Sep 15, 2015

Lê Huy Oanh viết về Lan Hữu

Theo kiểm kê cho đến lúc này, ngoài lời tựa của Lưu Trọng Lư in trong Lan Hữu, đã có các bình luận sau đây về cuốn tiểu thuyết của Nhượng Tống:

+ Vũ Ngọc Phan trong mục "Nhượng Tống" (phần "tiểu thuyết tình cảm") của Nhà văn hiện đại, quyển tư tập hạ, in năm 1945.

+ Bài của ký giả Lô Răng tức Phan Lạc Phúc, một nhà báo quan trọng thời miền Nam trước 1975, trên tờ Tiền tuyến, năm 1968. Trong bài này, Phan Lạc Phúc so sánh Lan Hữu với Le Grand Meaulnes của Alain-Fournier, một so sánh theo tôi vô cùng hữu lý.

Trong các bộ văn học sử thì sao? Cho tới giờ, ở Việt Nam mới chỉ có hai bộ văn học sử đúng nghĩa, là Bảng lược đồ văn học Việt Nam của Thanh Lãng và Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ.

Trong bộ sách của Thanh Lãng, toàn bộ có mấy dòng như sau:

"NHƯỢNG TỐNG

Còn như Nhượng Tống, trong Lan và Hữu (1940), chẳng hạn, thì đề cao thứ tình yêu lãng mạn, phóng túng ngoài khuôn khổ gia đình."

Thanh Lãng tuy ghi niên đại 1940 nhưng lại ghi nhan đề sách theo ấn bản đầu thập niên 50 của nhà xuất bản Á Châu. Dựa vào mấy dòng trên đây, có thể nghĩ Thanh Lãng không thực sự biết nội dung Lan Hữu, rất có thể ông chỉ biết câu chuyện có ba người và nghĩ đó là một câu chuyện ngoại tình?

Bộ của Phạm Thế Ngũ dường như không hề nhắc đến Nhượng Tống, tuy rằng tôi có tìm thấy đoạn về Phạm Tuấn Tài. Nhìn chung, tôi không thấy bộ sách của Phạm Thế Ngũ có nhiều giá trị. Về một giai đoạn, Phạm Thế Ngũ dành quá nhiều trang cho Phạm Quỳnh. Điều này trước hết cho thấy các chuyên gia văn học Việt Nam giai đoạn ấy bàn cãi rất nhiều về Phạm Quỳnh (với những chỉ trích gay gắt của Nguyễn Văn Trung trong phương diện hợp tác với Pháp), dường như Phạm Thế Ngũ cũng bị cuốn vào đó với bộ văn học sử của mình. Sau đó nữa, có lẽ Phạm Thế Ngũ quan tâm quá nhiều đến Phạm Quỳnh.

Tôi không nghi ngờ Phạm Quỳnh là một học giả quan trọng. Nhưng bây giờ, nếu phải thực sự nghiêm túc suy nghĩ để trả lời câu hỏi Phạm Quỳnh có phải một học giả lớn hay không, tôi nghĩ ai cũng sẽ lúng túng. Tôi đã bỏ rất nhiều thời gian để đọc Phạm Quỳnh, sờ tới cả những thứ rất ít người biết là có tồn tại, tôi nghĩ Phạm Quỳnh không lớn đến mức như thế. Tôi chưa bao giờ tìm được một ý kiến nào thực sự độc đáo, sắc sảo ở trong rất nhiều trước tác của Phạm Quỳnh. Ở Phạm Quỳnh, kể cả đến quãng thời gian muộn sau này, tư cách học trò vẫn lấn át tư cách học giả, điều ấy cũng thể hiện cả trong những cuộc tranh luận công khai mà hãn hữu lắm Phạm Quỳnh mới tham gia. Tôi còn nghĩ, nếu tư cách học giả của Phạm Quỳnh thực sự lớn, nếu Phạm Quỳnh là nhà văn hóa thực sự lớn, thì có cố buộc cái danh hiệu hợp tác với Tây vào Phạm Quỳnh đến đâu cũng chẳng ăn thua. Nhưng chuyện đã không diễn ra như vậy. Nguyễn Văn Vĩnh về cơ bản làm được điều ấy, tư cách học giả lớn hơn các tư cách khác, và Trương Vĩnh Ký, giờ đây có nhắc đến thì chẳng ai buồn để tâm đến sự thể ông ấy từng làm việc cho người Pháp, hơn thế nữa lại còn là một người Thiên chúa giáo.


Quay trở lại với Lan Hữu: dưới đây là một bài báo dài của Lê Huy Oanh viết riêng về Lan Hữu, đăng trên tạp chí Thời tập số chuyên đề "Tiểu thuyết lãng mạn Việt Nam", ra ngày 5/5/1974, từ tr.30 đến tr.46. Cùng trên số này, có bài Nguyễn Quốc Trụ đọc Tắt lửa lòng (Nguyễn Công Hoan), Huỳnh Phan Anh đọc Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), Nguyễn Nhật Duật đọc Nắng đào (Nguyễn Xuân Huy) và Ức Tiên đọc Dưới rặng thông (Nguyễn Dân Giám), ngoài ra còn có mấy bài có tính chất chung hơn về văn chương lãng mạn, của Lê Huy Oanh, Vũ Bằng, Nguyễn Tiên Yên, Hoàng Trúc Ly. Bài dưới đây lược bỏ những đoạn trích dẫn từ Lan Hữu.




Lan Hữu của Nhượng Tống
hay là mê cung tình cảm trong tâm hồn một kẻ đa tình

Nhượng Tống (tên thật: Hoàng Phạm Trân) vốn nổi tiếng là một cây viết tài hoa và giầu học thức. Ngoài những bản dịch một số danh tác của Trung Hoa như Kinh Thư (do Đức Khổng Tử san nhuận), Nam Hoa Kinh của Trang Tử, thơ Đỗ Phủ, Sử ký của Tư Mã Thiên (trích dịch) và nhất là vở tuồng Mái Tây của Vương Thực Phủ, Nhượng Tống còn là tác giả một số bài thơ có giá trị đăng rải rác trên các tạp chí đương thời và tập tiểu thuyết “Lan Hữu” [chú thích: Nhan đề của bản in đầu tiên (do nhà Lê Cường xuất bản năm 1940) là LAN HỮU. Bản in lần thứ hai của nhà Á Châu sau này có thêm chữ “và”, tức là LAN VÀ HỮU. Chúng tôi nhận thấy nhan đề LAN HỮU đúng hơn. Chữ “và” trong bản in lại có lẽ do nhà Á Châu thêm thắt vào].

Mặc dầu so với công trình dịch thuật, những sáng tác phẩm của ông không có nhiều, nhưng Nhượng Tống vẫn xứng đáng là một cây viết có giá trị cả trong hai lãnh vực dịch thuật và sáng tác. Riêng trong lãnh vực thứ nhì, tập truyện Lan Hữu đã chứng minh rõ ràng cái tài của ông.

Vai chính trong Lan Hữu là một thanh niên tên Ngọc. Cứ căn cứ vào cốt truyện và căn cứ vào giọng thành thật của lời văn thì người đọc có thể tin chắc rằng anh chàng tên Ngọc đó chẳng phải ai khác hơn là chính tác giả. Và với lòng tin như thế, chúng ta cũng có thể coi Lan Hữu như một truyện tự sự của tác giả.

Ngay từ lúc mới lớn lên, mươi ba mười bốn gì đó, Ngọc đã được ông chàng khen là kẻ “thìn nết và thông minh” mặc dầu chàng ta tự nhận thấy mình chỉ là “một đứa học trước quên sau”.

Thìn nết thì chưa chắc, như chính Ngọc (tức tác giả?) đã thú nhận […] Còn nhiều truyện [sic] khác chứng tỏ đó chẳng phải một cậu bé thìn nết, đáng kể nhất là một cuộc phiêu lưu tình cảm đáng gọi là cực kỳ gây cấn [sic] sôi nổi mà chàng ta sẽ kể ra trong Lan và Hữu.

Thế còn thông minh? Chàng ta thông minh là cái chắc […] Ngọc lại còn đã tỏ ra là một thiếu niên đa sầu đa cảm. […]

Đa sầu, đa cảm, ham chơi, có tài làm thơ, chàng thiếu niên Ngọc lại còn có thêm cái tính thích đọc tiểu thuyết và thích hoa. […]

Khi xưa lúc cô Thúy Kiều vừa lớn lên, có một thầy tướng số vừa trông thấy cô ta đã phải thốt ra rằng: Anh hoa phát tiết ra ngoài. - Ngàn năm bạc mệnh một đời tài hoa. Ngày nay, mặc dầu chẳng phải là nhà tướng số, nhưng cứ nhìn vào cái cung cách tính tình như vậy của chàng thiếu niên Ngọc, chúng ta cũng có thể đoán biết được rằng đời cậu này rồi đây sẽ có những chuyện rắc rối lắm với các mỹ nhân.

Mà, quả nhiên, rắc rối thiệt!

Khao khát cái gì chứ khao khát tình yêu thì dám gặp lắm à.

Chàng ta gặp ngay đây rồi chứ còn dám diếc gì nữa.

Giai nhân của chàng đã tới, lúc chàng vừa được mười sáu tuổi. Giai nhân đó tên Hữu, kém chàng hai tuổi, đối với chàng là chỗ cháu cô cháu cậu ruột.

Dạo ấy, bố của Ngọc đổi về Thái (Tỉnh Thái Bình chăng?) và gia đình Ngọc tới trọ nhà chú Hường (hàm Hường Tô Tự Thiếu Khanh). Chú Hường với bố của Ngọc vốn là đôi con cô con cậu.

Hữu là con gái của chú Hường. […]

Thưa độc giả, nếu bạn là một người còn trẻ tuổi, đang lúc còn mơ mộng, chưa phải lo âu vì sinh kế, thì tôi khỏi cần dặn dò gì nữa. Nhưng nếu bạn đã bước vào cuộc sinh hoạt, hằng ngày phải đầu tắt mặt tối để chiến đấu với đời hoặc để lo tranh cơm tranh áo cho mình và cho nhiều người khác, nếu bạn là người tưởng rằng tình cảm của mình đã chai đá lì lợm, thì nếu bạn đã đọc tới đây, tôi rất muốn bạn hãy tạm gác mọi nỗi lo âu thực tế để tưởng tượng lại khi mình mới mười sáu mười bảy tuổi chi đó, như anh chàng Ngọc, vừa lớn lên và đang ham biết thế nào là tình yêu, để cùng với chàng ta hưởng lại những giờ phút đê mê của cái đêm hôm đó (nói là cái tối hôm đó có lẽ đúng hơn). Trai mười sáu, đa sầu đa cảm đa mộng đa tình. Gái mười bốn, vừa dậy thì. Nghĩa là suýt soát đúng với cái nguyên tắc “nữ thập tam, nam thập lục” (gái chín hơn một chút, càng hay chứ sao). Một tối trăng thanh, gió mát, hương thơm đầy vườn, hai cái bóng chặp [sic] lại thành một, hai làn da đầy ắp khả năng rung động chạm vào nhau. Tiếng nói. Tiếng cười. Hơi thở. Mùi thơm của hoa, mùi thơm của tóc, mùi thơm của da thịt gái dậy thì. “Ai mà ti hí, chuột chí cắn mắt đấy!” Tiếng nói đó êm như tiếng đàn. Gã con trai đa tình kia, đang đầy óc tò mò đối với ái tình, đang sẵn sàng đầy đủ khả năng để mở những cuộc phiêu lưu xa lạ vào xứ sở của Ái tình, có xôn xao rung động, có ngây ngất đê mê, kể ra cũng là chuyện thông thường vậy “cái đêm không bao giờ tôi quên được”. Kể cả những kẻ khác, cũng khó có ai quên nổi cái đêm như thế. Vậy, cái đêm hôm ấy đêm gì? “- Ô kìa! Ừ là thế nào, anh? Em hỏi bóng anh đâu kia mà? - Kia chứ đâu! - Không phải rồi! Bóng em đấy chứ!…” “Ai mà ti hí, chuột chí cắn mắt đấy!” Đúng. Chỉ có thế thôi. Nhưng đối với Ngọc cái đêm hôm đó say sưa tuyệt vời biết mấy! Đêm Eurêka. Đêm phát giác. Đêm hương vị phù hợp. Nghĩa là một đêm ngon. Tại sao bảo là ngon? Xin để Hàn Mặc Tử trả lời: “Ngon như tình mới cắn”.

“Cái đêm không bao giờ tôi quên được” Lương Ngọc đã có lý lẽ chắc chắn của hắn khi hắn tuyên bố khẳng định như vậy. Bởi vì từ đêm hôm đó hắn mới bắt đầu hiểu nghĩa hai âm “sung sướng”, và cũng bắt đầu từ đêm đó, hắn bắt đầu hiểu thế nào là “khổ cực”, cũng bắt đầu từ đêm đó hắn bắt đầu chiêm nghiệm rằng trong Ái Tình “sung sướng” và “khổ cực” luôn luôn đi đôi với nhau, quấn quít lấy nhau, bám sát vào nhau, như thể chúng đồng nghĩa với nhau, hoặc như thể chúng chỉ là một vậy.

Như vậy những chuyện rắc rối bắt đầu diễn ra từ đây trong cuộc đời tình cảm của chàng ta. Hình như tôi vừa nói rằng: Niềm vui đầu tiên của Ngọc, ngây ngất đê mê đến thế, các bạn đã nghe rồi, biết rồi. Bây giờ, dĩ nhiên, đến những nỗi khổ cực.

Nỗi khổ thứ nhứt, phát hiện ngay trong đêm đó, ngay sau niềm vui đó. Một sự thắc mắc đầy nỗi dày vò [sic] của lương tâm: khi cuộc chơi (chi vi chành vành) đang diễn ra một cách vui vẻ thần tiên như thế thì người nhà ra vườn gọi mọi người vào. Khi trông thấy bố mẹ mình, Ngọc mới chợt thấy hổ thẹn về những ý nghĩ vừa rồi của chàng đối với Hữu. Bởi vì chàng với Hữu vốn là cháu cô cháu cậu ruột. Ngọc chỉ biết rằng ở nước mình con cô con cậu ruột không thể lấy nhau được. Thế còn cháu cô cháu cậu ruột như chàng với Hữu liệu có thể được phép lấy nhau chăng? Ngọc không biết rõ điều đó. Chàng không dám đem nó ra hỏi những người lớn. Có bộ hội điển Gia Long có thể giải đáp thắc mắc cho chàng được thì bộ sách đó lại ở tận nhà quê, Ngọc không thể bay ngay về quê mà coi được. Vốn là kẻ sinh trưởng trong một gia đình lễ giáo khá khắc nghiệt, và bị chi phối nặng bởi lễ giáo đó nên trong lúc chàng thắc mắc hồ nghi như thế, tâm hồn chàng bị dằn vặt ghê gớm.

[…]

Cách đây mấy chục năm, lễ nghĩa Khổng Mạnh còn được người ta coi trọng hơn bây giờ nhiều lắm, vì vậy cho nên dầu có lãng mạn đến mấy cũng không dám coi rẻ lễ nghĩa. Còn một lý do khác khiến cho bồ hôi mướt ra như thế: nếu vì lễ nghĩa mà phải thôi không được yêu Hữu thì hỏi sống làm sao nổi đây. Tình này mặc dầu chỉ là tình mới cắn, nhưng trời ơi, nó ngọt quá, nó êm quá, nó say sưa nồng đượm quá, nếu vì một lý do nào đó mà phải nhả nó ra, ắt không thể chịu nổi.

Vì thế mà cái mối thắc mắc hồ nghi về lễ giáo đó mới khiến cho Ngọc ta lo âu cuống quýt, khổ sở đến như thế.

May thay, tình trạng lo âu đó rồi cũng qua đi một cách êm đẹp. Tình cờ, mấy bữa sau đó, Ngọc được nghe hai đấng sinh thành nói chuyện với nhau về một đám cưới mà cô dâu chú rể vốn là đôi cháu cô cháu cậu cũng như chàng và Hữu vậy. Mặc dầu bố mẹ chàng có hơi chê bai, mai mỉa đám cưới đó là lấy nhau gần quá nhưng qua lời hai đấng, Ngọc được biết đám cưới đó không trái lễ, như vậy là cái chuyện Ngọc yêu Hữu cũng đã chẳng phải chuyện trái lễ. Ngọc thở phào, nhẹ nhõm. Hết một nỗi khổ.

Thế nhưng hết nỗi khổ sở này thì lại đã có ngay nỗi khổ sở khác. Đó là nỗi thắc mắc: ta yêu Hữu, nhưng liệu Hữu có yêu ta không? Nếu như Hữu không yêu ta thì phải làm cho Hữu yêu ta?

Bạn nào đã từng mê gái tất hiểu rõ cái tâm trạng bồn chồn khắc khoải đó của Ngọc. Yêu người là một chuyện quan hệ, nhưng nó lại kèm thêm một chuyện quan hệ nữa: người mình yêu cũng phải yêu lại mình. Muốn biết người ta có yêu mình không ắt phải thử ướm lời họ. Ôi, cái công việc thử ướm lời đó quả là một chuyện khó khăn, mệt nhọc, nhất là đối với một anh chàng mới vừa được mười sáu tuổi đầu vừa hãy còn nhút nhát lại vừa giầu lòng kiêu căng tự ái. Ướm lời, ướm lời một cô gái hãy còn ngây thơ, mới có mười bốn tuổi đầu, phải ướm như thế nào đây, phải ướm như thế nào để cô ta nếu có từ chối thì cũng không đến nỗi phải bực tức cự tuyệt hoặc khinh bỉ mình. Sự ướm lời như vậy bao gồm luôn cả một sự tỏ tình. Tỏ tình, khó thật. Làm sao để gợi được tình yêu, một tình yêu trai gái thứ thiệt trong lòng một ả thơ ngây như thế? Làm sao để cô bé không còn e ngại rằng tình yêu này không hợp với lễ giáo chứ? Ngọc bóp trán, vò đầu suy tính suốt mấy ngày đêm. Cuối cùng, sau mấy phen “vất vả”, chàng bày tỏ rõ ràng được với Hữu tình yêu của mình và cũng được biết chắc rằng Hữu cũng đã yêu chàng. Tình yêu khiến cho người ta vất vả biết mấy nhưng cũng khiến cho người ta sung sướng biết mấy.

[…]

Ái tình nó hấp dẫn như vậy đó! Có gì đâu, chỉ một cái nhìn của đối phương thôi cũng đã đủ khiến cho ta hốt hoảng, tê điếng đến như thế. Mới chỉ một khóe mắt thôi, nhưng đó là khóe mắt cực kỳ mầu nhiệm, khóe mắt thần thánh, khóe mắt kỳ ảo, khóe mắt toát ra điện lực ghê gớm khiến cho tim ta đập mạnh, máu ta chảy rào, chân tay ta bủn rủn, tâm hồn ta náo loạn… Mới chỉ một khóe mắt thôi, chưa nói gì tới những nguồn gây rung cảm khủng khiếp khác…

[…]

Nam độc giả! bạn hãy tạm gấp tập san này vào, hãy cùng tôi nhắm mắt lại. Bạn có nghe thấy tiếng nói của tôi chăng? Bạn hãy nhớ lại đi, cái dạo ấy, cái dạo bạn còn trẻ, bạn đã từng ôm một cô gái nào như vậy chưa? Có hả? Bạn có đồng ý với tôi rằng chàng Nhượng Tống đã viết đoạn trên với tư cách của một người có kinh nghiệm thực sự, với “sự hiểu biết của người có liên can vào việc” đó chăng?

Tuy nhiên nếu chỉ có hai người với nhau thôi thì chắc hẳn Ái Tình cũng chẳng đến nỗi rắc rối lắm. Thế nhưng, vụ này dần dần trở nên cực kỳ rắc rối từ khi bắt đầu có một kẻ thứ ba tham dự vào.

Kẻ thứ ba đó là cô Lan.

Lan là người như thế nào?

Chúng ta thử làm công việc so sánh cô ta với Hữu xem sao.

Về dáng dấp, không thấy tác giả nói rõ nhưng qua vài chi tiết, ta có thể đoán biết Hữu cũng chỉ vừa người thôi, không mập không ốm, không cao không thấp, da Hữu hơi ngăm ngăm, hồng hào, còn cô Lan thì - được tác giả nói thật rõ ràng - “người dong dỏng cao, da mai mái, quả có vẻ ẻo lả của một bông lan”. Có thể là Hữu đẹp, và chắc chắn là tuyệt đẹp dưới mắt của chàng Ngọc, thế nhưng Lan cũng đẹp (chứng cớ: trong lớp học, cô Lan và cô bạn nữa tên Sâm được tất cả lớp mê, thản hoặc [sic] có anh nào không mê, chắc hẳn cũng không thể không thích. Trong hai cô đó Lan được người ta chú ý tới nhiều hơn cả.)

Về tính tình: Hữu kín đáo, Lan bồng bột; Hữu hay nói đùa bỡn, Lan ít khi như vậy; Hữu có vẻ không lưu ý tới văn chương thi phú, còn Lan rất thích đọc thơ và làm thơ; mức độ tình cảm của Hữu vừa phải thôi, còn tình cảm của Lan rạt rào đầy ắp…

Như vậy, so với Hữu, tính tình của Lan có vẻ hợp với cái nết đa tình và sính thơ văn của Ngọc hơn.

Nhưng tất nhiên, đối với Ngọc, Hữu thường giành được ưu tiên, bởi một lý do rất giản dị: Hữu là người tới trước.

“Hữu là kẻ tới trước”, nói như vậy tức thị mặc nhiên khai rằng: Lan là kẻ tới sau trong một cuộc tình tay ba, một kép (Ngọc) và hai đào (Hữu và Lan), nói theo kiểu sỗ sàng của những tay chơi: một con đực, hai con mái.

Lan tới sau, nhưng Lan đã tới trong trường hợp như thế nào? Một trường hợp gồm có 4 yếu tố chính.

Yếu tố thứ nhất: Lan là bạn đồng lớp với Ngọc. Lại nữa, cha mẹ Ngọc, cha mẹ Hữu có quen với cha mẹ của Lan và cha mẹ của Sâm. Vì vậy mà bộ ba (đáng lẽ là bộ tư Ngọc, Hữu, Lan, Sâm, nhưng cô Sâm chỉ là vai phụ, ta hãy gác cô ta sang bên). Ngọc, Hữu và Lan thường có cơ hội để gặp nhau.

Yếu tố thứ hai: Ngọc là kẻ rất đa tình, rất sính thơ văn.

Yếu tố thứ ba: Lan cũng là kẻ rất đa tình và cũng rất sính thơ văn.

Yếu tố thứ tư: Hữu không giầu tình cảm bằng Lan, không tha thiết với thơ văn, lại hay thích nói đùa.

Hữu nói đùa những gì? Thật ra, với cái tính hay ỡm ờ nửa đùa nửa thực, Hữu thường ghép Lan cho Ngọc.

[…]

Những vụ đùa bỡn như vậy của Hữu đã có ảnh hưởng rất ghê gớm, bởi chúng đã là một trong những nguyên động lực khiến cho Lan yêu Ngọc, và khi đã yêu, Lan yêu một cách rất say sưa, rất bồng bột. […]

Mới đầu, mỗi lần thấy Hữu ghép Lan cho chàng, Ngọc khổ sở tức bực lắm, mặc dầu đã có lần Hữu giải thích với chàng rằng: bởi vì Lan cũng yêu chàng, nên Hữu thỉnh thoảng lại phải “nói đùa” như thế cốt để Lan khỏi “nói xấu chúng ta với mọi người”. Sự giải thích đó vẫn không khiến cho Ngọc yên tâm, chàng không muốn Hữu “nói đùa” nữa, bên tai chàng lúc nào cũng còn văng vẳng cái câu mà chàng đã từng có bận nói với Hữu! “Anh chỉ yêu có Hữu: Tim anh chỉ thờ có Hữu!”

Thế nhưng, như chúng ta đã xét đoán, Ngọc vốn là một thiếu niên tình cảm sung mãn, đa tình ghê gớm, bởi thế cho nên trước sức “tấn công” của Lan, một kẻ tính tình rất hợp với chàng, chàng chịu nhượng bộ dần dần để rồi cuối cùng chàng cũng yêu Lan, hay nói cho đúng hơn, chàng ta yêu cả Lan lẫn Hữu, đối với cả hai người chàng ta đều cùng có một tình yêu thật mãnh liệt, để phải tự nhận rằng: cuộc sống, nhất là cuộc sống tình cảm, quả thật vô cùng rắc rối.

[…]

“Tôi thấy tôi sống chỉ làm cho cõi đời thêm lên một lần nhơ bẩn…” Thật ra, trong lúc tâm hồn bị xâu xé, Ngọc đã giận đời, giận thân, giận sự đùa cợt của “Trẻ Tình” mà thốt ra cái câu xót xa như thế. Theo ý chúng tôi, cái trường hợp trái tim anh ta bị phân làm hai như vậy, không những không có gì nhơ bẩn cả, mà trái lại rất hợp lý và phải có. Trái tim chàng ta đã bị phân ra làm hai cho Hữu một nửa, Lan một nửa, thì đó có phải do lỗi của chàng ta không? có phải vì chàng ta là người tâm địa xấu xa không? KHÔNG, tuyệt đối KHÔNG, bởi vì sự chia sẻ này chỉ là hậu quả hoàn toàn của tình cảm, chứ không hề có lý trí tham dự vào. Vả chăng, đối với những người có tình cảm sung mãn như Ngọc như Lan, lý trí bị tình cảm đè bẹp rúm nên không còn sức mạnh gì nữa. Bất cứ trong trường hợp nào, cái trạng thái “tình cảm sung mãn” như của Ngọc cũng không thể không đón nhận một tâm hồn đồng điệu và đồng tình như của Lan. Ngọc yêu Hữu nhưng vẫn yêu Lan, điều đó phải xẩy ra không có cách gì tránh được, cũng như ét xăng gặp lửa, ét xăng phải cháy, nếu không cháy đó mới thật là điều quái gở. Ngọc yêu thêm Lan, điều đó không có gì nhơ bẩn hết. Ngược lại, nếu Ngọc không yêu thêm Lan thì có lẽ đó mới là điều nhơ bẩn, bởi vì nó đã bị sự can thiệp của lý trí. Ngọc yêu Lan, nhưng vẫn yêu Hữu như cũ, cao cả thay, hợp với nhân tính thay. Chỉ trừ trường hợp, Ngọc phản bội Hữu để yêu Lan thì đó mới là chuyện tầm thường. Hoặc chàng chỉ khăng khăng yêu Hữu thôi chứ không chịu đáp ứng với lời kêu gọi của tâm hồn Lan, thì đó cũng là chuyện tầm thường bởi vì điều đó sẽ chứng tỏ Ngọc chỉ có một tâm hồn thấp kém.

Một vấn đề quan trọng khác: thường thường khi yêu nhau tất phải tính chuyện lấy nhau, bởi nếu không lấy nhau ắt không thể chịu được. Nhưng đó là vấn đề thông thường khi chỉ có hai người, một nam một nữ, tham dự cuộc tình. Ở đây vấn đề đó trở nên rắc rối phức tạp hơn nhiều bởi vì chỉ có một chàng mà có tới hai nàng. Đó là nỗi khổ tâm ghê gớm của Ngọc. Vấn đề này có ba cách giải quyết: 1) Lấy một trong hai người. 2) Lấy luôn cả hai người. 3) Không lấy ai cả, nhưng vẫn tôn thờ cả hai người, biến cuộc tình này thành một thứ tình lý tưởng.

Giải pháp thứ hai chắc chắn là rất khó thể thành được, vì chướng quá, tạm loại bỏ.

Trong cơn thảng thốt, Ngọc đã chọn giải pháp thứ nhất. Trước hết chàng xin bố chàng để được lấy Hữu làm vợ. Nhưng bố chàng không chịu. Chàng lại xin được lấy Lan, bố chàng cũng không chịu nốt. Là một người thâm nhiễm tư tưởng của Nho Giáo, bố chàng đã có những lý lẽ riêng của ông để từ chối cả hai lời xin của con trai. Và Ngọc đã phải tuân theo lời ông, nghĩa là không lấy ai cả. Sau khi cha Ngọc qua đời, mãi về sau này, Ngọc lại xin với mẹ để được lấy Hữu. Nhưng mẹ chàng cũng có lý do riêng của bà để từ khước lời xin của con. Và Ngọc đành phải tuân theo ý của hai đấng sinh thành, nghĩa là chàng không lấy ai cả.

Có phải là vì hiếu thảo, mà Ngọc đành chịu khuất phục sự từ khước đó của bố mẹ chàng hay chăng? Có lẽ đúng, nhưng chỉ đúng một phần thôi, một phần rất nhỏ. Nguyên nhân chính khiến chàng phải chịu khuất phục sự từ khước đó: trong thâm tâm chàng, những tình cảm của chàng (vẫn chỉ là những tình cảm thôi chứ không hề có sự tham dự của lý trí bởi vì lý trí đã bị những tình cảm giết chết từ lâu rồi) công nhận rằng chỉ có giải pháp thứ ba là hợp lý, nghĩa là trong trường hợp này chàng chỉ có một lối thoát hay nhất là đổi mối tình này ra thành một thứ Ái Tình lý tưởng. Và giải pháp đó đã được thực hiện: mặc dầu giải pháp đó vẫn không khiến cho Ngọc khỏi ngậm ngùi đau đớn, nhưng đó chắc chắn là giải pháp thỏa đáng hơn cả, phù hợp với sự đòi hỏi của tình cảm trong lòng chàng hơn cả.

[…]

“Dòng dã [sic] bốn năm trời…” Như vậy là sau bốn năm, chính cái lối yêu đương lý tưởng đó cũng đã phải phai tàn. Nó phai tàn như thế cũng không lạ. Bởi vì Thời Gian vốn là một sức mạnh ghê gớm vừa tàn phá hình hài vừa tàn phá những kỷ niệm của con người. Hình hài đã bị tàn phá, thường không cứu vớt được, thế nhưng kỷ niệm này bị tàn phá, tình cảm, thứ tình cảm vốn dĩ ngông nghênh hiếu động của con người, sẽ có thể tạo ra những kỷ niệm khác để thay thế, phải vậy không, Ngọc?


Lan Hữu là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của loại tiểu thuyết tình cảm lãng mạn. Đây là một tác phẩm rất có giá trị, có thể bảo là một tác phẩm lớn trong kho tàng văn chương xứ ta, nhờ ở những đặc điểm sau đây:

Trước hết cốt truyện rất hấp dẫn. Phần nhiều những truyện tình đều có sẵn sức quyến rũ, huống hồ đây lại là một truyện tình khá rắc rối: một chàng nhưng có tới hai nàng và chàng đó đã thật tình yêu cả hai nàng đồng thời lại được cả hai nàng yêu lại. Hơn nữa, đây lại là một truyện tình của tuổi mới lớn, nghĩa là cái tuổi đang còn bỡ ngỡ, còn trong sạch, còn lúng túng, cái tuổi hãy còn đầy những say mê nồng nhiệt nhất để khiến cho cuộc tình trở nên phong phú, sôi nổi. Truyện đã phô bầy vài điều thật phức tạp của tình yêu, đã dẫn độc giả vào cả một mê cùng tình cảm của một gã trẻ tuổi đa tình.

Sau nữa là cái tài kể truyện [sic] của Nhượng Tống. Tài đó cần lắm, bởi vì truyện có hay đến mấy mà người kể truyện thiếu tài, thì truyện vẫn không thể hấp dẫn được. Văn pháp của Nhượng Tống trong Lan Hữu tuy giản dị trong sáng nhưng lại rất tinh tế có đủ khả năng bầy tỏ tất cả những điều rắc rối u uẩn nhất của tâm trạng các nhân vật. Lối kể truyện giản tiệp nhưng tinh vi đó của ông đã vừa làm say mê độc giả vừa khiến cho độc giả ít khi phải bỡ ngỡ khi cùng ông đi vào xem xét cái mê cung tình cảm của con người.

Sau hết, trong Lan Hữu, Nhượng Tống còn đã tỏ ra nắm rất vững không những toàn bộ câu truyện mà còn cả những chi tiết của câu truyện đó. Phải là một kẻ vừa thông minh vừa đa tình, vừa có những kinh nghiệm thiết thực trong việc yêu đương mới có thể viết được một thiên truyện tình cảm có nhiều vẻ chân xác và nhiều chi tiết rõ ràng đến thế.

Với những đặc điểm như vậy, Lan Hữu rất đáng được coi như một đại tác phẩm. Tác phẩm đó đã từng khiến cho biết bao nhiêu độc giả phải say mê rung động và tôi dám đoan quyết rằng nó sẽ còn sống lâu dài với thời gian để tiếp tục gây rung động cho những thế hệ độc giả mới. Về loại văn xuôi sáng tác, hình như Nhượng Tống chỉ viết có cuốn Lan Hữu chứ không còn cuốn nào khác thế nhưng chỉ một cuốn đó có lẽ cũng đã đủ giành cho tác giả một địa vị khá cao trong hàng ngũ các tiểu thuyết gia Việt Nam.

-----------

Tờ Thời tập còn đưa thêm một tiểu sử về Nhượng Tống như dưới đây (giờ đã có thể xác định trong tiểu sử này có một số chi tiết không chính xác):


NHƯỢNG TỐNG

Tên thật là Hoàng Phạm Trân. Sinh năm 1897 tại làng Đô hoàng, xã Phú khê, huyện Ý yên, tỉnh Nam định, Bắc Việt.

Tinh thông Hán học và Tây học, ông là một nhà thơ, một dịch giả, một học giả nổi tiếng từ thời tiền chiến. Tuy thuộc trường phái cổ, nhưng ông có một tâm hồn phóng khoáng, trữ tình, một bút pháp thật nhẹ nhàng, bay bướm.

Năm 1929-30, ông là một bỉnh bút nồng cốt [sic] của Thực Nghiệp Dân Báo. Ông viết nhiều loại văn và ký nhiều bút hiệu (trong số có bút hiệu Hoàng Kiếm Thu), cộng tác với nhiều báo như Hồn Cách Mạng, Nam Thành…

Cũng thời gian này, ông còn dùng văn hóa để hoạt động chính trị: ông thành lập Nam Đồng Thư Xã, cơ quan có mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, đề cao tinh thần chống đối nhà cầm quyền thực dân Pháp.

Về mặt chính trị, ông đã hợp tác với nhà ái quốc Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí khác, thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng. Sau khi cuộc khởi nghĩa Yên báy thất bại, Ông còn chủ trương thành lập Đảng Đại Việt Quốc gia Liên minh. Cả hai đảng đều có lập trường tranh đấu giành lại chủ quyền cho dân tộc.

Bị thực dân Pháp cầm tù 8 năm, ông hoạt động văn hóa trờ lại từ 1939.

Cuối năm 1948, khi ông ở ẩn, viết văn và làm thày thuốc bắc tại Hà nội, thì ông bị ám sát vì lý do chính trị.

-----------

Về Lê Huy Oanh, xem thêm ở đâyở đây.

Nếu tìm thêm được gì mới, tôi sẽ thông báo thêm.

-----------

Bonus:

Một mẩu quảng cáo trên Trung Bắc tân văn số 189, 6/2/1944:


Nhà xuất bản Lê Cường quảng cáo các quyển:

Vấn đề cải cách lễ tục Việt Nam (Trúc Khê)
Lan Hữu (Nhượng Tống)
Ái tình muôn mặt (Lê Văn Trương)
Giáo dục nhi đồng (Đạm Phương)
Mẹ conMột tháng với ma (Lưu Trọng Lư)
Nhan sắc (Trúc Đường)
Ngậm miệng (Nguyễn Bính)

(nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam)



Lan Hữu trở lại

2 comments:

  1. đêm qua coi xong Lan Hữu, dường như cảm được cả một nỗi bùi ngùi với nhân vật và tác giả

    ReplyDelete
  2. mới thêm một mẩu thông tin

    ReplyDelete