Oct 13, 2014

Ngô Thúc Địch: Điếu văn Nhượng Tống

Ngày 8/9/1949, Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân chết ở Hà Nội.

Hôm sau, đám tang Nhượng Tống được tổ chức.

Người đọc điếu văn là ông cử Ngô Thúc Địch, bài điếu văn như dưới đây.

-----------


Thưa các Cụ, các Bà, các Ông, nhân danh là một bạn đồng chí cũ của bạn Nhượng Tống, tôi xin thay mặt tang gia và các anh em đồng chí cảm tạ các ngài đã không quản khó nhọc, quá bộ đi đưa người bạn không may của chúng tôi đến nơi yên nghỉ cuối cùng này.

Sau nữa, xin phép các ngài cho tôi nói một lời với bạn Nhượng Tống trước khi vĩnh biệt.

Anh Nhượng Tống,

Còn nhớ lúc sinh thời, trong những khi trò chuyện, anh thường bảo “sắt máu phải là cái chết lý tưởng của con người chí khí”. Vì thế, đã bao lần anh đã dấn thân vào vòng sắt máu, mà sắt máu hình như vẫn chưa có duyên với anh. Cho nên hai mươi năm trước đây, anh Học [Nguyễn Thái Học], anh Nhu [Nguyễn Khắc Nhu], và bao đồng chí khác chết mà anh vẫn còn, rồi anh Nghiệp [Đoàn Trần Nghiệp, hay Nguyễn Thế Nghiệp?], anh Sơn [Nguyễn Ngọc Sơn?] chết mà anh lại vẫn còn.

Nhưng đối với sự may mắn ấy, anh thường hình như không lấy làm mãn túc, cho nên anh sống đấy mà lúc nào cũng có vẻ bâng khuâng, như hẹn hò, như chờ đợi, mà đối với các lời khuyên anh nên thận trọng về sự an toàn, anh chỉ trả lời bằng một nụ cười vơ vẩn. Thì đây, giời đã chiều anh, đã mượn sắt máu để giúp anh kết liễu một cuộc đời chán chường vì tranh đấu.

Chắc thế là anh đã hả lòng, vì anh xuống cửu nguyên, anh sẽ không ngượng ngùng khi gặp các anh em đồng chí, mà đối với họ, anh vẫn hình như tự thẹn là kẻ chạy làng, lỗi hẹn.

Vậy ngoài sự thương tiếc thường tình, riêng đối với thân thế anh, chúng tôi có nên buồn cho anh, hay trái lại chúng tôi lại nên mừng cho anh?

Huống chi trước giờ phút này không những riêng quốc gia ta, mà cả nhân loại đang đứng vào một cảnh ngộ bấp bông [sic], nhìn về tương lai đầy đe dọa, sống đã chắc gì yên, chết có khi là thoát rủi, chưa chắc đáng buồn, may chưa chắc đáng vui, thì đối với người đạt giả, những sự sống chết rủi may, đâu đáng làm cho mình buồn tẻ hay hả hê, vui cười hay sùi sụt.

Nay tuy âm dương cách biệt, chúng tôi vẫn tưởng tượng anh với cái chí khí khảng khái lúc sinh thời và chúc anh ở dưới cửu nguyên yên hưởng giấc nghỉ ngơi của người quân tử đã làm tròn phận sự.

Thôi, xin thân ái chào anh lần cuối cùng.

6 comments:

  1. “bấp bông” có nghĩa mà, sao lại [sic]?

    ReplyDelete
    Replies
    1. lưu ý thôi, để cho thấy đúng là tác giả dùng từ "bấp bông" chứ không phải chép nhầm "bấp bênh"; "cửu nguyên" thật ra cũng là từ hiếm, ít khi dùng hơn "cửu tuyền"

      Delete
    2. Những chữ cũ kỹ có sắc thái đặc biệt thật. “đạt giả” tôi ko thấy ở đâu cả, chỉ mang máng đoán nghĩa

      Delete
    3. từ này hẳn ám chỉ đến chuyện NT theo đạo của Trang Chu

      Delete
  2. Cháu vừa có một phát hiện lớn, chú nhìn lên bên trái đi, chú thấy gì không, cụm mây công-bố-tài-liệu là cụm mây to nhất trong labelsCloud (chỉ sau cụm mây to đặc biệt translation)

    ReplyDelete
  3. "translation" bỏ lâu rồi mà, vẫn hiện à? chắc không chứ nhỉ

    ReplyDelete