Oct 11, 2013

Bonjour tristesse ở Việt Nam

Trong lịch sử đã có bao nhiêu bản dịch Bonjour Tristesse của Françoise Sagan ra tiếng Việt?

Nhiều người trước nay vẫn nói là cuối những năm 50 Nguyễn Vỹ đã dịch đăng quyển này trên tờ Phổ Thông của ông, và quả thật, khi tôi tìm được vài số Phổ Thông giai đoạn đầu thì tình hình như sau:

Bonjour Tristesse đã khởi đăng trên Phổ Thông từ số 1 và liên tục kéo trong vòng trên dưới 10 số đầu tiên, người dịch ký "Diệu Huyền" (tôi chưa có đầy đủ các số đăng bản dịch này).

Nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy đã xác nhận Diệu Huyền hay Cô Diệu Huyền chính là bút danh của Nguyễn Vỹ, như vậy quả thật Nguyễn Vỹ đã dịch Bonjour Tristesse. Đây là bản dịch đầu tiên tác phẩm này ở Việt Nam và gần như chắc chắn bản dịch này chỉ tồn tại trên tạp chí chứ không in thành sách.


Nhìn cụ thể thì mới biết, đây không phải bản dịch đầy đủ, mà có dòng phi lộ cho biết ngay rằng dịch giả chỉ chọn dịch những gì mình thấy là quan trọng cho câu chuyện.

Bản dịch đầu tiên này tên là Buồn ơi chào mi, cái tên "canonique" và các bác hoàn toàn có thể link ngay đến Nguyễn Ánh 9.


Sau đó đã có ba bản dịch Bonjour Tristesse, một của miền Nam, hai của miền Bắc, dưới đây là thông tin cụ thể và đoạn đầu từng bản.



- bản của Lê Huy Oanh, Buồn ơi, bắt tay, Tân Văn số 28, 1970

Trên cái cảm giác vô danh mà sự chán nản, sự êm ái của nó ám ảnh tôi, tôi ngần ngại đặt một cái tên, cái tên đẹp đẽ nghiêm trang của nỗi buồn. Đó là một cảm giác đầy đủ và có tính cách vị kỷ đến độ tôi gần như xấu hổ vì nó trong khi nỗi buồn luôn luôn khả kính đối với tôi. Tôi không biết nó, nỗi buồn, nhưng tôi đã biết sự chán nản, sự luyến tiếc, và hiếm hoi hơn, sự hối hận. Ngày nay có một cái gì gấp vào trong tôi như một dải lụa, êm ái và khiến tôi uể oải, ngăn cách tôi với những người khác.

- bản của Quang Vinh, Tạm biệt một tâm hồn, NXB Tổng hợp Sông Bé, 1988

Nỗi chán chường, sự êm dịu của cái cảm giác không tên ám ảnh tôi. Tôi ngần ngại đặt một cái tên, cái tên đẹp trang trọng của nỗi buồn. Đó là một cảm giác trọn vẹn và ích kỷ, đến nỗi gần như tôi hổ thẹn vì nó, trong khi tôi luôn luôn xem trọng nỗi buồn. Tôi không biết đến nỗi buồn, nhưng tôi đã biết được nỗi chán chường, sự nuối tiếc, và hối hận. Giờ đây, có một cái gì quyện vào tôi như một giải lụa, êm ái và khiến tôi mệt mỏi, ngăn cách tôi với những người khác.

- bản của Vũ Đình Bình, Buồn ơi, chào nhé, NXB Hội Nhà văn, 2002

Cảm giác lạ lẫm ấy, mà sự chán chường và dịu ngọt của nó luôn ám ảnh tôi, tôi lưỡng lự mãi mới đặt được cho nó một cái tên đẹp và nghiêm trang: nỗi buồn. Đó là một cảm giác xâm chiếm toàn bộ con người tôi và ích kỷ đến mức tôi gần như xấu hổ vì nó, trong khi tôi thấy nỗi buồn bao giờ cũng có vẻ đáng kính. Tôi chưa biết nó, cái cảm giác mà tôi gọi là nỗi buồn ấy, nhưng sự chán chường, sự luyến tiếc, và hiếm hoi hơn, sự ân hận, thì tôi đã từng biết. Giờ đây, một cái gì đó buông trùm lên tôi như một dải lụa vừa khó chịu lại vừa mềm mại, ngăn cách tôi với những người khác.


còn đây là nguyên bản của Sagan, một đoạn văn hết sức mơ hồ - chính sự mơ hồ này đã làm nên thành công lớn lao của cuốn tiểu thuyết

Sur ce sentiment inconnu dont l'ennui, la douceur m'obsèdent, j'hésite à apposer le nom, le beau nom grave de tristesse. C'est un sentiment si complet, si égoïste que j'en ai presque honte alors que la tristesse m'a toujours paru honorable. Je ne la connaissais pas, elle, mais l’ennui, le regret, plus rarement le remords. Aujourd’hui, quelque chose se replie sur moi comme une soie, nervante et douce, et me sépare des autres.

No comments:

Post a Comment