May 30, 2019

Trong lúc đọc Hermann Broch (1)

đấy, cuối cùng đã tưởng mục "trong lúc đọc" sẽ tiếp tục với Sainte-Beuve, hóa ra vẫn chưa

quay trở lại với Joseph Roth gần đây đã làm cho tôi thấy là không thể không thực hiện điều tương tự với Hermann Broch: văn chương tiếng Đức của những người bên lề vĩ đại như thế nói về thế giới của cách đây đúng một thế kỷ - cái thế giới ấy vẫn tiếp diễn

Văn chương Hermann Broch, trước tiên là sự sâu sắc của khắc kỷ.


Hermann Broch thường được nhắc đến (đặt cạnh - thành một cặp) với một nhà văn Wien khác, Robert Musil. Giống Ernesto Sabato, không có gì định trước rằng Broch sẽ trở thành nhà văn. Sabato thì chiến đấu suốt nhiều năm giữa thiên hướng khoa học (đó là một nhà khoa học xuất sắc, đầy hứa hẹn của nền khoa học Argentina) và thiên hướng văn chương, còn Broch trong vòng khoảng hai mươi năm trông coi doanh nghiệp dệt của gia đình. Ngoài bốn mươi tuổi, đột nhiên Broch đi học (toán, triết, etc.) và năm bốn mươi lăm tuổi thì in tác phẩm đầu tiên, một cuốn tiểu thuyết lớn (tuy nói cho đúng, từ trẻ Broch đã đăng một số thứ trên các tạp chí: Joseph Roth không ít lần chỉ trích khuynh hướng thương mại quá mạnh của rất nhiều con người thời ấy; còn Broch thì phải thực sự chiến đấu trong địa hạt đó - cho đến cuối cùng, Broch cũng không thực sự coi trọng văn chương, hay ít nhất, luôn luôn có ở Broch một nỗi nghi ngại, một nỗi nghi ngại đặc biệt hữu lý, đối với tiểu thuyết, cũng như nghệ thuật nói chung). Ngày nay, người ta quá mức giản lược trong cái nhìn vào Broch (đặc biệt là một nhóm trong số nouveau riche Việt Nam), buộc chết Broch vào khái niệm kitsch. Broch rộng hơn thế nhiều, Broch là cả một thế giới.

Thế giới của Broch đặc biệt khắc kỷ. Nhan đề của hai cuốn sách trong bức ảnh trên đây đã cho thấy ngay một phần: Die Schuldlosen và Der Versucher (rất có thể lẽ ra Der Versucher phải là Der Wanderer thì mới đúng ý Broch). Cả hai cuốn sách đều có sự ra đời quái dị, thuộc về cuối đời Broch (năm 1938, khi Anschluss xảy ra, Broch bị chính quyền Áo bắt, nhưng một số người bạn của Broch, nhất là James Joyce - Broch viết về Joyce một tiểu luận then chốt, một tiểu luận rất đáng nhớ nữa của Broch là về Hugo von Hofmannsthal - đã nhanh chóng cứu được Broch, đưa Broch sang Mỹ và Broch sẽ ở Mỹ cho đến khi qua đời, năm 1951) - tức là quãng thời gian sự nghi ngại đối với văn chương ở Broch mỗi lúc một thêm lớn. Die Schuldlosen, cuốn sách về "những kẻ vô can" là kết quả của một câu chuyện kỳ quái: một nhà xuất bản muốn in lại mấy truyện trước đó của Broch, nhưng Broch viết lại hết, và viết thêm, để thành Die Schuldlosen, còn Der Versucher (câu chuyện về "kẻ cám dỗ" Marius Ratti) là tác phẩm posthumous: khi chết, Broch để lại ba version cuốn tiểu thuyết rất dày ấy. Nhà xuất bản quyết định nhờ một người san định bản thảo - kết quả là có sự chắp nối các version (với thông báo có thêm không quá hai mươi dòng để nối các phần vào với nhau).

Cái nhìn của Broch không bao giờ chần chừ chộp ngay lấy điều cốt yếu. Con người - Broch viết trong Der Versucher - chỉ có chỗ cho mình ở trên một dải nhỏ vô cùng tận sát kề với bóng tối.

Cũng trong Der Versucher (cũng như Die Schuldlosen: hai cuốn sách đi vào trách nhiệm và sự cám dỗ, những chủ đề lớn trong thế giới quan của Broch ("thế giới quan" nằm trong tiêu đề một bài thuyết trình rất quan trọng của Broch về tiểu thuyết) - điều này ngay lập tức khiến Broch ở tương đối xa so với Expressionismus là khuynh hướng chi phối rất mạnh tinh thần của văn chương nghệ thuật đương thời, nhất là phân mảng Đức; hai tác phẩm văn chương ấy của Broch, do sự ra đời của chúng, thuộc vào dạng tác phẩm văn chương mà người ta hay gọi là "bancal"), bà già Gisson - linh hồn của vùng núi non Kupporn có vùng thượngvùng hạ - phát biểu: "tiên tri tức là nhớ lại"; đối với Broch của giai đoạn từ bỏ cuộc sống thành phố, núi là đàn ông, thung lũng là phụ nữ; núi, con người và ngôn ngữ được sinh ra cùng một lúc.

Cùng Broch, văn chương (tiểu thuyết) bước vào sự lựa chọn nằm ở siêu hình học của bản thân nó, trong một vết nứt thuộc mức onto- của nó: cần phải lựa chọn giữa confession (đó là tinh thần của tiểu thuyết thế kỷ 18, của Rousseau, sang đến tận Alfred de Musset và cả sau đó nữa, chẳng hạn Tolstoi; với nguyên tắc từ xa là Saint-Augustin) và connaissance. Trong "thú tội", một cái gì đó sâu kín ("cái tôi", nếu muốn nói ngắn gọn) bị lột trần: tất nhiên ta nhớ đến cả Baudelaire, Mon coeur mis à nu. Nhưng cái đó đâu còn có thể nắm bắt được nữa, trong một thời đại mà Broch miêu tả là trống rỗng về phong cách (cf. Hofmannsthal và thời đại của mình). Chính xác ở đây, ta thấy rõ Kundera là truyền nhân của Hermann Broch đến mức độ nào. Cũng chính Kundera đóng góp phần không nhỏ để mối quan tâm chung được tập trung thêm một lần nữa vào Broch (rọi ánh sáng vào) - cùng, tất nhiên, một "thế giới quan" mà phải mất rất lâu tiểu thuyết mới thực sự lĩnh hội được (và đi đến đỉnh cao - theo tôi - ở Sebald).

Quay trở lại với tiểu luận của Broch về Joyce (tôi sẽ tạo cảm giác quá quan tâm đến một Broch tiểu luận gia chứ không phải Broch tiểu thuyết gia, nhưng tất nhiên không phải thế: trong Die Schuldlosen có một trong những câu chuyện lớn nhất của văn chương cả một thời đại rộng lớn: câu chuyện của bà hầu Zerline): đó là khi Broch nhấn mạnh vào hình ảnh nhà văn ở tuổi năm mươi. Giờ đây đọc lại tiểu luận ấy, một điều nghịch lý bỗng hiện lên rất rõ: chính Broch mới là nhà văn lớn chứ đâu phải Joyce. Cùng cảm giác ấy hiện lên, với tôi, khi đọc Bùi Giáng ca ngợi Camus: chính Bùi Giáng mới lớn, chứ đâu phải Camus. Nhưng, đó, chính đó, là ý nghĩa: đó là sự hào phóng. Broch đi đến hào phóng bằng con đường của khắc kỷ. Nhưng, hào phóng có là gì khác đâu, ngoài một tên gọi khác của cứu rỗi.

Và chính truyền nhân của Broch - Kundera - đã vượt qua (đầy kín đáo) Joyce. Ulysses của Joyce, mới nhìn ta thấy thật dị hợm, nhưng rồi ta thấy hình như không phải vậy, rằng đằng sau cái đống rậm rì kia có (rất nhiều) điều khác; ta cứ tin như vậy mãi, cho đến lúc lại nhận ra thêm một lần nữa, đó đúng là sự dị hợm (sự dị hợm ấy có lẽ tập trung vào món cật rán để ăn sáng của Bloom - dẫu thế nào, Molly của Céline chứ không phải Molly của Joyce - hoặc cũng có thể, Molloy chứ không phải Molly). Ulysse của Kundera vượt qua rất xa, và Kundera thực hiện điều đó bằng một cách thức không thể tưởng tượng nổi: bằng con đường của sự trong suốt. Limpidité. Cuốn tiểu thuyết thứ ba bằng tiếng Pháp của Kundera (Vô tri) làm điều đó. Ấy là sau hai lần không mấy đúng hướng (à, chính nhờ tôi nên bản tiếng Việt La Lenteur đã thoát được khỏi cái tên cũ ngớ ngẩn, "Chậm rãi", để có được nhan đề đúng, là Chậm): La Lenteur cho thấy rằng Kundera rất vĩ đại trong nhìn nhận văn chương thế kỷ 17 và kể cả Rabelais nhưng lại không hoàn toàn vậy với thế kỷ 18: Vivant Denon không nói cho Kundera thực sự nhiều điều; vả lại, Kundera cũng không chuẩn xác khi nhìn nhận Laclos.

Thành phố Wien nhận được một miêu tả đặc biệt sâu sắc từ Broch. Trong đó, Burgtheater là một yếu tố nổi bật (Hermann Broch rất hay nhấn mạnh một điều: Richard Wagner luôn luôn tìm cách đẩy bật các vương cung thánh đường khỏi vị trí trung tâm của thành phố, để thay vào đó nhà hát, nhất là opera). Trong trí nhớ của tôi, Burgtheater của Wien có phố chạy qua ngay sát là phố Mahler. Cái tên Mahler không khỏi gợi đến "malheur". Còn Wien đối với Joseph Roth trước hết là Leopoldstadt: trong tiểu luận Những người Do Thái lang thang, Roth nói rằng Wien là địa ngục với người Do Thái, không người Do Thái nào muốn đến Wien. Hai con người sáng suốt nhất của cả một thời ấy, Broch và Roth, đều nhìn thấy vấn đề: đối với Broch, chủ nghĩa phát xít ra đời từ giới petit-bourgeois, còn Roth thấy rằng từ Martin Luther đến Adolf H. là một con đường rất thẳng (và không dài).

Chương hay nhất trong cuốn sách Danube của Claudio Magris là chương về thành phố Wien, thành phố Wien của Lukács, của Hofmannsthal, Broch, Musil, Karl Kraus, và của Peter Altenberg - với sự hiện diện kỳ quái tại Cafe Central (trong ký ức của riêng tôi, về thành phố, gần như không có gì liên quan đến Cafe Central, tuyệt đối không có thì đúng hơn - hồi ở Warszawa, tôi đã định đi tìm quán cà phê Ziemiańska - phế tích của nó thì đúng hơn - tức là nơi Gombrowicz hồi trẻ hay ngồi, nhưng rồi tôi nhanh chóng từ bỏ ý định, tôi thấy nó vô nghĩa; tới một thời điểm, tôi bỗng nhận ra nơi tôi ở trong vòng chừng một tuần, một khu rất Warszawa, từng xuất hiện trong một cuốn tiểu thuyết của Isaac Bashevis Singer: hồi Singer còn ở đó, nó là một ngoại ô xa xôi; đại khái, ấy là một khu không khác Mỹ Đình tại Hà Nội). Tôi cũng nhớ mình từng nằm trên bãi cỏ gần sông Danube (Donau) rồi ngủ thiếp đi một hồi lâu, lúc tỉnh dậy mất vài giây mới hiểu ra đang ở đâu. Trong đoạn về Wien của cùng cuốn sách, Magris miêu tả căn hộ của Sigmund Freud, đã trở thành viện bảo tàng từ lâu.

Joyce là một trong những hiểu nhầm lớn của văn chương thế kỷ 20. Một tương tự: Nabokov. Để đủ một bộ ba, không ai xứng đáng với vị trí còn khuyết hơn so với Martin Heidegger. Tôi không nghĩ (giống không ít người, từ vài năm trở lại đây, sau khi "sổ đen" - nghĩa là sổ có bìa màu đen - của Martin H. được công bố) đó là một nhân vật tầm thường: Heidegger không hề tầm thường, dẫu đó là người có biệt tài đào tạo ra nhiều môn đệ tầm thường: Hannah Arendt hay Hans Jonas (chỉ nên tính những môn đệ thực sự gần gũi: lẽ ra Jonas và Arendt đã yêu nhau, nếu ông thầy Martin H. không xen vào - điều đó, Jonas kể trong hồi ký của mình). Không tầm thường, bởi vì xét cho cùng, đó là một cao thủ: Đông Phương Bất Bại cũng là một cao thủ; nhưng xét cho cùng hơn nữa (vả lại, ở Martin H., hoàn toàn có thể làm vậy: đó là người từng nghĩ có thể đi sâu hơn cả siêu hình học, cũng như từng, trong suốt thập niên 30 của thế kỷ 20, tìm mọi cách để vượt qua Nietzsche: xem thêm ởkia - rất nên để ý comment bên dưới, của một nhân vật rất tích cực triết học, hỏi về chính sự "vượt qua"), cố nhìn quá thì cũng đâu có hay gì - cũng như mắt lác.

Magris cũng phê phán một số người (nhất là Kundera) vì có cái nhìn "Mitteleuropa" quá mức lý tưởng.



(còn nữa)




Hôtel Savoy
Roth


Trong lúc đọc Lévy-Bruhl (1)

Trong lúc đọc Lukács (5) Lukács và Bakhtin
Trong lúc đọc Lukács (4) Balzac (Lukács đọc Hết ảo tưởng)
Trong lúc đọc Lukács (3) văn chương Đức

Trong lúc đọc Lukács (2)
Trong lúc đọc Lukács (1)


Trong lúc đọc Valéry (3)
Trong lúc đọc Valéry (2) Teste
Trong lúc đọc Valéry (1)


4 comments:

  1. hay. giống như những đốc tờ thật sự thì vốn đã chưa và ko bao giờ yêu mến cái giống mà mình chữa trị một cách tận tụy; trừ việc quan tâm đến nó còn hơn chính mình và chấp nhận mang cái tiếng là nhân ái.

    ReplyDelete
  2. làm nhớ đến "Lời bộc bạch của một thị dân" - cái âm u của miền gần các đỉnh. thay vì đau khổ thì người ta sáng suốt.

    ReplyDelete