Tôi đã tưởng hôm qua, mồng 8 tháng Chín, đúng chính xác ngày Nhượng Tống qua đời (vào cái năm 1949 u uất ấy), đã phải có Lan Hữu. Nhưng sự lận đận đeo đuổi Nhượng Tống suốt cuộc đời và mãi cả sau đó vẫn chưa chịu buông tha. Vẫn bị lệch mất một ngày.
Cuối năm ngoái, buổi tọa đàm về văn nghiệp Nhượng Tống mà tôi tổ chức nhận được tin phải bãi bỏ chỉ năm ba hôm trước ngày dự kiến. Sau khi loay hoay, biết là không ăn thua, tôi cam tâm thúc thủ, và mang Lan Hữu đi giới thiệu với mấy cơ sở xuất bản. Tất cả đều từ chối hoặc không trả lời. Tôi đã biết Nhượng Tống nghĩa là lận đận nên kiên nhẫn tiếp tục. Với tôi, Nhượng Tống chỉ thực sự trở lại khi Lan Hữu trở lại. Tác phẩm đầu tiên của Nhượng Tống mà tôi làm phải là Lan Hữu, không thể là một cuốn nào khác. Lan Hữu là cuộc đời Nhượng Tống, còn hơn thế nữa, đó là thần phách của Nhượng Tống. Không có Lan Hữu thì tức là cái sự "thần phách lạc hình hài" (Đinh Hùng) vẫn cứ tiếp diễn. Tôi quan tâm đến toàn bộ văn nghiệp của Nhượng Tống, nhưng thần phách của Nhượng Tống, như Nhượng Tống thể hiện ra với tôi, nằm trong Lan Hữu.
"Sự lận đận của Nhượng Tống" còn hiện ra dưới hình thức này: cái lần rất hiếm hoi Nhượng Tống có chỗ trong một bộ sách lưu danh hậu thế là Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan (cũng là lúc Vũ Ngọc Phan bình luận về Lan Hữu), thì quyển sách (tập cuối cùng, tức là quyển tư hạ), mặc dù đã viết xong từ lâu, được in trong cái năm 1945 nháo nhào, nên Nhượng Tống ở trong đó mờ mịt như thế này:
Vừa muốn giậm chân bứt tóc, thậm chí phát khóc, tôi lại vừa muốn phá lên cười vì một ông Nhượng Tống lận đận đến từng chi tiết, từng sự kiện.
Cuối cùng, đã có một cơ sở xuất bản nhận in Lan Hữu, với một sự hào hứng đặc biệt và sự thấu hiểu giá trị văn chương của cuốn tiểu thuyết ấy. Địa chỉ trang web ở đây và fanpage ở đây.
Nỗi lận đận đeo đẳng đến mức, lẽ ra Lan Hữu phải xong từ vài hôm rồi, thì lại gặp đúng cái thời điểm các nhà in ở Hà Nội chỉ chăm chăm in một thứ gì đó rất ngớ ngẩn, lại bị lần lữa, muộn hẹn đủ thứ, và rồi rốt cuộc nó đã đến đúng vào một ngày Hà Nội mưa bão.
Ông Nhượng Tống, tài tình đến thế mà trầm luân thì tới vậy, sao không nhường bớt cho người khác một ít nỗi uất hận, sự lận đận mà cứ ôm hết vào mình như thế (Tả hận từng phen quăng ngọn bút/Thêu sầu xin chớ mượn đường kim - thơ Nhượng Tống)? Tôi lần theo dấu chân ông mà lắm lúc thấy như mọi nỗi oan khuất, bi phẫn cứ tìm cả đến ông, ông cũng nhiều phen làm tôi lạnh hết cả sống lưng. Nhưng tôi tin là tôi hiểu đúng ý muốn của ông, rằng Lan Hữu, phần thần phách đậm đà hơn hết của ông, phải trở lại. Thần phách của ông là hoa, là ngọc, người ta cần phải nhìn vào đó, chứ những thứ khác xét cho cùng đâu có đại diện được cho con người ông. Mới có ba phần tư thế kỷ trôi qua thôi, kể từ ngày ông cho in Lan Hữu, bảo là dài thì dài, nghĩ rằng ngắn thì ngắn. Tôi vụng về viết một bài đề tựa cho Lan Hữu của ông, mong rằng ông hiểu tôi đã làm giống như ông năm xưa, đề tặng Phan Văn Hùm một cuốn sách, cho một người bạn không quen. Coi như là chút đồng thanh khí giữa những kẻ văn chương.
Khu vườn của Nhượng Tống
Năm 1940, đúng
mười lăm năm sau khi Song An Hoàng Ngọc Phách cho xuất bản Tố Tâm, Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân in Lan Hữu ở nhà xuất bản Lê Cường, Hà Nội, với “Lời tựa” của Lưu Trọng
Lư. Giờ đây nhìn lại, ta chỉ có thể kinh ngạc khi thấy hai cuốn tiểu thuyết gần
nhau đến thế về nhiều mặt lại có số phận khác nhau đến vậy.
Cách tồn tại của
Nhượng Tống ở trong hậu thế rất giống một nhà văn lớn khác cùng thời: Khái
Hưng. Sau này cả hai vẫn sẽ được biết đến, nhưng chủ yếu là theo lối phiến diện.
Văn nghiệp của Nhượng Tống thường chỉ được nhìn nhận qua các bản dịch (những bản
dịch tuyệt vời như Nam Hoa kinh, Thơ Đỗ Phủ, Mái Tây tức Tây sương ký…
nhưng cả ở mảng này người ta cũng ít biết Nhượng Tống còn dịch Ngọc Lê Hồn một cách trác tuyệt, chưa kể
nhiều dịch phẩm khác nữa), trong khi ông còn là một nhà thơ, một tiểu thuyết
gia tài năng. Về phần Khái Hưng người ta chỉ biết đến Hồn bướm mơ tiên hay Nửa chừng
xuân và một số tác phẩm khác, trong khi Băn
khoăn, cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, in năm 1943[1],
mới thực sự là một kiệt tác. Rất có thể, toàn bộ mảng văn xuôi đồ sộ của văn
chương tiền chiến Việt Nam chỉ có ba tiểu thuyết thực sự lớn, là Tố Tâm, Lan Hữu và Băn khoăn.
Trong bộ ba ấy, chỉ mình Tố Tâm có được
số phận tương đối xứng đáng với giá trị của mình.
Nhưng lịch sử
văn chương là câu chuyện của các giá trị, nếu không thì ta sẽ không có lịch sử
văn chương. Cả Tố Tâm, Lan Hữu và Băn khoăn đều là những câu chuyện tình. Tố Tâm đã quá nổi tiếng với cốt truyện bi thảm của nó, Lan Hữu là cái nhìn đầy thương xót nhưng
không kém phần tỉnh táo của một người trưởng thành nhớ lại mối tình xưa, còn Băn khoăn, với những câu chuyện tình ái
lắt léo của nó, là cuốn tiểu thuyết Việt Nam xứng đáng nhất, và rất có thể cũng
là duy nhất, của một giai đoạn suy đồi.
Một cuốn tiểu
thuyết được coi là lớn, là “giá trị” một cách toàn diện nhất, khi bên trong nó
chứa đựng những điều kỳ diệu, giống như hạt mầm giấu kín ở đâu đó, sẽ hồi sinh
và nảy nở mãnh liệt khi gặp được môi trường phù hợp và xứng đáng. Tố Tâm đã có một số phận như vậy, và giờ
đã đến lúc chúng ta cần trả về đúng vị trí một tác phẩm khác, không kém phần kỳ
diệu - Lan Hữu của Nhượng Tống. Đến
nay, ngoài lần ra mắt năm 1940, nó mới chỉ tái xuất một lần duy nhất, tại nhà
xuất bản Á Châu (Hà Nội) đầu thập niên 50, vài năm sau khi Nhượng Tống qua đời.
Lan Hữu có thể được đọc trên ba phương diện: vì nó thuật lại rất
trung thực một quãng đời tác giả, đây chính là một tài liệu quan trọng góp cho
việc tìm hiểu tiểu sử Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân, một tiểu sử mới chỉ được biết
đến sơ sài, với rất nhiều chi tiết nhầm lẫn. Vì gia cảnh, Nhượng Tống phải bỏ học
rất sớm vào năm mười tám tuổi, sau khi thân phụ qua đời (người cha bất đắc chí,
tuy từng là “thủ khoa thành Nam”, nhưng giữa một thời kỳ lịch sử u tối, đã chán
chường mà chết: cái chết này được thuật lại rất cặn kẽ trong Lan Hữu). Vụ việc liên quan đến mấy mẫu
đất gây thiệt hại lớn cho gia đình Nhượng Tống cũng được kể lại trong Lan Hữu. Đặc biệt, tác giả viết rất chuẩn
xác về dòng dõi của mình: “nối dõi cái mạch thư hương của nhà tôi, truyền từ đời
Lê cho đến bấy giờ”. Nhượng Tống thuộc một gia đình rất thành đạt về học vấn suốt
nhiều thế hệ, tiền nhân của ông từng là thầy dạy hai nhân vật lớn của “thành
Nam” là Nguyễn Khuyến và Trần Bích San.
Nhượng Tống bộc
lộ tài năng văn chương rất sớm, mười sáu tuổi đã có bài đăng trên Khai Hóa (tờ báo của nhà tư sản Bạch
Thái Bưởi), đúng như trong Lan Hữu có
kể. Sự nghiệp báo chí của Nhượng Tống còn dài: vài năm sau Khai Hóa là đến giai đoạn cộng tác với tờ Thực nghiệp dân báo với yếu nhân Mai Du Lân; ngay sau đó, ông sẽ
cùng vài người bạn lập ra Nam Đồng thư xã, in một số sách, tài liệu. Nhượng Tống
là thành viên sáng lập của Việt Nam Quốc dân đảng, dưới sự lãnh đạo của người
anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học; vì được Nguyễn Thái Học giao nhiệm vụ ở Huế
năm 1929 rồi bị mật thám Pháp bắt nên Nhượng Tống tình cờ mà thoát khỏi chuỗi
án tử hình đẫm máu của thực dân đầu thập niên 30, trong đó chấn động hơn cả là
“vụ Yên Bái”, khi những người đồng chí thân thiết của ông như Nguyễn Thái Học
và Phó Đức Chính bỏ mình dưới lưỡi dao máy chém. Thoát chết nhưng Nhượng Tống
phải chịu cảnh tù đày ở Côn Đảo (trong Lan
Hữu cũng có lúc ông ám chỉ chuyện này: “đày tôi ra Côn Đảo ba năm, tôi
không sợ bằng đày tôi cửa chùa Thiên Trù suốt ba tháng hội”) và tiếp theo là những
năm dài bị quản thúc ở quê, định kỳ phải ra Phủ Lý trình diện mật thám. Nhượng
Tống còn viết báo thêm vài năm từ sau 1945, ở các tờ như Chính nghĩa, Thời sự… Ông
mất năm 1949 ở Hà Nội.
(Trong các tài
liệu tra cứu phổ biến nhất hiện nay, ta thường đọc ở tiểu sử Nhượng Tống hai
chi tiết: sinh năm 1897 và được thả từ Côn Đảo về năm 1936; hai chi tiết này đều
sai, vì Nhượng Tống tuổi Bính Ngọ, sinh năm 1906 và sau các sự kiện của Việt
Nam Quốc dân đảng, Nhượng Tống được thả khỏi Côn Đảo trước 1936 nhiều, bởi trước
đó mấy năm ông đã lấy vợ ở quê nhà Ý Yên; các chi tiết này hiện nay đều còn lại
văn bản để kiểm chứng.)[2]
Trong Lan Hữu, Nhượng Tống buộc lòng phải giấu
đi nhiều chi tiết để tránh kiểm duyệt của chính quyền (thế nhưng vẫn bị kiểm
duyệt bỏ thêm nhiều chỗ). Chí khí cách mạng của ông có lẽ thể hiện đậm nét hơn
cả trong Lan Hữu ở đoạn luận thơ với
cha và bác (người bác thích Lý Bạch, người cha nhiều phẫn uất lại thích Lục
Du); khi được hỏi, cậu bé Ngọc nhận là mình thích nhất thơ Đỗ Phủ, bởi: thơ ấy
gồm “biết bao nhiêu bài tả những cảnh huống khổ nhục của đám dân nghèo. Mỗi khi
con đọc, lại thấy như có đám người khố rách, áo ôm ấy kêu khóc ở bên tai, mà
trong lòng thì uất ức muốn đứng phắt dậy… Thơ như thế mới thật là ‘khả dĩ hưng,
khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán’.” Câu chuyện này cũng được Nhượng Tống kể
lại bằng thơ, bài thơ ấy dùng làm lời tựa cho bản dịch Thơ Đỗ Phủ in năm 1944, sau Lan
Hữu bốn năm; đoạn đầu của bài thơ như sau:
Tôi
biết đọc thơ từ thuở nhỏ
Trong
thơ thích riêng thơ Đỗ Phủ.
Một
hôm thầy tôi hỏi: “Tại sao?”
Đứng
dậy chắp tay tôi sẽ ngỏ
Rằng:
“Tại thơ ông là đời ông:
Lạ,
đẹp, hùng tráng mọi vẻ đủ,
Mà
còn chan chứa một lòng thương
Những
kẻ nghèo nàn, phường xấu số.
Vì
tấm lòng ấy nên nhiều khi
Đối
với quan lại với vua chúa
Ông
thường chê trách, thường mỉa mai,
Không
thèm nịnh hót, không xu phụ.
Ngoài
một thiên tài hiếm có ra,
Ông
còn một tâm hồn hiếm có…”
Nghe
xong, thầy tôi gật đầu cười
Dạy
rằng: “Ồ! mày thật con bố!
Thế
nhưng bất lợi ở thời này!
Rồi
đó xem: Đời mày sẽ khổ!”
Lan Hữu lại có thể được đọc như một sự “chuyển dịch cốt truyện” Hồng Lâu Mộng vào khung cảnh Việt Nam, với
hai điều rất dễ thấy: đại quan viên của Vinh phủ trong Hồng Lâu Mộng được chuyển về tỉnh Thái Bình, trong khi mối tình tay
ba Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa được tái hiện trong mối quan hệ của
(Lương) Ngọc, (Mai) Hữu và Lan.
Nhượng Tống chọn
cho nhân vật của mình cái tên “Ngọc” với rất nhiều chủ ý. Nó rất gần với tên thật
của ông nhưng ngay lập tức cũng gợi đến Giả Bảo Ngọc, và Ngọc của Lan Hữu cũng mau chóng nhắc thẳng tới Hồng Lâu Mộng (thông qua Thạch đầu ký), và cụ thể hơn, bài thơ
“Khóc hoa” nổi tiếng mà Ngọc dùng để dò xem Hữu có yêu mình hay không.
(Lan Hữu, qua chuyện Ngọc dịch “Táng hoa
từ”, nhắc ta nhớ đến Nhượng Tống trong vai trò một dịch giả kiệt xuất. Giai đoạn
rực rỡ nhất của sự nghiệp dịch thuật Nhượng Tống là mấy năm trước 1945, chủ yếu
in ở nhà xuất bản Tân Việt với ông chủ Lê Văn Văng là một người thân tình với
ông. Tính riêng “Lục tài tử thư” do Kim Thánh Thán bình chọn, ông đã dịch ít nhất
năm: Ly Tao, Thơ Đỗ Phủ, Nam Hoa kinh, Mái
Tây (Tây sương ký), Sử ký. Có tài liệu cho biết Nhượng Tống
từng dịch cả Hồng Lâu Mộng, Đạo đức kinh, thậm chí cả cuốn thứ sáu
của “Lục tài tử thư” là Thủy hử. Trước
đó, cuối thập niên 20, ông cũng đã dịch Ngọc
Lê Hồn của Từ Chẩm Á với nhan đề tiếng Việt Dưới hoa cùng một số tác phẩm nhỏ khác. Riêng năm 1945, ông in ít
nhất ba cuốn sách: Nguyễn Thái Học, Tân Việt Cách mệnh đảng và Hỗ trợ. Thảo luận - đây là thời điểm Nhượng
Tống chứng tỏ vai trò sử gia và nhà bình luận chính trị-xã hội của mình. Từ
1945, Nhượng Tống còn viết vài vở kịch, dịch một ít Liêu Trai chí dị và tác phẩm Hương
ngọc[3];
dùng bút danh Mạc Bảo Thần để dịch Đại Việt
sử ký toàn thư và Lam Sơn thực lục.
Ông còn giúp Thi Nham Đinh Gia Thuyết hiệu chỉnh và dịch thêm Ức Trai tập - tác phẩm mới chỉ ở dạng bản
thảo. Trước tác của Nhượng Tống còn rải rác trong một số tuyển tập giờ đây ít
người được biết đến như Tản văn mới của
“Thư viện Tố Như” trước 1945; thơ của ông từng được Trúc Khê Ngô Văn Triện bình
luận trên Văn học tạp chí và xuất hiện
không ít trong Thi thoại của Văn Hạc
Lê Văn Hòe in năm 1942; một nhà phê bình văn học nổi tiếng từng bình luận về
văn chương Nhượng Tống là Vũ Ngọc Phan miêu tả văn chương ấy “tài hoa lãng mạn”.)
Bởi vì trước hết
là những bông hoa: “Nguyên từ bé tôi đã có tính yêu hoa”, ngay ở đầu cuốn sách,
Nhượng Tống đã viết như vậy. Lan là tên một loài hoa, còn Hữu có tên đầy đủ là
“Mai Hữu”, cũng liên quan đến một loài hoa khác (ngay câu chuyện tình với hai
cô gái trong đó một là họ hàng cũng từng xảy ra trong đời thật Nhượng Tống).
Tình yêu hoa xuất phát từ tình yêu đối với người ông qua đời năm Ngọc mười bốn
tuổi, một người rất gắn bó với cậu bé trong một thời gian dài: “ngoài sự sợ,
tôi cũng yêu ông tôi và yêu cả những cây hoa mà ông tôi yêu. Là vì ông tôi yêu
thứ hoa nào, lại cắt nghĩa cho tôi biết tại sao mà ông tôi yêu. Và tôi khi ấy,
ông tôi nói gì tôi cũng cho là phải cả. Những khi tôi theo ông tôi ra vườn, lại
được nghe ông tôi kể cho nghe các chuyện cổ tích về hoa. Nào chuyện Võ Tắc
Thiên bắt hoa đi đày, nào chuyện Đường Minh Hoàng giục hoa phải nở. Nào vô số
những chuyện hoa hóa ra người, người hóa ra hoa. Nghe nhiều những chuyện ấy,
tôi thành ra coi các hoa trong vườn đều là những người bạn có cảm giác như tôi,
chỉ kém tôi cái biết đi và biết nói”. Nhiều khi ta tưởng như tình của Ngọc nồng
nàn nhất là với các loài hoa, thậm chí còn hơn tình của Ngọc với Lan và Hữu; để
tang cuộc tình suốt mấy năm trời, Ngọc đặt trước ảnh họ lọ hoa để thờ, và những
câu văn đẹp nhất trong Lan Hữu là
dành cho hoa: “Dưới trăng, các cây hoa hiện ra trước mắt tôi như những mặt bạn
thân, vắng mấy ngày mới lại gặp”, hoặc khi gặp lại Hữu trên Phú Thọ: “Dưới ánh
trăng tà, các cây hoa trồng trong các chậu in bóng cành bóng lá xuống đầy sân.
Tôi ước ao lại được cùng Hữu ngồi đôi nói chuyện ở giữa cảnh vườn xuân”.
Mối sầu tình của
Ngọc trong Lan Hữu cũng có yếu tố họ
hàng như cuộc tình duyên bi lụy của Hồng
Lâu Mộng. Hoa và tình, nhưng cũng thêm cả mộng nữa: ít có tiểu thuyết Việt
Nam nào tả mộng nhiều và hay như Lan Hữu.
Về sau, cuộc tình không còn là thực nữa, chỉ là mộng mà thôi: “Trong mộng, tôi
với họ cùng sống cuộc đời êm ái năm xưa. Trong mộng, nhan sắc của họ càng thêm
rực rỡ, câu chuyện của họ càng thêm thơ ngây”. Lan Hữu “viết lại” Hồng Lâu Mộng
theo một cách thức chưa từng có, không khỏi làm ta liên hệ tới những gì mà Nguyễn
Du từng làm với Kiều.
Và tất nhiên,
trước hết, Lan Hữu cần được đọc cho
chính nó, với chính nó. Câu chuyện của Lan
Hữu rất ý vị và không hề đơn giản. Nó lại được viết một cách hết sức chín
chắn, bởi con mắt hồi cố của một người đã trải đời nhìn lại tuổi hoa niên thơ mộng.
Ngọc không phải là Đạm Thủy của Tố Tâm,
vì Ngọc ý thức rất rõ sự phi lý của tình duyên, thậm chí đến cả tính chất vớ vẩn
của những mối tình thơ trẻ. Nhưng vẫn có đó nỗi ngậm ngùi khôn nguôi: “Tuy
trong khi yêu ấy tôi đã tốn bao nước mắt, bao tiếng thở dài, cùng chịu bao mối
cảm xúc mệt người, năm mười sáu tuổi, tôi nhìn lại vẫn là một năm có hạnh
phúc”; hạnh phúc ở tuổi mười sáu là điều được Nhượng Tống nêu lên ngay từ đầu Lan Hữu, và sẽ được lặp lại nhiều lần
trong suốt tác phẩm. Khởi đi là nỗi bàng hoàng của tình yêu đầu đời, càng bàng
hoàng hơn vì nhận ra cùng một lúc mình yêu cả hai người con gái: “Tôi bắt đầu cảm
thấy cuộc đời phiền phức vô cùng”, và nảy sinh một khát vọng rất trẻ con: “Người
tôi yêu chẳng phải là người tri kỷ, mà người tri kỷ lại chẳng phải là người tôi
yêu! Tôi ước ao có thể hợp cả Lan lẫn Hữu làm một người”. Hữu, cô em họ, xuất
hiện trước, đó là mối tình đầu tiên, nên khi có thêm Lan, thoạt tiên với Ngọc,
tình cảnh là: “Vướng có Lan, tôi mất cả tự do yêu Hữu”, nhưng dần dần Ngọc nhận
ra Lan có những điều mà Hữu không hề có, “[h]uống chi Lan yêu tôi có khi còn
hơn Hữu: Lan còn biết thương cái tài của tôi nữa. Ở đời, được một người yêu
mình, biết mình cũng khó lắm chứ!” Không chỉ là bạn thanh khí với Ngọc, Lan còn
là tri kỷ, lại có một tấm lòng yêu tưởng chừng như mù quáng; Lan cũng là một
con người quyết liệt, như thể sẵn sàng chống đối mọi ràng buộc gia đình, xã hội
để được yêu Ngọc. Trước mối cuồng tình như vậy, một cậu bé mười sáu tuổi đầy
nhút nhát khó có thể thoát được mảnh lưới đã buông, cho đến lúc phải bật ra ý
nghĩ: “tôi vẫn tin ái tình chuyên nhất mới thật là ái tình, mà nay tôi tự trông
thấy trái tim tôi chia đôi cho Lan và Hữu”.
Nhìn lại một
cách tỉnh táo, pha rất nhiều “vỡ mộng”, nhưng tài năng tiểu thuyết của Nhượng Tống
nằm ở chỗ ông vẫn thổi được vào câu chuyện lẽ ra không mấy đặc sắc một tấm màn
vi diệu của tình cảm, của lòng thành thực yêu mến tuổi trẻ; giọng văn đầy tiết
chế, nhiều khi lạnh lùng, thiên hẳn về hướng phân tích, lại càng làm nổi bật
lên một tâm hồn yêu đương nồng cháy, lẫn vào với những dằn vặt nội tâm không ngừng,
thậm chí còn nhiều khi đi tới chỗ tự khinh bỉ chính mình. Tâm hồn ấy cũng có thể
rất lạ: khi mới đến một khu vườn mới, thỏa lòng mong mỏi được kề cận với những
bông hoa, trong lòng Ngọc nảy ra một ý nghĩ: “Thiếu giai nhân, tôi đành mong được
gặp hồ, gặp quỷ như những anh chàng nào trong truyện Liêu Trai”. Cái tâm hồn Á
Đông đa tình trộn lẫn với huyền hoặc này, thỉnh thoảng ta mới thấy, một cách kỳ
diệu, ở một số tác phẩm văn chương Việt Nam, chẳng hạn như khi Đinh Hùng viết
những câu thơ:
Có
những bông hoa, tiền thân là thiếu nữ
Những
mùi hương rạo rực hiện hình người
Hương
công chúa và men say hoàng tử
Cánh
bướm thời gian treo võng tóc buông lơi
Lan Hữu là cả một bầu trời huyền hoặc của tình tuổi
trẻ được Nhượng Tống, sau khi đã thấm thía rằng “đời là một cuộc đổi thay, muôn
sự, muôn vật ở trên đời, nào có cái gì là vĩnh viễn”, thuật lại một cách kỳ diệu.
Dẫu câu chuyện này, đúng như Lưu Trọng Lư đã nhìn ra khi viết lời tựa cho bản
in 1940, là chuyện mà ai cũng có, ai cũng giấu đâu đó trong ngóc ngách ký ức
mình, thì cách kể của Nhượng Tống, bởi nó thu gom được những tinh túy của Hồng Lâu Mộng lẫn những gì mà chỉ mình
tâm hồn Nhượng Tống mới có, vẫn còn gây rung động mãnh liệt ở độc giả sau đến
ba phần tư thế kỷ.
[1]
Ban đầu nhà xuất bản Đời
nay đặt cho nó nhan đề Thanh Đức và hệ
thống quảng cáo của Tự Lực văn đoàn còn gán cho nó một tên phụ, Tội lỗi; sau này khi Nhất Linh cho tái bản
cuốn sách ở Sài Gòn, cuốn tiểu thuyết trở lại nhan đề ban đầu mà Khái Hưng đã
chọn lúc sinh thời: Băn khoăn.
[2] Các chi tiết liên quan đến
cuộc đời Nhượng Tống sử dụng trong bài viết đều đã được xác nhận bởi bà Hoàng
Lương Minh Viễn, con gái độc nhất của Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân, hiện vẫn sống
ở Hà Nội.
[3] Của Liễu Tuyền tiên sinh,
do nhà xuất bản Tân Việt in năm 1947; lúc này nhà Tân Việt mới chuyển trở lại
vào trong Nam.
Quyển này mua ở đâu được, Nhị Linh?
ReplyDeletesách này của Tao Đàn
Deletemua ở hiệu sách
ReplyDeletethành Nam, tức Nam Định chỉ nên tính Trần Bích San thôi, còn cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến ở Bình Lục thuộc tỉnh Hà Nam nên trước nay chưa bao giờ được tính là người thành Nam
ReplyDeleteđúng lý thì là như vậy, nhưng ở đây tôi viết theo mạch của Nhượng Tống: ông bố của nhân vật Ngọc là "thủ khoa thành Nam", nhưng cũng không phải người Nam Định mà bên Ý Yên, "thành Nam" giống như một biểu tượng thì đúng hơn là địa lý cụ thể, tất nhiên thời này chi tiết ấy rõ hơn vì thi cử ở khu vực này gọi là "trường Nam"
Deletethủ khoa thành Nam vì thi tại trường Nam thì không sai, nhưng nói là người thành Nam, tức là sinh trưởng tại Nam Định, đối với Nguyễn Khuyến có vẻ không ổn, vì Bình Lục là thuộc đất Hà Nam 'danh giá nhất ông cò' còn Ý Yên của Nhượng Tống thì dù sao vẫn thuộc tỉnh Nam Định xưa và nay
Deleteok
Deleteý tôi chỉ muốn nói "thành Nam" có thể hiểu rộng hơn thành phố Nam Định thôi
Hihi
ReplyDeleteđã có sách. đang đọc. sẽ phán vài lời nếu có. hì hì.
ReplyDeleteEm chào anh! Anh có thể cho em xin cách thức liên hệ với gia đình nhà văn Nhượng Tống để hỏi về bản quyền sách được không ạ? Bên em muốn tái bản một cuốn sách dịch của Nhượng Tống nhưng chưa rõ cách liên hệ. Nếu được em cảm ơn anh nhiều ạ!
ReplyDeleteVery energetic article, I liked that bit. Will there be a part 2?
ReplyDelete