Ta có thể để ý, ở đoạn đầu bài, khi Nhượng Tống kể lại về "tai nạn dịch thuật" phiên tên Phạm Hồng Thái thành "Phan Hồng Tài", xét về niên đại thì đó chỉ có thể là tờ Khai hóa hoặc tờ Thực nghiệp dân báo (Dân báo).
Thực chất, chính là quanh hai tờ báo này mà lứa trí thức Việt Nam sinh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã tìm được cách khởi đầu cho sự nghiệp trước tác của mình. Nhượng Tống, nhưng cả Khái Hưng nữa; cũng chính nhờ tòa soạn mấy tờ này mà Nhượng Tống sẽ quen biết với Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài, để từ đó mà nảy sinh Nam Đồng thư xã vài năm sau.
Lịch sử Việt Nam, thật ra, có những câu chuyện rất là khác (xem thêm ở đây).
Phạm Hồng Thái và Tâm Tâm xã
Buổi sớm cuối hè ấy tôi cũng chẳng nhớ là vào năm 1924 hay
1925 nữa…
Bây giờ, tôi còn có thể sống lại cái tâm trạng tôi trong lúc
ấy: Hai tay tôi run run! trống ngực tôi dập dồn! Tiếng tôi cũng khác đi khi tôi
hỏi một ông bạn già: Ba chữ Fan hong Tai
nên dịch là gì cho phải? Tôi hỏi, vì ông này có biết tiếng quan thoại. Nhưng vô
ích! Ông lặp đi lặp lại, rồi đổ tại thiếu dấu âm nên không thể biết đúng được!
Tôi đành dịch liều [?] là Phan hồng Tài.
Phan hồng Tài, đó là tên mà làng báo ở
đây tặng cho nhà liệt sĩ của ta ở Sa diện, đã cầm bom mà ném vào Toàn quyền
Merlin!
Tôi vừa dịch tin điện ấy, lòng tôi vừa nhẹ nhõm “như cất
gánh đầy đổ đi!” Thì từ sau hai trận khởi nghĩa của ông Đội-Cấn ở Bắc và của
ông Duy-Tân ở Trung, dưới chính sách khủng bố của bọn Đế quốc, trong bài hát
“Pháp Việt đề huề” mà một bọn văn sĩ vô sỉ đương ru ngủ dân ta, đã bẩy, tám
năm, dân khí mình bị chìm đắm vào vòng uất ức âm u… Cái uất ức ấy chỉ còn phát
tiết ra được trên mấy tờ báo chữ Pháp của mấy tay chính khách Nguyễn-phan-Long,
Nguyễn-phú-Khải ở Nam Kỳ! Thế nhưng với quyền lợi của cả một dân tộc, sự cãi vã
có ích gì? Và với lòng tham tàn của bọn thực dân, những vận động chính trị, -
những thủ đoạn cách mạng hòa bình (!), bằng lưỡi hay bằng bút làm gì có được
công hiệu tích cực! Đã bẩy, tám năm, không khí trời nam đã im lặng một cách nặng
nề khó chịu! Thì tiếng bom Sa-diện đã là một tiếng sét giữa một buổi trời gió
im tờ! cơn mưa đen đặc! Tất cả mọi trái tim Việt Nam được hỷ hả theo tiếng nổ
long trời ấy! Và tất cả mọi trái tim Việt Nam cũng theo đấy mà lấy lại được nhiệt
độ cũ nẩy ra một tia sáng mới. Hàng vạn và hàng vạn những thanh niên trí thức
đương chìm đắm trong giấc mộng phồn hoa mềm ấm, đã bàng hoàng tỉnh dậy, đi theo
tiếng gọi của Hồn Nước bấy lâu xiêu bạt! Chẳng những thế nó còn là một tiếng
pháo lệnh để báo cho Thế giới biết rằng: Cách-mạng Việt-Nam đã bước sang một
giai đoạn mới; giai đoạn mà những tin thần vốn có của dân tộc cùng với những
trào lưu hùng mạnh của nhân loại đã hòa hợp mà chảy chung vào một giòng! Cái
giòng khích liệt ấy sẽ chẩy trôi những đê điều hãn ngự của bọn thực dân tại xứ
này! Và nay mai còn góp một sức vô địch vào trận chiến tranh thần thánh của loài người đau khổ chống lại chủ nghĩa
xâm lược! Thì dưới đời Trần, dân tộc Việt-Nam chẳng phải là bức thành lũy cuối
cùng của nhân loại đã chống nổi chủ nghĩa đế quốc của dân Mông-Cổ đó sao?
Bởi vì việc đã xẩy ra ở Tầu, nên hồi đó tôi rất chăm chỉ vào
đọc nhờ các báo Tầu ở Hội quán Quảng đông. Và hơn tuần lễ sau, tôi mới biết tôi
đã dịch nhầm: Tên liệt-sĩ không phải là Phan
Hồng Tài mà là Phạm hồng Thái. Kỳ
thực thì Phạm Hồng Thái chẳng qua là cái tên của anh khi đã quyết tâm liều chết
vì tổ quốc. Cổ nhân có câu: “Chết có khi nhẹ bằng lông Hồng, cũng có khi nặng bằng non Thái.”
Cái tên “Hồng Thái” là do câu ấy mà ra. Tên thực của anh, nhiều bạn đã nói với
tôi. Tiếc rằng ngày nay tôi đã nhãng quên! Các bạn! Ai còn nhớ xin cho tôi biết,
và nhân thể cho quốc dân cùng biết.
Cứ như điều tôi biết thì các báo Tàu, nhất là những tờ báo lớn,
như “Thân báo”, “Đại công báo”, “Trung quốc tân văn”, đều có những bài kỷ thuật
rất tường tận. Theo lời các báo ấy thì Phạm là một nhà thực hành trong “nghĩa
liệt quân” của “Việt Nam Quang phục” hội. Hội này do hai nhà lão cách mạng Việt
Nam là Phan Bội Châu và Nguyễn Hải Thần đứng đầu tổ chức. Nghe tin tên Merlin,
Tổng đốc của Pháp ở Việt Nam, (chữ gouverneur général, người Tàu dịch là Tổng đốc),
là một tên tàn ác bất nhân, sắp sang công cán ở Nhật và ở Tàu, rắp tâm có những
âm mưu bất lợi cho các nhà cách mạng xuất dương, Hội liền kết cho hắn cái án xử
tử, và phái Phạm thực hành bản án ấy. Phạm đã nhận mệnh lệnh, đi theo hắn suốt
từ Nhật về Bắc-kinh Thượng-hải, song không có dịp hạ thủ. Mãi khi về đến Sa-diện,
nghe tin kiều dân Pháp có đặt tiệc thết hắn ở khách sạn, Phạm liền giả làm một
người chụp ảnh, lẻn vào thi hành thủ đoạn. Chẳng dè số hắn chưa chết, trong bữa
tiệc, hắn lại không ngồi vào ghế danh dự. Vì vậy, bom đã ném lầm người khác.
Tuy vậy, ở Phạm thì cho rằng hắn tất đã chết, cho nên hô lớn “Việt Nam cách mạng
thành công!” rồi lững thững bước ra! Nghe tiếng nổ, tất cả tụi cảnh sát, sen đầm,
mật thám Pháp ở đấy đã được điều động. Và khi bước ra đến giữa cầu Sa-diện sang
Quảng-châu, thì hai đầu cầu bọn chó săn đã xô đến. Không muốn chết vào tay quân
Pháp, Phạm liền tung hô một lần nữa rồi đâm đầu xuống sông. Ngay sau khi ấy,
các đồng chí đã tìm thấy xác Phạm. Và cảm lòng hiệp liệt của Phạm, sau nữa vì
tình liên lạc của hai nước anh em, chính phủ quốc dân Tầu đã giúp đỡ vào việc
an táng Phạm bên gò Hoàng-hoa, để muôn muôn đời làm bạn với bẩy mươi hai liệt
sĩ mở đường cho cuộc cách mạng Tầu. Cố nhiên sau lời tường thuật đến lời tán
dương. Người ta khen Phạm nhất là cái tinh thần trấn định và sáng suốt của anh:
Không thèm giết quân địch ở Bắc-bình hay ở Quảng-châu, điều đó đã tránh cho nước
Tầu khỏi một việc lôi thôi về ngoại giao, mà đối với tình cảnh yếu ớt của nước
Tầu khi ấy, có thể trở nên to chuyện! Và ba tờ báo có đăng cả ảnh của anh đối
chiếu với ảnh của Merlin trên một trang báo lớn. Kế đến lời thanh minh về việc
xử tử ấy của “Việt Nam quang phục hội”, kể rõ các tội ác của Merlin và của
chính sách thực dân Pháp trong sáu chục năm thống trị đất Việt Nam. Những tài
liệu ấy hoặc lượm được ở trên mình anh, hoặc do các đồng chí gửi đến cho các cơ
quan ngôn luận.
Cuối năm ấy, trong nước ta đã thấy bí mật lưu hành cuốn “Phạm-hồng-Thái
truyện”, do chi bộ Việt Nam trong “Bị áp bách dân tộc hội” xuất bản. Ngoài bìa
sách là chữ đề của ông Đàm-duyên-Khải, chủ tịch chính phủ quốc dân khi ấy. Và
trong có khá nhiều những thơ, văn truy điệu anh của các nhà cách mạng Tầu.
Ngoài ra lại còn bản tuyên ngôn về việc của anh làm, đại khái cũng như lời
thanh minh trên các báo. Hai món này, tôi được xem bởi tay anh Nguyễn-danh-Đới,
một người bạn trong “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội”. Và theo lời
anh Đới thì sự thực về việc này có một đôi phần mà các báo, các sách còn chưa
nói đến. Hồi sau, năm 1929, tôi gặp cụ Lê-Cần ở Côn-lôn, cụ cũng cho tôi một,
đôi tia sáng về cái án Sa-diện nữa. Những điều thuật lại sau đây, là theo lời của
anh Nguyễn và cụ Lê đã cho biết. Tôi viết ra đây, là sợ sau này không còn ai biết
đến sự thực nữa. Và người ta có thể tiểu thuyết hóa câu chuyện ấy cho càng ngày
càng sai lạc mãi đi chăng?
Theo lời anh Nguyễn thì anh Phạm vốn con một nhà nho: ông
thân sinh ra anh từng đỗ cử nhân làm huấn đạo. Ông già này tuy làm quan với
Tây, nhưng lòng vẫn nghĩ đến Tổ quốc. Ông cho rằng: Cái mình nên học ở người
Tây chỉ là những khoa học thực dụng. Vì vậy, ông cho con vào học trường Bách
nghệ Vinh và sau ra làm cai coi thợ cho một xưởng ở Vinh. Vốn sẵn cái mầm ái quốc
của gia đình lại hằng ngày tiếp xúc với sự tàn bạo, khinh miệt của viên đốc
công Tây, anh Phạm không sao nhẫn nại được nữa, liền trốn sang Hương-cảng, rồi
Quảng-châu, mong theo đòi các nhà cách mạng xuất dương, đem tấm thân nhỏ mọn của
mình, làm lấy một việc gì thực có ích cho giang sơn, cho chủng tộc. Và nhân thế
anh Phạm được quen biết với một người chú anh Đới, mà bí danh là Lâm-đức-Thụ,
hoặc Hoàng-trấn-Đông…
Theo lời cụ Lê thì đã đến ngót mười năm, sau khi Lương-ngọc-Quyến
bị bắt và Phan-bá-Ngọc phản bội, số người xuất dương kém sút hẳn hồi trước. Các
nhà chí sĩ trông ở Nhật đã thất vọng, mà trông ở Tàu cũng chưa được việc gì. Vì
vậy, “Việt Nam quang phục hội” khi ấy cơ hồ chỉ còn là cái tên không! Các đồng
chí mỗi người tan tác mỗi nơi, phần nhiều khốn quẫn vì sinh kế cả. Thì bỗng
dưng hồi ấy, trong trí óc “vọng ngoại” của mọi người, bỗng nẩy ra một tia sáng
mới. Không Tàu, không Nhật nữa, người ta mong tưởng ở nước Nga… Nguyên hồi ấy
nước Nga mới cách mạng, bên trong thì thi hành cộng sản, bên ngoài thì theo đuổi
việc giúp đỡ cho các nước nhỏ yếu. Việc ấy, từ khi Staline lên cầm quyền, trong
thì thi hành chính sách kinh tế mới, ngoài thì theo hẳn chính sách thuần túy quốc
gia, cho nên việc giúp đỡ chỉ còn là sự giúp đỡ về tinh thần! Nghĩa là chẳng
giúp gì về tiền bạc khí giới cả! Thế nhưng khi ấy, còn đời Lénine, ông quả thực
có lòng bác ái, nhân đạo. Vì vậy, ông phái Gallen và Borodine sang giúp cụ
Tôn-trung-Sơn về việc tổ chức, huấn luyện các đạo quân cách mạng. Nghe nói về
khí giới, về tài chính, chính phủ Nga cũng có giúp được ít nhiều cho đảng Quốc
Dân Tàu.
Thấy vậy, các nhà cách mạng ta một số muốn trông nhờ nước
Nga. Nhất là anh Nguyễn-ái-Quốc mới từ Pháp qua Nga về Quảng Châu, thì lại càng
chủ trương thuyết ấy lắm. Thế nhưng nghề ở đời “trông thóc mới cho vay gạo!” Muốn
nước Nga giúp Việt Nam, cần phải tỏ cho họ biết các nhà cách mạng Việt Nam có
thể là những tay làm được việc. Việc giết Merlin, chính là một cách để chứng minh
việc ấy. Anh Quốc cùng mấy đồng chí nữa, trong đó có anh Phạm liền tổ chức nên
một đoàn thể ám sát gọi là “Tâm Tâm Xã”, lấy nghĩa “Tâm Tâm tương hướng”: Lòng
lại hiểu lòng… Tổ chức xong, anh Phạm tình nguyện làm người xung phong. Tuy vậy,
nào bom, nào súng, nào tiền ăn đường, bước cùng đồ, không phải là dễ tính. Người
chú anh Đới, tức Hoàng-chấn-Đông liền đảm nhiệm việc ấy. Hoàng liền du thuyết
tên Vị, một tay thám tử ở tòa lãnh sự Pháp, chuyên môn dò tung tích các nhà các
mạng Việt Nam!…
Cổ nhân có câu: “Giảo thỏ hết, chó săn sẽ mổ thịt!” Từ khi
cách mạng Việt Nam kém hoạt động, thì bọn mật thám Việt Nam ở ngoại quốc tuy
không đến nỗi bị mổ thịt, nhưng cũng không còn có dịp phát tài! Chính phủ Pháp
cũng chẳng cần bắt chi những chí sĩ nằm đợi chết già ở nước ngoài nữa! Vì thế
Hoàng đem việc mưu sát Merlin nói cho Vị biết, thì Vị cho ngay là “món hàng bở
có thể buôn bán được!” Vị liền giúp tiền cho anh em mua bom, mua súng, và còn
dư ra để ăn đường… Các bạn đã hiểu là thế nào chưa? Merlin mà bị giết hay bị giết
hụt nữa, thì chính phủ Pháp sẽ phải dùng một món tiền lớn vào việc truy nã các
nhà cách mạng Việt Nam. Và món tiền lớn ấy nhất định là sẽ vào túi Vị một phần
không nhỏ! “Dùng tiền của mật thám Pháp để giúp cho cách mạng Việt Nam làm việc”,
cụ Lê Cần kể đến đây, vỗ vai tôi cười lớn:
“Tôi thực bái phục thủ đoạn của nó! Làm cách mạng phải có thủ
đoạn như thế! Những kẻ chấp kinh như tôi biết thế đấy nhưng không bao giờ làm nổi!
Cho nên những quái kiệt, gian hùng, phần nhiều là làm nên sự nghiệp ghê gớm cả!
Nó, đến nay tôi vẫn không sao hiểu được nó là người thế nào!”
Quả nhiên, sau việc Merlin chết hụt, nước Nga đã giúp cho
anh Quốc lập nên “Đông phương bị áp bách dân tộc hội” và “Việt Nam thanh niên
cách mạng đồng chí hội”. Hội này lập ra sau khi anh Quốc không đồng ý kiến với
các anh em cũ bên “Việt Nam Quang Phục Hội”, sau cải tổ ra “Việt Nam Quốc Dân Đảng”.
Việc xích mích giữa hai phái mới, cũ ấy, họa chăng chỉ có cụ Phan bội Châu là
điều đình nổi. Thế nhưng cụ Phan khi nhận được thư của anh em mời về dự lễ
khánh thành ngôi mộ của liệt sĩ họ Phạm, hớn hở từ Hàng-châu ra Thượng Hải, thì
bị lừa đưa xuống một pháo thuyền của Pháp mà giải về Đông dương.
Được tin cụ bị bắt, anh em ở Quảng-châu rất lấy làm buồn. Buồn
vì mất một tay lãnh đạo lão thành. Buồn vì nỗi hai phái mới, cũ không bao giờ hợp
một được nữa!
Cụ Lê nói:
“… Tôi đương vơ vẩn buồn như thế, thì có người đến bên yên ủi,
Không việc gì mà buồn ông ạ! Ông ấy già rồi! Ở bên này có khi cũng chẳng được
việc gì cả! Để nó bắt ông ấy về, mất một Phan Bội Châu đây, nhưng trong nước sẽ
mọc ra trăm, nghìn Phan Bội-Châu khác, lo gì!”
Cụ vỗ vai tôi, vừa cười, vừa tiếp:
“Nó nói thế mà thật! Giá ông Phan không về, thì chưa chắc
tôi đã được gặp các anh ở đây!”
Ông Ba Liệu cũng cười theo:
“Thật! Thằng ấy thì nó nói thế thật đấy!…”
Bài báo này được đăng trên tờ nào ạ?
ReplyDeleteChính nghĩa, phụ trương của Việt Nam:
ReplyDeletehttp://nhilinhblog.blogspot.com/2016/12/danh-muc-tac-pham-nhuong-tong-bo-sung.html