanh Tâm Tuyền dài để nói một ý này: thiên
tài thì nhìn ra thiên tài. Đặc biệt quan trọng trong những gì Thanh Tâm Tuyền
viết, ngoài việc phải đặt Thập loại chúng
sinh cạnh Kiều, còn là chỗ này:
“Tôi không thể hiểu tại sao người ta lại cho rằng Nguyễn Du viết hơn ba ngàn
câu thơ Kiều để ký thác tâm sự”. Điều
này tôi sẽ trở lại sau.
Tôi nói bài của anh Đinh Bá Anh tạo cho tôi một cảm hứng lớn
là rất thành thực. Tôi không đồng ý với các lập luận trong bài về Kim Trọng của
Đinh Bá Anh, nhưng nhờ đọc nó tôi như được thúc đẩy để nghĩ tiếp về Kiều. Có một điều Thanh Tâm Tuyền đã thấp
thoáng nói, tôi diễn đạt lại: những người được lựa chọn (đúng hơn là bị lựa chọn),
như Nguyễn Du, như Thanh Tâm Tuyền, như Dante, phải nói những điều khác ngoài
mình, cái “mình” ở họ chỉ là một điểm trung chuyển. Các thiên tài xuất hiện vào
những thời tao loạn, chính là để tạo lập một thế cân bằng chung, điều mà hàng
triệu cá nhân khác không thể làm được. Nguyễn Du đã như thế, Thanh Tâm Tuyền
cũng đã như thế. Một người nữa từng đọc Kiều
vô cùng thấu suốt là Bùi Giáng, mà trong bài này tôi sẽ không đề cập.
Và cũng vào những thời điểm biến động ở Việt Nam, thế nào
cũng xuất hiện những cách đọc Kiều xuất
chúng. Thanh Tâm Tuyền ở trên là một ví dụ không thể rõ hơn được nữa.
Đầu thập niên 40, lúc loạn lạc đã được những con người nhạy
cảm tiên tri được, đã xuất hiện liên tục những cách đọc Kiều siêu hạng. Trong đó có hai con người mà tôi đã nhắc trong bài
trước, Đào Duy Anh và Trương Tửu. Trước họ, nhà nho đầu thế kỷ đã không bỏ qua Kiều, tất nhiên, nhưng đó là khi Kiều trở thành một “vấn đề giả” trong
các vấn đề tranh cãi rộng hơn ở phạm vi quốc gia chủ nghĩa - nhóm Ngô Đức Kế và
Huỳnh Thúc Kháng chiến đấu với Phạm Quỳnh, gọi tư tưởng của Phạm Quỳnh là “tà
thuyết”; ở đây cần phải hiểu các nhà nho thấy bị xúc phạm khi Phạm Quỳnh đưa Kiều ra để phục vụ mục đích riêng (theo
cách hiểu của họ). Riêng trường hợp Trương Tửu, tôi tin rất lâu nữa người ta vẫn
chẳng hiểu nổi. Để tôi gợi ý một điểm rất nhỏ: đọc Trương Tửu rất bực mình, cái
đó đúng, nhưng phải biết rằng khi viết mấy thiên khảo luận về Kiều, Trương Tửu rất trẻ, mà Trương Tửu
lại không có một “hậu vận phê bình” để có thể điều chỉnh những gì đã viết hồi
còn quá trẻ. Ở một số nhà phê bình, điều này rất cần thiết, họ phát tiết quá mạnh
nhưng không thể điều chỉnh, nên tinh hoa của họ lại bị che khuất bởi những điều
đúng là quá đà của họ. Ôi, phê bình là một thứ cay đắng lắm, khảm kha bất bình
đâu kém gì Kiều. Trương Tửu là một
thiên tài, nhưng hậu thế toàn bọn thô lậu. Mà thiên tài đâu có bao giờ thèm đi
đính chính. Với tôi, những bệnh tật mà Trương Tửu gán cho Nguyễn Du quả là ngớ
ngẩn, nhưng chẳng một ai khác chạm sâu đến thế vào vẻ đẹp của sự tàn lụi ở thế
giới của Nguyễn Du như Trương Tửu, và vô vàn điều thấu hiểu khác nữa.
Lại một quãng tao loạn nữa, ở miền Nam bỗng xuất hiện một bộ
ba cực kỳ độc đáo khi phê bình Kiều.
Bộ ba ấy là Đàm Quang Thiện, Lê Tuyên và Đỗ Long Vân. Đàm Quang Thiện tôi đã nhắc,
còn bài viết của Lê Tuyên nằm trong số tạp chí Đại học này:
Đàm Quang Thiện ngoài khảo luận về Kiều còn viết rất chu đáo về Thập
loại chúng sinh. Đỗ Long Vân ngoài Kiều
còn có một kiệt tác về Hồ Xuân Hương, và Lê Tuyên ngoài Kiều còn có một thiên sách xuất chúng về Chinh phụ. Ngoài bộ ba ấy, Sài Gòn một thuở còn có vô vàn người
bình luận rất sắc sảo về Kiều và Nguyễn
Du, như Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Hiến Lê (nhất là khi viết chung với Trương Văn
Chình), Nguyễn Đăng Thục, Vũ Khắc Khoan… Cũng phải nhờ Kiều, nói đúng hơn là nhờ tinh thần nhân đạo ấy, mà bộ sách của Lê
Xuân Lít mới có thể tập hợp đủ mọi tác giả. Đã bàn về Kiều thì không còn phân chia gì nữa, trong đó có Lê Đình Kỵ, Hoài
Thanh, Lưu Trọng Lư, nhưng có cả Nguyễn Thiên Thụ, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Quốc Trụ.
“Tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” của Nguyễn Du thể hiện cả ở những điểm như vậy.
Nhưng “mặt trận Kiều”
luôn luôn nghiệt ngã. Bao nhiêu giấy mực, bao nhiêu ý chí và năng lượng đã dồn
vào đây. Về mặt văn bản, cái công việc như núi ấy, bao nhiêu danh gia đều đã có
tên, Kiều Thu Hoạch, Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn v.v… và nếu theo dõi những
tranh luận rất “kỹ thuật” ấy, rất dễ hoa mắt chóng mặt ngay lập tức. Ở một thời
điểm, bản Kiều nào cũng viết “Vùi
nông một nấm mặc dầu cỏ hoa” riêng bản Tản Đà lại là “Bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa”, rồi vấn đề Lê Ngọc Trụ nêu lên hình như vẫn bỏ ngỏ: không phải “Phong tình
cổ lục còn truyền sử xanh” mà phải là “Phong tình có lúc còn truyền sử xanh”,
và trăm trăm nghìn nghìn thứ tương tự nữa. Có những con người rõ ràng là bị Kiều ám, ám rất nặng. Ông Nguyễn Tài Cẩn
thì tôi chỉ chứng kiến từ xa, nhưng ông Đào Thái Tôn thì tôi gặp vài lần (ông ấy
mới mất rồi). Một người bị Kiều ám khủng
khiếp, đến mức cũng đáo tụng đình như Thúy Kiều ở đoạn có chàng Thúc Sinh.
Phiên tòa xử giữa ông Đào Thái Tôn và ông Nguyễn Quảng Tuân liên quan đến
nghiên cứu và in sách về Kiều đầu năm
2007 ấy tổ chức ở Hà Nội, tôi đến dự để xem vì một cô Kiều mà người ta có thể
khổ sở đến mức độ nào.
Với tôi, bình luận Kiều
ở “thời hiện đại” có ba ngọn núi. Đào Duy Anh, một sự vững chắc nền tảng đi kèm
với vô số định kiến rất đặc trưng nhà nho (Đào Duy Anh vô cùng phê phán Kiều ở
cái tính thực dụng, và lại còn tham lam, và Đào Duy Anh cũng là nhân tố quan trọng
để suốt một thời gian dài cứ Kiều là
gắn liền với “tâm sự Nguyễn Du”). Thứ hai là Trương Tửu, mà theo tôi sẽ còn rất
lâu nữa may ra người ta mới hiểu đúng nổi. Và thứ ba là đây:
Đừng quá quan tâm đến mấy quyển khác (tôi còn chưa lục ra được
quyển của Lê Đình Kỵ), hãy chỉ để ý đến Tìm
hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Đây là bản in đầu tiên, năm
1985. Năm 1985 có thể coi là biểu tượng cho thời điểm sắp chuyển biến mãnh liệt.
Và ngay lập tức có thiên khảo luận này của Phan Ngọc. Trương Tửu đã có một cuộc
xoáy ngược cuộc đọc Kiều oanh liệt thế
nào thì Phan Ngọc gây kinh ngạc và chấn động như thế. Với cá nhân tôi, rất nhiều
khả năng chính cuốn sách này, mà tôi đọc khi còn chưa lớn, đã quyết định không
ít để tôi cũng đi theo con đường văn chương, vì tôi thấy rằng hóa ra người ta
có thể viết phê bình văn chương như Phan Ngọc đã viết.
Và chính ở đây, tôi sẽ quay lại bài viết của Đinh Bá Anh.
Đinh Bá Anh đã làm một động tác là thống kê. Sự thống kê này so với Phan Ngọc
thì đúng là quá thiếu sức sống. Tôi trích một ít Phan Ngọc, với tôi đó là những
dòng tuyệt bút của phê bình:
“Thứ nhất, con người cô độc ra đời. Trong Truyện Kiều, các nhân vật làm một chuyện
chướng tai gai mắt đối với truyền thống văn học cổ là “họ ngồi không”. Kiều ngồi
một mình 17 đoạn, Kim Trọng 7 đoạn, Thúc Sinh 2 đoạn, Hoạn Thư, Mã Giám Sinh mỗi
người một đoạn, tổng cộng là 474 câu thơ, chiếm 15,5% tác phẩm. Con người trong
tiểu thuyết cũ, dù đó là Tam quốc chí diễn
nghĩa, Thủy hử, cho đến Thạch Sanh… đều là những con người hành
động, mưu mô, tính toán, không bao giờ ngồi không. […] Với Truyện Kiều, đối tượng của tiểu thuyết thay đổi. Nó từ bỏ hành động,
sự việc bên ngoài để đi vào nội tâm con người.”
Sự thống kê này bao quát hơn Đinh Bá Anh rất nhiều: trong Kiều, không chỉ có Kim Trọng không hành
động, mà đó là một phương diện rất chung ở mọi nhân vật.
Điều này được nhấn mạnh thêm:
“hành động bị rút xuống tối thiểu, trong khi nó là tất cả
trong tiểu thuyết cổ. Trong Kiều chỉ
có 575 câu tự sự (17,5% tác phẩm). Không có ai tàn nhẫn đối với hành động như
Nguyễn Du. Nguyễn Du gạt bỏ mưu mô: mưu mô Thúc Sinh để cứu Thúy Kiều từ nhà Tú
Bà trong Kim Vân Kiều truyện chiếm
trên một phần hai mươi tác phẩm thì ở đây rút xuống 10 câu. Mưu mô Hồ Tôn Hiến
dụ Từ Hải hàng chiếm gần một phần mười tác phẩm thì ở đây rút lại 6 câu […] Câu
“Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” là tương ứng với 1700 chữ trong bản dịch,
câu “Thề sao thì lại cứ sao gia hình” là tương ứng với 1850 chữ trong bản dịch.”
Tôi thấy đoạn này đặc biệt quan trọng:
“Trong tiểu thuyết cổ không có ngôn ngữ tác giả. Tác giả chỉ
xuất hiện để giới thiệu câu chuyện rồi biến mất để cho hành động tự nó diễn biến.
Trong Kiều thì khác. Ngôn ngữ tác giả
chiếm tất cả. Chỉ riêng những câu của tác giả dùng để phân tích nội tâm của
nhân vật đã chiếm 775 câu thơ tức là 24,2% tác phẩm, một tỉ lệ phải nói là khủng
khiếp. Một ví dụ chứng tỏ cái tài phân tích tâm lý vô song, xứng đáng đứng bên
cạnh Tônxtôi, đó là đoạn Thúc Sinh về nhà Hoạn Thư gặp lại Thúy Kiều. […] Tác
giả không những phân tích nội tâm nhân vật mà còn phân tích cả nội tâm của
mình. Và có nhiều lúc tác giả nhảy vào giữa câu chuyện để quát mắng, chửi bới.
Đây cũng là thủ pháp phiếm luận trữ tình mà sau này ta bắt gặp trong mọi quyển
tiểu thuyết của Tônxtôi.”
Dường như ở chỗ này, ta nên dùng đến một khái niệm của ngôn
ngữ học, là “free indirect speech”/"discours indirect libre", và đặc điểm bút pháp này ở Flaubert đặc
trưng hơn ở Tolstoy nhiều, thậm chí đó còn là dấu ấn phong cách của Flaubert.
Phan Ngọc đã chứng minh Kiều chính là
một tiểu thuyết tâm lý.
Bài của Đinh Bá Anh vẫn giàu sức gợi cảm hứng đối với cá
nhân tôi, mặc cho cái sự thể là tôi thấy mọi lập luận quan trọng của anh đều
sai. Chẳng liên quan gì, bỗng tôi nghĩ ra một điều, và đi kiểm tra: đúng thật,
trong suốt lịch sử bình luận Kiều, gần
như không có lấy một phụ nữ nào đáng kể. Kiều
là chuyện của đàn ông. Dường như cái câu “đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều”
không chỉ có nghĩa đàn bà phải tránh đọc Kiều
để đỡ vướng vòng tà dâm, mà còn có nghĩa: phụ nữ đọc Kiều không thể thấm thía như đàn ông. Tôi từng nói chuyện về Kiều với một số phụ nữ, họ có thể thích,
nhưng không ai mê đắm. Kiều là “nhất
phiến tài tình thiên cổ lụy” (Phạm Quý Thích) chỉ riêng với đàn ông Việt Nam. Nếu
quả thật như Đinh Bá Anh nói, rằng Kim Trọng là nhân vật vĩ đại, thì sự thể sẽ
không thể như vậy đâu.
Và từ chỗ thấy rằng phụ nữ về cơ bản không hiểu Kiều (mặc dù phụ nữ có thể rất thuộc Kiều), chẳng mấy ai lậm vào “mặt trận Kiều”, tôi thử suy ngược trở lại, rất có
thể những ai chê bai Kiều thậm tệ
mang tinh thần đàn bà nhiều hơn đàn ông. Dưới đây là hai bài thơ vịnh Kiều của
Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng:
Ai bảo rằng cô một gái lành
Con nhà nề nếp giống trâm anh
Động tình lập kế chim Kim Trọng
Biết thú đâm ghì lấy Mã Sinh
Niệm Phật ở chùa đi xoáy của
Lấy chồng ăn lễ nỡ quên tình
Toan về làm lẽ cô em vậy
Cô thật khôn ngoan đủ thập thành
Ừ bảo thương cha phải bán mình
Sao em ăn ở thế cho đành
Dụ hàng kìa giết ông Từ Hải
Nghe tán này theo cậu Sở Khanh
Mấy độ lầu xanh còn chửa chán
Bao lần quy Phật cũng không thành
Ngứa nghề trở lại toan làm bé
Đời vẫn khen em hiếu với tình
Đối chiếu với những gì tôi biết về Nguyễn Mạnh Bổng, lý thuyết
ấy có khi là đúng. Cả Tản Đà nữa, mấy câu vô cùng nổi tiếng này:
Đôi hàng nước mắt đôi làn sóng
Nửa đám ma chồng nửa tiệc quan
Tổng đốc có thương người bạc phận
Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan
Tất nhiên điều tôi vừa nói trên đây không có mấy trọng lượng,
mà tôi muốn nói một điều: Kiều là tác
phẩm khiến đàn ông rung cảm, Nguyễn Du viết Kiều
là cho đối tượng đàn ông. Đàn ông đọc Kiều
thương xót sâu sắc.
Tại sao lại thế? Chính là vì cô Thúy Kiều.
Mộng Liên đường chủ nhân viết: “Thúy Kiều khóc Đạm Tiên, Tố
Như tử làm truyện Thúy Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một; người đời
sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình
thật là một cái thông lụy của của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa
nay vậy” là ý như thế.
Đinh Bá Anh viết:
“Tôi cũng tin vào sự diễn giải của các thầy cô giáo hồi đó,
rằng Kiều là nhân vật được Nguyễn Du kí gửi nhiều tâm sự nhất, rằng Nguyễn Du
đã mượn cuộc đời nàng để nói lên nỗi lòng của ông về thời thế, nhân tình.”
Tôi thấy rất may cho Đinh Bá Anh, nếu thay vì dạy như thế,
thầy cô giáo của anh lại bảo Kim Trọng mới được Nguyễn Du ký gửi nhiều tâm sự
nhất, Kim Trọng chính là hóa thân của Nguyễn Du, thì coi như anh có một tuổi thơ
quá bất hạnh.
Nếu trong Kiều phải
có một nhân vật được Nguyễn Du ký thác tâm sự, thì đó phải là Kiều, nhất định
không thể là Kim Trọng. Nguyễn Du đã xây dựng câu chuyện sao cho những người
đàn ông mỗi người chỉ can dự vào một khoảng đời của Kiều, và tất cả đều phải chứng
kiến những trầm luân của Kiều, đâu chỉ Kim Trọng (Thúc Sinh cũng chứng kiến, Từ
Hải cũng chứng kiến bao nhiêu chuyện, mà chẳng làm được gì đấy chứ). Chính ở Kim Vân Kiều truyện ta mới thấy Thanh
Tâm Tài Nhân ký gửi lắm thứ vào Kim Trọng. Sang đến Nguyễn Du, Kim Trọng bị hạ
xuống, và đó chính là sáng tạo thiên tài hơn cả của Nguyễn Du. Chính ở chỗ ấy
Đinh Bá Anh lại không hiểu, mặc dù cũng đã so sánh Thanh Tâm Tài Nhân với Nguyễn
Du. Kim Trọng của Nguyễn Du trông thật là nhợt nhạt, thiếu sức sống, chính là bởi
Kim Trọng ấy thực sự quá nhạt nhẽo, quá đáng chán. Cái giấc mơ mà Nguyễn Du bỏ
mất cũng là để gỡ khỏi Kim Trọng vai trò trong cuộc đời Kiều, để Kiều thực sự
không còn chỗ bấu víu, cho dù chỉ là về mặt tinh thần, để Kiều thực sự trở thành
nhân vật chính, thực sự tự phải trải qua số phận của mình. Chỗ này: “tiếng nói
của Kiều vẫn chỉ là tiếng nói của nhân vật, nảy sinh từ tình huống và điểm nhìn
của nhân vật, dù ở đó có nhiều câu có tính triết lí về nhân tình. Giọng thứ hai
của Nguyễn Du không phải là giọng Thúy Kiều, mà là giọng Kim Trọng. Thúy Kiều
chỉ cất lên tiếng nói thương thân,
còn Kim Trọng và Nguyễn Du mới cất lên tiếng nói thương người, một tiếng nói từ bên ngoài và bên trên” Đinh Bá Anh
còn sai hơn nữa. Thương người thì Kim Trọng đâu có bằng Giác Duyên, đó là tiếng
nói “từ bên ngoài” và còn từ “bên trên” nhiều hơn nhiều. Nhưng vẫn chưa quan trọng
bằng chuyện này: sự thương người, từ bên ngoài và bên trên (thật ra cả từ bên
trong) đặc sắc nhất của Kiều chính là
sự thương người của Nguyễn Du.
Nhưng ta hãy quay trở lại với ý kiến của Thanh Tâm Tuyền: thật
ra có nên hiểu Kiều là tâm sự của
Nguyễn Du không? (và nếu hiểu vậy thì hiển nhiên Kiều là nơi ký thác, chứ không
phải Từ Hải như một số người, ví dụ Hoài Thanh, từng phân tích, càng không phải
Kim Trọng như Đinh Bá Anh phân tích). Đúng là câu chuyện không hoàn toàn như vậy.
Hiểu Nguyễn Du viết Kiều để ủy thác
tâm sự của mình là cách hiểu quá nông cạn, mặc dù không phải là không cần thiết.
Ở trên, tôi đã nói đến Đào Duy Anh (rồi cả loạt, như Trần Trọng
Kim etc.) ở cách phân tích “tâm sự Nguyễn Du”. Đường mòn này rất nhiều cạm bẫy.
Các nhà nghiên cứu văn học miền Bắc suốt một giai đoạn lại cố bác bỏ “tâm sự
hoài Lê” để xoay sang hướng ca ngợi nhà Nguyễn Tây Sơn. Lê Đình Kỵ rồi Đỗ Đức Dục
(cùng một loạt nhân vật nữa) thì cố nhét Kiều
cho vừa vào cái khung “chủ nghĩa hiện thực”. Nguyễn Lộc từng viết một tiểu luận
rất dài, ca ngợi Kiều hết lời ở mọi
phương diện, nhưng kết luận lại cho rằng Nguyễn Du có hạn chế lớn vì chỉ mới đến
được ngưỡng cửa của chủ nghĩa hiện thực.
Con đường “tâm sự Nguyễn Du” đâm vào những thứ như thế đấy.
Phần sau cùng trong bài viết của Đinh Bá Anh, liên quan đến
chữ Trinh, chữ Tâm, tôi không biết phải bình luận thế nào. Tôi chỉ có thể nói rằng
những phân tích ấy rất sơ sài và không thể thuyết phục được, tôi cũng thấy cấu
trúc bài viết của Đinh Bá Anh không ổn, phần sau chẳng mấy liên lạc với phần
trước.
Nói tóm lại, anh Đinh Bá Anh đã có một cách đọc Kiều khiên cưỡng, cố sức chứng minh một
điều không thể đúng nổi. Phạm Văn Diêu từng viết trước Đinh Bá Anh rất nhiều
năm về Kim Trọng, nhưng sau này cũng chẳng ai vì thế mà xoay sang coi Kim Trọng
là nhân vật quan trọng, nói gì đến “nhân vật văn chương vĩ đại”. Vì, rất đơn giản,
Kim Trọng không phải là một nhân vật văn chương vĩ đại, mặc dù trong số những
người đàn ông từng có vai trò trong đời Thúy Kiều, Kim Trọng chiếm nhiều chỗ
(đoạn đầu và đoạn cuối), thậm chí còn từng gặp cả Thúc Sinh. Ta hãy trả Kim Trọng
về chỗ của Kim Trọng: một người lẽ ra đã là người đàn ông của cuộc đời Thúy Kiều
nhưng vì nhiều điều, chuyện đã không như vậy, và Kim Trọng chỉ có một vị trí lu
mờ trong toàn bộ câu chuyện.
Thật ra, viết về Kim Trọng mà không tìm hiểu, đó là điều
đáng trách của Đinh Bá Anh. Nhưng cả ở đây, tôi vẫn thấy không thực sự quá tệ:
người ta có thể hoàn toàn lờ đi một lịch sử đọc Kiều, vì nghĩ như vậy thì có thể đạt tới một cách đọc độc đáo, chưa
từng có. Đấy cũng là một cách, một cách rất nhiều rủi ro (và Đinh Bá Anh đã
không ngờ được là Kim Trọng đã được bàn kỹ từ lâu rồi). Ở điểm cuối cùng này,
tôi muốn nói thêm hai điều nữa.
Thứ nhất, lẽ ra Đinh Bá Anh nên thực sự lờ đi cả lịch sử đọc
Kiều. Nhưng cả ở điểm này anh cũng
không rốt ráo: anh trích dẫn Phạm Công Thiện, và tôi còn biết anh đọc cả Hoài
Thanh, Vũ Hạnh. Vũ Hạnh thì chắc là quyển này:
Với toàn bộ sự tôn trọng, thưa anh Đinh Bá Anh, thà anh đừng
đọc gì cả thì lại còn tốt hơn. Anh đọc lõm bõm, và thế là anh rơi trúng luôn
hai nhà bình luận Kiều thuộc hàng dở
nhất của lịch sử. Về Vũ Hạnh chắc tôi không cần nói thêm, còn về Phạm Công Thiện,
tôi nói vậy là dựa trên những gì tôi quan sát rất lâu dài hành trạng của ông ấy.
Phạm Công Thiện đã làm một việc rất đáng ngán ngẩm, giống
như một sự phản bội. Khởi đầu là những phá phách cuồng loạn, những phá phách lẽ
ra phải đẩy Phạm Công Thiện lên một cảnh giới khác, thế nhưng lại không, một
người từng viết được Ngày sinh của rắn
và Mặt trời không bao giờ có thực,
ngao ngán thay, như thể lên đến lưng chừng lại lạc đường, hoặc sợ quá mà rơi xuống.
Rơi xuống ngay những thứ chân lý kém cỏi tầm thường của những Trên tất cả đỉnh cao là lặng im và Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất.
Những gì Phạm Công Thiện bàn về Kiều
chỉ thuần túy là sự lảm nhảm, không hơn. Con đường đi của Phạm Công Thiện giống
như một sự lừa đảo, thế nên lẽ ra phải xếp ngang hàng được với Bùi Giáng, Phạm
Công Thiện lại tụt xuống đâu đó rất thấp.
Điều cuối cùng là: anh Đinh Bá Anh không phải chuyên gia về Kiều, điều này là hiển nhiên (tôi cũng
không phải chuyên gia về Kiều). Anh
có thể viết những gì anh nghĩ (đọc bài của anh, tôi hiểu đây là những gì lẽ ra
nên nói ở dạng trò chuyện trong nhóm bạn bè cho vui), sai đúng không hẳn là
quan trọng lắm, nó vẫn có thể gây cảm hứng lớn (nó thực sự đã gây cảm hứng cho
tôi). Điều tôi thấy kinh ngạc là bài viết ấy được ủng hộ bởi đông đảo giới
nghiên cứu văn học, trong đó nhiều người là dân nghiên cứu chuyên nghiệp, thậm
chí lại có người là chuyên gia về Kiều.
Không ai thấy ngay được những vấn đề của bài viết à? Vốn dĩ tôi đã rất nghi ngờ
giới nghiên cứu văn học Việt Nam, giờ tôi lại càng nghi ngờ hơn. Các vị đang
làm cái quái gì đấy? Ngoài giới nghiên cứu văn học, trong số các bình luận, tôi
thấy có anh Nguyễn Phương Văn (tức 5xu). Anh rất hay bốc phét, có cảm tưởng lĩnh vực gì anh cũng có thể có ý kiến, đấy là lựa chọn riêng của anh thôi, nhưng có những
lĩnh vực rất không nên bốc phét, vì chỉ một câu thôi là thể hiện nhiều thứ lắm.
Đến bây giờ mà vẫn có người tưởng Ngô Đức Kế, trong khi cãi nhau với Phạm Quỳnh,
thực sự coi thường Kiều à? Vớ vẩn thật.
Dùng luôn câu thơ của Nguyễn Du trong Thập loại chúng sinh vậy:
Trong trường dạ tối tăm trời đất
"Các vị đang làm cái quái gì đấy" - câu này phù hợp trong nhiều ngữ cảnh đấy.
ReplyDeleteLâu lắm mới thấy từ "cảnh giới"
Tại sao người ta lại tin Truyện Kiều có tính dự báo? Tại sao lại tin vào "bói Kiều"? Chúng ta có "Nhị độ mai", "Phan Trần", "Hoa Tiên"...., nhưng tại sao lại nhất quyết chỉ tin vào "điềm" của Truyện Kiều? Hay nói chính xác là người đọc tìm kiếm gì khi đọc Truyện Kiều? Đương nhiên, không phải vì chàng Kim "vĩ đại" rồi.
ReplyDeleteỦa, em thấy người ta hay trích lại Vũ Hạnh với một sự tán thưởng cao lắm cơ mà, hóa ra vị thế của ông này lại thấp thế (đến mức bác "không cần nói thêm") cơ à?
ReplyDeleteBác dìm Phạm Công Thiện quá làm nhiều người uất =D
ReplyDeletePhụ nữ mà cảm và bình Kiều thì kinh phết đó bác: http://ngonngu.net/index.php?p=345
bác Kim luôn luôn rất chính xác, bài sắp tới mình sẽ chỉ nói về một nữ nhân trong lĩnh vực Kiều :p
DeleteĐang cần tìm cuốn Hai trăm năm bình luận nghiên cứu Kiều. Nhị linh biết ở đâu bán không
ReplyDeletetôi được tặng, cũng lâu rồi, nên thực sự là không biết
DeleteHệ thống nhà sách Nguyễn Văn Cừ, cả ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh đều còn rất nhiều cuốn này ạ
DeleteCảm ơn bác cậu ấm, tôi có hỏi nhiều nơi mà không có.
Delete@ Nhị Linh: Lâu không gặp, sang sông Đuống Thử Bao không :)
a, sen tàn cúc lại nở hoa, cố nhân có lời mời quá nhã đúng dịp, mai kia em xăm xăm đè nẻo lam kiều lần sang ngay :p
DeleteChàng Kim đọc sách cũng nhiều
ReplyDeleteĐến khi lấy vợ không Kiều thì Vân
chàng Cao:p đọc sách quá nhiều
DeleteNam nhân trong Kiều mình thích Từ Hải hơn mặc dù chàng bị đeo cái tiếng chết vì gái :)
ReplyDeleteĐã đọc và tạm thời có phản hồi ngắn trên face rồi nhé, CVD.
ReplyDeleteyes, tks
Deletebài tranh luận quá thú vị, nhiều dữ kiện hay. cám ơn thầy (à, mà sao thầy khg dẫn link bài của ĐBA về Kim Trọng)
ReplyDeletethời này, muốn tìm cái gì đã có, mất vài giây google là cùng
ReplyDeleteWow, bài viết quá đỉnh, thế mới gọi là tranh luận. Tuyệt đối nghiêm túc và văn minh.
ReplyDeleteBài viết tốt quá!
ReplyDeleteCó "Giảng văn truyện Kiều" của Đặng Thanh Lê đấy, ai bảo không có nữ đắm vào vụ này :p
đây rồi, quả bình luận đáng giá nhất đây rồi :p
Deletecác bác (nữ và không chỉ nữ) quan tâm đến vụ đàn ông/phụ nữ quá nhỉ, mình đã viết riêng một bài về Phạm Tú Châu mà vẫn chưa gỡ được tội à :( mà ngay trong bài này, trong cái ảnh nhiều quyển sách, cái quyển truyện nôm cũng là của Đặng Thanh Lê đấy chứ hehe
Tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa: lịch sử bình luận Kiều ở Việt Nam không hề tầm thường, thậm chí tôi còn dám chắc rằng rất nhiều thứ sáng sủa nhất của lịch sử phê bình văn học Việt Nam nằm xung quanh cái cô Kiều này. Và rất khó, thực sự khó, có thể nói được điều gì độc đáo.
ReplyDeleteI really like what you guys are up too. This sort of clever work
ReplyDeleteand coverage! Keep up the very good works guys I've you guys to
blogroll.
Heya i'm for the primary time here. I came across this board and
ReplyDeleteI to find It truly helpful & it helped me out a lot.
I'm hoping to offer something again and help others such as you helped me.
rõ là hình hài đã không giống, hồn càng không giống hơn, nếu lúc nào đó in thành sách, nếu không khó anh nên bê cả hình ảnh vào sách luôn
ReplyDelete