Tại sao khi các nhà văn trẻ mãnh liệt nhất muốn chôn vùi một thứ gì đó, nhất định họ chỉ có thể nhìn thấy khả năng chôn Tự Lực văn đoàn?
Tại sao cả Thanh Tâm Tuyền lẫn Trần Dần, vào thời điểm ý chí văn chương của họ bộc phát bùng nổ, đều, từ hai địa điểm, chú mục vào cùng một đối tượng mà họ thấy là nhất thiết phải giết đi: Tự Lực văn đoàn?
Tất nhiên, trước hết là vì Tự Lực văn đoàn rất đáng ghét. Nhưng một cái gì chỉ thực sự đáng ghét khi nó thực sự sống, nói đúng hơn, chỉ khi nào cái đó sống mà trong mắt người khác, nó lại không thực sự sống (con người không bao giờ thực sự biết nếu trong cái biết của họ không bao gồm cả sự vô tri [sự vô tri càng lớn, sự biết sẽ càng lớn], và cũng không một thứ gì thực sự sống mà ở trong cái sống ấy không có một phần rất lớn của một cái gì đó như thể là không sống). Người ta chỉ muốn, cũng như chỉ có thể, giết và chôn đi những gì đã sống, và đồng thời những gì thân thiết nhất. Những gì không gần gũi máu thịt, chẳng cần giết thì chúng cũng tự chết. Cái chết, ở ý nghĩa nguyên thủy nhất của nó, là sự không liên đới (Épicure: khi tôi ở đây thì cái chết không ở đây, khi cái chết ở đây thì tôi không ở đây).
Tự Lực văn đoàn liên quan trực tiếp đến là, đến tồn tại. Ý nghĩa sâu thẳm (không cần quá quan tâm đến sự sâu thẳm, những gì không có một độ sâu nào có khi lại nhiều ý nghĩa hơn, nhưng hãy quan tâm đến "ý nghĩa") của sự xuất hiện cặp Nhất Linh-Khái Hưng nằm ở chỗ, một người là chiều đứng, một người là chiều ngang. Chỉ có như vậy rồi, một cái gì đó mới có thể hình thành được. Chính xác là một cái gì? một ngôi nhà. Hãy nhớ tới "giải pháp" của Schopenhauer: những biểu hiện của thế giới diễn ra ở chiều ngang, sự nhàm chán lẫn với những đột xuất, bùng nổ của thế giới biểu hiện đều xảy ra ở trên một mặt phẳng, còn nghệ thuật là tia sáng chiếu thẳng từ trên cao xuống. Ngôi nhà là để cho người ta ở trong - đây là sáng tạo duy nhất của con người, ngoài đó ra con người không có bất kỳ sáng tạo nào (kể cả lửa cũng không thể tính vào danh mục các chiến công của một loài người: Prométhée lấy trộm lửa cho bản thân mình, chứ đâu có cho loài người) - nhưng ngôi nhà cũng là để cho người ta đi ra khỏi. Thanh Tâm Tuyền hay Trần Dần trước hết là những người muốn ra khỏi nhà. Còn có hành động nào lớn hơn hành động đốt đi nơi trú ngụ duy nhất của mình, hay, thi vị hơn, tổ ấm của mình? Các nhà thơ chỉ mơ đến duy nhất một điều: sự kỳ vĩ.
Chỉ từ khi có Tự Lực văn đoàn thì mới có văn chương. Ngôi nhà mới này cũng chứa những văn chương nào từng thực sự là văn chương trước đó (từ "trước đó" này thật là mong manh), chẳng hạn như Nguyễn Du; chúng ta còn đọc Nguyễn Du không phải vì đó là một văn chương lớn, mà chủ yếu vì ta biết rằng Nguyễn Du có chỗ trong ngôi nhà: người ta hoàn toàn có thể "mua nền" từ trước khi nhà được xây. Chiều lịch đại và đồng đại của các diễn tiến, chỉ cần xoay một chút đi khỏi phối cảnh thông thường, là có thể tiết lộ rất nhiều điều.
Lịch sử là sự phóng chiếu của vài câu chuyện trong thời gian. Câu chuyện trước và câu chuyện sau có chung một bản chất, nhưng các thuộc tính (thuộc tính chứ không phải hiện tượng) thì thay đổi. Câu chuyện của thế kỷ 20 có thêm một yếu tố chưa từng bao giờ có: lần đầu tiên xứ sở này có được một lựa chọn, hay nói một cách khác, lần đầu tiên xứ sở này có được một khởi đầu. Thời điểm quan trọng nhất là năm 1954.
Tập đoàn Charles de Gaulle, Général Leclerc, etc. vào thời điểm chuếnh choáng men chiến thắng đã bất thần tặng cho xứ sở này một món quà không thể tưởng tượng nổi, vào cuối năm 1946. Trải qua một cuộc chiến tranh thật dài và khốc liệt chính là cách duy nhất để xứ sở này thoát khỏi mọi món nợ (chính vì thế, cuộc chiến tranh ấy đã được trải qua như thể qua một bài thơ, ít nhất là ở một phương diện nhất định); người Việt Nam rất hiểu: nợ chính là tội. Được gỡ khỏi tội lỗi, xứ sở này mới có thể bắt đầu. Lựa chọn của nó là bắt đầu bằng thí nghiệm chia làm đôi. Và ngay tức khắc, ở một phía, Thanh Tâm Tuyền và những người gần gũi đòi chôn Tự Lực văn đoàn, ở phía bên kia, Trần Dần, dường như đơn độc hơn, cũng đòi chôn Tự Lực văn đoàn. Được lựa chọn và được bắt đầu mới là ý nghĩa lớn nhất của sự độc lập: người ta chỉ độc lập khi nào không mắc nợ, không bị các chủ nợ đuổi theo sau lưng. Cho tới thời điểm 1954, chưa bao giờ có một cái gì như thế. Người Việt Nam cho đến lúc ấy nhất định không nhận về bất kỳ cái gì, bên dưới cái vỏ của sự chấp nhận chính là ý chí từ chối. Trong một bài viết thiên tài, Phan Khôi chỉ ra rất sâu xa: ở xứ sở này chẳng bao giờ có chủ nghĩa phong kiến. Gạt bỏ hết, chỉ giữ lại duy nhất một thứ: ý chí tồn tại. Nó không cao, nó không đẹp, nó không dành chỗ cho bất kỳ một cái gì vươn thẳng lên: không gì hết, mọi thứ đều chỉ được phép ở dạng tiềm năng.
Tự Lực văn đoàn phá bỏ hết. Một mặt, đó là ảo tưởng khổng lồ, mặt khác, đó chính là sự chuẩn bị vĩ đại nhất: chuẩn bị cho tồn tại.
[Vì, ít nhất một phần, ta đang nói đến câu chuyện nghệ thuật, nên hãy thử đặt câu hỏi, tác phẩm nghệ thuật nào có ý nghĩa lớn nhất đối với thời điểm 1954?
Đó là một bài hát, mà tác giả là một người về sau chẳng bao giờ viết một bài hát nào nữa: bài "Tình lỡ" ("một vầng trăng vỡ đã thôi không theo nhau, cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau").
Sự bỏ lại sau lưng như Nguyễn Đình Thi miêu tả: "Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" đâu có là gì so với "Nghe vàng mùa thu sau lưng ta". Ký ức là những sự rung lên mảnh dẻ.
Mùa thu của đất Bắc có hai lần rung lên chuẩn xác nhất: "Thu cô liêu" của Văn Cao, đó là những nốt chầm chậm, như một người đang đếm; đó là sự cô liêu của một người ở bên trong mùa thu. Lần thứ hai chính là khi một người đã đi ra khỏi mùa thu: "thu thiết tha" của bài hát "Tình lỡ".
Hai câu thơ vô cùng nổi tiếng này của Bích Khê:
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông
không hề chuẩn xác.
Mùa thu mà "mênh mông"? Không, mùa thu không mênh mông. Mùa mênh mông là mùa hè, chứ không phải mùa thu, vì chỉ mùa hè mới có cái "âm thanh ấy", âm thanh làm rộng không gian. Mùa thu không mênh mông.
Đã đến lúc thơ ca cần được nhìn nhận duy nhất dựa trên một tiêu chí: đúng. Cụ thể hơn, có hay và đúng, nhưng đúng thì chắc chắn hay, còn hay chưa chắc đúng. Và cũng sẽ sớm phải nhìn nhận lại thật cẩn thận cả một loạt trò chơi với trí tưởng tượng (đúng hơn là hoang tưởng của trí tưởng tượng) của cả một loạt nhà thơ Việt Nam: Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Quách Tấn, Yến Lan, vân vân và vân vân).]
Người cần được vinh danh tột cùng trong câu chuyện này chính là Trương Chính. Dưới mắt tôi nghĩa là gì? Nghĩa là nhìn từ trên cao, rất đơn giản. Một sự vọt lên cao nữa. Nhưng điều này, Machiavelli đã phát biểu một cách hết sức đơn giản rồi còn gì: nếu muốn thấy núi, cần nhìn từ dưới thấp, còn như muốn nhìn thấy những gì ở bên dưới, thì phải nhìn từ trên cao xuống.
(thôi, ngừng mốt viết lách không chấm câu và bỏ hết các chữ hoa đầu câu nhé; tôi là người tạo ra cái mốt ấy, giờ chính tôi thấy nó trở nên gớm ghiếc; người khác như thế nào tôi không biết lắm, có vẻ rất nhiều người muốn trở thành trend setter, tôi thì lại thấy kinh tởm cái trò ấy)
Tiểu luận thứ hai về Tự Lực văn đoàn
Tiểu luận thứ nhất về Tự Lực văn đoàn
Văn chương hay triết học, "vấn đề" của nó thì chỉ có một "cục", sự khác nhau của vấn đề là cách người ta nói về nó, "hiện sinh" nó. Style.
ReplyDeleteTừ Đông sang Tây, có mùa Thu nào giống mùa Thu nào không. Lúc trước có người nói với tôi, Thơ Mới thì có gì Mới? Chỉ toàn là ảnh hưởng của thơ Pháp. Chắc ổng nghĩ tôi mù tiếng Pháp nên nói vậy. Tôi dạ vâng cho xong, nhưng thầm thắc mắc, bây giờ đem hỏi Nhị Linh là có đúng vậy không?
"Giết" nhau làm gì khi sự Chết không loại trừ một ai?
GC ;-)
so với hai bài trước thì bài này không bằng, càng đi về cuối càng rời xa ý đầu
ReplyDeleteviết ,,đúng" đấy chứ, tự họa (hay quốc họa?): tất cả chỉ là tiềm năng
Deletethơ mới chẳng có gì là Pháp
ReplyDelete"Một hôm tình cờ anh nghe đài phát thanh và được gặp giọng hát Thanh.
ReplyDeleteVẫn giọng ấy. Trở về mái nhà xưa. Anh định viết cho Thanh nhưng anh nghĩ biết đâu, Thanh chẳng đã quên anh rồi như mọi người. Được thư Thanh anh phải cám ơn Thanh nhiều."
à, dường như là có một định kiện rất dai dẳng, nhỉ: rằng đã là văn chương, nhất là thơ, thì thế nào cũng được
ReplyDeletevà người ta cũng hay nói, đã là thơ thì đúng, nhà thơ nói gì cũng đúng
thì đúng vậy đấy, có mỗi một vấn đề: đã là thơ thì đương nhiên đúng, nhưng không phải nhà thơ nào cũng đúng
điều này sẽ sớm được phân tích, với Xuân Diệu, hehe
anh chưa thấy ai, chỗ nào có cái định kiến ấy cả. Hay là chú bịa ra đấy.
ReplyDelete"Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông" la` đúng rồi, cãi với thi sĩ làm chi?
ReplyDeleteMênh mông ở đây là Vàng rơi đó, chứ... "đâu phải bởi muà Thu"?
Vậy mà cũng đòi làm nhà phê bình, lại còn nói rằng muà hè mới là mênh mông. Nóng hầm hập, hừng hực, bứt rứt, chật chội thì "mênh mông" cái nỗi gì? ;-)
bịa ra như thế cũng chả sao
ReplyDeleteà, nhưng đấy là để bình luận "vấn đề là cách người ta nói về nó" ở phía trên thôi; thật ra, cái sự "truyện quan trọng hơn chuyện" cũng là ngớ ngẩn đấy
mùa thu không mênh mông, hầm hập không phải là không mênh mông
vẽ tranh í, đâu phải vẽ cái quái gì cũng được, vẽ thế nào cũng được hehe
Vẽ giống như viết tiểu thuyết hơn, phải giở tỉnh giở mê, kiểu như ông Thiệp là chân chân chân thật thật thật. Nhưng phật đà bạn anh nó dạy cái gì nói ra được thì không là nó nữa rồi nên kệ cũng đ được mà không kệ cũng đ được. Cái chữ Duyên thì là lỗi mốt he he
ReplyDeletenhìn chung, không nhìn thấy chủ yếu là do không đúng phối cảnh, không nói được cũng chỉ là do một cách quan niệm đặc thù về ngôn ngữ
ReplyDelete