May 4, 2016

Tiểu luận thứ hai về Tự Lực văn đoàn

sơ thảo: bước chân của Nhất Linh


Cách đây mấy tháng, đi dự một buổi thuyết trình vì trách nhiệm, tôi lơ đãng như vốn dĩ vẫn toàn lơ đãng, cho đến lúc chợt nhận ra mắt tôi không rời được mấy dòng chữ chiếu trên tấm bảng, giống như một ma trận:

1925-1932
1932-1939
1939-1945

Suy tư của tôi về Tự Lực văn đoàn đã khựng lại từ lâu nay ở một điểm mà tôi nghĩ là mấu chốt nhưng giống như một nút thắt quá chặt mãi không làm sao mở nổi, một câu đố quá khó giải, một điều gì đó rất tương tự sự không thể đặt lên cho hình dung và tưởng tượng. Cho tới lúc, trong buổi thuyết trình ấy, "ma trận" trên đây làm tôi vụt hiểu điều duy nhất mà tôi còn thiếu trong dự định diễn giải một câu chuyện dài.

Mấy dòng trên đây là một miêu tả đơn giản thuộc món phân kỳ lịch sử văn học, môn thể thao ưa thích của vô số nhà nghiên cứu văn học, dẫu có là nhà văn học sử hay không phải nhà văn học sử. Trên mặt trận phân kỳ này không biết bao nhiêu giả thuyết và trí tưởng tượng đã được trình bày. Tất nhiên, mấy dòng trên đây là nhằm mục đích phân kỳ văn chương tiền chiến Việt Nam.

Mốc 1945, như tôi từng nói, không phải là một cái mốc chuẩn, mà phải là 1946. Thêm một mốc không chuẩn nữa là 1939: người thuyết trình hôm ấy khi được hỏi đã trả lời 1939 là căn cứ vào sự xuất hiện của tờ tạp chí Tao đàn; tạp chí Tao đàn là nơi đăng các truyện của Vang bóng một thời trước khi có ấn bản sách; nhưng như thế thì quá nhầm lẫn: tờ Tao đàn không chỉ kém xa về ý nghĩa  so với tổng số các tờ tạp chí văn chương trước 1945, mà ngay trong nội bộ nhà Tân Dân, Tao đàn cũng kém ý nghĩa hơn nhiều so với chẳng hạn Phổ thông bán nguyệt san, mà Phổ thông bán nguyệt san lại vẫn chưa là gì so với Tiểu thuyết thứ Bảy. Đó là một tờ có vẻ ngoài nhếch nhác, nhưng chính nó mới là một kho vàng (giờ đây chỉ cần bất kỳ ai thuật lại chính xác được câu chuyện Tiểu thuyết thứ Bảy là sẽ có luôn chỗ trong điện thờ của các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đấy; tôi cho không luôn đề tài này, các nhà nghiên cứu trẻ đang có khát vọng lập danh thử sức đi).

Nhưng 1939 hay không cũng không quan trọng nốt. Và câu chuyện phân kỳ lịch sử về bản chất cũng chẳng có gì quan trọng, nó chỉ có chút ý nghĩa đối với những người bắt đầu đi vào một giai đoạn nào đó, cần có vài điểm tựa sơ đẳng để khỏi bị rơi ngay ra khỏi một mô hình nhất định. Phân kỳ lịch sử văn học là một trong những câu chuyện vô nghĩa nhất (hình như chính vì thế nên nó mới là một trong những thứ hấp dẫn nhất).

1939 không đúng, mà phải là 1940. Chỉ cần chỉnh lại điều này, là điểm khúc mắc cuối cùng của riêng tôi đã được giải tỏa. Ma trận trên đây (chỉ cần thay 1939 bằng 1940), rất tình cờ, đã nói lên toàn bộ một điều: bước chân của Nhất Linh, và qua đó, ý nghĩa của Nhất Linh trong văn chương Việt Nam.

Sở dĩ tôi thấy tôi đối mặt với một conundrum là bởi: đã có một điểm nào đó, mà tôi không sao nắm bắt được ngay, xảy ra sự phân ly giữa cặp Nhất Linh-Khái Hưng, khi mà sự kết hợp giữa họ đang rất hoàn hảo bỗng lơi ra, để mỗi người đi riêng một con đường. Nhất Linh và Khái Hưng không kết hợp với nhau từ đầu đến cuối.

Họ đã kết hợp với nhau, tuyệt đẹp đến mức có thể viết chung tiểu thuyết. Nhưng đến thời điểm 1940 thì mọi chuyện đã khác (ta cũng cần nhớ đúng năm 1940 này Nhượng Tống xuất bản cuốn tiểu thuyết Lan Hữu).

Sự kết hợp hoàn hảo (sở dĩ hoàn hảo vì có sự ngang bằng) không chỉ thể hiện ở ba cuốn sách viết chung của Nhất Linh và Khái Hưng, mà còn, và quan trọng hơn nhiều, thể hiện ở chính khoảng xung quanh năm 1940 này, khi tuy riêng rẽ, mỗi người viết một cuốn tiểu thuyết độc lập (Bướm trắng của Nhất Linh và Đẹp của Khái Hưng) nhưng sự kết hợp ấy vẫn còn nguyên, thậm chí còn ảo diệu hơn trước.

Bướm trắngĐẹp chính xác là ngang bằng nhau. Đây cũng là thời điểm cuối cùng Nhất Linh nhà văn và Khái Hưng nhà văn ngang bằng với nhau. Ngay lập tức có những rẽ ngoặt.

Và quan trọng hơn nữa, ý nghĩa của mỗi người bộc lộ rõ ra từ đây: Nhất Linh là người giữ nhịp cho văn chương Việt Nam, còn Khái Hưng mới là nhà văn lớn nhất của Việt Nam.

1925 là thời điểm của Tố Tâm, nhưng cũng là thời điểm của sự xuất hiện trên văn đàn của Nhất Linh. 1932 là thời điểm khởi đầu của Phong hóa, và cũng là khi Nhất Linh và Khái Hưng bắt đầu kết hợp với nhau. Cho đến 1940 là lúc sự kết hợp này không còn nữa.

Khái Hưng sẽ còn sống chừng sáu, bảy năm, Nhất Linh còn sống thêm hơn hai mươi năm. Về sau này, không bao giờ Nhất Linh còn viết được một cái gì ngang tầm với Bướm trắng năm xưa. Giai đoạn cuối đời của Khái Hưng, tính từ Đẹp, mới chính là giai đoạn mù sương nhưng vĩ đại của Khái Hưng. Nhất Linh giữ nhịp, còn Khái Hưng mới là người diễn tấu.

Và, về sau này, chính Nhất Linh lại sẽ trở thành người không hiểu Khái Hưng nhất, không hiểu văn chương giai đoạn cuối của Khái Hưng (riêng câu chuyện này cần được đặt riêng để bàn một cách thật cẩn thận). Khái Hưng bỗng, điều này thật đặc biệt, vượt rất xa khỏi tầm của chính người bạn thân Nhất Linh của mình.

Câu chuyện Nhất Linh-Khái Hưng khiến câu chuyện Vũ Trọng Phụng trở nên nhợt nhạt vô cùng. Những gì tế nhị, khó hiểu, mờ mịt nhất nằm ở phía Nhất Linh-Khái Hưng, mà so với đó phía Vũ Trọng Phụng quá mức đơn giản, như trò trẻ con. Ngay câu chuyện mất tích của ấn bản Số đỏ 1938 cũng đâu có là gì nếu so với câu chuyện bí ẩn của tác phẩm Khái Hưng tính từ Đẹp (thật ra tôi đã khoanh vùng được hai ấn bản Số đỏ 1938 nhưng thôi, nghĩ cho kỹ đó đâu phải là việc của tôi).

Khái Hưng mới là nhà văn lớn nhất. Nhưng lại là nhà văn ít được biết đến nhất. Chưa từng có một ai, kể cả những người từng viết cả sách dày cộp về riêng Khái Hưng, đưa ra nổi một danh mục tác phẩm Khái Hưng tạm gọi là tương đối đáng tin. Điều này nghe như chuyện đùa nhưng lại là sự thật. Vũ Ngọc Phan, một người cùng thời với Khái Hưng, cũng sai không ít chi tiết, nhưng thảm hại nhất chính là bộ sách mà theo huyền thoại phố phường trong giới nghiên cứu văn học là rất khả tín: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ. Bộ sách của Phạm Thế Ngũ kém đều, rất kém ở phần viết về Phạm Quỳnh, nhưng đặc biệt tệ hại ở phần về Khái Hưng, mà Phạm Thế Ngũ cho thấy mình đánh giá rất cao. Phạm Thế Ngũ đã trình bày một danh mục tác phẩm Khái Hưng về cơ bản là sai hết.

Phan Cự Đệ là một nhân vật nữa: câu chuyện bắt đầu từ bài báo năm 1957 đánh Tiêu sơn tráng sĩ. Bài báo này, phân nửa lập luận gay cấn nhất xuất phát từ giả định Tiêu sơn tráng sĩ xuất bản năm 1940. Một sai lầm về niên đại có thể dẫn con người ta đến những điều man rợ như thế. Nhưng chưa hết, câu chuyện Phan Cự Đệ và Khái Hưng rất dài, tôi sẽ viết riêng một bài, vì trong câu chuyện ấy, Phan Cự Đệ không chỉ thể hiện sự dốt nát, mà còn là một sự trí trá rất lớn nữa. Nó cũng đại diện không ít cho sự điêu trá của nghiên cứu văn học Việt Nam suốt một thời gian dài (từ "điêu trá" này tôi mượn của... ờ... Vũ Trọng Phụng).

Dưới đây là danh mục tác phẩm (đã in thành sách) của Khái Hưng do tôi thực hiện, vẫn còn một ít chưa xác định được, mặc dù tôi đã dựa cả vào các kỳ phơi ơ tông của Phong hóaNgày nay, cũng như các quảng cáo sách đăng trên hai tờ ấy và nhiều nơi khác.



Trước Phong hóa, Khái Hưng đã viết báo, thời kỳ này đặc biệt khó kiểm kê.

Khái Hưng gần như gắn bó tuyệt đối, trong khoảng mười năm, với báo Phong hóa, báo Ngày nay, nhà xuất bản An Nam xuất bản cục và nhà xuất bản Đời nay. Dưới đây là danh mục tác phẩm đã in thành sách (chỉ tính ấn bản lần đầu), trong đó phần lớn lúc trước đã in nhiều kỳ trên Phong hóa hoặc Ngày nay.

- Hồn bướm mơ tiên (tiểu thuyết), An Nam xuất bản cục, 1933
- Nửa chừng xuân (tiểu thuyết), An Nam xuất bản cục, 1934
- Anh phải sống (tập truyện ngắn, viết chung với Nhất Linh và Hoàng Đạo), An Nam xuất bản cục, 1934
- Gánh hàng hoa (tiểu thuyết, viết chung với Nhất Linh), An Nam xuất bản cục, 1934
- Tiêu sơn tráng sĩ (tiểu thuyết): không chắc về niên đại sách; Vũ Ngọc Phan và Phan Cự Đệ đều ghi sai là 1940; hiện nay đã xác định được bản 1937 trong tủ sách “Lá mạ”; rất có khả năng còn có ấn bản sớm hơn: Tiêu sơn tráng sĩ đã được đăng dài kỳ trên Phong hóa ngay ở giai đoạn đầu và Phạm Thế Ngũ có ghi nhận ấn bản 1934; Phan Cự Đệ khi viết lời giới thiệu cho ấn bản Tiêu sơn tráng sĩ năm 1987 lại ghi nhận bản in sách đầu tiên là 1935; tuy nhiên, hiện nay chỉ nên công nhận bản sách sớm nhất là bản 1937.
- Đời mưa gió (tiểu thuyết, viết chung với Nhất Linh), Đời nay, 1935.
- Tiếng suối reo (tập truyện ngắn, gồm 33 truyện đã đăng trên Phong hóa), Đời nay, 1935
- Dọc đường gió bụi (tập truyện ngắn, gồm 12 truyện), Đời nay, 1936
- Trống Mái (tiểu thuyết), Đời nay, 1936 (Phạm Thế Ngũ ghi 1935)
- Tục lụy (kịch), Đời nay, 1937
- Gia đình (tiểu thuyết), Đời nay, 1937? (Phạm Thế Ngũ ghi 1935 nhưng điều này chắc chắn sai, vì kỳ cuối của Ngày nay đăng Gia đình là số 64 ra ngày 20/6/1937)
- Thoát ly (tiểu thuyết), Đời nay, 1938? (Phạm Thế Ngũ ghi 1936, Phan Cự Đệ ghi 1937, nhưng có vẻ cả hai đều ghi sai, vì Thoát ly đăng trên Ngày nay vào quãng cuối 1937, đầu 1938)
- Đợi chờ (tập truyện ngắn), Đời nay, 1939
- Hạnh (tập truyện ngắn, gồm 5 truyện), Đời nay, 1940 (theo Vũ Ngọc Phan)
- Những ngày vui (tiểu thuyết), Đời nay, 1940
- Thừa tự (tiểu thuyết), Đời nay, 1940 (Phạm Thế Ngũ ghi sai thành 1936)
- Đội mũ lệch (tập truyện ngắn, gồm 27 truyện), Đời nay, 1941 (theo Vũ Ngọc Phan)
- Đẹp (tiểu thuyết), Đời nay, 1941 (Phan Cự Đệ chỉ ghi theo bản đăng báo Ngày nay, không ghi nhận bản sách)
- Đồng bệnh (kịch), Đời nay, 1942
- Thanh Đức (tiểu thuyết; sau này phổ biến hơn dưới nhan đề Băn khoăn kể từ khi Nhất Linh cho tái bản ở Sài Gòn năm 1958, nxb Phượng giang), Đời nay, 1943
- Cái ve (tập truyện ngắn, gồm 13 truyện), Đời nay, 1944

Một số tác phẩm của Khái Hưng đăng trên Phong hóaNgày nay dường như còn chưa được in thành sách; chẳng hạn, ta đọc được quảng cáo về tác phẩm Dưới bóng tre xanh (đăng nhiều kỳ trên Ngày nay) nhưng chưa hề thấy bản sách.

Khái Hưng còn có một loạt sách cho thiếu nhi, chủ yếu in trong tủ “Sách hồng” (tủ sách này được nhà xuất bản Đời nay bắt đầu ra từ cuối năm 1939, mở đầu là Ông đồ bể của Khái Hưng): Cắm trại, Cây tre trăm đốt, Cóc tía, Ông đồ bể, Bông cúc đen, Cái ấm đất, Để của bí mật, Thầy đội nhất, Quyển sách ước. (Danh mục trên đây có thể còn chưa đầy đủ). Giai đoạn 1945-1946 có thêm một số tác phẩm cho thiếu nhi đăng báo.

Giai đoạn 1945-1946 của Khái Hưng gần như còn chưa được ghi nhận. Trên tờ Ngày Nay Kỷ nguyên mới (1945), ngoài các tiểu mục nhỏ, đáng kể là truyện dài Xiềng xích đăng nhiều kỳ (chưa đầy đủ). Với tờ Việt Nam mà Khái Hưng có cộng tác, rất khó kiểm kê vì đây là dạng báo tin tức, chỉ gồm hai mặt, thường không đề tên tác giả. Khái Hưng nổi bật nhất ở tờ Chính nghĩa (1946): tờ báo này ra tổng cộng 28 số, số 1 ngày 20/5/1946, số cuối ngày 16/12/1946. Khái Hưng xuất hiện trên tất cả các số, trừ số 1, nhưng số này đã quảng cáo số tiếp sẽ khởi đăng vở kịch Đoàn kết của Khái Hưng. Các tác phẩm đăng Chính nghĩa (gồm các truyện ngắn và vài vở kịch) sau này đã được in lại trong tập Lời nguyền, 1966, nhưng có một số nhầm lẫn, có truyện không xuất hiện ở Chính nghĩa và nhất là thiếu vở kịch Đoàn kết. Ngoài ra, trên tờ Chính nghĩa, có thể xác định được Khái Hưng là tác giả của nhiều bài ở mục “Người và việc” xuất hiện ở tất cả các số, thậm chí rất có thể Khái Hưng là người viết toàn bộ mục này, từ số đầu đến số cuối; trong các mục “Người và việc” đặc biệt có bài bình luận Chùa Đàn của Nguyễn Tuân hết sức quan trọng.


(cảm ơn một số người đã giúp tôi, với nhiều mức độ khác nhau, trong việc lập danh mục trên đây)


Tiểu luận thứ tư về Tự Lực văn đoàn
Tiểu luận thứ ba về Tự Lực văn đoàn
Tiểu luận thứ nhất về Tự Lực văn đoàn



Tự Lực: một sự nghiệp tuyệt đẹp
Vàng và máu: một vị trí
Khái Hưng vs Nguyễn Tuân
Phan Cự Đệ vs Khái Hưng
Khái Hưng
Nhất Linh và tôi
Nhất Linh dang dở
Vũ Trọng Phụng trong lịch sử văn chương Việt Nam: một số nhìn nhận mới
Trong cuộc đối đấu Nhất Linh Nguyễn Tường Tam-Thiên Hư Vũ Trọng Phụng

12 comments:

  1. hu hu tội lỗi tội lỗi và suy đồi của tui nha.

    ReplyDelete
  2. hehe thì đây, đang chuẩn bị một cách tích cực còn gì :p

    ReplyDelete
  3. Để em về kiểm tra lại Đẹp và Đôi mũ lệch nhé !

    ReplyDelete
  4. uay, oách thế

    thế mà không biết trước :p

    Đẹp ok rồi, xem hộ anh Đội mũ lệch nhé

    ReplyDelete
    Replies
    1. ĐÔI MŨ LỆCH của KHÁI HƯNG....SÁCH NÀY IN XONG NGÀY 6 THÁNG MƯỜI MỘT NĂM 1941, TẠI NHÀ IN NGÀY NAY, 80 ĐƯỜNG QUÁN THÁNH, HANOI.

      Delete
    2. tks, oách quá :p

      thế tức là VNP đúng

      Delete
    3. blog của anh không có chức năng up ảnh, gõ mỏi tay quá !

      Delete
  5. mới được thêm thông tin: Khái Hưng còn có hai truyện thiếu nhi là "Thế giới tí hon" (1941) và "Đạo sĩ" (1944)

    như vậy tới thời điểm này, đã kiểm kê được tối thiểu 11 truyện thiếu nhi của Khái Hưng

    ReplyDelete
  6. Có tập Thời xưa do Vương Trí Nhàn biên tập, Thế giới tí hon có trong tập đấy, ngoài ra còn có Cóc kiện trời, Sách ước,...

    ReplyDelete
  7. à ừ có biết từ trước nhưng không khai thác từ đó vì tiêu chí của danh mục là sách bản in đầu

    ReplyDelete
  8. Các tập truyện ngắn của Khái Hưng sau này được in lại bị thiếu nhiều truyện không thể hiểu được ?

    Hạnh ban đầu 5 truyện, sau này Phượng Giang in 2 truyện.

    Đợi chờ 16 truyện -> các lần tái bản sau còn 8 truyện.

    ReplyDelete