Balzac đợi đến đoạn cuối miêu tả chàng thanh niên Amédée de Soulas (xem phần trước ở kia) mới tung hết những pháo hoa tàn độc nhất của châm biếm. Và, cũng phải đến lúc đó rồi, nhân vật chính đích thực, "Albert Savarus", mới thực sự chịu xuất hiện. Tiểu thuyết của Balzac, những khi nào ở đỉnh cao, có thể dành một trăm trang đầu cho sự chưa xuất hiện của nhân vật chính. Người ta nói Marcel Proust dài, nhưng thế là đã quên mất Balzac.
Albert Savarus sẽ còn xuất hiện thêm một lần nữa, thoáng qua, trong La Recherche de l'Absolu (Đi tìm Tuyệt đối). Các nhân vật của Vở kịch con người không bao giờ biến mất hoàn toàn; hẳn không phải vì Balzac cố tình lặp lại các nhân vật, mà bởi các nhân vật ấy quả thật rất sống động.
-----------
Để hiểu được rằng cuộc đời ấy chứa đựng nhiều cao vọng đến mức
nào, nhất thiết phải giải thích qua về Besançon. Không thành phố nào có một sự
kháng cự câm và điếc tới vậy trước Tiến Bộ. Tại Besançon, các nhà cai trị, đám
nhân viên hành chính, nhà binh, nói tóm lại là tất tật chính quyền, mà Paris cử
tới để giữ một chức vụ nào đó, đều đồng loạt được gọi bằng cái tên rất kêu là colonie[25]. Colonie là
một lãnh thổ trung lập, chốn duy nhất, giống như nhà thờ, nơi có thể gặp gỡ xã
hội quý tộc và xã hội tư sản của thành phố. Trên lãnh thổ này khởi sự, bởi một
lời nói, một ánh mắt hoặc một cử chỉ, những nỗi căm ghét giăng từ nhà này qua
nhà khác, giữa các phụ nữ tư sản và quý tộc, kéo dài cho tới tận lúc chết, và
còn đào rộng hơn những hố sâu không thể vượt qua nhờ đó hai xã hội được phân
cách với nhau. Trừ các nhân vật nhà de Clermont-Mont-Saint-Jean, nhà de
Beauffremont, nhà de Scey, nhà de Gramont và vài người khác sống trong vùng
Comté nhưng là tại đất đai của họ, giới quý tộc Besançon có lịch sử còn chưa
quá hai thế kỷ, vào thời cuộc chinh phục của Louis XIV. Cái thế giới này về căn
bản có tính chất nghị viện và có một sự ngạo, một sự đuỗn, một sự nghiêm, một sự
thẳng thớm, một sự cao vời không thể nào đem so sánh với triều đình Viên, bởi
vì nếu vậy hẳn người Besançon đủ sức biến các phòng khách thành Viên trở nên dớ
dẩn[26]. Về Victor Hugo, về Nodier, về Fourier, những vinh quang của
thành phố, thì thôi nhé đừng nói đến, chẳng ai thèm quan tâm đâu[27].
Những cuộc hôn nhân giữa giới quý tộc với nhau được dàn xếp ngay từ khi lũ trẻ
còn nằm trong nôi, cả những thứ nhỏ nhặt nhất lẫn những điều nghiêm trang nhất
đã được định đoạt luôn ở đó. Chưa từng bao giờ có một người lạ nào, một kẻ đột
nhập nào luồn được vào các ngôi nhà kia, và đã phải cần, để tiếp đón ở nơi đây
các đại tá hoặc sĩ quan mang tước hiệu quý tộc thuộc những gia đình cao cấp nhất
của nước Pháp, nếu như họ tới đây để đồn trú, những nỗ lực ngoại giao mà hoàng
thân de Talleyrand[28] chắc hẳn sẽ vô cùng sung sướng nếu biết được
để rồi sau đó sử dụng trong một hội nghị. Năm 1834, Amédée là người duy nhất
mang dải buộc chân tại Besançon. Điều này giải thích ngay tắp lự tính chất sư tử của anh chàng de Soulas.
Cuối cùng, một giai thoại nhỏ sẽ khiến ta hiểu rõ Besançon hơn.
Không lâu trước ngày câu chuyện này bắt đầu, Dinh Tỉnh Trưởng
thấy cần đưa từ Paris tới một tổng biên tập cho tờ báo của nó, nhằm tự vệ chống
lại tờ Gazette nhỏ mà tờ Gazette lớn đã ấp nở tại Besançon, và chống
lại tờ Le Patriote mà nền Cộng hòa
đang khiến cho hoạt náo ở đó[29]. Paris gửi đến một chàng trai trẻ,
vì chẳng biết gì về Comté, anh ta khởi đầu bằng một Besançon bài thứ nhất theo trường phái Charivari[30]. Người lãnh đạo đảng của những người đứng
giữa không tả chẳng hữu, một người của Tòa Đốc Lý, triệu tay nhà báo đến và nói
với anh ta: “Hãy biết, thưa anh, rằng chúng tôi nghiêm trang, còn hơn là nghiêm
trang, chúng tôi buồn chán, chúng tôi chẳng hề muốn được người khác mua vui, và
chúng tôi đã phát điên vì cười quá nhiều. Hãy làm sao mà khó tiêu hóa như các tập
ngồn ngộn dày hự của tạp chí Revue des
Deux Mondes[31], như thế là mức tối thiểu để nói đúng giọng người
Besançon.”
Tổng biên tập đinh ninh lời dặn, và nói thứ biệt ngữ rối rắm
của thứ triết học khó hiểu nhất. Và anh ta đã thành công vang dội.
Chàng trẻ tuổi de Soulas không thiếu thốn sự coi trọng của
các phòng khách Besançon là bởi sự phù phiếm thuần túy từ phía họ: tầng lớp quý
tộc thấy rất thoải mái khi tỏ vẻ mình đang hiện đại hóa và khi có thể trưng bày
cho đám quý tộc Paridiêng đi du lịch tới vùng Comté một trang thanh niên hơi có
chút giống họ. Toàn bộ cái công việc bị che giấu ấy, toàn bộ thứ bột tung vào mắt
ấy, sự điên rồ vẻ ngoài kia, sự thông thái ngầm ẩn kia có một mục đích, nếu
không như vậy chắc hẳn con sư tử Besançon đã không thuộc về nơi này. Amédée muốn
tiến tới một cuộc hôn nhân nhiều lợi thế bằng cách một ngày kia chứng minh rằng
các trang trại của anh không bị cầm cố, và rằng anh đã tiết kiệm được tiền. Anh
muốn chiếm lĩnh thành phố, anh muốn là người đẹp trai nhất ở đây, thanh lịch nhất,
nhằm trước hết thu hút sự chú ý, rồi tiếp đến là bàn tay của cô Rosalie de
Watteville: ái chà!
Năm 1830, thời điểm anh chàng de Soulas bắt đầu nghiệp dandy
của mình, Rosalie lên mười bốn. Vậy nên, năm 1834, cô de Watteville đã đến cái
tuổi khi các thiếu nữ dễ bị choáng váng trước tất tật những vẻ độc đáo khiến
Amédée có được mối chú ý của thành phố. Có nhiều sư tử trở thành sư tử do tính
toán và bởi nghiền ngẫm âm mưu. Nhà de Watteville, từ mười hai năm nay có món lợi
tức năm mươi nghìn franc, không tiêu quá hai mươi tư nghìn franc mỗi năm, mà đấy
là họ có mở cửa tiếp đón giới thượng lưu Besançon, vào thứ Hai và thứ Sáu. Người
ta ăn tối ở đó vào thứ Hai, còn thứ Sáu người ta ở đó cả buổi tối. Tức là, từ
mười hai năm nay, hai mươi sáu nghìn franc hằng năm tiết kiệm được và được đầu
tư với sự kín đáo vốn dĩ nổi bật ở những gia đình lâu đời ấy, đã lên tới tổng số
nào rồi? Nhìn chung người ta nghĩ rằng, thấy mình đủ giàu ở khoản đất đai rồi,
năm 1830 bà de Watteville đã đem gửi món tiền tiết kiệm lấy lãi ba phần trăm.
Do đó hồi môn của Rosalie hẳn ở mức chừng bốn mươi nghìn franc lợi tức. Thế là,
từ năm năm nay sư tử đã lao động cật lực như một con chuột chũi để có thể ngự
nơi đỉnh cao sự coi trọng của bà nam tước nghiêm khắc, mà vẫn điệu đà sao cho
có thể mơn trớn lòng tự ái của cô de Watteville. Bà nam tước nắm được bí mật
các sáng tạo nhờ đó Amédée duy trì địa vị của mình tại Besançon, và hết sức coi
trọng chúng. Soulas đặt mình dưới cánh bảo trợ của bà nam tước khi bà ba mươi
tuổi, lúc đó anh đủ táo bạo để ngưỡng mộ bà và biến bà trở thành một thần tượng;
anh đã đến được mức có thể kể cho bà, anh là người duy nhất trên đời làm nổi việc
này, những chuyện đùa bậy bạ mà gần như mọi phụ nữ mộ đạo đều thích nghe, họ, vốn
dĩ nhiều uy quyền nhờ các đức hạnh lớn, được phép chiêm ngưỡng các vực thẳm mà
không rơi xuống đó và những rình rập của quỷ mà không bị mắc vào trong đó. Đã
hiểu tại sao sư tử ấy không tự cho phép mình có bất kỳ mối tằng tịu lìu tìu nào
chưa, hử? anh làm cuộc đời anh trở nên sáng tỏ, theo cách nào đó anh sống ngoài
đường nhằm có thể đóng cái vai người tình bị hy sinh ở bên cạnh bà nam tước, và
thết đãi Tinh Thần bà bằng các tội lỗi mà bà cấm ngặt Xác Thịt mình được hưởng.
Một người đàn ông sở hữu cái ưu thế được tuôn vào tai một phụ nữ mộ đạo những
điều sỗ sàng, trong mắt bà là một người quyến rũ. Nếu sư tử mẫu mực này hiểu
trái tim con người sâu sắc hơn, hẳn anh đã có thể mà chẳng gặp phải nguy cơ nào
tự cho phép mình có vài trò tình ái loáng thoáng với các cô gái bình dân
Besançon, họ coi anh như một ông vua: nếu vậy hẳn các áp phe của anh sẽ tiến
triển hơn rất nhiều ở bên bà nam tước nghiêm khắc và đoan chính[32].
Đối với Rosalie, Caton[33] này tỏ ra là người mạnh tay chi tiêu: anh
dạy dỗ về cuộc sống thanh lịch, anh vẽ cho cô thấy cái viễn cảnh vai trò rạng rỡ
của một phụ nữ theo đúng mốt ở Paris, nơi anh sẽ đến với tư cách dân biểu[34].
Các ma nớp đầy khôn ngoan ấy được đội một vương miện của sự thành công hoàn
toàn. Năm 1834, các bà mẹ của bốn mươi gia đình quý tộc làm nên xã hội thượng
lưu cao cấp nhất của Besançon nêu tên anh chàng Amédée de Soulas như là chàng
thanh niên quyến rũ nhất tại Besançon, chẳng một ai cả gan tranh giành vị trí với
con gà trống của dinh thự de Rupt, và cả Besançon xem anh là hôn phu tương lai
của Rosalie de Watteville. Về chủ đề này thậm chí đã có vài lời trao đổi giữa
bà nam tước và Amédée, những lời ấy càng trở nên chắc chắn nếu căn cứ vào sự xuẩn
ngốc lồ lộ của ông nam tước.
Cô de Watteville, người có tài sản rồi một ngày kia sẽ rất lớn,
cái tài sản phóng to cô lên một cách rất đáng kể, lớn lên trong vòng quây của
dinh thự de Rupt mà mẹ cô hiếm khi rời khỏi, vì bà rất yêu đức tổng giám mục
thân quý, đã bị o ép khủng khiếp bởi một giáo dục tuyệt đối tôn giáo, và bởi sự
bạo chúa của mẹ cô, người trông giữ
cô một cách nghiêm khắc với các nguyên tắc của bà. Rosalie hoàn toàn chẳng biết
một thứ gì. Có gọi là biết cái gì đó được không nếu đã học địa dư bằng sách của
Guthrie[35], lịch sử thánh, lịch sử xa xưa, lịch sử nước Pháp và bốn
quy tắc[36], tất tật thu gặt trên cái khay của một ông thầy tu dòng
Tên già[37]? Vẽ, âm nhạc và múa thì bị cấm, vì bị coi là những thứ dễ
làm băng hoại hơn là tô điểm cho cuộc đời. Bà nam tước dạy cho con gái mọi bí
quyết của dệt thảm và những công việc lặt vặt phụ nữ: khâu vá, thêu thùa, xe sợi.
Ở tuổi mười bảy, Rosalie mới chỉ đọc Thư
khuyến thiện[38], cùng các tác phẩm về bộ môn huy hiệu học[39].
Chưa từng có tờ báo nào làm bẩn mắt cô. Sáng nào cô cũng nghe lễ mixa tại nhà
thờ lớn nơi mẹ cô dẫn cô đến, về nhà ăn trưa, học hành sau một cuốc đi dạo nhỏ
trong vườn, và ngồi cạnh bà nam tước tiếp đón khách khứa cho đến giờ ăn tối; rồi
sau đó, trừ các thứ Hai và các thứ Sáu, cô đi cùng bà de Watteville đến dự các
bữa tiệc, chỉ được cất tiếng nếu nhận mệnh lệnh của mẹ. Mười tám tuổi, cô de
Watteville là một thiếu nữ oặt oẹo, mảnh dẻ, phẳng dẹt, tóc vàng, da trắng, và
lu mờ đến mức tận cùng. Cặp mắt xanh lơ của cô đẹp lên nhờ hàng lông mi, khi hạ
xuống chúng tạo bóng cho hai má của cô. Vài vết tàn nhang gây hại cho vẻ rạng rỡ
của vầng trán cô, tuy nhiên nó có khuôn rất đẹp. Mặt cô hoàn toàn giống mặt các
nữ thánh của Albert Dürer[40] và của các họa sĩ tiền Pérugin[41]:
cùng dáng hình phị ra ấy, dẫu cho thanh mảnh, cùng cái vẻ tinh tế nhuốm buồn do
phấn khích quá mức, cùng vẻ ngây thơ nghiêm khắc ấy. Mọi thứ ở cô, cho tới cả
dáng điệu, đều gợi nhắc các trinh nữ kia, mà vẻ đẹp chỉ tái hiện nhờ ánh sáng rạng
rỡ huyền học trong mắt một người sành sỏi hết sức chăm chú. Cô có đôi tay đẹp,
nhưng đỏ, và bàn chân xinh hạng nhất, một bàn chân của nữ chủ nhân lâu đài. Thường
thường, cô vận những chiếc váy giản dị vải cô tông; nhưng Chủ nhật và các ngày
lễ, mẹ cô cho phép cô mặc đồ lụa. Cách phục trang của cô, chiểu theo lệ
Besançon, khiến cô trở nên gần như xấu; trong khi đó mẹ cô tìm cách vay mượn sự
duyên dáng, vẻ đẹp, sự thanh lịch ở các mốt Paris từ đó bà rút tỉa được những
điều nhỏ nhặt nhất cho sự ăn vận của mình, nhờ sự chăm chút của anh chàng de
Soulas. Rosalie chưa từng bao giờ đi tất lụa, cũng như đi giày vải đế bằng, mà
đi tất cô tông và giày da. Những ngày gala, cô vận một cái váy mút-xơ-lin[42],
tóc chải tỉ mỉ, và mang đôi giày da. Sự giáo dục này và thái độ khiêm nhường của
Rosalie che giấu một tính cách sắt đá. Các nhà sinh lý học và những người biết
quan sát bản tính con người một cách sâu sắc sẽ nói, có lẽ trước sự kinh ngạc
to lớn của ta, rằng, trong các gia đình, những tính khí, các tính cách, tinh thần,
thiên tài xuất hiện trở lại cách những quãng dài, tuyệt đối giống như cái mà
người ta gọi là các căn bệnh di truyền. Thế nên tài năng, cũng như bệnh gút,
đôi khi nhảy qua hai thế hệ. Chúng ta có, về hiện tượng này, một ví dụ xuất
chúng ở George Sand[43], ở bà sống lại sức mạnh, quyền năng và tư tưởng
của thống chế de Saxe, mà bà là cháu gái ngoài giá thú[44]. Tính
cách quyết liệt, sự táo bạo đầy tính chất tiểu thuyết của Watteville lừng danh[45]
đã quay trở lại trong tâm hồn của cô cháu ông, lại càng trầm trọng thêm bởi
tính kiên trì, bởi lòng kiêu hãnh trong dòng máu của gia đình de Rupt. Nhưng
các phẩm chất hoặc khiếm khuyết này, nếu muốn, cũng được che giấu thật sâu trong
tâm hồn thiếu nữ ấy, vẻ ngoài thì thật mềm yếu và lờ đờ, giống dung nham sôi sục
bên dưới một ngọn đồi trước khi nó trở thành núi lửa. Có lẽ chỉ mình bà de
Watteville ngờ đến món di sản này của hai dòng máu. Bà tỏ ra nghiêm khắc đối với
Rosalie của bà đến nỗi có hôm bà đáp lại đức tổng giám mục chê trách bà vì quá
nghiệt ngã với con gái như sau: “Cha để cho con dạy dỗ nó, thưa đức tổng giám mục,
con biết nó! nó có hơn một Belzébuth[46] ở bên trong đấy!”
Bà nam tước lại càng quan sát con gái bà kỹ càng hơn vì bà
nghĩ danh dự người mẹ của mình đặt cả vào đó. Rốt cuộc bà cũng chẳng có việc gì
khác để làm. Clotilde de Rupt, khi ấy ba lăm tuổi và gần như là vợ góa của một
ông chồng suốt ngày tiện những món đồ cảnh vẻ bằng đủ mọi chất liệu gỗ, sốt sắng
làm những vòng tròn sáu khía bằng gỗ cứng, sản xuất các hộp đựng thuốc lá[47]
cho người quen, biệt đãi không chút thù địch Amédée de Soulas. Khi chàng trai
trẻ ấy đến nhà, bà hết xua đi lại gọi tới cô con gái, và cố công bắt chợt trong
tâm hồn trẻ trung ấy những chuyển động của lòng ghen, nhằm có cớ để thuần hóa
chúng. Bà bắt chước cảnh sát trong các tiếp xúc của họ với những người cộng
hòa; nhưng bà có làm gì đi nữa, Rosalie vẫn chẳng hề biểu lộ tí chút khuấy động.
Người đàn bà mộ đạo khô cứng bèn quay sang trách con gái chẳng có chút nhạy cảm
nào. Rosalie biết đủ rõ mẹ của cô để hay rằng nếu thấy anh chàng de Soulas trẻ
tuổi là hay ho thì hẳn cô sẽ phải hứng
chịu một sự đe nẹt dữ dội. Vậy nên trước mọi đòn gây hấn của mẹ, cô đều đáp lại
bằng những câu được gọi thật không mấy chuẩn xác là nhiều tính chất dòng Tên, bởi
các ông thầy tu dòng Tên thì mạnh, còn những ngần ngại của cô gái thì chính là
những chướng ngại vật ngăn ngựa kỵ binh, đằng sau đó sự yếu ớt ẩn nấp. Bà mẹ liền
cho con gái là kẻ hay che giấu. Nếu, vì bất hạnh, một biểu hiện tính cách thực
của gia đình de Watteville và gia đình de Rupt xuất hiện, thì bà mẹ vớ lấy sự
kính trọng mà con cái phải dành cho Các Đấng Sinh Thành làm vũ khí để buộc
Rosalie phải rơi vào sự nghe lời thụ động. Cuộc chiến bí mật diễn ra bên trong
cuộc sống gia đình bí mật nhất, trong cảnh kín cổng cao tường[48]. Vị
tổng phụ tá, ông trưởng tu de Grancey thân mến ấy, bạn của đức tổng giám mục
quá cố, dẫu cho có mạnh mẽ đến đâu với tư cách đại linh mục xá giải của giáo phận,
cũng không thể đoán cuộc tranh đấu này có làm khuấy động một niềm căm hận nào
đó giữa mẹ và con gái, bà mẹ có ghen từ trước hay không, hoặc giả trò tán tỉnh
mà Amédée thực hiện với cô con gái thông qua con người bà mẹ có đi quá các giới
hạn hay không[49]. Với tư cách người bạn của gia đình, ông không phải
cha giáo đạo của cả bà mẹ lẫn người con. Rosalie, bị hành hạ quá mức, xét về
khía cạnh tinh thần, trong liên quan với chàng trai trẻ de Soulas, không thể chết
anh được, để dùng một từ trong ngôn ngữ dân dã. Vậy nên, những lúc anh nói chuyện
với cô nhằm tìm cách bắt chợt trái tim cô, cô tiếp đón anh khá là lạnh nhạt. Sự
ruồng rẫy này, chỉ hiện rõ trong mắt bà mẹ, là một chủ đề không ngừng cho những
mắng mỏ.
“Rosalie, mẹ không thấy có cớ gì để con tỏ ra lạnh lùng đến
thế với Amédée, có phải bởi vì cậu ấy là bạn của gia đình, và chúng ta thích cậu
ấy, bố con và mẹ…
- Dạ! thưa mẹ, một hôm đứa trẻ tội nghiệp đáp, nếu đón tiếp
anh ta nhiệt tình hơn, chẳng phải con còn sai lầm nhiều hơn nữa à?
- Thế nghĩa là thế nào? bà de Watteville kêu lên. Con muốn
nói gì bằng những lời đó? mẹ con không công bằng, có thể, và theo con, mẹ của
con sẽ như vậy ở mọi trường hợp? Đừng bao giờ nói năng bằng cái giọng ấy nữa, với
mẹ của con!…” vân vân và vân vân.
Cuộc cãi cọ này kéo dài ba tiếng bốn lăm phút, và Rosalie
nêu ý kiến về độ dài ấy. Bà mẹ tái nhợt vì tức giận, và đuổi cổ con gái về
phòng, ở đó Rosalie nghiền ngẫm ý nghĩa của cái cảnh đó, chẳng tìm thấy gì cả,
vì cô quá mức vô tội! Thế là, anh chàng de Soulas, mà toàn bộ thành phố Besançon
tưởng đâu đã ở rất gần cái đích mà anh hướng tới, đã dùng bao nhiêu cái cà vạt,
bôi hết nhiều hộp véc ni, dùng cả để bôi cho đen hàng ria, ngần ấy áo gi lê đẹp,
móng ngựa[50] và áo nịt ngực, bởi vì anh mặc một cái gi lê bằng da,
áo nịt ngực của các sư tử; Amédée còn ở xa cái đích đó hơn so với bất kỳ ai, dẫu
cho anh có cho riêng mình cả vị trưởng tu de Grancey cao thượng và cao quý. Vả
lại Rosalie vẫn còn chưa biết, vào thời điểm câu chuyện này bắt đầu, rằng chàng
bá tước trẻ tuổi Amédée de Souleyaz[51] đã được dấm trước cho cô.
“Thưa bà, ông de Soulas nói, hướng sang bà nam tước trong
lúc đợi món canh hơi quá nóng nguội bớt và trong lúc vận công biến câu chuyện của
mình trở nên có dáng dấp tiểu thuyết, một sáng nọ xe bưu điện đã ném xuống
khách sạn National một tay Paridiêng, anh ta, sau khi đi tìm chỗ ở, quyết định
chọn tầng một nhà của cô Galard, trên phố Perron. Rồi, kẻ lạ đi thẳng đến tòa thị chính nộp một bản tuyên bố nơi cư ngụ,
chỗ ở cũng như địa điểm đăng ký các quyền chính trị. Sau cùng anh ta ghi danh
trên bảng danh sách các trạng sư chỗ tòa án, có trình các văn bằng đúng quy định,
và đã gửi danh thiếp đến chỗ tất cả các đồng nghiệp mới, các quan chức ngành luật,
các cố vấn tòa án tất cả các thành viên của tòa án, một tấm danh thiếp trên đó
ghi: ALBERT SAVARON.
“Họ Savaron rất nổi tiếng, Rosalie nói, cô rất khá môn huy
hiệu học. Gia đình Savaron de Savarus là một trong những gia đình lâu đời nhất,
quý tộc nhất và giàu nhất ở Bỉ[52].
- Anh ta là người Pháp và là kẻ học đòi, Amédée de Soulas
nói tiếp. Nếu muốn dùng gia huy nhà Savaron de Savarus thì anh ta phải thêm một
dấu gạch. Ở Brabant hiện chỉ còn lại duy nhất một cô Savarus, một phụ nữ có thừa
kế lớn chưa lấy chồng.
- Dấu gạch thật ra là dấu hiệu của con hoang; nhưng con
hoang của một bá tước de Savarus vẫn là quý tộc, cô de Watteville lại nói.
- Đủ rồi đấy, Rosalie! bà nam tước lên tiếng.
- Mình đã muốn nó biết về gia huy mà, ông nam tước nói, nó
biết rất rành đấy!
- Tiếp tục đi, Amédée.
- Mọi người đều hiểu rằng tại một thành phố nơi mọi thứ đều
được xếp hạng, định danh, biết đến, có chỗ, đo đếm, đánh dấu như ở Besançon,
Albert Savaron đã được đón tiếp bởi các trạng sư của chúng ta mà chẳng có chút
khó khăn nào. Ai cũng chỉ nói độc một câu: Đó là một con quỷ khốn khổ còn chưa
biết Besançon của hắn. Kẻ quỷ quái nào có thể khuyên anh ta đến đây? anh ta định
làm gì ở đây? Gửi danh thiếp đến chỗ các quan tòa, thay vì đích thân tới?… Lỗi
lầm mới lớn làm sao! Thế nên, ba hôm sau, chẳng còn Savaron nữa. Anh ta nhận
làm gia nhân người hầu phòng cũ của ông Galard quá cố, Jérôme, hắn biết nấu bếp
một chút. Người ta lại càng quên Albert Savaron bởi vì chưa ai từng nhìn thấy
hay gặp anh ta.
- Tức là anh ta không đi dự lễ mixa? bà de Chavoncourt hỏi.
- Anh ta đi vào Chủ nhật, nhà thờ Saint-Pierre, nhưng là lễ
mixa đầu tiên, lúc tám giờ. Đêm nào anh ta cũng dậy giữa một và hai giờ, làm việc
đến tám giờ, ăn, rồi sau đó làm việc tiếp. Anh ta đi bách bộ trong vườn, năm
mươi hay sáu mươi vòng; anh ta về, ăn tối, rồi ngủ vào quãng sáu hoặc bảy giờ.
- Làm sao anh biết được tất tật những chuyện ấy? bà de
Chavoncourt hỏi ông de Soulas.
- Trước hết, thưa bà, tôi sống ở phố Neuve ngay góc phố
Perron, tôi nhìn xuống được ngôi nhà nơi cư ngụ cái nhân vật bí hiểm đó; rồi
thì lẽ dĩ nhiên có các giao thiệp giữa hổ của tôi và Jérôme.
- Tức là anh nói chuyện với Babylas?
- Bà muốn tôi làm gì đây những lúc đi dạo?
- Vậy thì, tại sao cha lại có thể nhận một người xa lạ làm
trạng sư được? bà nam tước hỏi, bằng cách ấy chuyển lời sang cho cha tổng phụ
tá.
- Lão chánh tòa đã chơi xấu viên trạng sư ấy khi giao anh ta
biện hộ phúc thẩm cho một nông dân rất dốt nát, bị buộc tội nhầm. Ông Savaron
đã khiến con người tội nghiệp ấy được trắng án bằng cách chứng minh sự vô tội của
anh ta, bằng cách cho thấy anh ta đã trở thành công cụ cho bọn hung thủ đích thực.
Không chỉ hệ thống của anh ta đã chiến thắng, mà anh ta còn khiến bắt giữ hai
nhân chứng, bọn họ nhận tội và đã bị kết án. Những lời biện hộ của anh ta đã
gây ấn tượng mạnh lên Tòa và bồi thẩm. Một trong số họ, một thương gia, ngày
hôm sau đã giao cho ông Savaron một phiên tòa tế nhị, mà anh ta đã thắng. Trong
hoàn cảnh của chúng tôi, khi mà ông Berryer[53] không thể đến
Besançon được, ông de Garceneault đã khuyên chúng tôi nhờ ông Albert Savaron, dự
đoán trước là chúng tôi sẽ thắng kiện. Ngay khi gặp anh ta, nghe anh ta nói,
tôi đã thấy tin vào anh ta, tôi đã không nhầm.
- Thế anh ta có gì đó đặc biệt, bà de Chavoncourt lên tiếng.
- Đúng, cha tổng phụ tá đáp.
- Vậy thì cha giải thích cho chúng con đi, bà de Watteville
nói.
- Lần đầu tiên tôi gặp anh ta, trưởng tu de Grancey kể, anh
ta tiếp tôi tại căn phòng đầu tiên sau phòng ngoài (tức là phòng khách cũ của
ông Galard trung hậu), mà anh ta đã cho lát gỗ sồi cũ toàn bộ, và tôi thấy chất
đầy sách luật trong hai cái tủ cũng sơn giả gỗ cũ. Lớp sơn đó và đống sách là
toàn bộ sự xa xỉ, bởi vì đồ đạc chỉ gồm một bàn làm việc đóng bằng gỗ cũ, sáu
cái phô tơi cũ lót đệm, tại các cửa sổ là những tấm ri đô màu nâu nhạt viền
xanh lục, và một tấm thảm màu lục trên sàn nhà. Lò sưởi của phòng ngoài dùng
luôn cho phòng sách này. Trong lúc ở đó đợi anh ta, tôi không hề hình dung trạng
sư của chúng tôi trong một khuôn mặt trẻ trung. Khung cảnh đặc biệt ấy thực sự
ăn nhập với khuôn mặt, vì ông Savaron xuất hiện trong cái áo choàng trong nhà bằng
len mérinos màu đen, buộc dây đỏ, đi đôi păng túp đỏ, một chiếc áo gi lê flanen
đỏ, một cái mũ ca lô đỏ.
- Đồng phục của quỷ! bà de Watteville kêu lên.
- Phải rồi, trưởng tu nói; nhưng đó là một khuôn mặt tuyệt vời:
tóc đen, đã lốm đốm vài sợi bạc, tóc giống như tóc của thánh Pierre và thánh
Paul mà ta hay thấy trên các bức tranh, gồm nhiều lọn xoăn rậm và bóng, cứng
như đuôi ngựa, một cái cổ trắng và tròn giống như cổ phụ nữ, một vầng trán rất
đẹp hằn ở giữa một nếp nhăn sâu mà các dự án lớn, các suy tư lớn, các trầm tư mạnh
mẽ in lên trán những con người vĩ đại; một nước da nâu ngà điểm những đốm đỏ, một
cái mũi vuông, cặp mắt bừng lửa, rồi thì đôi má hõm, in dấu hai nếp nhăn dài chất
chứa đau khổ, một cái miệng hay cười nhếch mép và một cái cằm nhỏ, mảnh và quá
ngắn; vết chân chim trên hai thái dương, cặp mắt trũng sâu, linh động bên dưới
hai vòm cong lông mày giống như hai quả cầu cháy rực; nhưng, mặc cho tất tật những
dấu chỉ ấy của các dục vọng mãnh liệt, anh ta có một dáng vẻ yên bình, nhẫn nhịn
đầy sâu sắc, giọng nói dịu dàng đi vào lòng người, và nó đã khiến tôi kinh ngạc
ở Tòa bởi sự trôi chảy của nó, giọng nói của nhà hùng biện đích thực, khi thuần
khiết và mưu mẹo, lúc lại khéo léo, và gầm lên nếu cần, rồi chuyển sang châm biếm
và khi ấy trở nên hung tợn. Ông Albert Savaron vóc người tầm thước, không béo
không gầy. Cuối cùng, anh ta có đôi bàn tay của đại giáo sĩ. Lần thứ hai tôi tới
nhà anh ta, anh ta tiếp tôi trong căn phòng tiếp giáp với phòng sách kia, và mỉm
cười trước nỗi kinh ngạc của tôi khi tôi thấy ở đó một cái tủ commốt khốn khổ,
một tấm thảm tệ hại, một cái giường như giường học sinh nội trú và ở các cửa sổ
là rèm trúc bâu. Anh ta từ cabinet đi ra, không ai được vào đó, Jérôme nói với
tôi như vậy, bản thân Jérôme cũng không vào, chỉ đứng ngoài gõ cửa. Ông Savaron
tự tay khóa trái cánh cửa đó lại ngay trước mặt tôi. Lần thứ ba, anh ta đang ăn
trưa trong phòng sách, hết sức tằn tiện; nhưng lần ấy, vì anh ta đã thức cả đêm
xem kỹ các giấy tờ của chúng tôi, tôi lại đi cùng trạng sư của chúng tôi[54],
chúng tôi ở lại rất lâu, ông Girardet thân mến thì nói rất nhiều, tôi đã có thể
tự cho phép mình nhìn thật kỹ con người xa lạ đó. Chắc chắn, đó không phải một
kẻ tầm thường. Có nhiều hơn một bí mật đằng sau cái mặt nạ vừa khủng khiếp vừa
hiền dịu, vừa kiên nhẫn vừa sốt ruột, vừa đầy vừa rỗng ấy. Tôi thấy anh ta hơi
gù lưng, giống như tất cả những ai phải vác một gánh nặng.
- Tại sao một người có tài hùng biện như vậy lại rời khỏi
Paris? Anh ta đến Besançon với dự định gì? Tức là người ta chưa từng nói với
anh ta rằng ở đây người lạ có rất ít cơ may thành công? Ở đây người ta sẽ sử dụng
anh ta, nhưng người Besançon sẽ chẳng để những kẻ kia sử dụng họ đâu. Tại sao,
một khi đã đến đây, anh ta lại kín tiếng đến mức phải cần đến một cơn nổi hứng
bất thường của ông chánh tòa thì anh ta mới trở nên nổi bật được? bà
Chavoncourt xinh đẹp hỏi.
- Sau khi đã nhìn thật kỹ càng khuôn mặt rất đẹp đó, trưởng
tu de Grancey, ranh mãnh nhìn người phụ nữ vừa ngắt lời ông, tạo cảm giác ông
đang che giấu điều gì đó, nói tiếp, và nhất là sau khi đã nghe anh ta đối đáp
sáng nay với một trong những đại bàng của giới trạng sư Paris, tôi nghĩ rằng
người này, chắc quãng ba lăm tuổi, rồi đây sẽ gây chấn động lớn…
- Tại sao ta lại phải bận tâm quá nhiều nhỉ? Vụ kiện của bên
các cha đã thắng, cha đã trả tiền cho anh ta”, bà de Watteville nói, quan sát
cô con gái, kể từ khi cha tổng phụ tá bắt đầu kể chuyện, cô như thể đeo cứng lấy
từng lời của ông.
Cuộc trò chuyện quay sang một hướng khác, và không còn nhắc
gì đến Albert Savaron nữa.
Bức chân dung phác họa bởi cha tổng phụ tá nhiều năng lực nhất
của giáo phận lại càng mang nhiều nét hấp dẫn tiểu thuyết hơn đối với Rosalie bởi
vì ở đó có một cuốn tiểu thuyết. Lần đầu tiên trong đời, cô gặp được con người
ngoạn mục này, con người tuyệt diệu này, mà mọi trí tưởng tượng trẻ trung đều
ve vuốt, và trước đó nỗi hiếu kỳ lao tới, ở tuổi của Rosalie vốn dĩ nó lớn đến
thế. Anh chàng Albert kia, u tối, ốm yếu, hùng biện, cần mẫn, là một con người
lý tưởng làm sao, mà cô de Watteville so sánh với tay bá tước má phính to béo,
ngồn ngộn sức khỏe, nói năng thì tuyền õng ẹo, cả gan mở miệng bàn về sự thanh
lịch ngay trước sự huy hoàng của các bá tước cổ xưa nhà de Rupt! Amédée đối với
cô chỉ là những cuộc cãi cọ và những lời mắng mỏ, vả lại cô biết quá rõ anh,
còn ông Albert Savaron ấy thì ẩn chứa nhiều bí ẩn đến thế để giải mã.
“Albert Savaron de Savarus”, cô thầm nhắc lại.
Rồi thì gặp anh, trông thấy anh!… Đó là ham muốn của một cô
bé cho tới lúc này còn chưa hề có ham muốn. Cô duyệt lại trong tim, trong trí
tưởng tượng của mình, trong đầu nữa, từng câu nói nhỏ nhặt nhất của trưởng tu
de Grancey, bởi vì mọi lời lẽ đều đã gây chấn động.
“Một vầng trán đẹp, cô tự nhủ, nhìn trán từng người đàn ông
đang ngồi quanh bàn, mình chẳng thấy đến một cái trán nào đẹp… Trán của ông de
Soulas thì gồ quá, của ông de Grancey thì cũng đẹp, nhưng ông ấy bảy mươi tuổi
rồi và không có tóc, không rõ là trán ông ấy kết thúc ở chỗ nào nữa.”
“Con sao thế, Rosalie? con chẳng ăn gì cả…
- Con không thấy đói, thưa mẹ”, cô đáp. “Đôi bàn tay của đại
giáo sĩ… trong thâm tâm cô tiếp tục, mình chẳng còn nhớ tay của đức cha tổng
giám mục đẹp đẽ, thế mà cha đã làm lễ kiên tín cho mình.”
Rốt cuộc, giữa những tới lui mà cô thực hiện trong mê cung
cuộc mơ mộng riêng, cô nhớ tới, sáng bừng qua hàng cây của hai khu vườn kề
nhau, một cửa sổ sáng đèn mà cô từng nhìn thấy từ trên giường khi tình cờ tỉnh
dậy trong đêm: “Đó là ánh đèn của anh ấy, cô tự nhủ, mình có thể trông thấy anh
ấy! mình sẽ thấy anh ấy.
- Ông de Grancey, mọi chuyện đã kết thúc với vụ kiện của
giáo đoàn rồi chứ ạ?” Rosalie đột ngột hỏi cha tổng phụ tá trong một quãng im lặng.
Bà de Watteville nhanh chóng liếc mắt trao đổi với cha tổng
phụ tá.
“Thì có liên quan gì đến con, con gái yêu quý? bà nói với
Rosalie, trong giọng nói có một sự dịu dàng vờ vịt khiến con gái bà trở nên cẩn
trọng suốt quãng đời còn lại.
- Cũng có thể sẽ phải ra tòa phúc thẩm, nhưng các đối thủ của
chúng tôi sẽ phải cân nhắc rất nhiều, trưởng tu đáp.
- Tôi chưa bao giờ tin nổi là Rosalie có thể suy nghĩ trong
suốt một bữa tối đến một vụ kiện, bà de Watteville lại nói.
- Con cũng không, Rosalie nói, vẻ hơi mơ màng, khiến mọi người
phá lên cười. Nhưng ông de Grancey bận tâm về nó nhiều quá nên con cũng thấy tò
mò. Có gì đâu ạ!”
Mọi người đứng dậy khỏi bàn, và đi sang phòng khách. Suốt buổi
tối, Rosalie lắng nghe để xem người ta có còn nhắc tới Albert Savaron hay
không; nhưng ngoài những lời chúc mừng vụ kiện thắng lợi mà mỗi người khi đến
nói với vị trưởng tu, và trong đó chẳng ai buồn ca ngợi trạng sư, tên anh không
hề được nêu lên nữa. Cô de Watteville sốt ruột đợi đến đêm. Cô tự hứa với mình
là sẽ dậy trong khoảng từ hai đến ba giờ sáng để nhìn các cửa sổ cabinet của
Albert. Tới giờ ấy, cô cảm thấy gần như sung sướng khi được ngắm nhìn luồng ánh
sáng xuyên qua đám cây hầu trụi lá, phát ra từ những ngọn nến của viên trạng
sư. Nhờ thị giác tuyệt hảo của một thiếu nữ, lại được nỗi hiếu kỳ làm cho còn
tinh tường hơn nữa, cô nhìn thấy Albert đang viết, cô nghĩ mình nhìn rõ màu đồ
đạc, dường như là màu đỏ. Ống khói cuộn lên phía trên mái nhà một cột khói đặc.
“Khi ai ai cũng ngủ, thì anh ấy thức… như Chúa!” cô tự nhủ.
Sự giáo dục các cô bé chứa đựng những vấn đề hết sức nghiêm
trọng[55], bởi vì tương lai một quốc gia nằm ở bà mẹ, vì từ lâu nay
Đại Học nước Pháp đã tự trao cho mình sứ mạng là không hề nghĩ đến điều đó. Sau
đây là một trong những vấn đề ấy. Người ta có cần soi sáng cho các thiếu nữ,
người ta có cần o ép tinh thần họ hay không? hiển nhiên là hệ thống tôn giáo có
nhiều tính chất o ép: nếu soi sáng cho họ, ta sẽ biến họ thành lũ quỷ trước khi
đến tuổi; nếu ngăn cản họ suy nghĩ, ta sẽ đến với sự bùng nổ đột ngột đã được
miêu tả tài tình đến thế nơi nhân vật Agnès của Molière[56], và ta đặt
cái tinh thần bị o ép này, mới mẻ đến vậy, sắc sảo đến vậy, mau lẹ và khôn
ngoan như người mọi rợ, nương nhờ tùy ý một sự kiện, cơn khủng hoảng ghê gớm được
dẫn tới cho cô de Watteville do bức phác họa thiếu thận trọng mà một trong những
trưởng tu thận trọng nhất của Giáo Đoàn Besançon đầy thận trọng đã tự cho phép
mình vẽ ra bên bàn ăn.
Sáng hôm sau, cô de Watteville, trong lúc mặc quần áo, nhất
thiết phải nhìn Albert Savaron đang đi bách bộ trong khu vườn sát kề với khu vườn
dinh thự nhà de Rupt.
“Mình sẽ ra sao đây, cô nghĩ, nếu anh ấy ở một nơi khác?
Mình có thể nhìn thấy anh ấy. Anh ấy đang nghĩ gì thế nhỉ?”
Sau khi đã nhìn, nhưng là từ xa, con người lạ thường đó, người
duy nhất có vẻ bên ngoài tách biệt một cách mãnh liệt với đám khuôn mặt người
Besançon từng nhìn thấy cho tới khi ấy, Rosalie nhanh chóng nhảy tới ý tưởng
xâm nhập vào bên trong anh, tìm biết các nguyên do cho ngần ấy bí ẩn, nghe thấy
cái giọng nói hùng biện đó, nhận được một ánh mắt từ cặp mắt đẹp kia. Cô muốn tất
tật những thứ ấy, nhưng phải làm sao bây giờ?
Suốt cả ngày, cô ngồi thêu, với sự chú tâm đần độn của người
thiếu nữ, giống Agnès, như thể chẳng nghĩ đến điều gì thế nhưng lại suy tư rất
thấu đáo về mọi thứ, các mưu mẹo của cô thật kinh khiếp. Từ suy tưởng sâu sắc ấy,
kết quả rút ra ở Rosalie là một ham muốn xưng tội. Sáng hôm sau, lễ mixa kết
thúc, ở Saint-Pierre cô gặp trưởng tu Giroud, và nũng nịu với ông đến mức cuộc
xưng tội được ấn hành vào sáng Chủ nhật, lúc bảy giờ rưỡi, trước lễ mixa tám giờ.
Cô nói dối đến cả chục lần để có thể đến được nhà thờ, lần duy nhất, vào cái giờ
trạng sư hay tới để nghe lễ. Rốt cuộc cô tỏ ra trìu mến quá mức với ông bố, cô
sang bên xưởng gặp ông, và hỏi ông cả nghìn thông tin về nghệ thuật tiện, nhằm
tìm cách khuyên bố phải tiện những thứ to lớn, các cây cột. Sau khi lăng xê được
ông bố đi vào con đường những cây cột xoắn, một trong những khó khăn của nghệ
thuật tiện, cô khuyên ông nên tận dụng một đống đá lớn nằm ngay giữa vườn để
làm một cái hang, trên đó đặt một ngôi đền nhỏ dùng làm vọng lâu, nơi những cây
cột xoắn sẽ được dùng và lấp lánh trong mắt tất cả mọi người.
Ở giữa niềm vui mà công trình đó gây ra cho người đàn ông
nhàn rỗi khốn khổ, Rosalie vừa hôn ông vừa nói:
“Nhất là đừng nói với mẹ ai làm bố nảy ra ý tưởng ấy đấy
nhé, mẹ sẽ mắng con cho mà xem.
- Cứ yên tâm”, ông de Watteville đáp, ông cũng rên xiết
không khác gì con gái dưới sự áp bức của người con gái khủng khiếp nhà de Rupt.
Vậy là Rosalie đã được chắc chắn sẽ là chóng vánh thấy dựng
lên một đài quan sát xinh đẹp từ đó có thể nhìn vọng sang cabinet của trạng sư.
Và có những người đàn ông được các thiếu nữ thực hiện cho những kiệt tác về ngoại
giao như thế, những người ấy, phần lớn thời gian, giống Albert Savaron, chẳng hề
biết gì.
Chủ nhật đó, được chờ đợi với ít kiên nhẫn đến vậy, đã tới,
và phục trang của Rosalie được chuẩn bị với một sự cẩn thận khiến Mariette, cô
hầu phòng của bà và cô de Watteville phải mỉm cười.
“Đây là lần đầu tiên tôi thấy cô đỏm thế này đấy! Mariette
nói.
- Chị làm tôi nghĩ, Rosalie nói, ném sang Mariette một ánh mắt
khiến hai má cô hầu phòng đỏ lựng lên, rằng có những ngày chị đỏm đặc biệt, hơn
nhiều so với những hôm khác.”
Rời khỏi thềm nhà, đi qua sân, quá cánh cửa, ra đến phố,
trái tim Rosalie đập dồn như những khi ta dự cảm một sự kiện lớn lao. Cho tới
lúc ấy cô không biết đi trên phố phường nghĩa là như thế nào: cô đã tưởng đâu mẹ
cô đọc được các dự định trên trán cô và sẽ cấm cô đi xưng tội, cô cảm thấy một
dòng máu mới nơi hai bàn chân, cô nhấc chúng lên như thể đang bước đi trên đống
lửa! Lẽ dĩ nhiên, cô đã đặt hẹn với cha giáo đạo của mình vào lúc tám giờ mười
lăm phút, nhưng nói với mẹ là tám giờ, nhằm được chờ đợi mười lăm phút ở gần
Albert. Cô đến nhà thờ trước giờ lễ mixa và, sau khi cầu nguyện thật nhanh, cô
đi xem trưởng tu Giroud có ở phòng xưng tội không, chỉ để có thể lơ vơ trong
nhà thờ. Thế là cô có thể tìm được chỗ để nhìn Albert đúng thời điểm anh bước
vào nhà thờ.
Phải là một người đàn ông xấu thậm tệ thì mới không được coi
là đẹp trai trong tình trạng mà sự hiếu kỳ đã đặt cô de Watteville vào. Thế
nhưng, Albert Savaron vốn dĩ đã rất đáng chú ý lại càng tạo thêm nhiều ấn tượng
lên Rosalie bởi vì cung cách của anh, dáng điệu của anh, phong thái của anh, tất
tật, cho đến cả trang phục của anh, mang cái gì đó không rõ chỉ có thể được giải
thích bằng từ bí ẩn! Anh bước vào.
Ngôi nhà thờ cho đến khi đó tối om, đối với Rosalie như thể chợt bừng sáng. Cô
thiếu nữ ngây ngất trước dáng đi chậm rãi và gần như uy nghi của những con người
phải gánh cả một thế giới trên vai, với ánh mắt sâu thẳm, với cử chỉ, thảy trộn
vào nhau để diễn đạt một suy nghĩ hoặc nhiều sức tàn phá hoặc có tính chất thống
ngự. Lúc đó Rosalie hiểu ra những lời của cha tổng phụ tá trong toàn bộ kích
thước của chúng. Đúng, cặp mắt màu vàng sậm điểm những lưới vàng ròng kia bao gồm
một nhiệt hứng lộ ra bởi những tia đột ngột. Rosalie, với một sự thiếu thận trọng
mà Mariette nhận ra, đứng trên đường trạng sư đi qua nhằm có thể trao anh một
ánh mắt; và ánh mắt được tìm kiếm đó làm biến đổi máu trong người cô, bởi vì
máu của cô rên lên và sôi sục như thể độ nóng của nó đã tăng gấp đôi. Ngay khi
Albert đã ngồi xuống, cô de Watteville vội nhanh chóng chọn chỗ cho mình, sao
cho có thể nhìn anh thật rõ trong suốt quãng thời gian trưởng tu Giroud để cho
cô. Khi Mariette nói: “Ông Giroud kìa”, Rosalie thấy dường như thời gian ấy chỉ
mới kéo dài được vài phút. Lúc cô rời khỏi phòng xưng tội, lễ mixa đã xong,
Albert đã rời khỏi nhà thờ.
“Cha tổng phụ tá đã nói đúng, cô nghĩ, anh ấy đau khổ! Tại sao con đại bàng ấy, bởi vì anh ấy có cặp mắt của
đại bàng, lại đậu xuống Besançon? Ôi! mình muốn biết mọi chuyện, nhưng cách nào
đây?”
Dưới làn lửa thiêu của ham muốn mới này, Rosalie ngồi dệt thảm
với một sự chuẩn xác đáng ngưỡng mộ, và che giấu các suy tưởng riêng bên dưới một
dáng vẻ ngây thơ muốn tỏ ra đần độn nhằm đánh lừa bà de Watteville. Kể từ ngày
Chủ nhật cô de Watteville nhận được ánh mắt đó, hoặc, nếu thích hơn, nhận
báp-têm trong lửa đó, những từ tuyệt diệu của Napoléon có thể dùng cho tình
yêu, cô nóng lòng thúc đẩy vụ xây cất vọng lâu.
“Mẹ ơi, cô nói khi đã có hai cây cột tiện xong, bố con mới nảy
ra một ý định kỳ dị, bố tiện những cây cột để làm một cái vọng lâu mà bố định dựng
bằng đống đá chất ở giữa sân, mẹ có đồng ý không? Con thì con nghĩ rằng…
- Mẹ đồng ý với mọi thứ gì mà bố con làm, bà de Watteville
thẳng thừng đáp lại, và bổn phận của phụ nữ là tuân phục chồng của họ, dẫu cho
họ chẳng hề tán thành các ý tưởng… Tại sao mẹ lại phải chống đối một điều trời
ơi đất hỡi về bản chất như thế, nếu như mà nó khiến ông de Watteville thấy vui
thích?
- Nhưng từ đó chúng ta sẽ nhìn thấy nhà ông de Soulas, và
ông de Soulas sẽ nhìn thấy chúng ta khi chúng ta ở đó. Có thể người ta sẽ nói…
- Con đang có, Rosalie, ý định điều khiển bố mẹ của con, và
biết rõ hơn bố mẹ con về cuộc đời cùng các quy chuẩn đấy à?
- Con im vậy, thưa mẹ. Thêm nữa, bố còn nói cái hang sẽ tạo
thành một căn phòng mát mẻ và chúng ta có thể lên đó uống cà phê.
- Bố con có những ý tưởng thật tuyệt vời đấy”, bà de
Watteville đáp, bà muốn đi xem đống cột.
Bà tỏ ý tán thành dự án của nam tước de Watteville, chỉ định
một chỗ nơi góc vườn để xây dựng công trình, tại đó họ sẽ không bị trông thấy từ
nhà ông de Soulas, nhưng từ đó lại có thể nhìn rất rõ vào nhà ông Albert
Savaron. Một thầu xây dựng được gọi đến và giao cho việc dựng một cái hang có
thể đi lên trên đỉnh nhờ một lối đi nhỏ rộng ba bộ, đặt các hòn giả sơn trồng
nhạn lai hồng, diên vỹ, hoàng ngân, thường xuân, kim ngân, nho dại. Bà nam tước
nghĩ là phải lát nội thất cái hang bằng gỗ mộc khi ấy đang là mốt cho các chậu
hoa, đặt ở trong góc một tấm gương, một cái đi văng có thể kéo ra kéo vào và một
cái bàn dát gỗ grume[57]. Ông de Soulas đề xuất lát sàn bằng nhựa đường[58].
Rosalie hình dung sẽ treo trên vòm một chùm đèn bằng gỗ đẽo.
“Nhà Watteville đang làm cái gì đó rất hấp dẫn trong vườn của
họ, người ta kháo nhau ở Besançon.
- Họ giàu mà, họ có thể chi nghìn écu[59] cho một
trò phăng te zi.
- Nghìn écu?… bà de Chavoncourt hỏi.
- Vâng, nghìn écu, chàng trai de Soulas kêu lên. Họ mời một
người từ Paris để làm nội thất, nhưng sẽ đẹp lắm đấy. Ông de Watteville tự tay
làm đèn chùm, ông ấy bắt đầu đẽo gỗ rồi…
- Người ta nói Berquet sẽ đào một cái hầm, một vị trưởng tu
nói.
- Không, chàng thanh niên de Soulas nói tiếp, ông ấy đặt cái
chòi trên bệ bê tông để tránh ẩm.
- Anh biết từng chi tiết nhỏ nhặt nhất trong nhà đấy nhỉ”,
bà de Chavoncourt nói, chua như giấm, đưa mắt nhìn một trong các cô con gái lớn
đã đến tuổi lấy chồng từ một năm nay.
Cô de Watteville, cảm thấy chút ngạo nghễ khi nghĩ tới thành
công thuộc về vọng lâu của cô, tự nhận thấy mình có sự vượt trội hơn hẳn so với
mọi thứ gì bao quanh cô. Chẳng ai đoán được rằng một thiếu nữ, bị đánh giá là
thiếu trí tuệ, ngây độn, đã chỉ đơn giản là muốn nhìn từ khoảng cách gần hơn
cabinet của trạng sư Savaron.
Cuộc biện hộ xuất chúng của Albert Savaron cho Giáo Đoàn của
nhà thờ lớn lại càng bị lãng quên mau chóng hơn bởi vì lòng ghen tị của các trạng
sư đã thức dậy. Vả lại, trung thành với sự náu mình, Savaron không hề xuất hiện
ở đâu. Không người ca tụng và chẳng gặp ai, anh làm tăng thêm các cơ may bị
quên mất, cái thứ vốn dĩ, tại một thành phố giống như Besançon, đầy rẫy đối với
một người lạ. Tuy nhiên, anh biện hộ ba lần tại tòa thương mại, trong ba vụ việc
nhiều hung hiểm phải chuyển sang bên Tòa. Thế nên anh có khách hàng là bốn
trong số các thương gia lớn nhất của thành phố, họ nhận ra ở anh rất nhiều trí
tuệ và cái mà dân tỉnh gọi là một khả
năng đánh giá rất tốt, đến nỗi họ giao cho anh giải quyết các vụ tranh chấp
của mình. Cái ngày nhà Watteville khánh thành vọng lâu, Savaron cũng dựng công
trình của anh. Nhờ các mối quan hệ âm thầm mà anh đã có được trong giới thương
mại cao cấp của Besançon, anh lập ra ở đây một tờ tạp chí dưới dạng bán nguyệt
san, tên là Tạp chí miền Đông, nhờ vào
bốn mươi cổ phần, mỗi cái năm trăm franc, chúng là món đầu tư từ mười khách
hàng đầu tiên của anh, những người anh đã làm cho cảm thấy là cần giúp đỡ cho vận
hạn của Besançon, thành phố hẳn sẽ trở thành trạm trung chuyển giữa Mulhouse và
Lyon, điểm chiến lược giữa sông Rhin và sông Rhône[60].
Để có thể đương đầu với Strasbourg, chẳng phải Besançon cũng
cần vừa trở thành một trung tâm ánh sáng, vừa một điểm thương mại hay sao? Chỉ
có thể bằng một tờ Tạp Chí người ta mới bàn được các vấn đề cốt yếu liên quan đến
lợi ích miền Đông. Vinh quang thay nếu cướp được từ Strasbourg và Dijon ảnh hưởng
văn chương của họ, soi sáng cho miền Đông nước Pháp, và tranh đấu chống lại mức
độ tập trung hóa của Paris[61]. Các nhận định do Albert tìm ra này
được nhắc lại qua miệng mười thương gia, họ coi những ý tưởng ấy là của mình.
Trạng sư Savaron không phạm phải lỗi lầm là đứng tên đại diện,
anh giao quyền quản lý tài chính cho khách hàng đầu tiên của anh, ông Boucher,
vốn dĩ qua vợ là thông gia với một trong những nhà xuất bản mạnh nhất chuyên ấn
hành các quyển sách lớn cho giới tăng lữ; nhưng anh tự đảm nhiệm biên tập bộ, với
tư cách người sáng lập hưởng phần lãi riêng. Họ kêu gọi ở Dole, Dijon, Salins,
Neufchâtel, vùng Jura, Bourg, Nantua, Lons-le-Saulnier. Ở đó người ta tuyên bố
có sự giúp sức về ánh sáng và nỗ lực của tất cả mọi con người cần cù của ba tỉnh
Bugey, Bresse và Comté. Nhờ các mối quan hệ thương mại và phường hội, có ngay một
trăm năm mươi người đặt báo dài hạn, cũng vì báo rẻ nữa: Tạp Chí chỉ bán tám
franc mỗi quý. Để tránh chạm đến lòng tự ái của tỉnh nếu từ chối đăng bài vở,
trạng sư đã khôn ngoan trao quyền phụ trách mảng văn chương của Tạp Chí cho con
trai cả của ông Boucher, chàng thanh niên hăm hai tuổi, rất khao khát vinh
quang, người tuyệt đối xa lạ với những cái bẫy và nỗi sầu muộn của công việc quản
lý văn chương. Albert bí mật đứng đằng sau giật dây, và biến Alfred Boucher
thành một kẻ hâm mộ cuồng tín. Alfred là người duy nhất ở Besançon mà ông vua của
giới trạng sư kết thân. Alfred sáng sáng đến họp trong vườn với Albert về chuyện
bài vở số tới. Khỏi cần nói số thử nghiệm đăng một Trầm Tư của Alfred, nhận được lời tán thành của Savaron. Trong khi
chuyện trò với Alfred, Albert để lộ ra nhiều ý tưởng lớn, các chủ đề bài báo
sau đó sẽ được chàng Boucher trẻ tuổi tận dụng. Vậy nên con trai của viên
thương gia tưởng rằng mình đang khai thác nhân vật lớn lao này! Albert là một
thiên tài, một con người chính trị sâu sắc, trong mắt Alfred. Các thương gia,
sung sướng vì thành công của Tạp Chí, chỉ phải chi ba phần mười cho các cổ phần
của họ. Chỉ cần thêm hai trăm người đặt dài hạn, Tạp Chí sẽ có thể trả cổ tức ở
mức năm phần trăm cho các cổ đông, vì không phải trả tiền nhuận bút. Biên tập bộ
này là vô giá.
Đến số thứ ba, Tạp Chí đã trao đổi được với mọi tờ báo ở
Pháp mà Albert đọc ở nhà mình. Số thứ ba này đăng một Truyện Ngắn, ký tên A.S.,
và được coi là của trạng sư lừng danh. Mặc cho mối quan tâm ít ỏi mà giới thượng
lưu Besançon dành cho tờ Tạp Chí bị buộc tội là theo khuynh hướng tự do, ở nhà
bà de Chavoncourt, vào giữa mùa đông, người ta bàn đến Truyện Ngắn đầu tiên bừng
nở tại Comté này.
“Bố ơi, Rosalie nói, ở Besançon mới có một tờ Tạp Chí, bố phải
đặt nó đi rồi giữ ở chỗ bố, vì mẹ sẽ không để cho con đọc nó đâu, nhưng bố cho
con mượn nhé.”
Vốn dĩ sốt sắng tuân lời Rosalie thân yêu, kể từ năm tháng
nay cô tỏ ra vô cùng trìu mến ông, ông de Watteville đích thân đi đặt hẳn một
năm Tạp chí miền Đông, và cho con gái
mượn bốn số đã ra. Trong đêm, Rosalie đọc ngấu nghiến truyện ngắn này, truyện
ngắn đầu tiên cô đọc trong đời; nhưng cô mới chỉ cảm thấy mình sống kể từ hai
tháng nay mà thôi! Vậy nên không được đánh giá hiệu ứng mà tác phẩm này hẳn gây
ra cho cô theo các dữ kiện thông thường. Không hề có định kiến từ trước về
trình độ hơn hay kém của sáng tác dưới tay một Paridiêng này, cái thứ mang lại
về tỉnh chất liệu, sự ngời sáng, nếu muốn nói vậy, của trường phái văn chương mới,
nó chẳng thể nào không trở nên một kiệt tác đối với một thiếu nữ giao nộp trí
tuệ trinh trắng, trái tim thuần khiết của mình cho một tác phẩm đầu tiên thuộc
loại này. Vả lại, dựa trên những gì đã nghe, Rosalie, nhờ trực giác, tự tạo cho
mình một ý tưởng làm tăng đặc biệt nhiều giá trị của Truyện Ngắn kia. Cô hy vọng
tìm thấy ở đó các tình cảm và có lẽ một điều gì đó về cuộc đời Albert. Ngay từ
những trang đầu tiên, ý nghĩ ấy đã trở thành một hằng số nhất quyết ở cô, đến nỗi
sau khi đọc xong đoản văn này, cô đã chắc chắn mình không nhầm. Thế nên sau đây
là lời tâm sự nơi, theo các nhà phê bình của phòng khách Chavoncourt, Albert hẳn
đã bắt chước một số nhà văn hiện đại, những người, vì thiếu tài bịa chuyện, kể
lại những niềm vui của chính mình, những nỗi bất hạnh của chính mình hoặc các sự
kiện bí hiểm của cuộc đời mình.
TRỞ
NÊN THAM VỌNG VÌ TÌNH YÊU
Năm 1823, hai thanh niên tự định ra chủ đề cho chuyến du
hành là đi khắp Thụy Sĩ [62] khởi hành từ Lucerne một buổi sáng đẹp
trời tháng Bảy, trên một con thuyền ba tay chèo, và đến Fluelen, dự định dừng lại
trên hồ Bốn Bang tại mọi địa điểm nổi tiếng. Các phong cảnh từ Lucerne tới Fluelen
bao quanh các mặt nước trưng bày mọi kết hợp mà trí tưởng tượng đòi hỏi cao nhất
có thể đòi hỏi với núi và sông, với hồ và đá, với suối và tán lá, với cây và ghềnh
thác. Lúc thì là những nỗi cô độc khắc kỷ và các gò đất duyên dáng, những thung
lũng điệu đà và tươi mát, những cánh rừng mọc trên đá granit dốc ngược như một
trò khoe mẽ, những vịnh cô đơn và mát lạnh mở ra, những thung lũng với các kho
báu hiện ra, đẹp thêm lên bởi sự xa xôi của các giấc mơ.
Đi qua trước trấn Gersau quyến rũ, một trong hai người bạn
ngắm nhìn thật lâu một ngôi nhà gỗ dường như mới được dựng chưa lâu, bao quanh
là một dãy cột, trên một gò đất cao và gần như tắm mình trong dòng nước. Khi
con thuyền đi qua phía trước, một khuôn mặt phụ nữ từ tận sâu phòng ngủ nằm
trên tầng một ngôi nhà hiện ra, để ngắm cảnh con thuyền đi trên hồ. Một trong
hai chàng thanh niên nhận được ánh mắt được người phụ nữ xa lạ ném xuống một
cách thờ ơ.
“Chúng ta hãy dừng lại ở đây, chàng nói với bạn, chúng ta đã
muốn biến Lucerne thành tổng hành dinh để đi thăm Thụy Sĩ, nhưng cậu đừng nghĩ
xấu nhé, Léopold, vì mình đổi ý, mình sẽ ở lại đây giữ đồ. Cậu cứ làm những gì
mà cậu muốn, còn với mình chuyến đi đã kết thúc. Các anh chèo thuyền, rẽ vào
đi, và cho chúng tôi xuống chỗ ngôi làng kia, chúng tôi sẽ ăn trưa ở đó. Mình sẽ
tới Lucerne lấy tất tật đồ đạc của chúng ta và cậu, trước khi đi khỏi đây, sẽ
biết mình trọ ở nhà nào, để có thể tìm thấy mình khi trở lại.
- Đây hay Lucerne, Léopold đáp, thì cũng chẳng khác nhau mấy,
để mà mình lại đi ngăn cản cậu làm theo một ý thích bất chợt.”
Hai thanh niên này là hai người bạn theo đúng nghĩa của từ
này. Họ bằng tuổi nhau, từng học cùng trường; và sau khi học xong ngành luật, họ
sử dụng kỳ nghỉ cho chuyến du lịch Thụy Sĩ hết sức cổ điển. Do ý chí của ông bố,
Léopold đã được dành sẵn chỗ tại một văn phòng chưởng khế tại Paris[63].
Tinh thần nghiêm ngắn của chàng, sự dịu dàng, sự bình thản của tâm trí và trí
tuệ chàng đảm bảo cho sự vâng lời nơi chàng. Léopold đã thấy trước mình sẽ trở
thành chưởng khế ở Paris: cuộc đời trước mặt chàng giống như một con đường
thênh thang băng ngang một bình nguyên nước Pháp, chàng bao quát lấy toàn bộ độ
mở rộng của nó với một sự nhẫn nhịn đầy tinh thần triết học.
-----------
[25] Từ này có nghĩa là “thuộc địa”,
nhưng chủ yếu cần nhìn thấy ở đây âm hưởng lịch sử Hy Lạp và La Mã.
[26] Một cú mỉa rất hãi hùng.
[27] Balzac nhắc tới Hugo (cf.
chú thích số 2); Nodier và Fourier, cũng quê Besançon, là các nhân vật rất đáng
tìm hiểu.
[28] Charles-Maurice de
Talleyrand-Périgord (1754-1838), nhân vật rất lớn của lịch sử Pháp, cả trong tôn
giáo (Talleyrand là giám mục), chính trị và ngoại giao; cf. chú thích số 1 của Một vụ việc ám muội.
[29] Tờ Gazette “lớn” mà Balzac ám chỉ là Gazette de France, cơ quan ngôn luận đặt tại Paris của phái chính
thống (légitimisme); dưới triều Louis-Philippe, phái chính thống có thanh thế rất
mạnh: “phong trào Vendée” không chỉ diễn ra ngay sau Cách mạng 1789, mà năm
1832 còn bùng nổ một lần nữa, ở quy mô nhỏ hơn, dưới sự lãnh đạo của một phụ nữ
quý tộc, đó là “cuộc nổi loạn của phe chính thống”: Balzac sẽ lấy hoàn cảnh ấy
làm bối cảnh cho tác phẩm Béatrix; ở
các địa phương ngoài Paris có một số tờ Gazette
nữa, ở đây Gazette “nhỏ” là tờ Gazette de Franche-Comté, mà Balzac biết
tương đối rõ.
[30] “Besançon bài thứ nhất”
(“premier-Besançon”) là cách Balzac nhại “premier-Paris”, tên dành cho các bài
đặt ở đầu các tờ báo Paris; Charivari
là tên một tờ báo châm biếm, trào lộng.
[31] Tờ tạp chí rất lâu đời;
trên một chuyến tàu hỏa, Marcel nhìn thấy một bà già đọc Revue des Deux Mondes và xây dựng cả một mộng tưởng dài về một mụ
chủ nhà thổ; thật ra đó là một bà quý tộc (chi tiết trong Sodome và Gomorrhe, À la
recherche du temps perdu).
[32] Đây (nói ngắn gọn: đối với
các phụ nữ đoan chính, tốt hơn hết là hãy sỗ sàng, hay đểu cáng, etc.) là một
trong các “bài học tâm lý” mà ta hay bắt gặp ở Balzac: một trường hợp rất tương
tự cặp Amédée de Soulas và bà nam tước de Watteville: nhân vật hiệp sĩ de
Valois trong La vieille fille (Gái
già), thuộc các “xen” cuộc sống ở tỉnh.
[33] Xin mời google nếu chưa biết
nhân vật này.
[34] Chi tiết “dân biểu” này rất
quan trọng.
[35] Sử gia và nhà địa lý
Scotland (1708-1770), với tác phẩm Địa dư
học được dịch sang tiếng Pháp năm 1797.
[36] Tức là bốn quy tắc do triết
gia Descartes định ra (cf. Discours de la
méthode).
[37] Balzac dường như không hề
ưa các giáo sĩ dòng Tên (Jésuite), nhưng có vẻ còn ghét phái Janséniste hơn.
[38] Tác phẩm của ông cha người
Pháp Montmignon, in năm 1808, gồm 8 tập.
[39] “Science héraldique”: bộ
môn về các huy hiệu, gia huy…; thật ra đây là niềm đam mê của chính Balzac
[40] Đề nghị google.
[41] Đề nghị google.
[42] Những cái váy mút-xơ-lin xuất
hiện trên rất nhiều nhân vật nữ của Vở kịch
con người.
[43] Trong lúc viết Albert Savarus, Balzac có liên lạc rất đều
đặn với Sand; lẽ ra George Sand phải là người viết lời tựa cho Vở kịch con người năm 1842.
[44] Rất nên xem kỹ tiểu sử
George Sand; nhất là khi, trái với điều người ta hay tưởng, ở Việt Nam không hề
có một chuyên gia George Sand nào; bá tước Maurice de Saxe (1696-1750) là thống
chế dưới triều Louis XV, có con gái ngoài giá thú tên là Marie-Aurore de Saxe,
bà của Aurore Dupin tức nhà văn nữ George Sand, chuyện này được Sand kể trong hồi
ký Histoire de ma vie (Chuyện đời
tôi); Balzac thân với Sand, và Sand là nguyên mẫu cho Camille Maupin của cuốn
tiểu thuyết Béatrix.
[45] Cf. chú thích số 3.
[46] Hay “Baalzebub”, một vị thần,
hay quỷ thì đúng hơn, trong truyền thống sémite; hình dạng hay thấy: một con ruồi.
[47] Mấy cái hộp này (tabatière)
xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm của Vở
kịch con người; có một hộp như thế trở thành chi tiết rất đáng nhớ trong Mặt bên kia của lịch sử hiện thời (phần
hai); dường như người ta đựng thuốc lá vào trong cái hộp để hít; tập quán này
còn kéo dài ở Pháp sau Balzac: nhân vật Pécuchet của Flaubert hít thuốc lá ở
“tabatière” liên tục (cf. Bouvard et
Pécuchet).
[48] Trên đây là những miêu tả
cho thấy mối quan tâm của Balzac đối với giáo dục các thiếu nữ, mà theo ông là
rất hay sai lầm; những miêu tả khá giống nằm ở Une fille d’Ève (Một người con gái của Eva), trong đó có hai chị em
nhà de Grandville, họ cũng lớn lên dưới sự giáo dục hà khắc của một bà mẹ sùng
đạo.
[49] Trưởng tu de Grancey có vai
trò rất quan trọng trong câu chuyện, kể cả trong mối quan hệ giữa hai mẹ con
nhà de Watteville.
[50] Nhiều nghi vấn đặt ra ở chỗ
này: dường như Balzac viết nhầm hai từ rất giống nhau, “cheveux” thành
“chevaux”, thành thử xuất hiện “móng ngựa” (fers de chevaux) trong đoạn liệt kê
trang phục, thay vì “kẹp tóc” (fers de cheveux) thì hợp hơn.
[51] Không rõ vì lý do gì mà ở
chỗ này đột nhiên Balzac lại viết “Souleyaz” thay vì “Soulas”.
[52] Savarus được nhắc thoáng
qua (vài lần) trong một tác phẩm lấy bối cảnh nước Bỉ: Recherche de l’Absolu (Đi tìm Tuyệt đối), thuộc các “étude triết học”.
[53] Pierre-Antoine Berryer
(1790-1868) là một trạng sư nổi tiếng, thủ lĩnh phe đối lập khuynh hướng chính
thống ở Viện Dân biểu dưới nền quân chủ tháng Bảy; Balzac có quen biết trực tiếp
với Berryer.
[54] Thật ra đây là một “avoué”
chứ không phải một “avocat” giống như Albert Savarus; hai danh hiệu này tương đối
gần nhau; gần đây, tại Pháp, chúng đã được chính thức nhập vào làm một.
[55] Sau khi đã miêu tả mối quan
hệ giữa hai mẹ con nhà de Watteville, giờ Balzac bắt đầu đi sâu vào lý thuyết
giáo dục thiếu nữ trong gia đình.
[56] Agnès trong vở kịch L’École des femmes (Trường học đàn bà);
Molière là một trong những tác giả được Balzac nhắc đến nhiều nhất trong Vở kịch con người.
[57] Gỗ vẫn còn vỏ.
[58] Thời này nhựa đường đang rất
mốt.
[59] Cf. chú thích số 25 của Viên bác sĩ nông thôn.
[60] Con kênh dẫn từ sông Rhône
sang sông Rhin chảy qua Besançon được hoàn thành năm 1833; cũng năm này, Balzac
đến Besançon.
[61] Balzac rất hay chỉ trích
tính chất quá mức tập trung của Paris trong nền hành chính Pháp, nhất là trong Les Employés (Đám nhân viên), một kiệt
tác về nền quan liêu, đi trước Stifter và Kafka.
[62] Cuộc tình giữa Balzac và bà
Hanska có rất nhiều chi tiết liên quan đến Thụy Sĩ; có thể đoán rằng không ít
điều được viết vào trong “truyện ngắn” này lấy từ các kỷ niệm tình yêu của
chính Balzac.
[63] Đây là một trong rất nhiều tình tiết câu chuyện
liên quan tới công việc chưởng khế; rất nhiều nhân vật của Vở kịch con người theo ngành này hoặc có liên quan tới việc này;
“văn phòng” của “chưởng khế” được gọi là “étude”; những miêu tả kỹ lưỡng nhất về
tập sự chưởng khế nằm trong tác phẩm Un
début dans la vie (Một đoạn đầu đời) với nhân vật Oscar Husson.
(còn nữa)
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội
IV. Albert Savarus (phần 1)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac
nhị linh đang có dự án gì liên quan balzac sao mà chăm thế
ReplyDeletecó gì phải động lòng à?
ReplyDeleteđoạn tả Albert Savaron làm mình cũng phải lòng hé hé nhưng nên in ra nhất là cho những người "thiếu tài bịa chuyện" đành phải kể tất những cái ấy của bản thân ấy
ReplyDeletethực sự là rất ấy :p
ReplyDeletenhưng thực sự là có một "quy luật" hiện lên rất rõ: Balzac "mả" nhất khi tả những người đàn ông tầm 35 tuổi
Eh oh NL, cette après-midi c'est Guyaux qui présidera, t'as pas envie de revoir ton prof ? Le colloque sur Rimbaud est magnifique en tout cas (mais je devrai quitter tôt)! Bonne journée et à plus !
ReplyDeletesavez-vous, il était membre du jury de mon DEA, j'en garde encore une grande peur :p
ReplyDeleteen tout cas, on se rencontrera un jour, c'est promis
:-) T'inquiète ! Il a tout oublié je te l'assure. D'ailleurs les Français n'arrivent pas à distinguer deux Chinois, n'en parlons pas des Vietnamiens !
Deleteđọc lần nữa lại thấy hay hơn. nhưng khi nào hoàn thiện có lẽ nhà sưu tầm sách cũ nên giúp nhà dịch chuốt các mục từ Nhà thờ đã được dịch thành canon từ đương thời với Balzac (hay sao í?) cho hĩu hiệu hơn.
ReplyDeleteyep hehe, để sẵn hai bao tải sách chú giải rồi
ReplyDeleteThese are really impressive ideas in on the topic of blogging.
ReplyDeleteYou have touched some fastidious things here. Any way
keep up wrinting.