Aug 29, 2014

[tiện bút] Những ngôi nhà ấy đã

Những ngôi nhà ấy đã còn, nhưng những ngôi nhà ấy cũng đã mất.

Năm lên năm tuổi, lúc nào tôi cũng thường trực nỗi thúc giục cấp kíp là nằm trên giường úp mặt vào vách; vách đất trộn trấu, dứt dứt đầu mẩu trấu và lấy đầu ngón tay miết rồi chọc vào đất, lẽ dĩ nhiên tôi chỉ mường tượng êm ả ngái ngủ về một cảm giác đê mê đần độn chứ không nuôi dưỡng chút khoái thú nào về phá hoại.

Cách đây không lâu, ngồi trong một ngôi nhà kỳ dị của con gái một nhân vật kỳ dị bậc nhất từng tồn tại trên đời, nghe bà ấy nói về ông bố hiển hách mà bí ẩn, oai hùng mà dịu dàng như hoa như lá như giọt sương, trong buổi nắng nhạt sau mưa chưa bão, tôi nghĩ đến những gì một ngôi nhà có thể mang lại cho đời ta, đến những gì ta đã làm với cuộc đời, để lại vết, dấu, day dứt và xước xát cho những ngôi nhà ta đã để lại sau lưng không bao giờ còn có thể thực sự ở bên trong.

Ở đoạn đầu Istanbul (xét cho cùng chính là cuốn sách duy nhất trong đời Orhan Pamuk chứng tỏ mình có biết viết văn, nếu mà ta thật là nghiệt hết sức, mà tại sao lại không nghiệt hết sức đi), ngôi nhà là trung tâm, là chốn trú ngụ và là không gian của những đè nén nhưng cũng bay bổng: cậu bé ấy tưởng tượng mình là chàng nam tước Cosimo xứ MưaGiông nhảy trên những cành cây không bao giờ chạm đất, mà ở đây "cây" là những đồ vật trong nhà, đượm vào trong bàng bạc bầu không khí hüzün Thổ Nhĩ Kỳ.

Chúng ta đi qua cuộc đời, nghĩa là chúng ta đi qua những con người và những ngôi nhà, ngôi nhà chứa con người nhưng con người cũng chất chứa những ngôi nhà.

Bởi vì đâu thể nào khác: ông bố oai hùng của bà con gái kia từng làm bao nhiêu điều oanh liệt trong đời, nhưng hoàn toàn có thể điều duy nhất ông ấy muốn là một ngôi nhà để đi rồi về, ra đi là biết lúc nào cũng có thể bước chân về, con đường không còn là thăm thẳm, những oanh liệt trở thành nhỏ bé thu lại như một cuộc về nhà ngày ngày.

Tôi đã muốn hỏi nhà văn Bảo Ninh rất lâu, rất lâu, rằng ngôi nhà trong cái truyện "Bội phản" ông ấy lấy nguyên mẫu từ đâu, bởi vì tôi nghĩ tôi biết ngôi nhà đó, tôi rành rẽ từng ngóc ngách của ngôi nhà không thể nào Hà Nội hơn của suốt một quãng thời gian dài, rất dài, quãng thời gian của "Khắc dấu mạn thuyền" và "Hà Nội lúc không giờ", dạng nhà sau này còn rớt lại đôi khi, rải rác đâu đó như một nét quỷ dị giữa láo nháo mưa nắng gió lá bão chua xót và bất lực.

Chợt một hôm gần đây, tình cờ gặp Bảo Ninh, tôi hỏi liền.

Hóa ra là đúng, ngôi nhà trong "Bội phản" là kết hợp của nhiều ngôi nhà có thật, nhưng đúng là có ngôi nhà mà tôi từng biết.

(thôi chả viết nữa, câu cú cứ tự mọc ra dài ngoẵng, hụt hơi mệt quá)

2 comments:

  1. Bài này viết cũng cách đây ít lâu rồi mà anh nhỉ!

    ReplyDelete
  2. Em rất thích bài này, đọc nhiều lần rồi, thuộc được vài câu.

    ReplyDelete