Jun 17, 2015

Yên Bái. 17/6/1930. Phó Đức Chính

Cách đây đúng 85 năm, diễn ra vụ hành quyết "các nhân vật Yên Bái" thuộc Việt Nam Quốc Dân đảng.

Phó Đức Chính là nhân vật số hai của Việt Nam Quốc Dân đảng, là người bị chém thứ mười hai, ngay trước Nguyễn Thái Học. Người duy nhất không chống án và/hoặc xin ân xá trong phiên tòa trước đó (thực chất là "hội đồng đề hình", một "thủ thuật tư pháp" của người Pháp), cũng là người đòi nằm ngửa xem lưỡi dao guillotine sập xuống.

Các nhân vật lớn của Việt Nam Quốc Dân đảng quãng thời gian 1927-1930 là Nguyễn Thái Học, lãnh tụ, cùng một loạt nhân vật: Ký Con Đoàn Trần Nghiệp, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu...

Người duy nhất thuộc hàng yếu nhân không bị xử tử trong năm 1930 là Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân. Nhượng Tống là thành viên sáng lập Nam Đồng thư xã, cũng là thành viên sáng lập Việt Nam Quốc Dân đảng cuối năm 1927. Là người duy nhất thoát chết, người nắm được thông tin toàn diện nhất, thêm nữa lại là một tài năng văn chương, Nhượng Tống đã trở thành sử gia của Việt Nam Quốc Dân đảng. Kỷ niệm 15 năm "vụ Yên Bái", cuốn sách Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống được ấn hành vào tháng Sáu 1945 (xem ở đây, bức ảnh đầu tiên). Trong hoạt động của Việt Nam Quốc Dân đảng, tài năng văn chương và sự nổi tiếng của Nhượng Tống đã giúp ích không ít: Nhượng Tống được cả một số quan chức thuộc địa hâm mộ và có thể nhờ vả che giấu, ngầm hỗ trợ.

Nhượng Tống thoát khỏi 17/6/1930 một cách tình cờ. Cuối 1929, Nguyễn Thái Học giao nhiệm vụ cho Nhượng Tống vào Huế gặp Phan Bội Châu để mời Phan Bội Châu làm chủ tịch đảng danh dự. Nhượng Tống bị mật thám bắt tại tòa soạn tờ Tiếng dân, không lâu trước khi nổ ra các vụ việc mãnh liệt của Việt Nam Quốc Dân đảng.

Tôi không khỏi liên hệ số phận của Nhượng Tống với số phận của một lãnh tụ cách mạng khác: Nhất Linh. Đúng mười năm sau vụ Yên Bái, năm 1940, Nhất Linh, khi này đã thành lập Đại Việt Dân chính, đang tình cờ đi vắng khỏi Hà Nội thì mật thám Pháp giăng mẻ lưới bắt các yếu nhân của tổ chức đảng mới mẻ này. Mẻ lưới ấy đã hốt trọn Khái Hưng và Hoàng Đạo, dẫn tới mấy năm đi tù ở Vụ Bản của hai nhân vật ấy, kết quả là một tập truyện ngắn của Khái Hưng sau này được xuất bản tại Sài Gòn giữa thập niên 60. Nguyễn Tuân cũng từng đi tù ở Vụ Bản (xem thêm ở đây). Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài rất cố gắng chứng minh Nguyễn Tuân không hề hoạt động đảng phái, cách mạng. Nhưng tôi không tin mấy.

Nhất Linh và Nhượng Tống cùng thoát thân, cách nhau mười năm, khi các đồng chí của mình bị bắt. Sau đó, Nhượng Tống bị đi Côn Lôn rồi sau đó là nhiều năm dài an trí ở quê, còn Nhất Linh thì trốn ra nước ngoài. Nhưng đây chưa phải lần đầu tiên họ thoát thân giống nhau. Lần thứ hai là cùng thời điểm, quãng tao loạn 1945-1946. Với Nhất Linh, đó là ngay sau Hội nghị Đà Lạt: ông đã bỏ đi ngay, thoát khỏi một cuộc thanh trừng đang chờ sẵn. Với Nhượng Tống, chuyện cũng ly kỳ không kém. Ở Hà Nội, mẻ lưới "vụ Ôn Như Hầu" cũng đã giăng, lúc này Nhượng Tống, với lai lịch kinh người của mình, chắc chắn phải là đối tượng bị tầm nã số một. Nhưng mẻ lưới ấy đã để lọt Nhượng Tống, mà chỉ túm được các nhân vật kiểu Phan Kích Nam. (Tôi còn chưa xem bản dịch tiếng Việt cuốn sách Chiến thắng bằng mọi giá của Cecil Currey, không biết các chi tiết liên quan đến vụ Ôn Như Hầu có được giữ như trong nguyên bản hay không).

Ai cũng tưởng Nhượng Tống đã trốn đi. Nhưng không phải: lúc đó Nhượng Tống vẫn ở Hà Nội, và lại ở ngay phố Hàng Bún. "Vụ Ôn Như Hầu" tuy tên như vậy, nhưng không chỉ diễn ra ở phố Ôn Như Hầu (Nguyễn Gia Thiều ngày nay) mà còn ở một số địa điểm khác nữa, trong đó có 80 Quan Thánh, trụ sở Tự Lực văn đoàn, tức là cách phố Hàng Bún chỉ vài bước chân.

Nhượng Tống giống Nhất Linh đến như thế. Cái chết của hai người cũng có gì đó hao hao giống nhau. Nhượng Tống bị giết, nhưng ở thời điểm 1949, đúng như Ngô Thúc Địch đã nói trong bài điếu văn, Nhượng Tống muốn chết hơn là muốn sống. Và không lâu trước khi chết, Nhượng Tống cộng tác với một người rất thân thiết với Nhất Linh, là Khái Hưng.

Đọc Nguyễn Thái Học, ta thấy Nhượng Tống miêu tả Nguyễn Thái Học như một người anh hùng tự khí chất, nhưng phải nói là thô lậu, dữ tợn. Nhượng Tống ở bên cạnh Nguyễn Thái Học làm tôi nghĩ ngay đến Nguyễn Trãi ở bên cạnh Lê Lợi. Những con người võ biền đầy quả cảm và hào hùng hay thu hút đến bên cạnh mình những thiên tài văn chương. Lê Lợi có thiên tài văn chương Nguyễn Trãi, còn Nguyễn Thái Học có thiên tài văn chương Nhượng Tống. (Nhượng Tống từng dịch Lam Sơn thực lục, sách đã in, lại còn giúp Thi Nham Đinh Gia Thuyết dịch Ức Trai thi tập, sách chưa in).

Nhưng Nguyễn Thái Học không phải là tác phẩm duy nhất của Nhượng Tống về Việt Nam Quốc Dân đảng. Dưới đây ta sẽ đọc bài của Nhượng Tống viết về Phó Đức Chính, ở thời điểm sau khi đã xuất bản quyển Nguyễn Thái Học, đăng trên tờ báo nơi Nhượng Tống cộng tác với Khái Hưng.

Còn đây là loạt bài trên Phụ nữ tân văn năm 1930 thuật lại "vụ Yên Bái".

Trước tháng Sáu, tờ báo đã có nhiều bài, ví dụ:


hoặc


Và đây là Phụ nữ tân văn số 58, số báo quan trọng nhất:






Đây là bài viết của Nhượng Tống về Phó Đức Chính, đăng báo năm 1946:


Phó Đức Chính


“Mình về mình nhớ ta chăng?
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười…”

Nếu nụ cười của mỹ-nhân có sức buộc được lòng người, thì nụ cười của anh Chính cũng làm cho tôi nhớ Anh mãi mãi…

Nước da thiết bì, khuôn mặt gân guốc, cặp mắt to còn phản chiếu một linh-hồn trong trắng, nụ cười của anh không phải đã có duyên thầm hay đầy tình tứ. Tuy vậy, nó tỏ cho ta biết anh là một người bình tĩnh, vui vẻ, luôn luôn bằng lòng với mình, và tin cậy ở bạn-hữu. Sự bằng lòng và sự tin cậy ấy còn tỏ ra một lần cuối cùng khi anh đứng trước hội-đồng Đề Hình của người Pháp lập ở Yên-Bái… Khi ấy, sau khi kết cho anh cái án xử-tử, vì anh tự nhận là người chỉ huy việc khởi nghĩa ở đấy, viên chánh Hội-Đồng hỏi lại anh:

“Có chống án không?”

Anh mỉm cười đáp:

“Làm một việc hỏng cả một việc rồi! Còn sống làm gì nữa mà chống án?”

Trong khi nói thế, ta chắc anh bằng lòng với anh lắm: Đánh Yên-bái, anh làm tròn nghĩa vụ một đảng-viên phục tòng mệnh lệnh. Đánh thua mà chết theo với anh em chết trước, anh đã ở trọn khí tiết một người phương Đông không bao giờ trốn trách nhiệm mình. Và anh tin cậy ở các đồng chí chết sau, tất nhiên sẽ kế tiếp anh mà làm xong cái mà anh gọi là “một việc” ấy…

Người ta còn được thấy nụ cười của anh, khi Anh ra trước máy chém. Muốn làm nao núng tinh thần Anh, để tiện chế riễu các lãnh tụ Cách-mạng sau khi chúng đã thỏa tình băm giết, trong mười ba người, chúng để anh được chứng kiến cái chết của mười một người! Tuy vậy, đến lượt anh, anh còn mỉm cười bảo tên đao phủ:

“Đặt tôi nằm ngửa, để tôi xem lưỡi dao nó xuống thế nào?”

Và trước khi lưỡi dao xuống, anh không quên hô đủ cái khẩu hiệu:

“Việt Nam Quốc Dân đảng vạn tuế!” dù một tên Lê-dương đã được lệnh bịt miệng anh, nếu anh nói một tiếng gì trước khi đầu rụng xuống đất. Và cái nụ cười nở trên vẻ mặt thiện-chân của anh, đã có lần đánh lừa được bên địch… Tốt nghiệp ở trường Công-chính ra, vì bị tình nghi, anh được bổ sang làm chuyên-môn cán-sự ở Lào, để xa hẳn với các đồng chí. Anh đã toan không đi, nhưng Đảng đã muốn lợi dụng sự sang Lào của anh để tuyên truyền với các kiều bào ở đấy. Vài tháng sau, anh bị bắt giải về Hànội. Viên Chánh hội đồng đề hình khi ấy là Bride, thấy anh luôn luôn đối đáp với một nụ cười thản-nhiên và một vẻ mặt “non-choét” nó đã coi thường anh là một đứa trẻ con vô tội và tha bổng anh ra!

Hơn tháng sau, anh bị bắt trong một cơ quan của Đảng! Lần này tưởng chẳng còn thoát được nào! Vậy mà anh lại thắng Bride bằng nụ cười và nét mặt của anh. Nó hỏi:

“Anh làm gì ở trong cơ quan cách mạng ấy?”

Anh thơ thẩn đáp:

“Tôi có biết đâu! Tôi ở nhà quê ra, cân thuốc cho mẹ tôi ốm. Gặp người bạn học cũ, họ mời vào uống nước. Uống chưa xong chén nước thì người ta bắt tôi. Bấy lâu tôi vẫn ở nhà quê…”

Câu nói dối của anh có vẻ thực thà đến nỗi nó lại tha bổng anh lần nữa…

Kỳ thực thì câu nói dối của anh rất không thông: Anh quê ở Đa-ngưu, cả làng buôn thuốc Bắc, có lẽ nào phải ra đến Hànội mới cân được thuốc cho mẹ? Vả lại sau lần tha ra trước anh đã viết thư “trả lại tự do” cho người vợ chưa cưới, cả các ảnh, cùng các món kỷ-niệm khác nữa. Dù trong thư mượn cớ gì nữa, đó chẳng phải là một cử-động quyết-liệt, tỏ ra anh đã nhất tâm theo một con đường mà không phải con đường tình ái đó sao?

Sau khi được tha, anh lại đi tìm anh Học, và từ đấy hai người bạn học cũ ấy không mấy khi xa nhau. Vì thế hai người đã có lần xuýt bị bắt ở Võng-la. Lần ấy anh bị tên đội Dương bắn trúng, may không chết.

Cũng như anh Ký-Con, anh bị giết năm 1930, khi ấy mới 25 tuổi. Và cũng như anh Ký-con, trong các kỳ Hội-đồng, tôi chưa từng nghe anh nói bao giờ, chỉ giơ tay biểu quyết mà thôi.

-----------

"Người vợ của Phó Đức Chính" sau này còn sống nhiều năm ở Hà Nội.


Nhượng Tống về Phạm Hồng Thái

3 comments:

  1. Người đầu tiên bị chém trong vụ Yên Bái là Nguyễn Như Liên, bí danh Ngọc Tỉnh là người làng anh đấy. Bí danh Ngọc Tỉnh là tên của cái làng đó. Ông chết năm 20 tuổi. Haizz..giờ chả ai biết nữa

    ReplyDelete
  2. à, anh có biết chính xác tại sao Nguyễn Tuân phải đi tù hồi đầu thập niên 40 (không phải vụ đi tù Thanh Hoá trước đó) không?

    ReplyDelete
  3. Em cũng nhận định giống anh khi đọc Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống.

    ReplyDelete