Oct 13, 2019

Trong lúc đọc Kierkegaard (2) Diapsalmata

định tiếp tục luôn "Trong lúc đọc Kierkegaard (1)" (và vài post đang viết dở gần đây) nhưng rồi lại thôi


Diapsalmata

Kierkegaard



Một nhà thơ nghĩa là như thế nào? [nhảy qua luôn để đến phần cuối - sẽ sớm bổ sung]



Con người mới phi lý làm sao! Họ chẳng bao giờ dụng tới những tự do mà họ sở hữu, nhưng cứ đi đòi những tự do mà họ không sở hữu; họ có tự do suy nghĩ, nhưng lại nhất định đòi tự do nói năng.


*
*       *


Tôi không có lòng dạ cho bất cứ điều gì. Tôi chẳng có lòng dạ nào để cưỡi ngựa, chuyển động quá bạo liệt; tôi chẳng có lòng dạ nào để bước chân đi, thế thì quá mệt; cũng như là đi ngủ, bởi, hoặc tôi phải nằm đó mà tôi lại chẳng có lòng dạ nào làm vậy, hoặc tôi lại phải dậy và tôi càng chẳng có lòng dạ nào để làm vậy. Summa summarum: tôi không có lòng dạ cho bất cứ điều gì.


*
*       *


Ta biết rằng có các loài côn trùng chết đi vào đúng lúc phối giống; cũng như vậy, mọi niềm vui: khoảnh khắc của hân hưởng tối cao, cái khoảnh khắc phong phú nhất của cuộc đời, là anh em với cái chết.



[...]


Phù thủy Virgile [tức vẫn là Vergilius, Virgil] cho cắt người mình ra thành những mẩu nhỏ, bỏ vào nồi nấu lên trong vòng tám ngày, để trẻ lại. Ông sai một người canh không cho ai ngó vào trong nồi. Tuy nhiên, người canh đã không kháng cự được cám dỗ; - vậy là quá sớm - với một tiếng hét, Virgile biến mất dưới dáng dấp một đứa trẻ con. Cả tôi chắc hẳn tôi cũng đã lén nhìn quá sớm vào trong nồi, - trong cái nồi của cuộc đời và tiến hóa lịch sử, và sẽ chẳng bao giờ tôi trở nên cái gì hơn một đứa bé.


*
*       *


“Không bao giờ được đánh mất lòng can đảm; khi những nỗi bất hạnh dồn lại theo lối đáng khiếp đảm nhất quanh ta, chính lúc đó ta nhận thấy một bàn tay cứu giúp thò ra từ các đám mây”; ông cha cố Jesper Morten [nhân vật Kierkegaard bịa ra] đã nói như vậy trong những bài giảng kinh cuối. Tôi có thói quen đi lại ngoài trời, nhưng chưa từng bao giờ thấy có điều gì tương tự. Thế nhưng hôm trước tôi đã quan sát được trong cuốc đi dạo một hiện tượng thuộc dạng ấy. Trên thực tế nói cho đúng đó không phải một bàn tay, mà là một cánh tay, thò ra từ những đám mây. Tôi chìm đắm vào suy tưởng. Tôi nảy ra ý nghĩ: “A! giá như Jesper Morten có mặt ở đây để xác nhận cho mình rằng ông đã trông thấy chính hiện tượng kia!” Tôi đang nghĩ vậy thì một người đi ngang gọi tôi và, vừa đưa tay chỉ lên mây, vừa nói với tôi: “Vừa rồi anh có nhìn thấy vòi rồng không? Vùng này hiếm khi gặp vòi rồng lắm đấy; thỉnh thoảng chúng cuốn đi nguyên các ngôi nhà.” A, Chúa ơi! tôi mới nghĩ, đó là một vòi rồng. Thế rồi tôi ba chân bốn cẳng chuồn khỏi đó. Ông sẽ làm gì nếu ở vào vị trí của tôi đây, thưa đức cha đáng kính mục sư Jesper Morten?


*
*       *


Ta hãy để mặc cho bọn khác rỉ rên về sự độc ác của thời này. Còn tôi, tôi phàn nàn về sự ti tiện của nó; bởi vì nó chẳng hề có dục vọng. Những suy nghĩ con người thì mảnh và mong manh như đăng ten, còn bản thân họ thì thảm hại giống các cô thợ làm đăng ten. Những suy nghĩ của trái tim họ nghèo nàn đến nỗi chẳng thể nào gây tội. Nếu hạng con sâu cái kiến mà có các suy nghĩ như thế thì chắc ta cũng có thể coi vậy là tội lỗi đấy, nhưng không phải thế khi đó là một con người, vốn dĩ được tạo ra theo hình ảnh của Chúa. Các ham muốn của họ thì chừng mực, biếng nhác, còn các dục vọng của họ, ngủ lơ mơ; những tâm hồn lý tài ấy thực hiện nghĩa vụ của chúng, nhưng lại tự cho phép chúng, giống đám Do Thái, cằn nhằn đòi lấy chút tiền; dẫu Chúa, chúng nghĩ, làm việc kế toán nghiêm chỉnh lắm, người ta vẫn có thể lừa Người chút ít mà không mắc phải nguy cơ nào. Nhục thay cho chúng! Chính vì vậy mà tâm hồn tôi luôn luôn ngoảnh về phía Cựu Ước và về phía Shakespeare. Ít nhất ở đó cũng có thể cảm thấy người ta nói năng: ở đó người ta căm ghét - ở đó người ta yêu, người ta giết kẻ thù, người ta nguyền rủa hậu duệ xuyên qua mọi thế hệ - ở đó người ta phạm tội.



*
*       *


Tôi dùng thời gian của tôi như sau: một nửa để ngủ, nửa kia để mơ. Những lúc ngủ chẳng bao giờ tôi mơ; nếu làm thế thì sẽ rất tệ, vì giấc ngủ chính là sự tuyệt đỉnh tối cao.


*
*       *


Trạng thái tối cao, tôi nghĩ, là được là một con người đầy đủ. Lúc này chân tôi đang lên chai - dẫu thế nào thì đó vẫn cứ là một khởi đầu.


*
*       *


Cuộc đời tôi tan vào không gì cả, vào một bầu không khí, vào một màu duy nhất. Cái đó giống với tác phẩm của một nghệ sĩ phải vẽ cuộc vượt Biển Đỏ của người Do Thái, thế là anh ta bèn vẽ cả một bức tường màu đỏ; anh ta giải thích rằng người Do Thái đã đi sang bên kia còn những người Ai Cập thì đã chết đuối.


*
*       *


Phẩm giá con người, nói cho đúng, được công nhận trong tự nhiên; những khi muốn xua lũ chim đừng lại gần những cái cây, người ta dựng ra một cái gì đó giống như một con người và thế là, ngay từ xa, cái vẻ giống con người của bù nhìn đã đủ để áp đặt lòng kính trọng.


*
*       *


Để tình yêu trở nên có giá trị, cần có chuyện ánh trăng chiếu sáng nó vào lúc sinh ra; cũng vậy, Apis [hay Api, Hapi], để trở thành một Apis đúng nghĩa, đã cần tới ánh trăng. Con bò sinh ra Apis, vào thời điểm sinh hạ, đã phải được trăng chiếu sáng.


*
*       *


Chứng cứ rõ nhất cho nỗi khốn cùng của tồn tại là chứng cứ người ta rút được từ sự chiêm ngưỡng vẻ huy hoàng của nó.


*
*       *


Phần lớn con người theo đuổi khoái lạc dữ đến mức họ vượt luôn qua nó. Số phận của họ cũng giống số phận tên lùn nơi lâu đài của hắn trông coi một nàng công chúa mà hắn đã bắt cóc về. Một hôm, hắn ngủ trưa. Một tiếng sau, khi hắn tỉnh dậy, công chúa đã biến mất. Hắn vội đi đôi hài bảy dặm vào chân - chỉ đi một bước thôi, hắn đã vượt xa nàng rất nhiều.


*
*       *


Tâm hồn tôi nặng đến nỗi không còn suy nghĩ nào có thể mang nó nữa, không còn cú đập cánh nào có thể nâng nó lên tầng ê-te nữa. Có chuyển động thì nó cũng chỉ làm một việc là bay là là mặt đất như lũ chim trong trận gió đưa giông tới. Trên tâm hồn tôi đè nặng một nỗi áp bức, một sợ hãi khiến tiên cảm một cơn động đất.


*
*       *


Sao mà cuộc đời vớ vẩn và trống rỗng! Người ta chôn một con người, đi theo anh ta ra mộ, ném xuống cho anh ta ba nắm đất; người ta đi xe ngựa tới, rồi đi xe ngựa về nhà; nghĩ rằng mình đang có ở trước mặt một cuộc đời dài, người ta thấy được tự an ủi. Dăm bảy lần 10 năm thì là gì? Sao không kết thúc nó đi một lần cho xong; sao không ở lại đó, chui vào trong nấm mồ? Sao không bắt thăm mà chọn ra kẻ bất hạnh sẽ phải là người sống cuối cùng, kẻ sẽ phải ném ba nắm đất cuối cùng xuống cho người chết cuối cùng?


*
*       *


Tôi chẳng thích các cô thiếu nữ. Vẻ đẹp của họ tắt ngấm đi như một giấc mơ, như ngày hôm qua lúc nó đã qua. Lòng chung thủy của họ - phải, lòng chung thủy của họ! hoặc họ xảo trá, và cái đó đâu còn khiến tôi quan tâm nữa, hoặc họ chung thủy. Nếu tìm được trong số bọn họ một người chung thủy, thì chắc tôi sẽ thích cô ta như một món hiếm, nhưng sẽ không thích cô ta do độ dài thời gian; bởi vì, hoặc cô ta sẽ luôn luôn chung thủy với tôi và nếu thế tôi sẽ trở thành nạn nhân cho nỗi sốt sắng nhà thực nghiệm nơi tôi và rồi sẽ phải ở mãi bên cạnh cô ta, hoặc rồi một ngày đẹp trời cô ta sẽ hết chung thủy, và vậy là tôi sẽ lại có câu chuyện cũ rích.


*
*       *


Phần số thảm hại! Chỉ vô vọng mà thôi nếu ngươi tô son trát phấn lên khuôn mặt nhăn nheo, như một con điếm già, chỉ vô vọng mà thôi khi ngươi rung ầm ĩ lục lạc của tên hề; ngươi khiến ta chán ngán; lúc nào cũng thế mà thôi, idem per idem. Chẳng biến tấu nào, luôn luôn là món hâm lại. Đến đây nào, giấc ngủ và cái chết, các ngươi thì không hứa hẹn gì, các ngươi túm lấy tất.


[...]

*
*       *


Lạ thay! Người ta bám lấy cuộc đời này bằng nỗi e sợ lưỡng lự kỳ quặc, sợ mất nó và sợ phải giữ nó. Đôi khi tôi đã nghĩ tới việc thực hiện bước chân quyết định, so sánh với đó mọi bước chân trước đây của tôi hẳn đều chỉ là những trò trẻ con - tức là tiến hành chuyến thám hiểm lớn. Như một con tàu hạ thủy được đón chào bằng những phát đại bác để nó rời khỏi xưởng, hẳn tôi cũng sẽ chào chính tôi như vậy. Tuy nhiên! Có phải tôi thiếu mất lòng can đảm? Nếu một tảng đá rơi xuống giết chết tôi, thì có phải là tiện biết bao nhiêu không.


*
*       *


Trùng ngôn là và vẫn cứ là nguyên tắc tối cao, luật cao nhất của suy nghĩ. Cho nên có gì phải kinh ngạc khi phần lớn người ta dùng nó? Vả lại chẳng phải nó không có giá trị gì và hoàn toàn có thể phủ đầy cả cuộc đời. Hoặc nó có hình thức vui, nhiều trí tuệ, hấp dẫn - các phán định của nó thì vô tận. Đây là dạng trùng ngôn nghịch lý và siêu vượt. Hoặc nó có hình thức trang nghiêm, nhiều tính cách khoa học, xây dựng. Công thức là như sau: khi hai đại lượng đều bằng một đại lượng thứ ba, thì chúng bằng nhau. Dạng trùng ngôn này là dạng chủ yếu được dùng nơi các ghế Đại Học và Nhà Thờ, ở mấy chỗ đó thì phải nói rất lắm.


*
*       *


Cơ thể tôi rất kém về mặt tỉ lệ, các chi trước quá ngắn. Chúng nhỏ xíu như chi trên của loài căng-gu-ru châu Úc [có chỗ nói là giống “thỏ New-Zealand”], trong khi hai chi còn lại thì dài cực điểm. Nhìn chung, tôi thường ở yên một chỗ; nhưng hễ tôi chuyển động, tức thì có cả một cú nhảy rất tợn làm kinh khiếp tất cả những ai mà tôi gắn bó bằng những dây liên hệ êm đềm của nghĩa họ hàng và tình bạn.


*
*       *


Hoặc là - hoặc là

Một bài giảng xuất thần


Lấy vợ đi, ngươi sẽ phải hối tiếc; cứ không lấy vợ đi, ngươi cũng sẽ hối tiếc như thế; lấy vợ hay không lấy vợ, thì ngươi cũng sẽ phải hối tiếc thôi; có lấy vợ hay không lấy vợ, thì ở cả hai trường hợp ngươi cũng sẽ hối tiếc thôi. Cứ cười nhạo những điên rồ của thế giới đi, ngươi sẽ phải hối tiếc; khóc đi, ngươi cũng sẽ hối tiếc như thế; cười nhạo những điên rồ của thế giới hay khóc cho chúng, thì ngươi cũng sẽ phải hối tiếc thôi; cười những điên rồ của thế giới hay khóc cho chúng, thì ở cả hai trường hợp ngươi cũng sẽ hối tiếc thôi. Cứ trao mình cho một thiếu nữ đi, ngươi sẽ phải hối tiếc; đừng trao mình cho thiếu nữ ấy, ngươi cũng vẫn sẽ phải hối tiếc; trao mình cho một thiếu nữ hay không trao mình, thì ngươi cũng sẽ phải hối tiếc thôi; có trao mình cho một thiếu nữ hay không trao mình, thì ở cả hai trường hợp ngươi cũng sẽ hối tiếc thôi. Tự treo cổ lên đi, ngươi sẽ phải hối tiếc; đừng tự treo cổ, ngươi cũng sẽ hối tiếc như thế; có tự treo cổ hay không tự treo cổ, thì ngươi cũng sẽ phải hối tiếc thôi; tự treo cổ hay không tự treo cổ, thì ở cả hai trường hợp ngươi cũng sẽ hối tiếc thôi. Cái đó, thưa các ngài, là đỉnh cao toàn bộ sự thông thái cuộc đời. [...]





Tại sao tôi không chào đời tại Nyboder [khu phố ở Copenhagen, được xây dựng cho sĩ quan và thủy thủ của hải quân Đan Mạch], tại sao tôi đã không chết đi khi còn là đứa trẻ? Hẳn nếu vậy bố tôi sẽ đặt tôi vào cái quan tài nhỏ, hẳn ông sẽ tự cắp tôi dưới nách và một sáng Chủ nhật mang tôi ra nghĩa địa. Ở đó, hẳn chính ông sẽ ném những nắm đất xuống quan tài tôi và nhỏ giọng nói vài lời, mà chỉ mình ông mới hiểu. Chỉ mỗi thời cổ đại sung sướng mới có thể nghĩ rằng trên khu vườn Thiên đường lũ bé con khóc lóc vì chết sớm quá.


*
*       *


Tôi chưa từng bao giờ tươi vui; tuy nhiên lúc nào tôi cũng thấy như thể niềm vui đi cùng tôi, các vị thần nhẹ nhõm của niềm vui nhảy múa xung quanh tôi, vô hình với kẻ khác, nhưng không phải với tôi, mắt tôi sáng bừng vì khoái lạc. Những lúc, sung sướng và vui tươi như một ông thần, tôi đi qua trước mặt những con người và họ ghen tị với hạnh phúc của tôi, thì tôi cười; bởi tôi khinh bỉ những con người và trả thù. Tôi chưa bao giờ muốn làm điều xấu cho bất cứ ai, nhưng lúc nào tôi cũng để người ta hiểu rằng những kẻ xích lại gần tôi đều bị lăng nhục và sỉ mạ. Nếu người ta ca ngợi trước mặt tôi lòng trung thành và sự trung thực của kẻ khác, tôi cười; vì tôi khinh bỉ những con người và tôi trả thù. Chưa từng bao giờ trái tim tôi trở nên cứng rắn chống lại bất cứ ai, nhưng luôn luôn, và chính vào cái lúc tôi cảm thấy xúc động hơn cả, tôi khiến người ta nghĩ rằng trái tim tôi đã đóng chặt, bất khả xâm nhập cho mọi tình cảm. Những khi tôi nghe tán tụng lòng tốt của ai đó và thấy kẻ ấy được yêu quý vì những tình cảm sâu sắc và phong phú của hắn, tôi cười; bởi tôi khinh bỉ những con người và tôi trả thù. Những lúc tôi thấy mình bị nguyền rủa, căm ghét và hận thù do sự lạnh lùng và hờ hững của tôi, tôi cười, và cơn giận dữ của tôi dịu ngay đi. Vì nếu những con người trung hậu có thể đòi nợ tôi vì đã thực sự sai, hoặc vì thực sự làm điều gì hại cho ai - phải, khi đó, hẳn tôi sẽ tiêu.


*
*       *


Đây là bất hạnh của tôi: một thiên thần hủy diệt lúc nào cũng đi cùng tôi và chẳng hề là cánh cửa của những người đặc tuyển mà tôi dùng máu đánh dấu để nó bỏ qua, không, mà ngược lại, chính đó là những cánh cửa nó đi vào - bởi chỉ tình yêu kỷ niệm thì mới hạnh phúc.


*
*       *


Rượu không còn đốt nóng trái tim tôi nữa; một chút rượu làm cho tôi buồn, còn rất nhiều - thì sầu muộn. Tâm hồn tôi uể oải và yếu ớt, chỉ vô vọng nếu tôi đâm sâu vào da thịt nó đinh thúc của ham muốn, nó chẳng thể gì được nữa, nó không dựng đứng dậy nữa, bằng một cú bật huy hoàng. Tôi đã đánh mất mọi ảo tưởng của tôi. Tôi buông mình trong vô vọng vào bất tận của niềm vui, nó không thể nào gây phấn hứng cho tôi, hay nói đúng hơn tôi chẳng thể nào phấn hứng nổi. Xưa kia, chỉ cần có từ nó một dấu hiệu nhỏ, là tôi liền hứng khởi vọt lên, nhẹ, thanh thoát và quả cảm. Những lúc tôi cưỡi ngựa chậm rãi băng ngang khu rừng, cứ như thể tôi đang bay; giờ đây, dẫu cho con ngựa sùi bọt mép ngã gục đến nơi, tôi vẫn có cảm giác chẳng hề tiến lên. Tôi chỉ có một mình, tôi vẫn luôn luôn vậy; bị bỏ mặc không phải bởi những con người, nếu thế hẳn tôi sẽ chẳng hề thấy đau đớn, mà bởi các vị thần sung sướng của niềm vui, bọn họ từng vây quanh tôi đông đảo, gặp khắp nơi bạn bè, và khắp nơi chỉ cho tôi cơ hội. Giống một kẻ ưa say sưa hút đến quanh hắn bầy đàn tuổi trẻ điên rồ, các nàng tiên của niềm vui cũng từng tụ tập lại quanh tôi, và nụ cười của tôi là dành cho các nàng ấy. Cái khả hữu không còn tồn tại nữa đối với tâm hồn tôi. Nếu cần nói lên một nguyện ước, tôi sẽ chẳng mong muốn cả sự giàu có lẫn quyền lực, mà là dục vọng cái khả hữu, cái con mắt lúc nào cũng trẻ, lúc nào cũng bùng cháy, phát hiện ở mọi nơi cái khả hữu. Sự tận hưởng thì gây thất vọng, chứ không phải cái khả hữu. Và còn có thứ rượu nào lấp lánh hơn, ngọt ngào hơn, gây say hơn đây!


*
*       *


Ở nơi các tia mặt trời không còn tới nữa, thì những thanh âm vẫn đến. Căn phòng của tôi tối tăm và buồn thảm, một bức tường lớn ngăn gần như hoàn toàn ánh sáng ban ngày lọt vào. Trong sân nhà bên hẳn đang có một nhạc công lang thang. Anh ta chơi thứ nhạc cụ gì? Sáo hay tiêu?… Thứ âm nhạc nào vẳng tới tai tôi đây?… Bản menuet của Don Juan. A, hãy mang tôi đi thêm một lần nữa, các người, những âm thanh phong phú và hùng mạnh, về phía thế giới của các thiếu nữ, và đến những khoái lạc của điệu nhảy. Nhà bào chế giã cối, cô hầu cọ nồi, tên hầu ngựa chải lông con ngựa của nó và giộng cái bàn chải sắt xuống lòng đường; những âm thanh ấy chỉ hướng tới tôi mà thôi, chúng chỉ gọi tôi. Ô! Cám ơn, dẫu cho anh có là ai, cám ơn, cám ơn! Tâm hồn tôi phong phú đến thế, thánh thiện đến thế, say sưa đến thế vì niềm vui!


*
*       *


Cá hồi tự thân nó là một món khá ngon; nhưng ăn quá nhiều cá hồi thì có hại cho sức khỏe, vì nó rất khó tiêu. Xưa kia, ở Hamburg, những khi nào dân chài lưới mang về được nhiều cá hồi, cảnh sát lại ra lệnh cho các ông chủ chỉ được cho gia nhân của mình ăn món ấy một lần mỗi tuần. Thật đáng mong muốn, việc cảnh sát thực thi cùng biện pháp đó trong những gì liên quan đến tình cảm.


*
*       *


Nỗi khốn khổ là lâu đài lãnh chúa của tôi, nằm trên cao kia, như một tổ đại bàng, trên đỉnh các ngọn núi, giữa mây; chẳng ai có thể đánh chiếm nó. Từ đó, tôi khởi sự cuộc bay xuống với thực tại và quơ lấy con mồi; nhưng tôi không nán lại đó, tôi mang mồi về nhà tôi. Con mồi ấy là một hình ảnh mà tôi dệt vào các tấm thảm trong lâu đài của tôi. Rồi tôi sống như một kẻ quá cố. Tôi nhấn mọi thứ gì từng sống chìm vào trong báp têm của quên, cho vĩnh hằng của kỷ niệm. Mọi thứ gì có tính cách thời gian và ngẫu nhĩ đều bị quên đi, xóa đi. Khi ấy, giống một ông già đầu bạc trắng, tư lự, tôi lấy giọng trầm giải thích những hình ảnh, gần như là thì thầm; bên cạnh tôi, một đứa trẻ lắng nghe, dẫu cho trước cả khi tôi kịp kể thì nó đã nhớ được mọi thứ.


*
*       *


Mặt trời đi vào, thật đẹp và thật vui, trong phòng tôi, cửa sổ căn phòng bên cạnh đang mở; mọi thứ đều tĩnh lặng ngoài phố, đang là chiều Chủ nhật. Tôi nghe thật rõ một con chim chiền chiện hót ríu rít trước cửa sổ ngôi nhà ở gần, nơi cô thiếu nữ xinh đẹp sống; tiếng rao của người bán tôm vẳng đến tôi từ một phố xa; không khí rất nóng. Tuy nhiên thành phố dường đã chết. Khi ấy, tôi nhớ tuổi trẻ của tôi, mối tình đầu của tôi, lúc mà tôi đầy những ham muốn. Giờ, tôi chỉ còn khát khao tới ham muốn đầu tiên của tôi. Tuổi trẻ là gì? Một giấc mơ. Còn tình yêu? Đối tượng của giấc mơ.

[...]



(còn nữa)





Trong lúc đọc Kierkegaard (1)

Trong lúc đọc Hermann Broch (2)
Trong lúc đọc Hermann Broch (1)

Trong lúc đọc Lévy-Bruhl (1)

Trong lúc đọc Lukács (5) Lukács và Bakhtin
Trong lúc đọc Lukács (4) Balzac (Lukács đọc Hết ảo tưởng)
Trong lúc đọc Lukács (3) văn chương Đức
Trong lúc đọc Lukács (2)
Trong lúc đọc Lukács (1)

Trong lúc đọc Valéry (3)
Trong lúc đọc Valéry (2) Teste
Trong lúc đọc Valéry (1)


15 comments:

  1. "Quant au poète-écrivain, eh bien, c'est un chasseur. Sa mission est de rapporter de la beauté pour tout le monde..." (L.-P. F.)

    ReplyDelete
  2. Người xa xôi quá tôi bùn lém

    ReplyDelete
  3. I wanted to thank you for this great read!! I absolutely
    enjoyed every little bit of it. I've got you saved as a
    favorite to look at new stuff you post…

    ReplyDelete
  4. “Không bao giờ được đánh mất lòng can đảm; khi những nỗi bất hạnh dồn lại theo lối đáng khiếp đảm nhất quanh ta, chính lúc đó ta nhận thấy một bàn tay cứu giúp thò ra từ các đám mấy” (ngón áp út anh mỏi nên rơi xuống dấu sắc nhỉ?)
    ❤️

    ReplyDelete
  5. Thế bạn nói xem vì sao mình phải trả lời bạn?

    ReplyDelete
  6. vì mình ngốc, ngốc ơi là ngốc^^

    ReplyDelete
  7. à, bạn có biết là tôi... (đừng đổi bạn+tôi thành bạn+mình)

    ReplyDelete
  8. nếu sống mà vất vả thế thì cứ sống thôi vất vả để làm gì. nếu tuổi trẻ là một giấc mơ thì dậy đi xem vòi rồng thôi mơ để làm gì. nếu, chẳng hạn, lấy vợ rồi sẽ hối tiếc thì hối tiếc không thôi, lấy vợ để làm gì.

    ReplyDelete
  9. Cảm ơn Nhị Linh! Yêu NL và công việc của NL vô chừng.

    ReplyDelete
  10. không còn ở tuổi sợ ma nên hết được chơi Halloween rồi, bây giờ chỉ ráng xin chơi với NL, được hơm?

    ReplyDelete
  11. "dục vọng cái khả hữu" thì chẳng phải là dục vọng. một cái năng làm sao lại lấy mình làm sở mà ko có cái bản năng. nếu cái bản năng cũng là "cái khả hữu" thì Kierkegaard ông thành tiên mất rồi. còn gọi đám thần tiên đến làm gì.

    ReplyDelete
  12. Trong cảnh trạng Kierkegaard “cái khả hữu không còn tồn tại nữa đối với tâm hồn tôi” thì “dục vọng cái khả hữu” là dục vọng đấy chứ

    ReplyDelete
  13. No Women No Cry

    ReplyDelete