Louis Lambert là một tác phẩm triết học của Balzac.
Séraphîta là tác phẩm mà Balzac đặt ở cuối cùng của phần các "étude triết học". Louis Lambert nằm ngay trước đó. Đây gần như là hai tác phẩm khép lại Vở kịch con người, trong hình dạng như ta biết hiện nay. Séraphîta được đặt tên theo nhân vật chính, Louis Lambert cũng không khác: đây là câu chuyện về Louis Lambert.
Hai tác phẩm này là "tiểu thuyết triết học", nhưng nói đúng hơn, chúng là "triết học thần bí". Nếu "thần bí" của La Recherche de l'Absolu (Đi tìm Tuyệt đối - đã có bản dịch tiếng Việt) thiên về "giả kim thuật", Sépharîta và Louis Lambert lại không hề liên quan đến giả kim thuật. Ba "nhân vật triết học" nổi tiếng nhất của Balzac chính là Séraphîta, Louis Lambert và Balthazar Claës của La Recherche de l'Absolu.
Phần thần bí của Balzac luôn luôn có liên quan mật thiết đến lý thuyết của Swedenborg (nhà thơ William Blake thấy rằng mình sinh năm 1757, trùng với sự ra đời tác phẩm Thiên đường và Địa ngục của Swedenborg, là một dấu hiệu thần bí nhiều ý nghĩa). Swedenborg được nhắc đến ngay ở đầu Louis Lambert, còn ở Séraphîta, ta phải đợi khá lâu.
Ngoài rất nhiều ý nghĩa khác, Louis Lambert cần được nhìn nhận là một tác phẩm đặc biệt của Balzac ở phương diện tự sự học. Rất hiếm khi Balzac kể chuyện ở ngôi "tôi".
Những khi xuất hiện ngôi tự sự "tôi" ở Balzac, thường sẽ đi kèm với đó một số ý nghĩa: hiển nhiên, Mémoires de deux jeunes mariées (Hồi ký của hai cô gái mới lấy chồng), vì là tiểu thuyết bằng thư, chuyện các nhân vật xưng "tôi" là không khó hiểu (Balzac đặc biệt thích dùng các bức thư, như ta đã thấy, cho đến giờ; có khi, một bức thư được đưa vào trong một cuốn tiểu thuyết còn là cơ hội để Balzac tự tán dương: ta có một ví dụ không thể rõ hơn ở Nàng tình nhân hờ, khi bức thư Malaga gửi Thaddée Paz ở cuối truyện được Balzac (tự) đánh giá là kiệt tác của giới dandy Paris). Bông huệ trong thung từ đầu đến cuối xưng "tôi", bởi vì thực chất đó là một bức thư dài mà Félix de Vandenesse gửi cho Natalie de Manerville kể về mối tình hồi trẻ với Madame de Mortsauf; Natalie de Manerville là người tình của Félix de Vandenesse trong một thời gian, cho đến Une fille d'Ève (Một người con gái của Eva) ta còn thấy Félix đã lấy vợ còn gặp lại Natalie de Manerville (Vandenesse rất quan trọng đối với các tiểu thuyết thuộc Vở kịch con người: ở Bông huệ trong thung, người anh trai Charles của Félix đã xuất hiện, qua lời kể không mấy thiện cảm, nhưng Charles de Vandenesse cũng liên quan đến nhiều nhân vật nữ trọng yếu của Balzac).
Một "tôi" khác, theo tôi là độc đáo hơn nhiều, xuất hiện trong Le Cabinet des antiques (đã có bản dịch tiếng Việt, tên là Phòng cổ vật; đây là tác phẩm đi cặp đôi với La vieille fille, nghĩa là Gái già): Émile Blondet kể chuyện hồi nhỏ, câu chuyện rất đáng nhớ với miêu tả Armande d'Esgrignon đẹp như thiên thần trong mắt Blondet oắt con; Émile Blondet sẽ có vai trò lớn, nhà báo vô sỉ trong tiểu thuyết dài nhất của Vở kịch con người: Hết ảo tưởng.
Louis Lambert khá giống trường hợp của Le Cabinet des antiques: người bạn của Louis Lambert kể lại về cuộc đời Louis Lambert.
Balzac còn đẩy xa câu chuyện "tự sự xưng tôi" hơn nữa, và vẫn liên quan đến Louis Lambert: Un drame au bord de la mer (Một tấn kịch nơi bờ biển), cũng thuộc các "étude triết học", là bức thư mà Louis Lambert gửi cho "ông bác" cha xứ ở Mer mà ta đã gặp trong Louis Lambert. Khi ấy, Louis và Pauline ra bờ biển và sẽ bắt gặp ở đây một người sám hối tội lỗi cũ: Cambremer. Toàn bộ khung cảnh của Un drame au bord de la mer đã làm nền cho hai phần đầu của Béatrix; cả ở Béatrix, Cambremer cũng đã được nhắc đến thoáng qua. Tuy nhiên, Cambremer đáng nhớ nhất lại nằm trong À la recherche du temps perdu của Marcel Proust: trong thế giới của Proust, có đến hai phụ nữ mang họ Cambremer (bị người nhân viên khách sạn nhất định gọi sai là "Camembert" giống như pho mát), một già một trẻ, đều là nhân vật hết sức quan yếu của bộ tiểu thuyết proustien.
Louis Lambert
LỜI ĐỀ
TẶNG
Et nunc et semper dilectae dicatum[1].
Louis Lambert sinh ra đời, năm 1797, tại Montoire, thành phố
nhỏ ở Vandômois[2], nơi bố anh có một xưởng thuộc da với vị trí khá
là mờ nhạt và định biến anh trở thành người kế nghiệp cho mình; nhưng các năng
lực mà anh thể hiện từ rất sớm đối với việc học hành đã làm biến đổi quyết định
của ông bố[3]. Vả lại ông thợ thuộc da và vợ yêu chiều Louis như người
ta yêu chiều một đứa con trai duy nhất và không trái ý anh trong bất kỳ điều
gì. Cựu Ước và Tân Ước rơi vào tay Louis ở tuổi lên năm[4]; và cuốn
sách này, trong đó chứa đựng ngần ấy sách, đã quyết định số phận anh. Trí tưởng
tượng trẻ thơ đã hiểu ngay được chiều sâu thần bí của Thánh Kinh, đã có thể
theo kịp Thánh Tuệ trong cuộc bay bổng qua các thế giới, đã chăm chăm say đắm
chỉ những nét rù quến tiểu thuyết vốn tràn đầy ở những bài thơ phương Đông ấy;
hoặc giả, trong quãng ngây thơ đầu tiên, tâm hồn đó đã cảm thông với sự trác
tuyệt tôn giáo mà những bàn tay thần linh đã vãi tràn trề trong cuốn sách? Đối
với vài độc giả, câu chuyện của chúng tôi sẽ giải quyết các câu hỏi này. Một điều
nảy sinh từ lần đầu tiên đọc Kinh Thánh ấy: Louis đi khắp Montoire để xin những
cuốn sách mà cậu nhận được nhờ vào các các quyến rũ mà bí mật chỉ thuộc về lũ
trẻ con, trước chúng chẳng một ai có thể cưỡng lại. Lao mình vào những nghiên cứu
đó, với tiến trình không được ai hướng lối, cậu đến tuổi lên mười. Thời ấy, khó
tìm người thay thế lắm; nhiều gia đình giàu đã nhắm trước nhằm tới thời điểm
rút thăm khỏi bị thiếu[5]. Vì tài sản ít ỏi không cho phép các thợ
thuộc da nghèo mua lấy một người cho con trai họ, họ tìm thấy ở vị thế tăng lữ
phương cách duy nhất mà luật còn để lại cho họ hòng cứu nó khỏi quân dịch[6],
và họ gửi cậu, năm 1807, đến nhà ông bác đằng mẹ, cha xứ Mer, một thành phố nhỏ
khác bên bờ sông Loire, gần Blois. Quyết định này vừa thỏa mãn niềm đam mê của
Louis đối với khoa học vừa thỏa mãn ham muốn của bố mẹ cậu chẳng hề muốn phải
chứng kiến cậu trải qua những bấp bênh hãi hùng của chiến tranh; vả lại sở
thích học tập cùng trí thông minh xuất hiện sớm sủa của cậu khiến có thể hy vọng
cậu sẽ thực hiện được một vận hạn lớn tại Nhà Thờ. Sau khi ở nhà ông bác, một
thầy tu Oratoire già nua học vấn khá cao[7], chừng ba năm, Louis rời
khỏi đó vào đầu năm 1811 để vào học tại trường Vendôme, nơi cậu được đưa vào và
trả học phí bằng tiền của bà de Staël[8].
Lambert được hưởng sự bảo trợ của người đàn bà nổi tiếng ấy
nhờ sự tình cờ hoặc, hẳn thế, nhờ Thiên Hựu luôn luôn biết san bằng các con đường
cho thiên tài bị bỏ mặc. Nhưng đối với chúng ta, những kẻ có ánh mắt dừng lại
nơi bề mặt mọi sự của con người, những trắc trở ấy, mà biết bao ví dụ ta đã thấy
trong cuộc đời các nhân vật vĩ đại, dường như chỉ là kết quả của một hiện tượng
thuần vật lý[9]; và, đối với phần lớn nhà viết tiểu sử, khuôn mặt một
con người có thiên tài nổi bật hẳn lên khỏi đám đông giống như một cái cây đẹp
nhờ vẻ rạng rỡ của nó thu hút trên cánh đồng cặp mắt của nhà thực vật học[10].
So sánh này hẳn có thể áp dụng vào cuộc phiêu lưu của Louis Lambert, thông thường
cậu về nhà bố mẹ trong những khoảng thời gian mà ông bác cho nghỉ ngơi; nhưng
thay vì, theo thói quen của lũ học trò, thỏa thuê với những nỗi êm dịu của thứ farniente[11] tốt lành vốn hấp
dẫn chúng ta ở mọi độ tuổi, ngay từ sáng cậu mang theo bánh mì và đống sách; rồi
cậu vào tận sâu trong rừng đọc sách và suy tư nhằm tránh khỏi những cằn nhằn của
bà mẹ, đối với bà cứ học miệt mài như vậy thì có vẻ nguy hiểm. Trực giác người
mẹ mới đáng ngưỡng mộ làm sao! Ngay từ hồi đó, ở Louis đọc sách đã trở nên một
dạng cơn đói mà chẳng gì có thể làm no, cậu ngốn ngấu những cuốn sách đủ mọi loại,
và thun thút nghiền không phân biệt các tác phẩm tôn giáo, lịch sử, triết học
và vật lý[12]. Anh từng nói với tôi đã cảm thấy những khoái
cảm không thể tin nổi trong lúc đọc các từ điển, vì không có các sách khác, và
tôi đã sẵn lòng tin lời anh. Có cậu học trò nào chưa từng nhiều lần tìm thấy
khoái trá khi tìm nghĩa mà một danh từ lạ có thể có? Việc phân tích một từ, vẻ
ngoài[13] của nó, lịch sử của nó đối với Lambert là cơ hội cho một
mơ mộng dài. Nhưng đó không phải mơ mộng thuộc trực giác nhờ đó một đứa trẻ
quen được với các hiện tượng cuộc đời, trở nên gan góc trước các tri giác tinh
thần hoặc vật chất; thứ hiểu biết vô ý về sau sẽ sinh sôi thành tựu cả trong niệm
năng[14] lẫn trong tính cách; không, Louis bao trùm các sự kiện, cậu
giải thích chúng sau khi đã tìm kiếm ở chúng cả nguyên tắc lẫn mục đích với một
sự sáng suốt dữ dội. Vậy nên, bởi một trong những trò chơi đáng sợ mà đôi khi Tự
Nhiên rất thích, và nó cho thấy tính chất bất thường trong sự tồn tại của nó,
ngay từ tuổi mười bốn cậu đã có thể dễ dàng tuôn ra những ý tưởng mà chiều sâu
phải mãi về sau mới được hé lộ cho tôi.
“Thường thì, anh nói với tôi, khi kể về những sách đọc, tôi
đã có những chuyến đi tuyệt diệu, bước lên một từ, dưới các vực sâu của quá khứ,
như con côn trùng đậu lên một nhành cỏ trôi nổi vô phương hướng trên dòng sông.
Xuất phát từ Hy Lạp, tôi tới Rome và băng ngang toàn bộ các thời hiện đại. Còn
cuốn sách đẹp nào mà người ta không viết ra đây, khi kể cuộc đời và những cuộc
phiêu lưu của một từ? hẳn nó đã nhận lấy nhiều ấn tượng phong phú từ các sự kiện
mà nó từng phụng sự[15]; tùy theo các địa điểm, nó đã đánh thức những
ý tưởng khác nhau; nhưng chẳng phải sẽ còn lớn lao hơn nữa nếu nhìn nhận dưới
cùng một lúc ba khía cạnh, của tâm hồn, của cơ thể và của chuyển động, ư? Nhìn
nó, trừu tượng hóa các chức năng của nó, cũng như các hiệu ứng và hành động của
nó, chẳng phải là có đủ để rơi vào cả một đại dương suy tư đấy ư? Phần lớn các
từ chẳng phải được tô điểm bằng cái ý tưởng mà chúng đại diện ở bên ngoài ư[16]? Nhờ vị thần nào đây mà chúng được sinh ra[17]!
Nếu cần một trí tuệ khổng lồ để tạo ra một từ, lời lẽ của con người thật ra bao
nhiêu tuổi? Sự kết hợp để tạo các chữ, hình dạng của chúng, cấu hình mà chúng
trao cho một từ, vẽ nên rất chính xác, tùy theo tính cách mỗi dân tộc, những
sinh thể xa lạ mà kỷ niệm nằm bên trong chúng ta[18]. Ai người sẽ giải
thích theo đường lối triết học cho chúng ta sự chuyển từ giác quan sang suy
nghĩ, từ suy nghĩ sang lời, từ lời sang biểu đạt tượng hình của nó[19],
từ các chữ tượng hình sang bảng chữ cái a bê xê, từ bảng chữ cái sang sự hùng
biện trong viết, mà vẻ đẹp nằm trong một dãy hình ảnh được sắp xếp bởi các nhà
tu từ học, và giống như là các chữ tượng hình của tư tưởng? Hội họa cổ xưa của
các tư tưởng con người cấu hình bởi các hình dạng động vật chẳng phải đã không
xác định những ký hiệu đầu tiên mà phương Đông sử dụng để viết ra các ngôn ngữ
của mình? Rồi chẳng phải nó đã, theo truyền thống, để lại một số phế tích trong
các thứ tiếng hiện đại của chúng ta, tất tật đều chia nhau những tàn dư của lời
nguyên thủy của các quốc gia, lời uy nghi và trang trọng, mà vẻ uy nghi, mà vẻ
trang trọng suy thoái dần cùng đà già đi của các xã hội; mà những vang âm lừng
đến thế trong Kinh Thánh hebrew, vẫn còn đẹp đến vậy tại Hy Lạp, suy yếu qua
các tiến bộ của những nền văn minh tiếp nối nhau của chúng ta? Phải chăng nhờ
Tinh Thần xa xưa ấy mà chúng ta có những điều bí ẩn chôn vùi trong mọi lời nói
con người[20]? Chẳng phải tồn tại trong cái từ ĐÚNG một dạng ngay thẳng
huyền ảo đấy ư? Chẳng phải là có, trong âm thanh ngắn ngủi mà nó đòi hỏi, một
hình ảnh mơ hồ về sự trần truồng thánh thiện, về sự giản dị của cái đúng trong
mọi thứ đấy ư? Âm tiết này phả ra một cái gì đó thật mát lành. Tôi đã lấy làm
ví dụ cách tạo hình của một ý tưởng trừu tượng, vì không muốn giải thích vấn đề
bằng một từ biến nó trở nên quá dễ hiểu, giống như từ BAY[21], nơi mọi
điều đều lên tiếng nói với ngũ quan. Chẳng phải lời nào cũng là như vậy ư? Tất
cả mọi người đều được in dấu ấn một sức mạnh sống động mà họ lấy được từ tâm hồn,
mà họ tái lập ở đó thông qua các bí ẩn của một hành động và của một phản ứng thần
diệu giữa lời nói và suy nghĩ. Chẳng phải người ta sẽ nói tới một người tình hứng
lấy trên cặp môi người tình nữ của anh ta cùng lượng tình yêu mà anh ta trao
cho nàng đấy ư? Chỉ bởi vẻ bên ngoài của các từ, chúng đã làm sống động trở lại
trong óc các tạo vật mà chúng khoác quần áo lên người cho. Giống với mọi sinh
thể, chúng chỉ có độc một vị trí nơi các thuộc tính của chúng có thể hoạt tác
và phát triển đầy đủ. Nhưng có lẽ chủ đề này chứa đựng nguyên cả một môn khoa học[22]!”
Và anh nhún vai như muốn nói với tôi: “Chúng ta vừa quá to lớn vừa quá bé nhỏ!”[23]
Vả lại niềm đam mê của Louis đối với đọc sách đã được phục vụ
một cách tuyệt hảo. Cha xứ Mer sở hữu chừng hai hay ba nghìn quyển sách. Kho
báu này có nguồn gốc từ những cuộc cướp phá diễn ra trong cách mạng tại các tu
viện và lâu đài lân cận. Với tư cách linh mục tuyên thệ[24] của ông, con
người tốt lành đã có thể lựa chọn những sách hay nhất trong số các bộ sưu tập
quý hồi đó được bán cân. Trong vòng ba năm Louis Lambert đã nuốt trọn tinh chất
của những cuốn sách nào, trong tủ sách của ông bác, xứng đáng được đọc. Sự hấp
thụ các tư tưởng nhờ đọc ở cậu đã trở thành một hiện tượng kỳ lạ; ánh mắt cậu trùm
lên bảy hay tám dòng cùng một lúc, và tâm trí cậu nắm lấy nghĩa của chúng với một
tốc lực tương tự tốc lực của ánh mắt; thậm chí thường chỉ một từ trong câu cũng
đã đủ để cậu tóm lấy toàn bộ tinh túy của nó. Trí nhớ của cậu ở mức kinh dị[25].
Cậu nhớ rất chính xác cả các tư tưởng thu nhặt được khi đọc cũng như các tư tưởng
mà suy nghĩ hay trò chuyện từng gợi ý cho cậu. Cậu còn sở hữu mọi loại trí nhớ:
liên quan đến địa điểm, đến tên riêng, đến từ, đến vật và đến các hình tượng. Cậu
không chỉ tùy ý nhớ lại các sự vật; mà cậu còn thấy lại chúng bên trong mình được
định vị, soi sáng, tô màu giống như chúng đã vào thời điểm cậu trông thấy. Quyền
năng này cũng xuất hiện trong các hành động khó nắm bắt nhất của niệm năng. Cậu
nhớ, theo lời anh kể về sau, không chỉ lớp vỉa suy tư trong quyển sách nơi cậu
bắt được chúng, mà cả trạng thái tâm hồn cậu vào những quãng thời gian đã rất
xa. Thế là nhờ một ưu thế lớn lao, trí nhớ của cậu có thể vạch lại cho cậu các
tiến bộ và toàn bộ cuộc đời tinh thần, kể từ ý nghĩ nắm bắt được xa xưa nhất
cho tới khi bừng nở toàn bộ, kể từ ý nghĩ rối loạn nhất cho tới ý nghĩ sáng suốt
nhất. Trí óc[26] cậu, còn rất trẻ đã quen với cơ chế khó nhọc của sự
tập trung các lực con người, rút được từ nhà kho phong phú đó cả một đống hình ảnh
đáng ngưỡng mộ của thực tại, của sự tươi mới, mà cậu dùng để tự nuôi dưỡng
trong lúc diễn ra các chiêm ngưỡng trong suốt của cậu.
“Khi nào tôi muốn, anh nói với tôi bằng ngôn ngữ riêng của
anh, mà các kho báu của kỷ niệm truyền thông một sự độc đáo thoáng qua, tôi phủ
một lớp màn lên mắt tôi. Đột nhiên tôi quay trở ngược vào trong chính tôi, và
tôi tìm thấy ở đó một căn phòng đen[27] nơi các bất trắc của tự
nhiên cũng xuất hiện và tự tái tạo dưới một hình thức thuần khiết hơn so với
hình thức chúng đã dùng trước đó để xuất hiện với các giác quan bên ngoài của
tôi.”
“Khi đọc câu chuyện về trận Austerlitz[29], một hôm anh kể với tôi, tôi đã trông thấy mọi biến cố của nó. Các phát đạn pháo, tiếng hét của những người lính vang lên bên tai tôi và làm lộn nhào ruột gan tôi; tôi ngửi thấy mùi thuốc súng, tôi nghe thấy tiếng lũ ngựa và giọng nói con người; tôi ngưỡng mộ bình nguyên nơi các quốc gia mang vũ khí lao bổ vào nhau, như thể tôi ở trên đỉnh Santon[30]. Tôi thấy cảnh tượng đó cũng đáng sợ như một trang của sách Khải Huyền.”[31]
Khi vận đến tất tật sức mạnh của mình như thế trong lúc đọc,
theo cách nào đó cậu đánh mất ý thức về cuộc sống vật lý của mình, và chỉ còn tồn
tại bằng trò chơi toàn năng của các cơ phận bên trong mà tầm vóc đã mở rộng vô
hạn độ: cậu để lại, theo đúng lời của anh, không
gian ở lại sau lưng. Nhưng tôi không muốn khởi cấp các pha trí tuệ của cuộc đời
anh. Dẫu không hề muốn, tôi cũng vừa đã làm rối loạn trình tự trong đó tôi phải
thuật lại câu chuyện về con người ấy, người chuyển dịch toàn bộ hành động vào
trong suy nghĩ của mình, giống như những người khác đặt toàn bộ đời mình vào
trong hành động.
Một thiên hướng mạnh mẽ lôi kéo anh đến với các tác phẩm thần
bí. “Abyssus abyssum[32]”,
anh bảo tôi. Tinh thần của chúng ta là một vực thẳm sung sướng khi được ở trong
các vực thẳm. Trẻ con, người trưởng thành, người già, tất thảy chúng ta đều
luôn luôn say sưa với các bí ẩn, dưới bất kỳ hình thức nào. Mối ưa thích này đối
với anh là định mệnh, nếu tuy nhiên được phép đánh giá cuộc đời anh theo các
quy luật thông thường, và hạ mục xuống hạnh phúc kẻ khác với tiêu chuẩn của
chúng ta, hoặc theo các định kiến xã hội[33]. Sở thích hướng tới những
gì thuộc về trời, một cụm từ khác mà anh hay sử dụng, mens divinior[34], có lẽ bắt nguồn từ ảnh hưởng lên tinh
thần chúng ta bởi những cuốn sách đầu tiên anh đã đọc ở nhà ông bác. Thánh
Thérèse[35] và Bà Guyon[36] đối với cậu là tiếp nối Kinh
Thánh, mang lại cho cậu nền tảng cho trí tuệ người trưởng thành, và khiến cậu
làm quen với những phản ứng mạnh mẽ của tâm hồn và sự phấn hứng vừa là phương
tiện lại vừa là kết quả. Sự nghiên cứu này, sở thích này nâng cao trái tim cậu,
thanh tẩy nó, biến nó trở nên cao quý, mang tới cho nó niềm say mê bản tính thần,
và dạy cho nó những tinh tế gần như có tính nữ vốn dĩ thuộc về trực giác, nơi
các nhân vật vĩ đại: có lẽ sự trác tuyệt của họ chỉ là nhu cầu được tận tâm,
cái khiến cho phụ nữ trở nên nổi bật, nhưng là được chuyển di vào những điều lớn
lao. Nhờ vào các ấn tượng đầu tiên này, Louis giữ cho mình thanh sạch ở trường[37].
Sự trinh trắng cao quý về giác quan ấy nhất thiết tạo ra kết quả là làm phong
phú sức nóng của máu cậu và tăng tiến các năng lực[38] suy tư nơi cậu.
Bà nam tước de Staël, bị cấm chỉ lại gần Paris trong vòng bốn
mươi dặm, đến sống nhiều tháng cuộc phát vãng của mình tại một khu đất gần
Vendôme[39]. Một hôm, trong lúc đi dạo, bà bắt gặp ở rìa khu vườn đứa
con của người thợ thuộc da gần như ăn mặc rách rưới, đang ngồi đọc sách say
sưa. Quyển sách ấy là bản dịch tác phẩm Thiên Đường và Địa Ngục[40]. Thời ấy, gần như chỉ có các ông Saint-Martin[41],
de Gence và vài nhà văn Pháp khác, nửa dòng máu Đức, tại đế chế Pháp, biết đến
tên tuổi Swedenborg. Kinh ngạc, bà de Staël giật lấy quyển sách với sự hung tợn
mà bà làm ra vẻ mình rất dồi dào trong các tra hỏi, ánh mắt và cử chỉ; rồi, liếc
nhìn Lambert: “Cháu có hiểu không đấy? bà hỏi cậu. - Bà có cầu nguyện Chúa
không? đứa bé hỏi. - Ờ… có. - Thế bà có hiểu ông ấy không?”
Bà nam tước câm lặng mất một lúc; rồi bà ngồi xuống cạnh
Lambert và nói chuyện với cậu. Thật không may là trí nhớ của tôi, dẫu rất rộng
rãi, còn xa mới có thể trung thành bằng trí nhớ của bạn tôi, thành thử tôi đã
quên mất sạch cuộc trò chuyện ấy, ngoài mấy câu đầu tiên. Cuộc gặp này mang
tính chất khiến bà de Staël bị chấn động mạnh; khi quay về lâu đài, bà ít nhắc
đến nó, mặc cho nhu cầu kể lể vốn dĩ ở bà hay suy thoái thành sự lắm điều;
nhưng bà tỏ vẻ hết sức bận tâm về chuyện này. Người duy nhất còn sống hẳn còn
giữ kỷ niệm về cuộc phiêu lưu ấy, mà tôi cũng đã hỏi chuyện nhằm gom góp chút
ít lời lẽ hồi đó bà de Staël từng để buột ra, khó nhọc lắm mới tìm lại được
trong ký ức câu này của bà nam tước, về Lambert: Đó là một người thấu thị đích thực[42]. Trong mắt mọi
người Louis chẳng hề chứng tỏ là đúng đắn những niềm hy vọng đẹp mà cậu đã truyền
tới cho người phụ nữ bảo trợ của mình. Bởi thế sự ưa thích thoáng qua mà cậu là
đối tượng được coi như là một trò đỏng đảnh phụ nữ, giống như một trò phóng
túng đặc biệt ở các nghệ sĩ. Bà de Staël muốn giật Louis Lambert khỏi tay Hoàng
Đế và Nhà Thờ để giao cậu về cho số phận cao quý, nó, bà nói, đang đợi cậu; bởi
vì bà đã biến cậu trở thành một Moïse mới, được cứu khỏi mặt nước. Trước khi
đi, bà giao cho một người bạn, ông de Corbigny, hồi ấy làm quận trưởng ở Blois[43],
lo việc chừng nào đến thời điểm thích hợp thì đưa Moïse của bà vào học ở trường
Vendôme; sau đó có khả năng bà đã quên bẵng cậu.
Ở đây, vài thông tin về các luật sơ khởi của Thiết Chế chúng tôi, xưa kia có tính chất nửa quân sự nửa tôn giáo[48], trở nên nhất thiết nhằm giải thích cuộc đời mới mà Lambert sẽ có ở đây. Trước cách mạng, Dòng Oratoire, đảm đương, cũng như Dòng Jésus[49], công việc dạy dỗ, nó được thừa hưởng từ một số gia đình, sở hữu nhiều cơ sở ở tỉnh, với các cơ sở nổi tiếng hơn cả là các trường Vendôme, Tournon, La Flèche, Pont-le-Voy, Sorèze và Juilly. Trường Vendôme, cũng như các trường khác, nuôi dạy, tôi nghĩ thế, một số lượng nhất định học viên sĩ quan để phụng sự trong quân đội sau này. Sự bãi bỏ Giáo Viên Đoàn, do Quốc Ước định ra, ảnh hưởng rất ít tới Thiết Chế Vendôme. Cơn khủng hoảng đầu tiên vừa trôi qua, trường đã chiếm lại các tòa nhà; vài thầy tu Oratoire tản mát ra các vùng lân cận quay trở về, và tái lập nó, tiếp tục thi hành quy chế cũ, các thói quen, tập tục và phong hóa, chúng khiến cho ngôi trường có một vẻ ngoài mà tôi không cách gì so sánh nổi nếu căn cứ vào các trường li xê tôi đã qua kể từ sau khi rời Vendôme.
Hai hay ba trăm học sinh mà trường chứa được chia thành, theo tập tục cũ, bốn hạng, gọi là Rất Nhỏ, Bé, Nhỡ và Lớn. Hạng Rất Nhỏ chiếm các lớp được gọi là lớp tám và lớp bảy[55]; các lớp của hạng Bé là lớp sáu, lớp năm và lớp bốn; hạng Nhỡ: lớp ba và lớp hai; cuối cùng là hạng Lớn, lớp tu từ, lớp triết học, lớp toán đặc biệt, lớp vật lý và lớp hóa học. Mỗi phân khu có một nhà riêng, các lớp học và sân trong một khu đất chung lớn trên đó lớp có lối ra, nó dẫn tới nhà ăn. Nhà ăn này, xứng danh với một Dòng tu tôn giáo cổ xưa, chứa được tất cả học sinh. Trái ngược với nội quy của các trường kiểu khác, chúng tôi có thể nói chuyện trong lúc ăn, sự rộng lượng kiểu Oratoire cho phép chúng tôi đổi các món cho nhau tùy thuộc sở thích riêng. Việc trao đi đổi lại đồ ăn này luôn luôn là một trong những khoái thú lớn nhất trong cuộc đời nội trú chúng tôi. Nếu một học sinh Nhỡ, ngồi ở đầu bàn, thích đậu đỏ hơn món tráng miệng của mình, bởi vì chúng tôi có món tráng miệng, lời đề xuất sau đây sẽ được truyền đi từ cái miệng này sang cái miệng khác: Một tráng miệng để đổi đậu! cho tới khi nào một đứa tham ăn chấp nhận; khi ấy, cậu ta sẽ gửi đi phần đậu của mình, nó được chuyền tay cho tới chỗ người đưa yêu cầu, rồi phần tráng miệng đi theo cùng con đường ấy. Chưa từng bao giờ xảy ra nhầm lẫn. Nếu có nhiều yêu cầu giống nhau, mỗi yêu cầu sẽ được đánh số, và người ta nói: Đậu đầu tiên đổi lấy tráng miệng đầu tiên. Các bàn thì dài, sự trao đổi liên miên của chúng tôi khiến chúng lúc nào cũng nhộn nhịp; và chúng tôi nói, chúng tôi ăn, chúng tôi loay hoay với một sự sống động hiếm có. Vậy nên tiếng ồn ã của ba trăm thằng bé, những đi lại của các phục vụ chuyên thay đĩa, mang các món, đưa bánh mì, sự kiểm tra của các giám đốc, tất tật làm cho nhà ăn Vendôme trở nên một cảnh tượng độc nhất vô nhị trong kiểu của nó, và luôn luôn khiến các khách thăm phải kinh ngạc.
Bất kỳ ai muốn hình dung nỗi cô lẻ của ngôi trường lớn với các tòa nhà giống như tu viện này, nằm giữa một thành phố nhỏ, cùng bốn khu khuôn viên trong đó chúng tôi được phân chia vào tùy theo cấp bậc, hẳn sẽ có một ý tưởng về mối quan tâm mà chúng tôi phải cảm thấy khi một học sinh mới được đưa tới, đó thực sự là một hành khách bước lên một con tàu. Chưa từng bao giờ một nữ công tước trẻ tuổi được giới thiệu tại triều đình lại bị phê phán một cách ranh ma như người mới lên thuyền bởi tất thảy học sinh thuộc Phân Khu của cậu ta. Thông thường, trong giờ nghỉ buổi tối, trước khi cầu nguyện, đám nịnh bợ vốn quen trò chuyện với một trong hai Cha phụ trách trông coi chúng tôi trong tuần, lần lượt thay nhau, khi ấy đang làm việc, là những kẻ đầu tiên nghe thấy những lời chân thật này: “Ngày mai các cậu sẽ có một Học Sinh Mới!” Đột nhiên một tiếng hét cất lên: “Một Học Sinh Mới! một Học Sinh Mới!” vang lên ầm ầm trong các lớp. Tất cả chúng tôi chạy ào đến vây lấy Cha Quản Lý, ông bị tra hỏi quyết liệt. “Cậu ta từ đâu đến? Tên cậu ta là gì? Cậu ta sẽ vào lớp nào?” vân vân và vân vân.
Cú xuất hiện của Louis Lambert là văn bản một câu chuyện xứng
với Nghìn lẻ một Đêm. Khi ấy tôi đang
học lớp bốn[59], hạng Bé. Quản Lý của chúng tôi là hai người mà theo
truyền thống chúng tôi gọi là các Cha, cho dù họ là người thế tục[60].
Vào thời của tôi, tại Vendôme chỉ còn ba thầy tu Oratoire đích thực mà cách gọi
này là đúng; năm 1814, họ rời trường, nó đã dần dà được thế tục hóa, để tới trú
ẩn gần các ban thờ thuộc vài khu mục sư nông thôn, noi theo gương cha xứ của
Mer. Cha Haugoult[61], Quản Lý của tuần, khá là tốt tính, nhưng
không sở hữu những hiểu biết đáng kể, ở ông thiếu vắng sự tinh tế cần thiết đến
vậy nhằm có thể nhìn cho rõ tính cách khác nhau của lũ trẻ con và định ra đối với
chúng những sự trừng phạt căn cứ vào sức lực từng đứa. Thế nên cha Haugoult bắt
đầu, hết sức vui thích, kể các sự kiện đặc biệt, chúng sẽ, ngày hôm sau, giúp
chúng tôi có được một Học Sinh Mới ngoạn mục nhất. Ngay tắp lự mọi trò chơi bị
ngưng lại. Tất tật lũ Bé lẳng lặng đến nghe kể cuộc phiêu lưu của cái cậu Louis
Lambert kia, được tìm thấy, như một tảng thiên thạch, nhờ bà de Staël, nơi góc
một khu rừng. Ông Haugoult phải giải thích cho chúng tôi về bà de Staël: trong
buổi tối hôm ấy, tôi tưởng tượng bà cao mười bộ[62]; kể từ đó tôi đã
xem bức tranh Corinne[63], trong đó Gérard[64] đã vẽ bà
cao lớn đến thế và đẹp đến thế[65]; hỡi ôi! người phụ nữ lý tưởng mà
trí tưởng tượng của tôi mơ thấy vượt đi xa đến mức bà de Staël thực đã thường
trực mất đi trong tâm trí tôi, kể cả sau khi tôi đã đọc cuốn sách hết sức đực
tính tên là Về nước Đức[66].
Nhưng lúc đó Lambert là một kỳ quan hoàn toàn khác: sau khi đã kiểm tra cậu,
ông Mareschal, giám đốc phụ trách học tập[67], đã do dự, cha
Haugoult kể, trong việc xếp cậu vào hạng Lớn. Việc Louis kém môn tiếng Latin đã
khiến cậu phải xuống lớp bốn, nhưng chắc hẳn mỗi năm cậu sẽ nhảy một lớp[68];
chắc cậu sẽ được đặc cách vào “viện hàn lâm”[69]. Proh Pudor[70]! chúng tôi sẽ có vinh dự sở hữu giữa
đám Bé một bộ trang phục điểm trang dải ruy băng đỏ mà các thành viên hàn lâm
viện của Vendôme thường mang. Họ được trao cho những đặc quyền chói lọi; họ thường
ăn tối cùng bàn với Giám Đốc, và mỗi năm có hai buổi giảng về văn chương mà
chúng tôi tới nghe tác phẩm của họ. Một thành viên hàn lâm viện là một người lớn
thu nhỏ. Nếu mỗi học sinh Vendôme muốn thật thành thực, cậu ta sẽ thú nhận rằng,
về sau, một thành viên hàn lâm viện đích thực của Viện Hàn lâm Pháp đối với cậu
ta ít đáng kinh ngạc hơn so với đứa bé khổng lồ được tô điểm bằng cái chữ thập
và dải ruy băng đỏ đầy thanh thế, những dấu chỉ của hàn lâm viện chúng tôi[71].
Thật khó để được trở thành thành viên của tổ chức vinh quang này trước khi vào
lớp hai, bởi các thành viên hàn lâm viện thứ Năm nào cũng, trong những kỳ nghỉ,
phải giảng bài trước công chúng, và đọc cho chúng tôi các câu chuyện bằng văn vần
hoặc văn xuôi, những bức thư, các khảo luận, bi kịch, hài kịch; những sáng tác
này bị cấm đối với trí tuệ các lớp bậc thấp hơn. Tôi đã nhớ rất lâu một câu
chuyện, tên là Con lừa màu lục, nó,
tôi nghĩ vậy, là tác phẩm nổi bật hơn cả của cái hàn lâm viện không ai biết tới
đó. Một học sinh lớp bốn có thể là thành viên hàn lâm viện! Sẽ là thuộc vào
trong số chúng tôi đứa trẻ mười bốn tuổi ấy, đã là nhà thơ, được bà de Staël
yêu quý, một thiên tài tương lai, cha Haugoult bảo chúng tôi; một phù thủy, một
đứa có khả năng dịch ngược hoặc dịch xuôi trong lúc chúng tôi đang điểm danh
trên lớp, và học thuộc lòng các bài học mà chỉ cần đọc qua đúng một lần. Louis
Lambert làm rối tung tất tật suy nghĩ của chúng tôi. Rồi nỗi hiếu kỳ của cha
Haugoult, sự sốt ruột mà ông thể hiện trong việc được gặp Học Sinh Mới, càng
thiêu đốt mạnh hơn trí tưởng tượng của chúng tôi vốn dĩ đã ngùn ngụt cháy. “Nếu
có chim bồ câu, thì cậu ấy cũng sẽ chưa có chuồng. Không còn chỗ nữa. Kệ thôi!
một thằng trong số chúng tôi nói, từ lâu nay nó đã là một nhà làm nông lớn. - Cậu
ấy sẽ ngồi cạnh ai nhỉ? một thằng khác hỏi. - Ồ! sao mà tớ muốn trở thành faisant của cậu ấy[72] quá! một
thằng quá hứng khởi nói. Trong ngôn ngữ đặc vị trường của chúng tôi, cái từ faisant này(vả lại, nó có nghĩa là bạn keo sơn) là một lối biệt ngữ rất khó
dịch. Nó diễn tả một sự chia sẻ đầy tính chất huynh đệ những gì tốt đẹp và những
gì xấu xa của cuộc đời trẻ con chúng tôi, một sự cận kề các lợi ích rất màu mỡ
cho các vụ nghỉ chơi và dàn hòa, một hiệp ước đồng minh cả về phương diện tấn
công lẫn phòng thủ. Một điều thật lạ! chưa từng bao giờ, vào thời của tôi, tôi
bắt gặp các anh em trở thành faisant của nhau. Nếu con người chỉ sống bằng các
tình cảm, có lẽ anh ta sẽ nghĩ mình làm nghèo nàn cho sự tồn tại riêng khi lẫn
lộn một tình trìu mến tìm được với một tình trìu mến tự nhiên.
Ôi Inca! ôi ông vua kém may và bất hạnh!
Tôi gánh biệt hiệu Thi
Sĩ để nhạo báng các thử nghiệm của tôi; nhưng những lời trêu chọc không sửa
chữa được tôi. Tôi vẫn cứ gieo vần gieo vẹo, mặc cho lời khuyên nhủ đầy thông
thái của ông Mareschal, giám đốc của chúng tôi, ông cố công cứu chữa tôi khỏi một
thói tật rất không may lại bắt rễ thâm sâu[79], bằng cách kể cho tôi
một câu chuyện ngụ ngôn về những bất hạnh của một con chim sẻ bị rơi khỏi tổ vì
cứ muốn bay trước khi đủ lông đủ cánh[80]. Tôi tiếp tục đọc sách,
tôi trở thành đứa học trò ít quậy phá nhất, lười nhất, trầm ngâm nhất của Phân
Khu bọn Bé, và bởi vậy hay bị phạt nhất[81]. Đoạn ngoại đề nhiều
tính cách tự thuật trên đây hẳn sẽ khiến hiểu được bản chất các suy tư chất chứa
trong tôi khi Lambert xuất hiện. Khi ấy tôi mười hai tuổi[82]. Thoạt
tiên tôi cảm thấy chút thông giao mơ hồ với một đứa trẻ có vài điểm giống tôi về
tính khí. Vậy nên tôi sẽ gặp được một người đồng đạo trong mơ mộng và suy tưởng.
Hẵng còn chưa biết vinh quang nghĩa là gì, tôi đã thấy là vinh quang khi được
trở thành bạn học của một đứa bé mà sự bất tử đã được bà de Staël tiên báo. Tôi
thấy Louis Lambert như thể là một người khổng lồ.
Những lời này khiến chúng tôi được nghỉ trước giờ ăn trưa một lát, và tất cả chúng tôi tới vây quanh Lambert trong lúc ông Mareschal đi tới đi lui ngoài sân cùng cha Haugoult. Chúng tôi có khoảng tám mươi thằng quỷ, dạn dĩ như lũ chim săn mồi. Dẫu cho tất cả đều đã kinh qua thời khắc mới nhập học tàn nhẫn, chúng tôi không bao giờ chịu tha cho một Học Sinh Mới những tràng cười giễu cợt, những màn tra vấn, các trò láo xược không ngớt vào dịp tương tự, trước nỗi ngượng ngập to lớn của cậu học trò mới, đang bị kiểm tra về phong hóa, sức mạnh và tính cách bằng lối ấy. Lambert, hoặc bình tĩnh hoặc ù lì ra, không trả lời câu hỏi nào của chúng tôi. Một thằng trong số chúng tôi bèn nói hẳn cậu vừa từ trường của Pythagore sang. Một tràng cười rộ lên. Học Sinh Mới bị đặt biệt hiệu Pythagore[83] trong suốt phần đời của cậu tại trường. Tuy nhiên ánh mắt sắc lẹm của Lambert, vẻ ngạo nghễ hiện rõ trên mặt cậu trước những trò trẻ con của chúng tôi, không mấy ăn nhập với bản tính tinh thần của cậu, dáng điệu thoải mái khi ngồi đó, sức mạnh vẻ ngoài hòa hợp với tuổi của cậu, đã định ra một dạng tôn trọng nhất định cho các phần tử tồi tệ nhất trong số chúng tôi. Về phần mình, tôi ngồi cạnh cậu, chăm chăm im lặng dò xét cậu.
Sau một kỳ thử thách, Louis hóa ra là một học trò rất bình thường. Cho nên tôi là người duy nhất được chấp nhận xâm nhập tâm hồn trác tuyệt đó, và tại sao tôi lại không nói nó là thần thánh? còn có gì gần với Chúa hơn là thiên tài trong trái tim một đứa trẻ đây? Sự đồng dạng giữa các sở thích và suy nghĩ của chúng tôi khiến chúng tôi trở thành bạn và faisant[89] của nhau. Tình huynh đệ của chúng tôi trở nên lớn tới mức lũ bạn gắn tên chúng tôi vào với nhau; người này không lên tiếng nếu không có người kia; và, để gọi một trong hai chúng tôi, chúng hét: Thi Sĩ-và-Pythagore! Những cái tên khác cung cấp ví dụ cho một sự kết hợp tương tự. Vậy là trong vòng hai năm tôi trở thành bạn cùng trường của Louis Lambert khốn khổ; và cuộc đời tôi, vào giai đoạn đó, đủ mức gắn kết sâu xa với cuộc đời cậu, thành thử ngày hôm nay tôi có thể viết lại câu chuyện thuộc phần trí tuệ của cậu.
Suốt một thời gian dài tôi không hay biết đến thơ ca và những
giàu có che giấu bên trong trái tim và dưới vầng trán bạn tôi. Mãi khi đã ba
mươi tuổi, các quan sát của tôi mới chín muồi và được cô đặc, sự phóng chiếu một
luồng ánh sáng mạnh mẽ thậm chí lại rọi lên chúng một lần nữa, thì tôi mới hiểu
được tầm vóc các hiện tượng mà hồi ấy tôi là chứng nhân rất kém thông tuệ; tôi
đã tận hưởng chúng mà chẳng hề tìm cách giải thích cả độ lớn lẫn cơ chế hoạt động,
thậm chí tôi còn quên mất một ít và chỉ còn nhớ được những gì nổi bật hơn cả;
nhưng ngày hôm nay trí nhớ của tôi đã điều phối chúng, và tôi được khai trí để
đi vào các bí mật của bộ óc phong nhiêu kia, trở ngược về những ngày tuyệt diệu
trong tình bạn non trẻ của chúng tôi. Thế tức là duy chỉ thời gian mới làm cho
tôi xâm nhập được ý nghĩa các sự kiện và chi tiết vốn đầy rẫy trong cái cuộc đời
không ai biết tới kia, cũng giống như cuộc đời ngần ấy con người khác đã biến
đi để phụng sự cho khoa học của chúng ta. Vậy nên câu chuyện này, trong biểu đạt
và đánh giá mọi sự, chứa đầy những lệch thời thuần túy mang tính cách tinh thần
có lẽ chẳng hề làm hại chút nào tới dạng lợi ích của nó.
Chúng tôi phải nhận về sự chép phạt theo cả nghìn cách thức. Trí nhớ của chúng tôi tốt đến mức chẳng bao giờ chúng tôi thèm học bài. Chỉ cần nghe các bạn đọc to các đoạn văn tiếng Pháp, tiếng Latin hoặc ngữ pháp là chúng tôi có thể lặp lại chúng; nhưng nếu vì bất hạnh mà ông thầy lại nảy ra ý định làm xáo trộn thứ tự mà hỏi chúng tôi đầu tiên, thường chúng tôi không biết bài học nói về cái gì: sự chép phạt liền bay đến mặc cho những lời thanh minh khéo léo nhất của chúng tôi. Rốt cuộc, chúng tôi lúc nào cũng đợi đến thời điểm cuối cùng mới chịu làm bài tập. Nếu chúng tôi có một cuốn sách cần đọc cho hết, nếu chúng tôi đang chìm đắm vào một mộng tưởng, bài tập sẽ bị lãng quên: thêm một nguồn cơn mới của sự chép phạt! Đã bao nhiêu lần các bài dịch xuôi của chúng tôi được viết trong khoảng thời gian người phụ trách, chịu trách nhiệm vào lớp để thu chúng, bắt đầu gọi nộp bài! Ngoài những khó khăn về tinh thần mà Lambert phải gánh chịu nhằm hòa nhập được với trường, còn có thêm một sự học tập nữa không kém phần khắc nghiệt mà tất cả chúng tôi đều đã phải trải qua, đó là những đau đớn thể xác đối với chúng tôi đa dạng đến bất tận. Ở trẻ con, sự mỏng manh của làn da đòi hỏi những chăm sóc tỉ mỉ, nhất là vào mùa đông, khi, thường trực bị lôi cuốn bởi cả nghìn lý do, chúng rời bầu không khí giá lạnh của một cái sân lấm bùn để bước vào nhiệt độ nóng ngốt các lớp học. Vậy nên, vì thiếu những quan tâm người mẹ ở lũ Bé và lũ Rất Nhỏ, chúng bị lên cước và bị nẻ hết sức đau đớn, và những chỗ đau như thế vào giờ ăn trưa cần được băng bó đặc biệt, nhưng lại rất kém hoàn hảo do có quá nhiều bàn tay, bàn chân, gót chân đau. Vả lại nhiều đứa trẻ đành phải chọn đau đớn thay vì chữa trị: chẳng phải chúng thường phải lựa chọn giữa những bài tập phải hoàn thành, các khoái lạc của sân trượt băng, và việc tháo gỡ băng gạc được buộc một cách cẩu thả, rồi lại được giữ còn cẩu thả hơn, đấy ư? Và rồi phong hóa của trường đã dẫn tới cái mốt chế nhạo bọn yếu ớt tội nghiệp đi băng bó, mà chúng cũng sẽ giật hết những bông băng mà y tá buộc vào tay cho. Thế là, vào mùa đông, nhiều đứa trong số chúng tôi, các ngón tay và bàn chân cứng đờ, đau đớn kinh khủng, chẳng có mấy khả năng học hành, vì bị đau, và bị trừng phạt bởi không chịu học. Quá thường bị lừa bởi các chứng bệnh giả vờ của chúng tôi, ông Cha chẳng hề chịu để ý đến những nỗi đau thật. Vì đã trả tiền nội trú, các học sinh được trường nuôi. Ban quản trị có tập quán tổ chức một thị trường cho giày và áo quần; từ đó mà có sự kiểm tra hằng tuần mà tôi đã nhắc. Tuyệt hảo đối với người cai trị, cái hình thức này luôn luôn tạo ra những kết quá đáng buồn với kẻ bị trị. Bất hạnh cho đứa Bé bị nhiễm thói quen xấu là làm sờn, làm rách giày, hoặc giả làm mòn đế giày quá nhanh, bởi một tật khi bước đi hay xé nham nhở chúng ra trong các giờ học nhằm tuân theo nhu cầu táy máy hoạt động mà trẻ con hay cảm thấy. Trong mùa đông, thằng bé ấy không thể đi dạo mà không chịu những đau đớn gớm ghê: trước hết nỗi đau của chỗ lên cước trỗi dậy mãnh liệt như bị bệnh gút; rồi các khóa móc và dây của cái giày rụng ra, hoặc giả mấy cái gót nhão khiến cái giày đáng nguyền rủa không còn ôm lấy bàn chân thằng bé nữa; khi ấy nó buộc phải nặng nề lết đi trên những con đường băng giá nơi đôi khi nó còn phải chống trả trước thứ đất sét của Vendômois; rốt cuộc nước, tuyết rất hay chui vào đó qua một kẽ hở không nhìn thấy, qua một miếng vá không chuẩn, và thế là bàn chân sưng lên. Trên sáu mươi đứa bé, không có đến mười thằng bước đi mà không phải chịu một sự hành hạ đặc biệt nào; tuy nhiên tất tật đều đi theo đa số của đám, bị kéo theo bởi đà bước, giống như những con người bị đẩy đi trong cuộc đời bởi cuộc đời. Bao nhiêu lần một đứa trẻ hào phóng đã không phát khóc vì điên giận, cố dồn lấy chút nghị lực còn sót lại để tiến về phía trước hoặc để quay về dẫu cho những nỗi đau đớn; ở cái tuổi ấy tâm hồn hãi sợ làm sao sự cười cợt và lòng thông cảm, hai dạng chế nhạo. Ở trường, cũng như ngoài xã hội, kẻ mạnh đã khinh bỉ kẻ yếu, mà không biết sức mạnh đích thức thì nghĩa là gì. Vậy thôi còn chưa là gì. Không hề có găng tay. Nếu vì ngẫu nhiên mà bố mẹ, y tá hay giám đốc đưa găng cho những đứa yếu nhất trong số chúng tôi, thì bọn hay đầu trò hoặc bọn lớn trong lớp sẽ đặt chúng lên bếp lò, thích thú hong khô chúng, làm chúng cứng đơ ra; rồi, nếu những cái găng thoát được khỏi tay đám thích lục lọi, thì chúng cũng mềm oặt đi, bị vứt lăn lóc vào một xó vì không được quan tâm. Không thể nào có găng tay cho được. Găng tay bị xem là một thứ ưu tiên, nhưng bọn trẻ con muốn được xem nhau là bình đằng[93].
Các dạng khác nhau của nỗi đau này vây phủ lấy Louis
Lambert. Giống những con người ưa suy tưởng, những ai, trong sự yên bình các mơ
mộng của mình, bị nhiễm thói quen đối với một cử động máy móc nào đó, cậu có tật
nghịch đôi giày và tàn phá chúng trong một khoảng thời gian ngắn. Nước da phụ nữ
của cậu, da của cặp tai, đôi môi tím thâm lại mỗi khi gặp chút lạnh. Đôi bàn
tay mềm oặt của cậu, quá trắng, đỏ ửng và cương lên. Cậu thường xuyên mắc cảm.
Do vậy Louis bị vây bủa bởi những nỗi đau cho tới lúc cậu khiến được cuộc đời
mình quen với phong hóa Vendôme. Được dạy dỗ trong dài hạn bởi kinh nghiệm tàn
nhẫn về những đau đớn, buộc lòng cậu phải nghĩ đến các áp phe của mình, tôi
đang dùng một lối nói thông dụng ở trường. Cậu phải chăm lo cho cái tủ nhỏ,
puy-pít riêng, quần áo, giày; không để cho bị ăn cắp mực, sách vở, hay bút; cuối
cùng, nghĩ đến cả nghìn chi tiết thuộc vào sự tồn tại trẻ con của chúng tôi, được
đảm nhiệm gọn ghẽ đến vậy bởi những tinh thần ích kỷ và tầm thường kia, cái bọn,
không trệch đi đâu được, nhận về các giải thưởng hoặc chứng nhận hạnh kiểm tốt;
nhưng lại bị lơ là bởi một đứa bé đầy tương lai, nó, dưới ách áp bức của một
trí tưởng tượng[94] gần như là thần thánh, buông mình[95]
bằng cả tình yêu vào dòng thác các suy nghĩ riêng. Vậy chưa phải đã hết. Có một
cuộc tranh đấu liên tục giữa các ông thầy và đám học trò, cuộc tranh đấu không
ngưng nghỉ, mà ngoài xã hội chẳng gì có thể lấy mà so sánh được, nếu không phải
là trận chiến của phe Đối Lập chống lại Bộ trong một chính quyền đại diện[96].
Nhưng các nhà báo và nhà hùng biện của Đối Lập có lẽ kém mau chóng hơn trong việc
tận dụng một lợi thế, ít cứng rắn hơn trong việc trách móc một sai lầm, không hắc
ám bằng trong các chế nhạo của bọn họ, so với lũ trẻ con đối với những người chịu
trách nhiệm trông coi chúng. Ở cái nghề này, đến cả sự kiên trì của các thiên
thần cũng chẳng thể là đủ. Do đó không nên trách móc quá nhiều một giám thị khốn
khổ, lương thấp, chẳng mấy thông tuệ, đôi khi trở nên bất công hoặc nổi xung[97].
Không ngừng bị rình mò bởi một tập hợp đông đảo những ánh mắt nhạo báng, vây
quanh là muôn vàn cạm bẫy, thỉnh thoảng ông ta trút sự trả thù những sai lầm của
tự ông ta, lên những đứa trẻ quá mau mắn nhận ra chúng.
Nhà thơ khốn khổ có cấu tạo quá mức bồn chồn, thường mong manh như một phụ nữ ấy, bị chế ngự bởi một chứng sầu muộn mãn tính, ốm nặng vì thiên tài của mình cũng giống một thiếu nữ ốm nặng vì cái tình yêu ấy, mà nàng gọi tới nhưng lại chẳng hề hay biết; cái đứa bé vừa thật mạnh vừa rất yếu đó, bị Corinne[101] bứng đi khỏi các vùng nông thôn tươi đẹp của cậu để bước vào cái khuôn của một ngôi trường mà mỗi trí tuệ, mỗi cơ thể buộc phải, mặc cho tầm vóc của mình, tính khí riêng của mình, thích ứng với nội quy và bộ đồng phục giống như vàng phải tự khoanh tròn thành từng đồng trong máy đúc tiền[102]; vậy nên Louis Lambert chịu đựng ở mọi điểm nơi nỗi đau tràn vào tâm hồn và da thịt. Bị cột chặt trên cái ghế nơi lãnh địa puy-pít riêng của cậu, bị roi da vụt, bị bệnh tật hành hạ, bị viêm nhiễm trong mọi giác quan, bị siết lại bởi một sợi dây đai những đau đớn, mọi thứ dồn ép cậu phải rời bỏ vỏ bọc của mình cho cả nghìn hình thức bạo chúa của trường. Giống những người tử đạo mỉm cười giữa các khổ hình, cậu ẩn trốn vào các tầng trời mà suy nghĩ hé mở cho cậu. Có lẽ cái cuộc sống hoàn toàn nội tâm ấy đã giúp để cậu thoáng nhìn thấy những bí ẩn mà cậu đặt vào nhiều lòng tin đến vậy!
Sự độc lập của chúng tôi, những mối bận tâm không được phép
của chúng tôi, tính lười biếng bên ngoài của chúng tôi, sự ù lì mà chúng tôi phải
ở trong, những màn trừng phạt liên tiếp đổ lên chúng tôi, đã khiến chúng tôi
mang tai tiếng không thể chối cãi là mấy thằng hèn nhát và không thể dạy dỗ. Các
ông thầy khinh bỉ chúng tôi, và chúng tôi cũng rơi ở mức tương đương vào mối
coi thường kinh hồn từ phía đám bạn học, chúng tôi giấu chúng các nghiên cứu
lén lút, vì sợ bị chúng chế nhạo. Sự khinh thường kép này, bất công ở phía các
Cha, là một tình cảm tự nhiên ở lũ bạn đồng học với chúng tôi. Chúng tôi không
biết chơi bóng, không biết chạy, cũng chẳng biết đi cà kheo. Những ngày được ân
xá, hoặc giả vì ngẫu nhiên mà chúng tôi có được một thời khắc tự do, thì chúng
tôi cũng không hề chia sẻ khoái lạc nào đang là mốt trong trường. Vốn dĩ xa lạ
với các thú vui của các bạn, chúng tôi chỉ thui thủi với nhau, ngồi sầu muộn dưới
một gốc cây trong sân. Thế nên Thi Sĩ-và-Pythagore là một ngoại lệ, một cuộc sống
ở bên ngoài cuộc sống chung. Trực giác có sức xuyên thấu đến thế, lòng tự ái
tinh tế đến thế của đám học sinh khiến chúng cảm thấy nơi chúng tôi những tinh
thần được đặt cao hơn hoặc thấp hơn tinh thần của chúng. Từ đó mà, ở một số đứa,
lòng căm ghét tính chất quý tộc câm lặng của chúng tôi; ở những đứa khác, là nỗi
khinh miệt trước sự vô dụng của chúng tôi. Những tình cảm ấy nảy sinh giữa
chúng tôi mà tôi chẳng hề hay biết, có lẽ mãi đến ngày hôm nay tôi mới đoán ra.
Vậy nên một cách chính xác chúng tôi đã sống giống như hai con chuột núp vào
góc phòng nơi có puy-pít của chúng tôi, lẩn sâu vào đó cả trong giờ học lẫn giờ
ra chơi. Hoàn cảnh lập dị này hẳn phải đặt chúng tôi và đã đặt chúng tôi vào
tình trạng chiến tranh với đám trẻ con thuộc Phân Khu của chúng tôi. Gần như
luôn luôn bị lãng quên, chúng tôi yên tĩnh ở đó, sung sướng một nửa, giống hai
thứ thực vật, hai món đồ trang trí hẳn làm rối loạn sự hài hòa của căn phòng.
Nhưng đôi khi những thằng quái quỷ nhất trong số đám bạn học sỉ nhục chúng tôi
nhằm biểu dương sức mạnh của chúng một cách mù quáng, và chúng tôi đáp lại bằng
một sự khinh miệt thường xuyên khiến Thi Sĩ-và-Pythagore bị nện cho nên thân.
Nỗi hoài nhớ của Lambert kéo dài suốt nhiều tháng. Tôi chẳng
biết điều gì có thể họa lại nỗi sầu mà cậu phải chịu đựng. Louis bảo tôi đọc
nhiều kiệt tác. Trước hết từng lần lượt đóng vai của Người hủi của thung lũng Aoste[103], chúng tôi đã kinh
qua các tình cảm được biểu đạt trong cuốn sách của ông de Maistre trước khi đọc
chúng được dịch lại dưới ngòi bút đầy sức hùng biện ấy. Thế nhưng, một cuốn
sách có thể vạch lại các kỷ niệm tuổi thơ[104], dẫu vậy nó sẽ chẳng
bao giờ đấu tranh thắng lợi trước chúng. Những tiếng thở dài của Lambert đã dạy
cho tôi các khúc tráng ca nỗi buồn còn sâu sắc hơn nhiều so với những trang đẹp
nhất của Werther[105].
Nhưng nữa, có lẽ không thể nào so sánh giữa những đau đớn gây ra bởi một dục vọng
bị chà đạp, hoặc đúng hoặc sai, dưới chân các luật của chúng ta, và những nỗi
đau của một đứa trẻ khốn khổ khát khao vươn về huy hoàng của mặt trời, giọt
sương các thung lũng và tự do. Werther là nô lệ của một ham muốn, còn Louis
Lambert là cả một tâm hồn trong cảnh nô lệ[106]. Khi có tài năng
tương đương, tình cảm gây xúc cảm lớn hơn hoặc được hình thành trên cơ sở các
ham muốn thật hơn, bởi vì chúng thuần khiết hơn, hẳn vượt xa các than van của
thiên tài. Sau một quãng dài chiêm ngắm tán lá một cây đoạn trong sân, Louis chỉ
nói với tôi một lời, nhưng lời này thông báo một mơ mộng mênh mông.
“Thật may cho tôi, có hôm cậu kêu lên, còn có những thời điểm
tốt đẹp tôi thấy như thể các bức tường lớp học sụp đổ, và tôi được ở nơi khác[107],
ngoài cánh đồng! Sung sướng làm sao được thả mình vô tận vào dòng suy nghĩ, giống
như con chim buông thân vào cuộc bay!” “Tại sao màu lục lại phổ biến như thế
trong tự nhiên? cậu hỏi tôi. Tại sao lại có ít đường thẳng đến vậy[108]?
Tại sao con người trong những gì họ làm ra lại hiếm khi dùng các đường cong thế
nhỉ? Tại sao chỉ con người mới có cảm giác về đường thẳng[109]?”
Những câu nói đó tiết lộ một hành trình dài băng ngang các
không gian. Chắc chắn, cậu đã nhìn lại những phong cảnh hoàn toàn, hoặc hít lấy
mùi thơm các khu rừng. Cậu, khúc bi ca sống động và trác tuyệt, luôn luôn im lặng,
nhẫn nhục[110]; luôn luôn đau đớn mà không thể nói: tôi đau đớn! Con
đại bàng ấy, muốn cả thế giới làm miếng ăn, phải ở giữa bốn bức tường hẹp và bẩn;
vậy nên, cuộc đời cậu trở nên, trong nghĩa rộng nhất của từ này, một cuộc đời
lý tưởng. Đầy khinh bỉ[111] đối với việc học gần như vô tích sự mà
chúng tôi bị đày vào, Louis bước đi trên con đường không trung, hoàn toàn tách
biệt khỏi mọi sự vây quanh chúng tôi. Tuân theo nhu cầu bắt chước vốn chế ngự
lũ trẻ con, tôi tìm cách đồng dạng hóa sự tồn tại của tôi với sự tồn tại của cậu.
Louis lại càng truyền cho tôi nhiều niềm đam mê không gian của ngủ[112]
trong đó các chiêm ngưỡng sâu thẳm nhấn cơ thể chìm vào, bởi vì tôi ít tuổi hơn
và rất dễ chịu ấn tượng[113]. Chúng tôi có thói quen, giống như cặp
tình nhân, suy nghĩ cùng nhau, truyền đạt cho nhau những mơ mộng riêng. Các cảm
xúc thuộc trực giác[114] đã sở hữu sự tinh nhạy ấy, hẳn nó thuộc về các tri giác của trí năng[115]
ở các nhà thơ lớn, và rất thường khiến họ ở cận kề chứng điên[116].
“Cậu có cảm thấy, giống như tôi, một hôm nọ cậu hỏi tôi,
thành tựu ở bên trong cậu, mà cậu không can dự chút nào, những nỗi đau đớn huyền
ảo không? Nếu, chẳng hạn, tôi nghĩ thật mạnh mẽ tới hiệu ứng sẽ gây ra bởi lưỡi
con dao ca níp của tôi khi nó cứa vào thịt, thì đột nhiên tôi cảm thấy một cơn
đau khủng khiếp như thể tôi đã thực sự bị cắt: chỉ thiếu mỗi máu thôi. Nhưng cảm
giác này vụt đến và bắt chợt tôi như một tiếng ồn đột nhiên làm khuấy động một
sự im lặng sâu thẳm. Một suy nghĩ có thể gây ra những đau đớn thể chất?… Này! cậu
nghĩ sao?”
Những khi cậu nói ra những suy tư tinh tuyền như vậy, cả hai
chúng tôi sẽ liền rơi vào một mộng tưởng ngây thơ. Chúng tôi bắt tay vào tìm kiếm
ở bên trong chính chúng tôi các hiện tượng không cách gì miêu tả tương quan với
khởi sinh của suy nghĩ, mà Lambert hy vọng nắm bắt được trong mọi phát triển dẫu
nhỏ nhất, nhằm có thể, một ngày nào đó, miêu tả bộ máy không được biết đến. Và
rồi, sau các tranh luận, thường trộn lẫn với những lời ngớ ngẩn trẻ con, một
ánh mắt vọt ra từ đôi mắt bừng lửa của Lambert, cậu siết chặt lấy bàn tay tôi,
và từ tâm hồn cậu buột ra một lời, nhờ đó cậu tìm cách tự tóm tắt bản thân.
“Nghĩ, đó là nhìn[117]! một hôm cậu nói với tôi,
đang trong cơn phấn hứng bởi những phản đối của chúng tôi trước nguyên lý tạo
thành của chúng tôi. Toàn bộ khoa học con người dựa trên suy luận, đó là một
cách nhìn chậm rãi nhờ đó người ta đi từ nhân xuống quả[118], nhờ đó
người ta trở ngược từ quả lên nhân; hoặc giả, trong một biểu đạt rộng hơn, mọi
thơ ca cũng như mọi tác phẩm nghệ thuật đi theo một cách nhìn mau chóng mọi thứ.”
Lambert gây một ảnh hưởng lên trí tưởng tượng của tôi, đến giờ tôi vẫn còn cảm thấy điều đó. Tôi thun thút lắng nghe từ cậu những câu chuyện thấm đẫm sự huyền diệu ấy, cái thứ làm cho, với biết bao khoái thú, cả trẻ con cũng như người lớn, nghiến ngấu các câu chuyện nơi cái đúng mang các hình thức không thể phi lý hơn. Niềm đam mê của cậu đối với các bí ẩn và nỗi nghi hoặc rất tự nhiên ở tuổi nhỏ thường lôi kéo chúng tôi nói đến Thiên Đường và Địa Ngục. Khi ấy Louis cố gắng, bằng cách giải thích cho tôi về Swedenborg[123], khiến tôi chia sẻ những niềm tin liên quan đến các thiên thần của cậu. Trong các lập luận sai lầm nhất của cậu vẫn có thể bắt gặp những nhận xét đáng kinh ngạc về sức mạnh của con người, và chúng in lên lời lẽ của cậu dấu ấn những sắc thái của sự thật mà nếu không có sẽ chẳng gì là có thể trong mọi môn nghệ thuật. Kết cục đầy tính chất tiểu thuyết mà cậu khoác lên cho số phận con người có bản tính nhằm mơn trớn cái chiều hướng cổ động các trí tưởng tượng trinh nguyên buông mình vào những lòng tin. Chẳng phải là chính vào thời tuổi trẻ của mình các dân tộc đã phôi thai những giáo lý, những thần tượng của chúng đấy ư? Và các tạo vật siêu nhiên trước đó họ run rẩy chẳng phải là sự nhân cách hóa những tình cảm của họ, những nhu cầu của họ được phóng to lên ư[124]? Những gì còn lại trong ký ức tôi ngày hôm nay về những cuộc trò chuyện tràn ngập thơ ca mà chúng tôi, Lambert và tôi, từng có, về Nhà Tiên Tri Thụy Điển[125], kể từ đó vì hiếu kỳ tôi đã đọc các tác phẩm của ông, có thể được tóm tắt như dưới đây.
Bên trong chúng ta hẳn phải có hai sinh thể riêng biệt. Theo
Swedenborg, thiên thần là cái cá nhân tại đó tạo vật bên trong chiến thắng được
tạo vật bên ngoài[126]. Nếu một con người muốn tuân theo khuynh hướng
thiên thần của mình, ngay khi nào suy nghĩ chỉ cho anh ta thấy sự tồn tại kép của
mình, thì anh ta phải hướng đến việc nuôi dưỡng bản tính siêu đẳng của thiên thần
nằm bên trong anh ta. Nếu, vì không có được một cái nhìn thật thấu suốt vào số
phận của mình, anh ta để cho hoạt động cơ thể chế ngự thay vì minh xác cuộc sống
trí tuệ, tất tật sức mạnh của anh ta liền được chuyển sang cho sự hoạt tác của
các giác quan bên ngoài, và thiên thần chầm chậm chết đi bởi quá trình vật chất
hóa này của hai bản tính. Trong trường hợp đối nghịch, nếu anh ta cung cấp cho
bên trong của mình các dưỡng chất thích hợp, tâm hồn sẽ vượt lên trên vật chất
và tìm cách thoát khỏi đó. Khi sự phân tách giữa chúng xảy tới dưới hình thức
mà chúng ta hay gọi là Cái Chết, thiên thần, đã đủ mạnh để bứt ra khỏi vỏ bọc của
nó, vẫn còn và khởi sự cuộc sống đích thực. Các cá nhân tính bất tận khiến những
con người trở nên khác biệt chỉ có thể được giải thích bằng sự tồn tại tại kép
trên đây; chúng khiến người ta hiểu được nó và cho thấy nó. Quả thật, khoảng
cách nằm giữa một người có trí tuệ thấp kém buộc anh ta phải sở hữu một sự ngu
xuẩn vẻ ngoài, và người được sự luyện tập cái nhìn bên trong giúp có được một sức
mạnh nào đó, buộc chúng ta phải đặt giả định là có tồn tại giữa các thiên tài
và những dạng người khác cùng khoảng cách phân chia Người Mù với Người Sáng Mắt.
Tư tưởng này, nó mở rộng đến vô tận sự sáng tạo, theo cách nào đó cung cấp chìa
khóa các tầng trời. Vẻ ngoài thì lẫn lộn với hạ thế, nơi ấy các sinh thể, tùy
theo sự hoàn hảo tạo vật bên trong của
mình, được phân bổ vào các tầng cầu tách biệt mà phong hóa và ngôn ngữ xa lạ với
nhau. Trong thế giới vô hình cũng như trong thế giới thực tại, nếu cư dân nào
đó của các vùng thấp, mà không xứng đáng, lên được một vòng cao hơn, thì không
chỉ anh ta chẳng hiểu nổi các thói quen cũng như lời lẽ nơi đó, mà sự hiện diện
của anh ta tại đó còn làm tê liệt các giọng nói và các trái tim[127].
Trong Kịch Thần, có lẽ Dante đã có một
trực giác thoáng qua nào đó về các tầng cầu khởi sinh từ thế giới các khổ đau để
rồi vươn lên cao theo một chuyển động vòng tròn[128] cho tới trời[129].
Do đó học thuyết của Swedenborg hẳn là tác phẩm của một tinh thần sáng suốt[130]
đã ghi lại vô số hiện tượng nhờ đó các thiên thần xuất lộ giữa con người.
Về phần Lambert, cậu giải thích mọi điều bằng hệ thống các thiên thần của cậu. Đối với cậu, tình yêu tinh tuyền, tình yêu giống như người ta mơ đến ở tuổi nhỏ, là sự va đập của hai bản tính thiên thần. Vậy nên không gì sánh được với mức độ dữ dội trong ham muốn của cậu gặp được một thiên thần-phụ nữ. Này! còn gì hơn tạo vật đó trong việc truyền cảm hứng, trong việc cảm nhận tình yêu đây? Nếu một cái gì đó có thể cung cấp ý tưởng về một sự nhạy cảm cao vời, thì chẳng phải đó chính là bản tính tự nhiên đáng yêu và tốt lành thấm đẫm trong các tình cảm của nó, trong các lời lẽ của nó, trong các hành động của nó và trong từng động tác cử chỉ nhỏ nhất của nó, rốt cuộc là trong sự hòa hợp thân thiết gắn liền chúng ta người này với người kia, mà chúng tôi diễn đạt bằng cách gọi nhau là faisant, đấy ư[134]? Chẳng hề có chút phân biệt nào giữa những gì xuất phát từ cậu và những gì xuất phát từ tôi. Chúng tôi giả chữ viết của nhau, nhằm mục đích người này, tự một mình, có thể làm các bài tập cho cả hai. Khi một trong hai chúng tôi phải đọc cho xong một quyển sách mà chúng tôi buộc lòng phải trả cho ông thầy dạy toán, thì người ấy có thể đọc nó không ngưng nghỉ, vì người còn lại đã lo phần bài tập và chép phạt hộ. Chúng tôi thanh toán các bài tập giống như một món tiền thuế đánh xuống sự yên tĩnh của chúng tôi. Nếu trí nhớ tôi không phản phúc, thường chúng vượt trội hơn nhiều nếu là Lambert làm. Nhưng, vốn dĩ cả hai đều bị coi là đần độn, ông thầy giáo luôn luôn xem bài của chúng tôi dưới tác động của một định kiến nặng nề, và thậm chí còn đem chúng ra mua vui cho đám bạn chúng tôi. Tôi còn nhớ một chiều nọ, vừa xong lớp kéo dài từ hai đến bốn giờ, ông thầy cầm một bài dịch xuôi của Lambert lên. Bài ấy bắt đầu bằng Caïus Gracchus, vir nobilis. Louis đã dịch thành: Caïus Gracchus là một tấm lòng cao quý.
“Cậu lấy đâu ra tấm lòng trong nobilis thế hả?” đột nhiên ông thầy hỏi.
Và tất cả cười ầm lên, trong lúc Lambert nhìn ông thầy, vẻ
ngây độn.
“Bà nam tước de Staël sẽ nói sao đây khi biết cậu dịch sai
nghĩa cái từ muốn nói dòng giống cao quý, gốc tích quý tộc?
- Bà ấy sẽ nói thầy là một con vật! tôi thấp giọng kêu lên.
- Thưa ông thi sĩ, cậu sẽ ngồi tù tám ngày”, ông thầy đáp lại,
thật không may là ông đã nghe thấy lời tôi.
Lambert dịu dàng nhắc lại, hướng vào tôi một ánh mắt êm ả
không thể diễn tả nổi: Vir nobilis!
Bà de Staël, một phần, là nguồn cơn cho bất hạnh của Lambert. Cứ hơi chút các
ông thầy và đám học sinh lại ném cái tên này lên đầu cậu, hoặc giống như một sự
châm biếm, hoặc giống như một lời trách móc. Louis sớm sủa làm cho mình cũng phải
ngồi tù để vào với tôi. Ở đó, được tự do hơn bất kỳ nơi nào khác, chúng tôi có
thể nói chuyện suốt nhiều ngày dài, trong sự im lặng của các phòng ngủ chung
nơi mỗi đứa học trò sở hữu một góc rộng sáu bộ vuông, với các vách ngăn gắn chấn
song phía trên cao, với cánh cửa song thưa tối nào cũng đóng lại, và mở ra dưới
ánh mắt của ông Cha phụ trách quản lý việc dậy và đi ngủ của chúng tôi. Tiếng cọt
kẹt của những cánh cửa ấy, được vận hành với một sự mau chóng đặc biệt của đám
trẻ trong phòng, là thêm một trong những nét dị biệt nữa của ngôi trường. Những
cái hốc ấy được dùng làm nhà tù nhốt chúng tôi, và đôi khi chúng tôi phải ở
trong đó hàng tháng trời. Đám học trò bị nhốt kín chịu sự kiểm soát nghiêm khắc
của giám học, một dạng giám thị tới đây, vào giờ cố định hoặc một cách bất ngờ,
bước đi thật nhẹ, nhằm biết xem chúng tôi có nói chuyện với nhau thay vì chép
phạt hay không. Nhưng những vỏ hạt óc chó rải sẵn ở các cầu thang cũng như thính giác tinh nhạy cho phép chúng tôi gần như luôn luôn biết trước là ông ta
đang đến, và chúng tôi có thể không chút bấn loạn lao mình vào việc học thân yêu.
Tuy nhiên, vì bị cấm đọc sách, những giờ ngồi tù thường được dành cho các tranh
luận siêu hình học hoặc cho việc kể lại một số sự biến kỳ khôi liên quan đến những
hiện tượng của suy nghĩ.
Vào lúc đó chúng tôi đang ngồi dưới một gốc sồi thấp; rồi, sau một hồi suy nghĩ, Louis bảo tôi: “Nếu phong cảnh đã không đi tới với tôi[137], điều đó hẳn là quá mức phi lý, thì tức là tôi đã tới đây. Nếu tôi từng ở đây trong lúc vẫn đang ngủ trong góc của tôi, thì chẳng phải là đã có một sự phân tách hoàn toàn giữa cơ thể tôi và con người bên trong của tôi à? Chẳng phải điều đó chứng nhận cho một năng lực cơ động khó mà biết cho rõ của tinh thần hoặc giả các hiệu ứng tương đương với các hiệu ứng của sự cơ động cơ thể? Thế nhưng, nếu tinh thần của tôi và cơ thể của tôi đã có thể rời khỏi nhau trong giấc ngủ, tại sao tôi lại chẳng làm được cho chúng tách nhau ra giống thế trong trạng thái thức? Tôi không thấy các phương cách trung gian giữa hai mệnh đề này. Nhưng ta đi xa hơn nhé, bước hẳn vào các chi tiết? Hoặc những điều này đã được thực hiện nhờ sức mạnh của một năng lực, nó làm vận hành một con người thứ hai mà cơ thể tôi được dùng làm vỏ bọc, bởi vì tôi đã ở trong góc của tôi và nhìn thấy phong cảnh, và điều này lật đổ nhiều hệ thống; hoặc những điều này đã diễn ra, trong một trung khu thần kinh nào đó còn cần biết tên và là nơi các tình cảm hoạt tác, hay tại một trung khu não bộ nơi các tư tưởng hoạt tác. Giả thuyết sau khơi dậy những câu hỏi kỳ lạ. Tôi đã bước đi, tôi đã nhìn thấy, tôi đã nghe thấy. Chuyển động là không thể hình dung nếu không có không gian[138], âm thanh chỉ hoạt động tại các góc hoặc trên các bề mặt, và quá trình màu sắc hóa chỉ diễn ra nhờ ánh sáng. Nếu, trong đêm, hai mắt đang nhắm, tôi nhìn thấy ở trong chính tôi các vật nhiều màu, nếu tôi nghe thấy những tiếng động trong sự im lặng tuyệt đối nhất, và không có các điều kiện cần thiết để âm thanh hình thành được, nếu trong sự bất động hoàn hảo nhất tôi đã vượt qua các không gian, thì hẳn chúng ta phải có các năng lực bên trong, độc lập với các quy luật vật lý bên ngoài. Nghĩa là tự nhiên vật chất là có thể xâm nhập đối với tinh thần. Tại làm sao con người cho đến lúc này lại ít suy nghĩ về các biến cố của giấc ngủ như vậy, thế mà chúng lại cho thấy ở trong con người một cuộc sống kép[139]? Chẳng phải hẳn sẽ có một môn khoa học mới trong hiện tượng này ư? cậu nói thêm, vỗ mạnh tay lên trán; nếu nó không phải nguyên lý của một khoa học, thì chắc chắn nó để lộ bên trong con người những quyền năng khổng lồ; ít nhất thì nó thông báo sự tách biệt thường hằng giữa hai bản tính của chúng ta, cái điều tôi đã loay hoay suy nghĩ từ rất lâu nay. Thế là rốt cuộc tôi cũng đã tìm được một lời chứng cho sự vượt trội, nó phân biệt các giác quan ngầm ẩn của chúng ta khỏi các giác quan bên ngoài! homo duplex[140]! - Nhưng, cậu nói tiếp sau một quãng ngừng, bất giác có một cử chỉ tỏ vẻ nghi ngờ, có lẽ bên trong chúng ta không có hai bản tính? Có lẽ chỉ đơn giản là chúng ta được phú cho những phẩm chất thân thuộc và có thể trở nên hoàn hảo mà sự thực thi, mà các phát triển tạo ra trong chúng ta các hiện tượng thuộc hoạt động, xuyên qua, thấu thị vẫn còn chưa được quan sát thấy. Trong tình yêu của chúng ta dành cho cái huyền diệu, dục vọng sinh ra từ lòng kiêu ngạo của chúng ta, chúng ta sẽ chuyển hóa các hiệu ứng này thành những sáng tạo thơ ca, bởi vì chúng ta không hiểu được chúng. Thật tiện khi thần thánh hóa cái không thể hiểu! A! tôi thú nhận rằng tôi sẽ khóc tiếc thương sự mất đi các ảo tưởng của tôi. Tôi từng thấy cần tin tưởng vào một bản tính kép và các thiên thần của Swedenborg! Vậy là môn khoa học mới này sẽ có thể giết chúng đi? Đúng, việc xem xét các thuộc tính còn chưa biết của chúng ta hàm ngụ một môn khoa học vật chất chủ nghĩa ở vẻ bề ngoài, bởi vì Tinh Thần sử dụng, phân chia, làm sống động chất; nhưng lại không phá hủy nó đi.”
Cậu tư lự một hồi lâu, hồ như buồn rầu. Có lẽ cậu đang nhìn thấy những giấc mơ hồi trẻ của mình giống như các lần vải lót rồi đây cậu sẽ sớm phải rời bỏ.
“Thị giác và thính giác, cậu nói, cười phá lên vì cách diễn
đạt của mình, hẳn là những bao ngoài của một công cụ tuyệt diệu[141]!”
Trong tất tật các thời khắc nói với tôi về Thiên Đường và Địa
Ngục, cậu hay có thói quen coi tự nhiên là chúa tể; nhưng, phát ra những lời vừa
xong, chất chứa khoa học, cậu bay, táo bạo hơn bao giờ hết, phía trên phong cảnh,
và tôi thấy như thể vầng trán cậu sắp vỡ tan ra vì nỗ lực của thiên tài: những
sức lực của cậu, mà nhất định phải gọi là có
tính chất đạo đức cho đến khi nào tìm được từ chuẩn hơn, dường như trào ra
qua các cơ phận vốn dĩ được dành để phóng chúng ra; mắt cậu bắn ra suy nghĩ;
bàn tay cậu giơ lên cao, cặp môi câm lặng và run rẩy của cậu phát ra lời; ánh mắt
rực cháy của cậu tỏa sáng; cuối cùng đầu của cậu, như thể quá nặng hoặc mệt mỏi
vì một đà quá mãnh liệt, gục xuống trước ngực[142]. Đứa trẻ này, người
khổng lồ này khòng lưng xuống, cầm lấy tay tôi, siết lại trong bàn tay ẩm ướt của
mình, vì cậu đang bừng bừng sốt trong cuộc tìm kiếm sự thật; rồi sau một quãng
ngừng cậu nói với tôi: “Tôi sẽ nổi tiếng! - Nhưng cả cậu cũng sẽ như vậy, cậu
mau mắn nói thêm. Cả hai ta đều là các nhà hóa học của ý chí[143].”
Trái tim mới cao cả làm sao! Tôi nhận ra sự vượt trội của cậu,
nhưng cậu thì rất lưu ý để không bao giờ khiến tôi cảm thấy điều đó. Cậu chia sẻ
với tôi các kho báu trong suy nghĩ của cậu, cho rằng tôi đóng một vai trò nhất
định trong các phát hiện của cậu, và để lại cho riêng tôi những suy tư dị dạng
của tôi. Lúc nào cũng êm dịu như một phụ nữ đang yêu, cậu sở hữu mọi sự thẹn
thùng của tình cảm, mọi tinh tế của tâm hồn, chúng khiến cho cuộc đời trở nên
thật đẹp và êm ả để chịu đựng.
Sáu tháng sau, tôi rời khỏi trường. Do đó tôi không biết Lambert, mà sự chia tay giữa chúng tôi nhấn chìm vào một cơn sầu muộn đen tối, có bắt tay viết lại tác phẩm của cậu hay không. Chính là để tưởng nhớ thảm họa từng xảy đến với cuốn sách của Louis mà, trong tác phẩm dùng để mở đầu các Ê-tuýt này, tôi đã dùng cho một tác phẩm tưởng tượng cái nhan đề thực sự đã được Lambert nghĩ ra, và tôi đã lấy tên một phụ nữ thân thiết với anh để đặt cho một thiếu nữ đầy lòng tận tâm[147]; nhưng đó không phải sự vay mượn duy nhất từ anh: tính cách của anh, những mối bận tâm của anh đã hết sức hữu ích cho tôi trong quá trình viết cuốn sách ấy, mà chủ đề có được là nhờ một kỷ niệm về những suy tưởng non trẻ của chúng tôi. Giờ đây Câu Chuyện này được dành để dựng một tấm bia mộ khiêm nhường nơi chứng nhận cuộc đời của người đã để lại cho tôi toàn bộ tài sản, suy nghĩ của anh. Trong cuốn sách thời trẻ dại đó, Lambert đặt vào các suy nghĩ của người đàn ông. Mười năm về sau, khi gặp vài nhà bác học chăm chú một cách nghiêm túc tới các hiện tượng từng gây tác động mạnh lên chúng tôi, mà Lambert đã phân tích theo một đường lối mầu nhiệm, tôi mới hiểu ra tầm quan trọng các công trình của anh, đã bị lãng quên như một trò nghịch ngợm trẻ con. Thế nên tôi đã bỏ nhiều tháng trời cố nhớ lại những phát hiện chính yếu của người bạn khốn khổ của tôi. Sau khi tập hợp các kỷ niệm, tôi có thể khẳng định rằng, ngay từ năm 1812, anh đã thiết lập, đoán định, bàn tới trong Khảo Luận của mình nhiều điều quan trọng mà, anh nói với tôi, các bằng chứng sớm muộn sẽ xuất hiện. Những suy tư triết học của anh chắc chắn sẽ khiến anh được chấp nhận vào số các nhà tư tưởng vĩ đại xuất hiện theo những quãng cách khác nhau giữa con người nhằm hé lộ cho họ các nguyên lý hoàn toàn trần trụi của một môn khoa học nào đó rồi sẽ đến, mà cội rễ chậm chạp mọc ra và một ngày sẽ đơm hoa kết trái thơm lành tại các lãnh địa của trí tuệ. Chẳng hạn, một thợ thủ công nghèo, Bernard, chăm lo đào đất để tìm bí mật của các loại men, vào thế kỷ mười sáu khẳng định, với uy lực không thể sai lầm của thiên tài, những đặc điểm địa chất học mà ngày nay sự chứng minh đã làm nên vinh quang cho Buffon và Cuvier. Tôi nghĩ là mình có thể cung cấp một ý tưởng về Khảo Luận của Lambert thông qua các mệnh đề then chốt tạo nên nền tảng cho nó; nhưng tôi sẽ tước đi khỏi chúng, dẫu chẳng hề muốn, những suy nghĩ anh đã dùng để bọc lấy chúng, và tạo nên đoàn tùy tùng không thể thiếu cho chúng. Bước đi trên một con đường khác với con đường của anh, tôi nhặt lấy, từ các nghiên cứu của anh, những gì phục vụ tốt nhất cho hệ thống của tôi. Vậy nên tôi không biết, tôi, vốn dĩ là môn đệ của anh, có thể diễn dịch một cách trung thành các suy nghĩ của anh hay không, sau khi đã hấp thụ chúng vào trong tôi theo cách thức khiến chúng mang màu sắc các suy nghĩ của chính tôi.
Cho các tư tưởng mới, là những từ mới hoặc các nghĩa từ cũ
đã được mở rộng, trải rộng, được định nghĩa chuẩn xác hơn; vậy nên Lambert đã
chọn, nhằm diễn đạt nền móng hệ thống của anh, vài từ thông dụng đáp ứng được một
cách mơ hồ cho suy nghĩ của anh. Từ Ý Chí dùng để[148]
-----------
[1] Toàn bộ lời đề tặng cần phải
hiểu là “Dédié à la femme chérie maintenant et toujours” (Đề tặng cho người phụ
nữ yêu quý lúc này và mãi mãi) (câu gốc tiếng Latin): Balzac đề tặng Louis Lambert cho bà de Berny
(1777-1836), người tình thời trẻ.
[2] Cái tên “Vandômois” ngày
nay ít còn được biết đến; Montoire ở quãng thời gian này vừa được nền hành
chính mới đặt vào tỉnh (département) Loir-et-Cher, mà thủ phủ là Blois.
[3] Hiện tượng “thần đồng” rất
có thể bị coi là “rối loạn đầu óc” từ khi còn rất nhỏ; ngoài nhiều ý nghĩa
khác, Louis Lambert có thể được coi
là cách mà Balzac sử dụng để tranh luận về vấn đề này, rất được đương thời quan
tâm.
[4] Chi tiết nhỏ này không hẳn
không có liên quan đến cuộc đời thực của Balzac: Balzac bắt đầu được bố mẹ cho
đi học khi chưa tròn năm tuổi, ở thành phố Tours quê hương.
[5] Thời ấy, để tránh nghĩa vụ
quân sự theo luật, người ta hay “mua” người khác thế chỗ; rõ ràng cách thức này
không hề là sáng tạo của thời nay.
[6] Napoléon cho phép điều này
(không ban hành thành luật) từ năm 1807: từ 1807 đến 1810 số lượng chủng sinh
tăng gấp đôi.
[7] Các ông thầy tu thuộc
“Oratoire” xuất hiện không ít trong Vở kịch
con người; sẽ được nói kỹ hơn ở các đoạn sau.
[8] Madame de Staël là một
trong những nhân vật trọng yếu nhất của sơ kỳ chủ nghĩa lãng mạn: nếu chưa đọc De la littérature của Staël thì coi như
còn chưa nắm được căn bản của chủ nghĩa lãng mạn (thêm Benjamin Constant, một
người rất gần gũi với bà de Staël nữa); Balzac vài lần đưa bà de Staël vào tác
phẩm của mình, chẳng hạn ở đoạn đầu Mémoires
de deux jeunes mariées (Hồi ký của hai cô gái mới lấy chồng), khi Louise de Chaulieu mới từ tu viện trở về nhà, trong câu chuyện với bố mẹ đã nhắc ngay đến
bà de Staël.
[9] Louis Lambert thường được coi là một tác phẩm thần bí, có lẽ là “thần
bí” nhất trong số mọi tiểu thuyết của Balzac, cùng Séraphîta; tuy nhiên, bên cạnh việc hiểu rằng không khí thần bí là
cần thiết cho cuốn tiểu thuyết, cũng nên nghĩ rằng những gì thể hiện ở đây
không hẳn quá xa với suy nghĩ của bản thân Balzac.
[10] Balzac rất chính xác: thiên
tài chẳng khác gì, ở vẻ bề ngoài, bất kỳ ai khác. Có lẽ Balzac cũng tương đối
cay cú, vì bản thân mình là thiên tài nhưng lại béo ục ịch và nói thẳng ra là rất
xấu, chẳng hề có một chút quyến rũ nào.
[11] Cf. chú thích số 52 của Nàng tình nhân hờ.
[12] Chi tiết này cũng gợi nhớ
Balzac hồi nhỏ, và chắc hẳn cũng không chỉ một mình Balzac.
[13] “Vẻ bên ngoài” (physionomie)
liên tục xuất hiện ở khắp nơi trong Vở kịch
con người, và không chỉ đối với con người.
[14] Ta hãy nhớ rằng
“entendement” suốt một thời gian dài, từ trước Balzac và cả trong thời của
Balzac, là một trong những vấn đề trung tâm của triết học; ta có Hume hay
Locke, nhưng nhất là cf. Leibniz.
[15] Có lẽ ngoài (rất) nhiều
phương diện khác, cũng phải kể đến phương diện Balzac nhà ngôn ngữ học, nhà từ
nguyên học.
[16] Tức là rất ngược lại với
Ferdinand de Saussure; có lẽ hoàn toàn có thể nói Balzac nghiêng về phía Platon
nhiều hơn.
[17] Dường như theo Balzac, ngôn
ngữ được “tạo ra” chứ không phải “được tìm ra”.
[18] Vai trò của hồi tưởng;
Balzac gần với nguyên lý triết học Hy Lạp?
[19] Chữ tượng hình Ai Cập: hình
vẽ con chim chính là từ con chim.
[20] Các suy nghĩ trên đây “của
Louis Lambert” không xa lạ với thuyết thần bí thoát thai từ Swedenborg; cf. Séraphîta.
[21] VOL.
[22] Từ “ngôn ngữ học”
(linguistique) xuất hiện chính vào khoảng thời gian Balzac viết Louis Lambert.
[23] Những suy tư trên đây của
Balzac về ngôn ngữ vô cùng nổi tiếng.
[24] Một trong những kết quả lớn
nhất của Cách mạng Pháp 1789 liên quan đến tôn giáo, nhất là các đặc quyền của
giới tăng lữ; Cách mạng xóa bỏ ưu thế của các ông cha, và quy định những ai muốn
tồn tại thì phải tuyên thệ trung thành với cách mạng: ông cha xứ họ hàng của
Louis Lambert chính là một người như vậy.
[25] Balzac từng viết (ở chỗ
khác): “trí nhớ là điều kiện đầu tiên của thiên tài”, vì nó không chỉ là “năng
lực lưu giữ” mà còn khởi xuất sự đánh giá.
[26] Còn đây là “bộ óc”.
[27] Phòng đen, “hộp đen”?
[28] “Sự tương đồng” (analogie):
không thể không nhớ ngay tới khái niệm “le démon de l’analogie” của Stéphane
Mallarmé.
[29] Trận đánh nổi tiếng mang lại
thắng lợi rực rỡ cho Napoléon; trận Austerlitz diễn ra vào ngày 2 tháng Chạp
năm 1805; Chiến tranh và hòa bình của
Tolstoy đã làm trận đánh này trở nên bất tử, nhưng trận Austerlitz còn thu hút
nhiều nhà văn nữa, gần đây chẳng hạn Sebald.
[30] Tên ngọn đồi gần
Austerlitz.
[31] Dường như nếu không có các
năng lực mà Balzac vừa miêu tả (rất có thể là tự miêu tả chính bản thân mình),
thì có lẽ tốt nhất là không bao giờ nên trở thành tiểu thuyết gia; rất mất thời
gian và gây sốt ruột.
[32] Tiếng Latin, nghĩa là “Các
vực thẳm thì thu hút” (trích Thánh Vịnh).
[33] Phải nói là một câu cực kỳ
tối nghĩa.
[34] Tiếng Latin, dùng để chỉ
thiên tài thơ ca, nghĩa đen là “hơi thở của bản tính đặc biệt thần thánh”, rút
từ Satires của nhà thơ La Mã Horace.
[35] Nhân vật rất hay xuất hiện
trong Vở kịch con người, những khi
nào động đến “thần bí”, tuy nhiên thường được Balzac gắn liền với “Bà Guyon”.
[36] Nhân vật được Balzac coi là
rất quan trọng để nối Jacob Boehme với Swedenborg; cũng có lúc Balzac đi sâu hẳn
vào nghiên cứu thần bí học, thể hiện rõ nhất trong tác phẩm kỳ lạ Lời tựa cho “Cuốn sách thần bí”, cũng
thuộc các “étude philosophique”.
[37] Dường như Balzac cho rằng đối
với các cậu bé học nội trú thời ấy (từ kinh nghiệm cá nhân?), trường “collège”
có phong hóa hết sức suy đồi; điều này được ám chỉ vô số lần trong các tác phẩm
thuộc Vở kịch con người.
[38] Thời này, các “faculté”
(năng lực) là mốt rất lớn; ta biết nguồn gốc cho điều đó là triết học của Kant.
[39] Bị coi là một nhân vật có
tư tưởng nguy hiểm, bà de Staël phải chịu hình phạt trên (dưới thời Napoléon, từ
năm 1803); quả thật, quãng năm 1810, bà từng có lúc ở Fossé, trên con đường từ
Blois đến Vendôme, làm khách của bá tước de Salaberry (mà một trong các con
trai là bạn học của Balzac tại collège Vendôme); đây là giai đoạn bà de Staël
viết cuốn sách khác sau De la littérature:
De l’Allemagne (Về nước Đức).
[40] Của Swedenborg.
[41] Biệt danh “Le Philosophe
Inconnu” (Triết gia xa lạ), một nhà thần bí lớn, kẻ thù không đội trời chung của
phái bách khoa thư.
[42] Trong cuốn sách về nước Đức,
bà de Staël nhắc ngay đến Swedenborg và sự thấu thị.
[43] Nhân vật có thật.
[44] “Triết học” ở đây là một “lớp”;
giai đoạn của câu chuyện, hệ thống giáo dục của Pháp không dễ hiểu: Cách mạng
1789 chủ trương thiên về các trường “lycée” (Balzac đặc biệt hay mỉa mai trường
“lycée”) nhưng trường “collège” vẫn tồn tại (trường mà Louis Lambert học ở đây
là “collège”: tuy nhiên ta cần hiểu về cơ bản nó tương đương với “trường trung
học” ngày nay); các lớp hồi ấy tại bậc học này gồm chủ yếu (từ thấp lên cao),
“classe d’humanité” (sau các “classe de grammaire”), “classe de rhétorique” và
sau đó là “classe de philosophie” (thường hai năm); từ năm 1730 thêm địa dư và
vật lý; về cơ bản, ở “collège” học sinh học tiếng Pháp, Latin và Hy Lạp, và
không được học các tác giả Pháp; có thể coi Louis Lambert học xong lớp
“philosophie” tức là đã xong trung học.
[45] 1814 là thời điểm Napoléon
sụp đổ và Trung Hưng lần thứ nhất bắt đầu.
[46] Một tác phẩm khác của bà de
Staël, in năm 1807.
[47] Bà de Staël mất ngày 14
tháng Bảy năm 1817.
[48] Từ năm 1623, collège
Vendôme được giao cho các thầy tu dòng Oratoire (gọi là các “Oratorien”) quản
lý; một dạo dụ năm 1776 cũng quy định trường, với tư cách “École royale
militaire” (trường quân sự hoàng gia), chuẩn bị một số học sinh trở thành “học
sinh của nhà vua” tại École militaire (Trường quân sự) Paris.
[49] Tức là Dòng Tên.
[50] Cho đến ngày nay các tòa
nhà ấy vẫn còn; có một thời nó từng thuộc lycée Ronsard ở Vendôme.
[51] Đây là các lãnh thổ “hải ngoại” của Pháp: nhiều
học sinh là con em các gia đình sống ở các đảo thuộc Pháp.
[52] Correcteur.
[53] Ở đây là “férule”, thanh gỗ
hoặc một đoạn da dùng để vụt vào tay học sinh phạm lỗi.
[54] Tuy nhiên, một số lời chứng
còn lại cho thấy thời này tại collège Vendôme kỷ luật không đến nỗi nghiệt ngã;
rất có thể Balzac ghét phải đi học ở đó.
[55] Ở đây sẽ không quy đổi: hệ thống lớp học này
tính ngược, từ lớn đến nhỏ.
[56] Maître.
[57] Được gọi tên một cách thông
tục là “pigeon cravaté”, nghĩa đen là “bồ câu đeo cà vạt”.
[58] Đây là các khúc hát có tên
gọi cụ thể “répons”.
[59] Lúc đầu, trong bản thảo,
Balzac viết “lớp năm”, đúng là lớp mà Balzac học vào năm 1811; sau đó đã sửa lại
thành “lớp bốn”.
[60] Đây là một thực tế lịch sử
của collège Vendôme.
[61] Thời Balzac học ở collège
Vendôme, ở đây có cha François Haugou; trong bản thảo, Balzac viết những miêu tả
vô cùng dữ dội về sự ngu xuẩn của ông cha này, sau đã được xóa đi (nhưng người
ta còn giữ được).
[62] Đại khái có thể nghĩ là cao
gấp đôi người bình thường.
[63] Cf. chú thích số 46.
[64] Cf. chú thích số 82 của Ferragus; rõ ràng Balzac đặc biệt thích
nhắc đến các bức tranh của họa sĩ Gérard.
[65] Một cách cụ thế, bức tranh
mà Balzac đang ám chỉ là “Corinne ở mũi Mysène”, được Gérard vẽ năm 1807; ngoài
đời thực, Balzac bắt đầu hay lui tới “salon” của Gérard từ năm 1829.
[66] Cf. chú thích số 39; tác phẩm
này mãi đến năm 1813 mới được xuất bản; Balzac nhiều lần bình luận về bà de
Staël, không hẳn là với nhiều hảo ý.
[67] Lazare-François Mareschal
ba mươi bảy tuổi vào năm 1807, khi Balzac nhập học ở collège Vendôme; đây là một
cựu thầy tu Oratoire, lấy vợ, và cùng người anh rể Dessaignes điều hành trường.
[68] Chuyện nhảy lớp đối với học
sinh ở Pháp là hết sức bình thường; ngay cả hiện nay, có rất nhiều học sinh xuất
sắc lấy bằng tú tài khi mới mười bốn, mười lăm tuổi.
[69] Đây (académie) là tổ chức
dành cho các học sinh giỏi của collège Vendôme; rất đáng buồn là Balzac chưa
bao giờ trở thành được thành viên của nó; trong đời, Balzac cũng không vào được
bất cứ viện hàn lâm nào, mấy lần ứng cử nhưng đều trượt Viện Hàn lâm Pháp.
[70] Hô ngữ tiếng Latin, nghĩa
là “ôi ngượng quá”.
[71] Balzac trả thù Viện Hàn lâm
Pháp bằng câu này?
[72] “Faisant” là một từ lóng, thuộc vào biệt ngữ của
học sinh collège Vendôme (các trường ở Pháp thường xuyên có biệt ngữ riêng, mà
chỉ người trong trường hiểu với nhau); có thể hiểu nghĩa giống như “đôi bạn
cùng tiến”.
[73] Đây là một nhân vật có thật:
Barchou de Penhoën (1799-1855), bằng tuổi Balzac và quả thật cũng là bạn học của
Balzac tại trường Vendôme; de Penhoën có tiểu sử giống như Balzac vừa miêu tả,
là môn đệ của Pierre-Simon Ballanche, triết gia rất nổi tiếng thời ấy; Balzac đề
tặng tác phẩm Gobseck (chưa có bản dịch
tiếng Việt) thuộc Vở kịch con người
cho de Penhoën; de Penhoën từng viết khảo luận về triết gia người Đức Fichte.
[74] Armand-Jules Dufaure hơn
Balzac một tuổi, học Vendôme, về sau sẽ làm tới chức bộ trưởng và cuối thời
Quân chủ tháng Bảy trở thành Phó Chủ tịch Viện Dân biểu; nếu thực sự muốn biết
rõ về Dufaure: cf. Souvenirs của
Alexis de Tocqueville.
[75] Tiếp tục nói đến Barchou de
Penhoën, tất nhiên.
[76] Thêm một lần nữa, Balzac
dùng từ “pyrrhonisme”, giống như… (ở đâu quên mất rồi).
[77] Les Enfants célèbres, tác phẩm của J.-P.-B Nougaret, xuất bản năm
1810, kể chuyện các thần đồng như Pascal hay Pic de La Mirandole.
[78] Chuyện kể rằng thằng bé
Montcalm de Candilac mới bốn tuổi đã học rành rẽ tiếng Hy Lạp và Latin, tất tật
trong vòng mười tám tháng, và chỉ vài năm đã có kiến thức khoa học vượt các ông
thầy, nhưng chết ngay năm mới bảy tuổi.
[79] Đối với bản thân Balzac, thử
nghiệm văn chương đầu tiên chính là một vở kịch thơ (thể loại bi kịch): Cromwell, 1819.
[80] Khá là giống lũ gà nhặt
thóc trong sân bẩn thỉu mà lại cứ ngỡ mình là phượng hoàng đại bàng chim ưng,
đám này đông vô số kể.
[81] Các nhân chứng kể lại chuyện
đúng như vậy: Balzac gây thất vọng rất lớn ở trường Vendôme; Louis Lambert cần được nhìn nhận là một
“trò chơi xưng tôi” phức tạp, “tôi” ở đây vừa là một “tôi” bên ngoài nhìn
“Louis Lambert” vừa là một “tôi” bên trong, đồng thời là “Louis Lambert” và bản
thân Balzac.
[82] Một cách chính xác, Balzac ở collège Vendôme từ
năm tám tuổi (1807), cho tới 1813.
[83] Ở một số chỗ trong Vở kịch con người, Balzac miêu tả nhân vật
của mình có một “sự im lặng Pythagore”; ở đây Balzac sử dụng miêu tả Pythagore
khi dạy học yêu cầu im lặng và bí mật, hay thấy ở các nhà bách khoa thư.
[84] Tức là khoảng 1m45.
[85] Phrénologie: xuất hiện rất
nhiều trong Vở kịch con người; Balzac
hay nhắc đến Gall (1758-1828), người chủ xúy cho rằng cái đầu của con người nói
lên rất nhiều điều; dường như bộ môn này không hẳn là không có nhiều liên quan
tới “khoa học” dưới thời Hitler.
[86] Có không ít bằng chứng cho
thấy rằng ở đây Balzac đang tự miêu tả chính mình.
[87] Balzac dùng từ “matador”.
[88] Những gì Balzac nói ở đây
minh họa rất sát các lý thuyết đương thời.
[89] Cf. chú thích số 72.
[90] Balzac gọi là “căn bệnh” chứng
“nostalgie”, hoài nhớ; hoàn toàn có thể coi đây là một dạng bạc nhược tinh thần.
[91] Ở đây chúng ta lại có thêm một “étude” nữa
trong vô số “étude” (với rất nhiều nghĩa khác nhau) mà Vở kịch con người sử dụng không ngừng: tại trường học Pháp, có các
“étude” là phòng học nhóm, ngoài phòng học chung.
[92] “Pensum”, hình phạt phổ biến
với học sinh thời ấy; tuy nhiên, theo các chứng nhân, tại collège Vendôme chẳng
mấy khi học sinh phải chép phạt.
[93] Những miêu tả chi tiết trên
đây rất tương hợp với những gì người ta còn biết được về cuộc sống tại collège
Vendôme của chính Balzac.
[94] Chúng ta đã đi đến với “trí
tưởng tượng”, một điểm hết sức quan yếu của Louis
Lambert.
[95] Đây, “s’abandonner”, mà từ
điển Trương Vĩnh Ký giảng là “nản chí”: không bao giờ “s’abandonner” có thể là
“nản chí” hết.
[96] Một vấn đề rất thú vị:
Balzac nghĩ gì về khái niệm “chính thể đại diện”? dường như là hết sức khinh bỉ;
một sự khinh bỉ hết sức đúng đắn.
[97] Các vấn đề vĩnh cửu của giáo dục, chẳng bao giờ
có thể thay đổi.
[98] Tiếng Latin, nghĩa là “lý
luận sau chót của các Cha” (ám chỉ câu khẩu hiệu mà Louis XIV cho khắc lên các
khẩu đại bác của mình, “Ultima ratio regum”: “Lập luận sau chót của các ông
vua”).
[99] Tại Paris, các tội phạm bị
chặt đầu tại quảng trường Grève (năm 1802 đổi tên thành quảng trường Tòa Đô
chính), họ bị dẫn từ tòa án (Palais de Justice) nằm trên đảo Cité (gần đó)
sang; thật ra, khi Balzac viết những dòng này, cái lệ ấy vẫn chưa bị bỏ.
[100] “Épigramme”; đây là một
trong những từ có tần suất xuất hiện thuộc loại cao nhất trong tự vị riêng của
Balzac, mang nhiều nghĩa khác nhau.
[101] Ám chỉ bà de Staël, tất
nhiên; cf. chú thích số 46, 63 và 65.
[102] Một so sánh rất lạ; Balzac
rất hay có những so sánh rất lạ; các ẩn dụ của Balzac cũng luôn luôn kỳ cục; để
tôi nhớ xem Proust đã bao giờ phân tích các ẩn dụ của Balzac chưa: nhất thời
tôi mới chỉ nhớ ra các phân tích “proustien” về ẩn dụ của Flaubert.
[103] Le Lépreux de la vallée d’Aoste, tác phẩm của Xavier de Maistre;
Xavier de Maistre còn có một tác phẩm nữa vô cùng nổi tiếng, Voyage autour de ma chambre (Du lịch
quanh phòng ngủ); gia đình de Maistre gánh chịu rất nhiều từ Cách mạng 1789,
người anh trai của Xavier de Maistre là Joseph de Maistre vĩ đại, lý thuyết gia
của phản cách mạng; đi lưu vong rất sớm, Xavier de Maistre sẽ trở thành sĩ quan
trong quân đội Nga; Joseph de Maistre cũng từng sang Nga, gặp Xavier de Maistre
ở đây, đó cũng là bối cảnh cho tác phẩm lớn của Joseph de Maistre, Les Soirées de Saint-Pétersbourg (Những
buổi tối Saint-Petersburg).
[104] Con người không thể tự định
vị mình, nhất là định vị trong kỷ niệm, nếu không đọc; người ta hay nghĩ những
cuốn sách đọc hồi nhỏ là các kỷ niệm vui tươi thoáng qua, nhiều mơ mộng và gây
hoài nhớ ở mức độ vừa phải, nhưng như vậy là nhầm: đó chính là các in dấu vào
cái là trong bản thể đích thực nhất.
[105] Goethe Goethe; điều này chỉ
là thoáng qua, nhưng Balzac nói lên một điều rất đúng: về cơ bản, Những nỗi đau của chàng Werther là cuốn
sách thảm hại, nếu chỉ đọc mỗi nó thì cần phải thấy Goethe đúng là một thằng rồ;
rất may là không phải vậy, vì Goethe rộng hơn nhiều, trong đó vĩ đại nhất có lẽ
chính là những gì nói về các màu.
[106] Không nhiều khi Balzac “phê
bình văn học” một cách hiển ngôn như thế này trong các tác phẩm thuộc Vở kịch con người; thông thường, Balzac
chỉ nhắc đến các nhà văn mà mình ngưỡng mộ.
[107] “Nơi khác”: một trong cách
chủ đề lớn nhất của văn chương cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Michaux nói đến một
“ailleurs”, Saint-John Perse: “exil”, bởi vì “cuộc sống không ở đây”
(Cendrars); nhưng Céline thì: chẳng có “nơi khác” nào hết, đừng mơ.
[108] “Đường thẳng” là một khái
niệm ám ảnh Balzac lâu dài.
[109] Vấn đề “đường cong” và “đường
thẳng” sẽ còn được bàn đến sâu hơn ngay trong Louis Lambert, nhưng cũng cả trong Séraphîta.
[110] “Thần bí” nghĩa là gì? ở một
phương diện không nhỏ, đối với Balzac, chính là sự nhẫn nhục; điều này khiến
Balzac rất gần bà de Staël, và điều đó cũng giải thích sự xuất hiện của de
Staël trong Louis Lambert.
[111] Ở đây, cũng như đoạn trước:
chủ đề “sự khinh bỉ”; dường như Balzac nhìn thấy rất chính xác đây là một trong
những thuộc tính lớn của thiên tài.
[112] Tầm quan trọng của trạng
thái ngủ trong tương quan với trạng thái thức; mở rộng hơn: ý nghĩa của ánh
sáng và bóng tối; ở đây là Balzac tiền triệu của Sigmund Freud và tất nhiên,
Gaston Bachelard, một độc giả lớn của Balzac.
[113] Balzac hay dùng cái từ
tương đối hiếm gặp này, “impressible”.
[114] Tất yếu phải đi đến “vấn đề
trực giác”.
[115] Liền một lúc hai chủ đề
quan yếu: tri giác (perception) và phạm trù “trí năng” (intellectuel); ta có “cảm
năng”, “niệm năng”, “trí năng”, nhưng có “tri năng” không? dường như là không,
hoặc giả “tri năng” ở một bậc thấp
hơn hẳn, không cùng “tầng”, mà các tri giác giống như những “công cụ” thuộc các
“phân khu” khác nhau của “năng lực”; cùng lúc, tuy nhìn ra các “phạm trù”,
nhưng cũng phải hiểu những phạm trù ấy không tách biệt; nhìn nhận như vậy, rất
có khả năng đỡ bị “bộ não” đánh lừa.
[116] Một tất yếu còn lớn hơn:
điên; phân tích sự điên ở các tác phẩm của Balzac là một việc không hề đơn giản,
nhưng chắc chắn vô cùng cần thiết.
[117] Ô, tình cờ nhỉ.
[118] Đoạn này rất quan trọng, có
thể coi là giải thích rất nhiều cho trung tâm tư duy của Balzac, quan hệ
nhân-quả (cấu trúc của Vở kịch con người
được xây dựng trên mối quan hệ này).
[119] “Spiritualiste”; phải cố gắng
đừng nhập từ này với “tâm linh” hay thấy hiện nay.
[120] Một điểm rất then chốt.
[121] Đây là một biểu hiện lớn của “tính chất Một”,
mà ta có thể coi là phần nổi bật nhất những gì Balzac thừa hưởng từ Saint-Hilaire
(Swedenborg và Saint-Hilaire tạo nên cấu trúc cơ bản ở tầng sâu nhất của Vở kịch con người).
[122] Điều này có gợi cho những
người am hiểu điện ảnh điều gì không? theo tôi nó nói chính xác những gì bộ
phim Solaris của Tarkovsky đã thể hiện
(bộ phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Lem).
[123] Chúng ta nhớ là hình ảnh thằng
bé Louis Lambert rách rưới ngồi ở rìa khu rừng đọc Thiên Đường và Địa Ngục của Swedenborg đã gây choáng váng cho bà de
Staël đến mức nào, ở đầu câu chuyện.
[124] Các chuyên gia về Balzac
cho rằng ý kiến về nguồn gốc tôn giáo này, Balzac lấy từ Jacob Heinrich Meister
(1744-1826).
[125] Tức là Swedenborg.
[126] Bên trong và bên ngoài,
tinh thần (tâm linh) và tự nhiên.
[127] Một chìa khóa để giải thích
Lâu đài của Kafka? K. đã đến được một
nơi mà anh ta không xứng đáng được có mặt? (cf. bản dịch tiếng Việt của Trương
Đăng Dung).
[128] Ở đây Balzac dùng một từ rất
hiểm: “armillaire”.
[129] Ta thấy tương đối rõ:
Balzac vừa “theo” vừa “cưỡng lại” thế giới của Dante.
[130] Từ “sáng suốt” ở đây đặc biệt quan trọng; “điên”
thật ra rất có thể là trạng thái tối cao dẫn đến sáng suốt đích thực (và cũng
liên quan rất nhiều đến “trạng thái siêu vượt”; và “siêu vượt” là gì? trước hết
là thoát khỏi “thời gian”).
[131] Thêm một lần nữa, Balzac
dùng một từ rất hiểm: “mystographe”, đấy là đã sửa lại, chứ trong bản thảo là một
từ còn hiểm hơn: “mystagogue”.
[132] Đã chú thích chưa nhỉ? đây
là một nhân vật thần bí lớn khác.
[133] “Sự chóng mặt”: một đặc điểm
lớn của câu chuyện “thần bí”; ở thời hiện đại, nên đọc tác giả nào nếu muốn hiểu
kỹ về “vertigo”? ơ, chính là Milan Kundera đấy, L’insoutenable légèreté de l’être chính là cuốn tiểu thuyết về sự
chóng mặt, ngoài đó ra là “sự lặp lại” (trong truyền thống của Kierkegaard mà
Gilles Deleuze tiếp nối), cũng như “hạnh phúc”.
[134] Có cảm giác ở đây ta đang gần vô hạn với triết
học của Emmanuel Levinas, nhất là khái niệm “entre nous”.
[135] Giấc mơ (liên quan đến trạng
thái ngủ như đã nói ở trên) và các “vision” là trung tâm của học thuyết
Swedenborg.
[136] Tuy dường như Balzac đặt
Saint-Hilaire cao hơn Cuvier, nhưng Cuvier cũng là một nhân vật có dấu ấn sâu đậm
lên Balzac: trong Miếng da lừa,
Balzac từng viết Cuvier là “nhà thơ lớn nhất của thế kỷ chúng ta”; Georges
Cuvier (1769-1832) là cha đẻ của giải phẫu học đối chiếu.
[137] Hơi giống mối quan hệ giữa
Mohamet và núi.
[138] Về riêng vấn đề này, có lẽ
người từng đi sâu nhất là Maurice Merleau-Ponty (cf. La Phénoménologie de la perception - Hiện tượng luận tri giác).
[139] Giống hệt như Balzac đang gọi:
Freud ơi, đâu mất rồi?
[140] Đây thì lại là ám chỉ Buffon.
[141] Cùng ý này đã xuất hiện
trong Ursule Mirouët, nhưng ở đó chủ
yếu Balzac nói về khoa học của Mesmer.
[142] Tư thế này của Louis
Lambert rất quan trọng; ta sẽ thấy thêm ở đoạn sau.
[143] Một phạm trù mới: “ý chí”;
tuy nhiên, gọi là “ý lực” thì tốt hơn; “ý lực” cũng chính là từ có thể dùng để
chỉ vế thứ hai, sau “biểu hiện” trong triết học của Schopenhauer (nhan đề cuốn
sách của Schopenhauer, do đó, sẽ là Thế
giới với tư cách biểu hiện và với tư cách ý lực).
[144] Nhân vật Raphaël của Miếng da lừa cũng viết một Khảo luận về ý chí; Laure Balzac, người
em gái thân thiết của Balzac, cũng khẳng định khi còn học ở collège Vendôme, quả
thật Balzac đã viết một tác phẩm như vậy; thêm một lý do rất quan trọng nữa để
tin rằng Louis Lambert chính là nơi
Balzac kể chuyện chính mình.
[145] Ursule Mirouët mới là tác phẩm quan trọng của Balzac về Mesmer và
“thôi miên”.
[146] Lavater (1741-1801) là nhân vật quan trọng của
nhân diện học; Balzac thường xuyên nhắc đến Lavater, chủ yếu nhắc cùng Gall (về
Gall, cf. chú thích số 85).
[147] Balzac đang nhắc tới Miếng da lừa: quả thật, Miếng da lừa là cuốn tiểu thuyết đặt ở đầu
các “ê-tuýt triết học”; về Khảo luận về ý
chí: cf. chú thích số 144; trong Miếng
da lừa, nhân vật nữ tên là Pauline (de Witschnau), Pauline thân thiết với
Louis Lambert thì ta sẽ gặp ở đoạn sau.
[148] Từ đây là bắt đầu một đoạn dài liên quan đến
nhiều từ trong tiếng Pháp, một khảo luận nhỏ về từ ngữ, ngữ nghĩa etc.; dịch thế
quái nào bây giờ?
(còn nữa)
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac
mấy cái chuyện ngắn ngắn giống liêu trai chí dị nhỉ
ReplyDeleteTôi không thể cảm ơn Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đủ để giúp tôi khôi phục lại cuộc hôn nhân của mình với niềm vui và sự an tâm của nhiều vấn đề gần như dẫn đến ly hôn. Cảm ơn Chúa, tôi đã tổ chức Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đúng giờ. Hôm nay tôi có thể nói với bạn rằng Tiến sĩ EKPEN TEMPLE là giải pháp cho vấn đề này trong hôn nhân và mối quan hệ của bạn. Liên lạc với anh ấy tại (ekpentemple@gmail.com)
Deleteliêu trai thì rất có thể, nhưng "Louis Lambert" không hề ngắn đâu
ReplyDeletemới thêm tiếp rồi đấy, cả phần "intro"
cái này nhiều màu sắc "phương đông" nhỉ? nhưng một thằng bé 5 tuổi đọc Cựu ước và ngẫm nghĩ về ngôn ngữ phổ quát thì đúng là một cú mở màn trừu tượng. hơi lăn tăn "Thánh Tuệ" liệu có phù hợp trong truyền thống của Trưởng Nữ giáo hội ko? vì nghe nói Chúa v Thiên thần ko "nghĩ" mà cứ thế "soi sáng" thôi?
ReplyDeleteCựu Ước 5 tuổi thôi, pha ngôn ngữ kia là về sau kể lại, pha màu ngôn ngữ đã lớn rồi, nhưng đọc Cựu Ước sớm là bình thường chứ, tuyền truyện hấp dẫn hehe, có quyển gì bỗng nhiên quên mất rồi, của Borges hay ai đó tương tự cũng kể đọc Cựu Ước từ rất bé và cứ tự hỏi chúa có đi ị không hehe
ReplyDeleteđúng, quả Thánh Tuệ không ổn, Saint-Esprit nên dịch là gì nhỉ?
Saint-Esprit trong đạo Công giáo được dịch thành Chúa Thánh Thần, hoặc Thần khí - không biết có thể dùng trong TH này không ạ? Em thấy thông thường thì người có đạo nghe những cụm từ này sẽ hiểu được ý nghĩa (theo ý "soi sáng" bên trên).
DeleteBên Công Giáo họ dịch là Thần Khí, Tin Lành thì dich là Thánh Linh.
Deleteđể "Thánh linh" là ổn. đấy là cả một phạm trù bên Thần học nên "ôm" được hết.
Deletedịch là Thánh-Khải
ReplyDeleterất cám ơn, tôi đã biết nên sửa là gì rồi :p
ReplyDelete"niệm năng" là một ca gay cấn nữa, mãi rất gần đây tôi mới túm được từ này, mà tôi nghĩ là có thể dùng để dịch tương đối sát "entendement"; ở đây có ai là độc giả của Leibniz không nhỉ?
ReplyDeletemở rộng chút: "esthétique" không thể coi đương nhiên là "mỹ học" được, mà trước hết nó là "cảm năng": "esthétique" như chúng ta hiểu hiện nay bắt nguồn từ Baumgarten (Schelling cũng là sau Baumgarten)
một vấn đề rất liên quan đến "Louis Lambert" nữa là "trí tưởng tượng"; điều này có thể tìm thấy trong lý thuyết của Hume, nhưng có lẽ để thực sự hiểu Balzac thì phải dựa vào Malebranche
riêng Swedenborg thì chắc chắn tôi sẽ viết riêng; nếu không nắm được Swedenborg, ta không cách gì hiểu được mấy nhân vật sau (ngoài Balzac, tất nhiên): William Blake, Borges, Czeslaw Milosz; nói một cách tổng quát nhất, Balzac là một phép cộng Swedenborg+Geoffroy Saint-Hilaire
";tuy nhiên tất tật đều đi theo đa số của đám, bị kéo theo bởi đà bước, giống như những con người bị đẩy đi trong cuộc đời bởi cuộc đời." một câu như này làm cho bao nhiêu cuốn sách thấy ngượng. hehe, ko phải, thấy tự hào và "vinh quang" giống như "tôi" cảm thấy khi trở thành "feasant" của Louis Lambert. Những câu như này khiến mình nghĩ Shakespeare là thật chứ ko phải như hearsays nào đấy bảo là 1 tay thi sĩ nửa mùa nhận vơ tác phẩm của 1 Sir nào đấy.
ReplyDelete"niệm năng" là 1 ca ổn hoàn toàn dù ko tính đến truyền thống phTây đi nữa. trong các tôn giáo lớn, dù Budhism ko hoàn toàn, ko có chuyện "suy nghĩ" vì "nghĩ" là 1 mô tả cho 1 số nhiều "niệm" do bởi "niệm" là cái mà bản thân ko "nắm bắt" đc chỉ "cảm" thấy đc thôi. hehe là nhân có ông Louis Lambert mà tán theo vậy.
ReplyDelete"niệm" thì sẽ hướng chủ yếu vào duy nhất một điều: nhịp
ReplyDeleteđang xem lại cả Spinoza, có lẽ "niệm năng" là tương đối ổn thật
về cái "tính chất Một" có vẻ Balzac thực sự có trải nghiệm, mới mô tả sống động thế. những trầm tư về "đường thẳng, đường cong" hay "cái nhìn" v.v. này đọc rất sướng. hẳn chúng vẫn inspired thời nay nhỉ? nhớ đến ông Em Karamazov nhưng cảm thấy ở đó ít "soi sáng" và bay bổng.
ReplyDeletecó lẽ điều hay nhất, tinh tế nhất mà khi đọc những pha như thế này của Balzac có thể thấy được là câu hỏi: làm thế nào có thể "thần bi" mà không rơi vào "hư vô chủ nghĩa"? rất đáng sợ là rất có thể đó chính là điều duy nhất cần đặt ra (Cioran khi viết về Saint-John Perse: phải thực sự mạnh thì mới thoát được cynicism)
ReplyDelete"Nhưng, cậu nói tiếp sau một quãng ngừng, bất giác có một cử chỉ tỏ vẻ nghi ngờ, có lẽ bên trong chúng ta không có hai bản tính? Có lẽ chỉ đơn giản là chúng ta được phú cho những phẩm chất thân thuộc và có thể trở nên hoàn hảo mà sự thực thi, mà các phát triển tạo ra trong chúng ta các hiện tượng thuộc hoạt động, xuyên qua, thấu thị vẫn còn chưa được quan sát thấy." - những lời này hàm ngụ sự phủ nhận khái niệm "bản tính" theo kiểu tiên nghiệm mà đến bây giwof vẫn rất đông chấp nhận; mà nêu giả thiết "bản tính" là cái "chưa được quan sát thấy." đoạn phân tích tri giác bên trong-bên ngoài ở trước câu trích này thật kinh ngạc. vậy "trí tưởng tượng" có lẽ cần phải hiểu như ông ấy nói: là cái "ý nghĩ" mà gây được tác động vật chất, có phỏng?
ReplyDeleteđoạn tiếp theo sẽ nói thẳng đến vật chất đấy
ReplyDeletemấy trang này đặc biệt cô đặc, và dự báo rất nhiều các triết gia "hiện đại", một số sâu sắc nhất
hey, nếu là một khảo về từ ngữ thì còn gì bằng! cứ dịch chứ còn người đọc có "thấy" lại là chuyện khác. để xem còn so với đoạn về các ngôn ngữ vùng Kavkaz ở Những Kẻ Thiện Tâm.
ReplyDeleteĐoạn chú thích số 119 cháu nghĩ có thể dịch là "người duy tâm" hay "người duy linh"
ReplyDeletetôi chủ ý tránh "duy tâm" đấy, "duy linh" thì không hẳn
ReplyDeleteHello! I could have sworn I've been to this site before but
ReplyDeleteafter reading through some of the post I realized it's new to me.
Nonetheless, I'm definitely happy I found it and I'll be bookmarking and checking
back frequently!